Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

LỠ MỘT CHUYẾN ĐI XA

* Ts. TÔ VĂN TRƯỜNG
Trong thời gian tang lễ, các bài viết về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng cả trong và ngoài nước. Nhiều bài viết sâu sắc, chân tình làm người đọc rất xúc động. Chúng tôi rất quan tâm đến bài báo tựa đề  “Buổi làm việc cuối cùng” của nhà báo Huy Đức với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đăng trên báo Sài gòn giải phóng ngày 15/6, trong đó có đoạn: “Từ hơn 2 năm trước, mẩu tin ngắn “Dải băng lớn nhất ở Bắc cực đang tan ra” đã làm ông chú ý.
Chính ông cho cắt mẩu tin ấy, chuyển cho TS Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam. Ông cũng đọc rất kỹ những cảnh báo của Liên hiệp quốc về khả năng nước biển dâng cao mà Việt Nam là một trong những quốc gia có thể chịu nhiều ảnh hưởng. Ông dự định sẽ đi Hà Lan, như một thường dân cùng với một nhóm chuyên gia thân cận. Chuyến đi vừa để nghiên cứu kinh nghiệm làm đê biển của Hà Lan, quốc gia sống trong điều kiện đất đai thấp hơn mực nước biển, vừa muốn nhắc nhở Việt Nam không thể chậm trễ hơn, nghiên cứu ảnh hưởng của hiện tượng này và có giải pháp chuẩn bị sớm. Chuyến đi Hà Lan ông đã chuẩn bị khá lâu và tới lúc đó thì ông và các thành viên trong đoàn đã đặt vé…để rồi không bao giờ thực hiện được chuyến đi mà ông từng ấp ủ ấy”.
Đọc bài báo nói trên, tôi chợt nhớ, tìm lại trong quyển sổ thấy mẩu tin nhỏ xíu chỉ bằng 3 ngón tay, do ông Sáu đích thân đưa cho tôi vào cuối tháng 9 năm 2003. Trong bộ óc thông tuệ của ông chứa đựng biết bao những thông tin, tư liệu của cuộc sống nhưng vẫn không quên cả những việc tưởng chừng như rất nhỏ, đã lâu. Chính từ những việc nho nhỏ đó, ông đã suy tư và nhìn ra những việc trọng đại, lớn lao của đất nước, của dân tộc.
Kể từ khi về nước nhận nhiệm vụ, thấm thoát đã 12 năm, tôi may mắn được thường xuyên làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của ông Sáu. Ngoài tầm vóc của một trong những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, tôi nhận được ở  ông tình cảm của người cha, người chú, người thầy, người bạn lớn. Những ngày đầu, ở văn phòng cũng như khi đi khảo sát thực địa, ông thường quan tâm thảo luận các đề tài liên quan đến thuỷ lợi, nông nghiệp, thuỷ điện, giao thông, giáo dục. Tôi vẫn nhớ sau chuyến đi dự lễ khánh thành nhà máy xi măng Sao Mai trở về thành phố vào mùa mưa năm 1998, ngồi trên máy bay trực thăng, ông trao đổi, giảng giải chân tình và hướng dẫn tôi suy nghĩ sang nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội của đất nước. Chính nhờ ông, tôi được đọc nhiều, đi nhiều, viết nhiều…hiểu được phần nào những trăn trở, suy tư của ông về đất nước, con người.  
Ông Sáu mất đi, nhiều người hụt hẫng, trống vắng, riêng tôi còn day dứt, ân hận vì  chính mình đã làm lỡ ước vọng cuối cùng chuyến đi thăm Hà Lan của ông. Ông thường đề cập đất nước Hà Lan tuy nhỏ bé, ngay từ thế kỷ 17 đã phồn vinh nhờ lòng dũng cảm, kiên cường đầy mưu mẹo trong chiến đấu chống ngoại xâm (Tây Ban Nha rồi đến Anh-Pháp) cũng như xây dựng đất nước. Nhiều lần, ông bàn cùng đi Hà Lan, để khảo sát tình hình của đất nước có diện tích, dân số, điều kiện tự nhiên tương tự như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)  nhưng vì sao GDP của họ gấp hơn ta đến 40 lần !?. Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Nam bộ, ông hiểu sâu sắc về tiềm năng và các trở ngại trên con đường phát triển kinh tế xã hội ở ĐBSCL. Chỉ cần cơn bão vừa, hay một trận lũ lớn như năm 2000 cũng đã gây nên biết bao thảm cảnh, thiệt hại về kinh tế và tổn thất lớn về nhân mạng. Trực tiếp xem phim về quá trình hình thành hệ thống đê biển, cống, âu thuyền của Hà Lan, nghiên cứu tài liệu, thấy rõ sự tác hại ngày càng khốc liệt, không thể lường trước của bão lụt, mực nước biển dâng, ông càng nung nấu ý định đi Hà Lan để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phòng chống thiên tai. Trước đại hội Đảng lần thứ X, ông bị cơn bạo bệnh phải nằm viện suốt 2 tuần lễ. Chỉ vì lo lắng về sức khoẻ của người tuổi đã cao, khi bay xa hàng vạn km, dù có bác sĩ đi theo nhưng mọi việc khó lường nên mỗi lần ông nhắc đến chuyến đi, tôi đều bàn lùi với đủ các lý do khác nhau.
Những năm gần đây, linh cảm quỹ thời gian còn lại không nhiều nên ông hối hả làm việc, hết vào Nam, lại ra Bắc (riêng những ngày lễ tết, sinh nhật, để tránh ồn ào, ông thường lặng lẽ về quê). Năm 2007, đi khảo sát tình hình bão lũ, cứu trợ ở miền trung, miệt mài đến nỗi sau này ông cứ áy náy mãi vì lỡ mất cả cuộc hẹn với cựu Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun.  Gần đây, thấy bão lụt diễn ra trên thế giới ngày càng khốc liệt, lo cho dân, cho nước, ông lại nhớ về Hà Lan, để rồi cuối cùng chuyến đi được ấn định sẽ xuất phát vào 23 giờ 5 phút đêm 2/6/2008 của Việt Nam Airline từ Tân Sơn Nhất. Theo chương trình, bay đến Paris mất 12 tiếng, rồi trung chuyển qua Hà Lan. Tôi được biết nhiều vị lãnh đạo cấp cao rất quan tâm và lo lắng về sức khoẻ của ông  nhưng ông nhất quyết đi với thành phần thật gọn nhẹ, sao cho ít tốn kém và hiệu quả. Trong kế hoạch, khoảng 12 giờ 30 trưa 3/6 đoàn đến khách sạn ở  thủ đô Hà Lan, thì ngay 3 giờ chiều cùng ngày đã đi thực địa…Đau đớn thay, ước vọng cuối đời của một con người luôn vì dân, vì nước, không biết nghĩ đến bản thân mình lại dở dang không bao giờ thực hiện được.
Những ngày tang lễ, tôi không còn tâm trí và can đảm để viết về ông Sáu vì chỉ mới được vài hàng chữ thì mắt đã ướt nhoè và cổ họng như nghẹn lại. Hôm nay, tương đối tĩnh tâm, tôi muốn ghi lại những kỷ niệm, nhất là về chuyến đi dở dang cuối cùng của ông.   
Ngày 1/6/2008, thư ký của ông gọi điện nói với tôi: ”Chú bị ho, các bác sỹ điều trị ở bệnh viện Thống Nhất chẩn đoán bị viêm phổi, nên phải  điều trị ít ngày cho khoẻ hẳn. Chú nhắn anh, tối mai  cứ bay trước đi Hà Lan…” Không an tâm, khoảng 10 phút sau, tôi gọi lại, dự định hoãn vé để chờ ông cùng đi, thì được thư ký báo lại “ Chú vẫn khoẻ, anh an tâm, mùng 7/6 chú sẽ sang Pháp kiểm tra sức khoẻ sẽ báo để anh biết kế hoạch cùng làm việc ở Hà Lan. Trong trường hợp không sang kịp, chú nhắn anh cứ tiến hành công việc như đã bàn rồi khi về nước hai thầy trò sẽ thảo luận kỹ hơn…”
Ngày 4/6, ở nhà điện sang Hà Lan báo cho tôi biết ông Sáu đã sang Singapore, rồi sẽ đi Pháp, Hà Lan. Mùng 7/6 từ Hà Lan, tôi gửi email cho ông, nào đâu có biết lúc đó ông đang hôn mê vì lá phổi bên phải bị tổn thương khá nặng, tim, thận đều bị ảnh hưởng phải thở máy và dùng máy lọc thận ở nơi đất khách, quê người. Sáng ngày 11/6 đang công tác ở Born (Đức), vợ tôi từ Việt Nam hốt hoảng, nghẹn ngào, báo tin: “Chú Sáu vừa mới mất ở Singapore, đến trưa hôm nay sẽ đưa di hài chú về TP. Hồ Chí Minh…”  Cả hai đầu dây đều nức nở, rồi chết lặng vì không tin được dù đó là sự thật. Tôi vội vàng kết thúc các chương trình làm việc ở Đức để về viếng chú. Sáng ngày 13/6, vừa về tới sân bay, tôi đến ngay Bệnh viện Thống Nhất, lúc đó rất đông người. Nhờ có người cận vệ của ông Sáu đã chờ sẵn, dẫn tôi đi lối riêng vào viếng trước khi làm lễ nhập quan. Nhìn thi hài nằm bất động như khi đang ngủ, tôi chỉ còn biết nắm chặt bàn tay của ông, khóc như vỡ tung bao nỗi tức tưởi, ấm ức trong lòng và lần đầu tiên trong đời tôi gọi chú xưng con:”Chú Sáu ơi! Con đã về đây, con đợi và mong chú hoài, sao chú lại ra đi đột ngột thế này! Còn biết bao dự định, biết bao tâm sự …chú ơi!”  Thật xót xa, được biết những ngày nằm viện Thống Nhất, ông vẫn đọc và nghiên cứu các tài liệu. Đến ngày 30/5 ông còn bảo mọi người chuẩn bị thu xếp hành lý đến trưa 1/6 về nhà, để tối 2/6 đi Hà Lan. Trưa ngày 13/6 tại Dinh Thống Nhất, gặp anh Ba (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) và Hiếu Dân lại nhắc về chuyến đi Hà Lan của ông Sáu, lòng tôi càng tê tái và thầm xin ông tha thứ cho tôi.    
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, có rất nhiều bài viết tiếc thương, đánh giá công lao to lớn của ông Sáu đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Các chuyện kể, kỷ niệm về ông từ trong kháng chiến vào sinh, ra tử, bị tù đầy, vợ con ruột thịt, người thân hy sinh trong chiến tranh đến thời kỳ đầy khó khăn, trở ngại khi xây dựng đất nước lại càng kính phục, tiếc thương biết bao về bản lãnh và tư duy vượt thời đại của một con Người suốt đời sống vì dân và thực sự được lòng dân. Không phải ngẫu nhiên, Võ Văn Kiệt lấy bí danh là Sáu Dân, đặt tên con gái yêu quý là Hiếu Dân  mà ngay cả một số bài báo cũng lấy tên là Trọng Dân. Tên tuổi và sự nghiệp của Võ Văn Kiệt đã đi vào lịch sử cận đại. Có những điều ông nói, ông viết phải đến nhiều năm sau mới thấu hiểu được lẽ đời ấy. Có một sự thật ít người nói ra, không phải chỉ khi nghỉ hưu ông mới mạnh dạn góp ý với Đảng và Nhà nước. Lịch sử không  bao giờ có 2 từ “giá như” nhưng tôi vẫn ước ao, đến ngày nào đó, được phép tập hợp công bố tất cả các bài viết, những bức thư công tác của ông Sáu gửi Bộ chính trị, Ban bí thư, thường trực chính phủ và số vị lãnh đạo kể từ sau khi đất nước thống nhất (1975) đến 5/2008 để người dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ một cách có hệ thống về tầm vóc của một bộ óc vĩ đại, nhà tư tưởng chiến lược nhìn xa, trông rộng, ý chí tiến công, quyết đoán, luôn thể hiện bản lãnh của một người cộng sản chân chính suốt đời sống và làm việc vì dân, lo cho dân, cho nước.
 Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữa) đi thị sát vùng tứ giác
Long Xuyên (khu vực đầu nguồn An Giang). Nơi ông đứng (trong ảnh)
cũng là nơi ông quyết định khởi công xẻ tuyến kênh T5 và cả hệ thống
kênh thủy lợi thoát lũ ra biển Tây (Ảnh: Tuổi trẻ)
Trong phạm vi bài viết này, xin kể lại vài mẩu chuyện về tính cách đặc trưng cho phẩm chất Võ Văn Kiệt. Khi còn công tác bí thư thành ủy TP.HCM đến khi làm Thủ tướng, cố vấn hay lúc đã nghỉ hưu ông luôn biết lắng nghe, phân tích các ý kiến trái chiều, biết chấp nhận cả những ý kiến phê bình. Ông thường bảo những vấn đề hệ trọng của đất nước cần phải phát huy trí tuệ của tập thể, thận trọng cân nhắc, không được áp đặt và luôn biết đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên tất cả. Cuộc sống là “bài toán động” nên nhiều khi phải biết nhìn lại mình cho rõ hơn. Khi thảo luận, có những ý kiến khác nhau đó là lẽ tự nhiên của quy luật phát triển, là hồng phúc của đất nước biết tôn trọng dân chủ. Phải thực sự cầu thị, tôn trọng công tác phản biện mới đi đến sự đồng thuận cao và khi đã quyết rồi thì không bàn ngang phải sắn tay làm quyết liệt.
Câu chuyện về đường dây 500 KV cả nước ai cũng biết rất thành công và ca ngợi đó là công lao, dấu ấn của Võ Văn Kiệt nhưng ông bảo đó là công lao của cả tập thể, của Tổng bí thư Đỗ Mười luôn ủng hộ, thúc dục, thì mới có được như ngày nay. Sau khi khánh thành đường dây 500 KV, ông không quên người vừa có công vừa có lỗi nên đã mang huy hiệu và chai rượu vào nhà giam thăm Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải. Tôi được biết, khi ông  Ung Văn Khiêm bị kỷ luật, thời xa xưa ấy, nhiều người sợ vạ lây, xa lánh. Mặc dù một số người thân cận lo lắng, can ngăn nhưng ông vẫn công khai đến thăm vì ông cho rằng người làm cách mạng quan điểm phát triển đất nước có thể  khác nhau nhưng tình người, tình đồng chí không thể bỏ rơi đồng đội khi hoạn nạn. Đấy chính là tính cách rất sòng phẳng và nhân ái của Võ Văn Kiệt.
               Bình thường hoá quan hệ với các nước, nghe tưởng như rất đơn giản, thực ra rất phức tạp, có những cơ hội do nhiều nguyên nhân chúng ta đã bỏ lỡ... Ngay chuyện Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, lúc đó ở cấp cao vẫn còn ý kiến khác nhau. Có người vẫn bảo lưu ý kiến “không nhập”. Với tư duy, tầm nhìn biện chứng, ông hiểu rõ bất cứ lĩnh vực nào cũng có hai mặt của nó. Đây là bài toán đánh đổi “được-mất”, miễn sao cái được là lớn nhất và cái mất là ít nhất. Nếu để lỡ mất thời cơ, cái giá phải trả sau này sẽ đắt hơn, nên trên cương vị Thủ tướng, ông rất quyết đoán, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân và cử thứ trưởng Vũ Khoan bay sang Bangkok để  truyền đạt với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm quyết tâm ký kết gia nhập ASEAN. Mãi đến sau này khi được thừa nhận sự đúng đắn và kịp thời của việc gia nhập ASEAN, ông không quên, nói rõ đấy là nhờ có công lao tư vấn của anh em bên Bộ ngoại giao.  
Ông góp ý với lãnh đạo không phải chỉ toàn là những việc quốc gia, đại sự. Ngày 9/11/2006 khi đọc báo Tiền Phong có bài tựa đề “Chuẩn bị tiệc chiêu đãi phu nhân các lãnh đạo APEC”, từ kinh nghiệm của mình, ông đã viết thư ngay cho một vị lãnh đạo tâm sự, góp ý rất chân tình từ món ăn đặc trưng cho 3 miền, đến tặng phẩm và lễ tiếp, bởi vì  ông nghĩ  qua đây, thể hiện bản sắc văn hoá Việt Nam. Vừa nghĩ đến một phần quốc thể, vừa là mối quan hệ anh em, đồng chí thân tình nên ông mới quan tâm, từng chi tiết nhỏ chu đáo đến thế!
Ông Sáu rất coi trọng người dân và đánh giá cao giới tri thức trong công cuộc xây dựng chấn hưng đất nước. Ông nhìn nhận về tri thức không phải chỉ ở bằng cấp, học hàm, học vị mà là trí tuệ và sản phẩm của họ làm ra cho xã hội. Ông thích thú và cổ vũ các anh “Hai Lúa” dù văn hoá mới chỉ là tiểu học nhưng lại làm ra cầu treo, “thần đèn” di chuyển công trình xây dựng, sáng chế các máy công cụ nông nghiệp làm các nhà khoa học phải thán phục. Có lần ngồi trên thuyền vượt qua một bờ kênh bằng đường ray và cái tời do sáng kiến của người dân ở Cà Mau, ông nheo mắt, hóm hỉnh bình luận mấy anh nông dân này liệu có xứng đáng gọi là “nông dân kiêm kỹ sư”.  Ông không phải chỉ có đi nhiều để tìm hiểu thực tế mà rất chịu khó đọc, nghiên cứu, rồi thảo luận. Nhiều vấn đề phức tạp, trừu tượng cần tìm hiểu, làm rõ, trước khi thảo luận, ông thường gạch chân từng đoạn, ghi chú bằng mực đỏ. Biết lắng nghe, tôn trọng những người đối thoại, với tấm lòng bao dung, nhân từ nên ông dễ dàng bắt được hơi thở của cuộc sống. Gần đây, khi làm việc với đoàn chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) các chủ đề về kinh tế, quy hoạch, kế hoạch, chính sách Đổi mới của đất nước, mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi thấy trí nhớ  và tầm nhìn của ông vẫn sáng suốt đến lạ thường!    
 Đối với đồng bằng sông Cửu Long không phải ngẫu nhiên mà có được các thành quả kinh tế xã hội như ngày nay. Trưa ngày 14/6 nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ gọi điện cho tôi, trong cơn húng hắng ho nhẹ, anh Ngọ vẫn xúc động hệ thống lại cả quá trình hình thành tư duy và chỉ đạo quyết liệt của ông Sáu từ ngọt hoá Gò Công, đến bán đảo Cà Mau, chung sống với lũ,  thoát lũ ra biển Tây,  xây dựng cụm tuyến dân cư, và nhìn xa hơn là hệ thống công trình và phi công trình cho phòng chống thiên tai… Anh Ngọ bảo người dân Việt Nam chịu ơn ông Sáu nhiều lắm, những người có trách nhiệm cần nghiên cứu tổng kết về con người rất đặc biệt này. Tôi được chứng kiến, được đọc nhiều bức thư của người dân, của các nhà khoa học trong và ngoài nước gửi ông Sáu, trong đó có cả những người nổi tiếng là khinh bạc. Vì sao họ lại tin và trọng ông đến thế, ngay cả khi đã nghỉ hưu, không còn quyền lực! Phải chăng ngoài văn hoá ứng xử rất NGƯỜI, ở ông, người ta thấy đó là điểm tựa hay nói một cách nôm na đó là sự tin cậy, kính yêu của người dân dành riêng cho ông.    
Cuộc sống là bất phương trình chứ không phải phương trình. Trong công việc cũng như đời thường cũng có lúc ông Sáu cảm thấy bất lực, nhưng không bao giờ nản chí vì ông luôn tin vào tương lai, vận mệnh của đất nước.
Ông Sáu ơi! Thế là ông đã đi xa thật rồi. Ông có thể thanh thản vì đã làm tròn trách nhiệm của một công dân - công dân Võ Văn Kiệt. Giờ đây, ông đã về cõi thiên thu nhưng nhân dân luôn nhớ và kính trọng ông , Người có bộ óc thông tuệ không ngừng nghỉ, mang đầy đủ dấu ấn của cả 3 thì: quá khứ, hiện tại và tương lai. Không hiểu sao lúc này, tôi lại khát khao, ước ao được nghe giọng nói ấm vang, thân tình qua điện thoại: “Mày đang ở đâu đấy!” để được tiếp tục nghe ông chỉ bảo.
Một chuyến đi xa Người  lỡ hẹn
Trăm năm lòng  mãi nghĩ về Dân
             T.V.T (Tác giả gửi BVB)    
--------------                                                                  

14 nhận xét:

  1. Võ văn Kiệt là một nhân cách lớn, thứ nhân cách mà bây giờ đã hình như là của hiếm đến mức không còn nhìn thấy ở đâu nữa.

    Trả lờiXóa
  2. Thật đáng khâm phục tư duy dân chủ thoáng đãng cởi mở dám làm dám chụi trách nhiệm ,làm ra làm chơi ra chơi của mấy bác Hai lúa;Cái này hơn hẳn tư duy "...nửa cuốc nửa cò ,bay cao sợ gió lò rò lại run ..."của mấy bác so đo biện chứng !

    Hội nhập ra biển lớn rất cần tư duy tự tin cởi mở để hòa hợp và phát triển bền vững.

    Trả lờiXóa
  3. cái chuyến đi xa chung ta đã bỏ lỡ cách đây 60 năm. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, đáng lẽ hai miền tập trung phấn đấu xây dựng một nước "Việt nam dân chủ cộng hòa" với mục tiêu: Độc lập- Tự do- Hạnh phúc"; Vì lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa, chúng ta đã không có độc lập đúng nghĩa; vì tinh thần quốc tế vô sản chúng ta đã lao vào một cuộc chiến "nồi da nấu thịt" hơn 20 năm. Chấm dứt cuộc chiến "ý thức hệ" chúng ta lại đương đầu với các đồng chí anh em láng giềng cùng chung ý thức hệ. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải thấy chúng trả giá quá đắt cho ý thức hệ "Cộng sản". Cái bánh vẽ "Đồng chí, anh em" cùng tiến lên Chủ nghĩa xã hội đã bộc lộ chứa đầy độc dược. Quanh chúng ta, chỉ có những nước với ý thức dân tộc mạnh mẽ, với quyết tâm xây dựng một nền cộng hòa, dân chủ đích thực đã phát triển như vũ bão. Hãy thay đổi khi chưa quá muộn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý này hay . Nếu không sau 54 , thì Ít ra là sau 75 .

      Xóa
  4. Nếu như sau khi kết thúc chiến tranh với Pháp chúng ta không bị cuốn vào CỐI XAY THỊT HỆ TƯ TƯỞNG ,thì có lẽ VN bây giờ cũng không thua kém HÀN hoặc NHẬT

    Trả lờiXóa
  5. Rất nhiều người tôn kính và yêu thương Võ Văn Kiệt bới công lao của ông
    Nội các ĐCS VN càng về sau càng tệ hại hơn. Việt Nam tôi đâu ???!!!

    Trả lờiXóa
  6. Cối xay thịt hệ tư tưởng đâu phải do Vi-Xi gây ra,do cấp tiền viện trợ để nhập khẩu máy chém đấy chứ,mỗi chiếc nặng 2 tấn thép,cả bầy kéo lê khắp miền Nam đấy chứ.
    So với Nhật chi cho buồn,đầu thế chiến 2 Nhật văn minh đến mức MỸ còn thua,họ sản xuất máy bay,tàu sân bay....bây giờ dân ta còn bàn sản xuất ốc vít, cái võ điện thoại di động...khi mà chưa hề thiếu cái HỘI nào.
    So với HÀN chi cho đau lòng MẸ.Dân họ chả quan tâm ba thứ linh tinh,nó sản xuất cả con "CHÍP " bán cho cả thế giới.khi hôm nay các bộ bàn sản xuất con cá con tôm không nhiễm khuản,dư lượng kháng sinh...bàn không ra,bí tiền thu phí đường đi cả xe máy,kiếm vài nhìn tỷ năm xài.
    Xin lỗi nhé ,chả hệ tư tưởng nào cả,cần thì mượn tạm vậy thôi,bên đó nhận tiền đâm thuê chém mướn,lại thêm thưởng,thì bên này dùng gậy gộc tầm vông chông tre bẩy thò chơi lại.Bên ấy bắt bỏ bao bố ném sông thì bên này chơi dây tróng lại thôi.
    Nay thì xóa ba cái vụ này đi.
    Nói về Bác Kiệt,Bác thì chính thức học lớp ba trường làng thôi,nhưng theo cách mạng miết nên bác cũng học tương đương đại học đấy,không gióng như bây giờ họ chỉ đến trường chứ thật chả học,nhưng có bằng thật.Vợ cũ của tôi,bạn thân của tôi có học đâu thậm chí không đến lớp cứ có bằng,khi mà tôi học hộ và thi hộ lươn có sao đâu. Do vậy mà làm cái chi chi vì cái chi chi.
    Bác Kiệt là chiến sĩ nên bác mới cho bọn cò đo ván liên tục,chú Dũng cũng vậy nhưng bị kém vì chỉ quen chích ,băng bó,xịt sát trùng...nên cò đẻ ra cò quá nhiều,đến mức qui định bán bia nơi có nhiệt độ dưới 30độ C.
    Một nước phải có dân chủ,một dân tộc phải đoàn kết...Bác KIỆT thực hiện được 2/3 việc này.Ngày nay nước TA còn lại được chỉ có "DÂN - ĐOÀN ",Phải lên log đòi cho được " CHỦ - KẾT ",thế thôi.
    Chả AI cho không cái gì,mua bán còn ỏng ẹo chán kia mà.
    Công Sơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Công Sơn ơi chú ngu đến bây giờ à ? Cái chuyện máy chém ở miền Nam là hoàn toàn bịa đặt đúng theo kiểu '' nói láo không biết ngượng mồm, nói láo như phường vô học, lưu manh'' ( lời tướng Trần Độ ). Thử hỏi ngay những người CS sống ở miền Nam thật sự xem có máy chém không nhá.

      Xóa
  7. đọc cứ dư lạc vô mê hồn trận
    đó là cái hay & thế mạnh của CSon

    Trả lờiXóa
  8. Người khốn khólúc 23:31 7 tháng 10, 2014

    Các ông nói ít thôi tôi đau đầu lắm,thằng lú thì chửi thằng x thằng x nói xấu thằng lú ,tôi biết tin thằng nào giải phóng bốn mươi năm rồi tôi thương binh hai trên bốn bố vẫn đói

    Trả lờiXóa
  9. Trích: "Cuộc sống là “bài toán động”"

    Nhưng lại luôn luôn có (bất động) điều 4 hiến pháp,. Qua điều đó, "lực lượng lãnh đạo nhà nước", ngồi xổm trên đầu người dân VN, có quyền ra lệnh, bắt các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp, làm theo yêu cầu của "lực lượng lãnh đạo nhà nước"!

    Trả lờiXóa
  10. Tiếc thay Việt Nam chỉ có 1 Võ Văn Kiệt mà thôi... hôm nay xem các bài nói về câu nói Đập chuột sợ vỡ bình quý của TBT Trọng .... so với nhân cách ông Trọng và ông Kiệt ... sao mà xót xa quá ! ! !

    Trả lờiXóa
  11. Độc tài, tham nhũng, nói một đàng, làm một nẻo, nói dối quanh, bệnh thành tích, ...sẽ còn hoành hoành trên đất nước này . Có lẽ phải mất vài ba chục năm nữa.

    Trả lờiXóa
  12. Bài viết hay, rất xúc động về vị Thủ tướng của nhân dân. Nếu ông Kiệt có toàn quyền thì đất nước ta đâu đến nỗi như ngày nay

    Trả lờiXóa