Trang BVB1

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

> Viết tiếp chuyện LÃO XẨM VỈA HÈ

Ảnh minh họa
* MINH DIỆN
            ... Khi chia tay dưới gốc bàng, phố huyện, Ruỹnh hẹn tôi sẽ đến nhà chơi, nói chuyện tiếp. Đúng hẹn, chiều hôm sau Ruỹnh kéo một nhóm bạn bè cựu chiến binh đến nhà tôi.
Nhìn nhau ứa nước mắt. Ruệ về hưu năm 1989, cấp bậc thiếu tá; Thăng vể hưu 1990, trung tá, Hải ra quân 1978 thiếu úy, Huy ra quân 1977 trung sỹ, Nghi ra quân 1978 thượng sỹ và Hưu ra quân 1976 trung sỹ. Hai mươi ba chàng trai ra trận ngày nảo, giờ còn chín người đầu bạc, răng long  trong đó bốn là thương binh.
            Già nhất là thượng tá Phạm Lâm đã bước sang tuổi tám mươi. Anh  ăn mặc chỉnh tề, gắn quân hàm, quân hiệu đàng hoàng như đi đại lễ.
               - Bốn mươi năm mới gặp nhau, phải tươm tất một tý! Biết đâu đây là lần cuối cùng anh gặp các chú?
                Thượng tá Phạm Lâm nói thế, nước mắt ầng ậng.  Nhìn thượng tá Phạm Lâm hôm nay, bỗng nhớ  hình ảnh người  đại đội trưởng oai phong lẫm liệt ngày nào!
                 Bốn  mươi bảy năm trước, ngày 20-3-65, sau khi  nhập ngũ, chúng tôi được bổ sung vào Đại đội 4, Tiểu đoản 2, Trung đoàn 239,  trung úy Phạm Lâm làm đại đội trưởng. Bấy giờ Phạm Lâm  34 tuổi. Cuộc đời anh có một bước ngoặt lịch sử: Năm 1948 mới 17 tuổi  anh  đi lính  cho Pháp, năm 1949 anh cầm đầu một nhóm bỏ đồn về với cách mạng, được phong chức vụ tiểu đội trưởng, tham gia chiến dịch Biên giới, rồi Điện Biên Phủ. Phạm Lâm vẫn giữ tác phong của một quân nhân được rèn luyện chính quy trong quân đội Pháp, duy trì kỷ luật rất nghiêm.
                 Lần đầu tiên tiếp xúc với chúng tôi, trung úy Phạm Lâm đeo khẩu súng k54 hơi trễ, bụng thon, vươn cái ngực nở căng về phía trước, bước đi oai vệ nhìn  đơn vị  xếp hàng ngang hô:
                - Nghiêm!
                Và tuyên bố dõng dạc:
                - Bắt đầu từ giờ phút này các anh là lính ! Quân lệnh như sơn hiểu chưa?
                 Chúng tôi  gân cổ lên gào thật to:
                 -Rõ! Rõ! Rõ! Đúng ba lần.
                 Sau đó đại đội trưởng nói với mấy đứa đồng hương chúng tôi:
                  - Bọn mày đừng làm xấu mặt dân Thái lọ nghe chửa!
                  Từ Tam Nông, Phú Thọ, chúng tôi hành quân sang Hòa Bình, đóng quân trong  bản người Mường, bên dòng sông Đà. Bốn giờ chiều hàng ngày, khoác ba lô, đeo  súng và vác  những chiếc xẻng công binh to đùng ra bến sông.  Những chiếc xe Zin ba cầu , cõng những khoang thuyền sắt ra bến, tời những khoang thuyến sắt  xuống sông. Đó là loại khí tài vượt sông TPP của Liên Xô, đã xử dụng từ chiến tranh thế giới lần thứ 2.

                Chúng tôi  ba người một khoang, tác nghiệp dàn dầm lát ván, nối những khoang thuyền sắt lại,  thành  cầu trọng tải 16 tấn,  hoặc  phà 35 tấn, chở xe pháo vượt sông. Đêm nào cũng  lặn ngụp  dưới dòng sông chảy xiết, đục  ngầu, gò lưng  khiêng vác từng tấm ván nặng gần một tạ,  hì hục xoay ra xoay vào  những chiếc bu lon. Khi khoang thuền cuối cùng được hàn khẩu, chiếc cầu phao nối hai bờ sống ,thì tiếng gà rừng đua nhau gáy. Chúng tôi ngồi trên mũi thuyền vừa nhai ngấu nghiến vắt cơm chấm muối vừng vừa nhìn những chiếc xe kéo pháo cao xạ lăn bánh trên sóng nước dập dềnh. Chiếc xe cuối cùng rời bến, chúng tôi lại hì hục tháo từng khoang thuyền, tời lên xe, mang dấu vào rừng sâu.  
                 Ngày 27-7 năm ấy, sau một đêm bắc cầu , chúng tôi ngủ lăn  lóc trong những căn nhà sàn ngai ngái mùi măng nướng của người Mường. Bỗng tiếng còi báo động rúc liên hồi. Mắt nhắm mắt mở chúng tôi vồ lấy súng lao ra  công sự . Trung đội trưởng  Phúc, người Nghệ An, lùn tịt, đứng  cạnh tôi, giọng trọ trẹ hô:
                 -Tất cả sẵn sàng chiến đấu!
                 Theo  hướng tay trung đội trưởng, chúng tôi chĩa nòng súng về phía nông trường Thanh Sơn, cách khoảng ba cây số, tiếng bom, tiếng máy bay đang gầm rú. Bỗng một chiếc máy bay phản lực F105 bay ngay trên đầu chúng tôi. Vòng thứ nhất nó  bay hơi cao, vòng thứ hai thấp hơn và vòng thứ ba, nó đen trui trũi , bay sát rạt ngọn cây.
                  - Bắn!
                  Trung đội trưởng Phúc hô và chém bàn tay xuống.
                  - Đoàng, đoàng, đoàng…Nhũng loạt súng Ak vang lên.
                  Chiếc F105 bay mất hút, chả biết có sây sát gì không?
                   Vừa im tiếng máy bay, tiếng súng,  đồng bào Mường rùng rùng bỏ  nhà cửa, trâu bò , lợn gà lại, bồng bế nhau vào rừng, khuyên can  thế nào cũng vô ich. Họ bảo:
                  - Máy bay Mỹ như hùm như cọp, bộ đội trêu tức nó, nó sẽ quay lại giết hết người Mường!
 
                Cấp trên yêu cầu kỷ luật thật nặng ai ra lệnh nổ súng. Chính ủy trung đòan  trực tiếp xuống đại  đội điều tra. Trước mặt chính ủy, trung đội trưởng Phúc chối bay chối biến rằng mình không ra lệnh mà chiến sỹ vô kỷluật nổ súng.  Ngay từ thời chiến tranh  đã có những kẻ tranh công đổ lỗi như vậy rồi.  Nhũng thằng  tân binh chúng tôi co rúm người lại vì sợ kỷ luật. Bỗng đại đội trưởng Phạm Lâm ra lệnh tập họp bốn hàng ngang. Anh đứng nghiêm, ngực ưỡn về phía trước hô dõng dạc:
                    - Nghiêm!
                    Rồi bằng một động tác xoay người rất dứt khoát, Phạm Lâm hướng về phía chính ủy:
                   -Báo cáo đồng chí Trung tá chính ủy Tô Hoán, tôi trung úy Phạm Lâm Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 239, đã ra lệnh cho bộ đội bắn máy bay Mỹ , sẵn sàng nhận  kỷ luật !
                    Ngày hôm  sau trung úy Phạm Lâm bị điều sang đơn vị  khác .
                    Bảy năm sau, tôi mới gặp lại anh  ở miền Đông Nam Bộ, trong chiến dịch Nguyễn Huệ. Anh nói hồi ấy anh chuyển sang Trung đoàn 1506, và đi B2 luôn. Anh cho biết thằng Khang ,con trai lớn của anh cũng là lính công binh hiện đang ở miền Đông nhưng bố con chưa gặp nhau.
                   Sau giải phóng  Phạm Lâm làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 25, tham gia chiến đấu ở Campuchia, bị thương thêm một lẩn nữa, năm 1985,  anh về hưu. Theo chế độ, anh được cấp 10 bao xi măng, 10 tấm tôn, một  giường cá nhân.  Cái giường anh cho ông bảo vệ trường học, còn 10 bao xi măng và 10 tấm tôn mang đổi lấy cái khung xe đạp i-nok và 10 mét vải hoa cho vợ .
                  Đêm trước ngày ra Bắc, anh ngồi tâm sự với tôi đến  khuya. Sau 36 năm cầm súng, trải qua ba cuộc chiến tranh, bốn lần bị thương, giờ về quê với cái ba lô như ngày ra đi, lòng nặng trĩu âu lo,vì thằng Khang, con trai  anh vừa nhận quyết định  phong quân hàm trung úy, làm đại đội trưởng, được điều sang mặt trận 479 ở Bát-đom-boong vô cùng ác liệt, nơi anh anh từng trải qua .
                - Cháu nó hy sinh tháng 12 năm 1988 các chú ạ! Hơn ba chục tuổi đầu chưa kịp lấy vợ !
                Thượng tá Phạm Lâm thông báo với chúng tôi ngắn gọn như vậy về đứa con trai. Chúng tôi đứng lặng  trước người đại đội trưởng cũ của mình.Nắng chiều hắt vào những gương  mặt xạm đen già cỗi, chi chít những nếp răn sâu hoáy, những mái tóc gần bạc trắng.
                   Thằng cháu tôi xuống ao băt được mấy con cá trắm cỏ, vợ tôi ra chợ mua hai con gà ... Chúng tôi xúm nhau  làm cỗ cúng anh em bạn bè đã hy sinh.
                  Vừa vặt lông gà , Ruệ vừa hỏi tôi:
                 -Ông còn nhớ mình chôn thằng Hiền ở trạm 35 không?
                - Quên thế nào được?
                 - Mộ nó bị chìm dưới lòng hồ thủy điện rồi?
                  Hồi ấy giữa mùa khô, chúng tôi trên đưởng hành quân vảo chiến trường.  Hiền bị sốt rét hai tuần liền vẫn cố bám đơn vị nên kiệt sức.  Đến bãi khách 35, Hiền nói với tôi và Ruệ:
                 - Ước gì được miếng chả bắc nồi rang mà ăn chúng mày nhỉ?
                    Nghe Hiền nói , thằng Ruệ cáu:
                   -Mày tâm thần hả? Mắm ruốc còn đéo có mà ăn!
                  -Tao thèm thịt quá ! Thằng Hiền nói , nước nhãi chảy ra.
                   Quê tôi ngày giỗ, tết người ta lấy thịt lợn ba chỉ tẩm mật ong và trứng gà  lót lá chuối đặt vào lòng chảo  nướng trên lửa than. Miếng thịt bọc trong lớp trứng vàng ươm  thơm  nức  mùi mật ong và lá chuối . Người ta gọi đó là chả bắc nồi rang. Bây giờ giữa Trường Sơn,  mắm ruốc còn không có mà ăn lấy đâu ra chả Hiền ơi!
 
                   Chiều lòng Hiền, tôi  rủ Ruệ xách súng vào rừng xem có kiếm được con gì không.  Hai đứa đi mãi bỗng phát hiện  một lạch nước nhỏ dưới khe suối chảy róc rách,  nhìn kỹ thấy có những vun mỡ nhợt nhạt đang trôi. Có lẽ ai đó trên đầu nguồn bắn được con cầy, con cáo đang mổ thịt để những vụn mỡ trôi theo dòng nước. Tôi và Ruệ ngồi bệt xuống,  lấy tay với từng mẩu, từng mẩu mỡ bỏ vào Ăng gô, chạỵ về.
                  -Hiền ơi! Dậy chúng tao làm chả bắc nồi rang cho mà ăn!
                   Ruệ lay võng Hiền goi:
                  -Hiền ơi dậy!
                   Không thấy Hiền trả lời, lật chăn ra thấy Hiền đã chết rồi, mắt vẫn mở, da xám ngắt, một dòng nước nhãi   còn đọng trên khóe mép.
                   Ruệ đá văng cái  Ăng gô, những vụn mỡ tung  tóe , thét lên:
              - Này thì mỡ này!
               Chúng tôi lấy chiếc tăng  che mưa gói xác Hiền  chôn  cạnh bờ suối, bê mấy hòn đá to đè lên ,đề phòng kỳ đà moi xác.
                Bây giờ Hiền chìm xuống lòng hồ thủy điện? Hiền ơi có linh thiêng về đây với chúng tôi!
               Hai mâm cỗ chúng tôi làm có món chả bắc nồi rang. Ngày ấy trước lúc chết Hiền nói thèm ăn chả bắc nổi rang! Cậu thèm hay nói gở hả Hiền?
                 Chúng tôi đặt  bàn thờ ở giữa sân, mỗi người cầm một nén nhang hướng vào bàn thờ. Thương tá Phạm Lâm sửa sang lại quân phục, châm ba nén nhang, cắm vào bát nhang, rồi ưỡn ngực lấy hết sức hô:
              - Nghiêm ! Chào!
              Chúng tôi đưa tay chào theo nghi thức quân đội. Ruỹnh phải kẹp cái nạng vào nách để một tay cầm nhang, một tay giơ lên chào. Thượng tá Phạm Lâm vái ba vái rồi nói dõng dạc:

              - Hôm nay, ngày 25 tháng 10 năm 2012, chúng tôi là đồng đội của các đồng chí,  họp mặt tại đây để tưởng nhớ các đồng chí, và hồi tưởng lại những năm tháng gian khổ nhưng đầy hào sảng của dân tộc. Linh hồn các đồng chí linh thiêng hãy về đây cùng chúng tôi vui tình đồng đội bên nhau…
              Mặt trời lụi dần, để lại một rẻo mây màu mỡ gà hoe vàng trên ngọn cây đa đầu làng, nơi ngày xưa chúng tôi tập trung trước khi nhập ngũ. Không biết có phải linh hồn bạn bè đống đội đang tụ hội lại đó theo lời mời của thượng tá Phạm Lâm không? Chúng tôi hướng lên đám mây màu mỡ gà nói thầm với những người đã khuất:
                       Chiều chiều trông ráng mỡ gà
                        Hỡi  hồn thiêng ở nẻo xa tìm về!
Trong không khí trang nghiêm, tôi  đọc bài thơ “Ký ức” vừa sáng tác:
                      Ta bỏ bầy sáo sậu
                      Trên cành đa chín mồi
                      Bỏ que khăng lỗ đáo
                      Bỏ chỗ hẹn chân đồi!

                               Ta bỏ ngọn đèn khuya trang sách,
                                Bỏ bàn tay nắm vội hôm nào
                                Bỏ ước mơ giảng đường đại hoc
                               Bỏ cả lá thư nắn nót chưa trao!
            Nhận khẩu súng ta làm người lính chiến
             In dấu chân khắp nẻo đường xa
             Một thế hệ  không có nhiều lựa chọn
             Bởi chiến tranh gõ cửa từng nhà!

             Bàn tay ta bao lần vuốt mắt,
             Vùi nông những người lính măng tơ!
             Mặt ta đanh lại như thớ đá
             Tâm hồn tàn lụi ước mơ!
              Ngày, đêm, năm, tháng, tháng năm qua
             Thời gian nhập nhòa khói lửa
             Vô tình nhìn mảnh gương vỡ
            Bâng khuâng già nửa cuộc đời!

             Ta về gốc đa tìm con sáo sậu
             Bây chim sáo đã sang sông sông,
             Ra chân đồi tìm que khăng lỗ đáo
             Khói sương mờ mịt trắng đồng
                          Ôi những người đồng đội!
                          Hãy về uống chung ly rượu đắng cay
                          Xin đừng khóc! Bạn ơi xin đừng khóc!
                          Hãy cười lên! Dù nước mắt vơi đầy!...
               Chúng tôi trải chiếu ngồi quây tròn bên mâm cơm.
               Ruỹnh nói:
              - Cho đến bây giờ cứ nhắm mắt lại là tôi lại thấy những hình ảnh ở cao điểm 1059 Vị Xuyên hiện lên. Ngày 2-4-1984 bọn Trung Quốc bắt đầu pháo kích. Chúng  nó bắn liên tục suốt 26 ngày đêm, bắn  như đổ đạn xuống cả khu núi đất, hang dơi, suối Thanh Thủy. Ngày 24 chúng bắt đầu  ổ ạt tấn công với lực lượng áp đảo. Chúng tưởng xơi tái tụi tôi, vì lực lượng ta  quá mỏng , chỉ còn hơn hai trăm quân. Nhưng mười tám này sau chúng mới chiếm được cao điểm, để hai đại đội chốt giữ. Ngày 12-6 ta tổ chức phản công tiêu diệt gọn . Nhưng hai ngày sau, chúng pháo đích dữ dội trúng đội hình của ta,rồi tràn lên tái chiếm .Chúng tôi nghe nói có kẻ phản bội Tổ quốc, bán rẻ xương máu đồng đội nên quân Trung Quốc mới chiếm được cao điểm 1059.
                Thương tiếc đồng đội, Ruỹnh đã viết bài hát xẩm, và thấm thách mò lên tận Nghĩa Trang Vị Xuyên hát cho các liệt sỹ nghe. Ruỹnh kể, sau khi hát, nghe tiếng gió rít trên những hàng mộ bia, như tiếng réo gọi của đồng đội vậy.
               Thượng tá Phạm Lâm giục:
               - Chú hát đi! Anh gõ phách.
              - Xin tuân lệnh!
               Ruỹnh đưa phách cho anh Lâm, và đặt bầu nhị lên cái chân cụt. Sau mấy đường nhị réo rắt, tiếng Ruỹnh cất lên:              
                   Các anh nằm dưới đất này!
                    Bốn bề hoang vắng, cỏ cây héo tàn
                    Trời xanh, mây trắng, rừng hoang
                    Ba ngàn nấm mộ thẳng hàng quân nhân
                    Những người con của nhân dân   
                    Không hề luyến tiếc tuổi xuân cuộc đời
                    Các đồng đội mến thương ơi
                    Có còn nghe tiếng ngút trời xung phong?
                   Than ôi, xác chết chất chồng,
                   Máu tươi đỏ thắm ngập trong chiến hào
                   Có nghe những tiếng thét gào
                  - Mẹ ơi con nóng lắm!
                   - Mẹ ơi con nóng lắm! Lứa thiêu con rồi!
                   Có nghe đạn nổ bom rơi
                  Bão dông cuồn cuộn  ngút trời Việt –Trung
                   Ta mang dòng máu Lạc Hồng
                  Trước quân cướp nước quyết không cúi đầu
                                    Bạn ơi giờ ở nơi đâu?
                             … bạn ơi giờ ở nơi đâu?
                          Phơ phơ bạc trắng mái đầu mẹ trông!
              Có tiếng xe máy ầm ầm, rồi một tốp phóng thẳng vào sân.
              Một thằng hùng hổ quát:
                          - Thơ ca đâu, gô cổ lại!
              Tôi nhận ra thằng Kiểm, phó công an xã. Mặt nó  phừng phừng, miệng thở hắt ra toàn hơi bia. Kiểm có họ xa với tôi, là con  anh Khoát, cùng nhập ngũ  với chúng tôi, đã  hy sinh ở chiến trường C.
              Kiểm nhìn thấy  tôi mặt dịu lại. Tôi hỏi :
              - Có chuyện gì vậy Kiểm ?
               Kiểm đưa mắt nhìn thượng tá Phạm Lâm, nói trống không:
              - Đang  ăn cưới, nghe dân báo có một nhóm tổ chức đọc thơ ca hò vè chống chế độ !
              Chúng tôi kéo Kiểm ngồi xuống, nói cho  nó nghe việc chúng tôi gặp nhau làm lễ tưởng niệm những người bạn hy sinh trong đó có bố nó.  Kiểm  không nói gì, gục gặc đầu, đứng dậy chào qua quýt bỏ đi.
               Ruỹnh nói:
              - Đi nhậu tiếp đấy! Cưới xin mẹ gì ? Ở quê bây giờ, cán bộ xã chiều nào cũng nhậu. Bọn nó bắt các doanh nghiệp trên địa bàn chia nhau bao  nhậu. Xã có  mấy cái  doanh nghiệp nhỏ bằng lỗ mũi mà phải chia nhau bao đồng mỗi tuần đủ bảy bữa nhậu.
              - Sao vô lý thế ?
              - Bao nhiêu cái vô lý, đâu chỉ một ? Muốn yên thân thì phải è cổ ra mà chịu! Ông không thấy thằng Kiểm ban nãy nó quát à? Hơi tý là nó đòi gô cổ lại chứ không nói chơi đâu?
                Tôi không ngở quê mình bây giờ như thế. Một đứa con liệt sỹ, với cái chức phó công an xã, quyền hành nhỏ xíu như cái móng tay mà hách dịch, lộng hành hơn quan huyện thời phong kiến, động tý là đòi gô cổ người ta lại. Nó chẳng những không coi dân không ra gì, mả đối với những người từng là đồng đội của bố mình cũng vậy. Hình như tụi nó tiền bạc, ăn chơi xả láng là mục đích cuộc sống? Không khéo bao nhiêu công lao, xương máu của cha anh chúng nó đem đổ xuống sông, chứ đừng nói cái thế lực thù địch nào phá hoại, mà do chính con cháu mình -những đứa như thằng Kiểm - lật đất đổ đi cũng nên!? Nghĩ xót quá !
               Thăng kể ở thôn Thượng có anh Trọng, làm trang trại nuôi ba ba. Thỉnh thoảng  bọn cán bộ xã  huyện lại  đến mua  ba ba thịt, chọn toàn loại hai kí trở lên. Mua theo kiểu ký sổ, không trả tiền.
               Một hôm thằng Luân, trưởng phòng nông nghiệp huyện,  đến mua một lúc 5 con . Anh Trọng bắt 5 con ba ba xâu một dây, nói với Luận:
             - Bác nợ em sáu triệu rồi! Hôm nay bác thanh toán nợ cũ rồi nhận ba ba?
              Trưởng phòng Luận nói:
             - Gộp vào lần sau thanh toàn luôn ?
              Trọng năn nỉ:
              - Bác thông cảm em hết vốn rồi!
              - Địt mẹ mày ! Hết vốn thì dẹp mẹ nó trang trại đi!
               Luận giật xâu ba ba xách đi. Trọng vừa tiếc của vừa uất ức, giơ tay tát Luận một cái, giật xâu ba ba lại. Luận thọc ngón tay vảo mũi cào cho máu chảy ra  rồi gọi điện thoại kêu Kiểm đến trói Trọng giải đi.
               Trọng bị đưa lên huyện, tạm giam với mấy thằng đầu trộm đuôi cướp. Trọng không nộp tiền “nhập môn”, bị bọn “ma cũ” phạt chăn kiến. Chúng  vẽ cái vòng tròn “Tề thiên” trên nền nhà, bắt Trọng chăn đàn kiến mười con. Hễ  để một con chạy ra khỏi vòng “Tề thiên” là ăn một đấm, để chết  một con, ăn hai đấm, mất  một con ăn ba đấm. Sợ quá, Trọng nhắn tin ra, vợ Trọng vay hai chục triệu  đưa cho Kiểm, Trọng mới được thả. Trọng phải bán trang trại lấy tiền trả nợ rồi lên Hà Nội làm thuê.
              Mấy ly rượu đắng ngắt vỉ những chuyện buồn. Ruỹnh cất tiếng hát :
                   Ngổi buồn lại trách ông xanh
            Khi vui lại khóc buồn tênh lại cười
                   Kiếp sau xin chớ làm người
            Làm cây thông đùng giữa trời mà reo
                     Giữa trời vách đá cheo leo
            Ai mà chịu rét thì trèo với thông !
                                                              25-10-2012
                                                                    M. D
--------------------          

8 nhận xét:

  1. Đọc đoạn cuối bài này thì hiểu hơn tại sao bác Minh Diện đã gác bút rồi lại phải lấy bút ra. Người có lương tâm không thể im lặng trước thực trạng của đất nước.

    Trả lờiXóa
  2. Gần hai mươi năm vắng bóng anh trên văn đàn cứ tưởng anh đã bỏ mặc nhân tìn thế thái , bấy giờ anh trở lái với ngòi bút bình tĩnh đầy chất nhân văn . Chúc anh mạnh khỏe. Chúc blog đại tá quân đội có nhiều cây bút và bài báo tâm huyết

    Trả lờiXóa
  3. TÔI ĐÃ KHÓC KHI ĐỌC NHỮNG TRANG VIẾT NÀY. RẤT THẬT, TÔI HÌNH DUNG NHƯ ĐANG NGỒI TRƯỚC CÁC BÁC VẬY. CÁM ƠN HAI BÁC QUÂN ĐỘI-NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG NGỤ VỚI BỐ TÔI(Trần Vĩnh Hưng , Đông Quan , Thái Bình)

    Trả lờiXóa
  4. Hỡi các nhà văn chân chính, toi rât kinh trong và yêu quí cac anh.Cảm ơn anh Bồng và anh M.D

    Trả lờiXóa
  5. Anh Diện ơi, đọc bài của anh tôi lại thấy ghét mấy trăm ông đang ngồi họp cái cuốc hội, cuốc hè gì đấy, ghét nhất là mấy ông ngồi ghế đầu. Tại sao Đảng ta lại sinh ra những con người "lạc mất linh hồn" nhiều đến vậy???Bài rất hay, rất buồn nhưng không luỵ. Hãy chiến đấu cho cái tốt lên ngôi. Cảm ơn các anh.

    Trả lờiXóa
  6. VÔ CÙNG KÍN TRỌNG CÁC ANH!

    Trả lờiXóa
  7. cháu mong có bài của bác MD để đc đọc thường xuyên. chúc bác mạnh khỏe.

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn các chú. Đoc vừa xúc động, vừa tức ứa máu.

    Trả lờiXóa