Trang BVB1

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

> LUẬT BIỂN VÀ TRÁCH NHIỆM CHÍNH TRỊ VỚI ĐẤT NƯỚC

Nhiều nghi vấn: "Phải chăng Hội nghị Thành Đô 1990
là sự quá cả tin ở 'người' mà thỏa hiệp xuôi chiều -
Cái nguyên do để tự làm mất
 trọn vẹn độc lập, tự chủ, tự quyết của dân tộc?".

* Bùi Văn Bồng

            Sáng 19/11, trong buổi khai mạc Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 4, tại TP HCM, Phó Giáo sư Ramses Amer, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Stockholm (Thụy Điển), đã trao đổi với các nhà báo về vấn đề biển Đông. Ông nói: “Theo tôi nghĩ, muốn hình thành một đối sách với nước nào đó, trước tiên phải biết người ta thực sự nghĩ gì, muốn gì”…
       Hôm mới đây (17/11), ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, đã sang  sang Bắc Kinh chúc mừng Đại hội đảng CS Trung Quốc thành công. Nhân chuyến đi này, ông Hoàng Bình Quân đã có cuộc gặp với ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị kiêm Bí thư Ban Bí thư Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc. Ông Lưu Vân Sơn nói rằng ông đánh giá cao mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản Việt-Trung và sẽ cùng Việt Nam duy trì đường hướng phát triển đúng đắn mối bang giao song phương và phát huy đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước (?!).
     Đáp lại, ông Hoàng Bình Quân nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng bắt tay với Trung Quốc để tăng cường tin cậy lẫn nhau, phát huy hợp tác, và đẩy quan hệ đôi bên lên một tầm cao mới.

       Dù giới lãnh đạo hai nước Việt-Trung liên tục khẳng định quyết tâm thắt chặt hữu nghị giữa đảng và chính phủ hai nước, tranh chấp chủ quyền đôi bên chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong mọi tình huống và hoàn cảnh, Trung Quốc chỉ muốn mọi vấn đề tranh chấp biển Đông giải quyết song phương, không chấp nhận các cuộc tiếp xúc đa phương. Điều này càng bộc lộ Trung Quốc rất ái ngại khi thấy các nước Đông Nam Á đoàn kết lại, tạo thành sức mạnh cùng đấu tranh giữ chủ quyền lãnh hải trên biển Đông. Tách ra, chỉ gặp gỡ sông phương là mưu chước “bẻ từng chiếc đũa”, dễ dàng dùng mọi thủ đoạn ngon ngọt, dụ dỗ, cài bẫy để thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông, khi cía “lưỡi bò” đã liếm tận vùng biển nội thủy của Malaysia. Trước thực trạng đó, lãnh đạo các cấp ở Việt Nam cần không ngừng nâng cao cảnh giác, nâng cao trách nhiệm chính trị với đất nước, dù quan hệ trên tinh thần nào, cân đối khéo léo ra sao cũng rất cần thường trực ý thức cảnh giác, không để cho láng giềng tranh thủ, lôi kéo, kiên quyết thực hiện nghiêm Luật biển Việt Nam khi chỉ còn hơn một tháng nữa là Luật biển Việt Nam có hiệu lực.
Ai cũng nhớ, ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật biển Việt Nam đã được ban hành. Đây là sự thống nhất cao của Quốc hội, với sự khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền, lãnh hải quốc gia. Tính dân tộc đã được thể hiện ở tầm cao mới, qua việc ra được Luật biển trong bối cảnh tranh chấp biển Đông ngày càng phức tạp hiện nay. Cho dù đã bị muộn so với Liên Hiệp Quốc ban hành Công ước Biển 1982, nhưng việc thông qua và ban hành Luật biển đã thể hiện được sự mong đợi của toàn quân, toàn dân, sự đồng tình, hoan nghênh, ủng hộ của lương tri nhân loại, và riêng trong việc này QH đang được sự đồng thuận cao của nhân dân...
Trước sự kiện này, Trung Quốc đã lồng lộn lên khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật biển, gấp rút tuyến bố thành lập thành phố Tam Sa, tiếp tục mời thấu 9 lô mỏ dầu, tăng cường cho tàu ngư chính, tung hàng mấy chục nghìn tàu đánh cá xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam, nhất là khu vực Trường Sa…
Luật biển quy định đầy đủ các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo Việt Nam, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa; các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.
Nhưng, không thể dễ dàng quan niệm rằng đã có Luật biển là coi như cả nước yên tâm với chủ quyền biển - đảo. Có luật trong lúc này là cần thiết, nhưng dù sao thì luật vẫn chỉ là luật. Luật cho dù có đầy đủ, mang giá trị pháp lý và bảo đảm chặt chẽ đến mấy cùng chỉ nằm trên giấy, như bao luật khác, nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo kèm theo những biện pháp kiên quyết, hữu hiệu để thực hiện luật. Phải có sức mạnh đoàn kết toàn dân, kết hợp điều hành về chính trị (lãnh đạo), thể hiện tính kiên quyết thực thi pháp luật, thì luật mới đi vào đời sống. Trung Quốc sẽ không coi Luật biển Việt Nam ra gì cả, nếu như việc ra luật chỉ để đáp ứng nguyện vọng hiện thời của người dân, nhưng sau đó không có sự lãnh đạo, chỉ đạo thực thi đúng luật một cách kiên quyết, tự chủ và có bản lĩnh. Luật biển rất cần bản lĩnh chính trị, năng lực, khôn khéo, tầm nhìn và bản lĩnh đối ngoại. Khi có những hành động vi phạm luật biển, việc xử lý theo luật thế nào mới là quan trọng. Đó là hiệu quả thực thi Luật biển khi có hiệu lực.
       Vấn đề phát ngôn, tiếp kiến, tọa đàm và ra các văn bản liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, độc lập, tự chủ, quyền tự quyết của dân tộc không phải ai có chức có quyền thì muốn tùy hứng, tùy tiện nói  gì,  ký cái gì cứ việc thoải mái? Sự tùy tiện hoặc có xen lồng động cơ cá nhân nào đó sẽ là nguyên do để lại nhiều hậu họa, thậm chí nguy cơ mất nước. Cùng lắm chỉ mang tiếng nói bừa, nói ẩu, nói có hại, “cõng rắn cắn gà nhà”… Mà rất cần phải có điều luật quy định cụ thể, rõ ràng. Cá nhân nào vi phạm làm mất quốc thể, hạ thấp vị thế đất nước, dân tộc bị xúc phạm và thiệt hại phải bị xử lý trước pháp luật, phải nghiêm trị bằng phép nước.

       Khi thực hiện Nhà nước pháp quyền, vươn tới văn minh nhân loại, rất cần có nhiều bộ luật về mọi lĩnh vực. Thực thi luật có nghiêm hay không còn tùy thuộc vào sự vận hành thực tế của thể chế chính trị. Cho nên, vấn đề cần đặt ra là quan hệ giữa thể chế chính trị, quan điểm dân chủ với việc thực thi pháp luật.
Người lãnh đạo nhiều khi chỉ chịu nhiều trách nhiệm về mặt tổ chức, chưa phải chịu gánh trách nhiệm về mặt pháp lý. Đảng có chính cương, điều lệ, nguyên tắc, những đảng còn ít bị ràng buộc theo luật, có khi đứng lên trên cả luật. Cho nên khi việc thực thi pháp luật không nghiêm, thì người lãnh đạo, người đứng đầu cũng ít bị chịu trách nhiệm cá nhân về pháp lý. Đó là sự lệch pha trong một thể chế chính trị-xã hội, là kẻ hở của một thể chế, các cơ chế, quy ước, chế tài đặt ra, nhưng tập thể, hoặc cá nhân người lãnh đạo ít bị liên đới, trách nhiệm cá nhân khong mấy khi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Vì thế mà rất cần có sự ràng buộc trách nhiệm chính trị với pháp lý về mặt cá nhân lãnh đạo, kể cả về Đảng, chính quyền, bộ, ngành chủ quản và cơ quan chức năng. Khi sự ràng buộc pháp lý được "thể chế hóa" thì luật mới thực sự có giá trị. Chính trị bị ràng buộc theo luật, có mang tính sống còn, thì mới có tính tự giác cao. Lãnh đạo để có luật và lãnh đạo thực thi đúng luật tự nó tạo ra những nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, khỏi phải cần đến nhiều nghị định, thông tri, chỉ thị đi kèm, ít phải hội họp, kiểm điểm, kiểm tra, đôn đốc. Nó đã tạo ra được "tự động hóa'' trong nội lực mỗi người.
Chính trị muốn vững bền vững và khẳng định uy tín ngày càng cao cần phải lấy dân chủ làm gốc, luôn luôn song hành với dân chủ, cần thường xuyên không ngừng đề cao dân chủ. Luật chưa ban hành, nhưng nhân dân biểu tình, tuần hành ôn hòa ủng hộ luật, phản đối kẻ vi phạm chủ quyền biển-đảo, nhằm khẳng định chí khí của toàn dân trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia có nên qui kết xem như tội đồ làm tay sai cho kẻ địch? Sao có thể suy diễn ngược ngạo và ấp đặt đến thế?! Thử hỏi ngăn chặn biểu tình của dân chúng, qui chụp việc biểu thị thái độ ủng hộ Luật biển là có sự tiếp tay của "thế lực thù địch" nào đó, vậy thì ra luật để làm gì? Ai thực hiện? Hiệu lực thực thi luật được bao nhiêu? Vô hình trung, những hành động trấn áp, ngăn chặn, khống chế, hạn chế hành động biểu thị thái độ của người dân là thể hiện rõ nét sự mơ hồ về chính trị, tách chính trị khỏi pháp luật, đem chính trị đối trọng với nhân dân. Đó cũng là những biện pháp có thể coi là đem chính trị sai lầm tự bào mòn, làm thui chột lòng yêu nước chân chính và trung thực của người dân. Một sức mạnh đoàn kết cần được động viên, khuyến khích, làm nền tảng cho mọi thắng lợi bỗng nhiên bị xé nhỏ, phân rã, băm nát. Như thế là có tội, không thể coi là có chút công gì với dân với nước.
Nghị quyết Đảng, quyết định của Nhà nước, Quốc hội là chính trị. Nếu như chính trị đó chỉ được thể hiện với sự tính toán một chiều, xem xét một bề, không dựa trên toàn cục, thiếu khách quan toàn diện lại trở thành phản chính trị. Suy cho cùng, nếu như nói rằng hành động đi vận động người dân đừng đi biểu tình chống "thế lực thù địch" xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, tìm cách ngăn chặn, trấn áp, khống chế biểu tình là một sự tiếp tay cho "thế lực thù địch", có hại cho nước cho dân cũng chẳng ngoa! Các "thế lực thù địch" sẽ rất hả hê trước sự nhũn nhặn, nhịn nhục, nhân nhượng, lối hành xử đối với nhưng người yêu nước như vậy, khác nào "nối giáo cho giặc", là sự tiếp tay với những kẻ cho sự vi phạm Luật pháp quốc tế, khuyến khích chúng tiếp tục lộng hành, càng đặt đất nước vào tình trạng nguy cấp?
Làm chính trị mà không tôn trọng dân, không dựa vào dân là coi như tự mình kìm hãm năng lực lãnh đạo, tự mình xa dân, không phù hợp với quy luật vận hành xã hội, làm mất đi cội nguồn sức mạnh "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng". Cho nên, mỗi khi lắng nghe tiếng nói của người dân, chủ nhân của lịch sử, người lãnh đạo phải coi đó chính là cơ sở xây nền cho thể chế chính trị ngày càng thêm vững mạnh. Nhà chính trị không tự tô vẽ bằng sự đề cao uy tín của chức danh, mà uy tín đó do nhân dân ghi nhận và chính nhân dân tôn vinh.
Một khi chủ nhân đất nước bị người có trách nhiệm chính trị coi thường, chỉ biết dùng uy quyền kiểu quân chủ chuyên chế, thì chính uy quyền sẽ theo năm tháng và tùy sự biến xã hội mà mất đi, thời nào thì chủ nhân vẫn là chủ nhân. Của cải cho dù nhiều đến mấy rồi cũng hết dần, nhưng tiếng thơm lưu truyền mãi mãi. Uy quyền lúc này, lúc khác có thể đạt được chủ đích nào đó cho cá nhân, nhưng rồi cũng mất đi cùng với sự thay đổi thời thế bằng những cuộc cách mạng dân chủ. Người có trách nhiệm chính trị, có vị thế xã hội mà tự mình gây ra sự ô danh thì muôn đời khó rửa sạch.

Hơn thế nữa, như trên đã nêu, Luật biển sẽ chỉ nằm trên giấy, không đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả (như nhiều luật khác đã ban hành), nếu như việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục về luật không sâu rộng đến mọi người dân, kể cả Việt kiều ở nước ngoài và dư luận quốc tế. Cần phải nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống, trở thành chỗ dựa tin cậy cho lòng yêu nước chân chính của người dân. Chính trị và pháp luật phải che chở, bảo hộ được người dân có lòng yêu nước nồng nàn . Một khi sức mạnh của lòng yêu nước bị ngăn chặn, thì áp lực của chân lý, lẽ phải, công bằng và nhu cầu quyền sống sẽ là mầm mống đòi hỏi cần thiết phải đổi mới. Sự mất dân chủ thường xảy ra khi người cầm quyền trình độ năng lực yếu kém, ấu trĩ, ngờ nghệch, hoặc vì nguyên do, động cơ cá nhân chủ nghĩa lợi ích phe nhóm nào đó cố tình lợi dụng quyền lực hành xử tùy tiện, vi phạm pháp luật.
Trong bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, chính trị-lòng dân và pháp luật cần phải tạo được thế chân kiềng ngày càng vững chắc. Đất nước đã có độc lập trên 67 năm rồi, cần phải coi đó là niềm tự hào và trách nhiệm giữ vững nền độc lập trên tinh thần “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Một đất nước có độc lập, nhưng người lãnh đạo không tự chủ, thậm chí tự mình thiếu kiên định mà chấp nhận những lệ thuộc ngoại bang, “dĩ hòa vi quý” trong quan hệ và đấu tranh ngoại giao, “hảo lớ” vô nguyen tắc, có khi còn làm những việc theo cái roi hoặc cái thước kẻ sai khiến của ngoại bang là tự đánh mất giá trị nền độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc mà không đi liền với tự chủ là một nền độc lập bấp bênh, mất dần ý nghĩa. Trách nhiệm chính trị trước lòng dân và vận mệnh đất nước là phải có lập trường kiên định, vững vàng, có bản lĩnh tự chủ, không lấy lòng đến mức sai nguyên tắc, phạm luật và có hại, không thỏa hiệp, không khoan nhượng trong bất cứ tình huống nào.

B.V.B
--------------------------------

1 nhận xét:

  1. Bác Bồng nói rất chuẩn xác: Chỉ quan hệ song phương, ngoại giao buôn bán tiểu ngạch mà không đưa ra công ước. Toàn cầu hóa đa phương hóa là xu thế tất yếu mà nó chỉ tóm cổ bóp mình tức thật. Mấy ông to gật gật kiểu vịt với nhau thì còn gì tự tôn dân tộc. Tôi ngồi đọc bài Bác Bồng viết mà mình sôi máu vì: yêu nước thương dân tộc, bực vì truyền thống quật cường để đâu.

    Trả lờiXóa