Trang BVB1

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Từ Hồ sơ Panama: “Thiên đường thuế” là gì?

Văn phòng của công ty luật Mossack Fonseca của Panama
đặt tại thành phố 
Panama
 vào ngày 3 tháng 4 năm 2016.
                                                 (Eduardo Grimaldo/AFP/Getty Images)
* Tommaso Faccio
Vụ rò rỉ hồ sơ Panama đã làm sáng tỏ những cách thức phức tạp mà những người giàu có có thể sử dụng để khai thác chế độ thuế bảo mật ở nước ngoài. Bên cạnh việc tính chi phí thuế ở mức tối thiểu hoặc không có thuế cho cư dân và người không cư trú, đặc điểm chính của những thiên đường thuế còn là sự thiếu minh bạch và trao đổi thông tin hiệu quả.
Dựa theo các tập tin bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca của Panama, nhiều cá nhân và công ty dùng những thiên đường này để giấu tiền của họ, nhằm tránh xa con mắt xoi mói của người dân hay các nhà điều tra. Điều này không nhất thiết [lý do] chỉ là vì nguồn tiền của họ được kiếm một cách bất hợp pháp. Ví dụ như, trong trường hợp của các nhân vật của công chúng như các chính trị gia, có thể họ muốn giữ bí mật về mức tài sản của mình hoặc giấu các cử tri của mình về việc họ hay những người thân của họ đã tinh giảm số tiền thế phải nộp đến mức tối thiểu một cách hợp pháp. Để làm như vậy, họ giấu danh tính của mình và sử dụng nhiều cơ chế pháp lý phức tạp.
Dù là một doanh nhân giàu có hay một tay buôn ma túy, các thủ thuật được sử dụng để làm cho việc làm ăn của họ khó bị theo dõi là khá giống nhau. Tất cả bắt đầu bằng việc liên kết chặt chẽ với một “công ty vỏ bọc” (hay một “công ty hộp thư letterbox”) ở một vùng lãnh thổ có chế độ thuế tại hải ngoại, thông qua các dịch vụ của một công ty luật như Mossack Fonseca. Các công ty này có tư cách pháp nhân là doanh nghiệp hợp pháp nhưng thực tế chúng chỉ là những chiếc vỏ rỗng. Các công ty dạng này chỉ quản lý số tiền nhận được và ẩn danh những người chủ sở hữu. Việc quản lý được thu xếp bởi các luật sư và kế toán, những người này có vai trò duy nhất là ký các văn bản và cho phép tên của họ xuất hiện trên giấy tờ của công ty.
Các công ty vỏ bọc nhận này tiền từ những người muốn che giấu chúng với các cơ quan thuế và công chúng. Rất ít câu hỏi được đặt ra về nguồn gốc của số tiền này. Số tiền này sau đó có thể được sử dụng bởi các công ty vỏ bọc để thực hiện các hoạt động hợp pháp như đầu tư vào bất động sản – hoặc bất hợp pháp như hối lộ quan chức chính phủ.
Quyền sở hữu các công ty vỏ bọc này có thể được chuyển giao dễ dàng, thông qua việc sử dụng các cổ phiếu và trái phiếu vô danh, quyền sở hữu thuộc về những người giữ các giấy chứng nhận cổ phiếu. Những cổ phiếu và trái phiếu loại này đã được bãi bỏ ở Anh vào năm 2015 và chính phủ Hoa Kỳ đã ngừng bán trái phiếu vô danh từ năm 1982 trong một nỗ lực để tăng cường tính minh bạch, bởi chúng cho phép một lượng tiền lớn được lưu chuyển dễ dàng, trong khi được ẩn danh toàn bộ.
Thiếu minh bạch
Cuộc điều tra Hồ sơ Panama do Liên đoàn Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) khởi xướng đã dẫn đến việc từ chức của Thủ tướng Iceland, ông Sigmundur David Gunnlaugsson. ICIJ có các tài liệu cho thấy vợ ông đã sở hữu một công ty vỏ bọc ở quần đảo Virgin của Anh tên là Wintris Inc. Công ty này nắm giữ hàng triệu đô la trái phiếu của ba ngân hàng lớn ở Iceland, những ngân hàng này đã bị phá sản vào năm 2008. Năm 2009, Gunnlaugsson gia nhập quốc hội nhưng không kê khai quyền sở hữu Wintris của vợ ông. Các cử tri đã không biết gì về việc này khi bầu cử cho ông vì sự thiếu trao đổi thông tin giữa quần đảo Virgin của Anh và Iceland, trong đó chắc chắn rằng thông tin này sẽ không được đề cập đến.
Các giao dịch với những “thiên đường thuế” không phải là bất hợp pháp –  và trong thực tế có thể có nhiều lý do rất chính đáng để tiến hành kinh doanh ở đó, chẳng hạn như đầu tư vào các quỹ đầu tư thanh khoản hay các quỹ tương hỗ. Và các thiên đường thuế thường được những người kinh doanh tại các nước không ổn định, nơi mà họ có nguy cơ bị “đột kích” bởi bọn tội phạm hoặc chính phủ, sử dụng.
Mặc dù vậy, sự thiếu minh bạch và trao đổi thông tin cũng có thể được sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp, bao gồm rửa tiền, hối lộ, tham nhũng, gian lận thuế, và các hoạt động bất hợp pháp khác. Vì các chủ sở hữu hưởng lợi của các công ty được bảo mật, tiền của bọn tội phạm có thể được che giấu hoặc sử dụng cho các mục đích bất chính mà không một cơ quan chức năng nào có thể lần ra. Nếu các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền khác có thể truy cập các thông tin về các chủ sở hữu hưởng lợi, họ có thể “theo dấu nguồn tiền” trong các điều tra tài chính liên quan đến các tài khoản khả nghi hoặc tài sản của các công ty trung gian.
Việc thiếu trao đổi thông tin hiệu quả được đảm bảo thực hiện thông qua các quy tắc ngầm, ngăn chặn các cơ quan thuế nước ngoài truy cập thông tin trên các kết cấu phức tạp tại các thiên đường thuế. Một số nước có Hiệp định về Thông tin Giao dịch Thuế song phương  (TIEA) với các thiên đường thuế, cho phép chính phủ của họ thực thi luật thuế trong nước bằng cách trao đổi, theo yêu cầu, các thông tin quan trọng về thuế. Tuy nhiên, Panama đã chỉ ký một Hiệp định TIEA này (với Hoa Kỳ).
Panama không phải là quốc gia duy nhất kinh doanh trong lãnh vực này. Theo Bảng liệt kê Bí mật Tài chính năm 2015 được biên soạn bởi hệ thống minh bạch thế khóa Tax Justice Network, Thụy Sĩ, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Singapore, và quần đảo Cayman là năm khu vực pháp lý hàng đầu trong việc giữ bí mật và quy mô các hoạt động tài chính ở nước ngoài của họ.
Trong năm 2013, tạp chí The Economist ước tính có khoảng 20 nghìn tỷ đô la có thể được cất giấu trong các tài khoản ở nước ngoài trên toàn thế giới. Phần lớn của con số này có thể được sử dụng cho các hoạt động hợp pháp – nhưng chỉ cho đến khi có đầy đủ sự minh bạch và thông tin trao đổi giữa các thiên đường thuế và cơ quan thuế nước ngoài. Người ta cũng cho rằng không thể xác định mức độ của các hành vi trốn thuế bất hợp pháp và các hoạt động tội phạm khác mà những thiên đường thuế đã tiếp tay cho.
T.F/Vietdaikynguyen
------------
* Tommaso Faccio là một giảng viên kế toán tại Đại học Nottingham, Vương quốc Anh. Bài báo này được đăng lần đầu tại The Conversation.
-------------

1 nhận xét:

  1. “Thiên đường thuế” là nơi của lũ ích kỷ, bọn có tương lai dưới Địa ngục!

    Trả lờiXóa