Trang BVB1

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Độc đoán chuyên quyền và thực thi dân chủ

Tham vọng quyền lực và sự tha hóa
* Ts. VŨ NGỌC HOÀNG
Quyền lực làm tha hóa con người nhanh nhất, nhanh không thể tưởng nổi. Chỉ cần sau một cuộc bỏ phiếu hoặc sau một quyết định phong chức, người có quyền lực ấy có thể bỗng nhiên khác hẳn, họ bắt tay theo kiểu khác, chào hỏi kiểu khác, dáng đi bệ vệ hơn, ra oai hơn, cách nói cũng vậy, thấy phát ngượng lên nhưng chính họ không biết, cứ như là việc đương nhiên vậy, nghĩa là nó đã thấm rất nhanh vào máu, thành phản xạ tự nhiên.
Công việc quan trọng bậc nhất của Đảng hiện nay là phải nghĩ ra các cơ chế để đảng viên, nhân dân và pháp luật kiểm soát những cá nhân được giao quyền lực. Khi quyền lực gắn với chữ “tham” thì không thể gửi trứng cho ác, đem sự nghiệp của dân của nước trao vào tay họ. Đó là ý kiến của TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực ban Tuyên giáo T.Ư trong bài viết gửi riêng báo Thanh Niên.
Thanh Niên Online xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Trong buổi bình minh của nhân loại, khi con người còn hoang sơ, cuộc sống còn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, người ta đã nghĩ và tin rằng, quyền lực thuộc về tự nhiên, do các thần linh nắm giữ. Sau đó, nhờ trình độ nhận thức tăng lên, con người đã dần dần nhận ra và phân biệt được sức mạnh của tự nhiên và sức mạnh của con người biết chế ngự tự nhiên và quản lý xã hội. Từ đó quyền lực bắt đầu xuất hiện.
                                  >>  Trên ghế cao 
Quyền lực, khởi nguyên là của nhân dân, của cộng đồng. Không phải cá nhân ai bỗng nhiên có được. Khi mọi người tự nguyện đồng lòng tôn vinh ai đó là thủ lĩnh, là người phụ trách, thay mặt họ để xử lí công việc chung, thì đồng thời kèm theo, trao quyền lực cho người ấy. Bắt đầu từ đó, người thủ lĩnh, người phụ trách có quyền lực. Về bản chất thì quyền lực không phải của họ, mà họ được nhân dân trao quyền, ủy quyền, để sử dụng cho mục đích chung.
Khi quyền lực được trao cho người có nhân cách tốt thì nó được sử dụng đúng mục đích, bảo vệ và đem lại lợi ích cho cộng đồng. Người xưa có câu “Đức trọng, quyền cao”. Câu ấy theo cách tôi hiểu là trên cơ sở của đạo đức, nhân cách, mà trao quyền lực. Người có đạo đức là mười thì có thể trao quyền lực đến bảy, tám, tức là trao quyền lực ít hơn, càng không trao vượt quá. Người có đạo đức ít, thấp mà trao quyền lực nhiều, cao thì vô cùng nguy hiểm, giống như “gởi trứng cho ác”, sai lầm, tai họa là nhất định không tránh khỏi. Theo đó, người có chức quyền càng lớn thì đạo đức, nhân cách phải càng lớn hơn. Không biết từ bao giờ, người ta lại nói chệch sang là “chức trọng, quyền cao”, tức là trọng chức tước chứ không phải trọng nhân cách.
Khi quyền lực trao cho người không đủ nhân cách, thì nó trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân, “lợi ích phe nhóm”, thậm chí là công cụ để làm việc ác. Trong lịch sử thế giới và Việt Nam, đã có nhiều trường hợp nhân dân trao quyền và mất quyền, trở thành đối tượng cho quyền lực cai trị. Như vậy quyền lực có thể đem lại công bằng, hạnh phúc và cũng có thể đem lại tai họa, sự đau khổ cho con người. Điều đó phụ thuộc vào việc quyền lực được trao vào tay ai.
Trong thực tế đời sống xã hội có nhiều trường hợp quyền lực của một cộng đồng bị người khác (hoặc một nhóm người) đã dùng thủ đoạn tước đoạt, tranh cướp mất.
Quyền lực vốn là của nhân dân, nhưng trong chế độ nô lệ, các chủ nô đã chiếm giữ và sử dụng, để cai trị xã hội, biến nhân dân (vốn là chủ nhân của quyền lực) thành những người mất quyền, phải làm nô lệ. Trong chế độ phong kiến, quyền lực của nhân dân rơi vào tay vua và tập đoàn phong kiến, còn nhân dân thì nói chung không có quyền, họ chỉ có một số quyền ít ỏi nào đó do nhà vua ban cho. Ngay cả đến quyền sống cũng không có, ý vua là ý trời, vua đại diện cho pháp luật, muốn giết ai thì giết, thậm chí giết luôn cả dòng họ, cả mấy đời (tru di tam tộc, tru di cửu tộc).
Thời kỳ đầu của chế độ tư bản, quyền lực do giai cấp tư sản – nhất là giới tài phiệt chi phối, chiếm giữ và sử dụng. Ngày nay, CNTB hiện đại đã tiến bộ rất nhiều theo hướng dân chủ, tuy vậy, nhìn chung, giới tài phiệt ở các nước vẫn còn chi phối đáng kể quyền lực. Riêng ở những nước tư bản phát triển nhất, tính chất xã hội hóa cao, họ thực hiện khá tốt vấn đề dân chủ, thậm chí hơn nước ta nhiều, thì nơi đó, phần đáng kể quyền lực đã thuộc về nhân dân, và họ từng bước hình thành các nhân tố của một xã hội mới, đó sẽ là xã hội XHCN.
Điều vừa nói, chính C. Mác đã dự báo. Việc ở một số nước TBCN phát triển hiện đại dân chủ hơn ở nước ta là do trình độ phát triển. Dân chủ là một vấn đề khách quan, tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi nước, nhất là trình độ dân trí, quan trí và sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội.
Quyền lực luôn có mặt trái là nó làm tha hóa những người nắm giữ và sử dụng quyền lực nếu như họ không đủ độ chín về nhân cách. Quyền lực càng lớn thì nguy cơ tha hóa càng nhiều. Người giữ chức vụ càng cao trong bộ máy quyền lực thì đối mặt với nguy cơ càng lớn về sự tha hóa. Một người khi giữ chức vụ thấp hơn thì nguy cơ tha hóa ít hơn và ngược lại.
Mặc dù vậy, nói chung phần lớn quan chức đều thích có nhiều quyền lực. Không có gì hấp dẫn, cám dỗ bằng quyền lực. Nó là “ma túy” gây nghiện, là “ma quỷ” xui khiến. Khi có quyền lực là có thể có gần như tất cả, nếu muốn. Vì vậy quyền lực hấp dẫn bằng các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Người ta đam mê nó, suốt ngày nghĩ về nó, dùng mọi thủ đoạn sống chết để giành và giữ lấy nó, dù phải mất nhân cách, dù phải làm việc ác. Có quyền lực rồi thì muốn có quyền lực lớn hơn, lớn rồi vẫn chưa đủ lại muốn lớn hơn nữa. Cứ thế, gần như không có điểm dừng, không cần biết có nhiều quyền lực để làm gì. Bản thân việc ấy đã là biểu hiện của sự tha hóa.
Quyền lực làm tha hóa con người nhanh nhất, nhanh không thể tưởng nổi. Chỉ cần sau một cuộc bỏ phiếu hoặc sau một quyết định phong chức, người có quyền lực ấy có thể bỗng nhiên khác hẳn, họ bắt tay theo kiểu khác, chào hỏi kiểu khác, dáng đi bệ vệ hơn, ra oai hơn, cách nói cũng vậy, thấy phát ngượng lên nhưng chính họ không biết, cứ như là việc đương nhiên vậy, nghĩa là nó đã thấm rất nhanh vào máu, thành phản xạ tự nhiên.
Quyền lực không chỉ làm tha hóa mấy con người cụ thể, mặc dù đúng là bắt đầu từ đó, nó còn làm tha hóa lớn hơn – tha hóa một chế độ, một vương triều. Nhiều trường hợp khi thắng đến đỉnh cao rồi thì đó là lúc bắt đầu thua chính mình; khi có trong tay tất cả thì bắt đầu mất dần.
Thử nhìn lại các triều đại phong kiến Việt Nam: Hầu hết, lúc đầu được nhân dân ủng hộ lên nắm quyền, làm được nhiều việc lớn cho đất nước, dân tộc nhưng sau đó thì bị tha hóa bởi quyền lực, từ tha hóa một số người đến một bộ phận rồi thành việc phổ biến của một vương triều, rồi sụp đổ, vương triều khác sau đó lên thay, một thời gian cũng lặp lại y như vậy.
Nhà Ngô, nhà Đinh, Tiền Lê có công như vậy, nhưng mỗi triều đại chỉ tồn tại trong vòng 15-30 năm; nhà Lý, nhà Trần có công lớn, nhiều lần đánh thắng quân Tống và quân Nguyên, nhờ biết lấy dân làm gốc mà chiến thắng, cầm quyền vào loại lâu nhất, trên dưới 200 năm mỗi triều đại, dù vậy, nhưng cuối cùng cũng bị tha hóa mà kết thúc; nhà Hồ thì quá ngắn, mặc dù có một số tư tưởng và chủ trương cải cách nhưng ngay từ khi mới lên đã không được dân chúng đồng tình, mâu thuẫn quyền lực trong giới quý tộc và mất nước vào tay ngoại xâm; nhà Hậu Lê (Lê sơ) mặc dù lúc đầu được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ, đứng lên làm khởi nghĩa Lam Sơn, thắng giặc Minh hung bạo, nhưng khi lên cầm quyên rồi lại tha hóa, giết các trung thần vì họ can ngăn những việc làm sai trái và sợ họ chi phối quyền lực, Nguyễn Trãi cũng bị giết trong giai đoạn này, sau nhờ có minh quân mà nhà Hậu Lê gượng lại được một thời gian, và rồi cuối cùng cũng tha hóa, tồn tại chưa được trăm năm; nhà Mạc cũng vậy, chỉ tồn tại khoảng 65 năm; tiếp theo là thời kỳ vừa có vua và có chúa, chúa giành nắm hết quyền lực, nhiều khi vua chỉ là hình thức cho có vì, các chúa cũng tranh giành nhau quyền lực, đến mức phải cắt cứ vùng này, vùng kia, chia cắt đất nước ra để mỗi bên cai trị một vùng; đến Tây Sơn cũng vậy, chiến công oanh liệt, lẫy lừng là thế, vậy mà sau khi Quang Trung mất thì tha hóa, tham nhũng và sụp đổ, tồn tại chỉ có 24 năm.
Phần lớn các triều đại ấy đã thoái hóa ngay cuối đời vua thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, chứ không lâu, tất nhiên là trừ một ít trường hợp. Lâu nay lịch sử nước ta đã ghi lại khá rõ các chiến công lừng lẫy của cha ông, nhưng lịch sử chưa viết kỹ về thời kỳ suy thoái, sự tha hóa quyền lực và nhất là nguyên nhân của nó. Đây rất có thể là một khiếm khuyết trong viết sử. Chính vì vậy mà không rút được kinh nghiệm đầy đủ để phòng ngừa, nên cứ bị lặp đi lặp lại.
Liên Xô trước đây cũng vậy, thời kỳ đầu thực hiện khá tốt tư tưởng nhà nước của dân, quyền lực về tay các Xô – Viết là cơ quan thật sự đại diện cho đại đa số nhân dân, làm việc vì nhân dân, đã lập nên nhiều công tích lớn lao, vĩ đại, đánh thắng 14 nước đế quốc bao vây, bảo vệ được chính quyền nhân dân non trẻ, chiến thắng trong đại chiến thế giới thứ 2, cứu nhân loại khỏi thảm họa phát – xít, công nghiệp hóa thành công một đất nước khổng lồ trong thời gian ngắn, đưa một nước chủ yếu còn nông nghiệp, thủ công lên thành một nước công nghiệp hàng đầu thế giới, một cường quốc, dẫn đầu nhiều lĩnh vực; vậy mà sau đó không lâu thì bị tha hóa về quyền lực, về đạo đức, bảo thủ và giáo điều, không chịu đổi mới, ai nói khác thì bị quy chụp là “xét lại”, là “muốn đưa đất nước đi theo con đường TBCN”… và cuối cùng thì đổ ào một cái, đến mức khó hiểu nổi.
Trước đây có nhiều lần giải thích rằng, Liên Xô đổ là do các thế lực thù địch phá bằng thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Địch thì lúc nào chẳng phá, do nó phá nên mới gọi là địch, mà phá sao bằng trước đó, 14 nước đế quốc đến bao vây khi nhà nước Xô – viết còn non trẻ, đại chiến thế giới thứ 2 quân đội phát xít tập trung toàn lực tấn công Liên Xô làm chết hàng chục triệu người. Nếu địch mà phá ngã đổ Liên Xô như thực tế đã xảy ra thì địch quá giỏi (?) Chẳng phải vậy đâu! Liên xô đổ chính là “tự đổ”, do suy thoái, tha hóa mà đổ. Liên Xô đã tự đánh gục chính mình.
Sự tha hóa về quyền lực có thể dẫn đến cha con giết nhau, anh em, chồng vợ giết nhau, người ta giết cả vua, gây ra những cuộc chiến tranh mất bao nhiêu sinh mạng để tranh giành quyền lực, thậm chí người ta bán rẻ Tổ quốc và đem dân tộc làm nô lệ cho ngoại bang để đổi lấy ngai vàng.
Tất nhiên trong xã hội thời nào cũng có người tốt, nhân cách đáng trọng. Đối với họ, quyền lực được giao là để bảo vệ dân, đất nước và bảo vệ lẽ phải, đạo nghĩa, chống gian trừ tà. Họ luôn sẵn sàng trao trả quyền lực trở lại cho nhân dân khi đủ điều kiện. Đã có những ông quan thanh liêm treo ấn từ quan vì xét thấy mình không còn đủ sức gánh vác chuyện sơn hà hoặc là không muốn có lỗi với dân vì không ngăn cản nổi những điều ngang trái. Đã có những ông vua từ bỏ ngai vàng, trao quyền lực cho lớp người trẻ, kể cả vào chùa để thúc đẩy các công việc thánh thiện cho đời và cho muôn dân.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, giành lại được một đất nước đã mất, người có công lớn nhất lãnh đạo cuộc cánh mạng là Hồ Chí Minh, nhưng lúc đầu Người không chịu làm Chủ tịch, Người nói không muốn làm vua, không muốn công danh quyền lực. Tập thể phân tích đây là trách nhiệm trước quốc dân đồng bào, là gánh vác trọng trách và khó khăn, cuối cùng Người đã nhận lãnh trách nhiệm, phát biểu trước đồng bào sẽ làm hết sức mình để phụng sự nhân dân và mong nhanh có người thay thế để được về vui sống với điền viên, giản dị và thanh bạch.
Ngày ấy có một Huỳnh Thúc Kháng đang sống ẩn sĩ trong vườn mít ở miền Tây Quảng Nam được Hồ Chí Minh mời ra làm Phó Chủ tịch nước, có lúc làm Quyền Chủ tịch nước, cũng một con người như vậy, không cần mong vinh hoa phú quý, chỉ đem toàn bộ tâm lực phục vụ nhân dân. Đó là những con người có nhân cách lớn, quyền lực không đe dọa được và cũng không cám dỗ được.
Ngay cả các nước tư bản cũng có không ít người ra ứng cử để cống hiến cho quốc gia, chứ không phải để làm giàu. Thời gian vừa qua, ở nơi này nơi khác, thỉnh thoảng có những đồng chí bí thư thành ủy, thường vụ tỉnh ủy đã tự nguyện chủ động rút lui sớm, khi chưa hết tuổi và chưa hết nhiệm kỳ, để những vị trí lãnh đạo cho các đồng chí trẻ hơn (như Bí thư Thành ủy Tam Kỳ và Bí thư Thành ủy Hội An ở tỉnh Quảng Nam chẳng hạn)…
Ngược lại, trong xã hội, ở chốn quan trường, không ít người đầy tham vọng quyền lực. Khi quyền lực được gắn với chữ “tham”, lòng tham, thì đó chính là động cơ, nguyên nhân và biểu hiện của tha hóa quyền lực. Không thể hy vọng và tin tưởng gì ở họ, ngược lại phải hết sức cảnh giác, đề phòng bị lừa phỉnh phủ dụ, mị dân, đừng gửi trứng cho ác, đem sự nghiệp của dân của nước trao vào tay họ.
Mặc khác, quyền lực không thể trao cho ai mà không cần kiểm soát. Không ngây thơ được! Nó là con dao hai lưỡi. Nó có thể biến người sử dụng nó từ một người chưa xấu trở thành người xấu, biến người sử dụng nó thành nô lệ cho nó. Mấy chục năm sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng. Nội dung các văn bản ấy nhìn chung đều đúng, không sai, việc tổ chức thực hiện cũng tích cực, thậm chí có lúc vất vả nữa, nhưng tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm”, mua quan bán chức…, gọi chung là thoái hóa, không dừng lại mà còn tăng lên, lan rộng hơn, gây nhức nhối hơn, làm cho lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục giảm sút, đến mức nghiêm trọng và báo động. Vì sao vậy?
Chắc chắn không phải việc chống các tiêu cực ấy là ta chủ trương giả vờ, không chống thật. Mà là chống không được, không nổi. Vậy còn thiếu cái gì ? Trên Báo Tuổi trẻ nhân dịp ngày 3.2 năm nay tôi có nhấn mạnh hai vấn đề còn thiếu, coi như chưa làm, mà nếu không làm thì không khắc phục được tình hình, và có thể sẽ tiếp tục xấu hơn, không tránh được. Đó là tập trung kiểm soát quyền lực và bổ sung mạnh các cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội.
Quyền lực như đã nói, luôn có mặt trái là làm tha hóa những người nắm giữ và sử dụng nó mà không đủ nhân cách. Nó như con dao hai lưỡi, con ngựa bất kham, luôn lồng lên quật ngã những người cưỡi nó, nếu họ không đủ nhân cách, bản lĩnh, năng lực cầm cương. Nhất thiết phải kiểm soát quyền lực, không thể chủ quan, lơ là, không thể đùa với lưỡi dao nhọn, đã có rất nhiều bài học thực tiễn rồi, thực tế đã chứng minh rồi. Phải bàn kỹ và có quyết tâm chính trị để thực hiện. Đảng ta phải tập trung cao, tích cực lãnh đạo công việc này. Đây là loại công việc quan trọng vào bậc nhất.
Trong đó có các việc như cơ cấu và phân bổ lại chức năng, quyền hạn của các cơ quan nhà nước theo hướng kiểm soát và điều chỉnh lẫn nhau (để Nhà nước thật sự là một cơ thể thống nhất và tự kiểm soát, tự điều chỉnh được mình, có sức đề kháng cao với căn bệnh thoái hóa quyền lực, có khả năng sửa sai nhanh nhất…), kể cả chuyện Tòa án Hiến pháp cũng nghiên cứu, xem thử người ta làm thế nào, có mặt ưu, mặt nhược gì, ta vì sao không, vì sao nên; đổi mới căn bản nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó có phương thức lãnh đạo xây dựng nhà nước thật sự của dân, bảo đảm quyền lực là của nhân dân. Nhân dân ủy quyền cho nhà nước. Ủy quyền mà không mất quyền. Ủy quyền và kiểm soát được quyền lực, không để lộng quyền.
Một dân tộc muốn tiến lên cần phải có bộ tham mưu chiến lược. Có sự lãnh đạo của một Đảng chân chính và trí tuệ là yêu cầu khách quan. Nhưng khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền thì hoạt động của Đảng không tránh khỏi có nhiều việc liên quan với quyền lực. Tuy vậy, Đảng phải tự mình luôn ý thức về sự lãnh đạo của mình chủ yếu phải bằng giá trị (văn hóa) chứ không phải bằng quyền lực, và Đảng phải nghĩ ra các cơ chế để đảng viên, nhân dân và pháp luật kiểm soát mình, kể cả nhân cách và việc sử dụng quyền lực, để Đảng được rèn luyện liên tục, thường xuyên, từ đó mà không bị thoái hóa và ngày càng trưởng thành hơn. Thực hiện điều ấy bằng cơ chế kiểm soát quyền lực và cơ chế thực thi dân chủ.
Để có thể thành công, bản thân Đảng phải gương mẫu, từng cấp ủy và từng cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, vượt qua chính mình. Đảng phải là “con” của nhân dân, là “con nòi” của dân tộc, là đứa con trung hiếu và trưởng thành, để “lòng dân yêu Đảng như là yêu con” như cách nói của Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu. Làm được như vậy, Đảng sẽ được nhân dân luôn tin yêu, nhờ đó mà giữ vững được vai trò lãnh đạo lâu dài của Đảng, để Đảng làm tròn được sứ mệnh phụng sự nhân dân và Tổ quốc.
VNH/TNO
(Đầu đề dẫn LINK của BVB)
-------------

43 nhận xét:

  1. Một cậu bạn học với tôi thời phổ thông, nay họp lớp về, đi chiếc ô tô lexus do một cậu lính côn an lái, bụng phưỡn ra, khệnh khạng bước xuống, chìa tay ra bắt các bạn cũ và xưng hô gọi các bạn nam là cậu, các bạn nữ là các cô.... rất kẻ cả, nói câu chuyện gì cũng rất kẻ cả dạy đời - đó là hình ảnh thường thấy của lũ quan cs hiện nay
    Trước đây 40 năm, cậu này học ngu hơn bò chỉ chuyên cóp bài bạn và sau đó đi lính công an nghĩa vụ rồi học tại chức nọ kia, nay đã là đại tá trưởng công an một huyện quyền lực đầy mình. tha hồ phét lác và tinh tướng.
    Thật kinh tởm cho lũ cán bộ cs thời nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài viết về chính trị mà như bài giảng luân lý
      hay bài "giảng đạo" nào là phải thế này,nào là
      nên thế kia v.v.thì chẳng đi đến đâu,nói loanh
      quanh như đèn cù !

      Xóa
  2. Phần Kết luận cứ như DLV!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rổng tuếch từ đầu chí cuối.

      Xóa
    2. Đúng là rỗng tuyếch. Lại còn lan man nữa.

      Xóa
    3. Cố tìm cách câu giờ cho đảng đểu à đồng chí Vũ Ngọc hoàng?

      Xóa
  3. Ts Vũ Ngọc Hoàng, một cán bộ đương chức Phó trưởng Ban tuyên giáo TW mà nói thẳng ra được những vấn đề này, cũng là can đảm và đáng quý.
    Tuy vậy, chỉ đọc lướt qua thôi, tôi thấy bài viết không thực tế, nói không trúng vấn đề và trở thành một thứ lý luận hời hợt giáo điều.
    Có lẽ tác giả đang cưỡi trên mây khi ông nói đến các cụm từ "Quyền lực nằm trong tay nhân dân" "Nhân dân ủy quyền cho đảng mà không mất quyền" và đoạn kết luận vơi mấy câu nghe rất sách vở:".....để Đảng làm được sứ mệnh phụng sự nhân dân và Tổ quốc".

    Ông đang nói đến đảng nào đó thưa ông?
    Dân ngoài đảng như chúng tôi không ai thích đọc bài này. Nhưng đảng viên và các cấp ủy đảng sẽ có ai đọc không?
    Cũng không nốit

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lừa dân theo kiểu không cãi được thì nhận nhưng bào chữa là "chưa làm được"
      Đảng lãnh đạo tuyệt đối,
      Tức tuyệt đối cầm quyền.
      Nhờ sự tuyệt đối ấy
      Khối anh kiếm bộn tiền.
      Đất nước giờ nát bét.
      Ta phải trách ai đây?
      Đảng lãnh đạo tuyệt đối,
      Phải chịu trách nhiệm này.
      Vì không thể có chuyện
      Thắng thì nhận vào mình.
      Thua, đổ thừa người khác.
      Thế là không phân minh.
      Mà lãnh đạo tuyệt đối
      Dễ tuyệt đối làm sai,
      Dễ tuyệt đối thoái hóa.
      Vậy sao còn trách ai?
      Tôi không hề phản động.
      Tôi là một người dân,
      Nếu cần, xin nói rõ -
      Tôi là Thái Bá Tân.
      Tôi muốn đảng, nhà nước
      Ý thức trách nhiệm mình.
      Đã lãnh đạo tuyệt đối,
      Thì tuyệt đối công minh.

      Xóa
  4. "Cơ chế để đảng viên, nhân dân và pháp luật kiểm soát những cá nhân được giao quyền lực" chính là tam quyền phân lập , tự do báo chí ngôn luận và đa đảng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không ai tặng tự do miễn phí,
      Chẳng ai biếu dân chủ, nhân quyền.
      Đừng tin lời hứa đảng độc trị,
      Tham sân si, khát máu, khát tiền!
      Đảng độc trị mạo xưng cách mạng,
      Soán ngọc tỷ, chiếm phủ đầu rồng.
      Thoái hóa biến chất thành băng đảng,
      Cầm tù trí thức, phản công nông.
      Đảng độc trị thoán đoạt vương miện,
      Cướp hoàng bào, cưỡi cổ thần dân.
      Chuyên chính vô sản làm phương tiện,
      Sa đọa thành vô học, vô luân.
      Đảng độc trị bảo thủ ngu dốt,
      Hoạt đầu mọc như nấm sau mưa.
      Không thể lựa chọn nhân sự tốt
      Trong thể chế gian lận dối lừa!
      Quan thanh liêm lọt vào bộ máy,
      Không xiểm nịnh thảo khấu cướp ngày,
      Cối xay cơ chế nghiền ra bã,
      Chuyện buồn “thời Đồ Đảng” bấy nay!
      Đảng độc trị quan giàu nước yếu,
      Nền chính trị “chí tư vô công”.
      Nhân dân ăn quả lừa, quả đểu,
      Nhà nước bốn kiên định đến cùng.
      Đảng độc trị dùng mọi thủ đoạn
      Diệt đối trọng, đối lập đồng hành.
      Không đếm xỉa nhân tâm, sinh mạng,
      Triệu cốt khô đảng trị công thành.
      Đảng độc trị lộng giả thành chân,
      Ngụy xưng nhà nước của nhân dân.
      Diệt đồng chí, bảo kê đồng lõa,
      Trọng tài kiêm cầu thủ bao sân.
      Quyền lãnh đạo của đảng độc trị,
      Đảng tuyên xưng: ý nguyện toàn dân.
      Nội bộ đảng mấy người đồng ý?
      Bộ Chính trị mấy vị tán thành?
      So với chế độ độc trị khác,
      Việt Nam bi thảm gấp ngàn lần.
      Bảy thập niên nối giáo Hoa tặc,
      Đan cài mười sáu chữ tương lân.
      “Thà mất nước còn hơn mất đảng”,
      Não trạng đảng chủ quá “ngu đần”!
      Đảng chỉ là công cụ Đại Hán,
      Diệt thỏ hết rồi, giết chó săn!
      Đảng độc trị kêu gào yêu nước,
      Đun nồi da nấu thịt dân mình.
      Nay tuyên truyền ổn định phát triển,
      Cúi đầu tuân chỉ dụ Bắc Kinh!?
      Đảng độc trị không chỉ nhịn nhục,
      Tẩy não dân thành “cháu thỏ con cừu”.
      Trói “ngoại giao nhân dân” bắt nhốt,
      Đầu hàng vô điều kiện kẻ thù.
      Lịch sử chứa con người, sự kiện,
      Nhục – vinh nhiều bài học để đời.
      Có Lê Lợi, Quang Trung, Chiêu Thống...
      Có Thành Đô trọng tội Linh, Mười.
      Người mất đã định hình công tội,
      Kẻ còn hãy sám hối thành tâm!
      Báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội,
      Nhận kỷ luật xin sửa lỗi lầm!
      Trung Quốc lo Việt Nam thay đổi,
      Tác động tới “ổn định” thiên triều.
      Như thời tường Berlin sụp đổ,
      Trường thành Xô viết ngã nhào theo.
      Khuyến dụ Việt Nam chỉnh đốn đảng,
      Tranh giành đấu đá khử trừ nhau.
      Canh Tý chui gọn vào bẫy cạn,(*)
      Đảng vương thành Thái thú Ba Tàu?
      Đảng phái – luôn chỉ là phương tiện,
      Lê nin hoán đổi thành mục tiêu.
      Stalin, Mao Trạch Đông “cao kiến”
      Đánh tráo thành đảng trị vương triều.
      Quái thai sinh hậu duệ quái thai,
      “Nhà nước – Đảng” dã man độc tài.
      Côn đồ đỏ xã hội đen kết nối,
      Tà đạo Lê – Mao trượt dốc dài.
      Xô một phần ba nhân loại xuống hố,
      Dân quyết tử cho đảng trị trường sinh.
      Đêm dài “thời Đồ Đảng” đen tối,
      Chân trời chưa thấy ánh bình minh.
      Có ai ngờ những người cộng sản
      Thành băng nhóm khát máu, khát tiền.
      Khát quyền lực, háo danh bệnh hoạn,
      Sụp đổ rồi thần tượng thiêng liêng!
      Đảng độc trị gieo bao nỗi sợ,
      Làm thế nào tìm được lối ra?
      Kẻ buộc chuông là người tháo mở,
      Trách nhiệm đó thuộc về “đảng ta”!
      Giao Hội đồng Lý luận trung ương
      Soạn lộ trình khai lối mở đường.
      Tổng Bí thư yêu cầu đột phá,
      Chờ đợi gì chưa có chủ trương?
      Tháng 2/2014
      TS Trần Nhơn (nguyên Thứ trưởng bộ Thủy lợi)
      - See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20140220/tran-nhon-dang-doc-tri#sthash.DXYlj7UF.dpuf

      Xóa
  5. Đọc bài này thấy có nhiều điểm phải bàn về cả hướng tích cực và tiêu cực trong nhận thức của TS. Vũ Ngọc Hoàng (VNH).
    Ông VNH đã nhận thức đươc thế nào là quyền lực, sự thâu tóm quyền lực và tính hai mặt của nó. Thấy được nguy cơ bị các nhóm lợi ích tiếm quyền. Hô hào đám đông tăng cường "giám sát" để đẩy lùi nguy cơ ấy một cách vô vọng(?).
    Tôi nói vậy vì ông VNH thực ra không hiểu được tính chất bản năng của quyền lực; Không thấy được nguyên nhân cội nguồn có tính xã hội của vấn đề, nó xuất phát từ chính thể chế chính trị (đơn nguyên, độc đảng và 3 trong 1 về tổ chức của các cơ quan công quyền) thiếu dân chủ của ta hiện nay....
    Thông qua Bài viết, tôi thấy Tác giả có nhận thức, nhưng thiếu cơ bản; nhiều chỗ lẫn lộn, ôm đồm, nhạt nhẽo. Điều quan trọng là không đủ thuyết phục để định hướng tư duy người đọc, không đưa ra được giải pháp để giải quyết vấn đề và đẩy người đọc vào trạng thái vô vọng, tiêu cực (?).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ông VNH nêu hiện tượng, tìm giải pháp xoa dịu đánh lừa người dân và những vị ngu trung thôi, cơ chế để ""giám sát" để đẩy lùi nguy cơ" không bao giờ và không thể có được với một chế độ chính trị lưu manh độc đảng toàn trị nhà nước và xã hội, tam quyền đều thuộc về đảng như chế độ csVN hiện nay.
      (CCB, thân nhân LS, đảng viên 35 năm bị đảng lừa đã bỏ đảng)

      Xóa
  6. Người giác ngộlúc 09:04 12 tháng 8, 2015

    Ts Vũ Ngọc Hoàng nhận xét hiện tượng những người mới vào đảng mặt đã vênh lên và khi được giao một chút chức vụ nào đó thì phong thái đã khác hẳn bệ vệ hơn, vênh váo hơn....điều đó cho thấy sự suy thoái của đang CS đã đến mức trầm trọng, trình độ đảng viến thấp kém, tầm thường.
    Thế thì làm sao có thể hy vọng đảng thay đổi để làm được trách nhiệm là đầy tớ của nhân dân?

    Ngay đến TBT Nguyễn Phú Trọng, xin hỏi ông Trong, ông là tiến sĩ về XÂY DỰNG ĐẢNG, vậy tại sao ĐCSLX tan rã đã 25 năm rồi, các ĐCS ở Đông Âu và trên đất Đức, quê hương của ông Carx Marx thì chủ nghĩa CS đã bị bài trừ rồi .... thì ông đang xây dựng cái gì ở VN quê hương ông?

    Trả lờiXóa
  7. "...bảo thủ và giáo điều,không chịu đổi mới,ai nói khác thì bị quy chụp là "xét lại",là "muốn đưa đất nước đi theo con đường TBCN"
    Đoạn này chắc ông Hoàng đang nói về tổng lú đây.
    "Riêng ở những nước tư bản phát triển nhất,tính chất xã hội hoá cao,họ thực hiện khá tốt về vấn đề dân chủ,thậm chí hơn nước ta nhiều,thì nơi đó,phần đáng kể quyền lực đã thuộc về nhân dân và họ từng bước hình thành nhân tố của một xã hội mới,đó sẽ là xã hội XHCN"
    Rõ ràng câu dài dằng dặc này là ông Hoàng đang chửi bà Doan.
    Bà Doan đã từng khẳng định như đinh đóng cột trên báo Nhân Dân là nước ta có nền dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản.Rứa mà giờ đây,ông Hoàng lại cả gan nói thế.
    Biết nghe ai bây giờ nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tội ác lừa dân vào chỗ chết, ngu dân để cai trị để vơ vét và làm tay sai cho ngoại bang là công của Tuyên giáo csVN.
      Vì thế, khi canh bạc gần tàn, những chuyên gia lừa bịp ấy biết khó lừa bịp trắng trợn thì lại quay sang vuốt ve nói về nỗi đau của dân chúng và giở những bài nuôi hy vọng cho dân về một con dao tự gọt nổi chuôi?
      Với VN hiện nay, không có giải pháp nào ngoài giải pháp giải tán đảng cs thối nát, đa nguyên để hội nhập vào thế giới văn minh, đa đảng để có cạnh tranh lãnh đạo mà dân chọn ra được người tài, người tốt cho mình, tam quyền phân lập để dân giám sát kiểm tra người cầm quyền.

      Xóa
  8. Cứ nhiều đảng vào là hết ra oai quyền lực, hết tham nhũng, hối lộ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà con một không chột cũng què. Xã hội dân chủ thật sự là phải có cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển ; trong nhà cũng vậy quốc gia cũng rứa thế giới cũng vậy thôi cả làng ạ?????

      Xóa
  9. Dù sao, qua những bài viết gần đây, Phó Ban TGTW cũng dám nói thẳng nói thật và đưa ra những kiến giải, đề xuất có lợi cho nền dân chủ theo xu hướng thời đại. Tốt thôi, hãy phát huy lên nhé! Ông VN. Hoàng viết vậy có làm Trưởng ban phật ý, khó chịu chút nào không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trò ma cô để xoa dịu dư luận thôi, để nếu "có biến" thì mọi người tha tội chết cho thôi.

      Xóa
  10. Bài viết của ông VNH hay, nhưng người đọc cảm thấy dường như còn ... và thiếu thiếu cái gì đó ?!?!. Cái ... và cái thiếu này do tác giả không biết hay biết mà vì lý do nào đó chưa thể nói ra?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Gia Hiềnlúc 10:16 12 tháng 8, 2015

      Phê bình cá nhân lãnh đạo, kể cả lôi những cái sai, cái xấu của "Tứ trụ" Sang Trọng, Hùng Dũng, không phải là "Lợi dụng quyền tự do dân chủ nói xấu đảng, nhà nước , làm mất uy tín, niềm tin của nhân dân đối với chế độ..." như điều 258...đã cố tình quy kết làm oan sai cho nhiều người, chặn họng chặn cổ nhân dân!

      Xóa
    2. Hàng "mã" chăng?

      Xóa
    3. Sau này, dứt khoát phải tìm xem thằng nào viết ra cái điều luật 258 để xử tội chống lại loài người của độc tài csVN

      Xóa
  11. Một tiến sĩ Phó ban tuyên giáo của ĐCS mà chẳng hiểu XHCN là gì?
    Khi đánh giá về CNTB , ông nói một số nước TBCN đang có tiến bộ gần với CNXH hơn.
    Thật nực cười, tôi nhớ lâu lắm rồi, một số nước Bắc Âu nói đùa rằng nước họ cũng là nước XHCN? Nhưng đó là câu nói đùa, họ muốn nhấn mạnh rằng ở đất nước họ rất bình đẳng và bác ai.
    Vậy thực chất một đất nước XHCN như ở VN hiện nay, nạn cướp bóc được chính quyền bảo hộ, nông dân không có ruộng cày, khắp nơi đói rách cơ cực .... thì gọi là gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước đây chỉ cần chê đảng một chút thôi là bị đánh lên đánh xuống, lôi cả lý lịch ra xem xét. Nay đảng cũng chịu nghe những lời trái tai rồi. Hoan hô sự tiến bộ trông thấy của đảng. Cố lên, đảng CSVN ! Hãy vì dân vì nước đi, đừng có vì túi tham của mình nữa! He...he...

      Xóa
    2. Bác nói vậy là chưa chính xác vi ở VN.
      cái aó ngoài CNXH.chỉ dùng để che đậy
      thực chất (cộng sản) ở bên trong,còn ở
      các nước Bắc Âu,CNXH.là CNXH.không
      có dính dáng gi đến CS.của Marx cả !

      Xóa
    3. Bản chất của CNCS là không tốt, thậm chí còn là xấu, là tàn bạo.
      Ai không hiểu điều đó thì ngộ nhận cái thứ mà cs theo đuổi là tốt chứ người hiểu bản chất lưu manh của các đảng cs thì không bao giờ.
      "cs là thiên đường của một số người, nhưng nó là địa ngục của tất cả những người còn lại" đó là kết luận của Victo Huygo đại văn hào Pháp, tác giả của :những người khốn khổ"

      Xóa
  12. Bài này có đăng trong tạp chí
    HỌC TẬP
    không nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nào là "sự thật" nào là "Học tập" nay là "Cộng sản" nhưng thực tế đều là những thứ "lý luận bịp bợm:dân chúng và đảng viên quèn" mà thôi.

      Xóa
  13. Tôi thích cái chỗ vạch rõ sự thật, nêu bật thực tế này của tác giả VNH: "Một số nước TBCN phát triển hiện đại dân chủ hơn ở nước ta là do trình độ phát triển. Dân chủ là một vấn đề khách quan, tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi nước, nhất là trình độ dân trí, quan trí và sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội.
    Quyền lực luôn có mặt trái là nó làm tha hóa những người nắm giữ và sử dụng quyền lực nếu như họ không đủ độ chín về nhân cách. Quyền lực càng lớn thì nguy cơ tha hóa càng nhiều. Người giữ chức vụ càng cao trong bộ máy quyền lực thì đối mặt với nguy cơ càng lớn về sự tha hóa. Một người khi giữ chức vụ thấp hơn thì nguy cơ tha hóa ít hơn và ngược lại".
    > Thế mà ông Tổng Trọng vẫn tưởng và còn đi khoe khoang: Chỉ có ta (VN, do đảng lãnh đạo) là nhất! Than ôi!

    Trả lờiXóa
  14. Hiện nay, địa vị như ông Vũ Ngọc Hoàng mà có được những nhận thức như vậy là tuyệt lắm rồi. Nhất định đảng sẽ đổi mới hơn nũa để có thể thành đảng của toàn dân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Nhất định đảng sẽ đổi mới hơn nũa để có thể thành đảng của toàn dân." -ông đừng nhử bánh vẽ để làm dịu cơn đau của người dân nữa, trò này tuyên giáo vẫn làm đấy ông ạ, 85 năm hy vọng rồi thất vọng, rồi lại nhử lại hứa, rồi lại hy vọng, rồi vẫn thất vọng vì mọi thứ đều ngược với lời nói lời hứa của đảng rồi, hy vọng gì nữa vào cái đảng lưu manh lừa đảo ấy nữa, dẹp đi cho dân nhờ.
      "cs chỉ có tuyên truyền và dối trá";-GoroBachev; |"cs không thể sửa chữa, nó chỉ có thể dẹp bỏ"-Boris Ensin
      Đó là sự thật, là chân lý đã được kiểm chứng đối với các đảng cs trên thế giới nói chung và đặc biệt csVN.
      (CCB, đảng viên đã tự bỏ đảng hơn 15 năm)

      Xóa
  15. ở vị trí của ông, không phải muốn nói thật tâm tư là được , cứ viết 3 điều thật thì phải kèm 1 dối vào, người đọc thông minh phải biết chỗ dối ấy mà hiểu ngược lại

    Trả lờiXóa
  16. Đã độc đảng thì nhất định sẽ "Độc đoán chuyên quyền" . Chính vì chống "Độc đoán chuyên quyền" nên các nước dân chủ mới thực hiện đa đảng và tam quyền phân lập. Đây là những vấn đề thuộc phạm trù chính trị XH , không thể vừa độc đảng vừa dân chủ được . Chẳng khác gi bảo " tao phải đắp đập be bờ cho nước nó thoát nhanh " ! Riêng tôi chẳng tin CS sẽ tự đổi mời gì được . Có nơi này nơi kia , hay ai đó nói như ông VNH cho vui thôi , hoặc chỉ là bánh vẽ mị dân . Còn thực thi dân chủ như thế nào thì toàn dân VN đã biết rồi .

    Trả lờiXóa
  17. Nhung thang ngoi len ghe lanh dao bay gio da so duoc tum toc keo len nho co quyen hoac co tien, nen dau oc trong rong nhu qua du du, voi suy nghi cua con bo va tu duy cua con kien bo canh cut. Chi duoc cai la chung no biet hua theo de giu cho ngoi nen nho moi mot cau cua mieng la " EM CUNG THE "

    Trả lờiXóa
  18. Đã là độc đảng thì chắc chắn 100% đảng đó không thể là của toàn dân được ! lịch sử đã chứng minh rõ ràng điều này rồi - khỏi cần bàn thêm !( nhân dân tuân theo vì súng của đảng dí vào đầu họ chứ thật lòng họ rất bất mãn vì trái với nguyện vọng của họ !)

    Trả lờiXóa
  19. Quyền lực càng cao làm sao để đối diện nguy cơ bị trừng phạt càng lớn nếu không làm tròn trách nhiệm thì sẽ hạn chế vấn đề tha hóa

    Trả lờiXóa
  20. Có lẽ trong giới quan chức của ĐCS hiện nay, thì ông TS VNH thuộc loại cán bộ tốt nhất đấy nhỉ?
    Đó là tôi căn cứ vào nội dung bài viết này. Tuy có nhạt nhẽo chung chung, nhưng ít ra ông cũng thộc bài, cái bài được gọi là "Lý thuyết cơ bản" mà tất cả chúng tôi đã từng phải học thuộc để có ít nhất được điểm 5/10 thì mới đủ điểm chuẩn học đại học.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài viết của Vũ Ngọc Hoàng nêu cái tựa đó ra để mỵ dân mà thôi
      Độc đảng và Dân chủ là hai phạm trù nghịch nghĩa với nhau, không thể làm đĩ mà còn trinh được.

      Xóa
  21. Ông Vũ ngọc Hoàng đã nói đúng đến bản chất của vấn đề khi liên hệ đến các đời vua chúa trị vì đất nước trước đây. Đời vua nào rồi cũng thế vào đời đầu tiên thể hiện lên sự anh minh vì dân vì nước. Nhưng tiếp đến đời sau (cha truyền con nối) thì cũng đều trở nên tha hóa. Hồ Chí Minh người đầu tiên đứng ra làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thành công người dân ai cũng tin tưởng ủng hộ. Nhưng khi hết đời ông đến lượt phe nhóm của ông lãnh đạo thì cũng không thể thoát ra khỏi sự nghiệt ngã đó. Nguyên nhân nào dẩn đến sự suy thoái tất yếu của bộ máy lãnh đạo này? Lẻ ra ông Hoàng nên thẵng thắn nói ra là do độc quyền lãnh đạo ‘làm vua tập thể’. Đó chính là căn nguyên dẩn đến sự tha hóa không một phương thuốc nào có thể chửa trị ngoài phải đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập ông Vũ Ngọc Hoàng ạ.

    Trả lờiXóa
  22. Quỵền lực của dân thì phải do dân ban (do dân cử). Đảng CSVN không chấp nhận đa nguyên chính trị, giành quyền lãnh đạo "muôn năm" - một mình một chợ, không chấp nhận "thi đấu" thì sự lộng quyền, tha hóa, biến chất là điều không tránh khỏi, hết thuốc chữa?!. Nếu Đảng CSVN nói mình giỏi, tài, đức... thì chấp nhận đa nguyên chính trị, định kỳ thi đấu vời các đối thủ cho rõ mặt"bầu cua". Chỉ một mình chạy trên đường đua, về nhứt cũng là mình, về chót cũng là mình - đểu hoài ?

    Trả lờiXóa
  23. Vũ ngọc Hoàng nói hiện tượng mà không nói bản chất, nói quả mà không nói nhân, chỉ có giá trị như thuốc giảm đau - bắn bổng gây tiếng vang kiếm điểm chớ chẳng chết ai, huề cả làng. Ông Hoàng có nói nhiều hơn nữa thì mọi việc vẫn đâu vào đấy, vẫn "Đảng CSVN qung vinh muôn năm"

    Trả lờiXóa
  24. T.S Vũ ngọc Hoàng đã làm một bài tổng kết về sự phát triển,tồn tại và suy thoái của tất cả các triều đại phong kiến của nước Việt nam ta,thậm chí là cả các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô. và ông kết luận lý do sụp đổ là " QUYỀN LỰC ĐÃ LÀM THA HÓA NHỮNG NGƯỜI NẮM CHÍNH QUYỀN" và họ đã tự đánh gục chính mình. Vậy chế độ của chúng ta đang ở giai đoạn nào?

    Trả lờiXóa