Trang BVB1

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long – 40 NĂM NHÌN LẠI - Kỳ 12

Mùa dâu Hạ Châu (Phong Điền - T.p Cần Thơ)
* LÊ PHÚ KHẢI
… (tiếp theo)
IX - HẬU VĂN MINH MIỆT VƯỜN
Trong những năm đầu thế kỷ 20, người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng dụng cụ thô sơ và lao động cần cù đã sáng tạo nên một kỹ thuật làm vườn độc đáo. Đó là cách đào mương lên liếp, tạo giồng đất cao nơi đất thấp, dẫn nước ngọt từ sông cái vào tưới cho vườn cây, vét phù sa dưới mương lên bón cho liếp, không cần đến phân mà cây cối vẫn tốt tươi… Về kỹ thuật trồng tỉa, lai ghép các giống cam, quýt, sầu riêng, măng cụt,… ở miệt vườn đã đạt đến trình độ khéo léo, già dặn. Kỹ thuật bảo vệ cây trồng ở miệt vườn rất độc đáo. Người nông dân chỉ bắt sâu bằng tay và giữ vệ sinh vườn chứ không dùng thuốc hoá học... 
Đặc biệt là việc nuôi kiến vàng trong vườn để trừ sâu. Người ta trồng mãng cầu là thứ cây kiến thích làm tổ để dụ kiến đến, bắt tổ kiến ở nơi khác về nuôi. Người ta còn treo ruột gà, vịt trên các cành cây để làm thức ăn cho kiến. Dùng dây chuối, dây thừng nối các cành làm hệ thống giao thông cho kiến đi lại… Nhờ hệ thống giao thông, kiến dễ dàng tập trung nơi có sâu bọ và không đánh lộn nhau! Những vườn cây quả có đội kiến vàng bảo vệ như thế rất sạch sâu bệnh …
Cả một vùng phù sa mới ven sông Tiền, sông Hậu như Cái Bè, Cái Mơn, Sa Đéc, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ… đã hình thành một thế giới miệt vườn của Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu thế kỷ 20.
Sau nhiều năm chiến tranh miệt vườn bị bỏ hoang hoá. Từ sau 1975 đến nay, miệt vườn được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Năm 1960-1961, chính quyền Sài Gòn kiểm tra canh nông ghi nhận Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 20.195 ha vườn cây ăn trái, sản lượng 126.900 tấn/năm. Đến năm 1983, Phân Viện Quy hoạch Nông nghiệp thông báo diện tích vườn cây ăn trái của toàn Nam Bộ là 169.470 ha. Trước đó 3 năm Tổng cục Quản lý ruộng đất cho hay, diện tích mới chỉ có 108.000 ha.
Kể từ khi Nhà nước ta đổi mới công tác quản lý nông nghiệp, đặc biệt là khi sản lượng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã dư thừa và không đem lại lợi nhuận cao cho nông dân thì kinh tế vườn tự phát trỗi dậy. Một phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn trái có giá trị đã nhen nhúm ở Đồng bằng sông Cửu Long, có nơi khá rầm rộ như vùng Mỹ Tho, Vĩnh Long… đốn cây này, trồng cây kia là chuyện sôi động ở miệt vườn. Hơn 200.000 ha đất vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long thực sự đã bước vào một thời kỳ mới,gắn chặt “giấc ngủ màu xanh” của miệt vườn với thị trường sôi động và biến đổi không ngừng. Không ở đâu trên đất nước ta và cả vùng Đông Nam Á lại có một vùng miệt vườn rộng lớn như Đồng bằng sông Cửu Long. Miệt vườn là hy vọng của Đồng bằng sông Cửu Long, sau cây lúa. Nhà nước đã và đang hỗ trợ vốn để nông dân nghèo cải tạo vườn tạp. Ngành nông nghiệp đã quyết định thành lập một Viện cây ăn trái ở Long Định, Tiền Giang để giúp các nhà vườn giống mới và kỹ thuật làm vườn tiên tiến.
Đến nay (cuối 2013), miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long diện tích cây ăn quả các loại là 288.000 hecta cho sản lượng 3,14 triệu tấn quả. Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả Miền Nam thì Đồng bằng sông Cửu Long hội tụ đầy đủ điều kiện thiên nhiên, nguồn nước, khí hậu để phát triển trồng cây ăn quả.
Từ năm 2000 trở đi những cách tân quan trọng phương pháp trồng và chăm sóc, tuyển chọn giống cây chất lượng, đã hình thành các vùng chuyên canh theo hướng Việt Gap và Global Gap. Các tỉnh có cây ăn trái đặc sản hàng hoá tập trung là xoài cát Hoà Lộc ở Tiền Giang và Cần Thơ. Xoài cát chu ở Đồng Tháp, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng. Bưởi da xanh ở Bến Tre, quýt hồng ở Lai Vung Đồng Tháp. Thanh long ở Tiền Giang và Long An. Vú sữa ở Lò Rèn Tiền Giang, dứa ở Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang. Nhờ hợp tác của Viện cây ăn trái Miền nam với các địa phương đã hình thành được 25 mô hình sản xuất theo hướng hiện đại, chất lượng cao với diện tích 400 hecta. Nhờ tiến bộ kỹ thuật, qui trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch diện tích kể trên có năng xuất chất lượng cao hơn hẳn lối canh tác cổ truyền.
Vì thế cơ quan kiểm định Mỹ đã cấp mã code xuất khẩu cho chôm chôm Bến Tre, thanh long Tiền Giang và Long An vào thị trường Mỹ. Năm 2012 xoài và thanh long đã được nhập vào Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Năm 2013 nhãn, xoài, vú sữa tiếp tục… lên đường đi xa… Thông qua tổ hợp tác và hợp tác xã trái cây của Đồng bằng sông Cửu Long đã được cung ứng cho các doanh nghiệp và các siêu thị ở các thành phố lớn trong nước.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của cả nước đến 76 nước trên thế giới thì trái dứa của Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 16 % tổng kim ngạch, mít chiếm 3,5%, thanh long chiếm 4%, dừa 27,2%...
Giá trái cây hơn hẳn giá lúa, vì thế miệt vườn luôn là miệt giàu có, trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long xưa và nay. Giá thanh long hiện nay là từ 25 đến 27.000 một ký, bưởi da xanh luôn có giá 50.000 đồng 1 ký. Một hecta vườn có thể cho thu hoạch hàng trăm triệu một năm. Có những hình ảnh không thể nào quên, đó là khi chưa có cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ… sản vật của miệt vườn được bày bán trên bờ hai bên bến phà… như một rừng trái cây của đồng bằng. Có ai đó một lần trong đời được chứng kiến cảnh này thì không bao giờ quên. Nó ồn ào, náo nhiệt, đa sắc màu, phóng khoáng một cách lạ thường… Nó thú vị gấp ngàn lần khi đi mua trái cây trong các siêu thị ngày nay.

X - CÔNG NGHIỆP HÓA VÀ
CÔNG NGHIỆP KHÔNG KHÓI
Khi nói đến công nghiệp hóa thì trước hết, phải xác định khái niệm: công nghiệp. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, lấy cớ là chuyển đổi cơ cấu kinh tế, người ta đã “ước” ra những “khu công nghiệp”, giống hệt như anh chàng Raphael trong “Miếng da lừa” (La peau de Chargrin) của văn hào Pháp Honoré de Balzac. Càng ước, miếng da lừa càng co lại cho tới khi Raphael tắt thở!
Công nghiệp là gì? Nếu không phải là việc sử dụng động cơ hơi nước, động cơ đốt trong và sự phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ, hóa chất, thép và điện lực tiến lên tự động hóa, công nghệ tin học… ở hai thế kỷ trước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba này, như Jeremy Rifkin, một trong những nhà tư tưởng xã hội lớn nhất thời đại chúng ta, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất như The European Dream, The Hydrogen Economy, The Age of Acces… (Giấc mơ châu Âu, Kinh tế Hydro, Thời đại tin học) thì cách mạng công nghiệp lần thứ ba gồm 5 trụ cột là: Sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, thu gom năng lượng tái tạo tại chỗ, áp dụng công nghệ hydro và công nghệ lưu trữ khác trong mọi công trình, sử dụng công nghệ Internet để chuyển đổi lưới điện của tất cả các lục địa thành một mạng lưới chia sẻ năng lượng hoạt động giống như internet và chuyển các phương tiện vận tải sang các phương tiện chạy điện và pin… có thể mua và bán điện thông qua một lưới điện thông minh ở cấp châu lục… “Năng lượng tái tạo và công nghệ internet xếp đặt lại thế giới” – đó là thông điệp của Rifkin!
Công nghiệp hóa quyết không phải là mấy cái xưởng may vá quần áo, đóng giày dép và lắp ráp của tư bản nước ngoài nhằm vào lao động rẻ mạt tại chỗ và xả rác thải ra môi trường. Có thể lấy bột ngọt Vedan làm một ví dụ điển hình. Vedan thu mua sắn (củ mỳ) ở miền Đông Nam bộ, chế biến tại nhà máy ở Long Thành Đồng Nai và xả nước thải… giết chết sông Thị Vải!!!
Với Đồng bằng sông Cửu Long thì công nghiệp hóa trước hết và trên hết là công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp ngành chế biến nông sản sau đó mới nói đến các tiến trình khác.
Du lịch miệt vườn Vĩnh Long
Công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long trước hết phải là cuộc cách mạng về giống cây trồng và vật nuôi, cơ khí hóa, tự động hóa khâu làm đất, chăm sóc cây trồng vật nuôi theo phương pháp khoa học tiên tiến, giảm thiểu đến mức tối đa tổn thất sau thu hoạch quá lớn như hiện nay… Đó là những việc “phải làm ngay” sau ngày đất nước thống nhất chứ không phải là lấy đất bờ xôi giếng mật để san ủi, xây dựng “khu công nghiệp” như đã làm ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm qua.
Nhìn nhận một cách thật nghiêm túc, công bằng, 40 năm qua việc thành lập Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện cây ăn quả Miền Nam, các Trung tâm nghiên cứu khoa học… là những việc làm thiết thực, có thành tựu đáng kể trong công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ được thành lập năm 1994 được xem là một thành công, một hướng đi đúng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Khi khu chế xuất Tân Thuận Nhà Bè TP.HCM làm lễ động thổ thì Cần Thơ cũng nối gót và được Chính phủ “bật đèn xanh” cho thành lập khu chế xuất trên cơ sở khai thác lợi thế của khu công nghiệp Trà Nóc cũ.
Sẵn có vị trí thuận lợi, lại được xây dựng trên nền tảng khu công nghiệp Trà Nóc có cơ sở hạ tầng nhất định, ban quản lý khu chế xuất Cần Thơ sau này được Chính phủ chuyển thành “Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ” để tiện bề quản lý chung cả khu vực công nghiệp trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi ra đời, trong tình thế “ba không”, không có vốn, không có kinh nghiệm, không có quan hệ quốc tế rộng rãi như Hải Phòng, TPHCM… để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cần Thơ đi đến một quyết định là huy động mọi tiềm năng tại chỗ, để xây dựng cơ sở hạ tầng. Để thực hiện chủ trương tích cực đó, Cần Thơ đã thành lập “Công ty xây dựng và phát triển khu chế xuất”. Ngày khởi công xây dựng mặt bằng khu chế xuất có sự đóng góp đầy tình nghĩa của các đơn vị tại chỗ như Nông trường sông Hậu, Công ty công trình đơn vị Cần Thơ, Công ty xây dựng cầu đường 75 Cục đường bộ Việt Nam
Sau một thời gian không lâu là 3 năm, công ty xây dựng và phát triển khu chế xuất đã thực hiện được một khối lượng công việc rất đáng kể: San lấp mặt bằng 60ha, giải tỏa và di dời hàng trăm hộ dân cùng mồ mả, trải 5.384m đường điện trung thế 15KV, 1.650m điện chiếu sáng, hệ thống mương và cống thoát nước, cổng rào bảo vệ v.v…
Tổng vốn đầu tư cho các công trình trên là 30 tỷ đồng. Con số đó là ít so với luận chứng kinh tế cho xây dựng cơ bản khu chế xuất là 144 tỷ đồng, nhưng bước đầu đã phát huy kết quả. Thực tế đã cho thấy, tự tổ chức xây dựng hạ tầng khu chế xuất và công nghiệp, kết quả thu được là nhanh về tiến độ, tốt về chất lượng và rẻ về giá thành. Chính phủ đã khẳng định việc làm này là rất đúng đắn trong điều kiện của Cần Thơ.
Sau ba năm hoạt động, khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã gọi vốn đầu tư bên ngoài là 126 triệu USD. Nếu kể cả các công ty, nhà máy sẵn có đầu tư mở rộng sản xuất thì con số đó lên đến 166 triệu USD. So với hơn 400 triệu USD mà khu chế xuất Tân Thuận TP.HCM thu hút đầu tư trong 5 năm thì tốc độ đầu tư vào Cần Thơ là đáng phấn khởi. Nếu lấy chỉ số đất đai được sử dụng trong giai đoạn đầu là 150ha, trừ 108ha đã được cấp giấy phép xây dựng và đã ký hợp đồng thuê đất, chỉ còn lại 42ha… thì có thể nói, bước đầu, khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã thu thắng lợi.
Năm 1996, giá trị sản lượng do các xí nghiệp trong khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ sản xuất đạt 98 triệu 458 ngàn USD, trong đó trên 75 triệu USD xuất khẩu, thu hút trên 5.000 lao động, các ngành nghề khá đa dạng, nhưng chủ yếu là chế biến lương thực, thực phẩm.
Ngày 26/4/1997, công ty chế biến dầu khí Việt Nam đã được chính phủ cấp giấy phép liên doanh với 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để ra đời “Công ty liên doanh chế biến dầu khí” tại khu công nghiệp Cần Thơ. Đây là nguyện vọng đồng thời cũng là quan điểm của các tỉnh đồng bằng là đi lên công nghiệp hóa, Đồng bằng sông Cửu Long không thể chỉ có công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản mà sau đó phát triển công nghiệp một cách toàn diện. Sự có mặt của công ty liên doanh chế biến dầu khí tại Cần Thơ sẽ mở ra hàng loạt công nghệ chế biến phân bón, gaz lỏng, dầu nhờn, mỡ, nhớt… tất cả những thứ mà Đồng bằng sông Cửu Long vốn là một thị trường tiêu thụ mạnh những hàng hóa này..
Sau ba năm xây dựng khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài ngại đầu tư vào khu chế xuất do cơ chế chưa hấp dẫn hơn bao nhiêu so với đầu tư vào khu công nghiệp. Thậm chí, có dự án đã được cấp giấy phép vào khu chế xuất như công ty lưới đánh cá Thái Lan đã lại xin chuyển sang hưởng quy chế khu công nghiệp.
Những hạn chế lớn nhất đối với đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long thời điểm này vẫn là tình trạng cơ sở hạ tầng còn yếu như sân bay, bến cảng container, cầu đường đi lại khó khăn…
Những gì đạt được ở Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ sau ba năm thể hiện quyết tâm và khát khao của đảng bộ và nhân dân Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung với sự nghiệp công nghiệp hóa ở vùng trọng điểm nông nghiệp lớn nhất của cả nước. Nhưng sau thành công của Khu công nghiệp Cần Thơ, thì tình trạng đua nhau lấy đất nông nghiệp để mở các “khu công nghiệp” ở Đồng bằng sông Cửu Long là một sai lầm nghiêm trọng.
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng ở Đồng bằng sông Cửu Long, kể cả sau khi thực hiện QĐ 99TTg của Thủ tướng chính phủ (1996-2000) vẫn cón nhiều khó khăn. Như tiến sỹ Trần Thanh Bé Viện trưởng viện Kinh tế xã hội Cần Thơ nhận xét, nếu đầu tư 10 tỷ xây dựng nhà xưởng ở các nơi khác thì ở đồng bằng phải đầu tư 13 tỷ… Vì thế, không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Thứ hai, nguồn lao động chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng sản xuất công nghiệp thấp hơn hẳn các vùng khác trong cả nước, tỷ lệ người mù chữ cao. Điều này có nguyên nhân là nông dân đồng bằng chỉ quen độc canh cây lúa; thời gian nông nhàn dài, tập quán ăn nhậu lai rai của đa số trung niên và thanh niên ở đồng bằng đã dẫn đến tình trạng ngoài khả năng canh tác lúa, họ không có nghề nghiệp phụ nào khác, không có thời gian nào để học hỏi nâng cao kiến thức chung… Có lần, chủ tịch tỉnh An Giang là ông Nguyễn Minh Nhị đã than phiền với tôi (Lê Phú Khải): Tỉnh An Giang chúng tôi có đủ tiền và vật liệu để xây trường học, xóa nạn học ca ba… nhưng tìm không có thợ để xây trường, dù là xây nhà cấp bốn, không lầu… Có lần bí thư Cần Thơ là ông Lư Văn Điền (Tám Thanh) than phiền với tôi rằng: Nếu xây dựng một nhà máy ở Cần Thơ thì kiếm công nhân lành nghề, kiếm một quản đốc, một đốc công là rất khó… trong khi tìm một cán bộ chung chung là rất dễ!!!
Thứ ba là, chi phí trung gian cao. Mục tiêu kêu gọi đầu tư của các tỉnh thường trùng lặp, chồng chéo nhau v.v…
Vì thế tình trạng thu hồi đất làm khu công nghiệp rồi không có ai vô cả. Người viết cuốn sách nhỏ này đã nhiều lần đi trong các “khu công nghiệp” ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang v.v… mà xung quanh là lau sậy mọc lút đầu người, không khỏi xót xa trong lòng… nghĩ đến những người nông dân từng làm chủ những mảnh ruộng này, ở ngay bên nguồn nước ngọt phù sa của sông Tiền, sông Hậu… bây giờ họ đi đâu… về đâu? Và mảnh ruộng màu mỡ kia của họ đang là hang ổ của rắn rết, muỗi trùng… hoang vu trở lại với Đồng bằng sông Cửu Long… Thỉnh thoảng, tôi được “an ủi” khi nhìn thấy những “cánh đồng cỏ” ở những khu “đô thị mới” nhưng chưa có ai đến ở… thì các bác nông dân mất đất năm xưa lại trở về đây để… chăn bò!. Có lẽ không có gì để nói về thảm cảnh ở các khu công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay bằng bài điều tra (đăng liền hai số báo) của báo Công an TP.HCM ra ngày 21/2/2014 của tác giả Dương Trung Oanh với nhan đề “Nhiều khu, cụm công nghiệp đang phơi sương. Xin trích đăng một số đoạn trong bài báo đó:
“Tính đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long có đến 74 Khu công nghiệp (KCN) và 214 cụm công nghiệp (CCN) được đưa vào quy hoạch, xây dựng với tổng diện tích hơn 42.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ… Trong số đó có đến 92% diện tích quy hoạch vẫn chưa đưa vào sử dụng – kết quả khảo sát mới nhất của VCCI Cần Thơ (Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tại Cần Thơ). Phần lớn các KCN, CCN chỉ sử dụng khoảng 5-40% diện tích đất, số còn lại đang nằm trong tình trạng “phơi sương”, trong đó có hàng ngàn hecta đất màu mỡ nằm cạnh bờ sông Tiền, sông Hậu bị đưa vào quy hoạch rồi bỏ hoang, gây lãng phí.
Cách đây hơn 20 năm, KCN Trà Nóc (TP.Cần Thơ) mở ra như một phát pháo khởi đầu cho trào lưu kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó, hầu như tỉnh nào cũng bắt đầu rục rịch quy hoạch KCN, CCN để phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, do điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông yếu kém, chính sách mời gọi đầu tư thiếu hấp dẫn… nên cuộc cách mạng kinh tế mang tên “KCN, CCN” đã nhanh chóng “đột tử” khi vừa chớm nở.
Tại Cần Thơ, ngoài KCN Trà Nóc 1 (135ha) cho thuê hết 100% đất và Trà Nóc 2 (262ha) cho thuê trên 100ha là nhờ cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Còn KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, 2B (tổng diện tích 474ha) vẫn đang nằm trong tình trạng “ngủ đông” nhiều năm liền do chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Đến nay, KCN này chỉ mới bồi hoàn, giải tỏa được 64ha và lẻ loi bốn dự án triển khai.
Khi nhắc đến KCN, CCN ở các tỉnh miền Tây, tỉnh Long An có lẽ là điểm “nóng” nhất với hơn 60 KCN, gần 16.000 ha đất bị thu hồi, phần lớn là đất nông nghiệp màu mỡ với những đặc sản nổi tiếng như gạo Nàng Thơm Chợ Đào, thơm Bến Lức, dưa Hoàng Kim… Bên cạnh những KCN, CCN gần nội ô thu hút được vốn đầu tư thì rất nhiều nơi khác bị đưa vào quy hoạch rồi bỏ hoang”…
“Năm 2004, tỉnh Hậu Giang bắt đầu xây dựng KCN, diện tích quy hoạch lên tới 3.200ha. Theo đó, rất nhiều dự án lên đến hàng tỷ đồng được “rót” vào đầu tư, khởi công hoành tráng tại KCN Sông Hậu. Điển hình, dự án xây dựng nhà máy giấy Lee & Man (CCN Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành), diện tích 82ha, vốn đầu tư tuyên bố 1,2 tỷ USD, dự báo là nhà máy sản xuất giấy và bột giấy lớn nhất Việt Nam. Nhưng đến nay vẫn chỉ thấy bãi đất hoang. Cuối năm 2012, UBND tỉnh Hậu Giang phải ký quyết định sang nhượng lại 152ha đất nằm trong dự án KCN sông Hậu cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam để thực hiện dự án xây dựng cảng biển và khu hậu cần.
 “Vùng đất này ngày xưa chúng tôi trồng cam sành, đất đai màu mỡ nên cây sai trái, ngọt lịm. Một ha cam sành mỗi năm thu lời hơn 500 triệu đồng, sống khỏe re. Khi Nhà nước thu hồi để làm khu công nghiệp đền bù rẻ mạt, tiếc lắm nhưng biết làm sao giờ”, ông Trần Văn Tá (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) ngậm ngùi. Điều đáng nói, sau 10 năm thu hồi đất, hàng ngàn hecta vốn màu mỡ, cùng những vườn cây trái tốt tươi nằm cạnh bờ sông Hậu giờ chỉ loe hoe vài nhà đầu tư, phần còn lại trở thành địa điểm… chăn bò lý tưởng”…
“Theo thống kê, cả nước đang có hơn 600 KCN đang hoạt động nhưng chỉ có 40 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có đến 85% CCN và 75% KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có mà chưa đạt chuẩn. Chỉ tính riêng 288 KCN, CCN và 119 cơ sở chế biến thủy sản đã đẩy ra môi trường 47 triệu m3 nước thải lỏng/năm và 220.000 tấn thải rắn/năm. Thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường quanh các KCN, CCN đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận chỉ gắn các hệ thống xử lý nước thải để “ngụy trang” khi bị cơ quan chức năng kiểm tra khiến vấn nạn ô nhiễm môi trường càng thêm trầm trọng.
Tính riêng tại 8 KCN ở Cần Thơ đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. KCN Trà Nóc 1 và 2 có 34 doanh nghiệp “đè” ra nước thải nhưng chỉ có 11 doanh nghiệp xử lý đạt quy chuẩn, 3 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo kết quả phân tích của hơn 20 mẫu nước gần các KCN Trà Nóc 1 và 2 thì trên mặt nước sông Hậu đều vượt quá mức ô nhiễm cho phép.
Năm 2009, nhà máy thép miền Tây chính thức đưa vào hoạt động trong lĩnh vực sơ chế sắt thép phế liệu, được đặt cạnh bờ sông Tiền, ấp Long Hòa, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cũng từ đó, nhiều người dân sống ven con sông rộng khoảng 400m, bên bờ ấp Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp bỗng đổ bệnh và chết vì căn bệnh xơ gan, ung thư gan. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây đã có đến 11 trường hợp tử vong và nhiều người mắc phải hai căn bệnh quái ác này”…
Thực chất công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là quá trình áp dụng khoa học (kiến thức), kỹ thuật (công cụ), công nghệ (kỹ năng) để tạo ra năng suất, hiệu quả cao, tạo thế bền vững cho nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai… Xét về bản chất thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung không phải là mục tiêu mà là phương tiện để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tạo đà cho công nghiệp hóa kinh tế cả nước. Chính vì vậy mà công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp phải diễn ra song song và phối hợp với các tiến trình công nghiệp hóa khác ở ngay đồng bằng.
Nếu chúng ta chỉ chấp nhận đầu tư vào những ngành hàng tốn lao động thủ công, ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều tài nguyên tự nhiên, năng suất lao động thấp, tuy tạo được công ăn việc làm cho người lao động nhưng chỉ tạm thời và tình trạng tụt hậu, cách biệt giữa nước ta và thế giới công nghiệp ngày càng lớn. Chúng ta phải tận dụng cơ hội tham gia vào tiến trình tái sắp xếp lại thị trường và đối tác đầu tư đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới do cuộc cách mạng kỹ thuật mới đem lại… để xây dựng ngay các tiến trình công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn và các thành thị ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính thời đại tin học và bước chuyển biến kinh tế thứ ba của thế giới qua phương Đông và Nhật Bản và bốn con rồng châu Á đã tạo cơ hội cho các nước phát triển có cơ hội hiện đại hóa nhanh một số ngành kinh tế kỹ thuật. Trên thực tế, Đồng bằng sông Cửu Long đã có một số ngành kỹ thuật đã mau chóng “hòa mạng” với thế giới. Việc tỉnh nghèo Bến Tre nhập thiết bị viễn thông nông thôn hiện đại của hãng NEC Nhật Bản và chỉ sau 3 – 4 tháng, toàn bộ dung lượng lắp đặt đã được khách hàng sử dụng hết… là một ví dụ. Một Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan… nhỏ hơn Đồng bằng sông Cửu Long nhiều lần đã trở thành những con rồng công nghiệp thì tại sao không nghĩ đến một Côn Đảo, Phú Quốc, Hà Tiên có trở thành một đặc khu như Thẩm Quyến, Chu Hải, Sơn Đầu… của Trung Hoa thời cải cách mở cửa. Thị xã địa đầu nước là Móng Cái khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định (675/TTg 18/9/1996) cho “áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu” theo hướng kinh tế mở, chỉ sau hai năm (96-98) đã đưa tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt gần 300 triệu USD, thu ngân sách trên địa bàn thị xã 175 tỷ/năm, bằng phân nửa ngân sách của tỉnh Minh Hải cùng thời kỳ đó (1998). Gần 70 doanh nghiệp lớn trong cả nước đã đặt đại diện Móng Cái. Thị xã Hà Tiên có “hoàn cảnh” hoàn toàn giống  Móng Cái… có thể làm như Móng Cái được chăng?
Tiến hành các tiến trình công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long song song với công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, trước hết phải đáp ứng các yêu cầu, thị hiếu, sức mua của nông dân đồng bằng. Những nhu cầu đó là: vật tư, thiết bị, nguyên liệu (cho sản xuất nông nghiệp), máy móc, động cơ nhỏ, vận tải cơ giới nhỏ, hàng hóa phục vụ đời sống đông đảo cư dân nông thôn… Chớp thời cơ này, những năm qua Trung Quốc đã tung vào thị trường nông thôn Việt Nam nhiều hàng hóa như xe máy, máy động lực, hàng tiêu dùng công nghiệp nhẹ v.v…
Xuất khẩu lao động cũng là một hướng quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giải quyết lao động thừa, tích lũy vốn… Trong tương lai, Đồng bằng sông Cửu Long phải đào tạo lao động thích hợp… đáp ứng nhu cầu cụ thể của các thị trường để xuất khẩu lao động, không thể xuất lao động một cách tự phát như đang diễn ra ở đồng bằng hiện nay.
Cuối cùng, công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là đầu tư tiền mà phải là cả về tổ chức, chính sách và con người, trong đó giáo dục và đào tạo là hàng đầu phải được đặc biệt ưu đãi. Giáo dục và đào tạo ở đây bao gồm cả dạy nghề. Trước hết là nông nghiệp hiện đại. Chúng ta hãy đi một vòng, xem xét các cơ sở vật chất và tiếp xúc với thầy trò trường Cao đẳng Nông nghiệp Miền Nam tại Mỹ Tho sẽ thấy rõ, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long muốn vươn tới hiệu quả cao thì người nông dân phải được đào tạo có bài bản, phải tiếp thu được những tiến bộ kỹ thuật mới…
Con đường đi lên của Đồng bằng sông Cửu Long đã rõ ràng. Nói công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là nói đến chất lượng, hiệu quả của hàng hóa nông sản, thủy sản. Mà yếu tố quyết định là một cuộc cách mạng về giống cây trồng vật nuôi, là kỹ thuật canh tác, là công nghệ chế biến, là tìm kiếm mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ngay từ khi mới thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là nguồn xuất khẩu quan trọng. Nông thôn là thị trường tiêu thụ to lớn nhất hiện nay cho nên cần cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác (Hồ Chí Minh tuyển tập, trang 14 tập 10). “Nông thôn giàu có sẽ mua nhiều hàng hóa của công nghiệp sản xuất ra, đồng thời sẽ cung cấp đầy đủ lương thực nguyên liệu cho công nghiệp và thành thị như thế là nông thôn giàu có giúp công nghiệp phát triển. Công nghiệp phát triển lại thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh hơn”. (Hồ Chí Minh tuyển tập trang 405 – 406 tập 10).
Kinh nghiệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các quốc gia và khu vực xung quanh ta như Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn… và thực trạng nền nông nghiệp nước ta cho thấy, công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long là bước đi ban đầu không thể nào khác, nhưng phải tranh thủ để tiến hành cùng lúc các tiến trình công nghiệp khác. Thế giới phẳng cho ta cơ hội đó.
Cùng với công nghiệp hóa, công nghiệp không khói là chiến lược của đồng bằng.
Để nói về cảnh sắc thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long, tôi muốn trích dẫn lời ông Phạm Quỳnh trong sách “Quốc văn trích dẫn” xưa kia, khi ông đi tàu thủy từ Mỹ Tho lên Long Xuyên: “…Suốt một ngày ngồi trong tàu thủy mà không mỏi, không chán, rất lạ, rất vui… lúc nào cũng có cảm giác một sự sinh hoạt mạnh mẽ của tạo vật phát hiện ra cây cỏ tốt tươi, bùn đất màu mỡ… tạo vật tươi cười, không lẽ người đời ủ dột, cảnh này là cảnh “lạc sinh” vậy?”
Cái thiên nhiên mà ông Phạm Quỳnh xưa kia ngồi trong tàu thủy ngắm nhìn cả ngày “không chán”, ông thấy “rất lạ”, “rất vui”, “tạo vật tươi cười” ấy, chính là thiên đường của ngành “công nghiệp không khói” – tức ngành du lịch.
Vậy mà, chúng ta thử nhìn lại 40 năm qua, ngành du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã làm được những gì?
Tính đến hết tháng 6 năm 2014 toàn ngành du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu hút được 11 triệu khách du lịch, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu là 2.566 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Kiên Giang cao nhất với mức thu 647 tỷ đồng. Khách quốc tế đến đồng bằng trong thời gian này là 803.700 lượt, tăng 16%. Tiền Giang là tỉnh thu hút khách quốc tế cao nhất, 264.000 lượt khách. Tỉnh An Giang thu hút hàng triệu lượt khách tham quan du lịch nhờ lễ hội.
Những con số kể trên đã nói lên sự cố gắng to lớn của ngành du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua. Nhưng so với tiềm năng thì còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là chúng ta chưa giữ được chân khách du lịch được lâu. Thời gian du lịch thường ngắn do sản phẩm du lịch trùng lặp và đơn điệu. Ngành du lịch các tỉnh chưa liên kết chặt chẽ được với nhau để tổ chức những tuyến du lịch dài, có nội dung tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, xã hội một cách đa dạng, phong phú…
Người viết từng nhiều lần đi theo các khách du lịch đến đồng bằng và nhận thấy cảnh sông nước, kênh rạch, miệt vườn là những điều hấp dẫn nhất. Ngành du lịch Vĩnh Long đã tổ chức cho du khách quốc tế đến thăm quan các nhà vườn ở các xã cù lao An Bình, Bình Hòa Phước, Đông Hồ… thuộc huyện Long Hồ. Khách tham quan vườn trái cây tại các hộ dân trên cù lao là “vệ tinh” của ngành du lịch tỉnh. Tại các “vệ tinh” này, ông chủ vườn có 3 - 4 hecta vườn cây trái, là những “phú nông” hào sảng, cởi mở… với khách. Đến bữa, khách có thể lội xuống đìa tự tát cá, bắt cá rồi cùng chủ nhân nấu ăn bằng bếp gas, bát chén dọn ra sáng choang dưới mái lá, ăn nhậu thật vui vẻ. Tối đến khách ngủ lại, tuy nhà mái lá nhưng giường chiếu sạch sẽ, thơm tho, có mùng mền đầy đủ. Có tiện nghi toilet sang trọng. Khách còn được thưởng thức các đêm liên hoan đờn ca tài tử ngay tại nhà trọ, do các nghệ nhân tài tử trong xóm ấp đến trình diễn. Nếu gặp hôm nào trong xã, ấp có đám cưới, đám rước dâu bằng ghe xuồng hoặc đám giỗ… khách sẽ được cán bộ hướng dẫn du lịch “hợp đồng” trước để khách có thể cùng rước dâu, ăn cưới, ăn giỗ với gia chủ… Những hình thức du lịch này thật hấp dẫn ngay cả với khách nội địa như tôi, huống hồ là khách quốc tế. Vì thế, Vĩnh Long, Tiền Giang… xứ sở của miệt vườn là những tỉnh đón nhiều khách quốc tế nhất như đã thống kê ở trên. Đã có lần ở Vĩnh Long, tôi thấy một ông khách Tây, tuy được phát áo mưa, nhưng khi cơn mưa bất thần ập xuống, cả đoàn đều mặc mũ áo tránh mưa thì ông khách này cứ thản nhiên dầm mưa suốt cả tiếng đồng hồ. Thấy lạ, tôi phỏng vấn ông (qua cô hướng dẫn viên). Trong bộ quần áo ướt sũng nước, nước từ trên tóc chảy xuống mặt từng dòng… nhưng ông tươi cười nói: “Tôi là người Ít-xra en, cả năm nước tôi không có mưa, vì thế, tôi đến Việt Nam phải dầm mưa cho đã!!!” Du lịch là như thế, không hiểu những điều này thì đừng kinh doanh du lịch (!).
Chợ nổi Ngã Bảy 
Ở đây, tôi phải mở ngoặc viết thêm về cái gọi là miệt vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Con sông Tiền đến Mỹ Thuận thì tách làm hai nhánh chính: Sông Cái Thia và sông Cổ Chiên. Khi tách dòng, chảy vòng vèo, các nhà địa lý gọi Tiền Giang là sông già, cong queo, khác với sông Hậu được gọi là sông trẻ, chảy thẳng. Nhưng chính sự “già nua”, vòng vèo cong queo đó của Tiền Giang mới cho nó giữ lại một khối lượng phù sa lớn gom thành những hòn cù lao làm bừng lên cả một thế giới miệt vườn lung linh huyền ảo nơi đây… làm đắm say khách du lịch đến từ những xứ sở núi cao tuyết phủ hay xa mạc khô cằn. Đã có nhà nghiên cứu viết sách với nhan đề “Đồng bằng sông Cửu Long hay là văn minh miệt vườn”, có nhà văn hạ bút viết: “Những trái mận (doi – LPK) bằng nắm tay, đỏ chót như một cô gái miệt vườn, những trái vú sữa ửng vàng, bóng căng, không thẹn với tên gọi. Những trái nhãn to bằng ngón chân cái khéo léo buộc thành xâu trông đẹp như chùm phong lan. Những trái chôm chôm rực vàng chen đỏ, gai mềm, dài, gai nhọn đâm vào da thịt mà lại thấy êm dịu… Rồi cam từng thúng đầy ắp, rồi quýt vàng mọng…”
Nhìn lên bản đồ Đồng bằng sông Cửu Long, các huyện Cái Bè của Tiền Giang, Cái Mơn – Chợ Lách của tỉnh Bến Tre, Long Hồ của Vĩnh Long nằm giữa vùng tách dòng của sông Tiền. Và đó chính là vùng miệt vườn nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long. Tại nhà vườn của bác Sáu Giáo ở Bình Hòa Phước – Vĩnh Long, nơi đón khách du lịch, khách thư giãn nằm võng dưới tán nhãn mát rượi, nghe cá quẩy dưới mương, có thể với tay hái nhãn chín và nghe chim hót trên cành cao…
Nhà văn Nam bộ Sơn Nam đã gọi những ông chủ vườn như thế, như bác Sáu là một “ông Tiên nho nhỏ”!!! Mà quả thế thật, tôi lật sổ lưu bút của khách du lịch quốc tế đến đây ngủ qua đêm, thấy một ông Tây đã ghi: Nôi đây là một “thiên đường nho nhỏ” (Petit Paradise)! “Ông Tiên nho nhỏ” thì phải ở “thiên đường nho nhỏ” là đúng rồi! Hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long đã chọn du lịch miệt vườn là thế mạnh của mình là đúng sách. Sổ tay công tác của tôi còn ghi rõ, từ năm 1993 nhờ mở rộng du lịch miệt vườn du lịch Vĩnh Long đã đón hàng chục ngàn du khách trong nước và hơn 6000 khách quốc tế, đến quý 1 năm 1994 đã đón 3000 khách quốc tế, gấp 2 lần năm 1993 (Đó là lúc chưa bắc cầu Mỹ Thuận). Năm 1995 tỉnh Tiền Giang đón đến 45.000 lượt khách, năm 1997 đón đến trên 120.000 lượt khách trong đó có 90.000 khách quốc tế (chủ yếu là Tây Âu). Xã cù lao Thới Sơn ở giữa sông Tiền hàng năm đón một lượng khách lớn hơn nhiều so với dân số tại cù lao. Xã cù lao Thới Sơn này có thể ví với nước Pháp, một năm đón trên 70 triệu lượt khách quốc tế, hơn cả dân số nước này.
Hiệp hội du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2012 đã chọn giới thiệu các điểm du lịch gồm: Chùa Dơi (Sóc Trăng); Lăng miếu núi Sam có Lăng Thoại Ngọc Hầu và miếu Bà Chúa Sứ (Châu Đốc – An Giang); Cồn Phụng (xã Tân Thạnh – Bến Tre); Du lịch sinh thái Hồ Nam (Bạc Liêu) và khu du lịch nghệ sĩ Ca Văn Lầu; Di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang); Mũi Nai – Hà Tiên; Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang); Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) v.v…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án phát triển du lịch cho Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Quyết định 803/QĐ-VHTT DL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9-3-2014 đã đề ra chỉ tiêu cho năm 2015, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đón nhận 2,7 triệu du khách quốc tế và 5,2 triệu du khách nội địa. Năm 2020 đón 3,9 triệu du khách quốc tế. Hình thành 4 cụm du lịch. Một là, cụm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với nội dung du lịch sông nước và tìm hiểu về thương mại, nghỉ dưỡng. Hai là, cụm du lịch Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với rừng ngập mặn và văn hóa lễ hội Khmer. Ba là, cụm Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh với du lịch sông nước, nghỉ tại miệt vườn nhà dân, tìm hiểu lịch sử cách mạng và làng nghề. Bốn là, cụm Đồng Tháp Mười với du lịch rừng đặc dụng ngập nước.
Thực tế cho thấy, nông nghiệp không đóng góp lớn cho GDP của các quốc gia, nhưng nông nghiệp giữ gìn sinh thái cho các quốc gia đó và nó gián tiếp bắc cầu cho công nghiệp không khói và kinh tế dịch vụ. Có thể lấy nước Pháp, một nước công nghiệp hàng đầu để chứng minh cho sự gắn kết giữa nông nghiệp và du lịch. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 2,7%, công nghiệp 24%, dịch vụ 75% - số liệu năm 2006. Nhưng hàng trăm năm nay diện tích đất nông nghiệp của Pháp vẫn là 30 triệu 139 ngàn hecta và không hề thay đổi. Trong hơn 30 triệu đó, một nửa dành cho chăn nuôi, nửa còn lại là trồng trọt. Trong phần trồng trọt thì hơn nửa diện tích để trồng nho làm rượu vang. Vì thế, Pháp là nước xuất khẩu nông sản đứng đầu châu Âu (trên Ý), đứng thứ hai sau Mỹ, nông sản của Pháp cực kỳ phong phú. Có lần tổng thống Pháp De Gaulle đã phải thốt lên: “Làm sao tôi có thể cai trị một nước mà có đến 400 loại pho-mai!”. Chính vì có một nền ẩm thực phong phú và một thiên nhiên “không trống trải” như cách nói của dân Pháp mà nước Pháp là quốc gia đứng đầu thế giới về các loại dịch vụ và dịch vụ du lịch, tức nền công nghiệp không khói, với 75 triệu khách quốc tế viếng thăm mỗi năm (trên cả Tây Ban Nha 50 triệu và Mỹ 45 triệu).
Vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, thanh niên ở nông thôn Pháp thường tự hỏi: “Làm sao lấy được vợ khi mà các cô gái hàng xóm bỏ ra thành thị hết”. Nhưng từ những năm 70 thì mọi việc lại thay đổi hoàn toàn. Người nông dân sống ở thôn xóm có “thiên nhiên không trống trải”, có tiện nghi hiện đại… lại là hình mẫu cho lớp thanh niên ở thành thị.
Người Pháp hiện nay nêu khẩu hiệu “vui sống” (Joie de vivre), cứ thứ bảy, chủ nhật và nhất là vào tháng nghỉ hè (tháng 7) thì hầu như Paris và các thành phố khác ở Pháp “bỏ trống” cho khách du lịch. Còn người thành thị đua nhau về nông thôn vui sống! Vì ở đó “thiên nhiên không trống trải”, ở đó chất lượng cuộc sống (qualité de vie) tốt hơn!
Nước Việt Nam chúng ta với tiềm lực văn hóa, lịch sử lâu đời, với thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, nếu được giữ gìn, tu tạo và phát triển thì trong tương lai hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia công nghiệp không khói chiếm tỷ trọng cao trong GDP, đồng thời còn là một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến. Không nhất thiết phải lao vào cắt đất bờ xôi ruộng mật để mau chóng có một nền công nghiệp… may vá và xuất khẩu giày dép như người ta đang đua nhau làm ở các tỉnh hiện nay(!)
Nhà báo Pháp Oliver khi đến quan sát Việt Nam đã phải thốt lên: “Có còn là Việt Nam nữa không nếu mất đi dòng sông in bóng những cánh đồng!”
Dòng sông trong lành, ngọt ngào và những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay chẳng những đã từng nuôi sống chúng ta qua bao chặng đường lịch sử mà còn là đời sống tâm linh, chiều sâu văn hóa của dân tộc Việt Nam. Triết học, văn học, “thiên văn học của những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội” Việt Nam xưa nay đều nảy sinh trên cánh đồng lúa nước đó.
Gần 4 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là một tài sản vô giá với Việt Nam. Nó cũng là tiền đề để phát triển ngành du lịch không khói trong tương lai cho Đồng bằng sông Cửu Long. Nông nghiệp hiện đại và du lịch là tương lai tươi sáng của Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi muốn kết thúc chương sách này bằng tâm sự của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Tôi đã đi nhiều nước, không thấy ở đâu các họa sỹ vẽ cái ô tô đời mới và nhà cao tầng cả. Người ta chỉ vẽ dòng sông và những con đò, những cánh đồng, rừng cây… Nếu chúng ta biết quảng cáo cho cái “petit paradis” của Đồng bằng sông Cửu Long thì nó chẳng những thu hút những ông khách du lịch Israen kể trên… mà còn nhiều người nữa! Tôi tin là như thế...
 (còn tiếp)
-------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét