Trang BVB1

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Nông sản Việt: Giải cứu đến bao giờ?

Hành tím Sóc Trăng bị ế, nông dân điêu đứng
* CÔNG THĂNG
Sau vụ giải cứu dưa hấu giúp nông dân Quảng Ngãi, dư luận đang tiếp tục chứng kiến cuộc giải cứu hành tím - mặt hàng được xem là đặc sản của thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho hàng nghìn hộ nông dân. Mặt hàng này được xuất khẩu chủ yếu sang Indonesia, nhưng khoảng 2 năm nay, Indonesia bất ngờ ngưng nhập khẩu, khiến người trồng lao đao.
Thay cho việc giảm trồng hành tím một cách dứt khoát khi không có thị trường xuất khẩu, địa phương chưa mạnh dạn khuyến cáo nông dân ngừng sản xuất mặt hàng này. Kết quả, đang còn 50.000 tấn hành tím ùn ứ tại địa phương. Giá hành tím sau Tết Nguyên đán có lúc đạt 20.000-25.000 đồng/kg tại ruộng, nay chỉ còn khoảng từ 3.000-5.000 đồng/kg làm cho người trồng hành lỗ nặng.
Để giải cứu số hành ùn ứ cho bà con nông dân, các sở, ngành ở tỉnh Sóc Trăng đã khẩn trương vào cuộc. Tỉnh Đoàn Sóc Trăng phát động thực hiện Chương trình “Hành tím nghĩa tình”, giao 28 tấn hành tím cho VinGroup. Số hành này được TCty Vận tải đường sắt VN vận chuyển miễn phí ra Hà Nội tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Vinmart. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng ký hợp đồng bao tiêu 100 tấn hành tím Vĩnh Châu không lợi nhuận.
Tiếp sức cho cuộc giải cứu này, ngày 22.4.2015, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 3954/BCT-TTTN gửi sở công thương các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, Hiệp hội các nhà bán lẻ VN, Hiệp hội Rau quả VN cùng các DN phân phối lớn yêu cầu thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng hành tím Sóc Trăng.
Tuy nhiên, những chiến dịch giải cứu hàng nông sản đang cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm. Là quốc gia có trên 80% dân số là nông dân với hàng triệu gia đình sống dựa vào nông sản, vậy nhưng điệp khúc “được mùa mất giá” hầu như năm nào cũng diễn ra. Người nông dân hiện vẫn tự “bơi” trên mảnh ruộng mà không biết nông sản làm ra có bán được không, giá cả ra sao? 
Chưa hết, nếu quan sát cả thị trường mới thấy được sự bất thường trong hoạt động tiêu thụ nông sản. Trong khi giá hành tím tại ruộng ở Sóc Trăng chỉ có 3.000 - 5.000 đồng/kg thì tại chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình, TPHCM) giá 1kg hành tím là 22.000 đồng (ngày 22.4). Chưa hết, trong lúc hành tím VN bán ở chợ rớt giá có lúc xuống còn 15.000 đồng/kg thì hành tím Trung Quốc được bán 25.000 đồng/kg (?). 
Thực lạ, trong khi nhiều nông sản của VN đang lao đao thì những nông sản cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường và còn được bán với giá cao: Tại chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh - TPHCM), hành tây Trung Quốc có giá 10.000 đồng/kg, còn của VN 8.000-10.000 đồng/kg; súp lơ xanh Trung Quốc 40.000 đồng/kg, trong khi hàng Việt cùng loại chỉ bán được 35.000 đồng/kg.
Giải cứu nông sản là “chuyện cực chẳng đã” trong thời buổi kinh tế thị trường. Giải cứu dưa hấu, củ hành… đang nhóm lên ngọn lửa tình thân của cộng đồng, gắn kết tình cảm giữa người dân thành thị và nông thôn… Nhưng chẳng lẽ thị trường cứ giải cứu mãi sao? Sau dưa hấu Quảng Ngãi, hành tím Sóc Trăng… sẽ là những cuộc giải cứu gì nữa?
Để không còn cảnh nông dân khóc ròng trước đống nông sản chất chồng ngoài đồng, chấm dứt cảnh trông chờ những cuộc “giải cứu” như những ngày vừa qua, bà con nông dân cũng như dư luận mong muốn Bộ Công Thương và chính quyền các cấp cần có những giải pháp chính sách, có quy hoạch ở tầm vĩ mô trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức hoạt động tiêu thụ phù hợp nhằm định hướng giúp người nông dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường để hàng hoá bà con nông dân sản xuất ra không bị ứ đọng, ép giá, trồng rồi không có nơi tiêu thụ, hạn chế được vấn nạn trồng nông sản ồ ạt rồi lại ế ẩm như những ngày vừa qua.
CT/LĐO
---------------

3 nhận xét:

  1. Muốn có quy hoạch ở tầm "vĩ mô" trong sản xuất nông nghiệp thì cần phải có "Mỹ vô".

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ có khi nào các "đỉnh cao trí tuệ" hết "lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối" thì đời sống của nông dân,công nhân mới ngóc đầu lên được.
    Được mùa thì đảng ôm hết công,nông sản rớt giá thì nhân dân giúp đỡ nhau mà không thấy đảng ló cái mặt ra

    Trả lờiXóa
  3. Bắc Triều Tiên bắt đầu khoán nông nghiệp (tư nhân hóa).

    Trả lờiXóa