Trang BVB1

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Suy thoái và hiểm họa từ VĂN HÓA

Sử gia Dương Trung Quốc: 
Suy thoái văn hóa chạm ngưỡng, 
đẩy dân tộc đến hiểm họa khôn lường

Sử gia Dương Trung Quốc nói với thực trạng văn hóa hiện nay, sự suy thoái sẽ chạm ngưỡng và đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường.
Gameshow trên các kênh truyền hình chính thống ngày càng vô bổ, đầy rẫy cảnh dung tục, cởi áo, cãi nhau thiếu văn hóa, trẻ em rộ “mốt” nam giả nữ… Phim ảnh Việt chạy theo mô típ đồng tính bệnh hoạn, phổ biến cảnh sex và bạo lực đẫm máu cốt để câu khách. Những yếu tố cấu thành nên văn hóa đang ngày càng trở nên thiếu văn hóa. 
Sử gia Dương Trung Quốc cho rằng với cách duy trì như thế này, sự suy thoái sẽ chạm ngưỡng và sẽ đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường.
- Ông có nhận xét như thế nào, về thực trạng nền văn hóa nước ta, khi rất nhiều giá trị văn hóa đã bị suy thoái đến mức đáng báo động?
- Trước hết phải thấy, thực trạng này không phải bây giờ mới được nói ra, mà nó đã được nhắc đến ở rất nhiều diễn đàn khác nhau, về tình trạng đạo đức xuống cấp, và sự suy thoái của văn hóa.
Đã có những hiện tượng đáng báo động, khi tiêu cực xã hội gia tăng, hay những vụ án nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. 

Ở đó không chỉ đơn thuần là sự biến dạng của nhân cách, mà là sự tan vỡ của rất nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống, như quan hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều quan hệ xã hội khác.
- Có vẻ như để lý giải cho hiện tượng ấy, người ta nói nhiều đến nguyên nhân trực tiếp, về sự chi phối của đồng tiền, mà quên đi nguyên nhân cốt lõi, bắt nguồn từ nền văn hóa, thưa ông?
- Nguyên nhân của nó, người ta nói nhiều đến sự thay đổi của đời sống kinh tế. Nhưng thực ra, điều quan trọng nhất, nguyên nhân sâu xa nhất, đó chính là vai trò của văn hóa.
Văn hóa chính là môi trường, và môi trường ấy chúng ta có thể soi chiếu ngay vào lịch sử để thấy tầm quan trọng.
Có những thời kỳ chúng ta rất khó khăn về kinh tế như thời kỳ chiến tranh chẳng hạn, nhưng vì sao các mối quan hệ xã hội vẫn còn những yếu tố tích cực, thậm chí rất trong sáng?
Còn trong thời mở cửa, hãy thử đi khảo sát một vùng đất có các dự án giải tỏa đất đai, nơi người dân đang sống một cuộc sống bình dị nhất, bỗng nhiên có trong tay nhiều tỷ bạc, mà không biết dùng số tiền ấy vào việc gì, đầu tư ra sao cho ra lợi nhuận, thay vào đó là sự tranh giành chia chác, những bi kịch nảy sinh trong chính gia đình.
Từ ấy, trở lại với sự nghèo, thậm chí nghèo hơn, đau khổ hơn vì bên cạnh cái nghèo là sự tan vỡ của bao nhiêu giá trị đạo đức.
'Bệnh hoạn'
- Trước khi nói đến văn hóa vĩ mô, đã thấy ngay tình trạng đáng báo động từ những yếu tố cấu thành nên văn hóa. Văn hóa chính thống đang bị che lấp bởi những yếu tố giải trí, nhảm nhí và vô bổ: Các gameshow dung tục, cởi áo, cãi nhau trên sóng truyền hình, trẻ em bắt đầu có “mốt” nam giả nữ, giới trẻ xây dựng phim sitcom bệnh hoạn…
- Những chương trình truyền hình thực tế, phần lớn được xây dựng theo kịch bản, mô hình có sẵn, mua bản quyền của nước ngoài. Nhưng đến khi áp dụng vào Việt Nam có độ chênh do đặc trưng văn hóa. 


Những chương trình ấy được thực hiện trong môi trường văn hóa còn nhiều điều chưa chuẩn mực, thậm chí hỗn loạn, nên các yếu tố tiêu cực có cơ hội phát triển mạnh mẽ, kích thích giá trị tầm thường, nhu cầu tầm thường và tầm nhìn hạn hẹp.


Tất nhiên, đặt trong bối cảnh chung, nếu không có tất cả những chương trình giải trí ấy, đời sống tinh thần của người dân sẽ trở nên nghèo nàn, nhưng điều cần làm, là sự cân nhắc và thay đổi phù hợp với môi trường văn hóa hiện có.


Biết rằng những chương trình mua bản quyền của nước ngoài họ đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt với phiên bản gốc, nhưng không phải vì thế chúng ta nhân danh chuyện đó để bê y nguyên của họ áp đặt vào chúng ta được.


Vấn đề trở lại là cách ứng xử thế nào, và ở đây vai trò của nhà nước, của các hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội rất quan trọng. Những vai trò ấy, không phải không có, nhưng dường như nó đã để lại lỗ hổng rất lớn.
- Những chương trình văn hóa chính thống thưa thớt người tham dự, ít người quan tâm, nhưng những chương trình giải trí vô bổ tràn lan trên sóng giờ vàng lượng người xem ngất ngưởng. Một người trẻ sẽ không vào xem một bộ phim lịch sử dù được mở cửa tự do, nhưng sẽ rạch tay đòi tự tử nếu bố mẹ không cho tiền mua vé xem chương trình của thần tượng…
- Cuộc đấu tranh để lấy lại sự cân bằng này bao giờ cũng có 2 cách, một cách là ngăn tiêu cực, bên cạnh đó là kích thích tích cực, xây dựng những chương trình tích cực, để tạo ra môi trường lành mạnh hơn.


Còn các bạn trẻ, điều đó khó trách, bởi một phần lỗi của chính xã hội, chứ không phải từ các cá nhân.

Tất cả đều có quyền lựa chọn, vậy nếu họ không chọn những điều nghiêm túc, chính thống thì phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao. 
Tôi nghĩ, nó do phương thức thể hiện.

 Tại sao phim lịch sử không có người xem, bảo tàng vắng bóng, hãy thử hỏi xem bản thân những điều ấy đã hấp dẫn chưa? Nhà nước đã đầu tư bao nhiêu cho văn hóa? Hay đầu tư cũng không có hiệu quả. Lúc đó lại nói đến câu chuyện trình độ và sự thiếu chuyên nghiệp. 
- Trong khi các cơ quan chức năng đang điều chỉnh định hướng báo chí, nhất là các trang báo mạng điện tử, về việc tiếp cận, phổ biến tin tức liên quan đến lĩnh vực văn hóa giải trí, thì ở lĩnh vực truyền hình, dường như mọi thứ lại khá thoáng và cởi mở?
- Tôi ủng hộ việc điều chỉnh cách đưa tin của các trang báo mạng, nhưng rõ ràng có điều gì đó đang diễn ra với lĩnh vực truyền hình, như một sự thả nổi.

 Vì đó là lĩnh vực có tác động rất lớn đến người dân, bởi trong con mắt của họ, cứ cái gì xuất hiện trên truyền hình là chính thống.


Tất nhiên chúng ta không phải kiểm soát để biến tất cả đều trở nên cứng nhắc, nhưng cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh hợp lý.
Diễn biến hòa bình đáng sợ
- Dường như, đã đến lúc cần sự nhìn nhận nghiêm túc thực trạng nền văn hóa, đạo đức đang xuống cấp nghiêm trọng. Và đặt ra câu hỏi gay gắt: Những gì đang diễn ra cổ súy cho thứ văn hóa gì? Liệu có đưa dân tộc này đến hiểm họa?


- Nếu chúng ta không giải quyết từ gốc, và có cái nhìn đúng đắn hơn về tầm quan trọng của văn hóa, tôi e rằng sẽ không dừng lại ở sự suy thoái về đạo đức, sự tan vỡ các giá trị truyền thống, mà với cách duy trì như thế này, sự suy thoái sẽ chạm ngưỡng, đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường. Đó là một thứ ‘diễn biến hoà bình’ đáng sợ.
-  Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” để nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, nhưng đầu tư vào lĩnh vực mang tầm tối quan trọng này hình như đang ít ỏi?
- Nhà nước dường như còn ít đầu tư vào lĩnh vực này, và hình như những gì đã được đầu tư còn chưa mang lại hiệu quả.
Chúng ta vẫn thường cảm tính để đưa ra câu trả lời, nhưng cần một nghiên cứu thật kỹ, xem nguyên nhân chính của sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức bắt nguồn từ đâu, có tác động ra sao, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập, có nhiều yếu tố chưa được định hình. 


Trong quá trình hội nhập ấy, có những cái chúng ta giữ bản sắc, nhưng có những cái phải học hỏi, ví dụ câu chuyện về tri thức tình dục ai cũng phải biết, phải được giáo dục chứ không phải che đậy như ngày xưa nữa. 
Ví dụ để đánh giá loại phim dành cho đội tuổi nào, người ta có hẳn hệ thống tiêu chí, quy định, để nếu anh vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào.
Những nghiên cứu ấy sẽ đưa ra cách giải quyết phù hợp, tìm lại những giá trị văn hóa đã, và đang tan vỡ. 

Ta nhớ có thời kỳ đất nước gắn liền với hai chữ chiến tranh, bao cấp, có những chuẩn mực thời đó có thể khắc nghiệt, nhưng lại phù hợp trong một giai đoạn lịch sử.


Rõ ràng trong quá trình đổi mới này, tôi không dám nói mình buông lỏng, nhưng mình đã không quan tâm đúng mức tới văn hóa.
Thuốc an thần không chữa được bệnh
- Chúng ta vẫn thường nói đến giải pháp giáo dục văn hóa từ trong nhà trường, đó không còn là câu chuyện mới, nhưng hiệu quả, thì còn nhiều điều cần bàn?
- Cần một sự đồng bộ hóa, giáo dục văn hóa và tạo ra môi trường văn hóa, bắt kịp xu hướng thời đại. Không thể dừng lại ở cách giáo dục văn hóa nửa vời.


Có thể thấy, câu chuyện bóng đá người trẻ có thể thể hiện được sự văn hóa của mình, câu chuyện đám tang của một danh nhân họ thể hiện được, nhưng môi trường ấy quá ít, trong khi môi trường khác thì xuất hiện hàng ngày.

 Mà theo quy luật tâm lý, cái xấu thì dễ học hơn, cái tốt, càng đàng hoàng tử tế không dễ học, nhất là trong xã hội này.
Những nhà nghiên cứu văn hóa trong hoạch định chính sách, cần đưa ra những nhận thức dựa trên cơ sở khoa học, bởi nếu không có khả năng nhận thức và suy xét, rất có thể anh lại đưa ra chính sách sai lầm.
Văn hóa, giáo dục hay đời sống xã hội đều nói đến hệ thống giá trị, và nhiều hệ thống giá trị của chúng ta đang đảo lộn.
- Liệu có giải pháp nào mang tính tức thời hơn, để ngăn chặn tình trạng suy thoái văn hóa, mà không phải quá trình diễn tiến lâu dài và mô phạm trên sách vở, bởi vấn đề đã được đặt ra một cách bức thiết?
- Xã hội là phức hợp rất phong phú và đa dạng, anh không thể lấy một yếu tố, mà phải tổng hòa tất cả những giá trị chung được thừa nhận.
Yếu tố suy thoái văn hóa phải được nhìn từ gốc, và giải quyết triệt để từ những cái ‘hắt hơi sổ mũi’ ban đầu, trước khi nó thành ung nhọt nặng nề. Đây không còn là câu chuyện giải quyết từ ngọn, giải quyết từ ngọn đôi khi hết sức giả.
Tôi lấy ví dụ ngay những cuộc phát động rất tốn kém, như một kiểu hình thức chủ nghĩa mà chúng ta duy trì như thứ thuốc an thần. Mà nên nhớ, thuốc an thần không chữa được bệnh.
Hay như việc nói dối, từ lâu đã được quan niệm là việc rất xấu trong xã hội. Nhưng có thể thấy từ trong giáo dục đến hoạt động xã hội, chúng ta vô tình hay hữu ý đã kích thích nói dối.
Đứa trẻ trong nhà trường được dạy cách nói dối, người lớn được dạy cách lên án tham nhũng, nhưng lại ký 2 chữ ký trong một cuộc họp để lấy thêm một suất bồi dưỡng tương xứng với tiền đi taxi tới dự.
Chúng ta hồn nhiên như không với tất cả những điều ấy, nhưng thực chất, nó chính là cái hắt hơi sổ mũi đầu tiên.

Chúng ta không chịu động não, không chịu thay đổi từ gốc, thì không thể tìm ra phương thức giải quyết.
- Cái ‘giả’ ấy, chính là vỏ bọc khoác bên ngoài che đi sự xuống cấp đến mức đáng báo động của văn hóa?
- Sự thật đang diễn ra như này, dù được phủ lên trên rất nhiều hào nhoáng bóng bẩy, nhưng bên trong nó sẽ càng mưng mủ, sưng tấy lên, và hậu quả sẽ nguy hại đến mức không lường trước được.
Cho nên tôi vẫn nói một nguyên lý tưởng như rất đơn giản, là dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật, để làm cho sự thật thay đổi theo chiều hướng tích cực.
- Nhưng chúng ta đã xây dựng rất nhiều hệ thống chế tài, liệu có thể áp dụng triệt để như một cách giải quyết ‘dọn đường’ cho sự thay đổi về lâu dài, ví như một chương trình quá lố lăng lên sóng truyền hình, có thể phạt, và cấm chiếu; một bộ phim cổ súy cho lối sống lệch lạc, có thể đưa ra những hình thức xử phạt đích đáng?
- Tôi cho là nên có sự chia sẻ về thông tin, giữa những người làm chương trình ấy, với công chúng và cơ quan quản lý.
Ví như một chương trình được mua bản quyền, có những ràng buộc về quy định chúng ta phải chấp nhận, nhưng sẽ phải có cách tác động để phù hợp hơn với văn hóa trong nước, hạn chế mặt tiêu cực.
Hay ai cũng biết, hệ thống truyền hình có tác động rất mạnh mẽ đến đời sống nhân dân, có thể sử dụng ngay hiệu quả của nó để phát huy những chương trình đề cao yếu tố văn hóa.
Còn khi có những ý kiến được đưa ra, tôi nghĩ nhà đài nên chủ động giải thích, trao đổi và điều chỉnh, không nên thả nổi, dẫn đến việc người dân bức xúc, nhà đài hành thì xử theo tư duy của mình, lợi nhuận của mình.


- Xin cảm ơn ông!
--------------

20 nhận xét:

  1. Trương Minh Tịnhlúc 05:33 14 tháng 1, 2015

    Ngày xưa,Pháp tổ chức lễ hội (leo cột mỡ,kéo co v.v......) để dân Việt quên đi cái nhục nô lệ.
    Thì ngày nay,Đảng CSVN (và Trung Quốc) cũng cố ý thỏa mãn những cái tục tiũ tầm thường,khuyến khích nhậu,hút thuốc v.v......để dân không còn nghĩ đến cái họa mất nước,tinh thần Dân Chủ.
    Khi nào Công An bắt một tù nhân lương tâm nào cũng khuyên:"......Thôi ! Lo học hành làm ăn đi.Đừng có nghĩ đến chuyện tranh đấu nầy nọ".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì ngày nay,Đảng CSVN (và Trung Quốc) cũng cố ý thỏa mãn những cái tục tiũ tầm thường,khuyến khích nhậu,hút thuốc v.v......

      Vẫn là để dân Việt quên đi cái nhục nô lệ . Ông chủ ta nên có tệ hại gấp 10 chủ tây cũng không sao

      Xóa
    2. "Lo học hành làm ăn đi"? Gớm, bọn Vẹm đó nói như Vẹt! Lo tham nhũng thì có!

      Xóa
  2. Vẫn là vấn đề "Thượng bất chính hạ tất loạn". Trên sao, dưới vậy! Có vạn ông DTQ, cũng bó tay!

    Trả lờiXóa
  3. Ông giáo sư ngành sử học trăn trở về thực trạng văn hóa nước nhà rất chính xác, mọi thứ ông phân tích nhằm tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp đều đáng để mọi người lưu tâm. Nhưng vấn đề là hiệu quả từ từng đối tượng tiếp thu bài phỏng vấn này, kẻ trăn trở đau đáu thì lực bất tòng tâm, người có quyền có lực lại quá u mê, dốt nát, đã vậy còn bị chắn ngang tầm mắt bởi núi tham khổng lồ do chính quyền lực ấy sinh ra, nên văn hóa có lộ diện kiểu nào rồi cũng tiếp tục kiểu ấy mà đi... xuống hố.

    Trả lờiXóa
  4. Môt xã hội mà khi con người sinh ra và lớn lên bắt đầu thấy toàn cảnh dối trá. trước tiên là đám cán bộ nói hay làm dở, nói đường làm nẻo, làm ít mà của thì nhiều, từ CSGT chặt tiền đến người có tội chạy tiền thoát tội, kẻ không tôi nhưng cũng có thể ở tù. không biết làm gì thì làm hàng gian, hàng giả, học dở nhưng muốn leo cao thì mua bằng cấp hoặc học tại chức chuyên tu. . .
    Lãnh đạo chính quyền họp hành hay ban hành văn bản thì không công khai mà còn dấu nhẹm
    nó tóm lại làm cán bộ thì giàu sang, làm dân thì nghèo hèn, gian thương cấu kết chính quyền thì phất.
    Một xã hội không còn văn hóa và đạo đức như ngày xưa nữa.
    Do đâu, do đâu? Sao dân tộc VN tôi khổ vậy

    Trả lờiXóa
  5. Chế độ mà gian dối lọc lừa, sống trong bóng tối thì con người xã hội cũng lọc lừa gian dối và sống trong bóng tối. Chế độ văn minh, công khai, dân chủ, sống tốt với dân thì trong dân mới có văn hóa, đoàn kết, dân chủ, thương yêu nhau.
    tôi cam đoan với mọi người văn hóa trong xã hội này càng ngày càng tồi tệ, không bao giờ tốt chỉ khi nào có chế độ tốt

    Trả lờiXóa
  6. Ông Yang China này phải nói là loại người... sao nhỉ? À, vô thưởng vô phạt...
    (dereism - xa thực tế. Trong tâm thần học, hành động và suy nghĩ căn cứ vào ảo tưởng và mong muốn hơn là logic)

    Trả lờiXóa
  7. " thực trạng nền văn hóa nước ta , nhiều giá trị văn hóa đã bị suy thoái đến mức báo động " ! Vây nguyên nhân nào , từ đâu đã " đưa đẩy " cái nền VĂN HÓA NƯỚC NHÀ đến thảm trạng này ? Mọi nguyên nhân đã được ông Dương trung Quốc lý giải một cách căn kẽ rồi , nhưng chưa đủ và chưa hết ý . Ông chưa nói đến hoặc ông cũng đang " né tránh " đề cập đến nó và đó cũng là : nguyên nhân của mọi nguyên nhân . Thưa ông DTQ , đó là hậu quả của một chế độ xã hội được lãnh đạo bởi những con người cũng " vô văn hóa " và bất cần VĂN HÓA ! Tôi chỉ nêu ra đây một ví dụ " nhỏ " thôi , đó là " văn hóa chùa chiền " , thời trước ông cha ta thường nói " vãn cảnh chùa " nếu có đến chùa thắp hương thì cũng là " cầu cho Quốc thái Dân an " ... Nhưng càng ngày cái việc đến chùa đã trở thành trò " ăn mày cửa Phật " của những kẻ hãnh tiến , kẻ quan chức , tham nhũng , giả dối , lừa đảo , hại dân hại nước ... Chúng đã biến nơi thiêng liêng , sạch sẽ đó thành " chiến trường " của những mâm cao cỗ đầy , lễ vật " ngồn ngộn " ... Chúng cầu xin những điều mà Phật có " ngàn tay ngàn mắt " cũng không thể nào phù hộ độ trì cho chúng được ! Những kẻ " đầu têu " cho những trò VÔ VĂN HÓA đó là ai , nếu không phải là những ông bà " quan chức - đảng viên " , hoặc vợ , con cái của những kẻ quan chức đó . Tôi chỉ đưa ra một ví dụ " nho nhỏ " thế thôi , còn biết bao những " chiêu trò " của những kẻ mang danh " lãnh đạo " bày ra để đưa cái NỀN VĂN HÓA nước nhà đến thảm trạng : SUY THOÁI ĐẾN MỨC BÁO ĐỘNG !!!
    Các cụ nhà ta đã nói rồi : " thượng bất chính hạ tắc loạn " hoặc " nhà dột từ nóc " !
    Tôi xin phép được " bổ xung " thêm với ông Dương trung Quốc một ý nhỏ như vậy thôi , có gì không phải mong ông lượng thứ !

    Trả lờiXóa
  8. [Đứa trẻ trong nhà trường được dạy cách nói dối, người lớn được dạy cách lên án tham nhũng, nhưng lại ký 2 chữ ký trong một cuộc họp để lấy thêm một suất bồi dưỡng tương xứng với tiền đi taxi tới dự.] điều này không chính xác lắm.
    Mà phải là: kí vào 2 bản. 1 bản là mình nhận tiền "xăng xe", còn 1 bản là đơn vị tổ chức sẽ ghi trên đầu gồm> nội dung, ngày tháng, địa điểm … hơi khác để để có phần hưởng riêng mà khi thanh kiểm tra tài chính đều hợp pháp hết. Nếu kiểm toán có nghi ngờ đặt câu hỏi Tại sao chương trình này họp nhiều? thì chỉ trả lời bằng "phong bì" là xong chuyện. Hầu như cơ quan nào cũng có chuyện tương tự đó. Tôi đã từng đi họp và cũng đã từng kí 2 văn bản như vậy. Biết vậy nhưng Thời thế nó vậy thì làm thế nào được!
    GS Sử học băn khoăn về đạo đức … xuống cấp. Còn các GS, nhà văn hoá như LVL, TLB, NTT (đi rồi) thì phát ngôn và viết bài cổ suý mê muội (đốt vàng mã), viết bài nhận vơ (trong bài Văn hoá VN và tầm nhìn…) …. Đạo đức xuống cấp và mê muội là 2 “thực trạng” đồng hành. Hai thực trạng này sẽ càng ngày càng bám đuôi nhau cho đến khi “xã hội” rơi tụt “xuống mồ” thì mới “đội đất” sinh ra trở lại từ đầu.

    Trả lờiXóa
  9. Sự kiêu ngạo, dối trá có hệ thống của bộ máy công quyền đã gây nên hệ lụy thảm hại toàn XH của chúng ta hiện nay. Trước hết là quan chức cao cấp nói dối hơn cuội, kết quả thống kế về kinh tế, văn hóa, XH đều bốc phét, tô son trét phấn , tự sướng về quá khứ . năm nào , đại hội nào cũng kinh tế chỉ có hòa và phát chứ không bao giờ thua lỗ. các chỉ số chính phủ công bố đều một màu xanh tươi : GDP năm sau cao hơn năm trước, CPI nắm sau thấp hiwn năm trước, Vốn ODA, đầu tư FBI năm nào cũng tăng... Điệp khúc " Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, an ninh quốc phòng được giữ vững , văn hóa XH phát triển lành mạnh.."Nhưng thực tế thì sao ? Nợ xấu 500.000 tỉ , nợ công 170 tỉ USD, hơn 500.000 doanh nghiệp phá sản, hàng triệu người thất nghiệp, hàng chục ngàn cử nhân, kỹ sư ra trường không có việc làm, hàng vạn phụ nữ bán thân , lấy chồng xứ người.." Một hệ thống chính trị dối trá, một bộ máy công quyền là hầu hết quan chức các cấp đều tham nhũng ,các nhóm lợi ích thi nhau lũng đoạn Nhà nước, hệ thống Tư pháp, hành pháp bị lung lạc trước quyền lực và đồng tiền.. thì các hệ giá trị XH, VH , Đạo đức . nhân phẩm không bị tha hóa, suy đồi, xuống cấp .. là điều không tưởng. Như ông cựu Chủ tịch QH Nguyễn văn An nói " Nhà nước VN có nhiều ông vua , vua tập thể và lỗi hệ thống chính trioj.." là chính xác,là nguồn gốc gây ra những suy thaois VH chạm đáy của VN hiện nay. ,

    Trả lờiXóa
  10. Bao nhiêu năm chúng ta xây dựng nền VĂN HÓA TIÊN TIẾN ,ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC là như thế này đây .Một xã hội được xây lên từ dối trá, lừa lọc và tham nhũng đó là nguyên nhân cho mọi nguyên nhân suy thoái của đất nước.

    Trả lờiXóa
  11. Các quan văn hóa ngày nay chỉ lo xây chùa đắp tượng đài, xây nhà tưởng niệm, nhà văn hóa, nhà bảo tàng...Hà hát rạp chiếu phim và thích tổ chức các lễ hội...Văn Hóa truyền thống đã bị lãng quên...Văn hóa KARAOKE vũ trường lên ngôi, các đ/c cán bộ Kanhx đạo có biết đằng sau Karaoke - Vũ Trường là gì không? Biết cả đấy! Trong các tụ điểm ăn chơi này là gái đĩ, là nghiện hút là tình dục ngoài luồng...là đủ thứ tệ nạn.
    Xin thưa: Biết hết nhưng không cấm, không ngăn chặn (Nếu cấm thì làm gì còn chỗ cho các đ/c đến để giải trí, giải quyết) Thử hỏi người lao động chân chính, người buôn bán kinh doanh hợp pháp, ai giám bỏ tiền vào quán Ba, Tiệm Karaoke???
    Toàn là "quan tham và dân gian" cả đây! Nhiều vụ cháy nổ sảy ra ở những tụ điểm ăn chơi thác loạn này và liên tiếp sảy ra trong những tháng gần đây là có chủ ý cả...Đừng đổ cho sự bất cẩn mà nhầm...
    Nói nhiều cũng vậy mà thôi, chả giải quyết vẫn đề gì. Chỉ mong những người có văn hóa hãy tránh xa nơi này kẻo có ngày mang họa.

    Trả lờiXóa
  12. Suy thoái văn hóa nó còn thể hiện ở một số đám tang cấp trên còn chỉ đạo thu giật băng tang, đám CA giả dạng côn đồ không những giật băng tang mà còn phá đám. Suy thoái văn hóa còn biểu hiện ở chỗ một số buổi sử tòa nói là công khai nhưng CA đứng chặn ở các nơi ngăn không cho người dân vào dự.

    Trả lờiXóa
  13. Thượng bất chính hạ tất loạn; Quan tham lam dân tất gian; Nói một đằng làm một nẻo của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức có quyền, ăn không từ một cái gì của dân thì sao dân không loạn, sao dân tin đảng được ???Tham nhũng môt cách vô văn hóa của cán bộ như cướp ngày thì quả là nước bại và bị thôn tính

    Trả lờiXóa
  14. Có lẽ nguyên nhân sâu xa của việc mà ông DTQ đề cập chính là "lãnh đạo Văn hóa": Nói một đằng, làm một nẽo ! Xã hội suy giảm lòng tin vì cứ chờ đợi...lãnh đạo làm đúng như nói, mà chờ hoài... không thấy! Nên ai cũng chỉ tìm cách "tự lo cho mình" mà không nghĩ rằng nếu một cá thể thì làm sao "tự lo" được? Tính trách nhiệm cộng đồng suy giảm và không mấy ai quan tâm đến việc giữ gìn nhân cách, đạo đức, truyền thống. Những nhà lãnh đạo văn hóa phải dám nghe, dám nghĩ, dám làm trước các báo cáo xã hội học (báo cáo khách quan, trung thực). Nếu chỉ tìm cách "đỗ lỗi" thì điều "dự báo" của ông DTQ là nhã tiền.
    TR.H

    Trả lờiXóa
  15. Đảng lãnh đạo văn hóa, thảm họa suy đồi VH ngày nay là trách nhiệm của Đảng. Thực ra quy trách nhiệm như thế chỉ đúng 1 phần. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là : ĐCSVN đang trong cơn lúng túng, luẩn quẩn , không biết tìm con đường mới nào để thoát ra . Bởi lý thuyết về con đường XHCN trên thực tế đã bị phá sản phạm vi toàn thế giới. Nhưng ĐCSVN không muốn tự thay đổi vị trí độc quyền lãnh đao và quyền lợi mà họ đang nắm giữ hiện nay. Theo thời gian, ĐCSVN đang phục dựng các hình thái nhà nước phong kiến, tiểu tư sản quý tộc đã bị lịch sử lên án và xóa bỏ. Bằng chứng là : độc đoán chuyên quyền cai trị đất nước, ngồi trên HP và PL, buộc quân đội , công an trung thành với đảng, thay vì trung thành với dân tộc và nhân dân. Quan chức nhà nước đều là đảng viên và là con ông cháu cha , kiểu cha truyền con nối ( con ông Dũng , con ông Chi...). Đảng lãnh đạo văn hóa, theo kiểu cảm tính và mê tín mạo danh CN Max.Bời đường lối văn hóa do đảng nắm nên chỉ phục vụ cho ý đồ và quyền lợi của đảng ( tô vẽ hoặc bóp méo sự thật..) Sự trí trá trong đường lối VH và chính trị của ĐCSVN đã sinh sản ra nền VH VN lạc hậu, què cụt, lai căng , đánh mất VH truyền thống của dân tộc.

    Trả lờiXóa
  16. Văn hóa VN.chỉ xuống cấp từ khi chính trị độc quyền
    CS.định hướng xây dựng con người mới XHCN.chỉ
    biết bác đảng trên hết,nên không hề đếm xỉa gì đến
    sự hưng vong của toàn xã hội mà chỉ lo làm sao duy
    trì được độc quyền chính trị.

    Trả lờiXóa
  17. trẻ em đi học toàn "yêu chú bộ đội, yêu bác hồ" ...chả thấy nói gì về cha mẹ ông bà ..đến ngày nhà giáo thì ..cả nước quà cáp + phong bì ...rồi tết nữa ...
    ra phường xin giấy tờ thì cũng phong bì , ...bi CSGT chặn cũng ...lì xì ...

    Trả lờiXóa
  18. sắp giải quyết được rồi .... có ai tin được không ?

    Chính phủ ra nghị quyết ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội
    Chính phủ sẽ xây dựng thị trường văn hóa, phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế cạnh tranh và tạo lập vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

    Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó, con người Việt Nam phải phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

    Trả lờiXóa