Trang BVB1

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Vai trò của các mạng truyền thông xã hội

* NGUYỄN HƯNG QUỐC
Tôi chơi facebook đã được trên 5 tháng. Càng chơi càng thích. Thế giới facebook đa dạng vô cùng. Nhảm nhí: nó có thừa. Khoe khoang để tự sướng: cũng có thừa. Nhưng tôi chỉ chú ý nhiều nhất đến các trang facebook nghiêm túc, ở đó, người viết và người đọc bày tỏ những thao thức về tình hình chính trị Việt Nam.
Phải nói ngay, những bài viết cũng như những ý kiến phản hồi về chính trị như vậy khá giống nhau. Khác ở góc nhìn. Khác ở giọng điệu. Và khác ở tiểu tiết. Nhưng nhìn chung, tất cả đều nhắm vào hai vấn đề chính:
Một, lên án sự độc tài và bày tỏ ước vọng dân chủ hóa để đất nước được tự do và phát triển; và hai, lên tiếng báo động trước âm mưu xâm lấn của Trung Quốc và phê phán thái độ nhu nhược và bất lực của chính quyền Việt Nam.
Bản thân tôi, từ mấy tháng vừa qua, cũng chỉ tập trung vào hai vấn đề chính ấy.
Từ góc độ một nhà văn, chỉ quanh đi quẩn lại với hai loại đề tài ấy, nguy cơ rất dễ thấy: trùng lặp, đơn điệu và nhàm. Tôi biết vậy nhưng lại không thể thoát được. Có hai lý do: Một, đó là những ám ảnh lớn cứ đau đáu trong lòng; và hai, tôi nghĩ, trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, mọi tiếng kêu gào đều cần thiết. Bởi không phải ai cũng hiểu tất cả những thảm họa đất nước đang đối diện. Nếu hiểu, chưa chắc mọi người đã biết phải làm gì. Hơn nữa, tiếng kêu gào, tự nó, cũng là một thứ vũ khí. Một tiếng kêu gào đơn độc của một cá nhân là một sự tuyệt vọng của nạn nhân. Nhưng khi tiếng kêu gào ấy được vang âm và bắt gặp sự đồng điệu của đám đông, nó sẽ trở thành một bản hùng ca của những người ra trận. Khi cả hàng triệu người cùng gào, tiếng kêu của họ sẽ trở thành những bài ca chiến thắng.
Nhưng làm cách nào để cả triệu người cùng gào? Có hai điều kiện: Một, do một tác nhân bên ngoài khiến mọi người phẫn nộ và quên cả sợ hãi để dám xuống đường gào thét phản đối lại bạo quyền (như những gì đã xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi vào đầu năm 2011); và hai, khi mọi người ý thức rõ những bất công mà mình đang gánh chịu là một sự phi lý, không thể chấp nhận được (như những gì xảy ra tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối thập niên 1980). Điều kiện thứ nhất có thể đến một cách bất ngờ, không thể lường trước; còn điều kiện thứ hai thì cần thời gian để chín muồi  Các trang truyền thông xã hội có thể góp phần đắc lực để thúc đẩy quá trình chín muồi của điều kiện thứ hai này.
Để làm được điều ấy, người ta không cần phải kích động hay xúi giục ai cả. Các trang truyền thông xã hội, khi cố gắng vạch trần bộ mặt thật của chế độ, chỉ nhắm đến một mục tiêu đơn giản và rất khả thi: giành quyền viết lại lịch sử. Ở đây có hai khía cạnh cần chú ý: Một, như nhiều học giả từng ghi nhận, lịch sử bao giờ cũng được viết bởi những người thắng cuộc; và hai, lịch sử ấy nhắm vào hai mục tiêu chính: Thứ nhất, huyền thoại hóa các chiến công của họ, và thứ hai, bôi nhọ kẻ thù. Ở cả hai khía cạnh này, chính quyền Việt Nam, từ năm 1954 và đặc biệt, từ năm 1975, khi cả nước được thống nhất, được chính quyền Việt Nam thực hiện một cách đầy tự giác và triệt để. Họ bôi nhọ chính quyền miền Nam là ngụy quyền và Mỹ, kẻ từng giúp chính quyền miền Nam, là đế quốc và thực dân kiểu mới. Họ cũng tích cực tô vẽ hình ảnh của họ như những bậc anh hùng được cả thế giới ngưỡng mộ; ngưỡng mộ đến nổi nhiều người ngoại quốc từng nằm mơ thấy mình là người Việt, dĩ nhiên, là Việt xã hội chủ nghĩa. Không những anh hùng, họ còn là những con người mới xã hội chủ nghĩa đẹp đẽ, nói theo hai câu thơ của Tố Hữu: “Còn gì đẹp trên đời hơn thế / Người với người sống để yêu nhau” hoặc một câu thơ của Chế Lan Viên: “Ôi ta là ta mà ta vẫn cứ mê ta”.
Từ trước đến gần đây, chính quyền là những kẻ duy nhất có quyền viết lịch sử. Quyền ấy, không ai được chia sẻ cả. Ngay cả những người từng nắm giữ những chức vụ cao cấp với họ cũng không được quyền chia sẻ. Đó là lý do tại sao cuốn hồi ký Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Trần Văn Trà, vị tướng trong quân đội của họ, cũng bị thu hồi. Lý do? Nó lệch ra ngoài, dù chỉ một chút, thứ lịch sử chính thống của họ. Đó cũng là lý do tại sao gần đây, chính quyền Việt Nam ra lệnh tất cả các cuốn hồi ký, của bất cứ người nào, cũng phải qua kiểm duyệt trước khi được in. Các loại sách khác có thể được xuất bản qua phương thức liên kết với tư nhân hay tổ chức xã hội. Trừ hồi ký.
Bây giờ, với sự phát triển ào ạt của các trang mạng xã hội như blog hay facebook, người dân có thể lên tiếng bày tỏ quan điểm cũng như kinh nghiệm của mình, thế độc quyền của những người cai trị bị thách thức. Họ không thể kiểm duyệt hay cấm đoán hết được. Những câu chuyện người thật việc thật, hoàn toàn có thực, được tung lên internet. Qua những câu chuyện ấy, người ta có thể nhìn thấy chính quyền mang một bộ mặt khác hẳn. Họ độc đoán. Họ tàn bạo. Họ có những chính sách lầm lẫn một cách tai hại. Hay nói theo cách nói cô đúc được lưu hành trên internet lâu nay: Họ “lấy thù làm bạn, hèn với giặc, ác với dân”; còn về chiến lược, họ loay hoay giữa hai hướng: theo Mỹ thì mất đảng, theo Trung Quốc thì mất nước, họ thà chọn mất nước.
Với những lịch sử như thế, vai trò độc quyền của những kẻ chiến thắng bị hẹp lại; các huyền thoại của họ, do đó, có nguy cơ bị phá vỡ dần dần. Với một chế độ độc tài, huyền thoại là một trong những trụ cột chính trên đó người ta xây dựng quyền lực. Khi huyền thoại bị phá vỡ hoặc xói mòn, nền tảng của chế độ cũng lung lay.
Làm chế độ lung lay, dù một cách tiệm tiến, tự nó, đã là một thành tích quan trọng rồi.

NHQ
----------------

18 nhận xét:

  1. Cảm ơn tồng chí Quốc
    Mất niềm tin và lung lay nhất chính là các đ/c đảng viên
    dân đen có trống thời gian nào để kịp suy nghĩ, kịp mất niềm tin đâu
    kiếm miếng ăn qua ngày còn chả đủ thời gian

    Trả lờiXóa
  2. Tuyệt vời! Đúng ý nhiều người dân.
    P/S: Đừng ai xưng mình là "nhân dân" chung chung khi đưa ra quan điểm của mình. Nhân dân đâu phải "nhất thể"? Nhất là kiểu nói vô duyên thối: "Nhân dân VN luôn ủng hộ chế độ (tham nhũng)"?! Rất đại đần độn, đại thất bại!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì Cả trọng đã từng nói : đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân Việt nam mà, tuyên bố một cách hàm hồ, áp đặt , vô căn cứ. Rồi nào là quyết định này, bản án kia, việc làm nọ được nhân dân đồng tình ủng hộ

      Xóa
  3. Bai viet hay.

    Trả lờiXóa
  4. Ôi dân Việt một đời hai chế độ
    Sống trần ai chính nghĩa với gian tà
    Trong khoản khắc một đời ta nhìn lại
    Lịch sử ơi ! thật giả biết đâu lường
    Kẻ chiến thắng tự huênh hoang thêu dệt
    Người ly hương nuốt lệ ngậm căm hờn
    Thật xấu hổ quay lưng với lịch sử
    Bút trung kiên sao chẳng thấy trên đời

    ĐVK

    Trả lờiXóa
  5. Ôi dân Việt một đời hai chế độ
    Sống trần ai chính nghĩa với gian tà
    Trong khoản khắc một đời ta nhìn lại
    Lịch sử ơi ! thật giả biết đâu lường
    Kẻ chiến thắng tự huênh hoang thêu dệt
    Người ly hương nuốt lệ ngậm căm hờn
    Thật xấu hổ quay lưng với lịch sử
    Bút trung kiên sao chẳng thấy trên đời

    ĐVK

    Trả lờiXóa
  6. Xin hoàn toàn chia sẻ với tác giả N.H.Q. Lịch sử VN hiện nay đúng là đều do người chiến thắng viết ra. Không chỉ lịch sử, mà cả hiện tại và tương lai họ cũng muốn thêu dệt nên theo góc nhìn và quan điểm của họ. nó méo mó, thiếu sót và bị xuyên tạc đến trắng trợn chỉ để nhằm mục đich tôn vinh chiến thắng, thứ chiến thắng có rất nhiều điểm cần phải xem lại về sự chính đáng, vinh quang và thực tiễn. Những ai muốn đánh giá nó một cách khách quan, khoa học đều bị cho vào một rọ: phản động, diễn biến, suy thoái, chống đối.
    Sự ra đời của mạng truyền thông xã hội ( Internet) đúng là đã mở mắt cho nhiều người, con số sẽ tăng dần vì đây là đòi hỏi và nhu cầu tự nhiên, đánh giá một sự kiện (lịch sử và hiện tại) ai mà không muốn biết bản chất, sự thật của nó. "Người chiến thắng" xem ra không thể một mình một chợ được nữa, càng xuyên tạc, bóp méo, bốc thơm vô lối, càng lộ bản chất gian dối, thủ đoạn của họ. Số người biết và hiểu ra sự thật đã nhiều lên nhưng chắc chưa đủ, mạng truyền thông xã hội vẫn âm thầm, nhẫn nại làm nhiệm vụ, chỉ tiếc là nó cũng bị lợi dụng để truyền bá rất nhiều nhảm nhí, kể cả thông tin chính thống.
    Xem thông tin trên mạng, đúng là cũng phải, cũng nên tỉnh táo.

    Trả lờiXóa
  7. Những kẻ ác rất sợ sự thật,nhờ các trang mạng ta biết rõ tung tích kẻ ác.tôn trọng sự thật và công khai sự thật giúp xã hội loại trừ cái ác và trở nên nhân ái hơn.các quốc gia làm được điều này đều rất phát triển và quyền con người được thượng tôn,ngược lại nếu bưng bít băt bớ đàn áp báo chí để che dấu sự thật,xã họi không chỉ kém phát triển mà tội ác cũng ra tăng.xa hội ta như thế nào chắc mọi người đều rõ!!!

    Trả lờiXóa
  8. Một chế độ ngu dân thần tượng biến thành thánh thần? BÊN THẮNG CUỘC nhất thời cái gì cũng tung hô VĨ ĐẠI -MUÔN NĂM ! Đến khi thần thánh, hóa vĩ đại, muôn năm, bách chiến bách thắng,đỉnh cao trí tuệ,vạn lần dân chủ...đứng trên đôi chân đất sét trát bùn bản thân nó tự sụp đổ bởi qui luật nhưng những kẻ ăn theo a dua còn cố lấy que chống đỡ để hưởng lợi được ngày nào hay ngày đấy??? Độc tài nghĩa là phản dân chủ chính độc tài là phản động?
    NGLUY

    Trả lờiXóa
  9. Xin phép được có ý kiến hơi lạc đề một chút với nội dung bài viết . Nói gì thì nói ( theo kiểu : dù ai nói ngả nói nghiêng , lòng ta với đảng như kiềng ba chân ! ) tớ vẫn cứ phấn đấu để được vào đảng ( đây là ĐCSVN chứ không phải đảng Dân chủ , đảng Xã hội , đảng cần lao nhân vị , đảng Nhật tân đâu đấy nhé , vào mấy cái đảng này lớ ngớ thì đi tù mọt gông mặc dù chẳng làm gì nên tội ! ) . Vì vào đảng mới có cơ hội được làm cán bộ quản lý . Bét thì cũng là tổ trưởng , khá hơn thì trưởng phó khoa phòng , khá hơn nữa thì giám đốc phó giám đốc , khá hơn nữa thì thì ... biết đâu lại trúng UVTW không chừng ? Và như vậy sẽ có lộc , sẽ được " ăn trên ngồi trốc " , sẽ được quyền " quyết định sinh mạng chính trị " của mấy thằng không cùng chí hướng , nói tóm lại là rất nhiều " lộc trời " . Chứ còn làm cái thằng " quần chúng " thì tài giỏi đến mấy thì cũng chỉ là cái thằng " công chức quèn - lương ba đồng ba cọc " !!! Ấy chính vì thế mà đảng bộ các địa phương trong cả nước năm nào cũng báo cáo : số lượng đảng viên mới kết nạp vượt chỉ tiêu cấp trên giao !!! Thành tích ấn tượng như vậy , số đảng viên " đông như quân Nguyên " là vậy mà sao đ/c tổng bí thơ " của chúng ta " lại phán một câu " xanh rờn " : đảng viên thì lắm , cộng sản mấy người ! Sao kỳ vậy cà ? Hổng lẽ toàn " đồ giả " . Tớ quán triệt rồi , khi vào đảng thì phải luôn luôn tâm niệm một điều " im lặng là vàng " , chỉ có khen chớ có chê lãnh đạo , họp hành chi bộ ... chớ có phát biểu góp ý theo kiểu " quan điểm này nọ " , chớ có nghe cấp trên xúi bậy " phê và tự phê " , các ông ấy nói vậy nhưng hổng có phải vậy , chết có ngày ! Vì thế tớ chỉ có " gật khi mọi người gật , cười khi mọi người cười và nhất là khi lãnh đạo cười ! " . Có việc gì " ậm ạch trong lòng " thì chớ có phun ra " cửa trên " mà hãy nín nhịn để " phun ra cửa dưới " kẻo chẳng khi nào được cất nhắc làm " cán bộ quản lý " . Tớ đã quyết tâm cao độ rồi , phải phấn đấu bằng mọi giá để được " vào đảng " và phải phải phấn đấu bằng được cái mà dân gian gọi là : TƯ SẢN ĐỎ ! Quyết tâm , quyết tâm , quyết tâm !
    ( Xin lỗi bác Bồng nhé , gọi là tếu táo một chút về cái sự đời có thật 100% này , và cũng là để đỡ căng thẳng đầu óc trong cái xã hội đầy nhiễu nhương này ! )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tư duy của 17.13 rất dễ trúng TWUV, chúc sớm được nhập đảng.

      Xóa
    2. Xã hội ngày nay người ta vào đảng là để kiếm chát, mau làm giàu. Nhân dân bây giờ họ nhìn cán bộ nhà nước như lũ côn đồ, ăn cướp, lũ người mặt trơ tráo, xảo trá, gian manh.
      Tôi thấy baất hạnh cho con người VN hiện nay. Bây giờ thế hệ tuổi trẻ có vợ chồng cũng khi nên sinh con chi để rồi lớn lên làm gì ăn, khổ một đời. đến khi nào xã hội đổi thay thì mới có vợ có chồng sinh con đẻ cái. Còn tôi, con tôi là người có học nhưng với xã hội này cũng đủ làm thuê, làm mướn kiếm ăn nhưng cuộc sống tinh thần như là ở trong ngục tối.

      Xóa
  10. Bác viết hay và đúng quá.

    Trả lờiXóa
  11. Ngày tàn của cộng sản tại Việt Nam đã đến rất gần, tuy nhiên ai sẽ thay thế cộng sản?

    Là chúng ta? Sai!
    Tại sao?
    Vì chúng ta là ai?

    Phải phá cũ để xây mới nhưng phá luôn dễ hơn xây và nói luôn dễ hơn làm.
    Nếu cộng sản sụp đổ, ai trong chúng ta sẽ điều hành đất nước và điều hành như thế nào?

    Chúng ta sẽ xử lý như thế nào để:
    1. Đất nước ổn định
    2. Kinh tế phát triển
    3. Văn hóa nở hoa
    4. Văn minh rực rỡ
    5. Giáo dục và y tế miễn phí
    6. Tất cả mọi người đều có nhà ở đàng hoàng
    7. Tất cả mọi người đều được trợ cấp khi thất nghiệp và được chăm sóc, nuôi dưỡng khi già yếu

    Chúng ta phải làm sao để:
    1. Nước ta tránh được nạn binh đao
    2. Dân tộc ta thực sự là bạn của tất cả các nước
    3. Nước ta, dân tộc ta là một cường quốc thân thiện

    Muốn tập hợp lực lượng thì phải cho người ta thấy rõ lợi ích mà người ta được hưởng khi tham gia. Lực lượng của chúng ta là ai? Phải làm rõ lợi ích thực tế và sát sườn mà người tham gia sẽ được hưởng. Ngày xưa ông Hồ sử dụng câu nói “người dân xem cái ăn bằng trời” để chiếm lòng dân, nay chúng ta phải làm sao? Ngày xưa cộng sản sử dụng binh vận, địch vận và dân vận; chúng ta phải làm sao để thêm bạn bớt thù?

    Đã trót sinh ra thời cộng sản
    Phải góp sức hèn mới bình yên!

    Trả lờiXóa
  12. Bạn Quốc phản động qá

    Trả lờiXóa
  13. Không đọc bài này cũng phí

    Trả lờiXóa
  14. Người lãnh đạo ĐẢNG & Nhà nước hôm nay , hoàn toàn khác xa với hình ảnh của Bác Hồ trên sách vở , trên báo chí . Hầu như tất. Cả mọi người Việt đều nhìn thấy trên 99, 9999% .

    Đó là hình ảnh của các cán bộ đánh mất tính CẦN , KIỆM , LIÊM CHÍNH , CHÍ CÔNG , VÔ TƯ ! Không thể cách nào biện minh cho tính chất sa đoạ của hàng ngũ cán bộ , đảng viên và nhà nước .

    Muốn sữa đổi , chẳng khó khi còn thuốc chữa . Chính phải dùng đến truyền thông tự do trang mạng , tự do báo chí . Bao cấp truyền thông , thông tin một chiều , chỉ làm cho vết thương bị bịt kín nhiễm trùng và mưng mủ , gây nên đau đờn cho xã hội .

    Hết mật , đến tối mật , đến tuyệt mật ...! Sắp đến hồi vỡ mật ra rồi đấy mà sao đảng ta vẫn chưa tỉnh ngộ. .

    Trả lờiXóa
  15. Bài học nhỏ của tôi là năm 73 quê tôi bị lũ nặng,khi đii công tác qua quê lão chỉ huy không cho tôi thăm nhà,sau đó ở đơn vị chi bộ họp lấy ý kiên quần chúng tôi có phê nhẹ ông chỉ huy về điều ở trên thế là ô ấy ghét tôi nên tôi đã không bao giờ được được cảm tình đảng cho đến lúc ra quân! Dù trước đó tôi đã là quần chúng tích cực.bây giờ hơn 60 chục tôi vân là quần chúng tích cực hi hi.cũng may tôi chưa được gọi là thằng ấy là đv nhưng mà tốt,hay thằng ấy là c/a nhưng không ăn bẩn.

    Trả lờiXóa