Trang BVB1

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Dân chủ: Mộng và Thực

* NGUYỄN THANH GIANG 
Bài “Nói chút về “mộng mị dân chủ”” của Liên Sơn đăng trên Việt Nam Thời báo ngày 30 tháng 8 năm 2014 đã dấy lên một diễn đàn phát khởi cùng lúc với những lời qua tiếng lại chưa biết sẽ kết thúc thế nào về một vài vấn đề trong nội bộ Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Trong những ý kiến phát biều về bài “Mộng mị dân chủ”, tôi lưu ý đến ý kiến của nhà báo Hoàng Văn Hùng:
“Tôi là người mới vào Hội, chưa tham dự buổi sinh hoạt chung nào, chưa hiểu biết nhiều về các vấn đề của Hội, song cũng góp một số ý kiến, coi như ý kiến của một người dân.
1, Về bài “Mộng mị Dân chủ”: tôi không cần biết xuất xứ của nó, không cần quan tâm tác giả của nó là ai, kể cả đó là của Phạm Chí Dũng, tôi cũng thấy bình thường. Đó chẳng qua là một góc nhìn khác về phong trào dân chủ. Có những lập luận trong bài đúng thực tiễn, nhưng có hơi hướng kiềm chế “máu nóng dân chủ”. Thiển nghĩ, đã là tự do ngôn luận, chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt. Chúng ta chỉ nên vạch mặt những kẻ chụp mũ thóa mạ vô căn cứ, hoặc tung tin đồn sai sự thật để mưu lợi riêng.
2, Về cách nhìn, tôi cho rằng, không phải bất cứ hành động, lời nói nào của bất cứ ai hễ chống chính quyền, chống đảng CS thì đều là đồng minh của tôi (và – tôi muốn coi rằng – chúng ta). Kẻ thù của kẻ thù chưa chắc đã là bạn. Khi vào Hội NBDLVN, tôi hy vọng được cùng đội ngũ với những người chung quan điểm về tự do và dân chủ trên cơ sở Ngay thật và Tiến bộ. Do vậy, chúng ta bênh vực tất cả những người yếu thế bị đàn áp không có nghĩa là chúng ta đồng thuận tất cả những quan điểm của họ. Nền dân chủ bất trí thì đó là nền dân chủ rừng rú, tự nhiên chủ nghĩa, không thể đại diện cho lương tri”.
Nhận định “Có những lập luận trong bài đúng thực tiễn, nhưng có hơi hướng kiềm chế “máu nóng dân chủ”” có thể xem là rất tinh tế.
Ở đất nước thống trị bởi một Đảng vốn tôn thờ chuyên chính vô sản (theo định nghĩa của Lênin: Chuyên chính vô sản là một chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực và không bị một luật pháp nào hạn chế cả) thì dấn thân vào công cuộc đấu tranh dân chủ cũng nguy nan không kém gì xông pha nơi trận tuyến chống ngoại xâm. Cho nên đấu tranh cho dân chủ hóa cũng cần anh hùng. Nhưng, phải là anh hùng chứ không phải yêng hùng. Người anh hùng tất có trái tim nóng nhưng cũng cần có cái đầu lạnh. Nói gì, hành động thế nào đều phải tính đến cái đại cục chứ không chỉ để giải tỏa nỗi bức bối nhất thời, vụn vặt. (Ai đó đã nói: “Kẻ nào không khao khát để tạo cho mình thành đại danh thì chẳng bao giờ làm được đại sự”). Không phải cứ chửi thật ngoa, chống đối thật vung mạng thì được xem là tiên phong, là tiêu biểu, là anh hùng. Đối với người chiến sỹ trên mặt trận chống ngoại xâm, Dũng được xem là phẩm chất hàng đầu: Dũng, Trí, Đức. Nhưng, với chiến sỹ dân chủ thì phảm chất hàng đầu phải là Trí và Đức, thứ đến mới là Dũng. Phải ghi tạc sâu sắc lời dạy của Nguyễn Trãi: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy trí nhân thay cường bạo”. Phải lấy Trí mà cảm hóa, mà khuất phục đối phương đặng “diễn biến hòa bình” thành công. Bất bạo động mà chuyển hóa được xã hội từ độc tài sang dân chủ. Họ, với bản chất tàn bạo đã từng hô hóan phải tiêu diệt giai cấp nọ, chủ nghĩa kia và sản sinh chính quyền từ họng súng. Nhưng chúng ta, chúng ta không nên “học tập” họ mà phồng má trợn mắt đáp trả: “Tiêu diệt Cộng sản”, “Đánh đổ đảng A, đảng B”. Hãy chiếm lấy nghị trường bằng Trí và lôi cuốn nhân dân bằng Đức. Cho nên tôi đồng ý với Hoàng Văn Hùng: “chúng ta bênh vực tất cả những người yếu thế bị đàn áp không có nghĩa là chúng ta đồng thuận tất cả những quan điểm của họ. Nền dân chủ bất trí thì đó là nền dân chủ rừng rú, tự nhiên chủ nghĩa, không thể đại diện cho lương tri”.
Hoàng Văn Hùng cũng thật là đĩnh đạc, đáng trân trọng khi tuyên bố: “Khi vào Hội NBDLVN, tôi hy vọng được cùng đội ngũ với những người chung quan điểm về tự do và dân chủ trên cơ sở Ngay thật và Tiến bộ”, “đã là tự do ngôn luận, chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt. Chúng ta chỉ nên vạch mặt những kẻ chụp mũ thóa mạ vô căn cứ, hoặc tung tin đồn sai sự thật để mưu lợi riêng”.
Đúng vậy, chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt ngay cả với những quan điểm không đồng thuận về phương thức đấu tranh, “chỉ nên vạch mặt những kẻ chụp mũ thóa mạ vô căn cứ, hoặc tung tin đồn sai sự thật để mưu lợi riêng”.
Đâu đó tồn tại bọn “dân chủ Chí Phèo” chuyên chụp mũ thóa mạ vô căn cứ. Họ không làm được gì nên hồn nhưng đứng chống nạnh chê bai, chửi bới loạn xạ: chửi chính trị sa lông, chửi người ngồi viết kiến nghị, chửi người đi biểu tình chống Cộng không vác cờ vàng, chửi Cộng sản phản tỉnh chỉ dám chê trách Đảng mà không thóa mạ Hồ Chí Minh… Họ làm cho một số người vì ghê sợ mà lảng xa, không muốn dính dáng gì đến hoạt động dân chủ nữa.
Liên Sơn một phần có cái lý của ông ta nhưng trong bài viết của Liên Sơn có một đoạn không cùng nhận thức với tôi. Đoạn ấy như sau:
“Hiện nay, ở Việt Nam có 20 tổ chức xã hội dân sự độc lập và có thể tăng lên trong thời gian sắp tới. Nhưng vấn đề là, các tổ chức đó hiện nay như thế nào?
Nói thẳng là dù các tổ chức ra đời (rất nhiều) nhưng rất yếu.Và thực sự chưa thu hút được người dân tham gia. Trong khi đó, các hoạt động phần nhiều mang tính lẻ tẻ thông qua các kiến nghị, thư ngỏ, bài viết và hầu như theo mùa vụ, sự kiện. Chưa kể tính chế tài thành viên gần như rất kém. Thành ra, tổ chức ra đời nhiều nhưng hầu hết đều thiếu tổ chức là vì vậy”.
Liên Sơn tỏ ra rất cách biệt khi đứng đâu đó mà dè bỉu:
“Ví như trong phiên tòa Bùi Hằng diễn ra ở Đồng Tháp, dù có đại diện của một số tổ chức xã hội dân sự nhưng phần nhiều cũng chỉ là sự tụ họp – hóng tin và ăn uống. Kể cả khi bị bắt vào đồn với những tấm ảnh tag qua mạng xã hội cũng cho thấy một vấn đề không nhỏ của các tổ chức hội đoàn độc lập. Đó là tính thiếu liên kết, thiếu kế hoạch, thiếu phương pháp, cách thức, nội dung đấu tranh trong một số thời điểm nhất định (vô tổ chức trong tổ chức). Nó khiến cho việc thành lập nhiều Hội đoàn Độc lập không cân xứng với sự kỳ vọng của những ai quan tâm đến quá trình đấu tranh tại Việt Nam”.
Không biết Liên Sơn có dám xuống Đồng Tháp không và nếu xuống thì liệu Liên Sơn sẽ làm được những gì hơn sự tụ họp – hóng tin, ăn uống…?
Trước đây tôi từng rất khinh thị sự lau nhau đẻ non ra tổ chức. Trong trạng huống lực lượng chuyên chính vô sản rất hùng hậu và tinh nhuệ, tôi chủ trương hoạt động dân chủ phải “có tổ chức mà như là không”. Phải biết trường kỳ mai phục, chỉ bất ngờ vùng dậy khi mình đã có thế chẻ tre. Bởi vậy, dù là một trong những người dấn thân rất lâu năm, tôi chưa bao giờ xưng danh.
Tuy nhiên, trước thực trạng dưới bầu trời Nam ngột ngạt mà có đến hơn 20 tổ chức xã hội dân sự tua tủa mọc lên như nấm sau mưa thì hẳn không ai không thể không hoan hỉ chào mừng. Bức tranh toàn cành đang biểu hiện một nghịch lý thú vị: trong từng cá thể có thể có cái này cái kia là tổ-chức-mà-không, nhưng trong tổng thể rõ ràng là đang không-tổ-chức-mà-có.
Tất cả đều đang ngổn ngàng chưa định hình. Nhưng đang định hình.
Chưa thể đòi hỏi có tổ chức nào cho ra tổ chức chứ đừng nói tổ chức chặt chẽ. Tôi rất thích hình ảnh nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự nêu ra: chúng ta đang vừa chạy, vừa xếp hàng.
Một trong những nguyên nhân làm nổ ra cuộc cọ sát nẩy lửa dẫn đến nguy cơ tan vỡ của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là chúng ta phi thực tế, chúng ta “mộng” quá. Có được nghiễm nhiên đàng hoàng đâu, có phương tiện, tiền bạc đâu mà nỡ bẻ họe nhau sao không đúng thủ tục này, điều lệ kia. Toàn những người tứ xứ tụ lại làm việc không công, không chế tài nào ràng buộc thì làm sao bắt bẻ nhau phải đúng khuôn phép được.
Cho nên tạm thời đành phải thừa nhận sự vô tổ chức trong tổ chức và mọi người trong tổ chức phải đề cao chữ nhẫn để nhường nhịn nhau.
Tôi ngạc nhiên rằng sao mới như vậy mà đã có người này, người kia tuyên bố ra khỏi Hội.
Dù đã có những biểu hiện không đúng, không tốt nhưng thực sự đã có gì tệ hại lắm đâu.
Cũng như trong đội ngũ những người Cộng sản Việt Nam hay đội ngũ những nhà cách mạng dân chủ Ukraina, đội ngũ dân chủ Việt Nam vẫn từng tồn tại, từng chung sống những phần tử không như mong muốn, thậm chí từng có những người do tự huyễn hoặc, do đố kỵ, hoặc do bị các thế lực chống dân chủ hóa lừa gạt kích động mà bộc lộ bản tính xảo trá, ty tiện bằng những hành động không chỉ nhằm triệt hạ cá nhân mà phá hoại cả phong trào
Một “nhà văn dân chủ” nọ do tỵ hiềm, ganh ghét đã từng nặn ra đủ chuyện để bôi bẩn một bạn già đồng hành, không chỉ vu khống bạn già kia trưng bằng cấp giả, ăn cắp tiền của anh em dân chủ để xây biệt thự, hủ hóa với vợ các nhà dân chủ đang bị tù đầy, tổ chức tiệc mừng một nhà dân chủ lão thành qua đời…, mà “nhà văn dân chủ” nọ còn công khai tố cáo ông ấy có máy photocopy dấu trong nhà để làm tài liệu tán phát…
Khi nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị công an bố trí tay chân đánh vỡ đầu thì có “nhà dân chủ” vận động một dân oan cùng mình hô hóan rằng chính TKTT đánh công an. Luật sư Cù Huy Hà Vũ lên tiếng bênh vực thì liền bị anh ta vu cho CHHV tằng tịu với nhà văn này v.v…
Thực tế nó trần trụi, gồ ghề, nhớp nháp như vậy đấy, chua xót thì chua xót thật, ngán ngẩm thì ngán ngẩm thật, nhưng nỡ nào ta chối bỏ.
Vả chăng, cho đến khi đã thiết lập được nền dân chủ thì xã hội cũng đâu đã thực sự tốt đẹp. Lại nữa, làm gì có sự tách bạch giữa dân chủ đích thực với dân chủ sơ khai. Dân chủ đích thực chỉ là mộng, dân chủ sơ khai mới là thực.
Biết vậy để dẫu thế nào cũng không nên yếm thế như Tản Đà:
Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời
Tản Đà là “người lớn” nhưng mang tâm hồn nghệ sỹ, chúng ta “trẻ con” nhưng phải có tư chất chính khách.
Mong sao đội ngũ ta dẫu chưa trong sạch vẫn sẽ rồi vững mạnh, dẫu còn xộc xệch vẫn cứ từng bước tiến lên.
Hà Nội 9 tháng 9 năm 2014
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – ngõ 235 đường Trung Văn
Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165

=========== 

13 nhận xét:

  1. Đúng là mộng mị ảo tưởng thiệt
    Có CS thì k dân chủ
    có dân chủ thì k CS

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng nhỉ. Cộng sản gọi hằn học Dân Chủ là "Rận chủ"?
      Nhưng theo khoa học. loài Rận có thể nhịn đói 2 năm mà không chết - chúng không có nhu cầu quyết liệt tham nhũng của loài Sâu! Những con Sâu mãi mãi là sâu cho tới chết, không thể hóa bướm, vì chúng là loài sâu đột biến.

      Xóa
  2. Trăm hoa đua nở thì mới có hoa khoe sắc. Cũng như trận đá bóng, có người đá, có người bình luận, người xem, có người cổ vũ, hò hét...có bán độ, có thắng có thua, có tài trợ, có quảng cáo, có...Thành quả, xã hội được hưởng.

    Trả lờiXóa
  3. Rất đồng ý với Bác Thanh Giang.

    Dân chủ,nhân quyền là cuộc đua tranh không đầu không cuối trong sự phát triển của xã hội loài người.

    Không có dân chủ ,xã hội không thể phát triển được nhưng nếu dân chủ vượt quá thực tại kinh tế xã hội thì dân chủ ấy cũng là quá trớn gây hệ lụy.

    Tự do báo chí ,tự do lập hội ...cũng chỉ là bước khởi đầu của vận động dân chủ ở VN,mang màu sắc xã hội ,là sự tập dượt cho sự hình thành các tổ chức chính trị,một cái mốc quan trọng của quá trình dân chủ hóa xã hội ở VN .Một tổ chức chính trị ít nhất phải đại diện lợi ích kinh tế cụ thể của một bộ phận cấu thành lợi ích xã hội thì mới có triển vọng bền vững .

    Khi kinh kinh tế tập trung quan liêu XHCN không còn tồn tại .Khi VN đã có kinh tế thị trường với nhiều thành phần thì các thành phần kinh tế khác có quyền hợp thành tổ chức để thống nhất tiếng nói bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình ,cái này đảng CSVN,người đại diện quyền lợi giai cấp công nhân không thể làm được bởi tính thiên vị sẵn có ngay trong điều lệ của đảng CSVN.Trong kinh thị trường thì ngay trong giai cấp công nhân cũng không đồng nhất lợi ích,như trong lĩnh vực năng lượng chẳng hạn,lợi ích công nhân dầu khí,điện lực,than...cũng không giống thậm chí mâu thuẫn nhau và những mâu thuẫn này chỉ có thể được giải quyết ở cấp nhà nước ,trong đó nhà nước là người hài hòa các lợi ích (tạm gọi theo nhóm)trên cơ sở lắng nghe ,tôn trọng ý kiến khác nhau một cách dân chủ.Nếu các thành phần kinh tế phát triển chưa đủ mạnh thì sự cạnh tranh chính trị nếu phát sinh chỉ là sự cạnh tranh quyền lực (tay không bắt giặc) gây hệ lụy xấu cho xã hội bởi tổ chức chính trị khi ấy sẽ dễ dàng bị tiền bạc thao túng lợi dụng .

    Vậy nên các hội độc lập hiện đã và đang được thành lập ở VN chỉ là bước tập dượt nhân quyền ,chưa thể và chưa phải cứ có tổ chức là có vai trò chính trị để thực hiện được đa nguyên .Xã hội dân chủ ở VN hiện mới đang có thời cơ tốt (độc quyền đang gây hệ lụy nặng nề về kinh tế xã hội)nhưng cái thế của các tổ chức chính trị xã hội đang còn là manh nha,cần tập dượt.

    Nhân quyền cơ bản được xem là bẩm sinh(người ta sinh ra có quyền ...) nhưng không phải đương nhiên được công nhận như quyền được chết,quyền được bán nội tạng,bán nhân phẩm ...hiện vẫn còn là vấn đề tranh cãi ở nhiều quốc gia.

    Trả lờiXóa
  4. Toi dong y voi tac gia Nguyen Thanh Giang.

    Trả lờiXóa
  5. Bài phân tích chí lí và rất hữu ích - Dân chủ // bây giờ chúng ta mới bàn và đi "ăn mày" nó từ bọn mất trí,nhưng rất tham tàn và độc ác thì - quả thật chúng ta tụt hậu sâu cả hàng thế kỷ so với những nước khác là đúng !!! // ăn mày mà chưa chắc đã được "bố thí"áy chứ,còn bị trù dập, hành hạ,đánh lên đánh xuống,kêu án tù dài hạn,thậm chí còn thủ tiêu nứa chứ !!! Vn ơi Vn !

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết hay vô cùng,không chê vào đâu được - Xin tri ân tác giả bài viết / ông Nguyễn Thanh Giang - Xin tri ân chủ nhân blog / đại tá Bùi văn Bồng đã chọn được bài đăng có giá trị .

    Trả lờiXóa
  7. Bác Thanh Giang xứng đáng là Người Dân Chủ! Hiểu biết, tự tin mà bao dung nhân ái. Cám ơn bác. Chúc bác sức khỏe và bằng an.

    Trả lờiXóa
  8. Người xứ Thanhlúc 18:18 10 tháng 9, 2014

    Cám ơn bác Giang đã có những ý kiến đáng suy nghĩ .Bác là người học cùng khóa đại học và là bạn của ông Trần Đức Lương,nguyên chủ tịch nước,Bác cũng đã dọa tự thiêu vì bị công an rình mò trước nhà suốt ngày đêm vì hoạt động dân chủ. Bác là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo mạng "Tổ quốc" phát hành từ năm 2006 và hiện nay dù gần 80 tuổi bác vẫn tham gia vào ban cố vấn của tờ báo.Tờ báo này rất khó truy cập, khi mở tôi thường phải đánh chữ "Nguyễn Thượng Long" mới có thể tìm được vài bài.Kính chúc bác mạnh khỏe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khó gì đâu. Bạn dùng trình vuottuonglua (nhất là loại "u...", rất tốt), cái gì cũng vào được. Nhưng họ chặn trang sex, rất hay, nhỉ.

      Xóa
  9. Phong trào đòi dân chủ và sự ra đời các tổ chức hoạt động xã hội tại VN là điềm báo tốt lành cho tương lai. gần. Những người dấn thân đấu tranh cho nền dân chủ thực sự cho VN cần có đủ Trí, Đức , Dũng và kiên trì liên tục. Tùy vậy , tình trạng hiện nay các tổ chức dân sự tự phát rờ rạc, nhỏ lẻ chưa kết thành như từng mảng Bèo trên dòng sông . Không thể nòng vội, nó phải được sinh sôi, lớn dần khí có điều kiện có thể vụt đứng dậy, cầm roi cưỡi ngựa như Phù Đổng . Nền dân chủ như dòng sông, nó là quy luật tất yếu sẽ đến với Nhân dân VN.

    Trả lờiXóa
  10. Một xã hội như VN hiện nay không hẳn là không có dân chủ , hay một xã hội như Mỹ là hôan toàn có tự do dân chủ .

    Dân chủ được phán xét theo từng mức độ khác nhau , dân chủ nhiều , dân chủ ít hay kém dân chủ . Một nhà nước , một tổ chức gọi là có dân chủ , còn cần hai yếu tố công bình và bác ái để hoàn thiện .

    Trong xã hội Cộng Sản , yếu tố công bình & bác ái ít được đề cập đến . Nhất là lòng thương người để sống hoà nhã cùng mọi người , hầu như không được xem là quan trọng . Lý do duy nhất vì bác ái làm cản trở con đường cách mạng , làm chậm tiến XHCN !

    Thiếu tinh thần bác ái nên Cải cách Ruộng Đất trở nên Đấu Tố sắc máu cuồng bạo , Nhân văn giai Phẩm là một vết nhơ chung cho giới trí thức Miền Bắc trước 75 , biến phong trào Đánh tư sản Miền Nam trở thành cướp đoạt trắng trợn do đảng bảo hộ . Cũng chính thiếu tinh thần bác ái trong dân chủ đã tạo nên cảnh Di cư của một triệu người miền Bắc vào Nam năm 1954 , đồng thời hằng triệu người Việt vượt biên chạy trốn Cộng Sản , bất kể tử sinh sau 1975 .

    Dân chủ mộng và dân chủ thực nó khác nhau do hành động , tưf mộng sang thực cần phải có hành động bác ái . Một tổ chức non trẻ Nhà báo độc lập cũng vậy , cho dù sao đi nữa cũng không thể kết tội nằm vùng đoongj chạm đén sĩ diện , nhất là sĩ diện của bản thân bị phô bày trước công chúng .

    Đấy là chưa nói đến cái mộng và thực của con người hay tổ chức dân chủ trong chế độ XHCN VN hiện nay . Nếu nhận thấy xã hội này tính dân chủ thiếu tôn trọng , thì ước mơ dân chủ là mọt điều hợp lý , tìm mọi cách để đạt được một xã hội dân chủ hơn chẳng có gì gọi là mộng . Dầu cho thức tế trước mắt là một bức tường độc tài kiên cố , nhưng ước mơ để biến dân chủ thành sự thật không phải không làm được . Hôm nay chưa được , nhưng tương lai ắt sẽ được . Lịch sử tan vỡ Nga và ĐÔNG ÂU là một bằng chứng hiển nhiên , nó giống như bằng chứng thoái trào của các chế độ phong kiến vua chua , thúc thủ và đầu hàng trước phong trào dân chủ khắp nơi trên thế giới .

    Thưc tế cho một cuộc cách mạng dân chủ tại VN rất khó khăn , nhưng nếu gọi đó là mộng thì hoàn toàn nguỵ biện , vì chính ĐCSVN cũng chấp nhận tinh thần dân chủ là cần thiết , chẳng qua cách thể hiện dân chủ chỉ là hành động phản bội lại lời nói , nhân dân chỉ được ăn bánh vẽ dân chủ và nhân dân hiểu được điều này . Nên nhớ rằng , cái quan trọng nhất hiện nay để cách mạng dân chủ tiến tới thành công , nhân dân hiểu được đang ăn cái bánh vẽ to tướng của Đảng và Nhà nước ban cho khi bản thân mình chưa làm được .

    Ước mơ một đất nước Việt Nam sẽ tự do , dân chủ và nhân quyền hơn chẳng có gì là mộng . Đây là một thức tế mà nhân dân đang tiến tới dưới sư dẫn đường của ngọn đuốc tri thức qua trang mạng internet .

    Trả lờiXóa
  11. Trước khi là nhà gì đi nữa thì mỗi người phải thuộc bài của cụ phan chu trinh nói về người vn,khi nào vượt lên chính mình tức vượt qua thói xấu thường gặp của người việt thì hãy dấn thân kể cả bên thắng và bên thua đều phải nằm lòng.không nên cho mình là hơn cả,cho người khác là kém,khác ý là tà tâm là nguy hiểm,tôi cũng nghĩ dân chủ không phải là tất cả,nhưng không có dân chủ thì không có tát cả,tôi trộm nghĩ dân chủ như biển cả,nâng lên tất cả những cũng nhấn chìm tất cả nếu dân chủ bị biến tướng.

    Trả lờiXóa