Trang BVB1

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

“BỘ HỌC” Ở VIỆT NAM

 * TÔ VĂN TRƯỜNG
Trên báo chí chính thống của Nhà nước cũng như các trang mạng xã hội đang có cuộc tranh luận nhiều ý kiến khác nhau về việc Hà Nội vừa quyết định tổ chức 18 trường công lập chất lượng cao trong năm học tới với học phí rất cao. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có 03 trường.
Lập trường quan điểm
Lâu nay, người ta thường quy chụp cho người khác cái tội tày đình là "sai lập trường, quan điểm". Thế nhưng giờ đây, người ta lại ngang nhiên loại con em của "giai cấp lãnh đạo" ra khỏi các trường công "chất lượng cao”  thì không biết họ đã chuyển sang thứ lập trường quan điểm gì rồi? Thật tội nghiệp cho "giai cấp lãnh đạo" nhưng chưa bao giờ được hưởng vinh dự lãnh đạo!
Về chất lương giáo dục, nếu muốn nâng cao chất lượng thì điều trước tiên là phải xác định đâu là những yếu tố chính đang làm cho nền giáo dục nước nhà mãi yếu kém, tụt hậu. Có phải thiếu bàn ghế tốt, máy chiếu, bản điện tử, lương giáo viên là có "tội" chính không?  Nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học đại học ta đâu có thua kém ai. Vì sao?  
Trường chất lượng cao cơ sở vật chất tốt hơn, nhưng liệu có thoát khỏi chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục & Đào tạo?  Có từ bỏ được triết lý giáo dục lỗi thời không? Có dám khuyến khích học sinh tư duy độc lập, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo không? Một khi triết lý giáo dục không đổi thì mọi "cải tiến" chỉ đánh lạc hướng dư luận nhất thời chứ không có bất cứ tác dụng căn cơ nào.  
Bao giờ cho đến ngày xưa?
Chỉ nói riêng về bậc tú tài ngày nay, không bằng một góc của tú tài trước ngày giải phóng. Học sinh toàn thi học theo chương trình của Pháp, thành thạo một sinh ngữ chính và khá một sinh ngữ phụ.
Đề thi Anh ngữ của tú tài thời xưa, ngày nay đến sinh viên chuyên Anh ngữ đại học năm thứ nhất còn ngắc ngứ không làm nổi. Bằng tú tài ở Sài Gòn lúc đó còn được Úc công nhận. Bằng Y khoa chỉ cần tu nghiệp thêm 01 năm ở Mỹ là được Mỹ công nhận. Còn bây giờ thì hầu như không có ai muốn công nhận bằng cấp của giáo dục VN! Vì sao?
Cái nền, cái gốc bây giờ chính là người có bằng tú tài, làm sao cho bằng trình độ trước giải phóng năm 1975, chứ không phải là lấy tiền thuế của dân đầu tư cho một số trường công lập chất lượng cao phục vụ riêng cho con nhà giầu.
Có một câu Thiền luận về giáo dục: “Giáo dục theo kiểu vô minh/ Làm sao chết được siêu sinh niết bàn...”
Giáo dục phải là nền tảng văn hóa cơ bản của một quốc gia. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu rất ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc: " Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Giáo dục  mà theo kiểu “học để thi, thi gì học nấy” như lâu nay thì tương lai đất nước ra sao- đã nhãn tiền.
Cái hệ lụy ngày hôm nay, là kết quả của một nền giáo dục mà những người có trách nhiệm quản lý giáo dục đất nước không  có một tư duy chiến lược chuẩn mực. Giáo dục  bất cập đến đâu thì... chạy theo giải quyết đến đó, cho nên tất cả thành bát nháo. Nếu xem lại tất cả chủ trương phân ban, thi cử... đều thấy cái dấu ấn của sự "chạy theo" này.
Hệ thống giáo dục phải kể từ công tác đào tạo, tuyển chọn người ‘thầy cho ra thầy’ cho đến sách giáo khoa, nội dung - chương trình đào tạo (bộ kiến thức căn bản làm gốc, tạo nền) cho đến nguồn kinh phí, chi ngân sách, trang bị cơ sở vật chất, trường, lớp, đồ dùng học tập và nhất là mối quan hệ ‘tam kết’: Nhà trường-gia đình- xã hội. Nhưng ở nước ta lâu nay, nhiều học sinh kiến thức cơ bản bị mất từ gốc. Tại ai?
Một thực trạng bi đát và nhiều lần báo động cả mấy chục năm qua là: Mối quan hệ nhà trường-gia đình-xã hội lại trở thành thứ dịch vụ, ‘thương mại hóa’ lấy “thực dụng” thay cho “thực tài”, lấy đồng tiền thay cho đồng bộ và đồng tâm. Ngay như cái gốc kiến thức là sách giáo khoa cũng biến thành loại hình kinh doanh dựa trên các thủ đoạn làm dịch vụ- thương mại. Khi hệ thống giáo dục đào tạo đã ‘đậm đà bản sắc thực dụng’, thì mọi cách làm, từ dạy học, thi cử….đều xoay quanh cái bản sắc đó.
Bộ Giáo dục & Đào tạo đã không quản lý nổi chính hệ thống của mình, đành thả nổi nhân danh "xã hội hóa"! Thế nên dân đóng góp đủ các khoản.  Dù về hình thức, bậc tiểu học được miễn học phí, thì thực chất các ông bố, bà mẹ cũng phải đóng góp hàng chục khoản, chưa kể các bậc học khác.
Đáng buồn là một số quan chức ngành giáo dục từng có trách nhiệm lớn với xã hội, khi đã ra "khỏi vòng", các vị lại hô hào ủng hộ sự đóng tiền cao cho trường chất lượng cao. Về hình thức, nó có thể phản ánh một quy luật của xã hội, ở một bộ phận giàu có. Nhưng giáo dục bản chất là phải công bằng. Nếu đứa trẻ, từ lứa tuổi học đường đã phải chịu sự bất công, thì sau này ra đời, nó sẽ nhìn xã hội đã nuôi dưỡng nó bằng con mắt thế nào? Giáo dục- môi trường lành mạnh và công bằng nhất mà không tạo được sự bình đẳng, thì xã hội sẽ càng bất công.
Thực chất đất để xây trường công chất lượng cao và tiền đầu tư thì của công nhưng đầu tư bằng tiền công (thuế của dân) rồi thì lại thu phí như trường tư (tức là giống như tư nhân người ta tự bỏ tiền ra để đầu tư ). Nếu vậy, sẽ có hai vấn đề:
Thứ nhất, là tạo ra bất công cho người dân nghèo vì anh bắt tất cả mọi người, trong đó có người nghèo đóng thuế xong, rồi lại chỉ cho người có tiền mà không cho người nghèo được hưởng lợi.
Thứ hai, là mục tiêu “xã hội hóa giáo dục” do vậy sẽ khó mà đạt được bởi vì nó sẽ tạo ra cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này. Bằng việc lấy tiền thuế của dân và dùng đất ở vị trí đẹp nhất cũng của dân mà xây trường và trang thiết bị cho đạt chuẩn chất lượng cao, đương nhiên sẽ có lợi thế hơn là những nhà đầu tư tư nhân tự bỏ tiền ra mua đất hay thuê đất để xây trường.
Để có thể có được mảnh đất vàng thì nhà đầu tư nếu là tư nhân sẽ phải chi rất nhiều tiền kể cả vay lãi ngân hàng chứ không như Nhà nước nghiễm nhiên sở hữu những khu đất đắc địa nhất.
Giải pháp
Chính vai trò quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT là ở chỗ, điều tiết thế nào bằng chính sách, chủ trương cụ thể, để trẻ em được hưởng thụ giáo dục như nhau, và có môi trường kích thích trẻ thông minh, chứ không phải ngang nhiên bênh vực cho số ít nhà giàu. Thực chất giáo dục hiện nay là nền giáo dục vì người lớn, hoàn toàn không vì đứa trẻ.
Việc của Nhà nước là xây dựng các trường công, đào tạo giáo viên và đưa ra chương trình học chuẩn để mọi người trong xã hội đều có thể hưởng thụ nền giáo dục đạt chuẩn, tạo ra sân chơi bình đẳng để cho tất cả các thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư cho giáo dục.  
Chuyên gia Vũ Quang Việt khi bàn về cải cách giáo dục ở Việt Nam, đã phân tích rất đáng suy ngẫm. Bất cứ một xã hội thị trường nào hiện nay, dù theo bất cứ khuynh hướng xã hội nào, giáo dục cho trẻ em vị thành niên là trách nhiệm của Nhà nước, và hầu hết các nước có điều kiện kinh tế đều miễn phí giáo dục phổ thông.
Việt Nam chỉ có thể phổ cập giáo dục tiểu  học và đã ghi rõ trong Hiến pháp là “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” (Điều 59 Hiến pháp CHXHCN Việt Nam năm 1992) nhưng hiện nay kinh tế đã phát triển, giàu có hơn thì cần tiến tới phổ cập bậc trung học, chứ không thể đi ngược lại là “xã hội hóa giáo dục ” tức là tận thu các nguồn học phí (dưới nhiều hình thức).
Trong bậc học chưa thể phổ cập, Nhà nước phải tạo bình đẳng về cơ hội cho mọi trẻ em được thi tuyển vào trường tốt, không thể chỉ lập trường công lập tốt cho người có thể trả phí cao. Nếu Bộ GD& ĐT không thể cung ứng dịch vụ tốt thì hãy cấp cho học sinh phiếu GD để học sinh tự chọn trường tư. Nếu không, ngành giáo dục sẽ còn phải nghe “trường ca” dài dài:
Than ôi, giáo dục  nước nhà
Không vì đầu não mà vì “đầu tiên”!
Đầu tiên – vơ được lắm tiền
 Người tài thì hiếm, người  hiền càng khan
            Cấp bằng, đào tạo tràn lan
 Cố tìm “nguyên khí” thấy làn sương giăng
            Mập mờ thành tích văn bằng
 Cây tre cong vẹo, búp măng cụt vòi
 Bày ra cải cách khơi khơi
 Quanh đi quẩn lại “tiền ơi là tiền”
            Nghe danh Bộ Học thấy phiền
 Hiền tài thì hiếm, ‘Tiên Huyền’ khắp nơi
             Người dân chỉ biết kêu: - Trời!…
TVT
---------------

26 nhận xét:

  1. Tác giả chia sẻ cùng bạn đọc mấy lời 'phi lộ' cho bài viết trên đây:
    Dear All
    Trên báo chí chính thống của Nhà nước cũng như các trang mạng xã hội đang có cuộc tranh luận nhiều ý kiến khác nhau về việc Hà Nội vừa quyết định tổ chức 18 trường công lập chất lượng cao trong năm hoc tới với học phí rất cao. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có 3 trường.
    Khổng tử ơi Ngài đang ở đâu?
    Trong “Luận ngữ tâm thư” của tác giả Phạm Lưu Vũ có đoạn trích như sau:
    Một hôm , Khổng tử cùng các học trò đi qua một làng nọ, gặp một bà mẹ đang ôm lấy anh con trai của mình mà gào khóc thảm thiết. Anh con trai mũ cao áo dài, hài vớ, cân đai nghiêm chỉnh, rõ ràng là một kẻ vừa học hành đỗ đạt, đang sắp sửa được bổ làm quan. Khổng Tử thấy vậy thì lấy làm lạ, bèn hỏi:
    “Con bà có phải là người vừa đỗ cao đó không? Tôi biết, bà cũng như nhiều người khác, thấy con mình thi đỗ thì mừng quá đến nỗi phải phát khóc lên đó thôi. Song cớ sao lại ra chiều thảm thiết như vậy?“.
    Bà lão nâng vạt áo gạt nước mắt, cay đắng trả lời:
    “Nào có gì mà mừng với rỡ. Tôi chẳng qua một chữ bẻ đôi cũng không biết, nên mới phải cho con theo đòi trường ốc đấy thôi. Ngài là bậc thánh nhân, chắc ngài chẳng lạ gì cái sự giáo dục bây giờ. Trong trường, người ta toàn nhồi nhét vào bụng học trò những điều bịp bợm, dối trá, nhằm biến chúng thành những kẻ u mê, không biết phân biệt đâu là thực, đâu là giả nữa. Kết quả những hạng gọi là có học bây giờ nom thì sáng sủa, nghiêm trang đấy, song một nửa chữ của đạo lý làm người cũng không hiểu, chỉ biết suốt đời chạy theo danh lợi, tận tụy phục vụ cho cường quyền, trung thành tuyệt đối với cường quyền… mà thôi. Dạy học như thế thì có khác gì lừa bịp? Biết con mình bị lừa mà không làm thế nào được, thì hỏi còn nỗi đau nào lớn hơn? Nay nó thi đỗ, nghĩa là cái sự lừa ấy đã thành tựu rồi. Vì thế tôi đang đau khổ đấy chứ. Đâu có mừng rỡ gì“.
    Khổng Tử lại hỏi:
    “Bà là người không biết chữ, sao lại biết chắc rằng con mình bị lừa?“(còn tiếp).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. … (tiếp) Bà lão trả lời:
      “Đã là một người mẹ thì không cần phải đọc sách mới biết con mình thay đổi theo chiều hướng nào. Huống chi bây giờ đang là thời đại của dối trá, dối trá ngự trị từ trên cao xuống thấp, dối trá tràn lan từ công sở, chợ búa, đến họcđường… Xưa nay học làm người cốt ở học Kinh, Sử. Thế mà Kinh thì tôi nghe con tôi đọc ra rả, chỉ thấy duy nhất một thứ kinh giả cầy ở đâu ấy, hình như những chỗ khác người ta bỏ từ lâu rồi. Sử thì chỉ thấy nhai đi nhai lại một mẩu bé tí tẹo đã được thổi phồng, được tô son trát phấn, trùm lên cả ngàn năm sử sách của Ông Cha. Ngay cả văn chương cũng chỉ thấy học vẹt những thứ văn một chiều, ngợi ca sự giả dối, tàn nhẫn… Giáo dục như thế chẳng phải lừa mị thì là cái gì? Thậm chí có khác nào ăn cắp linh hồn của người ta rồi nhét những thứ đểu giả của mình vào? Học như thế thì dẫu có đỗ cao đến mấy, thực chất cũng chỉ là một thứ dở người, tiểu nhân mà thôi, chẳng bao giờ sống nổi cho ra cái giống người! Rồi thì họ bảo sao nghe vậy, rồi thì chỉ biết tham lam, đớn hèn… Dẫu họ có ngồi trên đầu, trên cổ đến muôn năm cũng chẳng hề nhận ra, có khi còn phải biết ơn họ nữa là khác…“.
      Khổng Tử bảo:
      “Thì chính những kẻ đó, vì muốn giữ mãi địa vị đè đầu cưỡi cổ thiên hạ của mình đến muôn năm (nguyên văn: “vạn tuế“), cho nên mới đẻ ra cái nền giáo dục ấy. Nay bà có đồng ý để cho con trai bà đi theo tôi để học lại đạo lý làm người chăng? Có điều sẽ không thể làm quan được mà thôi“.
      Nói rồi Ngài quay lại bảo các học trò:
      “Giả sử hôm nay ta không được chứng kiến câu chuyện này, thì chẳng bao giờta biết được cái sự lừa bịp trong giáo dục nó lại ghê gớm đến thế. Bây giờ ta mới hiểu hết được câu nói của người thợ cày ngày trước. Thì ra cuộc đời quả là một vụ ăn cắp vĩ đại. Người ta đã ăn cắp vào đến tận linh hồn của mỗi con người. May mà thiên hạ vẫn còn có những bà mẹ không biết chữ như bà mẹ đây. Nếu không thì chẳng biết đến đời nào ta mới rửa được mối hận này?“.
      Bà lão nghe nói, bấy giờ mới tỏ vẻ mừng rỡ. Bèn vái Khổng Tử ba vái mà dắt tay người con lại, trao cho Khổng Tử. Người con đó sau này trở thành một học trò nổi tiếng giỏi về văn chương của Ngài. Chính là thầy Tử Hạ. Thầy họ Bốc, tên Thượng, người nước Vệ, nhỏ hơn Khổng Tử tới bốn mươi tư tuổi. Tử Hạ về sau quả nhiên suốt đời không làm quan, chỉ mở trường dạy đạo lý và thỉnh thoảng viết sách mà thôi. Câu chuyện trên chính là được rút ra từ trong sách của Thầy.
      Suy ngẫm về nền giáo dục nước nhà, nhất là vừa có quyết định thành lập các trường công chất lượng cao, tôi viết bài với tiêu đề "BỘ HỌC" để rộng đường công luận.
      Tô Văn Trường

      Xóa
    2. Bài viết của bác Trường hay, nhưng bài dẫn của thầy Khổng Tử với bà mẹ của Tử Hạ lại hay hơn. Cám ơn Bác ! nhưng câu nói : 10 năm trồng cây, 100 năm trồng người thì Bác Hồ có nói, nhưng không phải của bác, bác Trường xem lại.

      Xóa
  2. Bài viết rất sâu sắc. Lời phi lộ kể chuyện Khổng Tử cũng chọn lọc, đem lại nhiều ý nghĩa, bổ trợ và rất bổ ích.

    Trả lờiXóa
  3. Giáo dục như ở nước ta
    Đầu vào mềm nhũn – đầu ra cứng khừ
    Có bằng tốt nghiệp kỹ sư
    Tìm việc đôn đáo, công-tư lắc đầu
    Vác bằng chạy bất cứ đâu
    Đút tiền mấy cửa nhu cầu – còn xem
    Mấy quan bằng cấp tèm lem
    Lại được thăng chức, lại quen vòi tiền
    Tiền đâu? – Thủ tục đầu tiên…

    Trả lờiXóa
  4. Thưa Bác chế độ nào thì cho ra sản phẩm ấy mà Chế độ của ta "Ưu việt" như thế nào thì Bác và các quý vị biết rồi đấy !! Cho nên chỉ có thay đổi Tư duy của các Ông trong bộ máy của các Ông lãnh đạo thì may chăng bộ học mới thay đổi tận gốc bằng không mọi sư cải cách chỉ là vá víu của một "tấm áo giáo dục" đã rách bươm !! Một nền giáo dục ngày càng tụt hậu,khi XH thì càng tiến đến CNCS ????

    Trả lờiXóa

  5. Thân gửi anh Trường
    Bài viết chặt và đầy đủ,góc cạnh.
    Chúc anh khỏe,mẫn tiệp để có nhiều bài hay nữa.

    Trả lờiXóa
  6. Chỉ có nâng chất lượng hệ thống trường công để cạnh tranh và chứng tỏ
    sự ưu việt so với trường tư chứ sao lại có sự vô lý vậy ? !

    Trả lờiXóa

  7. Rất hay. Cảm ơn anh Truong.

    Trả lờiXóa
  8. "Một thực trạng bi đát và nhiều lần báo động cả mấy chục năm qua là: Mối quan hệ nhà trường-gia đình-xã hội lại trở thành thứ dịch vụ, ‘thương mại hóa’ lấy “thực dụng” thay cho “thực tài”, lấy đồng tiền thay cho đồng bộ và đồng tâm"...
    - Rất chính xác, bác Trường ơi! GD ở ta nó là thế, buồn, chán!.

    Trả lờiXóa
  9. "Chính vai trò quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT là ở chỗ, điều tiết thế nào bằng chính sách, chủ trương cụ thể..."

    Nhưng theo hiến pháp, lại còn có "lực lượng lãnh đạo nhà nước".
    Vậy sai là ở "lực lượng lãnh đạo nhà nước" chứ không phải ở "Bộ GD&ĐT"

    Trả lờiXóa
  10. "Cái nền, cái gốc bây giờ chính là người có bằng tú tài, làm sao cho bằng trình độ trước giải phóng năm 1975, chứ không phải là lấy tiền thuế của dân đầu tư cho một số trường công lập chất lượng cao phục vụ riêng cho con nhà giầu."

    Kính bác Tô Văn Trường,

    Nhân sắp tới ngày 27/7, em xin nhớ ơn tới các chiến sĩ cách mạng đà hy sinh xương máu của mình để "giải phóng" miền Nam cùng nền giáo dục phản động, tay sai, bù nhìn trước 75. Họ làm được như thế nhờ không nghe lời Bác Hồ thuổng của thần Bạch Mi Quản Trọng đấy ạ .

    Trả lờiXóa
  11. Trước đây, người dân ăn cái bánh vẽ "độc lập - tự do - hạnh phúc", nên hàng triệu người đã phải hy sinh, chỉ để cho một số người lãnh đạo thụ hưởng quyền lực và quyền lợi. Ngày nay, người dân lại tiếp tục ăn cái bánh vẽ "công bằng - phát triển - pháp quyền", lại cũng chỉ để cho hàng ngũ lãnh đạo thu được tiền vào túi riêng.
    Dân trí - dân khí - dân sinh đã bị tàn hại có hệ thống, chỉ vì lòng tham và sự bất nhân của giới lãnh đạo quốc gia.
    Tình hình tồi tệ như thế đó, vậy thì từng người dân chúng ta phải làm gì để con người và xã hội được tốt hơn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chủ nghĩa "Tam dân" là: Dân đói, dân dốt, Dân oan!

      Xóa
  12. Thật buồn khi rất nhiều người hiểu, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà còn trong nhiều lĩnh vực khác đã có sự xuống dốc rất trầm trọng nhưng giới lãnh đạo “đỉnh cao trí tuệ” không hiểu hoặc giả vờ không hiểu đã đẩy đất nước ngày càng đi vào con đường “hỗn độn” mà người chịu thiệt trước tiên là dân nghèo, thấp cổ bé họng! Ôi sao buồn quá Bác Trường ơi!

    Trả lờiXóa
  13. Người sông Tiềnlúc 08:57 23 tháng 7, 2013

    Định nghĩa về chủ nghĩa "Tam dân" của bác Mai Văn Hiệu vô cùng chính xác: dân đói, dân dốt và dân oan. Nói đến suy thoái nền KT-XH hiện nay, nhất là suy thoái GD-ĐT, nhiều vô kễ. Bây giờ chỉ có biết kêu trời nếu không thay đổi tình thế, bằng cách tiến tới chế độ đa nguyên, đa đảng bằng chế độ tam quyền phân lập để có sự minh bạch và kiểm soát lẫn nhau. Cái này cả thế giới đều đúc kết kinh nghiệm sâu sắc.

    Trả lờiXóa
  14. Bất bình đẳng,khoảng cách giàu - nghèo thể hiện rất rõ trong ngành giáo dục.
    Trường chất lượng cao không phải để lo đào tạo chất lượng cao mà để thu được nhiều tiền. Cái này không cần phân tích nhiều, nhìn qua ai cũng thấy ngay.
    Chưa có chủ trương nhưng ngay trong một trường, từ lâu đã có "lớp học chất lượng cao" trang bị đủ thứ học cụ,máy lạnh,video...dành cho con các gia đình có điều kiện,học phí cao, rồi tiền này xử dụng thế nào,chắc là thông tin mật chỉ hiệu trưởng biết.
    Bộ học, không lo việc dạy dỗ, chỉ giỏi việc lo làm tiền. Đủ trò, đủ kiểu dưới những khẩu hiệu kêu choang choác. Đất nước này rồi sẽ ra sao đây? Chí nguy, thậm nguy,vô cùng nguy. Lo thay.

    Mà chuyện "làm tiền" này, không phải chỉ thấy ở bộ học,các bộ khác cũng rưa rứa. Buồn thay.

    Trả lờiXóa
  15. Dân nghèo, dân dốt, Dân oan! là cái đáng buồn đang tồn tại. Hệ thống trường đại VN học mở tràn lan, vô tội vạ. Đại học tại chức, Đại học từ xa nhan nhản chẳng tốt đẹp hay ho gì. Tuy thế các quan lãnh đạo của ĐCS VN vẫn chẳng ai chịu trách nhiệm.
    Cháu tôi học trường nghề, nhưng học lý thuyết ba phần tư thời gian, học thực hành chỉ có một phần tư thời gian thôi. Chất lượng GD không được công khai nghiêm túc, minh bạch. Tại sao chất lượng thi học sinh giỏi của các trường học hàng năm không được các Sở GD, Phòng GD đưa lên mạng để cho dân được biết.
    Vì bệnh thành tích nên Hiệu trưởng một số đã báo cáo không trung thực kết quả thi học sinh giỏi của trường trước dân thế rồi cũng chẳng sao cả. Cứ như vậy dân VN "hạnh phúc nhất thế giới" là đúng thôi!!!

    Trả lờiXóa
  16. Dân nghèo, dân dốt, Dân oan! là cái đáng buồn đang tồn tại. Hệ thống trường đại VN học mở tràn lan, vô tội vạ. Đại học tại chức, Đại học từ xa nhan nhản chẳng tốt đẹp hay ho gì. Tuy thế các quan lãnh đạo của ĐCS VN vẫn chẳng ai chịu trách nhiệm.
    Cháu tôi học trường nghề, nhưng học lý thuyết ba phần tư thời gian, học thực hành chỉ có một phần tư thời gian thôi. Chất lượng GD không được công khai nghiêm túc, minh bạch. Tại sao chất lượng thi học sinh giỏi của các trường học hàng năm không được các Sở GD, Phòng GD đưa lên mạng để cho dân được biết.
    Vì bệnh thành tích nên Hiệu trưởng một số đã báo cáo không trung thực kết quả thi học sinh giỏi của trường trước dân thế rồi cũng chẳng sao cả. Cứ như vậy dân VN "hạnh phúc nhất thế giới" là đúng thôi!!!

    Trả lờiXóa
  17. Nói thật chứ trường học ở xứ các ông "quái" hơn trường học tôi học đấy!

    Trả lờiXóa
  18. Dân nghèo, dân dốt, Dân oan! là cái đáng buồn đang tồn tại. Hệ thống trường đại VN học mở tràn lan, vô tội vạ. Đại học tại chức, Đại học từ xa nhan nhản chẳng tốt đẹp hay ho gì. Tuy thế các quan lãnh đạo của ĐCS VN vẫn chẳng ai chịu trách nhiệm.
    Cháu tôi học trường nghề, nhưng học lý thuyết ba phần tư thời gian, học thực hành chỉ có một phần tư thời gian thôi. Chất lượng GD không được công khai nghiêm túc, minh bạch. Tại sao chất lượng thi học sinh giỏi của các trường học hàng năm không được các Sở GD, Phòng GD đưa lên mạng để cho dân được biết.
    Vì bệnh thành tích nên Hiệu trưởng một số đã báo cáo không trung thực kết quả thi học sinh giỏi của trường trước dân thế rồi cũng chẳng sao cả. Cứ như vậy dân VN "hạnh phúc nhất thế giới" là đúng thôi!!!

    Trả lờiXóa
  19. Dân nghèo, dân dốt, Dân oan! là cái đáng buồn đang tồn tại. Hệ thống trường đại VN học mở tràn lan, vô tội vạ. Đại học tại chức, Đại học từ xa nhan nhản chẳng tốt đẹp hay ho gì. Tuy thế các quan lãnh đạo của ĐCS VN vẫn chẳng ai chịu trách nhiệm.
    Cháu tôi học trường nghề, nhưng học lý thuyết ba phần tư thời gian, học thực hành chỉ có một phần tư thời gian thôi. Chất lượng GD không được công khai nghiêm túc, minh bạch. Tại sao chất lượng thi học sinh giỏi của các trường học hàng năm không được các Sở GD, Phòng GD đưa lên mạng để cho dân được biết.
    Vì bệnh thành tích nên Hiệu trưởng một số đã báo cáo không trung thực kết quả thi học sinh giỏi của trường trước dân thế rồi cũng chẳng sao cả. Cứ như vậy dân VN "hạnh phúc nhất thế giới" là đúng thôi!!!

    Trả lờiXóa
  20. Tình hình càng ngày càng đi xuống. Đương nhiên có ngày phải lăn đùng ra chết! Hết một bộ phim. Bộ phim khác được chiếu tiếp.

    Trả lờiXóa
  21. Giáo dục miền Nam trước 1975, trong trường công học sinh không phải đóng bất kỳ một khoản học phí nào, có trường học sinh còn được ăn bánh mì, sữa, bánh v.v… giữa buổi miễn phí. Một nền giáo dục với triết lý nhân bản, dân tộc và khai phóng đã sản sinh ra rất nhiều người tài giỏi (Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, và cho rằng "nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí", "nền giáo dục đại học được tự trị", và "những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn". Tôi đã trải qua những năm đầu tiểu học trong nền giáo dục đó, thật tốt đẹp những gì được học còn đọng mãi đến ngày nay. Rất tiếc, nền “giáo dục xã hội chủ nghĩa” mà sau 1975 cho đến tận bây giờ tôi đã và đang là một nhân tố của nó, thật sự toàn là áp đặt và dối trá. Càng nghĩ càng thấy đau lòng, thể chế thế nào thì nền giáo dục thế đó, giáo dục thế nào thì sản phẩm thế đó. Đất nước sẽ đến đâu với nền giáo dục hiện thời: thừa dối trá, thiếu trung thực, thừa hô hào thiếu thực chất, thừa hình thức thiếu nội dung, thừa thành tích thiếu kết quả…Một nền giáo dục không cốt ở chỗ khai dân trí mà cốt đào tạo ra những cỗ máy chỉ biết cúi đầu tuân phục làm sao tạo được nhân tài đưa đất nước tiến lên sánh với “cường quốc năm châu”.

    “Bán niên chi kế bất như thụ cốc, thập niên chi kế bất như thụ mộc, bách niên chi kế bất như thụ nhân” (kế sách nửa năm không gì bằng trồng lúa, kế sách mười năm không gì bằng trồng cây, kế sách trăm năm không gì bằng trồng người) - Quản Trọng, tể tướng nước Tề.

    Trả lờiXóa
  22. Một xã hội lấy sự ăn cắp làm đầu thì giáo dục cũng không thoát khỏi vòng cương tỏa của nó. Và nếu việc " trăm năm trồng người" thất bại thì ta còn khốn khổ tăm tối 100 năm nữa! Nghĩ mà kinh cho thân phận người Việt!

    Trả lờiXóa
  23. Mua quan bán chức. Đồng tiền và quyền lực đang làm loạn và phá nát xã hội. Những quan lại rao giảng đường lối - đạo đức chúng đen tối - bẩn thỉu hơn chúng ta nghĩ về chúng rất nhiều

    Trả lờiXóa