Trang BVB1

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

TẾT SỚM Ở LŨNG CÚ

* Trương Thúy Hằng
            BVB - Lũng Cú, mảnh đất thượng cùng của cực Bắc Việt Nam luôn được nhắc tới một cách thiêng liêng mỗi độ Tết đến xuân về. Vì vậy mà nơi này được chọn ưu tiên số một trong 5 điểm cầu truyền hình của Chương trình giao lưu nghệ thuật "Thế nước - lòng dân" được phát vào thời điểm giao thừa Tết Quý Tỵ của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV).
Khi những ngày cuối cùng của năm Âm lịch sắp qua đi, chúng tôi cùng Đoàn phóng viên, đạo diễn và quay phim HTV trở lại Hà Giang để quay phim tư liệu, lần này với tư cách như người thân, như ruột thịt của đồng bào và BĐB

 Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng chúc Tết và tặng quà bà con xã Lũng Cú, Đồng Văn.
Trở lại Đồng Văn
Tháng 3-2012, Chương trình "Hướng về vùng cao Hà Giang" do Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Tư lệnh BĐBP, Đài Truyền hình TPHCM và báo Biên phòng tổ chức đã có được con số ấn tượng là 130 tỉ đồng, tiền của các tỉnh, thành, địa phương, cá nhân, tổ chức ủng hộ. Số kinh phí này sẽ sử dụng vào việc xóa nhà tạm, xây phòng học mới, hồ trữ nước và hỗ trợ phát triển kinh tế cho bà con các xã vùng biên của Hà Giang. Lần này trở lại cao nguyên đá Đồng Văn, Đoàn công tác của HTV tiếp tục thu vào ống kính những cảnh sinh hoạt gian khó của quân và dân vùng cao; ghi hình đêm giao lưu nghệ thuật ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và tổ chức ăn Tết sớm cùng bà con các dân tộc, chiến sĩ biên phòng ở ngay tại mảnh đất địa đầu này.
Đạo diễn Lâm Thành Quý, người viết kịch bản cho Chương trình đêm giao thừa "Đến với biên cương hải đảo ngày xuân" của HTV nói rằng: "Trở lại Hà Giang lần này, chúng tôi không còn là khách nữa. Vì sự thân quen đó mà Lũng Cú sẽ là địa danh đặc biệt nhất xuất hiện trên HTV dịp Tết này, là hình ảnh đại diện cho sự chung tay góp sức của nhiều người, nhiều tổ chức xã hội, sự mong muốn của cả nước cho Hà Giang tiếp tục thoát nghèo đi lên".
Với tất cả tinh thần và tình cảm trìu mến dành cho Hà Giang, cả Đoàn chúng tôi hào hứng nhằm thẳng hướng Cột cờ Lũng Cú đi tới, vào một ngày đông mà Hà Giang nhiệt độ dần hạ xuống mức 0oC. Sương giá mù mịt bủa vây suốt chặng đường lên cao nguyên đá. Khí lạnh từ những tầng đá xám tỏa ra và hơi sương giá buốt khiến cho nơi này đóng băng tê cóng. Có những lúc chiếc xe cùng chúng tôi phải dò dẫm nhích từng tí một trên những đoạn đường sương mù dày đặc. Buổi tối giá buốt khủng khiếp đến phát khóc. Thế nhưng, công việc chuẩn bị cho đêm giao lưu quân và dân ở Lũng Cú vẫn phải tiến hành khẩn trương, chỉ sợ đêm càng khuya, nhiệt độ càng hạ xuống âm độ, làm bà con dân bản, cả người già và trẻ nhỏ đang kéo đến dự đêm hội mỗi lúc một đông phải đứng đợi ngoài trời sương giá.
Những biên tập viên, quay phim, kỹ thuật của HTV quen với nắng phương Nam gần như phải huy động tất cả năng lượng cơ thể cho việc chống rét. Cô gái trẻ Thủy Ngân, Biên tập viên của HTV gần như không còn giữ được chất giọng trong trẻo truyền cảm vốn có, không kìm được run rẩy trước cái lạnh âm độ ngoài trời. Khi kết thúc mỗi đúp quay, cô không thể nhúc nhích khỏi nơi mình đang đứng, gần như đóng băng trên nền đá xám của Cột cờ Lũng Cú trước khi có người dìu đi. Thủy Ngân bảo: "Quả thật đây là một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời tôi. Cái ấn tượng nhất với tôi không phải cái lạnh giá quá mức của nhiệt độ ngoài trời, mà là sức chống chọi của bà con đồng bào với hàng ngàn đêm như thế này ở miền đất Hà Giang. Họ quá kiên cường".
 
 Đoàn phóng viên HTV tác nghiệp tại xã Lũng Cú, Đồng Văn.
Lũng Cú 0 độ C
Chỉ khi những đống lửa xua sương được các chiến sĩ biên phòng đốt lên dưới sân chờ của Cột cờ Lũng Cú - biểu tượng chủ quyền quốc gia trên đỉnh núi Rồng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn thì lúc đó, đêm hội mới thật sự được bắt đầu. Hơi ấm từ lửa tỏa rộng ven chân Cột cờ. Một lần nữa, tiếng trống đồng huyền thoại lại được vang lên trên đỉnh núi Rồng, nhưng là những tiếng trống thanh bình, tự tại, nhịp nhàng cuốn theo những bước chân nhún nhảy thoăn thoắt cùng nhịp trống của các cô gái và chàng trai Lô Lô.
Lũng Cú là mảnh đất thượng cùng có dư địa chí đặc biệt trên bản đồ biên phòng, đồng thời, tiếng trống đồng Lũng Cú cũng gắn liền với những trang sử biên thùy khi mà tiếng trống đồng chính là âm thanh thị uy, thể hiện chủ quyền quốc gia và đánh đuổi xâm lược. Trên cao, lá cờ 54m2 vẫn bay phần phật trong sương mù và giá lạnh. Những hình ảnh này cũng sẽ được truyền đi trên sóng truyền hình đúng vào thời điểm chào năm mới, cùng khuôn mặt những diễn viên không chuyên người Mông, Lô Lô tươi rói sắc diện trong ánh lửa hồng trong các bài múa đi chợ, múa xuống đồng, gieo hạt, mừng cơm mới... mặc dù nhiệt độ ngoài trời đang hạ xuống rất thấp.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tham dự đêm giao lưu đặc biệt này. Ông nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Lũng Cú luôn luôn phải giữ vững biên cương bằng trí tuệ và sức mạnh, chăm lo đời sống đồng bào biên giới bằng tình thương và trách nhiệm. Nhân dịp này, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng cũng tận tay tặng quà của Bộ Tư lệnh BĐBP tới bà con, mong muốn thế trận lòng dân luôn được giữ vững. Lời của ông như một hiệu triệu ý nghĩa ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú, trong đêm đông sương giá lại như một thông điệp ý nghĩa gửi đến đồng bào cả nước nhân dịp năm mới sắp đến.
Gần một tháng qua, Hà Giang luôn phải chịu cái lạnh dưới 10oC. Khi chúng tôi có mặt ở Lũng Cú thì các trường tiểu học đã cho học sinh nghỉ học vài ngày mà chưa thông báo hôm nào các em có thể trở lại trường. Lũ trẻ được cha mẹ giữ lại bên những bếp lửa trong nhà. Chúng tôi cùng với cán bộ Đồn BP Lũng Cú tới nhà trưởng bản Sán Sà Phìn dự bữa cơm cuối năm. Đây là một trong nhiều bản biên giới mới được xây dựng phòng học và hồ treo trữ nước. Mỗi mùa đông khô cằn và rét buốt, bà con không phải đi xa hàng chục cây số để cõng nước nữa.
Trưởng bản Vàng Nhìa Lúa từng là một chiến sĩ biên phòng. Ông khăng khít với cán bộ biên phòng như người nhà, lễ, Tết nào cũng mời cán bộ đồn xuống uống rượu chung vui với gia đình. Bữa cơm thêm phần gắn bó và giữa câu chuyện bên mâm cơm lại xoáy vào việc xây dựng mô hình giúp dân phát triển kinh tế của bộ đội. Bao nhiêu vấn đề khúc mắc của bản, của biên giới cũng đồng thời được thông tin từ những câu chuyện thường ngày như thế. Những đứa trẻ Mông hồn nhiên và thích thú với Tết đến sớm, mặc áo đẹp và được chơi những trò chơi của ngày xuân. Chúng nhảy chân sáo trên những thửa ruộng đang chờ ra Giêng gieo hạt cho mùa sau.
Sau một năm cả nước hướng về Hà Giang, Lũng Cú đã được đón một cái Tết sớm ấm lòng trong giá lạnh. Lòng dân tự tại thì thế nước vững bền, điều này một lần nữa lại được khẳng định dưới chân Cột cờ Lũng Cú.
T.T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét