Trang BVB1

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

ĐẶC SẢN TẾT ĐẤT MŨI - CÀ MAU


                 BVB - Món ngon Rạch Gốc (Đất Mũi, Cà Mau) không chỉ nổi tiếng với ba khía, cá khô, mà còn một đặc sản được ưa chuộng trên thị trường, đó là tôm khô. Nghề làm tôm khô ở Rạch Gốc có từ những năm 30-40 của thế kỷ trước.  Ban đầu người ta dùng phương tiện chài, đó, vó… bắt tôm ăn, ăn không hết mang đi làm tôm khô để ăn dần. Thấy ngon, nhiều người làm, rồi trao đổi, mua bán, dần dà trở thành nghề của một số hộ.
Nguồn nguyên liệu về sau được mở rộng qua việc thu mua tôm từ các hàng đáy, các ghe biển, vuông tôm. Nghề này đặc biệt nhộn nhịp vào dịp giáp Tết. Không chỉ có mặt trong tỉnh, tôm khô Rạch Gốc còn “du lịch” khắp nơi trong nước, thậm chí còn được “xuất ngoại” qua con đường quà biếu.
* Đặc sản được công nhận thương hiệu
 
 Đặc sản tôm khô Rạch Gốc giờ đây đã có thương hiệu.
                    Theo anh Lê Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, tôm khô Rạch Gốc thật ra là tên gọi chung cho sản phẩm tôm khô ở huyện Ngọc Hiển, được sản xuất tập trung nhiều nhất ở thị trấn Rạch Gốc và các xã: Đất Mũi, Viên An, Tam Giang Tây, mà người ta quen gọi là “miệt Rạch Gốc”. 
               Trước đây, đa số người dân sản xuất bằng thủ công, nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Thời gian gần đây, lượng tôm khô Rạch Gốc tiêu thụ ngày càng tăng, một số cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại: lò sấy, máy bóc vỏ, máy phân cỡ, máy sàn phân… Vì vậy số lượng, chất lượng tôm khô thành phẩm được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
            Toàn huyện Ngọc Hiển hiện có 25 cơ sở sản xuất tôm khô có quy mô lớn, vừa và nhỏ; mỗi tháng sản xuất từ 25-30 tấn tôm khô, chiếm khoảng 20% sản lượng tôm của huyện, giải quyết cho 200-250 lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, mang về lợi nhuận khoảng 140 tỷ đồng/năm.
            Tuy nhiên, tình hình sản xuất tôm khô trên địa bàn huyện Ngọc Hiển trong thời gian qua còn gặp không ít khó khăn. Đó là, phần lớn các cơ sở sản xuất bằng thủ công, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thực phẩm; sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
           Sản phẩm làm ra không có thương hiệu riêng, không có đầu tư công nghệ đóng gói mà chủ yếu cho vào túi ni-long gởi cho các đầu mối, vừa làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm qua các khâu vận chuyển, bảo quản, vừa bị một số người kinh doanh hám lợi pha trộn, tẩm ướp làm tổn hại đến uy tín tôm Rạch Gốc trên thị trường.
           Từ thực tế trên, tháng 1/2011, UBND huyện Ngọc Hiển uỷ quyền cho Hội Nông dân huyện làm chủ sở hữu đăng ký thương hiệu tập thể “Tôm khô Rạch Gốc”. Tháng 9/2011, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ đã công nhận 3 sản phẩm tập thể của Cà Mau, trong đó có tôm khô Rạch Gốc (2 sản phẩm còn lại là cá khô bổi U Minh, huyện Trần Văn Thời và mật ong U Minh, huyện U Minh).
            Bước đầu, Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển quyết định giao cho Doanh nghiệp tư nhân Chí Tâm thực hiện thương hiệu Tôm khô Rạch Gốc. Doanh nghiệp đầu tư phương tiện sản xuất khá lớn, đến 500-700 triệu đồng, từ khâu rửa, luộc, sấy, bóc vỏ, đóng gói hút chân không... 
           Những tháng cuối năm 2012 vừa qua, cơ sở chính thức cho ra lò sản phẩm mang thương hiệu Tôm khô Rạch Gốc, nhãn hiệu Chí Tâm với 2 loại sản phẩm là tôm biển và tôm bạc đất (ở các đầm nuôi theo quy trình tôm sinh thái).
            Anh Hồng Chí Tâm, chủ cơ sở tôm khô Chí Tâm, cho biết, mối lái tiêu thụ tôm khô của anh là ở TP Cà Mau, Sài Gòn, Bến Tre. Mỗi con nước, cơ sở anh sản xuất từ 30-50 tấn tôm nguyên liệu. 
          Khi được đầu tư công nghệ hiện đại, từ tôm nguyên liệu, chỉ cần mất chưa đến 1 ngày cho các khâu rửa, luộc, sấy, bóc vỏ… anh đã cho ra lò thành phẩm tôm khô. Khi có được thương hiệu, anh yên tâm sản xuất hơn vì sản phẩm của mình ra thị trường không bị pha tạp, lẫn lộn…
* Tìm hướng đi bền vững
                Sau cơ sở Chí Tâm, Hợp tác xã (HTX) tôm khô Tân Phát Lợi (xã Tân Ân Tây) chuyên sản xuất tôm bạc đất vuông cũng được Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển cấp phép sử dụng thương hiệu. Tuy nhiên, hiện nay do mới thành lập (các thành viên là các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ) nên lượng tôm khô tiêu thụ của cơ sở này chưa mạnh.
 
 Tôm thành phẩm chuẩn bị đóng gói tại cơ sở Chí Tâm.
            Cuối tháng 12 vừa qua, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức “Chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối”, mục đích để các nhà phân phối xem mặt hàng, sau đó đóng góp ý kiến, tiến tới hợp tác trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
              Mặt hàng Tôm khô Rạch Gốc (cụ thể là tôm khô của cơ sở Chí Tâm và HTX Tân Phát Lợi) được tỉnh chọn đại diện cho tôm khô Cà Mau tham dự buổi giao lưu này.Một tin vui là một số nhà phân phối, trong đó Saigon Co.op có ý định tiêu thụ sản phẩm Tôm khô Rạch Gốc và đã có góp ý về hình thức, mẫu mã. Nếu hợp tác được, đây là một khách hàng tiềm năng lớn vì các siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart phân bố khắp cả nước.“Đó là chuyện sau Tết, còn hiện tại, Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển mở một điểm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm Tôm khô Rạch Gốc và thực hiện giao dịch tại số 162, Nguyễn Tất Thành, khóm 8, phường 8, TP Cà Mau”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển Lưu Quang Thọ thông tin.
              Một thực tế là, phần nhiều những hộ sản xuất tôm khô trên địa bàn huyện Ngọc Hiển sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ. Để tiến tới sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của thương hiệu thì phải đầu tư vốn lớn, họ không đủ khả năng. Giải quyết vấn đề này, theo anh Lê Ngọc Lâm, hướng tới, các cơ sở lớn, Hội Nông dân sẽ vận động họ thành lập doanh nghiệp tư nhân, đầu tư phương tiện máy móc hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất đạt tiêu chuẩn chung. Đối với các cơ sở nhỏ lẻ, sẽ vận động bà con vào HTX để giúp bà con có điều kiện pháp nhân thực hiện giao thương, cũng như vay vốn sản xuất phát huy được hiệu quả thương hiệu, làm sao để đến năm 2015, tất cả các cơ sở đều hoạt động ổn định và Tôm khô Rạch Gốc chiếm được vị trí nhất định trên thị trường.
Phấn đấu đến năm 2015, sản lượng tôm khô của huyện tăng thêm khoảng 130 tấn/năm so hiện tại; trực tiếp chế biến khoảng 30% tổng sản lượng tôm khai thác, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển sản xuất thuỷ sản bền vững giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo của huyện./.
Bài và ảnh: Trang Anh

1 nhận xét:

  1. Công nhân làm việc mà còn mặc quần cộc hở toàn bộ phần chân như hình trên thì các nhà đầu tư sẽ không dám ký hợp đồng. Vê sinh trong lao động tuy còn làm nhỏ lẻ nhưng không thể xem thường vấn đề này. Lỗ nhỏ sẽ làm đắm thuyền đấy. Rất mong bác Bồng góp ý với các hộ làm tôm khô đóng gói.Đeo găng tay,mặc quần dài,đội mũ bảo đảm vệ sinh cho sản phẩm môi trường ,là một luật làm ăn với nước ngoài. Cảm ơn bác Bồng đã tung lên mạng một thương hiệu có triển vọng rất sáng cho dân vùng biển cuối mũi.

    Trả lờiXóa