Trang BVB1

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

> LUỐNG CÀY ĐẦU TIÊN


Bùi Văn Bồng

 
                               * Bùi Văn Bồng
Một mảnh ruộng mùa
Biết bao luống cày không ai tính nổi
Đời nối đời cày cấy
Mùa vụ nhào nặn nắng mưa
Mùa vụ trần thân ngâm mình bão lụt
Thấm đẫm mồ hôi luống cày nắng cháy
Mùa hối thúc mờ sương thức dậy
Cả máu xương những thời trận mạc
Trộn vào đất nâu
Đất thêm dãi dầu
Trộn vào cỏ úa
          hoa cỏ rưng rưng gọi mùa màng

Tôi muốn tìm
          đâu luống cày đầu tiên khai hoang?
Dẫu biết từ xa xưa
       người mở luống cày đầu tiên đã về đất
Hỏi đất
       đất lặng im
Đất cũng theo mùa vụ đi tìm
Luống cày theo gió trở trời chuyển vụ

Trên cánh đồng nối đời trước đời sau
                      nắng mưa tảo tần mùa vụ
Trên đất nâu mùa nào cũng mầm non nhú
Đâu luống cày đầu tiên?

Đám mây chỉ cho tôi
                    ruộng khô nứt toác
Ngọn gió chỉ cho tôi
                      xạc xào gốc rạ
Cánh cò chỉ cho tôi
           mây ráng gà báo bão
Trước mưa giông người giục trâu vội vã
Bông lúa chỉ cho tôi
                      gié mạ
Mảnh mai gié mạ non tơ
             đánh thức hạt mầm
                             khi gà chưa gáy sáng
Và từ những nơi ấy
Có luống cày đầu tiên
Trên luống cày nhịt nhằng dấu chân
                      tảo tần củ khoai hạt thóc
Đất đai đêm ngày trằn trọc
Nuôi bao kiếp người…

Nhà nông lặng người
Mênh mông cỏ hoang dự án
Mười mấy năm không đất cày
Dự án treo cùng quy hoạch
Chỉ biết nhìn cao xanh thầm trách
Trời! Sao ăn ở bất cân?
B.V.B

1 nhận xét:

  1. Thấy bác trăn trở với nông dân, em kể lại chuyện xưa:

    Ngày ấy, hàng năm có lễ Tịch điền khi nhà vua cày ruộng vào dịp tế Thần nông. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, lễ Tịch điền đầu tiên được tổ chức vào năm Thiên Phúc thứ 8 (năm 987) dưới triều vua Lê Đại Hành ở kinh đô Hoa Lư. Sáng sớm Nhà vua đích thân xuống đồng cày ruộng làm gương cho mọi nguời. Sau 3 đường cày của Nhà vua, các quan tùy theo phẩm hàm mà theo trâu đi 5, 7 hay 9 luống cày. Có lẽ tượng Thần Nông trong hang ở Bích Động (Ninh Bình) cũng được tạc vào thời ấy.

    Hoàng đế Minh Mạng được mệnh danh là ông vua của của nhà nông. Trong chỉ dụ năm 1827, người viết: “Đời xưa cày ruộng tịch điền, lấy gạo làm xôi tế Giao miếu, nhân thể xét thời tiết làm ruộng, khuyến giúp nông dân thực là việc lớn trong vương chính. Trẫm từ khi nối ngôi đến nay, chăm nghĩ đến dân, thường lấy việc dạy dân chăm nghề nông làm gốc”.

    Chính vua Minh Mạng đã cảm thán: "Bình lỗi tam thôi thân vị quyện, Tùng canh hữu phản hãn như tương, Nhân tư cần khổ lao thiên mẫu…" (tạm dịch: Ta cày ba đường đã thấy mệt. Quan cày chín đường vã mồ hôi. Mới hiểu dân cày ngàn mẫu khổ thế nào…).

    Nay ở nhiều nơi, cả quê em, đại gia chiếm hết đất rồi, dân còn chỗ nào mà cày nữa. Thế nên cuốn “Vấn đề dân cày” của cụ Qua Ninh vả Vân Đình không được tái bản lần nào.

    Trả lờiXóa