Trang BVB1

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Vụ bắt ông Nguyễn Ngọc Sự: Hành vi chiếm đoạt tiền gửi sẽ được làm rõ

luat su phan tich vu nguyen chu tich hdtv tap doan vinashin bi bat hinh 1
Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Ngọc Sự (ảnh nhỏ), nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin.

Việc doanh nghiệp Nhà nước gửi tiền, rồi một số cá nhân lấy tiền để hưởng riêng, tư túi là hành vi vi phạm pháp luật.
Phóng viên Báo TNVN phỏng vấn luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam về sự việc ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của doanh nghiệp gửi vào ngân hàng OceanBank để một số cá nhân thuộc SBIC nhận, chiếm đoạt trên 105 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước gửi tiền, rồi một số cá nhân lấy tiền để hưởng riêng, tư túi là hành vi vi phạm pháp luật. Tới đây, người dân, dư luận sẽ biết và hiểu rõ phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt tiền gửi ngoài lãi suất của các đối tượng đã bị khởi tố.
PV: Sự việc Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiến hành khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Sự vì liên quan tới sự việc để một số cá nhân thuộc SBIC nhận, chiếm đoạt tiền ngoài lãi suất, được hiểu như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Trương Thanh Đức: Theo tôi, việc cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an trong quá trình điều tra phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, khởi tố vụ án, khởi tố bị can là việc làm hết sức bình thường.
Theo tôi, nếu như cá nhân gửi tiền rồi thu ngoài lãi suất thì nhìn chung là chưa có trường hợp nào bị xử lý, vì thực chất cái đó là khách quan khi gần như tất cả các ngân hàng đều tham gia việc này. Tiền người ta gửi lấy lãi suất cao hơn, nhưng người ta không có hành vi lợi dụng, hành vi gian dối, hành vi chiếm đoạt thì nếu có xử lý thì xử lý phía ngân hàng.
Còn đối với các doanh nghiệp Nhà nước, đối với các cơ quan sử dụng tiền của Nhà nước, tiền của người khác thì có thể có hai dạng: Nếu như tiền ngoài lãi suất mang về nhập quỹ, hạch toán, nộp thuế rồi thực hiệc tất cả các qui định pháp luật thì cũng có sai nhưng có thể xem xét không xử lý hình sự, mà xử lý hành chính. Nếu mang tiền đó về tư túi, để ngoài sổ sách để chia nhau, cụ thể là bỏ túi thì đó là một vấn đề nghiêm trọng.
Với trường hợp của SBIC, đơn vị có khối lượng tiền gửi rất nhiều nên chênh lệch tiền lãi suất cũng lên đến hàng tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, mà lại chia nhau, tư túi thì rõ ràng nó là vấn đề rất nghiêm trọng. Trường hợp này cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố để xét xử về các tội trạng là việc bình thường. Còn những trường hợp khác rất có thể là cũng có nhưng chưa phát hiện ra thì đương nhiên là chưa bị xử lý.
Nên cũng có thể người này người khác nghĩ rằng, tất cả đều tham gia mà tại sao lại có một số người bị thì cũng không thể nói là tất cả mọi người đều vi phạm giống nhau và cũng không thể một lúc mà phát hiện xử lý được tất cả.
PV: Thưa ông, dưới góc độ pháp luật, ông có thể phân tích hành vi sai trái về việc hưởng và chiếm đoạt lãi suất ngoài như thế nào?
Luật sư Trương Thanh Đức: Theo qui định của Nhà nước, lãi suất tiền gửi trong thời điểm này không quá 14%/năm, nhưng vì sức ép thị trường, vì cung cầu vì nhiều lý do, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ mất khả năng thanh khoản, người ta đẩy lãi suất huy động lên rất cao, thậm chí lên đến 18 - 20%/năm. Thế thì cá nhân, doanh nghiệp, những người gửi tiền tùy thuộc vào kỳ hạn, số tiền gửi mà được hưởng lãi suất chênh lệch.
Đối với cá nhân sẽ khó xử lý, vì giao dịch đó là cho bản thân người ta. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, ngoài hoạt động kinh doanh còn phải có trách nhiệm tôn trọng pháp luật và thực hiện đúng để đảm bảo đáp ứng chủ trương, yêu cầu của Nhà nước về chính sách tiền tệ, chống lạm phát cũng như là khủng hoảng giai đoạn đấy về thanh khoản của ngân hàng,
Đáng tiếc, doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật mà còn tham gia cuộc đua lãi suất tiền gửi nên dẫn đến hậu quả ngay thời điểm ấy cũng như sau này rất nghiêm trọng. Rồi nữa, họ lại lấy chênh lệch tiền gửi ấy để hưởng riêng, tức là hoàn toàn vì lợi ích cá nhân chứ không vì lợi ích Nhà nước hay tập thể, doanh nghiệp.
Thực tế, chúng ta rất khó xác định, chứng minh việc doanh nghiệp đã gửi chênh lệch rồi cá nhân tư túi như thế nào, bởi lẽ trên giấy tờ sổ sách họ làm rất khớp hoàn chỉnh, gửi từng ấy tiền nhân bao nhiêu tháng với lãi suất 14%/năm. Vì thế kiểm tra, xác minh phía doanh nghiệp không bao giờ phát hiện ra, nhưng qua kiểm tra, xác minh từ Oceanbank mới có thể bật ra được vi phạm.
PV: Theo ông, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm gì để thu hồi tiền, tài sản trong quá trình điều tra, xét xử những vụ án tham nhũng?
Luật sư Trương Thanh Đức: Đối với các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng nói riêng thì mục tiêu hàng đầu là phải khắc phục được hậu quả, thu hồi được tiền và tài sản. Trong trường hợp này, số tiền lãi này là của doanh nghiệp nên trả về cho doanh nghiệp.
Còn nếu như cơ quan pháp luật mà có quan điểm cho rằng đó là tang vật phạm pháp, thu nhập bất chính thì theo qui định của luật hoàn toàn có thể thu hồi sung công. Dù có thu về cho doanh nghiệp Nhà nước hay sung công đều là tiền Nhà nước.
Theo tôi, quá trình điều tra bên cạnh việc trừng trị, xử lý cá nhân tội phạm, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là cần phải tìm hiểu tài sản đó đi đâu. Nếu đã mất rồi thì người phạm tội phải dùng nguồn khác để bồi thường Nhà nước.
Luật cũng qui định, nếu như bồi thường tùy từng giai đoạn sẽ là tình tiết giảm nhẹ, bồi thường càng nhiều càng giảm nhẹ, thậm chí nếu bị tuyên án tử hình bồi thường được 2/3 tài sản vẫn được giảm xuống án chung thân./.


Quốc Hưng - Nguyễn Hồng/Báo VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét