Trang BVB1

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Vì sao có quá nhiều quan chức 'cố ý làm trái'?

Thủ tướng Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và TBT Nông Đức Mạnh hồi 2009.
Ý kiến của tác giả nói Việt Nam vào đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2013
Các vụ đại án, đặc biệt vụ ông Đinh La Thăng đã bộc lộ bất cập thể chế chính trị hiện nay, phản ánh rõ hơn một đặc trưng của chế độ là sự giải trình và chịu trách nhiệm của Đảng Cộng sản.
Trừng phạt các cán bộ lãnh đạo Đảng khi họ có tội là cần thiết, nhưng chỉ giải quyết hiện tượng. Lời nói sau cùng tại tòa của ông Thăng gợi ý phân tích và đưa ra cảnh báo. Vấn đề là liệu những bản án được tuyên có làm thay đổi bản chất và hướng đến thể chế 'nhà nước của dân, do dân và vì dân'?
Ngày 8/01 xét xử cựu ủy viên Bộ chính trị của Đảng, ông Đinh La Thăng, mở đầu cho loạt các đại án tham nhũng dự kiến toà án tiếp tục xử trong năm 2018. Ngày 17/01 ông Thăng nói lời sau cùng: "… Bị cáo cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân cả nước, xin lỗi các thế hệ công nhân lao động... Sau khi vào tù mới cảm nhận được rõ hơn sự lớn lao của sự tự do" và ông muốn làm 'ma tự do' mà không phải là 'ma tù'.
Ngày 22/01 ông Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù giam với tội danh 'Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng'.
Một vài điểm đáng lưu ý:
  • Lần đầu tiên từ khi thành lập Đảng, một trong 19 lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng bị luận tội và bị tù giam. Có thể còn có ý khác về quy trình và tính chất vụ án, song công bằng mà nói đây là bước tiến về cải cách tư pháp.
  • Ông Thăng giải trình rằng ông làm theo chủ trương của Đảng, nhưng do nóng vội nên phạm khuyết điểm. Ông nhận trách nhiệm là người đứng đầu ngành dầu khí, nhưng tòa không chấp nhận.
  • Đảng đang gửi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm chống tham nhũng 'không vùng cấm'.
  • Đảng thực hiện sự giải trình và chịu trách nhiệm nhằm lấy lại niềm tin của người dân.
Song câu hỏi lớn nhất là tại sao có quá nhiều quan chức cao, trung cấp phạm tội 'cố ý làm trái'?
Đảng đã không thể tạo ra một thể chế hữu hiệu với những luật lệ, quy tắc nhằm ràng buộc cách ứng xử khả dĩ cơ hội chủ nghĩa của con người và chế tài đủ mạnh dành cho sự bất tuân thủ.

Bài học lịch sử
Lịch sử Đảng ghi nhận 'trường hợp điển hình' về việc Đảng giải trình và chịu trách nhiệm về sai lầm trong Cải cách Ruộng đất năm 1953-1956 ở miền Bắc Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện chủ trương 'người cày có ruộng', do ảnh hưởng chủ nghĩa thành phần, đấu tranh giai cấp và áp dụng giải pháp 'đấu tố địa chủ' cực đoan đã gây ra hậu quả to lớn, tỷ lệ người bị oan sai khoảng 71,66% tổng số, trong đó nhiều người bị giết. Dân chúng hoang mang.
Đảng đã thừa nhận sai lầm tại Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 9/1956. Hồ Chủ tịch 'khóc và thay mặt chính phủ' nhận khuyết điểm tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I tháng 12 năm 1956.
Các cán bộ Đảng trực tiếp điều hành chương trình cải cách ruộng đất, như Trường Chinh, Lê Văn Lương...bị cách chức hoặc bị xử lý kỷ luật.
Trong bối cảnh lịch sử này Đảng đã thành công. Bài học ở đây là các cá nhân, tập thể lãnh đạo các cấp trong bộ máy Đảng và nhà nước phải có trách nhiệm giải thích việc thực thi công vụ hay những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý khi được yêu cầu.
Họ phải chịu trách nhiệm đạo đức và pháp lý về hậu quả đối với chính sách, quyết định và hành động gây ra.

Không thể áp dụng cho hiện tại?
Giai đoạn 2008-2013 là đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam. Dù số liệu bị 'bóp méo' do tính minh bạch thấp, thì sự đánh giá sau được thừa nhận.
Tăng trưởng sụt giảm nhanh, lạm phát tăng vọt, có năm lên đến 20% (2010). Nợ xấu ngân hàng và nợ công ở mức rất cao. Ngân sách luôn bội chi, các doanh nghiệp nhà nước trên bờ vực phá sản, 'bong bóng' bất động sản đã làm cho đời sống người lao động khó khăn.
Tham nhũng tràn lan đe dọa sự tồn vong của chế độ, quyền lực bị tha hóa. Khoảng cách giàu nghèo nới rộng, giáo dục y tế xuống cấp, ô nhiễm môi trường trầm trọng, niềm tin trong dân chúng suy giảm. Hậu quả cho đến hiện nay vẫn đang 'vật lộn' để khắc phục.
Nguyên nhân chính là sai lầm trong chính sách tăng trưởng nóng vội dựa trên các tập đoàn kinh tế nhà nước - 'các quả đấm thép' và yếu kém về quản lý.
Tại kỳ họp Quốc hội khóa 13 ngày 14/11/2012, trước câu hỏi: Thủ tướng có nghĩ đến từ chức? Ông Dũng nhấn mạnh mình đã theo Đảng 51 năm và nói:
"Tôi không chạy, không xin, không từ chối, thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó."
Đảng đã không thể kỷ luật ông. Mặc dù Bộ chính trị muốn, nhưng tại Hội nghị Trung ương 6 khóa 11 năm 2012 các ủy viên trung ương đã không đồng thuận. Ông tại vị thủ tướng đến Đại hội đảng 12, tháng 1 năm 2016.

Đổ lỗi cho thị trường?
Người ta nói nhiều về 'lỗi hệ thống'. Có quá nhiều thay đổi trong thời gian khoảng 60 năm giữa hai sự kiện nêu ở trên, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Đổ lỗi cho thị trường là không công bằng. Đảng Cộng sản VN đang sử dụng kinh tế thị trường thúc đẩy tăng trưởng để thực hiện cam kết của chế độ.
Tại sao có quá nhiều quan chức phạm tội khiến Đảng phải đứng trước lựa chọn ai, lúc nào và như thế nào để xử lý nhằm củng cố Đảng và chế độ?
Đã rất cấp bách cần xem lại về sự giải trình và chịu trách nhiệm của Đảng nói riêng, cũng như về chương trình cải cách thể chế chính trị về tổng thể.

Cảnh báo về hậu quả
Với cơ chế Đảng Cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, sự giải trình và chịu trách nhiệm của Đảng chủ yếu được thực hiện theo chiều từ cấp dưới lên cấp trên.
Nó mang tính đạo đức, có nghĩa là chính quyền hoàn toàn không phải giải trình và chịu trách nhiệm thông qua bầu cử nhưng phải thấy được trách nhiệm trước công chúng trên nền tảng của sự giáo dục và 'tu thân, tích đức, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ' theo giá trị và chuẩn mực lý tưởng hay truyền thống, chủ nghĩa cộng sản hay chịu ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo.
Đảng đang thừa nhận quyền lực tha hóa là một nguyên nhân bất ổn thể chế. Thật khó có thể nhốt quyền lực vào 'lồng cơ chế' khi quyền lực đang được tập trung cao hơn.
Khi đó, sự giải trình và chịu trách nhiệm sẽ không thúc đẩy cải cách thể chế theo hướng dân chủ và phát triển bền vững.
Với bất cứ thể chế nào cũng có thể có chính sách sai lầm về tính chất, mức độ hay thời gian.
Các nghiên cứu cho thấy trong thể chế dân chủ phương Tây cũng từng phạm nhiều sai lầm, như cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ là kết quả của hệ tư tưởng thị trường tự do, cho vay tiêu dùng quá trớn và mở rộng quá mức của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, thực tế chỉ ra là các chế độ độc tài và toàn trị luôn gặp nhiều rắc rối nghiêm trọng hơn.
Những sai lầm có thể tiếp tục níu kéo toàn xã hội vì không thể dễ dàng sai thải những kẻ đã ra quyết định. Bởi vậy cái giá phải trả sẽ rất lớn.
TS PGS Phạm Quý Thọ 
/Gửi cho BBC từ Hà Nội/
* Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của TS PGS Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển, Hà Nội.
(BBC)

3 nhận xét:

  1. Bài viết sâu sắc và đúng bản chất nguồn gốc về sự tha hóa chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sự tự chuyển hóa và tự diễn biến hiện nay trong đảng. Rất cần thay đổi Thể chế (cách tổ chức bộ máy và quản trị quốc gia) cho phù hợp trình độ dân trí, dân khí, ý thức và hiểu biết của người dân về tồn tại, phát triển đất nước và dân tộc hiện nay của Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  2. Lỗi thể chế...hay tất cả các cái lỗi mà những ai sai phạm đều đổi cho "nó". Nhưng tôi nghĩ cái lỗi chính vẫn là con người...? Đạo đức của con người rất quan trọng, cộng với tri thức trình độ của con ngưới đó sẽ cho ta một thành quả tốt hay xấu...? Cuối cùng là cách xử lý cán bộ sai phạm, phải nghiêm, đúng pháp luật. Tham ô tài sản của nhà nước như pháp luật qui định cần phải tử hình, thì tử hình. Mạnh tay xử lý thì tội tham nhũng mới có thể hết được, tự khắc phải sợ. Còn những qui định chưa hợp lý để cho những kẻ xấu lợi dụng đục khoét thì nhà nước ta cũng cần xem xét sửa đổi...

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết đã vạch ra đúng bản chất vấn đề của lỗi hệ thống : "thực tế chỉ ra là các chế độ độc tài và toàn trị luôn gặp nhiều rắc rối nghiêm trọng hơn". Tổ chức bộ máy và cách thức quản trị quốc gia chỉ dựa trên ý chí của một nhóm người ( ĐCSVN), nền tư pháp phân biệt khi phán xử , với dân thường nặng, với quan chức của đảng thì nhẹ . Quyền lực tập trung kiểu hình chóp lớn , tập hợp nhiều hình chóp nhỏ ( ví như chiếc nón to úp trên nhiều chiếc nón nhỏ ) . Như vậy, mỗi chiếc nón nhỏ đều có quyền lực đầy đủ như chiếc nón lớn chỉ khác là ít hơn . Đây chính là "tử huyệt" của nạn cửa quyền, lộng hành và tham nhũng tràn lan. Bởi mỗi ông quan đứng đầu đều có quyền lực tuyệt đối trong phạm vi cai quản và ông ta muốn làm bất cứ điều gì nếu muốn, kể cả tham nhũng, xa hoa, sa đọa. Đã đến lúc cần thay thể thể chế hiện hành bằng mô hình nhà nước với phương thức quản trị quốc gia tiến bộ, văn minh và hiệu quả , nhân văn hơn.

    Trả lờiXóa