Hình minh họa |
Tin ông Phan Văn Anh Vũ, doanh nhân đang bị công an Việt Nam truy nã, đã bị tạm giữ ở Singapore đang gây chú ý của truyền thông quốc tế và trong nước, sau khi BBC có bài hôm 1/1/2018.
Hãng tin Anh Reuters hôm 2/1 đăng bài viết có tựa đề "Gia đình lo sợ cho doanh nhân Việt Nam đào tẩu bị bắt giữ tại Singapore."
Ông Anh Vũ, 42 tuổi, đã bị giữ tại Singapore hôm thứ Năm 28/12 tại cửa khẩu Tuas khi ông đang tìm cách sang Malaysia, Reuters dẫn lời ông Remy Choo, luật sư được gia đình ông Vũ thuê đại diện cho ông ở Singapore.
Luật sư Remy Choo, người cho tới giờ vẫn chưa liên hệ được với thân chủ của mình, được Reuters dẫn lời: "Gia đình của thân chủ lo ngại có rủi ro nhãn tiền nếu ông Anh Vũ về Việt Nam."
Trang Straits Times bản tiếng Anh của Singapore hôm 1/1 cũng có bài trích lại tin của BBC về vụ một luật sư đang làm việc để đại diện cho ông Phan Văn Anh Vũ.
Trước đó, hôm 31/12/2017, trang web của Đài châu Á Tự do (RFA) bản tiếng Việt có bài blog nói vụ 'Vũ Nhôm' chạy khỏi Việt Nam và cho rằng vụ việc liên quan đến đấu đá chính trị và làm ăn nội bộ ở Việt Nam.
Theo Reuters, mặc dù Singapore không có hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, cơ quan xuất nhập cảnh của nước này có quyền trả người về nước theo những hoàn cảnh đặc biệt, theo Luật Di trú của Singapore.
Một luật sư khác cũng được gia đình thuê cho ông Vũ, ông Foo Chow Ming, cho Reuters biết ông đang xin phép được tiếp cận với ông Vũ, hiện đang bị tạm giam.
"Hàng chục quan chức và doanh nhân Việt Nam đã bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng đang có đà từ sau khi cơ quan an ninh có vai trò lớn hơn trong Đảng Cộng sản cầm quyền năm từ 2016", Reuters viết.
Tờ Taz.de của Đức hôm 1/1/2018 cũng có bài "Nhân viên an ninh bị bắt giữ tại Singapore", trong đó có đoạn:
"Trong lá thư được cho là của Luật sư Singapore có viết rằng ông ta (luật sư) đã đặt đơn xin tị nạn cho ông Vũ ở Đại sứ quán một nước thuộc EU nằm tại Singapore. Thế nhưng: đơn xin tị nạn chỉ có thể được tự đặt trực tiếp tại các nước người xin tị nạn muốn đến, không phải tại các cơ quan đại diện của các nước đó ở nước ngoài".
Điều này đúng với Luật Di trú của Đức, có quy định không thể nộp đơn tỵ nạn vào Đức khi đang ở bên ngoài lãnh thổ Đức:
"Muốn đặt đơn xin tị nạn tại Đức, bạn phải có mặt tại Đức. Đơn tị nạn không thể đặt tại cơ quan đại diện của Đức ở nước ngoài. Bạn phải trực tiếp tới nộp đơn".
Điều đáng chú ý là trang Taz.de kết nối hai vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ Phan Văn Anh Vũ trong bài của họ.
Bộ Công an 'chưa có thông tin'
Trong khi đó, báo Đất Việt, trong bài "Sự thật Vũ nhôm bị giữ ở Singapore" hôm 2/1, dẫn lời Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an: "Bộ Công an chưa nhận được thông tin này".
Hôm 20/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước".
Sau khi phát hiện ông Phan Văn Anh Vũ không có mặt tại nhà riêng ở số 82 Trần Quốc Toản, (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), Bộ Công an đã quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ.
Tin ông Vũ bị bắt ở Singapore cũng gây xôn xao trên mạng xã hội Việt Nam trong mấy ngày qua.
Nhà báo Trương Huy San viết hôm 31/12 trên trang Facebook cá nhân:
"Tôi không nghĩ Vũ Nhôm nắm giữ "bí mật quốc gia"; có chăng, anh ấy chỉ nm "bí mật của những người đã và đang nắm quyền cao chức trọng đối với quốc gia"; "bỏ trốn" chưa hẳn là kịch bản tự nguyện của anh Phan Văn Anh Vũ."
Bình luận về dòng trạng thái này, facebooker có tên Trần như Vân đặt câu hỏi: "tội làm lộ bí mật quốc gia chớ không phải tội tham ô để nước khác không trả về? Để dân không thể biết ai thật sự tham ô? Chế độ do những kẻ tham ô xây dựng nên không bao giờ tốt, hy vọng vào họ chỉ để thất vọng mà thôi!".
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét