Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kết luận Phiên họp. |
Ngày 22/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên toàn thể thứ 13 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, năm 2017 công tác phòng, chống tham nhũng cũng đã được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt đẹp, được nhân dân rất hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Nổi bật như: Đã ban hành một loạt văn bản pháp luật, pháp quy, quy chế, quy định... của Đảng và Nhà nước để cảnh báo, răn đe, ngăn chặn và có căn cứ để phát hiện, xử lý sai phạm.
Thứ hai, chủ động tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm.
Cụ thể, Ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với hơn 3.600 tổ chức đảng và gần 10.400 đảng viên. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với hơn 300 tổ chức đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó có hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 11 cán bộ; Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra và thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 18 cán bộ; trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số cấp uỷ, tổ chức đảng.
“Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Các cơ quan thanh tra, kiểm toán các cấp đã tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng. Đã phát hiện 50 vụ có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị thu hồi 43.321 tỉ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; tiến hành thanh tra toàn diện 4 dự án, rà soát việc thanh tra 7 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn…
Quang cảnh phiên họp
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức 8 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 20 địa phương.
Thứ ba, đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn.
Riêng trong năm 2017, đã kết thúc chỉ đạo xử lý 16 vụ án, 10 vụ việc; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 16 vụ/216 bị can; đã truy tố 12 vụ/172 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ/73 bị cáo (tuyên phạt: 3 bị cáo án tử hình; 3 bị cáo tù chung thân; 62 bị cáo tù dưới 30 năm); xét xử phúc thẩm 6 vụ/80 bị cáo (tuyên phạt: 2 bị cáo tử hình; 4 bị cáo tù chung thân; 3 bị cáo tù 30 năm; 71 bị cáo tù dưới 30 năm); việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án đạt khá cao.
Nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao (vụ Giang Kim Đạt; vụ Hà Văn Thắm giai đoạn I; vụ Châu Thị Thu Nga; vụ Phạm Công Danh giai đoạn II; vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm...). Các phiên toà xét xử ngày càng đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật. Rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn.
Thứ tư, phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan thông tin báo chí. Kịp thời chỉ đạo cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng.
Thứ năm, Ban Chỉ đạo làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, khá đều tay. Không làm thay việc của các cơ quan chức năng. Hiệu quả ngày càng cao. Cứ sau mỗi phiên họp của Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo, tình hình thực tế đều có chuyển biến rõ rệt. Từng thành viên đều rất quyết liệt.
Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế, khuyết điểm như: Việc xây dựng các văn bản hoàn thiện thể chế chưa đáp ứng kịp yêu cầu; việc kết luận thanh tra một số dự án còn chậm; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp (như kê khai tài sản...); tình trạng "dưới lạnh" vẫn còn nhiều, khâu tự kiểm tra còn yếu. Sự phối hợp giữa một số cơ quan có lúc, có việc chưa tốt (để tội phạm trốn...).
Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; Chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc ("tham nhũng vặt"), kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.
Chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Trong năm 2018, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; xử lý 21 vụ việc, kiến nghị thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Diệu Thùy/(InfoNet)
Ông TBT Nguyễn Phú Trọng có chống được tham nhũng không ? . Chắc chắn là không , bởi nếu chống được có nghĩa là tất các lãnh đạo , cán bộ , của bộ máy chính quyền ông Trọng phải vào tù với tội danh hoặc là tội tham nhũng , hoặc là tội đồng loã làm ngơ cho tham nhũng ..........
Trả lờiXóaVụ tham nhũng và sai phạm của Đinh La Thăng , Thanh , Trần Bê thực chất chỉ là chặt đứt đường dây của Ba Dũng . Vậy còn đường dây Nguyễn Sinh Hùng , Trương Tấn Sang , Tòng Thị Phóng , Nguyễn Thị Kim Ngân , Tô Lâm , Phạm Minh Chính ..v..v.. và đường dây của chính ông Trọng , Phúc Niễng thì ai chặt . Lỗ hổng lớn nhất của Cộng Sản Việt Nam là một tập thể " Vua Bộ Chính Trị " không ai phải chịu trách nhiệm trước đất nước và toàn thể nhân dân Việt Nam
Trả lờiXóaHãy đưa ra bằng chứng đi chắc chắn cơ quan điều tra sẽ điều tra.. Và ông Trọng cũng sẽ làm...đến nơi đến chốn. Tham nhũng vừa rồi là loạn quá, không làm sao được? Hãy để cho ông Trọng dẹp loạn đi... Còn rất nhiều...? Ủng hộ tổng bí thư.
Trả lờiXóaÔng Phạm Văn Đồng ngày nhận huân chương sao vàng (khi 84 tuổi) đã nói: “Cái nhà của chúng ta hiện nay đang có nhiều rác rưởi và dơ bẩn làm cho quần chúng nhân dân phẫn nộ một cách chính đáng, trong tình hình như vậy, việc chúng ta phải đặt lên hàng đầu công tác quét cái nhà của chúng ta, quét mọi rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch sẽ. (Nhân dân ngày 2 -3 - 1990).
Trả lờiXóaTôi, muốn viết mấy dòng này hoan nghênh Ban chống tham nhũng, hoan nghênh ông Trưởng ban Nguyễn Phú Trọng, tôi cũng hoan nghênh ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng người trợ thủ đắc lực của ông Trưởng ban. Tôi biết không dễ làm được như các ông vừa làm đâu. Vì thế mấy câu đầu tôi viết lại một đoạn được nêu ra trong buổi giao ban tháng 3 năm 1990 tại Văn phòng HĐBT nói về trăn trở của ông Đồng. Điều đó cho thấy từ lâu đã phát hiện ra cái nhà bẩn quá rồi, bốc mùi rồi. Phát hiện từ lâu, năm 1990 ông Đồng phải lên tiếng. Ông trách người, mà cũng là trách ông. Bao nhiêu ông tiền nhiệm cũng như kế nhiêm chỉ chống tham nhũng bằng đầu lưỡi, vô tích sự. Chính những người tiền nhiệm để lại cho ông Trọng, ông Vượng một cái nhà dơ bẩn như thế. Nhân ngày 22- 11-2017 tôi đã gặp ông Vượng để trực tiếp chia sẻ, nhắn đến các ông về sự đồng tình chống tham nhũng, mà cụ thể là hoan nghênh những việc các ông đang làm và sẽ làm.
Tôi cho rằng trước hết phải làm cho cái nhà nó sạch sẽ đã. Thời gian vật chất với các ông không còn nhiều, các ông làm được việc dọn cái nhà cho sạch là đã ghi vào lịch sử và nhân dân ghi công các ông, rồi làm gì cho cái nhà Việt Nam nó đoàng hoàng to đẹp hơn sẽ tính tiếp. Tôi cho rằng việc làm thiết thực của các ông có thể đặt nền móng cho một giai đoan phát triển đất nước.
Ủng hộ Cụ tổng chống tham nhũng , mong Cụ làm mạnh và rộng khắp xuống đến tận cả thôn xóm , khu phường , những nơi ngóc ngách mà cũng có tham nhũng! E là Cụ phải làm kỹ không thì chính Cụ cũng gặp nguy hiểm ngay cả khi nghỉ hưu. Chỉ lo vẫn thể chế này cụ lại thành dã tràng mất thôi!
Trả lờiXóa