Trang BVB1

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Nói lời sau cùng tại toà, ông Đinh La Thăng xin lỗi nhân dân, nhắc còn nhiều món nợ

Sáng 17/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm liên quan đến sai phạm của dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 bước vào ngày làm việc thứ 10. Sáng nay, 22 bị cáo trong vụ án được nói lời sau cùng, trước khi HĐXX nghị án.
Gần 9h, được mời lên đầu tiên để nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng gửi lời cảm ơn HĐXX đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ, công khai, khách quan, theo đúng tinh thần cải cách tư pháp và luật mới. Cảm ơn các luật sư đã tham gia phiên tòa với trách nhiệm cao.
Bị cáo Đinh La Thăng kể lại quá trình công tác và gửi lời xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân.
"Cách đây đúng 35 năm khi tốt nghiệp trường đại học, bị cáo cùng bạn gái bây giờ là vợ lên công trường xây dựng sông Đà, mang theo tuổi trẻ với khát vọng chinh phục sông Đà.
Với tất cả mục tiêu, sau 30 năm công tác, trong đó 33 năm đứng trong đội ngũ Đảng cộng sản VN, bị cáo luôn luôn cố gắng hoàn thiện mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Hôm nay bị cáo không bao giờ nghĩ mình phải đứng trước phiên tòa, đây thực sự là sự đau xót của bị cáo và gia đình.
Bị cáo bị cáo luôn quyết liệt, dám nghĩ dám làm và chịu trách nhiệm. Bị cáo luôn làm việc không có ngày nghỉ lễ, nghỉ tết. Câu hỏi là Tết này anh đi công trường nào?
Kể cả khi vợ bị cáo sinh 2 con gái, mà bị cáo cũng không ở nhà. Nhưng vợ của cấp dưới đẻ thì bị cáo đi thăm.
Vào năm 2010, vợ anh Giang ở nhà máy lọc dầu Dung Quất xin nghỉ để vợ sinh, bị cáo nói cố làm rồi thăm vợ sau. Sau đó, bị cáo vào TP.HCM thăm vợ anh Giang.
Thưa HĐXX, nhờ Đảng giáo dục rèn luyện, bị cáo luôn nỗ lực cố gắng để hoàn thành trách nhiệm của mình. Tuy nhiên ở PVN, do bị cáo quyết liệt nên xảy ra sai phạm.
Ở ngành giao thông, 5 năm giữ cương vị người đứng đầu, bị cáo còn nợ đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành và đường sắt cao tốc để sáng uống cà phê Hà Nội, tối cà phê TP.HCM
Ở TP.HCM, bị cáo còn nợ người dân lời hứa đưa TP trở lại vị trí hòn ngọc Viễn Đông. Bị cáo nợ thành phố 1 khát vọng bình an, không cướp giật. Nợ khát vọng đưa Củ Chi thành trung tâm hành chính mới.
Nợ các cháu học sinh một chương trình không bị quá tải
Nợ một cháu bé, đã hứa đến thăm cháu và gia đình, mà không đến thăm được.
Bị cáo còn nhiều món nợ chưa thực hiện được.
Hôm nay đứng trước tòa nói lời sau cùng và đối diện với án phạt, bị cáo cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, các thế hệ lao động dầu khí, xin lỗi ngành giao thông, xin lỗi nhân dân TP.HCM", bị cáo Thăng nói. 
Nói lời sau cùng tại toà, ông Đinh La Thăng xin lỗi nhân dân, nhắc còn nhiều món nợ
Trước đó, chiều 16/1, trình bày với Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng bản thân ông cũng như các bị cáo khác không gây nguy hiểm cho xã hội, không cần thiết phải bị tạm giam.
Ông Đinh La Thăng kiến nghị hội đồng xét xử và Viện kiểm sát thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông. Bị cáo Đinh La Thăng xin được tại ngoại.
Trưa 16/1, bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục tự bào chữa lần thứ 2 sau khi các luật sư của ông tranh luận với VKS.
Tôn trọng bản luận tội của VKS, ông Thăng đề nghị nội dung nào không liên quan đến vụ án, không nằm trong quá trình điều tra thì không đưa vào bản luận tội, trong đó có việc quy kết lợi ích nhóm.
Cựu Chủ tịch PVN giải thích việc doanh nghiệp có người đi, người đến là bình thường. Chủ trương bổ nhiệm cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ nên không thể cáo buộc ký bổ nhiệm là lợi ích nhóm.
Về cáo buộc đổ tội cho cấp dưới, cựu Chủ tịch PVN cho rằng luôn nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu và nhận hoàn toàn trách nhiệm cho cán bộ dưới quyền không có động cơ vụ lợi, vì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ mà vi phạm.
"Trong quá trình làm việc với luật sư bị cáo lần nào cũng nói đề nghị các anh bào chữa gì thì bào chữa nhưng không được đổ lỗi cho người khác, các bị cáo khác. Nếu nói những gì ảnh hưởng bị cáo khác mà đỡ tội cho bị cáo thì bị cáo không nói”, ông Đinh La Thăng nói.
Bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận việc VKS nêu ông thừa nhận thời điểm triển khai nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chỉ có Lilama mới đủ điều kiện làm tổng thầu.
Ông Thăng khẳng định thời điểm đó không đơn vị trong nước nào đủ điều kiện. Lilama được chỉ định làm tổng dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 khi cũng chưa đủ kinh nghiệm. Chủ trương chỉ định thầu được đưa ra khi ông Thăng chưa về PVN.
Về thẩm quyền chỉ định thầu, PVPower được HĐTV ủy quyền thì đơn vị này có trách nhiệm lập hồ sơ, xét duyệt, đàm phán. Khi ông Thăng chuyển công tác năm 2011, HĐTV, lãnh đạo tập đoàn vẫn chỉ định PVC đủ năng lực triển khai dự án.
Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định chủ trương chỉ định thầu không phải do bị cáo gây ra, cũng “không phải do cao hứng hay nhất thời, mà là chủ trương của Chính phủ”.
Đối với HĐ số 33, bị cáo cho rằng thẩm quyền ký là PVPower, HĐTV của PVN chỉ chỉ đạo bằng nghị quyết, không chỉ đạo miệng.
Trong quá trình xuyên suốt, Chủ tịch HĐTV chỉ đạo nhưng không thể vượt quá quyền hạn, nếu vượt là vi phạm pháp luật.
“Trong tất cả các cuộc họp, bị cáo không nhận được báo cáo nào của các đơn vị và cá nhân nói rằng HĐ 33 không có hiệu lực", bị cáo Thăng nói.
“PV Power báo cáo là HĐ 33 vô hiệu lực nhưng ngay sau khi ký HĐ đã làm đề nghị chuyển tiền tạm ứng. Đây là đồng tiền của dân, PVN phải có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả. Chính vì vậy bị cáo yêu cầu phải triển khai đúng quy định.
Cả 3 lần bị cáo nhận được văn bản đề nghị chuyển tiền bị cáo đều không đồng ý. Lần thứ 4 bị cáo có chỉ đạo phải tạm ứng theo quy định của pháp luật và PVC không được sử dụng tiền tạm ứng vào việc khác ngoài việc thi công dự án.
Nhưng VKS đã không nói đến, bị cáo cảm giác những gì buộc tội bị cáo thì VKS đưa vào. Chính vì trân trọng đồng tiền của dân nên bị cáo đã có chỉ đạo”, ông Đinh La Thăng nói tiếp.
Tiếp theo, ông Thăng tỏ ý đồng tình với quan điểm cần xem xét trách nhiệm của PV Power:
“Bị cáo đồng tình với cách xử lý đối với PV Power vì nếu PV Power mà không bị xử lý thì cần xem xét lại. Người trực tiếp giết người không bị xử lý, người sản xuất dao, mua dao, bán dao bị xử lý. Vậy có công bằng không?”, bị cáo Thăng lập luận.
Nói lời sau cùng tại toà, ông Đinh La Thăng xin lỗi nhân dân, nhắc còn nhiều món nợ
Trước đó, trong phần tự bào chữa chiều 13/1, ông Đinh La Thăng đã nhận trách nhiệm cao nhất và dù mức án nào cũng chấp nhận.
Nhận toàn bộ trách nhiệm cho cấp dưới
Sau khi các luật sư trình bày quan điểm về bản luận tội của đại diện VKS, bị cáo Đinh La Thăng lên bục khai báo để trình bày một số ý kiến cá nhân.
Cựu Chủ tịch PVN cho rằng phiên tòa này xét xử theo tinh thần đổi mới của Hiến pháp, cải cách tư pháp và bị cáo đã lắng nghe bản luận tội của VKS và hoàn toàn tôn trọng quan điểm đó.
© Được VTC cung cấp Ông Đinh La Thăng nhiều lần nghẹn ngào khi tự bào chữa tại phiên tòa chiều 13/1.
Ông Thăng cho rằng trong suốt quá trình tố tụng cũng như tại tòa, ông đã khai báo thành khẩn và nhận trách nhiệm là người đứng đầu ở PVN nhưng chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình.
Bị cáo Đinh La Thăng cũng nhận trách nhiệm cho những người cấp dưới làm việc theo sự chỉ đạo.
"Bị cáo không đổ lỗi cho cấp dưới. Bị cáo xin nhận trách nhiệm theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Bị cáo xin nhận trách nhiệm cho bị cáo khác, từ anh Thực trở xuống, các bị cáo không có động cơ cá nhân, vụ lợi, vì trách nhiệm của mình, vì sự chỉ đạo của bị cáo mà quyết liệt, nôn nóng.
Bị cáo xin nhận trách nhiệm toàn bộ, nếu được HĐXX và pháp luật cho phép, bị cáo xin nhận trách nhiệm cho các bị cáo này", ông Thăng nói.
Xin nhận trách nhiệm cao nhất
Bị cáo Thăng nói vô cùng đau xót vì một loạt cán bộ cả đời cống hiến cho PVN, quyết liệt, tận tâm mà nay đứng trước vành móng ngựa.
"Một người quyết liệt như bị cáo thì không thể có những người không quyết liệt, tận tâm trong bộ máy", ông Thăng nói.
Bị cáo Thăng cho rằng VKS cáo buộc oan cho cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực, cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh.
"Bị cáo xin sự khoan hồng của Đảng, nhà nước giảm mức thấp nhất trách nhiệm của anh Thực, Khánh vì sự quyết liệt của bị cáo mà vướng vòng lao lý.
Bị cáo thấy không nhất thiết phải cách ly họ khỏi đời sống xã hội, bởi nếu không người dân nhìn thấy PVN xấu xa quá. Bị cáo nhận trách nhiệm cao nhất là đúng", ông Thăng trình bày.
Trình bày chậm rãi trước toà, ông Thăng nói bị mang tiếng ‘trảm tướng, cách chức’ nhưng khi làm lãnh đạo PVN chưa cách chức ai bao giờ, vì dù quyết liệt vẫn phải nhân văn. Bởi cách chức một người sẽ liên quan tới cuộc sống gia đình, người thân của họ.
Hành lang pháp lý chưa đầy đủ
Đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thăng cho rằng cần được đặt trong tổng thể hoạt động của PVN, trong chiến lược tổng thể phát triển PVN từ 2006-2015 tầm nhìn 2025 về thành lập Tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, chỉ đạo phát huy nội lực, trong bối cảnh khủng hoàng kinh tế, lạm phát tăng cao...
Bị cáo Thăng nhận trách nhiệm Chủ tịch HĐTV từ 2006 và chuyển công tác 2011. Khi nhận nhiệm vụ, PVN lúc đó mất đoàn kết nghiêm trọng, các dự án đều chậm tiến độ.
"Trong bối cảnh nhiều tập đoàn kinh tế đang thí điểm mô hình, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thì danh giới giữa sự năng động, quyết liệt, dám nghĩ dám làm của toàn tập đoàn PVN với vi phạm, khuyết điểm là hết sức mong manh.
Rủi ro pháp lý là cực kỳ lớn. Nhiều tình tiết phát sinh nhưng chưa có văn bản pháp luật quy định, đã có nhiều văn bản riêng biệt", bị cáo Thăng nói.
Tuy nhiên, bị cáo Thăng khẳng định bản thân đã cùng các thành viên cố gắng phát triển PVN trở thành Tập đoàn kinh tế hùng mạnh.
Bị cáo Thăng dẫn chứng, các hoạt động dịch vụ tăng trưởng 30% với nhiều thành tích chưa từng có trong lịch sử như đóng giàn khoan -  đây vốn là kỹ thuật khó mà rất ít nước tự đóng được.
PVN khẳng định chủ trương về phát huy nội lực, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tăng cường kích cầu là đúng đắn trong bối cảnh kinh tế thị trường và khủng hoàng kinh tế.
Nghe bản luận tội, bị cáo rất buồn
Bị cáo Thăng chia sẻ rất băn khoăn, rất buồn và không thể ngủ nổi sau khi nghe bản luận tội quá nặng nề với bản thân của VKS.
Ông Thăng cho rằng, trong quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, nhiều vấn đề không được nhắc tới và đề nghị VKS xem xét lại cho thấu tình đạt lý. Việc chỉ định thầu đã có chủ trương từ 2006, áp dụng cho các doanh nghiệp tập đoàn không riêng PVN.
“Trong bối cảnh lạm phát 2011, các đơn vị con của Tập đoàn đều rất khó khăn. Lúc này, PVC là đơn vị mạnh nhất của Tập đoàn trong lĩnh vực xây dựng. PVC hơn nữa là công ty đại chúng và vẫn đảm bảo cân đối tài chính đến 30/6/2011. Cho dù PVC không thể bằng nước ngoài nhưng nếu để nước ngoài làm mãi thì doanh nghiệp Việt Nam không thể có kinh nghiệm được", bị cáo Thăng nói.
Nghẹn ngào khi nói về gia đình
Phần cuối bài bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng nêu rõ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ luôn luôn trung thành với Tổ quốc, nhân dân, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương.
Bị cáo Thăng cũng bày tỏ tin tưởng vào đường lối xử lý công tâm, khách quan, bình đẳng, toàn diện, dựa trên các căn cứ pháp luật, thực tiễn vụ án, đảm bảo sự công bằng cho bị cáo cũng như các bị cáo khác.
Sau vụ án này, bị cáo Thăng tiếp tục là bị cáo trong vụ án “góp vốn 800 tỷ đồng”.
Theo bị cáo, việc tách hai vụ án trong cùng một thời điểm, trong đó bị cáo là người đứng đầu, chủ trì và sai phạm cùng bị truy tố về khoản 3 điều 165 Bộ Luật HS ra xử lý rất bất lợi với bị cáo, mong HĐXX xem xét mức án phù hợp, nhân văn.
Bị cáo Thăng cũng dẫn chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc xử lý tạo cơ hội cho các cán bộ có cơ hội để sửa chữa, tiến bộ, khắc phục nhưng bản thân bị cáo chắc không còn cơ hội để sửa chữa, khắc phục.
"Bản thân gia đình bị cáo, bố bị cáo nay tuổi đã cao, mắc bệnh hiểm nghèo. Với hai vụ án, bị cáo khó có cơ hội gặp mặt bố trước khi ông mất. Bị cáo có 2 con gái, cháu thứ 2 năm nay 22 tuổi nhưng hoàn cảnh không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố” – bị cáo Thăng nghẹn ngào.
Bị cáo Thăng cũng chia sẻ, bản thân mang rất nhiều bệnh. Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn, "nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù".
"Xin cảm ơn các thẩm phán và HĐXX. Bị cáo tin rằng HĐXX sẽ có hướng xử lý phiên tòa công tâm khách quan theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Xin một lần nữa, các cơ quan truyền thông đưa tin trung thực khách quan và nhân văn về vụ án này. Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân và các thế hệ người lao động dầu khí vì sai phạm của mình", bị cáo Thăng nói.
(MSN/VTC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét