Trang BVB1

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Tư duy của K.Mark không phải cái gì cũng đúng và phù hợp

Tư duy chưa đúng về kinh tế thị trường đã chịu ảnh hưởng của tư duy không đúng về vấn đề CNTB và CNXH.
Hôm nay, 5/5 Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng là thảo luận về kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân. Với mong muốn góp một tiếng nói, ông Vũ Ngọc Hoàng gửi tới Tuần Việt Nam bài viết này như một cách trao đổi ý kiến. Mời bạn đọc tham khảo.
Từ sau đại hội XII đến nay, các cơ quan trung ương và các đồng chí lãnh đạo đã quan tâm đáng kể đối với vấn đề doanh nghiệp, khởi nghiệp, kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân. Tôi nghĩ thế là rất đúng. Nếu như trước đây, trong thời chiến tranh giữ nước, việc xây dựng các đơn vị bộ đội “Cụ Hồ” để làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân đã có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi, thì ngày nay, trong hòa bình phát triển kinh tế, việc xây dựng các doanh nghiệp Việt Nam để làm nòng cốt trong kinh tế thị trường cũng có ý nghĩa quan trọng tương tự.
Trong lịch sử nhân loại, khi con người bắt đầu xuất hiện, hoạt động kinh tế lúc bấy giờ là hái lượm. Nói cách khác, là kinh tế hái lượm. Sau đó, do tác động của thực tiễn, nhận thức của con người tiến bộ dần, công cụ lao động được cải tiến, sản xuất (kinh tế) tự cấp tự túc bắt đầu. Khi sản xuất có dư thừa và nhu cầu của cuộc sống đa dạng hơn, con người đã thực hiện trao đổi các sản phẩm làm ra, thì kinh tế hàng hóa xuất hiện.
Khi kinh tế hàng hóa phát triển đến một mức độ nhất định, trong xã hội hình thành các phạm trù giá trị và giá cả, quan hệ cung cầu và cạnh tranh, không phải cá biệt, đơn lẻ mà thành các xu hướng, thì đó là lúc kinh tế thị trường bắt đầu, cùng với các quy luật khách quan, vô hình, nhưng mạnh mẽ, tác động chi phối nền kinh tế, thay thế cho những ý muốn chủ quan của các chủ thể có quyền lực trước đó.
Có nhiều loại kinh tế thị trường. Như kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng XHCN… và các tên gọi kiểu khác nữa. Việc thảo luận, tranh luận về các tên gọi khác nhau này dài dòng và phức tạp, kể cả về học thuật và chính trị, với những nhận thức đúng và chưa đúng, với những ý kiến khoa học và sự dung hòa thỏa hiệp.
Ở Mỹ, suốt một thời kỳ dài, người ta luôn nhấn mạnh kinh tế thị trường tự do, mọi việc của nền kinh tế do thị trường quyết định, nhà nước không can thiệp. Cho đến một lần, khi nước Mỹ bị khủng hoảng tài chính, chính phủ Mỹ bị buộc phải chi ra nhiều ngàn tỷ USA để can thiệp vào thị trường. Từ đó, người ta không nhấn mạnh kinh tế thị trường tự do như trước nữa.
Tại một số nước Châu Âu, nhất là nước Đức, vào những năm 50 của thế kỷ trước, đã có những cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học về kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng vẫn không có thắng thua, nhưng từ những cuộc tranh luận ấy đã làm nảy sinh và xuất hiện một cụm từ- khái niệm mới về “kinh tế thị trường xã hội” mà trong đó, nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước vì các mục tiêu xã hội. Tôi nghĩ đây là một khái niệm, một loại hình đang và sẽ thịnh hành nhất trong tương lai.
Tại Trung Quốc, với tư tưởng xây dựng một xã hội XHCN đặc sắc Trung Quốc, người ta đã nghĩ ra kinh tế thị trường XHCN, trong khi họ chưa có CNXH. Việt Nam thì mềm hơn, phù hợp hơn so với Trung Quốc, đã chọn cụm từ “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Vậy là thế giới đã có nhiều tên gọi khác nhau về các loại kinh tế thị trường. Tuy nhiên, rộng rãi nhất, phổ biến ở các văn bản quốc tế, đó là cụm từ-tên gọi “kinh tế thị trường”. Chỉ gọn vậy thôi. Thế giới đã thống nhất cao đối với cụm từ đó.
Việt Nam, mặc dù viết trong các nghị quyết và văn bản là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nhưng cũng vẫn phải kêu gọi thế giới công nhận ta là nước có nền “kinh tế thị trường”. Ta không thể yêu cầu họ công nhận ta là “kinh tế thị trường định hướng XHCN” vì thế giới chưa hiểu về khái niệm này, mà có công nhận cũng chẳng để giải quyết vấn đề gì giữa ta với họ. Đó là một thực tế.
Từ ngữ cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nội hàm của khái niệm. Cần hiểu đúng để không làm sai. Suốt một thời gian dài, trên thế giới, không ít người, nhất là ở các nước theo định hướng XHCN, cho rằng kinh tế thị trường là đặc điểm của CNTB, còn CNXH thì phải là kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Ngày ấy, ai nói khác, ai chủ trương phải chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường thì bị Liên Xô và phe XHCN phê phán và quy chụp là xét lại. Thậm chí còn nâng lên là chủ nghĩa xét lại. Năm 1968, khi ban lãnh đạo Tiệp Khắc chủ trương cải tổ bằng cách chuyển qua kinh tế thị trường và thực hiện dân chủ hóa thì Liên Xô lập tức đổ quân vào Tiệp Khắc và tuyên bố ban lãnh đạo ấy là xét lại, phế truất họ và lập ban lãnh đạo mới để kiên định cách làm như cũ.
Những năm sau đó, nhất là sau khi Liên Xô bị đổ, mọi người đã nhận thức lại, với tư duy thoáng mở và đúng đắn hơn, cho rằng kinh tế thị trường không phải riêng của CNTB, mà các nước XHCN cũng cần phải thực hiện kinh tế thị trường thay cho kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đó là giai đoạn cải cách, đổi mới ở các nước theo định hướng XHCN. Tư duy đó là đúng, nhưng lại chưa đi đến cùng, vẫn còn cho rằng kinh tế thị trường ở các nước XHCN phải khác về chất so với kinh tế thị trường ở các nước TBCN.
Với tư duy chưa đúng này đã dẫn đến những lúng túng trong xử lý công việc cụ thể, kể cả cách gọi tên. Tất nhiên việc lúng túng trong cách gọi tên cũng có thể một phần do sự dung hòa, thỏa hiệp khi có ý kiến khác nhau trong nội bộ. Đã mất một thời gian khá dài để tìm kiếm các điểm khác nhau đó.
Tư duy chưa đúng về kinh tế thị trường đã chịu ảnh hưởng của tư duy không đúng về vấn đề CNTB và CNXH.
Lúc đầu là tư duy của một bộ phận quan trọng trong giới chính trị, kể cả bên phe này và bên phe kia, từ đó lan rộng ra trong hai hệ thống chính trị của thế giới và tác động sang lĩnh vực khoa học xã hội và truyền thông.
Với tư duy sai lầm đó, người ta đã chia thế giới ra thành hai phần chủ yếu, hai phe, TBCN và XHCN, đi về hai hướng khác nhau, với tư tưởng và ý thức hệ riêng của mỗi bên, đối địch với nhau, chạy đua vũ trang đến mức chưa từng có, tạo ra kể cả các loại vũ khí giết người hàng loạt, đủ để có thể tiêu diệt nhiều lần trái đất, có lúc đã đối đầu xe tăng, đại bác và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào nhau, đã gây nên một số cuộc chiến tranh làm chết nhiều chục triệu người. Để rồi bây giờ, sau gần một thế kỷ đối đầu như vậy, đã phải bắt tay nhau để cùng giải quyết nhiều việc của song phương, của khu vực và của toàn cầu, kể cả coi nhau là đối tác chiến lược, toàn diện. Từ cựu thù thành bạn giữa con người với con người là việc đáng mừng, đáng ủng hộ. Nhưng bản thân sự ấy cũng đã chứng minh sai lầm trước đó, chứng minh sự “lẩm cẩm” từng có ở tầm nhân loại.
Xét riêng ở một bên (một phe), thì có thể biện minh cho họ là không sai, vì chính bên kia đã đẩy họ đến đó. Nhưng xét cả hai bên cùng lúc, thì sẽ thấy sai lầm của họ- của cả hai bên. Sai lầm này, xét đến cùng, là do cả hai bên đều không chấp nhận sự đa dạng của tư tưởng, văn hóa và mô hình phát triển, trong khi họ đang và phải sống trong một thế giới ngày càng đa dạng và hội nhập. Sai lầm ấy là do tư duy không khoa học và thiếu biện chứng.
Cũng với tư duy sai lầm nói trên, người ta cho rằng nhân loại có hai con đường riêng. Một con đường của chủ nghĩa tư bản lâu dài. Và một con đường khác, gần như khác hẳn, dẫn đến CNXH. Hai con đường này đi về hai hướng khác nhau, mãi mãi, không dung hòa, không chấp nhận, không gặp lại nhau. Đó là cách tư duy siêu hình, không phải biện chứng, khác với tư duy của K.Mark. K.Mark không tư duy như vậy.
Theo K.Mark, CNTB sẽ phát triển lên, phát triển tiếp, và dần dần hình thành trong lòng nó, trong chính nó, những nhân tố mới, khác nó, không phải là nó, như một quy luật tất yếu. Đến khi nhiều nhân tố mới hợp lại, tích tụ lại, đến mức đủ nhiều, dẫn đến sự thay đổi về chất, khi ấy, CNTB không còn là nó như trước nữa, mà trở thành một xã hội khác nó, tiến bộ hơn nó. Đó là CNXH. Tư duy đó của K.Mark là biện chứng, có cơ sở khoa học. Mặc dù không phải cái gì ông nghĩ ra cũng đều đúng, và điều đó cũng là dễ hiểu. Mọi người, kể cả các nhà khoa học lớn, kể cả các vĩ nhân cũng vậy, vẫn có nhiều điều, ngay từ đầu hoặc khi thời gian đi qua, không đúng hoặc không còn phù hợp nữa.
Trong tư duy của K.Mark, một phần đáng kể thuộc về khoa học, một phần khác thuộc về tư biện, và trong đó, có những hạn chế của yếu tố lịch sử.
Nghiên cứu thực tiễn của thế giới cho thấy, CNTB hiện đại ngày nay đã khác rất xa so với CNTB thời K.Mark sống và viết tư bản luận. Nó đã không còn như trước nữa, đã có một bước tiến rất dài về mục tiêu xã hội và phương thức xã hội hóa. Tức là đã gần hơn một cách đáng kể với CNXH. Họ đã tiến gần hơn đến CNXH không chỉ so với chính họ trước đây, mà kể cả so với các nước đã từng hoặc đang định hướng XHCN trên thế giới. Cũng tức là thực tiễn lịch sử đã và đang chứng minh tư duy của K.Mark về CNTB và CNXH là có cơ sở. Đó là ta nói về CNXH chân chính, lành mạnh, hợp quy luật, chứ không phải cái CNXH hình thức, nhân danh, giả mạo hoặc do tư duy và cách hiểu sai lầm, duy ý chí khá phổ biến lâu nay trong thực tế. Những tư duy sai lầm đó mãi đến nay, dù đã có những đổi mới nhất định, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi tư duy cũ. Việc này xin sẽ tiếp tục bàn sâu hơn trong một chuyên đề khác.
Trở lại vấn đề kinh tế thị trường. Trong CNXH, kinh tế thị trường sẽ có gì giống hoặc khác so với kinh tế thị trường trong CNTB? Nói trong CNTB là nói cái thực tế đã có. Nói trong CNXH là nói về cái dự báo, chứ chưa có. Dự báo thì dù có cơ sở khách quan vẫn thường chứa đựng cùng lúc cả khoa học và tư biện, chưa được kiểm nghiệm trong thực tế.
Kinh tế thị trường thì dù trong CNTB hay trong CNXH vẫn phải là kinh tế thị trường, chứ không thể là cái khác, không để biến tướng thành dị dạng tật nguyền. Bản chất là giống nhau. Cơ bản không khác nhau. Điểm khác nhau chủ yếu là ở trình độ phát triển. Trong đó, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế-xã hội, phạm vi của thị trường và tính chất xã hội hóa là những nội dung hàng đầu.
Cũng xin nói thêm rằng, các mặt ấy, tức là về trình độ phát triển, thì hiện nay kinh tế thị trường ở nước ta và Trung Quốc còn thua xa nhiều nước mà ta gọi họ là TBCN. Đáng lưu ý hơn nữa là trong vòng 40 năm qua, nước ta dù có phát triển khá nhiều so với chính mình, nhưng lại vẫn bị tụt hậu xa hơn so với họ. Ta muốn thành CNXH thì phải hơn họ. Mà muốn hơn họ thì trước tiên là phải phấn đấu cho bằng họ. Và muốn bằng họ, trong khi ta đang ở phía sau, thì chỉ có một con đường là phải phát triển với tốc độ, nhịp độ và hiệu quả cao hơn họ. Việc đó không hề đơn giản, có người còn cho là ảo tưởng. Tôi nghĩ vẫn có cách nếu đủ thông minh. Phải có cán bộ giỏi, thật sự có năng lực, hết lòng tâm huyết với việc chung, không tham nhũng và “lợi ích nhóm”, cộng với việc biết tập họp, phát huy trí thức và sử dụng tối đa kinh nghiệm và chất xám của nhân loại.
XHCN trước nhất phải là kết quả của hoạt động trí tuệ sáng tạo, chứ nhất định không thể là bảo thủ giáo điều. Đương thời khi còn sống, K.Mark đã từng không phải một lần có nói rằng, ông làm khoa học, muốn dự báo khoa học, chứ ông không định làm “chủ nghĩa”. Ông nói ông không phải là người Mác-xít. Sau này, khi K.Mark đã qua đời, một số đồng chí của ông cho rằng, để chiếu cố phong trào công nhân, cần có một ngọn cờ lý luận, thì không ai xứng đáng bằng K.Mark, vậy là từ đó, người ta gọi các quan điểm của ông là “Chủ nghĩa Mác”.
Đại hội XII của Đảng CSVN đã khẳng định sự cần thiết của một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đó là quan điểm đúng đắn nhằm bảo đảm cho kinh tế thị trường không bị biến dạng bởi sự chủ quan duy ý chí. Tiếp đến, nếu phân loại sâu hơn thì, kinh tế thị trường trong CNXH sẽ là một nền kinh tế thị trường xã hội. Trong đó, có vai trò đáng kể của nhà nước đối với việc điều tiết nền kinh tế vì mục tiêu xã hội. Nhà nước điều tiết một cách khoa học chứ không phải can thiệp thô bạo vào thị trường, càng không làm thay hoặc chống lại thị trường. 
Chính sách của nhà nước phải phù hợp với kinh tế thị trường, dựa vào các quy luật của thị trường để điều tiết chính nó. Nhà nước không kinh doanh, không để các cơ quan hành chính đi kinh doanh, các cơ quan chuyên chính càng phải thế. Việc chính của nhà nước là tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong xã hội được kinh doanh thuận lợi, bình đẳng thật sư, không bị thị trường ngầm, không có buôn gian bán lậu, càng không để cho cán bộ của nhà nước tham gia hoạt động trong và cho các “nhóm lợi ích”.
Trong nền kinh tế thị trường đó, năng suất lao động, trình độ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả kinh tế-xã hội, phạm vi của thị trường và tính chất xã hội hóa phải cao hơn các nước phát triển hiện nay.
Quản trị quốc gia là cần thiết. Nước nào cũng vậy. Nhưng không thể tư duy rằng, có sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước là đương nhiên thành một đặc trưng của kinh tế thị trường trong CNXH. Cách suy nghĩ này có phần chủ quan, không biện chứng. Giống như cách lý luận rằng, cái do ta làm ra là cái tốt nhất. Chắc gì! Nếu lãnh đạo và quản lý đúng, phù hợp quy luật khách quan, thì mới có nền kinh tế thị trường trong CNXH. Còn nếu lãnh đạo và quản lý không đúng, bị sai lầm, thì sẽ không có nền kinh tế như ta mong muốn.
Sự lãnh đạo và quản lý chưa thể là một đặc điểm của nền kinh tế. Đặc điểm của nền kinh tế sẽ hình thành trong thực tế một cách khách quan, nó không phải là sự lãnh đạo và quản lý của ai, mà là kết quả của sự lãnh đạo và quản lý ấy thế nào.
Đón đọc tiếp kỳ 2: Ông Vũ Ngọc Hoàng bàn về lòng tin đối với nhà nước
Vũ Ngọc Hoàng /(Tuần Việt Nam)
-------------

9 nhận xét:

  1. Đến nay là thế kỷ 21 rồi, chỉ có những thằng điên mới áp dụng những thứ giả thuyết về xã hội của cái thời đại cách đây 250 năm ra áp dụng, trong khi thế giới biến đổi không ngừng, khi mỗi tháng ra một phiên bản iphon, loài người đã dùng bộ não của máy tính để làm các việc mà loài người đã đúc kêt lại chân lý và quy luật của hàng triệu năm phát triển.
    Mác có nhiều nhận xét đúng, nhưng riêng về con đường để xây dựng một xã hội văn minh thì Mác sai hoàn toàn khi có quan điểm sử dụng bạo lực để thay đổi xã hội để giành quyền cho giai cấp công nhân? mà còn sai nghiêm trọng khi quan niệm đảng cs là lực lượng xã hội tiến bộ nhất của mọi thời đại? và tự cho mình sứ mệnh giải phóng loài người, cũng như việc áp dụng "chuyên chính" mà thực chất của chuyên chính là dùng bạo lực để duy trì quyền lực lãnh đạo của đảng cs.
    Từ những quan điểm ấy của Mác, khi tìm hiểu về bản chất của đảng csVN người ta đã thấy:
    C.Mác từng nói: "Mục đích mà đòi hỏi đạt tới nó bằng phương tiện bất công, thì mục đích đó không bao giờ là mục đích chính đảng"
    Muốn hiểu được bản chất của một tổ chức chính trị, thì hãy xem họ ra đời nhằm mục đích gì, nhưng quan trọng hơn là họ đã giành quyền lãnh đạo (lên nắm quyền) bằng cách nào?
    Một đảng chính trị chỉ có thể là đảng cách mạng nếu họ lên cầm quyền thông qua việc bầu chọn qua lá phiếu của người dân bằng con đường cạnh tranh thi tài tranh cử với các đảng phái chính trị khác. Chứ không thể dùng bạo lực bắn giết để lật đổ chế độ cũ và lên nắm quyền "muôn năm", dù bằng cách mê hoặc lôi kéo người dân dưới khẩu hiệu "chống xâm lược";"giải phóng dân tộc"... - thì cũng là những ngụy từ để che đậy ý đồ lấy "súng" để "đẻ ra chính quyền" là cách làm của lũ lưu manh cướp giật như Mao Trạch Đông đã chỉ đạo những người cs- vì biết rằng, với những người cs, nếu không dùng phương pháp bất công đó, thì không bao giờ các đảng cs có thể giành được quyền cai trị xã hội.
    Do đó, sự cầm quyền của đảng csVn là việc làm bất chính, bất công. mà đã bất chính bất công thì chỉ có thể vì mục đích xấu xa lưu manh lừa đảo để thực hiện mục đích đặc quyền đặc lợi riêng cho những người cầm quyền trong đảng"bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình" mà thôi.
    Điều này lý giải, tại sao họ giữ điều 4 hiến pháp, tại sao tham nhũng ngày một trầm trọng và không sao đẩy lùi được, tại sao bất công xã hội ngày một nặng nề nghiêm trọng; và đảng csVN càng ngày càng phải lún sâu vào con đường làm tay sai cho csTQ và bán nước?

    Trả lờiXóa
  2. Tôi nghĩ gọi là "KT thị trường" định hướng hay không , không quan trọng bằng thực hiện thế nào! Thực hiện mà luôn mồm "lấy DNNN làm chủ đạo, làm quả đấm thép" thì ấu trĩ tả khuynh quá rồi. Từ đó mới có các loại VINA chứ ! Thế mà , khi bị các loại VINA làm cho nền KT nợ đầm đìa , lỗ chỏng gọng , dân tình điêu đứng ...thì các ông ấy vẫn cứ cố sống cố chết giữ bằng được "các quả đấm thép" . Vậy như thế thì gọi là gì, thưa ông Hoàng? Khi các ông lãnh đạo mà không phải các nhà kỹ trị giỏi thì tốt nhất (và khôn nhất) : hãy tư nhân hóa 100% các DNNN , đó là cái "vườn ươm" các loại sâu to , sâu bé...tàn phá đất nước này.

    Trả lờiXóa
  3. Làm gì có thần thánh kim cương, ko ai hoàn hảo. 2 ông Kama v Ăng ghen chỉ 40-50 tuổi, làm sao có thể tiên tri hết thế giới.Cho nên đã đến phải lúc chỉnh sửa sự sùng bái mù quáng.

    Trả lờiXóa
  4. "...khi K.Mark đã qua đời, một số đồng chí của ông cho rằng,... phong trào công nhân, cần có một ngọn cờ lý luận, ..., người ta gọi các quan điểm của ông là “Chủ nghĩa Mác”.
    Tôi chia xẻ cách giải thích này của ông Hoàng, và suy ra những khái niệm "chủ nghĩa Mac - Lenin", "tư tưởng HCM" cũng đều do hậu thế "gắn" vô miệng những người đã không còn khả năng ... cãi!
    Mà cái đám hậu thế này làm đúng thì ít, làm bậy thì nhiều, đúng sai gì chúng cũng gán cho ...các cụ!
    Đúng là "hậu sinh khả ...ố".

    Trả lờiXóa
  5. Chỉ khi nào chấp nhận cơ chế TAM QUYỀN PHÂN LẬP thì VN mới cất cánh và sánh vai với các cường quốc năm châu như ông Hồ Chí Minh hằng mong muốn, còn nếu không thì mãi mãi chỉ là kẻ ngửi khói mà chiếc xe của nhân loại tiến bộ thải ra mà thôi.

    Trả lờiXóa
  6. Các báo đăng về HNTW5 "Đánh giá kỹ lưỡng ưu khuyết điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư" ! Đánh giá tốt nhất là phải đưa ra cho dân đánh giá! Chứ vài nhóm lợi ích ràng buộc với nhau trong phòng kín thì "đánh" cái zề?

    Trả lờiXóa
  7. ND 0913 nói hay lắm

    Trả lờiXóa
  8. TÔI không có một tý trình nào để bàn về MÁC,nhưng cứ đọc sách xem ti vi thì thấy rõ chủ nghĩa MÁC ,không tự nhiên ĐCS LIÊN XÔ tan giã ,cả khối XHCN đông âu tan giã giải tán,nếu tốt đẹp các nước theo chủ nghĩa này không bị nạn đói triền miêm kinh tế không phát triển,lạc hâụ ,như BÁC HÀN,CU BA,VN LÀO,VV.

    Trả lờiXóa
  9. Tất cả những dự báo, dự đoán của Karmak về CNXH, CNCS và niềm mơ ước của Ông và đ/c của ông tại thời điểm cách đây hơn 200 năm, đều rất đẹp. Hơn 70 năm Liên xô và các nước XHCN ở Đông Âu cũng đã mê say đến cuồng nhiệt để hiện thực hóa dự báo và giấc mơ ấy. Nhưng nó đã bị sụp đổ hoàn toàn đầu năm 90 của thế kỷ 20. Thực tế chứng minh rằng dự báo và giấc mơ đó chỉ là ảo vọng. Thất vọng thay, bài học sai lầm có tầm nhân loại đó cũng không thức tỉnh được một số bộ óc bảo thủ, mù quáng của lãnh đạo ĐCSVN.Khi đã buộc phải chấp nhận thực tế tính ưu việt của kinh tế thị trường, nhưng vì tính tự ti, sĩ diện hão cố hữu của người nông dân , họ còn gắn thêm cái gọi là " kinh tế thị trường định hướng XHCN", để cho có vẻ VN vẫn còn là nước Cộng sản??!!. Cái mà ông Hoàng gọi và hy vọng ĐCSVN sẽ tự chuyển biến để có " Kinh tế thị trường XH " cũng chỉ là suy diễn ( tư biện) . Trong thực tế, kinh tế thị trường vận hành theo quy luật riêng của nó và không phụ thuộc vào ý chí CNXH bảo thủ , lạc điệu của đảng CSVN. Ngày nay nhiều nước đã vận dụng học thuyết kinh tế hiện đại " kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước". Bảo đảm nền kinh tế vận hành theo đúng quy luật thị trường và tương thích với HP, Pháp luật . Nhằm phục vụ lợi ích của mỗi người dân , toàn dân và quốc gia... Nhưng phải là mô hình tổ chức nhà nước đa đảng, tam quyền phân lập chứ không phải chế độ đảng trị như VN hiện nay. VN hiện đang nảy sinh và phát triển mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa Lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất . Đó là mâu thuẫn của sự vận động của quy luật nền kinh tế thị trường với sự can thiệp tùy tiện, duy ý chí của bộ máy nhà nước. Ví dụ cụ thể như : DNNN chiếm giữ tỉ lệ rất cao nguồn lực tài chính, tài nguyên nhà nước nhưng hiệu quả rất thấp , thậm chí tham nhũng khổng lồ, thua lỗ khủng kiếp chất thêm gánh nặng nợ của quốc gia , thâm hụt ngân sách . Đât đai do nhà nước quản lý ( người dân làm chủ??!!), thu hồi vô tội vạ đất đai của người dân cho các dự án núp áo vì mục đích " quốc phòng, an ninh, cộng cộng và nhà nước), thực chất là để cho quan chức các cấp tước đoạt đất của dân , chia nhau tư lợi.. Vấn đề cấp thiết nhất, quan quan trọng nhất của VN hiện nay là phải có cuộc cải cách về chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ phù hợp với quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường.

    Trả lờiXóa