Trang BVB1

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) nói việc kỷ luật ông Đinh La Thăng mới chỉ 'về mặt Đảng'
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái)
nói việc kỷ luật ông Đinh La Thăng mới chỉ 'về mặt Đảng'
Hai cơ quan tư vấn kinh doanh quốc tế đặt tại Anh đưa ra nhận định ban đầu về sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam cảnh cáo ông Đinh La Thăng và buộc ông ra khỏi Bộ Chính trị.
IHS Global Insight hôm 15/5 nhận định tương lai chính trị của ông Đinh La Thăng "vẫn là dấu hỏi vì nhiều vụ điều tra hình sự PetroVietnam còn đang diễn ra". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói: "Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm, các vụ khác cũng đang làm."
'Quyết tâm của Đảng'
Hãng này cho rằng việc giáng chức ông Thăng "thể hiện quyết tâm của Đảng có hành động với quan chức đảng cao cấp và là sự cải thiện trong cuộc chiến chống tham nhũng".
Hãng này đã giảm bớt 0,1 trong điểm tham ô của Việt Nam xuống còn 3,2, đặt Việt Nam ngang với mức rủi ro như Thái Lan và Philippines.
Tuy vậy, IHS cũng cho rằng việc giáng chức ông Thăng, cũng như việc buộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghỉ hưu đầu năm 2016, "có lẽ cũng thể hiện nỗ lực chống tham nhũng có liên hệ đấu đá trong đảng, ở đó phe bảo thủ nhắm vào phe đổi mới thân thị trường, vì vậy nỗ lực này không phải là chống tham nhũng triệt để không phân biệt".
Ngoài ra, IHS nói "không có dấu hiệu nhà nước định giải quyết các vấn đề cấu trúc mà sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả chống tham nhũng về lâu dài".
Cụ thể, các vấn đề này là sự kiểm soát của Đảng với tòa án và công an, thiếu tự do truyền thông.
IHS cũng chỉ ra Ban phòng, chống tham nhũng trước đây do Thủ tướng đứng đầu, nhưng sau được chuyển từ Chính phủ sang Đảng chỉ đạo.
"Không có dấu hiệu là ban này sẽ được chuyển thành một cơ quan độc lập mà sẽ giúp tăng khả năng chống tham nhũng của Việt Nam," theo IHS.
'Cảnh cáo mạnh mẽ'
Trong khi đó, Economist Intelligence Unit (EIU), thuộc tạp chí The Economist, hôm 9/5 cho rằng việc Đảng kỷ luật ông Thăng "trên thực tế chấm dứt sự nghiệp chính trị hứa hẹn" của ông.
EIU nói: "Về ngắn hạn, có rủi ro là các nhân vật to khác sẽ là đối tượng bị điều tra và kỷ luật trong khi ông Nguyễn Phú Trọng cố gắng phục hồi uy tín và đạo đức của Đảng."
"Tuy vậy, nói chung, EIU không cho rằng đây sẽ khởi đầu một cuộc thanh lọc lớn hơn, mà chỉ là cú cảnh cáo mạnh mẽ cho những đối thủ chính trị của ông Trọng."
Trong một dự báo khác công bố hôm 12/5, EIU nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ "dẫn dắt một giai đoạn tiếp tục giải phóng về kinh tế".
"Nhịp độ của các nỗ lực này sẽ được cân đo để tránh lặp lại những bất cân đối trong kinh tế vĩ mô trong những năm theo sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09."
EIU chỉ ra vai trò của các hiệp định thương mại quốc tế
Việc thực hiện thỏa thuận Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Cộng đồng kinh tế Á Âu và hiệp định với EU sẽ diễn ra trong 4, 5 năm tới.
Những hiệp định này sẽ càng quan trọng cho Việt Nam sau khi TPP thất bại với việc Mỹ rút ra.
(BBC)
---------------

1 nhận xét:

  1. Các nhà phân tích nước ngoài vẫn bị mắc lừa khi coi phe của Ba X là "đổi mới và thân thị trường". Phe Trọng thì đúng là bảo thủ nhưng phe Dũng thì phải gọi là phe ăn cắp và ăn cướp trên cơ sở lạm dụng quyền lực công bằng mô hình độc quyền lãnh đạo của cộng sản.

    Trả lờiXóa