Trang BVB1

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Có 'âm mưu' gì trong vụ Đinh La Thăng hay không?

Thường có một thói quen suy diễn mang màu sắc định kiến của các quan sát “lề dân” sau mỗi hành vi của lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Một trong những suy diễn điển hình là suy luận theo hướng nội bộ lãnh đạo đảng dùng chiêu bài này khác để thanh trừng lẫn nhau.
Có thể còn có một sự lẫn lộn giữa tính bè phái với tính phi dân chủ của đảng cộng sản, làm như đã độc đảng và phi dân chủ thì nhất định phải phe cánh bè phái, và kỷ luật người này, cách chức người kia, dứt khoát là thanh trừng lẫn nhau, hoặc thực hiện một âm mưu nào đó.
Phải thừa nhận một quy luật là trong sinh hoạt nội bộ một đảng chính trị, kỷ luật là một loại công cụ có tính phe cánh. Nó chỉ có thể có hiệu lực khi nằm trong tay phe mạnh, ngược lại, nó là hình thức đấu đá khi không có một bên hơn hẳn. Để loại nhau, phe nào cũng tìm cách nắm được quyền quyết định kỷ luật.
Tuy vậy, trên thực tế, không phải cứ lúc nào có kỷ luật, khi đó có thanh trừng hay trấn áp phe cánh. Phe mạnh thường tự gọi mình là phe “có chính nghĩa” theo một khái niệm nào đấy, trong bối cảnh nào đấy và trong một thời đoạn nào đấy. Kỷ luật khi đó có tính cách bảo vệ chính danh và không chấp nhận bị gọi là thanh trừng nội bộ, thậm chí còn là bộc lộ thế hơn hẳn của một phía nào đấy.
Vì lẽ đó, trước khi xét bản chất của một kỷ luật, phải xem có hiện tượng phe cánh không, và phe cánh là gì? Người ta chỉ dùng cụm từ “phe cánh” để chỉ các cụm người gắn kết với nhau vì một lợi ích chung thuộc loại “bất hảo”, còn nếu chỉ để đề cập sự khác biệt giữa lực lượng nào đấy chống lại một nhóm “bất hảo” nào đấy, thì người ta không gọi là thanh trừng phe cánh.
Vụ kỷ luật Đinh La Thăng, nếu có thể nằm trong một âm mưu, thì ít nhất, họ Đinh phải mang một chút chính nghĩa nào đó, và hiện hữu một lực lượng đang sở hữu một thứ chính nghĩa nào đó ủng hộ và công khai bênh vực ông ta. Khi đó, cái gọi là bộ chính trị đảng, người đã thực hiện kỷ luật ông Thăng không có chính danh, hoặc chỉ có một thứ chính danh mập mờ. Nhưng không thấy có ai nói ông Thăng bị oan, và chẳng có nhóm người nào công khai lên tiếng bênh vực. Vậy là ông Thăng không có chút chính nghĩa nào và cũng có nghĩa là ông Trọng không cần phải có âm mưu mới kỷ luật được ông.
Tuy nhiên, chúng ta gặp khó khăn vì trên mặt truyền thông đại chúng công khai, đảng cầm quyền không cho phép phổ cập sự thật. Người ta chỉ được biết đến một ông Đinh năng nổ, trực tính, sốc vác, lăn lộn, sâu sát quần chúng, cương quyết với tiêu cực, miệng nói tay làm, v.v... còn những chuyện ông ta là thủ phạm của vụ tiêu tán hàng tỷ đôla của công quỹ, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng khác cho nền kinh tế, thì một mặt, được coi là việc chuyên môn của cơ quan điều tra, của cơ quan tư pháp, chỉ có thể công khai khi đủ điều kiện, một mặt khác, công khai những cái xấu của cán bộ đảng không phải là việc ưa thích, thậm chí còn là việc cấm kỵ của cơ quan tuyên giáo.
Nhưng cũng là lỗi của Tuyên giáo, vì tuyên truyền tạo dáng cho một nhân vật, rồi lại “đúng đắn sáng suốt” khi kỷ luật cách chức anh ta, thì giống như tuyên giáo, hay chính đảng tự vả vào mồm mình.
Nên thông thường, trước khi kỷ luật một đảng viên, tuyên giáo phải dạo nhạc rất lâu, chuẩn bị dư luận, tung tin để thăm dò, lèo lái dư luận theo hướng thuận chiều, rồi mới phát hành quyết định cuối cùng.
Khi Ban kiểm tra trung ương công bố kết luận thanh tra, kiến nghị Trung ương và Bộ chính trị xem xét kỷ luật ông Thăng, người ta đã biết chắc rằng tất cả đã xong rồi, có quyết định kỷ luật rồi, mới kiến nghị xem xét.
Việc Bộ chính trị phải bỏ ra 7 ngày kiểm điểm trong tháng 3/2017, rồi quyết định khai trừ khỏi Bộ chính trị và cách chức bí thư thành uỷ thành phố quan trọng số một của cả nước, ngày 8/05/2017, chỉ sau kiến nghị của Uỷ ban Kiểm tra đúng 11 ngày, cho thấy tất cả đã được chuẩn bị chi tiết từng bước.
Kỷ luật Đinh La Thăng đã được quyết định ngay từ tháng 3. Cả tháng ba, đã không thấy ông Thăng xuất hiện trên báo Sài Gòn và không thấy nói gì ầm ĩ nữa. Ông ra họp bộ chính trị tại Hà Nội và ở lại ngoài ấy cho đến khi ông Nhân nhận bàn giao.
Khi nghe ngài tổng bí thư cả quyết: “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh và dẫn độ về nước” trong buổi gặp cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 10/02, thậm chí người ta đã đoán già, non rằng Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt rồi và “hắn”đã khai hết. Cho đến ngày công bố kỷ luật, không thấy có tin gì thêm về Trịnh Xuân Thanh, người ta lại kháo nhau, chắc Vũ Đức Thuận đã khai và cấp đủ bằng chứng, không cần Trịnh Xuân Thanh phải về!
Uỷ ban kiểm tra khi công bố kiến nghị kỷ luật, thực ra đã có đủ bằng chứng kết tội Đinh La Thăng và đã được Bộ chính trị duyệt mức kỷ luật. Rút kinh nghiệm điều đã xảy ra với ông Nguyễn Tấn Dũng hồi hội nghị trung ương 6 khoá XI, nghị quyết 46-NQ/TW đã được sửa thành nghị quyết 30-NQ/TW quy định cấp quyết định kỷ luật là Bộ chính trị, TW chỉ biểu quyết mức kỷ luật. Và chắc chắn mọi sự đã được giải quyết tại cuộc họp kiểm điểm của Bộ chính trị trong tháng 3, cả mức kỷ luật lẫn bản tự nhận khuyết điểm của ông Thăng. Đấy là lý do giải thích việc kỷ luật một uỷ viên Bộ chính trị, bí thư đảng uỷ của thành phố quan trọng nhất nước, mà êm nhẹ,“xuôi chèo mát mái”, không một chút phản ứng, không một chút đấu đá nào xảy ra. Nhanh đến mức ngay dư luận lề dân cũng ngơ ngác.
Tuy vậy, ông Thăng cùng với nhiều ông lớn khác, chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Bình, ông Hoàng Trung Hải, chỉ bằng “người trần mắt thịt”, người ta cũng biết mấy ông này là trùm tham nhũng, hoặc ít nhất cũng đồng loã tham nhũng, nhưng bộ chính trị không những không nhắc gì đến sai phạm, mà tại Đại hội 12 còn bầu vào bộ chính trị, đảm nhận những chức vụ quan trọng. Có lẽ là khi đó, trong nội bộ đảng đúng là có phe nhóm thật: phe hình thành từ các phần tử tham nhũng, gắn kết với nhau không phải vì mục tiêu lý tưởng nào cả mà chỉ để che chắn, bao bọc, chạy tội cho nhau.
Có phải ông Trọng đang thực thi âm mưu thanh trừng phe cánh không? Đúng. Từ việc ông Nguyễn Xuân Sơn bị bắt, bị khai trừ đảng, ngồi nhà giam chờ ra toà ngay sau chuyến tháp tùng tổng bí thư đi Mỹ tới Trịnh Xuân Thanh, tới Vũ Huy Hoàng, cả bầy Phạm Tiến Đức, Vũ Đức Thuận, bây giờ là Đinh La Thăng, rồi vụ cách chức Huỳnh Minh Chắc nguyên bí thư và Trần Công Chánh phó bí thư tỉnh uỷ Hậu Giang, đề nghị kỷ luật Nguyễn Hữu Thiện nguyên bí thư tỉnh uỷ và ông Lê Hữu Lộc phó bí thư, chủ tịch tỉnh Bình Định. Sắp tới rất có thể sẽ xét tới các bí ẩn trong quá trình đại hội lần thứ X đảng bộ tỉnh Kiến Giang, từ cái quyết định điều đột ngột ông Trần Minh Thống nguyên bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang nhận nhiệm vụ phó Ban chỉ đạo miền Tây, ngay trước giờ khai mạc Đại hội, biến ông Nguyễn Thanh Nghị đột nhiên thành ứng viên duy nhất và đắc cử bí thư. Việc này liên quan tới nguyên thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh. Tất cả đều là thân tín và phe nhóm của ông Dũng. Có cả phe nhóm lợi ích kinh tế, lẫn phe nhóm lợi ích chính trị.
Nếu đây là cuộc thanh trừng phe nhóm ông Dũng, thì cuộc thanh trừng này trùng hợp với việc thanh trừng các phần tử tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo đảng. Và sẽ chưa phải là tất cả. Ông Trọng cũng đã nói: “Tuy nhiên xử lý như vừa qua mới là xử lý về mặt đảng còn hình sự ta đang làm. Còn một loạt nhân vật đang làm theo hình sự ta đang làm chứ không phải đây là tất cả.” “sắp tới vẫn còn nữa”.
Như vậy phe của ông Dũng, có thể gọi phe tham nhũng, vì những phần tử tham nhũng đều có nguồn gốc trong bộ máy dưới quyền ông Dũng, gián tiếp hay trực tiếp, nhiều hay ít đều dính lợi ích với chính ông Dũng, hay có thể nói một cách khác, là bộ máy dưới quyền của ông Dũng, những cộng tác thân tín của ông, có mối liên hệ lợi ích phi pháp với nhau và với chính ông Dũng, tức là bộ máy đó hợp lại thành một phe tham nhũng.
“... còn một loạt nhân vật đang làm theo hình sự” nghĩa là còn một loạt nhân vật, có lẽ cũng quan trọng không kém, có khi còn quan trọng gấp bội, đang chờ kết luận điều tra.
Ai, những ai đang bị làm hình sự, và tiếp theo ông Thăng, “sắp tới sẽ còn nữa” là những ai?
Ông Võ Văn Cự đã bị cách hết tất cả các chức liên quan tới dự án Formosa thì không còn nghi ngờ gì nữa, nhân vật kế tiếp sẽ phải là nguyên phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, đương nhiệm bí thư thành uỷ Hà Nội. Sau ông Hải, là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Trầm Bê đã bị rút ra khỏi ban quản trị ngân hàng thương mại cổ phần Sacombank, các cuộc điều tra hình sự dính tới việc thâu tóm Sacombank, sớm hay muộn cũng sẽ được làm sáng tỏ, và nhân vật được chỉ định khởi tố không ai khác là Trầm Bê, người đỡ đầu của ông này là Nguyễn Văn Bình và phía sau Nguyễn Văn Bình là Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu cách đây một tháng người ta còn thắc mắc không biết ông Trọng có đủ can đảm để đi đến cùng đường, nghĩa là “làm” hết cái “loạt nhân vật”kia không, bây giờ nghe chính miệng ông nói, thì số phận ông Dũng chắc đã được định đoạt. Ông Thăng đã xin lỗi đảng và nguyện “đem hết sức mình phục vụ nhân dân”, nghĩa là ông đã không còn là người cùng phe ông Dũng nữa, và ông sẽ chẳng buộc phải trung thành với phe tham nhũng của ông Dũng. Ông Trọng cũng đã mớm lời: “đánh người đi, ai đánh người quay lại”, nếu sám hối, thành khẩn khai ra hết, lập công chuộc tội, có thể ông Thăng thoát được án ngồi tù. Nếu vậy, thì chắc chắn, tội của ông Dũng đã đủ bằng cớ, chẳng cần đợi bắt được Trịnh Xuân Thanh.
Tất cả những hành động này của ông Trọng nằm trong âm mưu trả mối hận “hội nghị TW6”nhưng núp dưới danh nghĩa chống tham nhũng, làm trong sạch đảng? Quy kết như vậy chắc chắn không sai. Không thể nói ông Trọng vô tư trong việc làm này. Nói như vậy là thiếu trung thực. Một công đôi việc. Nhưng cũng không thể không thừa nhận rằng nghiệp vụ điều tra có quy luật tự thân. Nó chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan ở quyết định khởi thuỷ. Khi đã bắt đầu, các liên kết chi tiết đòi hỏi được giải thích, ép buộc nhau đi đến tận cùng. Ngăn cản vào lúc này, có thể khó hơn để mặc nó đi tiếp đến kết thúc.
Hội nghị trung ương 6 có trọng tâm là việc sắp xếp lại tổ chức. Tất cả những nhân vật cần tẩy rửa sẽ phải được nhận diện hết. Từ nay cho đến trước ngày khai mạc hội nghị dự kiến cuối năm, 12 đại án ngân hàng sẽ phải kết thúc, 8 đoàn thanh kiểm tra mà Tổng bí thư mới ký quyết định sẽ thực hành kiểm tra 20 tỉnh uỷ có tố cáo tham nhũng và vi phạm kỷ luật đảng và quy chế bổ nhiệm cán bộ, trong đó có Lai châu, Thanh Hoá và cả Đà Nẵng.
Nếu làm tới cùng, hội nghị trung ương 6 sẽ có thể thay đổi đến 1/3 nhân sự trung ương. Trong khi ông Bình còn chưa bị đụng tới, thì cả trưởng và phó Ban kinh tế trung ương đều là những chuyên gia“thụt két” ngân quỹ, nhưng lại chẳng có gì đặc sắc về lý thuyết kinh tế, nhất là kinh tế thị trường đích thực. Ban này có thể bị giải thể, hoặc biến ra một Ban khác, nếu ông Thăng bị khởi tố, ông Bình bị khai trừ khỏi bộ chính trị.
Nhất thể hoá có thể đưa về vườn ít nhất 1/3 bí thư tỉnh uỷ, có thể chính các đương kim chủ tịch kiêm nhiệm chức bí thư. Nếu ông Hải mất chức uỷ viên bộ chính trị, chưa rõ với thủ đô, bộ chính trị có dám làm nhất thể không, trong khi ông Nguyễn Đức Chung còn chưa đủ độ chín.
Phải bầu bổ sung 3 uỷ viên bộ chính trị, chỉ định bí thư Hà Nội, có thể bầu thêm 20 uỷ viên Trung Uơng. Đó là những khả năng khiến có người gọi TW6 là “Đại hội XII lần Hai”, mặc dù rất ít khả năng ông Trọng chịu rút về giữa nhiệm kỳ, do một nhu cầu có thật, là chưa có khuôn mặt nào đủ sức và đủ gan thay ông Trọng đứng mũi chịu sào trước những cơn bão táp sắp tới.
Nếu có một âm mưu bắt đầu bằng vụ kỷ luật ông Thăng, thì đó là âm mưu thay máu hoàn toàn đảng cộng sản.
Với những gì đang đến, chỉ cần dấn thêm một bước, có thể biến đảng cộng sản thành một đảng chính trị tiến bộ, thượng tôn dân chủ đích thực, khởi đầu bằng cách trả quyền lập pháp tối cao cho Quốc Hội xây dựng và phê chuẩn một hiến pháp mới, đảm bảo cơ chế luân phiên cầm quyền hoà bình và cạnh tranh đa nguyên. Dân tộc Việt Nam vĩnh viễn thoát khỏi ách cai trị độc đảng.
Trong hoàn cảnh hiện nay, người có thể làm được việc thay máu đó, duy nhất chỉ có ông Trọng. Nhưng ông Trọng lại là người duy nhất không nhìn thấy điều đó. Bởi vì vậy, lịch sử không chọn ông mà quyết định đào thải ông. Con người lạc hậu như ông không thể đi tiếp và đồng hành với dân tộc.
Chính vì vậy mà những ý kiến khẳng định có âm mưu trong vụ kỷ luật ông Thăng là những ý kiến không có cơ sở thuyết phục. Ông Trọng không hề có ý định dùng kỷ luật ông Thăng để bắt đầu một cuộc cách mạng Dân chủ.!!
15/05/2017
Bùi Quang Vơm/(DLB)
-------------

10 nhận xét:

  1. Hơi rối rắm ! Tôi nghĩ chẳng có "âm mưu" gì ghê ghớm cả, chỉ là những dấu hiệu dẫn đến mục tiêu cuối cùng là : Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cũng giống quy trình với Vũ Huy Hoàng : ban đầu nhẹ nhàng thôi : cách hết các chức vụ mà ông ta đã "chễm trệ" trước khi ...về vườn. Còn sau đó , truy tố hay không thì cũng còn tùy vào...thời tiết! Chứ đừng có hy vọng ông Trọng lại làm "cách mạng dân chủ" , ngay cả đến "đổi mới 2" cũng đừng mơ (theo ý tưởng mà ông Lê Kiên Thành đã từng bộc lộ). Nếu là người có tư tưởng "cách mạng dân chủ" thì ngay từ giờ ông Trọng cũng hội khá đủ những điều kiện để "start" rồi , sao phải chờ "diệt hết nội xâm" mới làm?! Ông này cũng chỉ "trả xong bài" cho anh Tấn Dũng là nghỉ thôi! Nhìn thấy mệt mỏi rồi , lòng có muốn nhưng sức nó không cho !

    Trả lờiXóa
  2. Chém gió , cùng lắm là rung cây dọa khỉ Nguyễn Văn Bình, đừng nghĩ đến sờ đít Hoàng Trung Hải nói chi đến Ba Dũng (trạng chết chúa cũng băng hà) .

    Trả lờiXóa
  3. Dân lương thiệnlúc 15:29 15 tháng 5, 2017

    Âm mưu thì rõ rồi: CÁCH CHỨC, CHUYỂN CÔNG TÁC
    KHAI TRỪ ĐẢNG
    VÀO TÙ.

    Cộng sản ĐÀO GỐC
    BỐC TẬN RỄ

    TẤT CẢ CÙNG CHÔN NHAU

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. không có sao đâu, chỉ là giơ cao đánh khẽ nếu nó đồng ý nôn ra những khoản đã kiếm được nhưng chưa chia đều cho bộ chính trị mà thôi.
      Sau đó là huề hết, rồi xem !
      Vì mục đích chính là để chia chác cho "công bằng" trong bộ máy những con chuột đầu đàn về những khoản ăn cắp ăn cướp được của dân của nước, nhưng phải giữ cho được cái bình mà chuột đã sinh ra và làm tổ ở đó.
      (cựu trinh sát QĐ2)

      Xóa
  4. Sắp đến ngày 19.5, cái loa phường em suốt ngày hát bài: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Nghe mãi cũng thấy hay hay!

    Trả lờiXóa
  5. Bác Thang lại có bác chiến làm bạn ...

    Trả lờiXóa
  6. Dân đen tôi cảm thấy các miền đang tự chia ra và ở đây thì ngó ở kia, ở kia ngó ở đây, ở mô sao không nhìn chỗ ni, ... Các miền đang đòi hỏi một sự chăm chú cho nhau ở các vấn đề sống chết chứ không thể nhìn báo chí, truyền thông hay thậm chí là kênh như mạng xã hội.
    Đã tới lúc tách rời chính phủ khỏi đảng phái. Bài giải của VN không thể lại nhìn theo cách hội nghị Diên Hồng khi minh quân không có.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tổng bí lừa nguyễn phú bịp "trăn trở":
      Nếu tách rời chính phủ khỏi đảng phái như bác nói, thì ai cắt ngân sách nhà nước sang cho đảng của tôi chi tiêu mà "lãnh đạo?" đây?

      vì thế, có "thằng nào đó" đã phải răn đe "bỏ điều 4 là (?)tự sát"-làm sao mà tự sát? quen tự tung tự tác, quen ăn hiếp, quen ăn cướp ăn cắp, quen bóc lột lừa đảo rồi mà.

      Xóa
  7. Những con rối trong một vở diễn kịch mà đạo diễn có thể ở ngoài nước thì khó đoán lắm...

    Trả lờiXóa
  8. Đấu nhau, ít ra phải có tướng tài, và còn có chút đồng lòng vì lợi ích dân tộc, quốc gia. Tướng thì chả thấy ai tài, phát ngôn trên mặt báo thì để tụi sinh năm 9x nó cười cho xấu mặt. Mà còn là mấy trăm tờ báo mang danh chính phái nữa mới chết.
    Nhờ hệ thống báo chí này mới thấy cái chế độ này dùng nhân lực trơ trẽn và thối rữa tới mức không thể mở mồm ra rồi khép mồm lại. Có lẽ đây mới là lợi ích của hệ thống báo chí này khi dân trí ngày càng cao và thông tin đa chiều ngày càng phong phú.
    Khi người ta thấy chính phủ là một tập hợp kém cỏi, không thay đổi nổi, không hứa hẹn nỗi thì người ta chọn xa rời nó trước khi tìm cách lật đổ nó.

    Trả lờiXóa