Trang BVB1

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

'Đừng để vấn đề đất đai làm tổn hại phát triển đất nước'

Nông thôn Việt Nam




Bản quyền hình ảnhĐất đai là lãnh thổ, là chủ quyền quốc gia. Đất đai là nguồn tài nguyên cho phát triển. Đất đai là 'máu thịt', là cuộc sống, là thiêng liêng đối với người nông dân.

Việt Nam được độc lập dựa trên tinh thần yêu nước, khát vọng thoát khỏi thực dân, phong kiến và sự đấu tranh kiên cường của toàn dân. Những người cộng sản đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xác định xây dựng chế độ XHCN trên học thuyết Mác-Lênin, mà nền tảng của nó là công hữu, sở hữu toàn dân.
Một đất nước nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu với mật độ dân số cao, trong đó nông dân chiếm đại đa số, tất nhiên, đất đai đối với họ là tất cả… dù sống ở bất kỳ chế độ nào.
Những thay đổi liên tục về đất đai từ khi đất nước độc lập đã để lại những dấu ấn mạnh, không bình thường trong quá trình tìm kiếm con đường phát triển.
Cuộc cải cách ruộng đất năm 1953 với khẩu hiệu 'người cày có ruộng' đã tạo động lực cho nông dân nghèo. Tuy nhiên, sự 'hữu khuynh' đã dẫn đến sai lầm khiến nhiều người yêu nước, bị quy kết thành phần địa chủ, bị đấu tố và bị bức hại. Lúc đó, Hồ Chủ Tịch với tư cách Chủ tịch nước đã xin lỗi trước quốc dân đồng bào.

Quyền sở hữu đất đai nên thuộc về toàn dân hay tư nhân?

Không thể phán xét rằng việc lấy đất đai, của cải của người giàu chia cho người nghèo là đúng hay sai trong bối cảnh lúc bấy giờ.



Đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân quanh vấn đề đất đaiBản quyền hình ảnhCAT BARTON/AFP/GETTY IMAGES

Đất đai sở hữu tư nhân từ hình thức này, gồm của địa chủ, phong kiến, thực dân… chuyển sang hình thức khác bằng cách chia đều cho những nông dân nghèo.
Phong trào hợp tác xã sau đó đã xóa bỏ sở hữu tư nhân về đất đai, chuyển sang sở hữu tập thể. Hình thức sở hữu toàn dân về đất đai được hiến định trong các Hiến pháp năm 1992, và gần đây nhất năm 2013.
Nhiều kiến nghị về đa dạng các hình thức sở hữu đất đai được gửi tới các cơ quan làm luật và các nhà lãnh đạo đảng, nhà nước nhưng không được chấp nhận.
Luật Đất đai 2013 sửa đổi xác định người dân chỉ có quyền sử dụng đất và 'được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này'.
Những nỗ lực kiểu này, thậm chí là 'chính sách tam nông (nông dân, nông nghiệp, nông thôn), đã không đáp ứng được thực tế vận hành của đất đai khi nền kinh tế chuyển đổi mạnh sang thị trường trong điều kiện mở cửa và hội nhập sâu với khu vực và quốc tế.
Mới đây, trong phiên họp ngày 17/4/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, Trưởng ban Dân nguyện cho biết 'Trung bình mỗi năm Quốc hội nhận khoảng 20.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó 70% liên quan đến vấn đề đất đai…'
Chỉ thị 'khoán 100' (năm 1981) và 'khoán 10' (năm 1988) về việc khoán các sản phẩm cho nông dân, gắn lợi ích từ sức lao động của họ với đồng ruộng, cứu sự sụp đổ lực lượng sản xuất và sửa chữa mô hình tập thể hoá nông nghiệp…
Sản phẩm đã gắn với sức lao động của nông dân và đất đai đã được họ cảm nhận gần gũi và có ý nghĩa hơn khi thấy mình làm chủ được ruộng vườn.
Tuy nhiên, những 'cải cách' này không 'tiến' thêm nhiều. Càng ngày càng nhiều vụ việc 'bất ổn' về đất đai.

Nguồn cơn của các vụ bất ổn quanh tranh chấp đất đai

Có thể khái quát một vài vụ nổi cộm trong những năm gần đây.
'Biến cố Thái Bình' xảy ra 20 năm trước (tháng 6 năm 1997) với tính chất nghiêm trọng và điển hình, còn nguyên giá trị cho đến nay.
Năm trên bảy huyện thị (Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Ðông Hưng, Thái Thụy) của tỉnh có khiếu kiện của nông dân về mất dân chủ và công bằng xã hội trong nông thôn, tố cáo tham nhũng của cán bộ lãnh đạo - được mô tả là 'cường hào' mới ở làng xã, sự tha hóa quyền lực của họ đến đỉnh điểm…



Nông thôn Việt NamBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

Chính quyền cấp tỉnh từ chối hoặc giải quyết không thỏa đáng, khiến cho vụ việc chuyển từ "đối thoại" sang "đối đầu" đã thực sự chia rẽ một bộ phận lớn nhân dân với chính quyền địa phương và lực lượng bảo vệ trật tự là công an. Điều đó làm hàng nghìn nông dân phẫn nộ và bùng phát bạo động, lan rộng và ác liệt…
Sự việc chỉ lặng đi khi chính quyền trung ương phải vào cuộc, đối thoại, giải thích, đáp ứng yêu cầu bức thiết của nông dân, 'chấn chỉnh' cán bộ cơ sở thôn xã tha hóa, biến chất, thay đổi một số chính sách về nông thôn cho nông dân…
Mặc dù bị kết án 5 năm tù và được ra tù trước thời hạn, người nông dân Đoàn Văn Vươn cho đến nay vẫn được coi biểu tượng gắn bó với đất, khai hoang đất đầm làm trang trại chăn nuôi, đã phản ứng quyết liệt, bạo động khi bị 'cưỡng chế' với lý do không thuyết phục.
Ngoài các vụ Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Nội), còn một số vụ cưỡng chế, giải tỏa đất đai ở một vài nơi, các đoàn 'dân oan' kéo về thủ đô khiếu kiện… đang chứa đựng 'bất ổn', bùng lên bất cứ lúc nào…
Trong những ngày giữa tháng 4/2017 sự cố Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, đã thu hút sự chú ý đặc biệt cả trong nước và quốc tế, là một minh chứng rõ ràng.
Tình hình được 'kiểm soát' sau cuộc đối thoại của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với dân tại xã Đồng tâm ngày 22/4 vừa qua với các cam kết cụ thể, như không truy tố dân về việc 'tạm giữ' một số cán bộ và các chiến sĩ cảnh sát cơ động, giải quyết các yêu cầu trong đơn tố cáo còn tồn đọng, thanh tra toàn diện khiếu kiện đất đai và công khai kết quả đến dân…



Đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân quanh vấn đề đất đaiBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES
Image captionĐã xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân quanh vấn đề đất đai

Giải pháp nào cho tranh chấp đất đai?

Không ai có thể chắc chắn đây sẽ là vụ 'cuối cùng', khi chưa tìm ra căn nguyên và có các các giải pháp thích hợp. Đối thoại là biện pháp khả dĩ hiện nay, song không thể là 'liều thuốc tiên' cho các biến cố về đất đai trong tương lai còn bất định đối với nông dân.
Trên diễn đàn đang thảo luận sôi nổi xoay quanh vấn đề trên.
Gót chân Asin (Achilles) của chế độ trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường chính là vấn đề sở hữu toàn dân, trong đó có sở hữu toàn dân về đất đai.
Trong kinh tế thị trường, hình thức sở hữu toàn dân luôn tạo ra chủ nghĩa cơ hội cho những cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, những người được coi là đại diện cho nhà nước, bắt đầu từ cấp cơ sở làng, xã, các doanh nghiệp nhà nước…
Toàn dân làm chủ, cán bộ lãnh đạo đại diện quản lý đã tạo nên vấn đề thân chủ - đại diện nan giải, được biết trong khoa học chính sách công, xuất hiện với vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai với mức độ ngày càng trầm trọng như hiện nay ở đất nước nông nghiệp, đa phần nông dân như Việt Nam.
Thực tế cho thấy đa phần các nơi có tài sản công, đất công xuất hiện tình trạng 'cha chung không ai khóc', lãng phí và tham nhũng do tha hóa quyền lực.
Sự tách biệt giữa quyền sở hữu và sự kiểm soát quyền lực là căn nguyên của vấn đề. Thu hẹp khoảng cách nêu trên bằng cách sửa đổi chắp vá các chính sách hiện có liên quan đến đất đai cũng là cần thiết.
Tuy nhiên, điều đó chỉ là tạm thời, vì nó sẽ gây ra những chi phí cao về nhân lực, tài lực cho việc nắm bắt thông tin, thanh kiểm tra, tổ chức bộ máy, cải cách thể chế.
Cơ bản và lâu dài là phải sửa Luật Đất đai 2013. Hơn thế, cần thiết phải sửa cả Hiến Pháp năm 2013, trong đó có hiến định về sở hữu toàn dân. Những kiến nghị tâm huyết của các nhiều nhà khoa học, nhân sĩ khi lấy ý kiến về bản Hiến Pháp này, lúc này, cần được cân nhắc, cầu thị, không bảo thủ về đa sở hữu đối với đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân. Luật và các văn bản dưới luật, các chính sách về đất đai cũng cần được sửa theo hướng này.
Điều này vô cùng cần thiết để tạo dựng thị trường đất đai phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang cơ chế thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang đứng trước những thách thức to lớn đòi hỏi phải vượt qua. Đảng và Chính phủ đang đề cập đến vấn đề tích tụ ruộng đất…
Hãy nhìn thẳng sự thật để có những thay đổi đột phá. Đừng để đất đai trở thành vấn đề gây tổn hại cho sự phát triển đất nước.
Học viện Chính sách và Phát triển)
---------------

3 nhận xét:

  1. Đây là lĩnh vực béo bở để lũ tham quan nhung nhúc như giòi bọ(gần như 100%)đục khoét tham ô .Thay đổi đi thì lũ quan chức CSVN này bốc cứt mà ăn à ???

    Trả lờiXóa
  2. "người cày có ruộng" là động lực rất lớn cho chàng nông dân không tiếc thân mình làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
    Bây giờ giáo sư muốn sửa Luật đất đai và cả Hiến pháp. Tiếc thay nhiều năm nay các nhân sĩ, trí thức kể cả công thần chế độ như tướng Giáp...góp ý với đảng trong một số vấn đề, chính sách, luật pháp...không những đảng và nhà nước không nghe còn quy cho họ là "tự diễn biến". Phải chăng cái gốc là thiếu dân chủ trên cơ sở sự tự kiêu, tự mãn của đảng mà ra."ta vĩ đại rồi, ta trí tuệ rồi..." nên ai góp ý đều là thù địch. Mạnh dạn mà nói các ỦY viên BCT đâu phải tài năng kiệt xuất như cụ Hồ, cụ Trường Chinh, cụ Lê Duẩn ngày trước? Mặt khác các chuyên gia được đảng mời hoach định chính sách chắc gì họ đã kiệt xuất , không khéo họ lại mưu sĩ cho đảng ban hành chính sách có lợi cho họ mà đảng quá vĩ đại nên không để ý?
    Thiết nghĩ từ nay đảng nên cầu thị, không nên quy chụp cho nhân sĩ, trí thức góp ý với đường lối chính sách của đảng...để đảng, nhà nước ban hành chính sách, pháp luật hợp lòng dân ngõ hầu đưa đất nước tiến lên dân chủ bình đẳng, văn minh./

    Trả lờiXóa
  3. Đọc và ngẫm nghĩ

    Trả lờiXóa