Cuộc khủng hoảng tại Đồng Tâm, Mỹ Đức Hà Nội, liên
quan đến việc thu hồi đất đai nông nghiệp để giao cho các doanh nghiệp kinh
doanh. Việc thu hồi đất đai như vậy, không phải diễn ra lần đầu tiên tại Việt Nam , và diễn ra
rộng khắp trên cả nước. Có thể kể ra những vụ tiêu biểu như Văn Giang, Đông
Anh, Trịnh Nguyễn, Tiên Lãng,… Ngoài ra tại các cơ quan của đảng cộng sản và
chính quyền trung ương ở thủ đô Hà Nội, người ta thấy sự có mặt thường xuyên
của những đoàn nông dân mất đất khắp nơi trên cả nước tụ tập về để kêu oan.
Chúng tôi xin trích ý kiến của bà Phạm Chi Lan, một
chuyên viên kinh tế xung quanh những vấn đề đất đai nông nghiệp tại Việt Nam . Bà Phạm
Chi Lan từng làm phó chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam ,
thành viên ban nghiên cứu của thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Cuộc trao đổi với chúng tôi diễn ra 10 ngày trước khi
bùng nổ cuộc khủng hoảng Đồng Tâm.
Đề nghị sở
hữu tư nhân bị từ chối
Cho đến hiện nay đất đai tại Việt Nam , theo nguyên tắc cộng sản công
hữu về tư liệu sản xuất, là thuộc về toàn dân. Người dân chỉ có một quyền gọi
là quyền sử dụng đất.
Các
vấn đề tranh chấp đất đai, nhất là đất nông nghiệp, bắt đầu nảy sinh từ khi
Việt Nam
chấp nhận cơ chế thị trường. Một trong những lý do nảy sinh tranh chấp là quyền
sở hữu đất đai là của toàn dân do nhà nước đại diện, nhưng trên thực tế có
nhiều thành phần khác nhau trong xã hội khai thác đất đai.
Vì lý do này vào năm 2013, một số trí thức và chuyên
gia Việt Nam đã đề nghị nhà
nước Việt Nam
thay đổi luật đất đai với sự công nhận nhiều loại sở hữu khác nhau, trong đó có
sở hữu tư nhân. Bà Phạm Chi Lan là một trong số những người đề nghị đó: “Chúng
tôi kiến nghị trước hết là cho nông dân, để cho người nông dân họ được sở hữu
mảnh ruộng của họ hơn là chỉ có quyền sử dụng đất. Mà quyền sử dụng đất đó tuy
luật pháp giao cho nhiều quyền, nhưng nó khá mong manh, ở chổ là nhà nước vẫn
giữ cái quyền thu hồi đất. Mà quyền thu hồi đất đó được thực hiện ở tới bốn cấp
khác nhau, trong đó có cả cấp xã. Tức là ở cấp cơ sở người ta có thể thực hiện
một cách rất là tùy tiện, chứ không đúng theo yêu cầu của luật, mà luật thì để
ra một phạm vi quá rộng những tình huống mà nhà nước có thể thu hồi lại đất.
Thành ra nó cho người nông dân được quyền sử dụng đất nhưng người ta cũng cảm
thấy rất mong manh.”
Trong vụ khủng hoảng về đất đai mới nhất là Đồng Tâm,
căn cứ theo những dữ liệu được báo chí chính thống Việt Nam nêu ra từ năm 2014
đến nay, có hai vấn đề gây nên khủng hoảng: thứ nhất là quyền sử dụng đất đã
rất không rõ ràng giữa đất của quốc phòng và đất nông nghiệp giao cho nông dân
sử dụng, thứ hai là việc lạm dụng quyền lực của các viên chức cấp xã và cấp
huyện trong vấn đề phân chia quyền sử dụng đất.
Bà
Phạm Chi Lan cho rằng cần hạn chế quyền của nhà nước trong việc thu hồi quyền
sử dụng đất của người: “Cá nhân tôi rất muốn gỡ bỏ điều trong luật hiện nay nói
là nhà nước, trong những lý do thu hồi đất, thì có lý do là những dự án phát
triển kinh tế xã hội khác, vì cái đó nó quá rộng, không làm rõ các dữ liệu khác
nhau nên dẫn tới tình trạng thu hồi đất thuần nông của dân rồi giao cho một ông
doanh nghiệp khác để làm. Người dân được đền bù một thì đối với ông doanh
nghiệp giá đất sau đó có thể lên đến cả trăm lần. Từ đó gây nên những chuyện
khiếu kiện đất đai tràn lan ở Việt Nam . Chuyện đất đai trở thành một
trong những cái bất công nhất ở Việt Nam hiện nay.”
Tại sao giao
lấy đất của dân cho mục tiêu thương mại cá nhân?
Chuyện các cá nhân hay công ty thu lợi từ đất đai nông
nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang xây cất nhà cửa thường xảy ra ở những khu
vực ven thành phố lớn, nơi đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa rất nhanh
chóng của Việt Nam.
Ngoài ra còn có các khu công nghiệp, các công ty xây
nhà máy, khu vui chơi, cũng thu lợi từ việc lấy đất giá rẻ của nông dân qua bàn
tay nhà nước, như trường hợp dự án Eco park ở Hải Dương, sân golf Đông Anh, dự
án Viettel tại Đồng Tâm, đều dẫn đến những xung đột mà trong đó lực lượng chức
năng của nhà nước giúp các nhà kinh doanh lấy đất.
Nhưng trong luật đất đai của Việt Nam lại có nêu ra rằng nhà nước sẽ
thu hồi đất của dân vì những dự án phát triển kinh tế xã hội.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng người dân Việt Nam sẳn sàng
hiến đất của mình để xây dựng các căn cứ quân sự bảo vệ quốc gia, xây trường
học, cầu đường, nhưng nếu chỉ là mục đích thương mại thì chuyện trưng dụng đất
của người dân là không thỏa đáng: “Cái đó nó gây ra sự lạm dụng nhiều nhất, tức
là nhân danh dự án kinh tế xã hội thì người ta làm là có thể nhà nước đứng ra
thu hồi đất nhưng lại giao cho một tư nhân khác, một tư nhân, hoặc một cơ sở
của nhà nước, nhưng làm cái dự án mới hoàn toàn mang tính chất thương mại, chứ
không phải mục đích công ích phục vụ công cộng.”
Bà
Phạm Chi Lan nói rằng ngay cả khi Việt Nam công nhận quyền tư hữu về đất đai
thì nhà nước cũng có quyền giữ cho mình quyền thu hồi đất của dân như tất cả
những quốc gia khác, nhưng với điều kiện việc thu hồi đó phải thực sự là dùng
vào mục đích công cộng.
Đề nghị của bà Phạm Chi Lan và các trí thức Việt Nam
vào năm 2013 đã không được chấp nhận, và luật đất đai của Việt Nam cũng như
hiến pháp 2013 sửa đổi chỉ công nhận một quyền sở hữu duy nhất là sở hữu nhà
nước về đất đai.
Nhưng bà Phạm Chi Lan cho rằng nhiều chuyển biến lớn
đã xảy ra từ năm 2013 đến nay đã khiến cho nhà nước Việt Nam bắt đầu có sự điều
chỉnh, như mới đây chính phủ cho phép nghiên cứu để nới rộng quyền được canh
tác trên diện tích lớn hơn của nông dân. Ngoài ra còn có quyền tài sản được bao
gồm quyền sử dụng đất: “Bộ luật dân sự Việt Nam
được quốc hội Việt Nam
thông qua vào tháng 11 năm 2015, có điều luật về quyền tài sản. Trong quyền tài
sản có ghi quyền sử dụng đất cũng được coi là quyền tài sản. Coi quyền sử dụng
đất là quyền tài sản và đưa vào luật đất đai là một mức độ công nhận cao hơn
rất nhiều so với người có quyền sử dụng đất rồi. Quyền tài sản theo luật định
lại là quyền bất khả xâm phạm. Có nghĩa là nếu sau này nhà nước muốn thu hồi
đất thì phải có đền bù cho người dân theo cái cách là bù lại tài sản cho người
ta, chứ không phải trưng dụng thu hồi như cơ chế trước đây nữa.”
Trong tình trạng luật pháp hiện nay, bà Phạm Chi Lan
cho rằng nhà nước vẫn có quyền giữ lại đất đai để có thể sử dụng cho những
chương trình, dự án của đất nước:
“Nhưng
giữ lại như thế nào thì phải thật minh bạch, phải hỏi ý kiến người dân trước
khi lấy lại cho một mục đích gì đó. Rất minh bạch trong cơ chế thi hành thì mới
có thể được. Cái gây ra bất bình lâu nay là nó không minh bạch, không dân chủ
trong quá trình lấy lại, gây ra uất ức, cảm thấy oan ức cho những người bị thu
hồi đất. Nó đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ, thậm chí một cá nhân, một công ty
tư nhân nào đó chứ không phải cho lợi ích chung của cộng đồng.”
Trong trường hợp giải tỏa thu hồi đất đai ở làng Trịnh
Nguyễn, dân chúng đã bất bình vì mặc dù nhà máy của tư nhân được xem là dùng để
xử lý nước thải bảo vệ môi trường, nhưng lại sử dụng vùng đất màu mỡ của nông dân,
và người nông dân cũng lo ngại nhà máy đó gây ra ô nhiễm cho đời sống của họ
nên họ đã phản đối.
Trong trường hợp xã Đồng Tâm hiện nay, theo số liệu
của báo chí Việt Nam, mỗi người dân chỉ có 230m2 đất trồng lúa và 134m2 đất
trồng hoa màu, cho nên họ rất không đồng ý khi có hàng chục hectare đất lại
được giao cho một công ty dù là của nhà nước như Viettel, nhưng lại là một công
ty thương mại.
Kính Hòa/RFA
-----------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét