Trang BVB1

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Lãnh đạo và cầm quyền


* GIÁP VĂN DƯƠNG
Trong những năm học tập và làm việc ở nước ngoài, một trong những điều tôi luôn lưu ý tìm hiểu là: Vì sao họ lại phát triển, còn mình thì không?
Tôi nhận ra rằng, thoạt nhìn thì câu trả lời có thể là do thể chế, hoặc do văn hóa, hoặc do những đặc thù về vị trí địa lý. Nhưng khi suy nghĩ kỹ hơn thì thấy rằng, phía sau tất cả các yếu tố này, bao giờ cũng thấp thoáng hình bóng của nhà lãnh đạo xuất sắc. Có thể nhà lãnh đạo chính là người tạo ra các yếu tố này, hoặc chính là người đã khai thác hiệu quả các yếu tố này, để dẫn dắt sự phát triển của dân tộc họ. Ngay cả khi không có một nhà lãnh đạo xuất sắc hiện diện ở ngay trong hiện tại, thì thể chế ưu việt và nền văn hóa tích cực do những nhà lãnh đạo tiền bối của họ kiến tạo ra vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt. Khi đó, chính những nhà lãnh đạo quá cố đó, vẫn đang tiếp tục lãnh đạo gián tiếp đất nước của họ thông qua các di sản về thể chế và văn hóa mà họ đã gây dựng.
Vai trò, vị trí của lãnh đạo
Như vậy để thấy, lãnh đạo chính là yếu tố mang tính quyết định đến sự phát triển của một tổ chức, và rộng hơn là của cả một dân tộc. Đặc biệt là trong các thời khắc khó khăn thì vai trò của nhà lãnh đạo lại càng lớn, do phải đương đầu với những tình huống chưa từng gặp qua và đòi hỏi phải ra được những quyết định chính xác mang tính sống còn. Vì thế có thể nói, giới hạn của nhà lãnh đạo chính là giới hạn phát triển của tổ chức mà người đó lãnh đạo, và giới hạn phát triển của một dân tộc, cũng bị quy định bởi chính giới hạn của những người đang lãnh đạo dân tộc đó. Nói cách khác, lãnh đạo là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển hoặc kìm hãm đất nước. Lựa chọn lãnh đạo đất nước chính là lựa chọn vận mệnh của cả dân tộc.
Trong một thế giới nhiều biến động, vai trò của nhà lãnh đạo lại càng nổi bật và trở nên quan trọng. Vì vai trò của nhà lãnh đạo là để chèo lái quốc gia trong những hoàn cảnh khó khăn hoặc bất định hoặc đòi hỏi sự bứt phá. Nếu không có khó khăn, không có bất định, hoặc không đòi hỏi sự bứt phá thì khi đó chỉ cần một nhà quản lý có năng lực để đảm bảo mọi việc diễn ra theo cách bình thường, chứ không cần đến một nhà lãnh đạo đích thực. Vì nhà quản lý sẽ tập trung vào việc thực hiện các kế hoạch đã đặt ra, còn nhà lãnh đạo sẽ thiết kế và hiện thực hóa một tương lai hoàn toàn mới, một sự phát triển mang tính bứt phá, hoặc một chuyển hướng mang tính chiến lược có ảnh hưởng tốt đẹp cho nhiều thế hệ kế tiếp.
Vì quan trọng như vậy, nên lãnh đạo bao giờ cũng là một quan tâm của mọi giới trong xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở mọi nước trên thế giới. Với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, thì chất lượng lãnh đạo lại càng quan trọng, khi phần lớn người dân Việt Nam không được trực tiếp lựa chọn lãnh đạo tối cao của mình.
Thực tế phát triển của các quốc gia cho thấy, đất nước nào lãnh đạo anh minh thì dân tộc đó cất cánh chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, có thể chứng nghiệm trong một đời người, mà Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore là những ví dụ nhãn tiền, còn dân tộc nào có lãnh đạo u mê thì dân tộc đó chìm trong nghèo hèn hàng thế kỷ, không biết khi nào mới ngóc đầu lên được, thậm chí, ngay sự tồn tại của mình cũng không chắc được đảm bảo.
Từ trong sâu thẳm, nhà lãnh đạo bao giờ cũng mang trong mình những sứ mệnh lớn hơn bản thân, gia đình hoặc phe nhóm của mình. Đó có thể là sứ mệnh giải phóng dân tộc, hoặc tạo ra một sự phát triển vượt bậc cho dân tộc, hoặc giải phóng con người ra khỏi u mê giáo điều. Chính sứ mệnh lớn lao đó chứ không phải những kiến thức chuyên môn, hoặc bè phái cấu kết, làm lên tầm vóc của nhà lãnh đạo, và tạo ra sự phát triển cho cả dân tộc mà họ lãnh đạo.
Chính nhà lãnh đạo đó sẽ là người thiết kế ra những tương lai mới, và thuyết phục được toàn dân tin tưởng vào tương lai đó, để sau đó huy động toàn lực để hiện thực hóa tương lai đó. Thông qua đó, nhà lãnh đạo nhận được sự tin tưởng, và bản thân sự lãnh đạo, như một sự ban trao từ phía người dân. Nếu người được bầu chọn không có khả năng thiết kế ra một tương lai như vậy, và không có khả năng thuyết phục toàn dân tin tưởng vào tương lai đó, và không thể tập hợp được đủ người tài và nguồn lực để hiện thực hóa tương lai đó, thì đó là một sự lựa chọn nhầm lẫn. Trong trường hợp đó, cùng lắm chúng ta cũng chỉ có một nhà cầm quyền, chứ không phải là một nhà lãnh đạo.
Vậy nên, muốn phát triển, dù là một tổ chức hay một đất nước, thì điều kiện tiên quyết là tổ chức hoặc đất nước đó phải lựa chọn được một nhà lãnh đạo tối cao xuất chúng. Đó phải là một nhà lãnh đạo đích thực, chứ không phải là một nhà cầm quyền, dù về mặt hình thức, lãnh đạo và cầm quyền có nhiều nét tương đồng.
Lưu ý rằng, sự lãnh đạo và sự tin tưởng đích thực, bản thân nó không tự xuất hiện với nhà lãnh đạo, cũng không thể giành giật được, mà chỉ có thể có được thông qua sự ban trao từ phía những người được lãnh đạo. Nếu không được ban trao, sự lãnh đạo chỉ có thể gọi tên là sự tiếm quyền. Vì thế, nhà lãnh đạo chỉ xuất hiện khi việc bầu cử được diễn ra trong dân chủ, công khai và minh bạch.
Giờ vừa sang năm 2016, Việt Nam dự kiến sẽ sớm hội nhập sâu rộng với thế giới sau khi hiệp định TTP được ký kết. Nhu cầu phát triển bứt phá của Việt Nam cũng đang là yêu cầu bức thiết, khi chỉ còn khoảng 10 năm nữa thôi là thời kỳ dân số vàng để phát triển sẽ qua đi và bẫy thu nhập trung bình thì đang giăng ra trước mắt. Trong hoàn cảnh đó, một nhà lãnh đạo đích thực là điều mà Việt Nam cần nhất.
Nhưng nhìn quanh thấy thời khắc chuyển giao lãnh đạo đang diễn ra rầm rộ, mà câu chuyện về lãnh đạo vẫn chưa được bàn thảo đầy đủ. Ngoài việc bàn tán ai đi ai ở, với hàm ý ai sẽ nắm quyền lực, thì câu hỏi cơ bản: lãnh đạo có nghĩa là gì, và lãnh đạo khác với cầm quyền như thế nào, lại không thấy ai bàn.
Vậy tại sao lại không đi thẳng vào câu hỏi này: Lãnh đạo có nghĩa là gì, và lãnh đạo khác cầm quyền ở điểm nào?
Khi đã chọn nhìn thẳng vào những câu hỏi căn cốt như thế, thì cách hiểu về lãnh đạo và lựa chọn lãnh đạo cũng sẽ khác đi. Ai đi ai ở không phải là quan trọng nhất, mà ai xứng đáng là lãnh đạo và làm sao để có được người xứng đáng đó mới là điều cốt yếu.
Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ chỉ một điểm này. Những nội dung khác, sẽ bàn trong các dịp thuận tiện khác.
Trước hết cần lưu ý, vì lãnh đạo thường gắn liền với quyền lực và chức vị, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, nên khi nói đến lãnh đạo, người ta sẽ liên hệ ngay đến chức vị và quyền lực. Do đó, lãnh đạo thường bị đồng nhất với cầm quyền. Nhưng lãnh đạo và cầm quyền là khác nhau về bản chất. Nhà lãnh đạo không nhất thiết phải có chức vị và phải cầm quyền, còn người cầm quyền, dù có cả chức vị đi theo, cũng chưa chắc đã là nhà lãnh đạo. Chính sự nhầm lẫn về lãnh đạo và cầm quyền đã gây ra những cuộc đua nắm giữ quyền lực không phải cách, dẫn đến việc tạo ra các nhà cầm quyền tiếm danh lãnh đạo, thay vì các nhà lãnh đạo đích thực. Và quyền lực trong trường hợp này trở thành mục tiêu của nhà cầm quyền tiếm danh lãnh đạo, thay vì là công cụ của của nhà lãnh đạo đích thực.
Vậy sự khác biệt đó là gì?
Cách thức đạt được quyền lực
Điểm khác biệt đầu tiên là khác biệt trong cách thức đến với quyền lực. Đây là điểm khác biệt mấu chốt, dẫn đến các cách hành xử khác nhau của nhà lãnh đạo đích thực và nhà cầm quyền mang danh lãnh đạo. Với nhà lãnh đạo chính trị, quyền lực và rộng hơn là sự lãnh đạo, phải được ban trao từ phía người dân trong sự tin tưởng và tự nguyện. Còn với nhà cầm quyền mang danh lãnh đạo, quyền lực này có thể đến được thông qua sắp đặt hoặc chiếm đoạt.
Vì sự lãnh đạo là được ban trao từ phía người dân, nên khi thấy nhà lãnh đạo không đáp ứng được kỳ vọng của mình, người dân có quyền và có cơ chế để lấy lại sự ban trao này. Vì thế, lãnh đạo bao giờ cũng gắn liền với nhiệm kỳ. Còn cầm quyền thì ngược lại, quyền lực đến với nhà cầm quyền không bởi sự ban trao, mà qua sắp xếp hoặc chiếm đoạt, nên về bản chất là không có nhiệm kỳ, và nhân dân bị ngăn cản để lấy lại quyền lực lẽ ra sẽ thuộc về nhà lãnh đạo do nhân dân lựa chọn. Vì lẽ đó, với nhà lãnh đạo thì quyền lực chỉ là một phương tiện để thực hiện công việc lãnh đạo của mình. Còn với nhà cầm quyền, quyền lực trở thành mục đích.
Lưu ý rằng, sự ban trao lãnh đạo này chỉ có thể được thực hiện thông qua bầu cử dân chủ và minh bạch. Điều đó có nghĩa, bầu cử để lựa chọn nhà lãnh đạo là quan trọng, nhưng cách thức bầu cử còn quan trọng hơn. Chỉ thông qua bầu cử dân chủ, nhà lãnh đạo mới được ban trao quyền lực. Còn bất kỳ hình thức ban trao nào khác, dù nhân danh bất cứ điều gì hoặc bất cứ giá trị nào, như dòng dõi của các hoàng gia, hay đức tin của các tôn giáo, hay đề cử riêng của các đảng phái, hay bất cứ một nhân danh nào khác ngoài lá phiếu của người dân, thì đó không phải là một sự ban trao đích thực, mà thực chất là một sự sắp xếp. Lãnh đạo có được thông qua sắp xếp, dù theo chủ ý nhất thời của một thế lực nào đó, hoặc là sự mở rộng tự nhiên của truyền thống, thì cùng lắm cũng chỉ có thể là nhà cầm quyền. Còn nếu không thì sẽ rơi vào trạng thái bù nhìn cho các thế lực hậu trường giật dây.
Đó là lý do vì sao ở các quốc gia quân chủ lập hiến, khi ngôi vua được kế thừa theo kiểu cha truyền con nối, thì ngôi vua đó chỉ có giá trị biểu trưng về mặt văn hóa và truyền thống, đóng vai trò như một kết nối trong khối đoàn kết của toàn dân, còn nhà lãnh đạo thực sự đang dẫn dắt quốc gia đó vẫn phải được bầu theo nhiệm kỳ để thông qua đó, nhà lãnh đạo được ban trao quyền lực.
Bản chất công việc lãnh đạo
Điểm khác biệt thứ hai là khác biệt trong công việc thực sự của nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền. Với nhà lãnh đạo, công việc của anh ta là thiết kế một tương lai chung cho tất cả mọi người, thuyết phục được mọi người tin tưởng vào tương lai đó, và cuối cùng là tìm mọi cách để hiện thực hóa tương lai đó. Anh ta được ban trao quyền lực, và rộng hơn là ban trao sự lãnh đạo, để thực hiện công việc thiết kế tương lai và hiện thực hóa tương lai này. Thiết kế tương lai chung, trước hết dưới dạng các viễn cảnh được mô tả rõ ràng và thuyết phục, và sau đó là tìm mọi cách để hiện thực hóa tương lai đó, là công việc chủ chốt của nhà lãnh đạo.
Nhưng với nhà cầm quyền, vì quyền lực và vị trí của họ không đến thông qua sự ban trao tự nguyện của người dân, công việc của nhà cầm quyền sẽ chỉ tập trung vào việc giữ cho bằng được quyền lực và vị trí của mình. Họ sẽ tìm mọi cách hợp thức hóa việc nắm giữ quyền lực và vị trí này, thông qua mọi phương tiện, không chỉ tuyên truyền mà còn cả đe dọa và đàn áp.
Ngay cả khi nhà cầm quyền chủ ý thiết kế và hiện thực hóa một tương lai nào đó, thì tương lai này vẫn sẽ bị giới hạn bởi điều kiện tiên quyết là không ảnh hưởng đến quyền lực và vị trí anh ta đang nắm giữ. Vì thế, tương lai đó không bao giờ là tương lai tốt nhất có thể có, và chỉ có thể đáp ứng được mối quan tâm của một nhóm người có lợi ích liên quan, chứ không phải của tất cả mọi người, trừ phi nhà cầm quyền tự chuyển hóa trở thành nhà lãnh đạo.
Miền thời gian lưu trú
Điểm khác biệt thứ ba là miền thời gian mà nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền đến sống và làm việc ở trong đó. Với nhà lãnh đạo, miền thời gian mà họ sống và làm việc là tương lai của chính dân tộc họ, và họ phải là hiện thân của chính tương lai đó. Vì thế, họ phải là người có tầm nhìn, phải có khả năng nhìn thấy tương lai, từ đó thiết kế ra một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người và tạo động lực để tất cả mọi người cùng hiện thực hóa tương lai đó. Nhà lãnh đạo tìm thấy bản thân mình và tính chính danh trong công việc của mình ở trong tương lai. Nhưng tương lai bao giờ cũng bất định, vì lẽ đó, nhà lãnh đạo đòi hỏi không chỉ giỏi về chuyên môn, mà quan trọng trước hết là bản lĩnh dám đối mặt với sự thay đổi, dám ra những quyết sách lớn và dám chịu trách nhiệm với những quyết sách lớn đó. Nhưng các nội dung này lại phải đặt trong bối cảnh của sự ban trao quyền lãnh đạo từ phía người dân, nên nhà lãnh đạo trước hết phải có đạo đức để tạo ra sự tin tưởng, và khả năng tập hợp người tài để sau khi đã thiết kế ra một tương lai chung, thì còn phải hiện thực hóa tương lai đó.
Còn nhà cầm quyền thì ngược lại, họ sẽ thường trú ngụ trong quá khứ, vì chỉ trong quá khứ, nơi các sự kiện đã xảy ra, họ mới tìm ra được các lý do để biện minh cho sự tồn tại của mình ở trong hiện tại, theo nghĩa hiện tại là sự nối dài của quá khứ. Còn trong tương lai, các sự kiện chưa xảy ra, nên dù có muốn, họ cũng không thể sử dụng. Vì thế, nhà cầm quyền sẽ không cần bản lĩnh đương đầu với một tương lai bất định, mà chỉ cần nhiều mưu mô để bày binh bố trận, sắp xếp quá khứ và hiện tại sao cho có lợi nhất cho mình. Nhà cầm quyền cũng sẽ không cần người tài để hiện thực hóa một tương lai đã được thiết kế, mà cần trước hết các bè phái hoặc nhóm lợi ích thân tín để bảo vệ lẫn nhau và duy trì quyền lực cũng như vị trí hiện thời.
Trong nhiều trường hợp, nếu nhà cầm quyền cũng quan tâm đến tương lai và thiết kế ra một tương lai mới, thì phải xét xem tương lai đó đáp ứng được lợi ích chính của nhóm đối tượng nào. Nếu tương lai đó chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm, nhưng nhân danh cả dân tộc, thì đó là một thủ thuật của nhà cầm quyền, còn nếu tương lai đó đáp ứng lợi ích chung của toàn dân, thì trong trường hợp đó, nhà cầm quyền đã tự chuyển hóa thành nhà lãnh đạo.
Như vậy có thể thấy, nhà lãnh đạo là người sống trong vùng thời gian từ hiện tại đến tương lai, còn nhà cầm quyền sẽ sống trong vùng thời gian từ hiện tại đến quá khứ. Vậy nên, khi nghe các ứng viên thuyết trình, nếu họ nói về tương lai và về chương trình hành động để hiện thực hóa tương lai đó, và thuyết phục người dân tin tưởng vào tương lai đó và đồng lòng hiện thực hóa nó, ta biết đó là nhà lãnh đạo. Còn nếu ứng viên nói về quá khứ, và dùng quá khứ như một sự đảm bảo cho tính chính đáng của mình, thì ta biết đó là nhà cầm quyền.
Một cách logic, chỉ người sống trong tương lai mới có thể đưa toàn dân đi đến tương lai. Sự phát triển đột phá sẽ chỉ xảy đến trong trường hợp này. Còn người sống trong quá khứ, sẽ muốn toàn dân trú ngụ ở trong quá khứ, đặc biệt là quá khứ có chút hào quang. Tuy nhiên, thời gian không ngừng trôi, tương lai không thể tránh, nên tương lai trong trường hợp của nhà cầm quyền sẽ là chỉ đơn thuần là sự mở rộng của quá khứ. Nó chỉ đơn thuần là sự tịnh tiến trong thời gian của quá khứ. Mọi sự đều có thể đoán biết trước mà không có sự phát triển đột phá nào có thể đến. Đó chính là lý do vì sao các thể chế phong kiến có thể kéo dài hàng nghìn năm mà sự phát triển cứ như giậm chân tại chỗ. Vì họ chỉ sống trong quá khứ, luôn lấy quá khứ làm chuẩn mực, nên không vượt qua được quá khứ của mình. Mà đã không vượt qua được quá khứ của mình thì thời gian trôi họ cũng sẽ chỉ giậm chân tại chỗ mà thôi.
Nếu giậm chân tại chỗ có thể là mục đích của nhà cầm quyền, thì đó là điều không nhà lãnh đạo nào mong muốn. Vì khi để dân tộc giậm châm tại chỗ, trong khi các dân tộc khác vẫn không ngừng mải miết tiến lên, nhà lãnh đạo đã không hoàn thành sứ mệnh của mình, vì thế sự lãnh đạo mà họ đã được ban trao sẽ bị nhân dân lấy lại. Còn nhà cầm quyền thường tìm cách kiểm soát xã hội để ngăn chặn nguy cơ này, nên họ có thể hài lòng với trạng thái giậm chân tại chỗ này, miễn sao quyền lực và vị trí của mình được đảm bảo.
Hệ thống chính trị hướng đến
Điểm khác biệt thứ tư là khác biệt ở hệ thống chính trị nhà lãnh đạo hoặc nhà cầm quyền xây dựng lên.
Để thực hiện được công việc lãnh đạo của mình, một trong những nền tảng bắt buộc nhà lãnh đạo phải có, đó là sự chính trực vẹn toàn trong công việc và lời nói của mình.
Lý tưởng của nhà lãnh đạo, ước mơ hay khát vọng của họ, không ai có thể truy nhập trực tiếp được. Nhưng người dân sẽ biết được gián tiếp những điều đó thông qua lời nói và việc làm của nhà lãnh đạo. Và quan trọng hơn, người dân có thể giám sát được những điều đó, để từ đó tin tưởng và ban trao sự lãnh đạo. Chỉ khi được ban trao sự lãnh đạo, trong tin tưởng và tự nguyện, thì nhà lãnh đạo mới có thể hành xử công việc lãnh đạo của mình. Và cũng chỉ khi đó, các dự án lãnh đạo mới có thể thành việc.
Sự chính trực vẹn toàn này sẽ không chỉ dừng ở trong lời nói và việc làm của nhà lãnh đạo, mà phải được mở rộng ra cả hệ thống mà người đó thiết kế và vận hành, và thể hiện ra thành sự minh bạch. Một hệ thống chính trực là một hệ thống minh bạch. Chính vì vậy, nhà lãnh đạo bao giờ cũng hướng đến việc xây dựng một hệ thống minh bạch, còn nhà cầm quyền thì không. Vì với nhà cầm quyền, quyền lực đến được không qua sự ban trao, mà qua sắp xếp hoặc chiếm đoạt. Vì thế, nhà cầm quyền sẽ không quan tâm đến sự tin tưởng của người dân, mà tập trung vào tuân thủ và đàn áp.
Để công việc lãnh đạo được thành công, nhà lãnh đạo bắt buộc phải thuyết phục được toàn dân tham gia, và huy động được mọi nguồn lực của người dân, để hiện thực hóa các dự án lãnh đạo của mình, hay rộng hơn là toàn bộ tương lai mà nhà lãnh đạo thiết kế ra. Để làm được điều này, yêu cầu tiên quyết là toàn dân phải có cơ hội được tham gia ngay từ những khâu đầu tiên, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người đại diện của mình.
            Muốn vậy, nhà lãnh đạo phải có thêm một nền tảng cốt yếu khác, là bao dung hội hợp. Chỉ khi có được sự bao dung hội hợp thì nhà lãnh đạo mới có thể thu hút được đủ người tài, và có được đủ sự ủng hộ của toàn dân để hiện thực hóa các chương trình lãnh đạo của mình.
Với hoàn cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam, khi chiến tranh xảy ra liên miên, chia cắt lòng người còn nặng nề, thì bao dung hội hợp lại càng trở nên quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Sự bao dung hội hợp này, cũng tương tự như chính trực vẹn toàn, phải được mở rộng ra cả hệ thống chính trị mà nhà lãnh đạo xây dựng lên.
Vậy đâu là một hệ thống có khả năng bao dung hội hợp với mọi người dân? Rõ ràng, đó chỉ có thể là một hệ thống dân chủ. Vì hệ thống dân chủ cho phép mọi người dân đều có cơ hội được tham gia và đóng góp, được bày tỏ chính kiến của mình trong việc phát triển đất nước. Còn một hệ thống độc tài sẽ không có khả năng làm được việc này.
Và trở lại cách thức đạt được quyền lực rằng, nhà lãnh đạo sẽ đạt được quyền lực thông qua sự ban trao, mà cụ thể là một cuộc bầu cử dân chủ và minh bạch, còn nhà cầm quyền sẽ đạt được quyền lực thông qua sắp xếp hoặc chiếm đoạt, sẽ thấy rằng nhà lãnh đạo sẽ hướng đến việc xây dựng một hệ thống chính trị dân chủ, không chỉ vì một hệ thống như vậy sẽ mang lại tính chính danh cho quyền lực và vị trí mà họ đang nắm giữ, mà nó còn là một công cụ đắc lực để họ huy động mọi người lực trong việc hiện thực hóa các chương trình lãnh đọa của mình. Còn nhà cầm quyền sẽ lảng tránh việc này, vì nó đe dọa trực tiếp đến quyền lực và vị trí mà họ đang có được thông qua sắp xếp hoặc chiếm đoạt.
Vậy nên, nhìn vào hệ thống chính trị đang được xây dựng, có thể biết được đó là nhà lãnh đạo hay nhà cầm quyền.
Sứ mệnh cá nhân
Điểm khác biệt thứ năm là sứ mệnh cá nhân mà nhà lãnh đạo hoặc nhà cầm quyền tự đặt ra cho mình.
Nhà lãnh đạo, xuất phát từ cách thức đạt được quyền lực và bản chất công việc của mình, thường tự đặt ra một sứ mệnh cá nhân lớn lơn mối quan tâm của bản thân, gia đình hoặc phe nhóm mình, tức gắn liền sứ mệnh cá nhân của mình với tương lai của cộng đồng mình dẫn dắt. Vì sao vậy? Vì chỉ thông qua cách đó, nhà lãnh đạo mới có được sự tin tưởng và ban trao sứ mệnh lạo của người dân. Và cũng chỉ bằng cách đó, nhà lãnh đạo mới có thể thuyết phục người dân tin vào tương lai mà nhà lãnh đạo thiết kế ra, và cùng hợp tác với nhà lãnh đạo để hiện thực hóa tương lai đó. Nếu sứ mệnh của nhà lãnh đạo chỉ đơn thuần là để vinh thân phì gia, hoặc chỉ nhằm mang lại lợi ích cho phe nhóm mình, thì không có cách nào thuyết phục được người dân tin tưởng để ban trao sự lãnh đạo. Đó là lý do vì sao trong các cuộc bầu cử dân chủ, nhà lãnh đạo tương lai luôn phải truyền thông và trình bày về chương trình hành động của mình, để thông qua đó người dân thấy và đánh giá được tương lai mà nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tạo ra có đáng thuyết phục, sứ mệnh của nhà lãnh đạo có gắn với mệnh vận mệnh của dân tộc hay không. Chính vì lẽ đó, một nhà lãnh đạo đích thực luôn mang trong mình một sứ mệnh cá nhân lớn lao, và luốn hướng đến việc trở thành và hành động bởi những điều lớn hơn bản thân, gia đình hay phe nhóm của mình.
Nhà cầm quyền thì ngược lại. Do cách thức đạt được quyền lực thông qua kế truyền, sắp xếp hoặc chiếm đoạt, và bản chất của công việc cầm quyền là tìm mọi cách để hợp thức hóa và duy trì quyền lực đã có, sứ mệnh của nhà cầm quyền thường chỉ giới hạn trong việc duy trì và trục lợi từ quyền lực đang có, cho cá nhân, gia đình hoặc phe nhóm của mình. Nhà cầm quyền không quan tâm đến việc mình có được người dân tin tưởng ban trao cho sự lãnh đạo hay không, nên không có động lực đặt ra những sứ mệnh cá nhân lớn hơn bản thân mình, và xông pha gánh vác những công việc khó khăn liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc.
Trong hầu hết các trường hợp, nhà cầm quyền sẵn sàng hy sinh lợi ích của dân tộc để đánh đổi lấy lợi ích cá nhân. Lịch sử khắp nơi đã cho thấy, nhiều nhà cầm quyền sẵn sàng đánh đổi chủ quyền hoặc đẩy dân tộc đến bước tồn vong chỉ để duy trì sự cầm quyền hoặc bảo vệ lợi ích của cá nhân mình. Thậm chí, họ sẵn sàng mua bán đổi trác lợi ích của dân tộc chỉ để thỏa mãn hưởng thụ cá nhân, nhiều khi chỉ tính bằng một vài cuộc ăn chơi trác táng. Đó là lý do vì sao ở những nước dân chủ, đạo đức cá nhân hay cách thức sử dụng tài sản công lại là vấn đề quan trọng và nhạy cảm với nhà lãnh đạo. Nhiều người đã phải từ chức vì những vụ việc cá nhân cỏn con như vậy. Nhưng dưới con mắt của người dân thì vấn đề không hề cỏn con chút nào, bởi qua đó, người dân sẽ nhận ra sứ mệnh trong công việc mà anh đang thực thi, và nhận diện ra anh là nhà lãnh đạo hay nhà cầm quyền. Nếu đó là nhà cầm quyền, người dân sẽ thu hồi lại sự lãnh đạo mà họ đã ban trao, trước hết thông qua công luận, sau là qua các thủ tục pháp lý nếu cần, vì thế nhà lãnh đạo không còn cách nào khác là phải từ chức.
Tâm thế hành xử
Điểm khác biệt thứ sáu là khác biệt trong tâm thế hành xử của nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền. Xuất phát từ cách thức đạt được quyền lực, và bản chất của công việc lãnh đạo và cầm quyền là khác nhau, nên tâm thế hành xử của nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền cũng khác nhau. Nếu như nhà lãnh đạo dám nhìn thẳng vào hiện tại, đối mặt với hiện tại theo cách nó đúng là như vậy, để từ đó tìm ra sự thật và các cơ hội, các điều kiện tốt nhất để hiện thực hóa tương lai mà họ thiết kế ra, thì nhà cầm quyền sẽ thường nhìn hiện tại qua lăng kính bảo vệ quyền lực, vì thế thường thấy hiện tại như một sự đe dọa, do đó thường chỉ nhìn ra các thế lực thù địch, nguy cơ và sự bất an. Vì lẽ đó, nếu nhà lãnh đạo luôn là người có tâm thế chủ động khi đối mặt với hiện tại, theo nghĩa luôn chủ động tìm ra sự thật và kết nối các sự thật, tổ chức các nguồn lực hiện có của hiện tại để hiện thực hóa tương lai mà họ đã thiết kế ra, thì nhà cầm quyền sẽ luôn ở trong tâm thế bị động trước hiện tại, khi luôn coi hiện tại là một mối đe dọa cần xử lý, thậm chí ngay cả khi anh ta chủ động xử lý hiện tại như xử lý một mối đe dọa thì trên thực tế đó vẫn là một sự bị động vì hiện tại đang diễn biến theo hướng buộc anh ta phải làm như vậy.
Chính vì thế, nhìn phong thái hành xử của những người đứng đầu của tổ chức, và rộng hơn là của đất nước, trước những diễn biến của hiện tại, chúng ta sẽ biết được đó là nhà lãnh đạo hay nhà cầm quyền.
Hiển nhiên, một người chủ động là một người có khả năng tạo ra sự thay đổi và làm chủ sự thay đổi đó. Đó là một người có quyền lực thực sự. Còn một người bị động thì muốn hay không anh ta vẫn chỉ là nạn nhân của sự thay đổi. Đó là một người không có quyền lực thực sự, dù trên thực tế anh ta có đủ quyền uy và chức vị để hành xử như một người có quyền lực. Điều này cũng dễ hiểu khi ta trở lại cách thức đạt được quyền lực của nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền, và thấy rằng, quyền lực thực sự chỉ có được khi nó được ban trao trong sự tin tưởng và tự nguyện, còn quyền uy có thể đạt được thông qua sắp xếp hoặc cưỡng đoạt.
Nói cách khác, nhà lãnh đạo có được quyền lực thông qua sự ban trao, trong tự do và tin tưởng. Còn nhà cầm quyền có được quyền uy thông qua sự sắp xếp và chiếm đoạt, trong mưu mô và đe dọa.
Chuyển hóa cầm quyền – lãnh đạo
Cần lưu ý là có tồn tại sự chuyển hóa qua lại giữa lãnh đạo và cầm quyền. Nếu như trong quá khứ, một người hoặc nhóm người đã từng là nhà lãnh đạo vì họ được người dân tin tưởng trao quyền lãnh đạo, do họ đã tạo ra được một tương lai chung đáp ứng được mối quan tâm của tất cả mọi người, họ thuyết phục mọi người tin theo và bản thân họ là người nỗ lực hiện thực hóa tương lai đó, mà thường gặp nhất là lãnh đạo của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thì rất có thể sau đó khi sứ mệnh ban đầu đã hoàn tất, họ sẽ không còn là nhà lãnh đạo nữa, mà đã chuyển hóa thành nhà cầm quyền khi chỉ tập trung vào việc duy trì quyền lực của mình, và dùng hào quang của quá khứ để hợp thức hóa sự cầm quyền đó, trong khi tương lai mà họ hướng đến chỉ nhằm đáp ứng mối quan tâm của chính họ và một nhóm người có lợi ích liên quan chứ không phải là một tương lai chung đáp ứng mối quan tâm của tất cả mọi người. Trong trường hợp ấy, người đó hoặc nhóm người đó đích thị là một nhà cầm quyền, chứ không phải nhà lãnh đạo.
Ngược lại, một nhà cầm quyền khi chuyển đổi công việc của mình từ việc tìm mọi cách bảo vệ quyền lực và lợi ích của mình hiện thời, sang thiết kế một tương lai chung cho toàn dân tộc, thuyết phục toàn dân tin vào tương lai đó và nỗ lực hiện thực hóa nó thì nhà cầm quyền khi đó đã chuyển hóa trở thành nhà lãnh đạo. Trong nhiều trường hợp, tuy sự chuyển hóa này không đủ rõ ràng về hình thức, và nhà cầm quyền tuy vẫn mang danh là nhà cầm quyền, thậm chí mang danh độc tài, thì về nội dung, người đó đã tự chuyển hóa để trở thành nhà lãnh đạo, vì công việc người đó thực hiện và sứ mệnh mà người đó gánh vác là công việc và sứ mệnh của nhà lãnh đạo, cho dù cách thức đến với công việc và sứ mệnh đó không được chính danh thông qua sự ban trao của người dân. Tuy nhiên, lịch sử sẽ công bằng nhìn ra người đó là nhà lãnh đạo hay nhà cầm quyền, và sẽ ghi nhận đầy đủ những gì mà người đó đóng góp.
Với Việt Nam, câu chuyện về lãnh đạo và cầm quyền là câu chuyện thời sự. Chúng ta đã từng có nhà lãnh đạo, nhưng chưa bao giờ chúng ta thiếu các nhà lãnh đạo như hiện giờ. Nhìn đâu cũng chỉ thấy nhà cầm quyền, ở mọi cấp độ. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có tiếp tục cần các nhà cầm quyền? Hiển nhiên là không, chúng ta cần các nhà lãnh đạo chứ không cần các nhà cầm quyền. Nhưng bằng cách nào để có được các nhà lãnh đạo, và làm sao để tạo ra một môi trường để cho nhà lãnh đạo xuất hiện và thực hiện công việc của mình?
Câu trả lời xin bỏ ngỏ cho những ai đang suy tư và hành động để thúc đẩy sự phát triển đất nước, và đặc biệt cho những người trong cuộc chuyển giao quyền lực đang diễn ra những ngày đầu năm 2016 này. 
GVD/BS
---------------

11 nhận xét:

  1. Vì sao họ lại phát triển, còn mình thì không ? phía sau tất cả các yếu tố này, bao giờ cũng thấp thoáng hình bóng của nhà lãnh đạo xuất sắc . Việt Nam nói riêng và các nước lạc hậu nói chung là không có cơ hội để tạo ra những người xuất sắc , nó đã bị đập chết ngay từ trong trứng nước bằng cái thói quen "gia đình trị " vì trẻ em đang phải sống bằng những đồng tiền bố mẹ kiếm được chứ không phải từ bảo trợ nhà nước , đã tạo ra một tầng lớp con người tạp nham hèn kém để cho cái ác hoành hành .......

    Trả lờiXóa
  2. Nhất trí với tác giả , tâm đắc nhất là phần viết về bầu cử . Nếu mang VN so với các nước dân chủ thì trong năm 2016 , vụ Formosa là đủ cho cả Chính phủ và Quốc hội VN phải ra đi , vụ xả lũ miền Trung gây lụt , chết hàng trăm người thì ít nhất cũng phải có vài Bộ trưởng đội nón về quê đuổi gà . Nhưng không , không có gì xảy ra cả , sự im lặng rợn người , những phát ngôn lạnh tanh . Không thấy ở đâu có những người cầm quyền vô cảm đến thế , bao biện , phủ nhận và cả diễn kịch nữa để có lý do bám chắc quyền lực hơn . Đỉa đến thế là cùng ! Khi chưa có kết luận gì về Formosa , nhưng họ đã " nhanh trí " tổ chức ăn cá và tắm biển , âm mưu gì ? có thể nói , đây là một trong những vụ lừa đảo trắng trợn nhất của nhà cầm quyền CS . Theo tôi thì họ chỉ là một lực lượng cầm quyền với tư tưởng tạm thời , chợ chiều cuối khóa , thêm ngày nào hay ngày ấy . Có thể kết luận , họ là những người thờ CNCS nhưng đã tự chuyển hóa mình thành những người của CN cơ hội . Đơn giản cho dễ hiểu : Ôm và chuồn , hậu quả các bạn ở lại giải quyết giúp !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét của bạn quá chuẩn luôn , không cần nói nhiều!

      Xóa
  3. Trong thể chế Tự do - Có tam quyền phân lập - Được ứng cử và bầu cử tự do để chọn người tài đảm đương việc nước - Tổ Quốc trên hết - Danh Dự và Trách Nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh - Dân chủ công bằng - Lập Pháp Hành Pháp và Tư Pháp luôn luôn thực thi đúng đường lối chính sách - Quản lý và giám sát có tinh thần trách nhiệm cao - Nếu vi hiến sẽ bị tòa án tối cao luận tội - Cách chức hoặc buộc phải từ chức -
    Thể chế Cộng sản - Đảng lảnh đạo cá nhân phụ trách - từ lảnh đạo đia phương đến trung ương phải theo chỉ đạo của đảng - mục đích đảng giàu đảng mạnh - Đất nước thụt lùi dân càng ngày càng nghèo mạt - Có sai sót thì rút kinh nghiệm - không có chuyện từ chức - là vì đảng giao cá nhân phụ trách - sai hay đúng đều do đảng - không ai chịu trách nhiệm - Không có sáng kiến sáng tạo vì mọi sự đều do đảng lảnh chỉ đạo mà thôi -

    Trả lờiXóa
  4. Chỉ khi nào có đa Đảng , ĐCS bị loại thì đất nước mới chuyển mình nổi còn ĐCS cướp này cuối cùng tụt hậu dẫn đến mất nước .

    Trả lờiXóa
  5. Một bài viết hay, phân tích thấu đáo của tác giả, nhưng ở Việt Nam hiện nay việc lãnh đạo hay cầm quyền đã được mặc định nên ngay trong thông cáo chung nhân chuyến thăm đầu năm 2017 giữa Việt Nam- Trung quốc, đã khẵng định "cùng nâng cao năng lực và trình độ cầm quyền".....- Điểm 2, Mục 5 thông cáo chung , Như vậy người ta đã mặc nhiên khẵng định vai trò "cầm quyền" và cần " nâng cao năng lực cầm quyền " liệu ý tưởng tiến đến Nâng cao năng lực lãnh đạo bao giờ mới thực hiện được.

    Trả lờiXóa
  6. "Đảng ta là đảng cầm quyền",
    Để cho quan chức lắm tiền hại dân.
    Lãnh đạo là để vinh thân,
    Nhà cao cửa rộng còn dân mặc mày.
    Tổng lú đầu đảng nói HAY,
    Nói đi nói lại cắn ngay mồm mình.
    Chủ tịch nước nòi an ninh,
    Sao để tham nhũng nước mình trốn đi.
    Thủ tướng Phúc nói cái chi,
    Người dân khó hiểu thôi thì cảm thômg!
    Chủ tịch quốc hội đồng lòng,
    Đảng ra chỉ thị quyết không bàn lùi.
    Cầm quyền -Lãnh đạo đảng tui,
    Cùng nhau một guộc mua vui lọc lừa.
    Chống tham nhũng hay nói bừa,
    Chống không chống nổi đổ thừa lẫn nhau.
    Người dân thấy vậy lòng đau,
    Đả đảo tham nhũng đập đầu chúng đi.../.

    Trả lờiXóa
  7. Bài viết rất bổ ích để phân biệt nhà lãnh đạo và kẻ cầm quyền . Với cách sắp xếp, kế truyền quyền lực của ĐCSVN, XH VN hiện nay không có cá nhân nào đủ tầm, tâm , trí, dũng , để làm lãnh đạo. Tổ chức ĐCSVN sau khi lãnh đạo nhân dân cướp được chính quyền từ Nhật đã thành lực lượng cầm quyền . Theo thời gian, ĐCSVN với chế độ độc đảng , biến nhà nước VN thành nhà nước độc tài chuyên chế. Họ đặt lợi ích của ĐCSVN lên trên lợi ích của Tổ quốc và Dân tộc VN. Biến LLVT, cảnh sát thành công cụ bảo vệ chế độ độc tài của ĐCSVN và quay mũi súng vào nhân dân và Dân tộc. Bộ máy nhà nước dân chủ XHCN thành nhà nước tập quyền chuyên chế, áp bức và tước quyền làm chủ của nhân dân. Tham nhũng, đồi bại của hàng ngũ quan chức VN ngày càng bệ rạc là điều hiển nhiên.

    Trả lờiXóa
  8. Các đảng CS có nhân tài -có lãnh tụ thực sự không ?Không -xin trả lời quý vị rằng 100% là không .Bởi vì CNCS là quái thai của nhân loại ,Max-Angenla những kẻ tâm thần bất định ,phân liệt nặng .Những kẻ như Lê nin -Mao -Hồ .......là những thằng ngu ,vô học ,không có văn hóa .Chung coi tri thuc la nhung cuc phan.Cuong linh cua dang thi coi tri-phu -dia hao phai dao tan goc re .Con viec chung boi son trat phan len mat nhung ac ba nhu Mao,nhu Ho la ba lap ,bia dat -Gio day moi nguoi da ro .

    Trả lờiXóa
  9. Đồng bào ruột thịt bên Quê nhà NGHÈO và LÝ DO là đây

    VỊT CỘNG đang nối giáo làm giàu cho TÀU CỘNG


    Giá than quốc tế 50 - 54 USD/tấn, Việt Nam nhập từ

    Trung Quốc 71 USD/tấn!

    Sunday, February 5, 2017

    http://www.tintuchangngayonline.com/2017/02/gia-than-quoc-te-50-54-usdtan-viet-nam.html

    Như Dân Trí đã đưa tin, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, vượt 3 lần so với dự kiến và vỡ kế hoạch nhập khẩu mặt hàng trong năm 2016 mà Bộ Công Thương đưa ra. Điều đáng nói là trong 3 thị trường cung cấp than cho Việt Nam là Nga, Trung Quốc và Indonesia, giá nhập than Trung Quốc lại đắt gấp gần 1- 2 lần so với hai đối tác trên.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bọn mafia cộng sản ở Quảng Ninh cũng "bán" than cho Tàu cộng giá 50 Đô la / tấn và nhập lại cũng của Tàu (chính là cục than của mình nhưng được Tàu cộng và Việt cộng đã "làm giàu than?" để "bán" trở lại VN với giá 70 Đô/tấn=> tự dưng móc túi của dân ra 20 đô cho 2 thằng cộng sản lưu manh chia nhau.
      CS thật lắm thủ đoạn lưu manh ăn cắp.

      Xóa