Trang BVB1

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Phản ứng từ lãnh đạo thế giới sau khi Trump bỏ TPP

Bộ trưởng 12 nước ký kết TPP ở Auckland tháng 2/2016. Ảnh: Getty Images.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ, ông Donald Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày đầu tiên ông nhậm chức. Sau đây là một số phản ứng về động thái này.
Hiệp định TPP được ký kết bởi 12 nước, chiếm 40% các nền kinh tế thế giới, nhưng hiệp định này vẫn chưa được phê chuẩn.
Cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương tại Peru vào cuối tuần vừa qua đã ra tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng hiệp định thương mại này bất chấp sự phản đối của ông Trump.
Vậy nếu Mỹ rút khỏi TPP, tương lai của TPP sẽ ra sao?
Malcolm Turnbull, Thủ tướng Úc:
Thời gian sẽ trả lời liệu chính quyền và quốc hội mới có giải quyết hay không hoặc giải quyết đến mức độ nào đối với TPP hay một phiên bản cao cấp hơn của hiệp định này. Có nhiều sự ủng hộ giữa 11 nước tham gia TPP để phê chuẩn và đưa hiệp định này vào hiệu lực.
Ông Trump và Quốc hội mới của mình đưa ra quyết định vì lợi ích của nước Mỹ. Về phía Úc, một điều rất rõ ràng là hiệp định TPP phản ánh mạnh mẽ lợi ích quốc gia của chúng tôi vì nó mang đến sự tiếp cận rộng hơn cho mặt hàng xuất khẩu, hàng hóa hay dịch vụ.
John Key, Thủ tướng New Zealand:
Nước Mỹ không phải là một hòn đảo. Quốc gia này không thể chỉ đứng nhìn mà không tham gia vào giao thương với phần còn lại của thế giới. Tới một thời điểm nào đó, họ cũng phải cân nhắc điều này.
Najib Razak, Thủ tướng Malaysia:
Tổng thống đắc cử Donald Trump, với tư cách là người được bầu một cách dân chủ để trở thành lãnh đạo nước Mỹ, có quyền đưa ra các quyết định chính sách mà ông cho là đúng. Bản thân tôi là một người ủng hộ mạnh mẽ phát triển thương mại và hội nhập khu vực tai Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là lợi ích cho người dân đất nước tôi. Tôi mong chờ việc hợp tác tương lai với Tổng thống đắc cử Trump trên cơ sở những mục tiêu chung của hai quốc gia về củng cố an ninh và đảm bảo tăng trưởng bền vững, bao quát và công bằng.
Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á:
Đây là một tin đáng buồn. Nó chấm dứt sự lãnh đạo của Mỹ về mặt thương mại quốc tế và chuyển giao trách nhiệm này sang châu Á. Trong thời điểm kinh tế phát triển chậm lại, thế giới phải ngăn chặn việc nền kinh tế lớn nhất dần trở nên biệt lập.
Simon Rabinovitch, biên tập kinh tế châu Á tại tạp chí The Economist:
Đây không phải là một điều đáng ngạc nhiên sau khi quan sát những bài phát biểu tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên nó vẫn là một tin đáng thất vọng. Việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ giết chết một thương vụ kéo dài cả thập kỷ.
Điều trớ trêu là, mặc dù Trump gọi TPP là một hiệp định tồi tệ, nhưng thực tế nó rất tốt cho nước Mỹ. Hiệp định này có khả năng đem lại vị thế quan trọng trong việc quyết định luật lệ thương mại ở châu Á và Hoa Kỳ, đặt thêm trọng tâm vào quyền lao động và quyền sở hữu trí tuệ.
TPP sụp đổ đồng nghĩa với một khoảng trống quyền lực tại châu Á. Có nhiều bàn luận về việc Trung Quốc đang muốn lấp đầy khoảng trống này để trở thành người lãnh đạo khu vực trong việc định hướng các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn vì nhiều chính quyền các nước trong khu vực lo lắng về bộ máy xuất khẩu của Trung Quốc.
Jim Rogers, Nhà đầu tư:
Dù tốt hay xấu, sự kiện này đã trao cho Trung Quốc và đồng minh của mình một món quà, đó chính là Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một khu vực có dân số vài tỷ người, cùng với những nền kinh tế mạnh, ít nợ và nhiều tài sản khác. Dù tương lai tiếp diễn thế nào, đây cũng là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử.
*       *      *
Kinh tế gia Việt bình luận về quyết định của Trump bỏ TPP
Các chuyên gia kinh tế bình luận với BBC về thông báo của Tổng thống tân cử Donald Trump rằng ông sẽ bỏ TPP ngay trong ngày đầu vào Nhà Trắng.
Hôm 22/11, ông Trump đưa ra tuyên bố Mỹ sẽ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong một video phác thảo những gì ông dự định làm đầu tiên khi nhậm chức vào tháng 1/2017. Hiệp định TPP được 12 quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới ký kết.
Việt NamMalaysia được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này. Hai nước này đang đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ, nhưng hy vọng thuế quan với một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sẽ được xóa bỏ.
Hôm 22/11, trả lời BBC từ Hà Nội, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói: “Tôi không bất ngờ trước động thái này của ông Trump vì ông đã tuyên bố từ lúc tranh cử.”
“Tuy vậy, tôi nghĩ là chúng ta phải chờ xem liệu chính phủ Mỹ có rút lui thật sự khỏi TPP hay ý của ông Trump là muốn thương lượng lại những điều khoản mà ông ấy cho rằng không có lợi cho Mỹ.”
“Tôi cho rằng giới chức Việt Nam chưa vội đưa ra phản ứng về động thái này do họ còn chờ phản hồi của các quốc gia khác.”
Ông cũng nói thêm rằng “Về vấn đề tham gia TPP, Bộ Công Thương có trách nhiệm trực tiếp nhưng Bộ Chính trị mới là cơ quan đưa ra quyết định sau cùng.”
‘Việt vị’
Cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú từ Đại học Strassbourg, Pháp, nói với BBC: “Khi hay tin thông báo của ông Trump thì tôi nghĩ Việt Nam có cảm giác như ‘bị việt vị’ vậy.”
“Vì thời gian qua, Hà Nội đã ra nghị quyết, chứng tỏ quyết tâm vào TPP với mong muốn Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế.”
“Tuy vậy, nếu không có TPP thì Việt Nam vẫn có thể thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do với các nước khác, nhất là với châu Âu.”
“Qua vụ việc này, theo tôi, nói chung là không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”, chỉ phụ thuộc vào một nước hoặc là Trung Quốc, hoặc là Mỹ.”
Chuyên gia nói thêm: “Nhưng cũng phải nói rằng việc không có TPP là một thất vọng cho Việt Nam.”
“Vì ngoài tác động đến kinh tế, TPP có những yêu cầu cao về các khía cạnh khác như về tiêu chuẩn lao động, việc hình thành công đoàn độc lập, thị trường công…”
“Tuy nhiên, nếu Hà Nội thật sự muốn cải cách thì họ vẫn có thể tự cải cách để xây dựng các tiêu chuẩn đó.”
“Ngoài ra, cũng cần lưu ý là việc tham gia các các hiệp định thương mại tự do cũng có thể có những hệ lụy lên kinh tế, nhất là khi giá thành sản phẩm từ các nước khác rẻ hơn trước thì sẽ gây khó khăn cho các mặt hàng nội địa”.
“Điều quan trọng nhất là Việt Nam phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, luật pháp nghiêm minh trước đó thì mới có thể tận dụng được hết các ưu điểm của các hiệp định thương mại tự do này.”
“Chúng ta nên rút bài học từ việc tham gia vào WTO để vạch ra lộ trình nâng cao tính cạnh tranh cho hàng Việt Nam. Có như vậy thì sau này chúng ta mới sẵn sàng cho một hiệp định như TPP,” ông Phú nói với BBC.
-------------

1 nhận xét:

  1. "Để có hiệu lực, TPP cần được ít nhất sáu nước, chiếm ít nhất 85% tổng sản lượng kinh tế của nhóm, thông qua trước tháng Hai 2018. Điều này có nghĩa là cả Nhật Bản và Hoa Kỳ phải thông qua vì thiếu hai nước này tỷ trọng kia sẽ không đạt được." (BBC)
    Mà VNcs có tham gia cái gì cũng chỉ biết ngửa mũ ăn xin...

    Trả lờiXóa