Nhà kinh tế học Milton Friedman nói về
chủ nghĩa tư bản như sau: “Chủ nghĩa tư bản không hoàn hảo nhưng
nó là hệ thống tuyệt vời nhất trong lịch sử nhân loại”[1]. Vì nó không hoàn hảo nên người ta
vẫn không ngừng tìm kiếm một mô hình hoàn hảo hơn hệ
thống tư bản chủ nghĩa và hình dung nó là chủ nghĩa xã hội, bình đẳng hơn so
với chủ nghĩa tư bản.
Nhưng trên con đường tìm kiếm đó, nếu có
một hệ thống hoàn hảo hơn hệ thống tư bản chủ nghĩa thì chắc chắn đó
không phải là chủ nghĩa xã hội mà Lênin gọi nó là giai đoạn đầu của chủ nghĩa
cộng sản. Vì ngày
nay, những người cộng sản ở Nga thời “hậu Xô Viết” cũng như những người cộng
sản ở Phương Tây khi ra tranh cử đã không thể dùng Cương lĩnh cộng sản của Marx
mà phải dùng đến Cương lĩnh dân chủ xã hội pha thêm màu sắc dân tộc chủ nghĩa.
Ở những nơi này, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đã mất tính hấp dẫn. Sự
thật là ở Pháp, trước Đại hội đảng lần thứ 36, số cử tri bầu Nghị viện bỏ phiếu
cho Đảng cộng sản Pháp không tới 3%, còn ở Tây Đức là 0,3%, ở Anh là 0,05%.
Tại sao chủ nghĩa cộng sản của học
thuyết Marx lại mất đi tính hấp dẫn như thế? Nguyên nhân không phải như một số
người cộng sản bảo thủ giáo điều nói Lý thuyết và Cương lĩnh của Marx vẫn
đúng nhưng thực thi sai mà là Lý thuyết và Cương lĩnh đó có những sai
lầm thuộc về bản chất, sai
ngay từ đầu.
Từ ngữ “Chủ nghĩa cộng sản” không do
Marx và Engels sáng tạo ra. Nó đã xuất hiện từ lâu, vào khoảng năm 1840 ở Paris nước Pháp. Đến thời
Marx, từ ngữ này liên quan đến 3 khái niệm gắn bó với nhau là: Lý tưởng của chủ
nghĩa cộng sản + Cương lĩnh (tức kế hoạch) hành động + Thực hiện biến từ lý
tưởng thành hiện thực.
Lý tưởng và Cương lĩnh chỉ là những dự
đoán và vô hại. Nhưng việc tổ chức thực hiện chúng thành hiện thực thì đáng
quan tâm hơn cả, vì nó có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước. Khi
Marx và Engels còn sống, hai ông mới đưa ra lý tưởng và cương lĩnh, viết trong
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, còn việc thực hiện chúng bằng toàn bộ sức mạnh
của nhà nước thì chỉ mới được Lênin thực nghiệm lần
đầu tiên ở nước Nga từ năm 1917, dùng chuyên chính vô sản, thiết lập một xã hội
bình đẳng, không còn tư hữu, đặt nền móng cho con đường đi đến chủ nghĩa cộng
sản, kéo dài được 74 năm rồi tự sụp đổ.
***
1)- Lý tưởng và cương lĩnh cộng sản của Marx và
Engels đã sai từ đầu.
Các tác phẩm của Marx và Engels viết về
lý tưởng và cương lĩnh của chủ nghĩa cộng sản gồm hàng chục tập. Riêng bộ Tư
bản đã có một ngàn bốn trăm trang in với nhiều thuật ngữ chuyên môn. Ít người
đủ sức đọc hết những tác phẩm cực kỳ khó hiểu như thế. Giải thích cho dễ hiểu
cũng rất khó khăn. Tuy nhiên những nguyên lý cơ bản của học thuyết “ chủ nghĩa
xã hội khoa học “ (tức là chủ nghĩa cộng sản) của Marx có thể quy về một vài
luận điểm tương đối đơn giản cho dễ hiểu.
– Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản là thứ
lý tưởng bình đẳng tuyệt đối. Nó từng có trong tác phẩm của nhà triết học
Platon (427-347 TCN), cho rằng bất bình đẳng về mặt xã hội và kinh tế có nguyên
nhân chủ yếu từ sự bất bình đẳng về tài sản. Platon cho rằng muốn bình đẳng thì
phải từ bỏ tư hữu. Điểm khác
giữa Marx và Engels với Platon là Marx và Engels muốn
tước đoạt sở hữu của người khác. Trong
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản năm 1848, Marx và Engels kêu gọi giai cấp vô sản
dùng bạo lực giành chính quyền, biến thành giai cấp thống trị, dùng sự thống
trị đó từng bước tước đoạt toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản. Thế nhưng
các nhà sử học, các nhà khảo cổ học, các nhà nhân chủng học trên thế giới đã
thống nhất kết luận rằng chưa ở đâu và chưa bao giờ có chuyện tư liệu sản xuất
là của chung và lý tưởng về một xã hội không có tư hữu chỉ là một huyền thoại.
Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại xa xưa (1100-800 TCN), ruộng đất đã được coi là hàng
hóa, do đó đã có sự bất bình đẳng xã hội, mà nguồn gốc là từ quyền tư hữu.
– Lý thuyết của Marx và Engels về một
thiên đường cộng sản bình đẳng tuyệt đối chịu ảnh hưởng bởi học thuyết
Darwin, được Darwin
trình bày trong cuốn “ Nguồn gốc các loài “ vào năm 1859, giải thích về sự xuất
hiện các loài sinh vật thông qua chọn lọc tự nghiên. Marx dùng thuyết đó để
tiên đoán quy luật phát triển lịch sử của loài người, nhất định sẽ phải đi đến
chủ nghĩa cộng sản, biến chủ
nghĩa cộng sản, con đẻ của chủ nghĩa Marx trở thành
một thứ tôn giáo, một
khái niệm không thể đảo ngược, không ai được phép tranh luận vềnhững
vấn đề chưa rõ ràng về mặt khách quan trong khái niệm đó, dẫn đến chủ nghĩa Marxlà
một học thuyết giáo điều, cứng nhắc mang mặt nạ khoa học.
– Kể từ khi xuất hiện nền sản xuất công
nghiệp đại trà, quan điểm của các phong trào đòi bình
đẳng đã thay đổi hoàn toàn. Tiền từ công thương nghiệp sinh ra trở thành tài
sản chủ yếu, chứ không phải từ địa tô. Từ đó xuất hiện một hình thái nghèo đói
mới, do tiến bộ kỹ thuật, sinh ra nạn thất nghiệp, mà từ khi Marx còn sống cho
đến nay, tất cả các nước tư bản và các nước không phải là tư bản chủ nghĩa đều
phải đối mặt và tất nhiên là không thể dùng giải pháp cách mạng vô sản và xóa
bỏ tư hữu của Marx.
– Một phát kiến vĩ đại nữa của Marx là
khái niệm giá trị thặng dư. Theo Marx thì toàn bộ giá trị đều được tạo ra bởi
lao động (Marx không kể đến tri thức kinh nghiệm tổ chức và quản lý doanh
nghiệp của chủ doanh nghiệp, không kể đến những khoản chi phí khổng lồ cho
nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cũng không tính đến những mất mát về đầu
tư mạo hiểm …). Marx cho rằng người sử dụng lao động chỉ trả cho công nhân công
nghiệp một phần nhỏ giá trị mà người công nhân đó làm ra để anh ta đủ sống qua
ngày, phần còn lại gọi là “thặng dư” thì người sử dụng lao động đút cả vào túi
mình (Marx không nói đến các khoản chi để nộp thuế, để đào tạo nghề, để tìm
kiếm thị trường, để bảo hành sản phẩm …).
Cũng theo Marx, trong điều kiện cạnh tranh và trong các cuộc khủng hoảng sản
xuất thừa, tiền lương trả cho công nhân bị hạ xuống, mức sống ngày càng tồi tệ
và bị bần cùng hóa. Tiến trình này nhất định sẽ dẫn đến cách mạng vô sản và sự
cáo chung của chủ nghĩa tư bản. Từ
dự đoán đó, Marx mơ mộng: “Trong xã hội cộng sản, xã hội điều tiết
toàn bộ quá trình sản xuất, sẽ tạo ra điều kiện để hôm nay tôi làm việc này
nhưng ngày mai tôi làm việc khác. Sáng đi săn, trưa đi câu cá, chiều chăn thả
gia súc, tối viết sách – tùy thích”. Nhưng ngay cả khi Marx còn sống,
trên thực tế, các
dự đoán của ông đều sai.Quả thật chủ nghĩa tư bản đã trải qua
những giai đoạn khủng hoảng nhưng sụp đổ thì chưa xảy ra. Ngay trong khi Marx
đang viết bộ Tư bản tại thủ đô nước Anh, tiền lương của người lao động Anh đã
tăng, chương trình bảo trợ xã hội của chính phủ đã ra đời, với các đạo luật về
bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Người lao động không trở thành nạn nhân
của tiến trình bần cùng hóa như Marx dư đoán.
– Lý thuyết và cương lĩnh
hành động của học thuyết Marx đã sai ngay từ khi mới là những dự đoán nên
đã hơn 100 năm kể từ sau khi Marx chết vào năm 1883, cách mạng vô sản không nổ ra ở
bất cứ nước tư bản chủ nghĩa phát triển nào. Nó chỉ nổ ra ở một số
nước thuộc Đông Âu (trong đó có nước Nga) và một số nước thuộc “Thế giới thứ
ba” (kể cả Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam), là những nước nông
nghiệp lạc hậu, có chế độ chuyên chế độc tài lâu dài qua nhiều thế kỷ, nền kinh tế tư bản mới thành hình,
hầu hết dân số là nông dân ít học, trong đó rất nhiều người không có hoặc có
rất ít ruộng đất. Còn ở Phương Tây thì đã xuất hiện một ngã rẽ: Những người xã
hội và sau đó là chính những người cộng sản đã “xét lại” học thuyết của Marx, đưa đến kết quả là xuất hiện chủ nghĩa
xã hội dân chủ, với “con đường thứ ba”, không
phải là chủ nghĩa tư bản nguyên khai, cũng không phải là chủ nghĩa cộng sản.
Con đường thứ ba này không làm cách mạng vô sản bằng bạo lực như Marx và Engels
kêu gọi mà chuyển sang đường lối cải tạo xã hội một cách hòa bình.
2)- Cách mạng vô sản ở Nga 1917 là một cuộc thực nghiệm
xã hội rộng lớn rồi tự sụp đổ.
* Khác với dự đoán của Marx, cách mạng
vô sản đã nổ ra ở nước Nga nông nghiệp.
Chủ nghĩa tư bản là một nấc
thang tiến hóa tự nhiên của xã hội loài người. Nó không do một lý thuyết
gia nào thiết kế. Chủ nghĩa cộng sản lại do Marx nghĩ ra và Marx cho
rằng do các tác nhân kinh tế, dẫn đến cách mạng vô sản để
thiết lập chủ nghĩa cộng sản hiện thực và cách mạng vô sản chỉ nổ ra ở
các nước tư bản Phương Tây có nền công nghiệp phát triển mạnh, có
giai cấp công nhân công nghiệp vô sản đông đảo như Anh, Đức, Pháp,
Tây Ban Nha, Italia…Nhưng khác dự đoán của Marx, một cuộc cách mạng vô sản đã
nổ ra ở nước Nga nông nghiệp vào năm 1917. trở thành một cuộc thực nghiệm xã
hội rộng lớn trong lịch sử xã hội loài người.
– Phần nước Nga thuộc Châu Âu nằm ở Đông Âu. Từ cuối thế kỷ 19
và đầu thế kỷ 20, văn học, âm nhạc, nghệ thuật và khoa học Nga đã có thể so
sánh với văn hóa Châu Âu. Nhưng nền văn hóa này chỉ là tài sản của một giai
tầng nhỏ của xã hội Nga, gồm giới quý tộc, trí thức, quan chức cao cấp. Trong suốt quá trình lịch sử của
nước Nga, Chính
quyền Nga làmột chính thể chuyên chế. Nga Hoàng chẳng những có toàn
quyền về lập pháp, hành pháp và tư pháp mà còn là chủ sở hữu thật sự toàn bộ
tài sản của nước Nga, có toàn quyền sử dụng tất cả nhân lực, vật lực của quốc
gia theo ý muốn. Trước cuộc cách mạng năm 1917, dân số nước Nga khoảng 150
triệu người. Giai cấp thợ
thuyền ở Nga chiếm chưa đến 2% dân số. Ba phần tư dân chúng Nga lúc đó là nông
dân ít học.
Ở Phương Tây, ngay từ thời trung cổ,
phần lớn ruộng đất đã thuộc quyền sở hữu của tư nhân, nhưng ở Nga, quyền sở hữu
tư nhân về ruộng đất chỉ được áp dụng từ cuối thế kỷ 18 và cũng chỉ áp dụng cho
giới quý tộc. Đến năm 1906 nước Nga vẫn chưa có bộ Luật Dân sự. Nông dân Nga
chưa từng được hưởng nền văn minh Châu Âu. Họ không phải là giai cấp vô sản bị
áp bức ở nông thôn. Đa số nông dân Nga là nông nô của nhà nước hoặc của giới
quý tộc. Họ không được hưởng
quyền tư pháp và quyền sở hữu tài sản. Họ
là những thành viên trong các công xã nông thôn, tự canh tác trên mảnh ruộng
của họ theo lối quảng canh, năng xuất thấp và theo định kỳ được phân phối lại
ruộng đất. Theo quan niệm của người nông dân Nga thì ruộng đất không phải là
hàng hóa để trao đổi. Do dân số nông thôn ngày càng tăng, họ không đủ ruộng đất
để sinh sống. Người nông dân Nga trung thành với Nga Hoàng và với Nhà thờ Chính
thống giáo. Họ trông chờ Nga Hoàng sẽ chia thêm ruộng đất cho họ, nếu không thì
họ sẵn sàng nổi lên dùng bạo lực để chiếm ruộng đất. Đây là một ngòi nổ có thể
bùng phát phá vỡ trật tự xã hội hiện hành bất kể lúc nào.
– Nga Hoàng có tham vọng biến nước Nga
thành siêu cường ở Châu Âu, đã cho mở một số trường đại học, khuyến khích phát
triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và tiến hành công nghiệp hóa. Sinh viên Nga được
tiếp thu các phương pháp tư duy có tính phê phán, trở thành tầng lớp công dân
muốn thoát khỏi sự cấm đoán tự do ngôn luận của Chính quyền Nga Hoàng. Họ là
những người đối lập với trật tự xã hội và thể chế chính trị hiện hành. Khác với
các nước tư bản Phương Tây, nền công nghiệp ở Nga chưa phát triển, môi trường xuất hiện và hoạt động
của các nhà cách mạng không phải là các nhà máy, các công trường
mà là các trường đại học. Bối cảnh này của nước Nga giải thích tại sao
khác với dự đoán của Marx, cách mạng vô sản lại có thể xảy ra ở một nước nông
nghiệp như nước Nga vào năm 1917. Bối cảnh này đồng thời là những điều
kiện quy định chế độ cộng sản ở Nga là chế độ chuyên chế độc tài, di truyền từ chế độ chuyên chế
của Nga Hoàng mà Lênin và những người Bolshevik đã lật đổ nó.
– Nói đến cuộc cách mạng vô sản Nga năm
1917 không thể bỏ qua vai trò của Lênin. Vladimir Ilych Ulyanov Lenin sinh năm
1870 tại thành phố Simbirk nước Nga, xuất thân từ một gia đình quý tộc. Năm
1887 người anh ruột của Lenin là Alexander bị kết án tử hình vì tham gia mưu
sát Nga Hoàng Alexander III. Các chị em gái của Lenin cũng bị liên lụy, bị tù
đầy. Khi đó Lenin đang là sinh viên giỏi ngành Luật của trường đại học tổng hợp
Kazan . Do bị
nhận diện là em ruột kẻ khủng bố Alexander, Lenin bị đuổi học suốt 3 năm. Từ đó
Lenin rất căm thù chế độ chuyên chế Nga Hoàng, mang khát vọng giành được quyền
lực để lật đổ chế độ chính trị hiện hành. Năm 1891 Chính quyền Nga Hoàng cho
phép Lenin dự thi lấy bằng Luật sư với tư cách một thí sinh tự do. Ông được
nhận bằng Luật sư, làm nghề tranh tụng ở Saint-Petersburg và tham gia phong
trào dân chủ xã hội, rồi sau đó gia nhập Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga. Từ
những năm 1890 phong trào dân chủ xã hội đã thâm nhập vào các trường đại học
Nga. 10 năm trước đó nước Nga đã trải qua quá trình công nghiệp hóa khá nhanh
chóng và đang xuất hiện một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa nguyên khai với cả
những mặt tiêu cực của nó. Năm 1898 Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga ra đời,
với Tuyên ngôn sao chép Cương lĩnh của Marx và Engels là cách mạng ở Nga sẽ
trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nhằm lật đổ chế độ chuyên chế Nga Hoàng và
thành lập chế độ dân chủ tư sản. Giai đoạn 2 nhằm lật đổ chính phủ dân chủ tư
sản để tiến lên chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Trong
một cuộc họp tại London
nước Anh, Đảng công nhân xã hội dân chủ đã chia thành 2 phái. Phái thiểu số
theo Martov gọi là Melshevik. Phái đa số theo Lenin gọi là Bolshevik (tiếng Nga
là đa số).
– Năm 1896 Lenin bị bắt và bị đầy ra
Siberi 3 năm. Ra tù, Lenin sang Đức lập tờ báo “ Tia lửa nhỏ “ để truyền bá học
thuyết Marx vào nước Nga. Năm 1902 Lenin viết tác phẩm “ Làm gì? “, trong đó
ông đưa ra những luận điểm chủ yếu của chủ nghĩa Bolshevik Nga (tức chủ nghĩa
cộng sản ở Nga), trong đó khẳng định cuộc cách mạng cộng sản ở Nga phải do một
đảng được lãnh đạo bởi những trí thức hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Vào
tháng 10 năm 1917 trong Ban lãnh đạo của Bolshevik chỉ có một thành viên là
công nhân. Cũng vào năm đó Bolshevik chỉ có 5,3% thành viên là công nhân nhưng
so với các Đảng khác hoạt động ở Nga như Đảng dân chủ cách mạng và phái
Melshevik thì Bolshevik hoạt động có hiệu quả hơn. Đảng Dân chủ cách mạng được
dân chúng ủng hộ nhưng do tổ chức lỏng lẻo nên không tập họp được dân chúng.
Bolshevich được tổ chức theo kiểu quân đội, có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật
nghiêm, tuyệt đối phục tùng mọi chỉ thị của Lenin và của Ban chấp hành trung
ương.
– Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ
ra. Nước Nga của Nga Hoàng là đồng minh của Anh và Pháp. Mùa xuân năm 1915 Đức
tấn công Ba Lan thuộc Nga và Nga bị đẩy lùi hàng trăm Km, gồm những khu vực
đông dân và giàu có. Thất bại trên chiến trường gây nên sự bất bình đối với
Chính phủ, trong Duma Quốc gia (tức Quốc hội Nga), trong quân đội và trong dân
chúng. Ở các thành phố đã xảy ra nạn lạm phát, thiếu lương thực và nhiên liệu, tạo ra tình thế cách mạng từ những tháng
cuối năm 1916. Vào tháng 3 năm 1917 một đơn vị đồn trú ở Petrograd
đã nổi loạn. Nga Hoàng thoái vị ngày 15/3/1917. Quyền lực của nhà nước chuyển
vào tay Chính phủ tư sản lâm thời, đứng đầu là Alexander Kerensky. Cùng thời
gian này, những người trí thức theo phái xã hội chủ nghĩa ở Petrograd
thành lập ra Xô Viết đại biểu binh lính và thợ thuyền. Suốt 7 tháng sau đó,
trên thực tế nước Nga được quản lý bởi 2 chính quyền là Chính phủ lâm thời và
Xô Viết binh lính và thợ thuyền. Xô Viết không chịu trách nhiệm gì về quản lý đất
nước nhưng luôn luôn tìm mọi cách hạ uy tín của Chính phủ lâm thời. Chính phủ
Kerensky vẫn tiếp tục chiến tranh, ngày càng mất lòng dân. Nông dân bắt đầu tấn
công các trang trại để chia lại ruộng đất. Binh lính hầu hết xuất thân từ nông
dân bỏ mặt trận về nhà để nhận phần chia lại ruộng đất. Nước Nga rơi vào hỗn
loạn. Tình thế này tạo ra
cơ may có một không hai cho Lenin. Nghị
quyết của Lenin và BCHTU Bolshevik cướp chính quyền từ
Kerensky được thông qua đêm 23/10/1917. Ngày 7/11/1917 (lịch Nga là tháng 10)
Bolshevik đã cướp chính quyền thành công với rất ít thương vong. Đây thực sự là
một cuộc đảo chính, không phải là cuộc khởi nghĩa của dân chúng.
* Chế độ cộng sản ở Nga tự sụp đổ và
những bài học nóng hổi cho những người cộng sản Việt Nam .
– Cuộc cách mạng vô sản ở Nga là một
cuộc thực nghiệm xã hội về học thuyết Marx mà lý thuyết và cương lĩnh đã sai
ngay từ đầu. Những yếu tố giúp Lenin và đảng Bolshevik Nga cướp được quyền lực
nhà nước lại không giúp được họ thiết lập chủ nghĩa cộng sản hiện thực như Marx
đã dự đoán và mơ mộng. Tất cả các lãnh tụ Bolshevik, kể cả Lenin đều chưa được
chuẩn bị để quản lý đất nước sau khi đã nắm quyền lực. Chưa một ai trong họ có
tri thức và kinh nghiệm quản lý hành chính trong bất kỳ một lĩnh vực nào, kể từ
kinh tế, xã hội, đến văn hóa, khoa học nghệ thuật, từ vi mô đến vĩ mô. Sau khi cướp được chính quyền,
nước Nga vẫn là nước nông nghiệp lạc hậu. Họ nghe theo Marx và Engels chỉ
dẫn trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, lập tức xóa bỏ chế độ tư hữu, quốc hữu
hóa toàn bộ nền kinh tế Nga, khi đó là nền kinh tế lớn thứ 5 ở Châu Âu nhưng
không biết cách vận hành ra sao. Về văn học là món ăn tinh thần của xã hội thì
phủ định tất cả những tinh hoa văn học thế giới trong quá khứ, chỉ chấp nhận
văn học xã hội chủ nghĩa và văn học cộng sản chủ nghĩa nhưng chưa biết hình hài
của chúng thế nào.
– Để tập họp lực lượng xây dựng chủ
nghĩa xã hội thì làm theo Marx và Engels đã viết trong phần I của Tuyên ngôn,
chỉ tin dùng giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng và đặt họ ở vị trí
giai cấp lãnh đạo. Giai cấp tư sản và giai cấp địa chủ là kẻ thù của cách mạng
vô sản, bị xóa bỏ. Các tầng lớp trung đẳng gồm nông dân, thợ thủ công, tiểu
thương, tiểu thủ công nghiệp không những là tầng lớp không cách mạng mà thậm
chí hơn thế nữa, còn là phản động, không đáng tin cậy. Riêng với nông dân chiếm
tới ba phần tư dân số, Lênin cho rằng sau khi Bolshevik đã nắm chính quyền, có
thể liên minh tạm thời với họ bằng cách quốc hữu hóa, đưa họ vào các nông
trường quốc doanh hoặc nông trang tập thể. Những nông dân không phải là địa chủ
nhưng có của ăn của để, chống lại chính sách trưng thu lương thực và hợp tác
hóa thì đặt tên là “ Kulak “, tập trung trong các trại cưỡng bức lao động hoặc
lưu đầy. Tầng lớp tiểu tư sản thành thị và giới trí thức xuất thân từ tầng lớp
này cũng thuộc tầng lớp trung đẳng, có thể dùng nhưng phải cải tạo.
– Như vậy, sau khi cướp
được chính quyền, ngoài ngoài
giai cấp công nhân Nga chiếm chưa đầy 2% dân số thì các tầng lớp khác
đều không đáng tin cậy. Để
giữ được chính quyền và vô sản hóa các giai cấp khác, Lenin và đảng
Bolshevik tìm đến kinh nghiệm từ chế độ chuyên chế
của Nga Hoàng, dùng giải pháp cưỡng bức, thiết lập nền chuyên chính vô sản, rồi nền chuyên chính vô sản biến dạng thành nền chuyên chế
của đảng, dựa vào bạo lực, trấn áp và khủng bố. Lenin đã cho thành lập tổ chức
cảnh sát mật, lấy tên là Ủy ban khẩn cấp (Cheka), bãi bỏ mọi thủ tục pháp lý,
giao công việc xét xử cho các “ Tòa án cách mạng “, thẩm phán không cần có kiến
thức pháp lý, chỉ cần là đảng viên Bolshevik (loại tòa án này giống Toà án Cải
cách ruộng đất ở miền bắc Việt Nam 1953-1956).Vì vậy, sau này Thủ tướng Nga
Metvedev thừa nhận trong suốt chiều dài lịch sử của mình, người Nga chưa bao
giờ được hưởng nền chính trị dân chủ.
– Dân chúng bị cưỡng bức thì
không có tự do và bình đẳng. Có
tự do thì năng lực của con người mới được giải phóng, trước hết là
năng lực tư duy, từ đó tạo ra sức sống và sức sáng tạo. Bằng chuyên chính vô
sản, Lenin và đảng cộng sản đã tước
đi sức sáng tạo của dân tộc Nga. Vì
vậy nước Nga và sau này là Liên Xô có hầu hết các loại tài nguyên với khối
lượng lớn, nhất là dầu mỏ. Nhưng nền kinh tế và khoa học kỹ thuật chậm phát
triển, Ngoai trừ vũ khí, hầu hết sản phẩm chế tạo cho dân dụng đều kém đa dạng
và kém chất lượng, chậm đổi mới, không cạnh tranh nổi với các nền kinh tế
Phương Tây. Do đó bài học
vỡ lòng cho bất cứ chính phủ nào muốn kiến tạo sự phát
triển cho đất nước là phải xây dựng cho được Nhà nước pháp quyền đi cùng
với Tự do và Bình đẳng cho nhân dân mình.
– Để quản lý toàn bộ nền kinh tế đã quốc
hữu hóa, ngay từ khi Lenin còn sống, ông đã lập ra một bộ máy công chức quan
liêu khổng lồ, ngốn rất nhiều tiền của ngân sách Vào năm 1921, mức sản xuất
công nghiệp chỉ bằng 1/5 so với năm 1913 nhưng riêng Hội đồng kinh tế tối cao
đã có 250.000 công chức. Năm 1928 toàn bộ bộ máy Đảng và Nhà nước có 4 triệu
công chức. Nhiều người thích làm việc trong cơ quan nhà nước, tuy thu nhập thấp
nhưng an toàn, không phải cạnh tranh nên không cần đến nhiều năng lực chuyên
môn, tính tự chịu trách nhiệm và sự sáng tạo. Di chứng của tâm lý ỷ lại này làm
nhiều người Nga mất đi tính năng động của bản thân. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều
người Nga rất bỡ ngỡ với nền kinh tế thị trường.
– Khác với một số người nói Lenin nghi
ngờ tư chất của Stalin nhưng Stalin rất được Lenin tin cậy vì ông ta có biệt
tài về tổ chức và rất trung thành với Lenin. Năm 1922 chính Lenin đã đặt Stalin
vào vị trí Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng. Sau khi Lenin chết,
Stalin kế vị, đã thăng chức cho những người trung thành với ông ta để củng cố
quyền lực của mình. Stalin đã
tạo ra một tầng lớp cán bộ cộng sản cao cấp có đặc quyền
đặc lợi, gọi là tầng lớp “Nomenclatura”. Tầng lớp này đã giữ
chiếc ghế lãnh tụ cho Stalin đến khi qua đời, đồng thời giữ cho chế độ cộng sản
ở Liên Xô tồn tại đến 74 năm. Nhưng cũng chính
tầng lớp này đã làm đảng cộng sản tha hóa quyền lực,
đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ vào năm 1991. Đây cũng là bài học
đang còn nóng hổi đối với những người cộng sản Việt Nam .
– Cách điều khiển nền kinh tế theo kế
hoạch từ một trung tâm và việc cử công nhân và cán bộ chính trị của Đảng nắm
quyền quản lý các xí nghiệp, công trường để thực hiện chế độ toàn trị của đảng
đã dẫn đến năng xuất lao động luôn luôn sụt giảm. Thị trường tự do không biến
mất mà lui vào hoạt động trong chợ đen. Lạm phát tăng lên nhanh chóng. Giá cả
năm 1923 tăng gấp 5000 lần so với năm 1917. Tổng sản phẩm công nghiệp nặng năm
1920 chỉ bằng 20% so với năm 1913. Mức sống của công nhân ngành công nghiệp năm
1921 chỉ bằng 1/3 so với năm 1917. Sản lượng lương thực giảm tệ hại. Sản lượng
ngũ cốc năm 1913 là 78,2 triệu tấn, năm 1920 chỉ còn 48,2 triệu tấn. Lenin phải
huy động chiến dịch trưng mua lúa mì của nông dân theo giá rẻ. Tại nhiều vùng
đã xảy ra nội chiến giữa nông dân giữ lại lúa với đơn vị trưng mua. Nạn đói đã
cướp đi sinh mạng của khoảng 5,2 triệu người. Tháng
1/1921, hải quân tại căn cứ Kronstadt gần Petrograd đã nổi loạn
và phát đi lời kêu gọi nhân dân Nga đứng lên lật đổ chế độ Xô Viết. Lenin
đã ra lệnh đàn áp nhưng sau đó ông buộc phải thú nhận dùng vũ lực đàn áp không
cứu vãn được tình thế, nên đã chuyển sang chính sách kinh tế mới (NEP). Việc chuyển
cách quản lý nền kinh tế Xô Viết sang NEP chính là dấu hiệu đầu tiên của Lenin
thừa nhận sự khủng hoảng cùa chủ nghĩa cộng sản hiện thực ở Nga.
3)- Chủ nghĩa cộng sản bén rễ và biến dạng ở Trung Quốc.
Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với
Trung Quốc. Những bài học tìm được từ Trung Quốc có thể rất bổ ích cho chúng ta.
– Mỗi quốc gia cộng sản và mỗi đảng cộng
sản có lịch sử riêng của họ, mang theo đặc trưng khu vực và địa phương, nhưng do có
cùng một mã di truyền là chủ nghĩa cộng sản trong học
thuyết Marx, nên chúng đều ra đời theo khuôn mẫu của đảng cộng sản
Bolshevik Nga.
Mặt khác chủ nghĩa cộng sản trong học
thuyết Marx được thiết kế cho xã hội công nghiệp phát triển cao ở Phương
Tây nhưng nó lại được đem gieo trồng ở các nước nông nghiệp lạc hậu, nên
tuy là cộng sản, nó
mang theo hình hài sẵn có trong thể chế
trước nó là chuyên chế phong kiến tập quyền và rất
dễ nhận ra 4 đặc điểm sau:
1- Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo.
Đảng này được xây dựng theo loại hình quân đội. Lãnh tụ của đảng được tô vẽ như
một vị thánh không bao giờ mắc sai lầm. Đảng cố giữ một mình một chợ. Không
chấp nhận đa nguyên, đa đảng.
2- Thiết lập Nhà nước chuyên chính vô
sản kiểu Lenin, không bị hạn chế quyền lực ở bất cứ lĩnh vực nào (kinh tế, xã
hội, văn hóa, giáo dục …), để cải tạo xã hội thành xã hội cộng sản. Học thuyết
Marx hướng đến sự bình đẳng cho mọi người nhưng cưỡng ép bằng chuyên chính vô
sản lại tạo ra bất bình đẳng trong xã hội. Đó là mâu thuẫn không tránh khỏi của
chủ nghĩa cộng sản bất kể ở Phương Tây hay Phương Đông.
3- Xóa bỏ chế độ tư hữu tư liệu sản
xuất, quốc hữu hóa toàn bộ nhân vật lực của quốc gia.
4- Không công nhận nhân quyền, không cho
dân chúng được hưởng quyền tự do và bình đẳng.
Tại các nước phương đông, nền kinh tế là
nông nghiệp lạc hậu, công thương nghiệp chưa phát triển. Từ các triều đại phong
kiến xa xưa, chỉ có Vua Chúa và các quan lại mới có quyền tư hữu ruộng đất để
thu địa tô làm giàu. Các chính quyền cộng sản ra đời ở phương đông theo đó, đều
nắm toàn bộ ruộng đất cùng các tài nguyên khác của đất nước dưới danh nghĩa sở
hữu toàn dân, để bảo đảm quyền lực của mình, đồng thời tìm ở đó những đặc lợi
cho bản thân, vì có quyền thì có đất và có tiền.
– Để thâm nhập vào phương đông, chủ
thuyết cộng sản của Marx và Engels gặp phải khó khăn là ở đó hầu như hoàn toàn
không có nền công nghiệp và giai cấp công nhân công nghiệp. Sau khi lãnh đạo
thành công cuộc cách mạng vô sản Nga năm 1917, tại hội nghị lần thứ 2 của Quốc
tế cộng sản, Lenin đã bổ sung 2 điểm quan trọng vào Cương lĩnh của Quốc tế cộng
sản: 1- Các nước phương đông, với
sự trợ giúp của Liên Xô, có thể đi
tắt từ chế độ phong kiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn
phát triển tư bản chủ nghĩa, 2 – Những người cộng sản ở những nước thuộc địa có
thể tạm thời liên kết với giai cấp tư sản dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế
quốc.
– Chịu ảnh hưởng của Quốc tế cộng sản,
Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập vào năm 1921, khi đó đã có Quốc Dân Đảng của
Tôn Trung Sơn cầm quyền [2]. Trung Quốc vẫn là nước nông nghiệp nhưng riêng
thành phố Thượng Hải đã có ngành công nghiệp nhẹ và một đội ngũ công nhân công
nghiệp để có thể tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lenin.
Lenin rất quan tâm đến việc xuất khẩu cách mạng vô
sản ra ngoài biên giới Liên Xô. Ông
đặc biệt hy vọng vào Trung Quốc vì ở đó đang có phong trào chống đế quốc. Lenin
hy vọng có thể lái chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc sang phong trào cộng sản. Quốc
tế cộng sản đã chỉ đạo Đảng cộng sản Trung Quốc hợp tác với Quốc Dân Đảng trong
một mặt trận Quốc-Cộng cùng chống phát xít Nhật. Liên Xô đã cung cấp cố vấn kinh
tế và quân sự cho chính phủ Tôn Trung Sơn. Vào năm 1923, nhiều đảng viên cộng
sản Trung Quốc đã gia nhập Quốc Dân Đảng. Tôn Trung Sơn mất năm 1925. Quyền lực
chuyển sang Tưởng Giới Thạch [3]. Do đối lập ý thức hệ giữa chủ nghĩa dân tộc
và chủ nghĩa cộng sản, mối hợp tác Quốc-Cộng không ổn thỏa. Đã xảy ra những vụ
đánh lén lẫn nhau. Tháng 4/1927 Tưởng Giới Thạch khai trừ tất cả đảng viên cộng
sản ra khỏi Quốc Dân Đảng và thủ tiêu hàng ngàn người. Những người cộng sản
Trung Quốc còn sống sót rút ra vùng Diên An ở tỉnh Thiểm Tây để lập căn cứ địa.
– Sau khi Lenin chết, Stalin kế vị. Ông
kết luận là không thể nào lái Quốc Dân Đảng và chủ nghĩa dân tộc trong thế giới
thứ ba đi theo chủ nghĩa cộng sản. Tại hội nghị lần thứ 4, Quốc tế cộng sản
tuyên bố chấm dứt hợp tác với giai cấp tư sản trong “thế giới thứ ba”. Từ đó
kết thúc sự hợp tác Quốc-Cộng ở Trung Quốc.
– Nói đến Đảng cộng sản Trung Quốc phải
kể đến vai trò của Mao Trạch Đông. Ở Diện An, Mao Trạch Đông là Chủ tịch Bộ
chính trị của ĐCSTQ. Ông chuyên tâm nghiên cứu và xây dựng đội quân du kích
tuyển mộ trong nông thôn, chuẩn bị cuộc nội chiến giành quyền lực nhà nước từ
tay Tưởng Giới Thạch. Từ tháng 3 năm 1947, quân Tưởng đã suy yếu vì bị tổn thất
nặng trong cuộc chiến tranh chống phát xít Nhật. Được Liên Xô cung cấp vũ khí,
Mao thực hiện khẩu hiệu của ông “súng đẻ ra chính quyền”, phát động cuộc nội
chiến nhằm giành quyền lực trên cả nước. Nội chiến kết thúc vào cuối năm 1949.
Tưởng Giới Thạch thua, chạy ra đảo Đài Loan. Ngày 01/10/1949, tại Bắc Kinh, Mao
tuyên bố thành lập nước CHNDTH, do Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo và cầm
quyền. Mao là Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch nước. Lưu Thiếu Kỳ làm Phó chủ tịch
nước. Chu Ân Lai làm Thủ tướng Chính phủ.
– Vì cần Liên Xô viện trợ về kinh tế và
quân sự, Mao buộc phải công nhận vai trò lãnh đạo của Stalin trong Quốc tế cộng
sản và coi Liên Xô là hình mẫu. Mao đã thiết lập nền chuyên chính vô sản kiểu
Lenin, xóa bỏ chế độ tư hữu, quốc hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất, cải cách
ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, thành lập các công xã ở nông thôn, cải tạo
công thương nghiệp, lập kế hoạch công nghiệp hóa từng kỳ năm năm, xây dựng nền
văn hóa xã hội chủ nghĩa. Để nhanh chóng bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ
nghĩa, Năm 1956 Mao phát động chiến dịch “Đại nhảy vọt” trên quy mô cả nước. Đây là cuộc thực
nghiệm xã hội chủ nghĩa không tưởng về kinh tế và xã hội, huy động toàn bộ nhân
lực vật lực của đất nước, kéo dài 3 năm (1956-1960). Kết quả là thất bại, gây
ra nạn đói khủng khiếp với khoảng 37,5 triệu người chết đói. Từ thất bại này, Mao không còn mấy tin tưởng vào
học thuyết Marx. Ông
cho rằng học thuyết này chỉ thích hợp với các nước Phương Tây, không phù hợp
với xã hội Trung Quốc. Nhưng ông vẫn dùng chủ nghĩa Mác-Lenin để tạo dựng lòng
tin của dân chúng vào Đảng cộng sản, tập họp lực lượng, giữ tinh thần đoàn kết
trong nội bộ đảng. Khi nào cần diệt đối thủ trong đảng thì Mao lại phát động
phong trào “chống phái hữu” hoặc “chống phái tả”. Bản thân Mao
chuyên tâm nghiên cứu cách trị nước của các Triều đại phong kiến
Trung Quốc. Ông
khâm phục Tần Thủy Hoàng, ca ngợi sự thịnh vượng và bá quyền trong khu vực Đông
Á của thời Minh (1368-1424).
– Sau khi Stalin chết vào năm 1953, Mao
giảm dần thái độ thuần phục Liên Xô và bắt đầu tranh giành ảnh hưởng trong
phong trào cộng sản quốc tế. Mao chỉ trích đường lối của Khrutshchev “chung
sống hòa bình với chủ nghĩa tư bản”.
Mao vẫn chủ trương dùng bạo lực cách
mạng, kể cả dùng vũ khí hạt nhân. Mao đã viết báo: “Nếu xảy ra chiến tranh
nguyên tử, trường hợp xấu nhất, một nửa loài người (khi đó khoảng 4 triệu
người) bị giết nhưng chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới bị tiêu diệt, loài
người được sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Chỉ vài năm sau lại có 2 tỉ
người hoặc hơn thế bù vào”. Quan hệ giữa CHNDTH và Liên Xô thật sự tan vỡ vào
năm 1959, sau khi Khrutshchev từ chối không cung cấp bí mật công nghệ chế tạo
bom nhiệt hạch. Năm 1960 Khrutshchev rút toàn bộ chuyên gia về nước. Giữa 2
nước đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa biên giới Xô-Trung và có nguy cơ nổ ra
chiến tranh giữa 2 nước. Mao đã cho đào hầm tránh bom của Liên Xô trên các
đường phố Bắc Kinh.
– Vào lúc này, Mao đã tự tạo ra một phiên bản
“Chủ nghĩa Marx của Trung Quốc”, cải biên chủ nghĩa Marx gắn với xã
hội Trung Quốc và Châu Á (sau này còn gọi là Chủ nghĩa Mao).
Nhiều giá trị cơ bản trong học thuyết Marx đã bị loại ra khỏi phiên bản này.
Mao giao cho giai cấp nông dân vai trò động lực của cách mạng chứ không phải là
giai cấp công nhân công nghiệp. Theo Mao, vai trò cách mạng thế giới từ nay
không thuộc về Châu Âu mà thuộc về Châu Á, Phi và Mỹ La Tinh. Marx dùng quan
điểm duy vật cho rằng sự thay đổi các điều kiện kinh tế và xã hội sẽ cho phép
hình thành xã hội mới và con người mới. Mao bác luận điểm này của Marx và cho rằng
sự thay đổi văn hóa và trí thức ở thượng tầng kiến trúc sẽ hình thành xã hội
mới và con người mới. Luận điểm này cùng với khẩu hiệu “chính trị là thống
soái” của Mao tạo cơ sở lý luận để tiến hành liên miên các cuộc chỉnh huấn,
chỉnh phong, cải tạo tư tưởng trong đảng, trong quân đội, trong dân chúng và
sau này làm cuộc đại cách mạng văn hóa.
– Do “Đại nhảy vọt” thất bại, tại Hội
nghị Lư Sơn tháng 7 năm 1959 của ĐCSTQ, Mao bị chỉ trích nặng nề, uy tín của
ông trong Bộ chính trị bị giảm sút. Ông tự nguyện rút khỏi chức vụ Chủ tịch
nước, giao lại cho Lưu Thiếu Kỳ nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch đảng. Đặng Tiểu
Bình làm Tổng bí thư.
7 năm sau, ngày 16/5/1966 Mao khởi xướng
cuộc “Đại cách mạng văn hóa vô sản”, dùng Hồng
Vệ Binh gồm những thanh thiếu niên từ 19 đến 25 tuổi cuồng tín tư tưởng Mao
Trạch Đông thực hiện. Cuộc CM văn hóa này kéo dài 10 năm (1966-1976), lấy danh
nghĩa “ trừng phạt những kẻ xét lại, phản cách mạng và đấu tranh chống 4 cái
cũ: ý tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ “, nhưng mục đích chính
là loại bỏ những đối thủ của Mao trong đảng đã làm Mao mất uy tín trong Hội
nghị Lư Sơn năm 1959, trong đó có Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Đặng Tiểu Bình
và giành lại quyền kiểm soát đảng cộng sản.
Thông qua Cách mạng văn hóa, Mao đã loại
được các đối thủ nhưng Hồng Vệ Binh đã dựa vào Mao thả sức đập phá đền, chùa,
hành hạ sỉ nhục trí thức (vì theo Mao dạy thì Trí thức không bằng cục phân),
đốt sách, chỉ trừ sách giáo khoa và các tác phẩm của Mao. Nền văn hóa truyền
thống có lịch sử gần 5.000 năm của Trung Quốc đã bị huỷ hoại hoàn toàn, làm
biến đổi toàn diện quan niệm về xã hội và đạo đức của người Trung Hoa. Khoảng
1,5 triệu người đã bị giết hoặc tự sát, trong đó có Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ.
Gần 20 triệu người ở thành phố, trong đó có giáo sư các trường đại học, bị
cưỡng bức về nông thôn lao động cải tạo. Sản xuất đình đốn. Khoảng 200 triệu
người lâm vào tình trạng thiếu ăn thường xuyên. Hầu hết các trường đại học bị
đóng cửa trong suốt thời gian diễn ra cuộc cách mạng văn hóa, dẫn đến cả “ một
thế hệ bỏ đi “ vì học hành dở dang. Sau khi đã đạt mục đích, Mao vô hiệu hóa
tác động phá phách của Hồng Vệ Binh bằng cách đưa họ về nông thôn lao động để
“học tập nông dân”. Mao chết ngày 9/9/1976, sau khi ông mời Tổng Thống Mỹ
Ni-xơn sang thăm Trung Quốc, nhằm gây dựng mối quan hệ Trung – Mỹ.
– Mao chết, Đặng Tiểu Bình nắm quyền
lãnh đạo tối cao. CHNDTH đang tự cô lập mình, nền kinh tế sắp rơi xuống đáy
vực, Đặng chấm dứt hẳn cuộc cách mạng văn hóa, tìm cách phá vỡ thế bế tắc để
xã hội Trung Quốc có cơ may phát triển. Ông nghiên cứu kỹ chính sách NEP của
Lenin. Với thuyết “Mèo trắng mèo
đen đều tốt, miễn là bắt được chuột”, Đặng làm “Kiến
trúc sư thực dụng” cho công cuộc cải cách mở cửa theo kinh tế thị
trường với sự giám sát của ĐCSTQ, phục hồi chủ nghĩa tư bản,
tiến hành hiện đại hóa 4 lĩnh vực: Nông nghiệp, Công nghiệp, Quốc phòng và Khoa
học công nghệ, với mục tiêu đến thế kỷ 21 sẽ biến đổi Trung Quốc thành siêu
cường. Năm 1979 Đặng gây ra cuộc chiến tranh xâm lược ở vùng biên giới phía bắc
Việt Nam, nhằm đoạn tuyệt hoàn toàn với phe xã hội chủ nghĩa, gây lòng tin với Mỹ và
Phương Tây, để được nhận viện trợ của Mỹ và Phương Tây cả về tiền vốn và kỹ
thuật cho cuộc cải cách mở cửa, đưa người sang học ở Mỹ và các nước Phương Tây.
– Trong 3 thập kỷ cải cách mở cửa, nền
kinh tế Trung Quốc đã có tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức hai con số, khoảng
10%. Thu nhập quốc dân GDP (PPP) năm 2015 của Trung Quốc đạt 17.600 tỉ USD (với
dân số 1,376 tỉ người, đông nhất thế giới), xếp thứ 2 thế giới sau Mỹ (so cùng
năm 2015, GDP tính theo PPP của Mỹ là 18.558 tỉ USD với 318,9 triệu dân, Thụy
Điển là 467,5 tỉ USD với 9,9 triệu dân). GDP (PPP) tính theo đầu người năm 2015
của Trung Quốc là 7.572 USD (so cùng năm 2015, Mỹ là 57.220 USD cao gấp 7 lần,
Thụy Điển là 41.000 USD cao gấp 5,4 lần). Tỉ lệ người nghèo theo tiêu chuẩn
Trung Quốc từ 53% dân số năm 1981 đã giảm xuống 5,1% vào năm 2015.
Nhưng những mâu thuẫn bên
trong nền kinh tế “tư bản + cộng sản” của Trung Quốc đã dần dần
phát tác, làm giảm dần tốc độ tăng trưởng. Theo số liệu của cơ quan thống kê
NBS của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 chỉ còn 6,9%, thấp nhất
trong 25 năm qua, kể từ năm 1990. Đồng Nhân dân tệ liên tục giảm giá so với
đồng đôla Mỹ. Mặt trái của nền kinh tế này đã bộc lộ: sự tha hóa chính trị của
quan chức, tệ quan liêu, tham nhũng, người dân thu nhập bất thường, lạm phát
nhanh chóng, phân hóa giàu nghèo nhanh chóng và khoảng cách ngày càng lớn, sự
bất bình trong xã hội ngày càng lan rộng.
– Khác với chủ nghĩa tư bản hiện đại ở
Phương Tây, Mao biến tài sản tư nhân thành tài sản nhà nước. Đặng giao tài sản
nhà nước cho những người cộng sản cầm quyền. Các “Thái tử đảng” được kiểm soát
phần lớn tài sản nhà nước. Một đặc điểm riêng của Trung Quốc là kinh tế thị trường gắn với
quyền lợi của đảng cộng sản. Nó vô hiệu hóa một đặc điểm vốn có của
nền kinh tế thị trường là tính tự do và sự cạnh tranh lành mạnh.
Các nhà tư bản ở Trung Quốc hầu hết
có bộ mặt Doanh nhân nhưng ruột là Cộng sản. Bất bình đẳng trong xã hội gia
tăng nhanh chóng và tham nhũng tràn lan. Ngày 4/6/1989, ở Thiên An Môn của thủ
đô Bắc Kinh đã nổ ra cuộc biểu tình ôn hòa của trên một chục ngàn sinh viên và
công nhân, đòi chấm dứt tham nhũng và thúc đẩy cải cách. Họ bị liệt vào kẻ thù
của đảng. Đặng Tiểu Bình đã điều một quân đoàn từ biên giới phía bắc về Bắc
Kinh đàn áp.
– Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Trung
Quốc với sự giám sát của đảng cộng sản đang xuất hiện một mâu
thuẫn là Chính quyền Cộng sản cố gắng kích thích (chứ không xóa bỏ
như Marx kêu gọi) một thị trường tư bản vốn mang tính may rủi. Đó là mâu
thuẫn đang tích tụtrong hầu hết các ngõ ngách của nền kinh tế và
chính trị Trung Quốc.
Ngay thành phần của bản thân ĐCSTQ cũng đang tồn tại một
mâu thuẫn. Một bộ phận đảng cộng sản của giai cấp
công nhân của Marx và Lenin đang được lãnh đạo bởi các doanh nhân là đảng viên
cộng sản, tức là bởi nhà tư bản (mà Marx liệt vào kẻ thù của giai cấp công
nhân), xuất thân từ đảng viên hoặc nhà tư bản được kết nạp vào đảng. Doanh nhân
giầu nhất ở Trung Quốc là đảng viên cộng sản. Tài sản trung bình của 70 đại
biểu là đảng viên cộng sản trong Quốc hội Trung Quốc đã vượt xa mức một tỉ đôla
Mỹ, như thế là đảng
đã biến chất. ĐCSTQ cũng có tầng lớp “Nomenclatura” (đặc quyền đặc lợi) như
ĐCSLX. Giống như ĐCSVN, ĐCSTQ đã thừa nhận không sao nhổ
được tận rễ nạn tham nhũng, vì
đánh tham nhũng là “ta đánh ta”. Nhiều quan chức giầu sụ đã mang theo
hàng tỉ đôla Mỹ chuồn ra nước ngoài. Do không có Đảng đối lập có tổ chức chặt
chẽ, không có các thể chế xã hội dân sự hoạt động giám sát, nên nền
Pháp quyền ở Trung Quốc chỉ là vật trang trí cho ĐCSTQ.
– Đảng viên là cơ thể của đảng. ĐCSTQ
nắm mọi đầu mối kinh tế của đất nước. Muốn tăng trưởng GDP đương nhiên phải kết
hợp giữa đảng viên quan chức với doanh nhân. Hiện nay đây là phương án tối ưu
của doanh nhân Trung Quốc, đồng thời là cơ hội tốt để các quan chức của đảng
tạo sự nghiệp riêng cho mình. Muốn kinh doanh thuận lợi, doanh nhân phải “mua”
các điều kiện thuận lợi từ các quan chức. Vì vậy quan chức của đảng ở mọi cấp
đều phát đạt. Tăng trưởng
GDP ở Trung Quốc đi cùng với sự phát đạt của quan chức. Đảng biết nhưng không
sao cắt bỏ được một trong hai điều kiện này. Vì ngay trước khi bắt đầu cải cách
mở cửa, Đặng Tiểu Bình đã nói một câu để đời “Để mở cửa nền kinh tế, Đảng sẽ
phải để một số người làm giầu trước”. Ai mở cửa thì người ấy được làm giầu
trước. Vậy ai được phép mở cửa nếu không phải là đảng. Điều này giải thích tại
sao tham nhũng ở Trung Quốc tăng trưởng cùng GDP. Đó cũng
là một trong những đặc điểm của nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc được giám
sát bởi Đảng cộng sản.
Vì thế, Bao Tong, cựu cố vấn của Tổng bí
thư ĐCSTQ kiêm Thủ tướngTQ là Triệu Tử Dương bị buộc từ chức năm 1989, đã viết
đăng trên báo The New York Times 03/6/2015: “Đả hổ diệt ruồi không phải là cách
chữa bệnh tham nhũng từ gốc. Anh có thể tấn công 100 hoặc 1.000 con, nhưng bản
chất thật của tham nhũng không thay đổi thì Hổ vẫn ung dung dạo chơi nơi hoang
dã, Ruồi vẫn bay che kín mặt trời”.
– Một thách thức đối với cả những người
thông minh nhất là điều hành một nền kinh tế chuyển tiếp mà không có các thể
chế cơ bản không thể thiếu đối với các nền kinh tế thị trường phát triển. Trong chế độ toàn trị chuyên
quyền như ở Trung Quốc thì nhân tài bị thoái
hóa không ngừng vì họ phải trả giá về mặt đạo đức. Điều này dẫn
đến đánh mất phẩm giá cá nhân. Hậu quả là cơ quan nhà nước chỉ thu hút được
những người kém tài và những kẻ cơ hội. Không
chỉ những quan chức có quyền lực mới bị tha hóa mà nhân
tài cũng bị tha hóa, vì chỉ những nhân tài nào không đe dọa đến con
đường tiến thân của Thủ trưởng thì mới được cất nhắc đề bạt. Theo Minxin Pei ,
đăng trên Nikkei Asian Review 01/02/2016 thì sự thiếu năng lực quản lý kinh tế
của người lãnh đạo là một trong những căn nguyên dẫn đến giảm tốc nền kinh tế ở
Trung Quốc. Năng lực yếu kém của những nhà hoạch định chính sách và thiếu người
tài giỏi quản lý xuyên suốt cả hệ thống là những thảm họa đối với nền kinh tế.
Ở Trung Quốc, thời hậu Mao đã có 2 thủ tướng điều hành nền kinh tế rất tài giỏi
là Triệu Tử Dương và Chu Dung Cơ (1980-2003) nhưng đã bị loại vì từ chối không
tiêu diệt những người biểu tình ở Thiên An Môn. Từ đó Trung Quốc không có ai
tài giỏi bằng hai ông này. Các chính trị gia làm công tác tổ chức thường bị chi
phối bởi lợi ích chính trị cá nhân chứ không phải vì lợi ích và hiệu quả kinh
tế của hệ thống.
– Từ cuối thập niên 1970, ĐCSTQ đã nhiều
lần cải cách để điều chỉnh các điều kiện phát triển thích nghi với chế độ
chuyên chế hiện tại nhưng tránh không đụng tới thể chế cơ bản. Song việc điều
chỉnh hầu như đã tới giới hạn, không còn nhiều tiềm năng cải cách trong khuôn
khổ nền chuyên chế hiện hành. Một
trạng thái cân bằng tự củng cố của sự trì trệđang hình thành, gần
giống như ở Liên Xô thời Brezhnev, khó có thể phá vỡ nếu không có những thay
đổi căn bản về kinh tế và xã hội. Việc phá vỡ trạng thái này
đồng nghĩa với sự đe dọa quyền lực độc tôn của đảng cộng sản.Gorbachev
đã không thể làm việc này. Đương nhiên ĐCSTQ cũng không tự nguyện làm việc đó.
Mặt khác tầng lớp “Nomenclatura” trong ĐCSTQ cũng không muốn phá vỡ trạng thái
này. Nhưng những mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế “tư bản+cộng sản” đã phát
tác. Sự bất bình trong xã hội Trung Quốc đã lan rộng. Theo báo The Economist
12/4/2014, hiện nay ở Trung Quốc đã có khoảng 500.000 tổ chức phi chính phủ
(NGO) hoạt động. Họ nói giúp ĐCSTQ giải quyết vấn đề quản trị đất nước đang
thối nát. Phong trào công nhân với khuynh hướng đòi cải thiện điều kiện làm
việc và thương lượng tập thể đang trở thành phổ biến. Tờ báo Libération cho
biết năm 2011 chỉ có 185 cuộc đình công, sang năm 2014 là 1.378 cuộc. Theo báo
Figaro, năm 2014 có trên 1.000 người hoạt động nhân quyền bị bắt, nhiều gấp 2
năm trước, trong đó gồm những người đấu tranh cho tự do, quyền dân sự, nhà báo,
giáo sư đại học. Điển hình là Giáo sư Hứa Chí Vĩnh chống tham nhũng, bị bỏ tù 4
năm. Luật sư Mạc Thiểu Bình nói: “Hiện nay Trung Quốc như một nồi áp suất có
nguy cơ phát nổ”.
Sau thất bại “Đại nhảy vọt” và sống sót
sau “Đại cách mạng văn hóa vô sản”, rồi chứng kiến ĐCSTQ phục hồi chủ nghĩa tư
bản, bất bình đẳng trong xã hội ngày càng tăng, một bộ phận lớn dân chúng mất
dần niềm tin với Đảng và chủ nghĩa Mác-Lenin. Đảng phải hàn gắn bằng Khổng giáo
(tức Nho giáo) là thứ mà Mao đã thẳng thừng bác bỏ trong Cách mạng văn hóa.
Khốn nỗi sự phối duyên giữa Nho giáo và Chủ nghĩa Mác-Lenin rất trục trặc vì
theo lý thuyết thì Chủ nghĩa Marx hướng đến sự bình đẳng cho mọi người nhưng
Nho giáo thì dạy thần dân phải trung thành vô điều kiện với Vua và với hệ thống
thứ bậc trong xã hội phong kiến.
Để tìm cách thoát khỏi bế tắc, thời Hồ
Cẩm Đào, trước khi Liên Xô tự sụp đổ, khoảng năm 1985 và 1988, Ngô Giang, Giáo
sư Viện trưởng Viện CNXH thuộc ĐCSTQ đã 2 lần sang khảo sát xã hội Thụy Điển.
Sau đó ông đã đăng bài kết quả khảo sát của ông trên báo. Ngô Giang ca tụng xã
hội Thụy Điển là sung túc, văn minh, dân chủ, tự do và bình đẳng. Ông cũng ca
ngợi Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển đã lãnh đạo thành công Thụy Điển từ một quốc
gia lạc hậu trở thành một quốc gia phát triển của Châu Âu. Nhưng ở cuối bài ông
viết: “Vào năm 2008, ở Trung Quốc đã có dư luận sẽ đi theo mô hình Thụy Điển
nhưng phái phản đối đã thắng vì Thụy Điển theo thể chế đa nguyên, đa đảng. Điều
này có nguy cơ dẫn đến ĐCSTQ mất quyền lãnh đạo đất nước. Đây là quyền lợi của
Đảng sống chết không thể để mất”.
Trong bài “Cuộc cải cách đã đến đường
cùng”, tác giả Trung Quốc Youwei, đăng trên tờ Foreign Affairs tháng 5/2015
viết: Trong tương lai Trung Quốc có thể xảy ra kịch bản dân chủ hóa thông qua
khủng hoảng. Kịch bản này không dễ chịu gì. Hoặc là dân chủ hóa được kiểm soát
và theo tuần tự thì tốt hơn. Nhưng hiện tại kịch bản này ít có khả năng xảy ra.
Để trấn an đảng viên và dân chúng và giữ tính chính danh của
Đảng, ông Tập Cận Bình đang thúc đẩy mục tiêu “Trung Quốc mộng – Đại phục hưng
dân tộc Trung Hoa”, cùng với chính sách “một vành đai, một con đường” và giành
quyền độc chiếm Biển Đông. Ông Tập đã nhiều lần nhắc nhở thần dân Trung Hoa
phải nhớ đến niềm vinh quang xa xưa của Tiên Đế triều Minh đem lại, để hoàn
thành giấc mộng trở thành một đế quốc Trung Hoa ở thế kỷ này.
Tuy nhiên những tật bệnh của chủ nghĩa
tư bản+ cộng sản Trung Quốc vẫn chưa có cách chữa trị đến nơi đến chốn.
Căn cứ trước tác “Mâu thuẫn luận” của Lãnh tụ Mao Trạch Đông
viết năm 1937 thì trước sau, nếu không cải cách cơ bản về thể chế thì ĐCSTQ
cũng sẽ giống như ĐCSLX, không tránh khỏi tự sụp đổ.
Một bài học vỡ lòng về kiến tạo phát
triển
Trong bài “Liệu Việt Nam có mô hình phát triển?” đăng trên BBC
4/11/2016, PGS TS Phạm Quý Ngọ đã đặt câu hỏi: “Liệu Trung Quốc có thể là mô
hình phát triển chính trị và kinh tế cho Việt Nam ?”.
Giáo sư Tương Lai, trong bài “Mênh mông
thế sự 51”, đăng trên Bauxite VN 7/11/2015 đã nhắc đến câu của Lênin mà Học
viện chính trị quốc gia đã đưa vào giáo trình: “Lôgich biện chứng đòi hỏi phải
xét sự vật trong sự phát triển, trong sự tự vận động, tự biến đổi của nó”. Như
vậy, vu cho “tự chuyển hóa” có tội chẳng phải là sự ngớ ngẩn lắm sao?
Tự chuyển hóa không có tội thì tiến
trình vận động của chủ nghĩa cộng sản hiện thực ở Liên Xô và ở nước CHNDTH vừa
qua rất đáng để các nhà hoạch định chiến lược phát triển đất nước của ĐCSVN
tham khảo.
Trong bài “Tự do và CNXH” đăng trên tạp
chí nghiên cứu quốc tế 20/01/2016, TS Vũ Ngọc Hoàng viết: “Tự do và Bình đẳng
là cặp đôi cùng tồn tại. Độc lập là tự do cho dân tộc. Độc lập dân tộc là để
đem lại tự do cho người dân. Tự
do đem lại sự sáng tạo, sự phát triển và hạnh phúc cho con
người”.
Ngoại trưởng Đức Steinmeier, trong bài
nói chuyện với sinh viên trường Đại học Luật Hanoi ngày 31/10/2016 đã nhấn
mạnh Nhà nước pháp quyền – Tự do – Bình đẳng chẳng
những là những giá trị liên quan đến những quyền cơ bản của mọi công dân của
một nhà nước hiện đại mà còn là những giá trị không thể thiếu trong mối quan hệ
giữa các quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói phải xây
dựng Nhà nước kiến tạo phát triển. Bất cứ Chính phủ nào muốn kiến tạo phát
triển cho đất nước mình, trước tiên phải xây dựng cho được Nhà nước pháp quyền
đúng với cách hiểu phổ cập của thế giới văn minh, đi cùng với đảm bảo quyền Tự
do và Bình đẳng cho công dân mình. Nhưng Tự do – Bình đẳng chỉ có thể đâm chồi
nảy lộc ở các thể chế dân chủ đa nguyên, không thể sinh trưởng ở những thể chế
chuyên chế như ở Liên Xô và ở nước Trung Hoa cộng sản.
----------------/
> Ghi chú:
[1] – Milton Friedman
(31/7/1912-16/11/2006) là nhà kinh tế học Viện Hoover
của Đại học Chicago ,
được nhận giải Nobel kinh tế năm 1976. Theo Friedman, khái niệm cơ bản của xã
hội tư bản là hợp tác tự nguyện, còn khái niệm cơ bản của xã hội XHCN là cưỡng
ép. Ở CNXH, nhà nước sở hữu và vận hành tư liệu sản xuất với mục tiêu giả định
về sự bình đẳng và công bằng xã hội nhưng sự thật là hệ thống này không làm như
họ nói. Friedman đã sang thăm Liên Xô trước năm 1991.
Ông thấy sự bất bình đẳng đang hiện diện ở đó. Liên Xô sản xuất
được xe hơi kiểu Zivs có thể so sánh ngang với Limousine nhưng chỉ cung cấp cho
các ủy viên Bộ chính trị của ĐCSLX chứ không bán cho dân.
[2]- Tôn Trung Sơn nguyên danh là Tôn
Văn (12/11/1860-12/3/1925), sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở tỉnh
Quảng Đông. Năm 1892 Tôn Văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở Hương Cảng. Ông có vai
trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc năm 1911, lật đổ
triều đình Mãn Thanh, chấm dứt các triều đại phong kiến Trung Quốc ,khai sinh
ra nước Trung Hoa Dân quốc. Ông nhận chức Tổng Thống của Trung Hoa dân quốc
ngày 1/1/1912. Cách mạng Tân Hợi là cuộc cách mạng dân chủ tư sản, mở đường cho
chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc phát triển, nhưng bị tướng Viên Thế Khải lái sang
nền độc tài quân phiệt. Tôn Văn cũng là người sáng lập Trung Hoa Quốc dân đảng
vào năm 1919. Đảng này theo hệ tư tưởng chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Văn là “ Dân
tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc “. Tôn Văn chủ trương liên
minh với ĐCSTQ để cùng chống phát xít Nhật.
[3]- Tưởng Giới Thạch
(31/10/1887-5/4/1975) tốt nghiệp Trường sĩ quan Nhật Bản, là Hiệu trưởng Trường
Võ bị Hoàng Phố, Tham mưu trưởng Quân đội của Quốc Dân đảng. Năm 1925 Tôn Văn
mất, Tưởng lên thay, làm Tổng Thống Trung Hoa Dân quốc. Khác Tôn Văn, Tưởng
phản đối chủ trương hợp tác Quốc-Cộng, coi ĐCSTQ là kẻ thù.
-----------
(*)
- Tư liệu tham khảo:
1- “Liệu Việt Nam có mô hình
phát triển?” của PGS TS Phạm Quý Ngọ, Học viện chính sách và phát triển, đăng
trên BBC 4/11/2016
2- “Mênh mông thế sự 51”
của GS Tương Lai, đăng trên Bauxite VN 7/11/2016
3- Bài nói chuyện của
Ngoại trưởng Đức Steinmeier với sinh viên trường Đại học Luật Hanoi ngày
31/10/2016, về Nhà nước pháp quyền – Tự do và Bình đẳng.
4- “Tự do và CNXH” của TS
Vũ Ngọc Hoàng, đăng trên tạp chí nghiên cứu quốc tế 20/01/2016.
5- Pranab Bardban: “Những
mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản+cộng sản Trung Quốc”, NCQT 10/8/2015
6- Bao Tong: “Đặng Tiểu
Bình đã giúp tạo nên một Trung Quốc tham nhũng”, NCQT 18/6/2015
7- Youwei: “Cuộc cải cách
ở Trung Quốc đã cùng đường”, NCQT 6/5/2015
8- Minxin Pei: “Khó khăn
kinh tế làm lộ năng lực quan chức Trung Quốc”, NCQT 23/2/2016
9- Richard Pipes: “CNCS ở
Nga và ở Thế giới thứ ba”, đăng trên Talawas.
THĐ
-------------
Không phải động từ nào cũng có thể ghép từ "Tự" vào trước nó. VD: "Tự ăn, tự đần độn"? Nghe ngu vãi.
Trả lờiXóaTuyên giáo ngu ngốc!
Cám ơn tác giả đã cho một bài phân tích rất hay và phóng phú. Qua đó ta hiểu được những giấc mơ vu vơ của những đại nhân muốn ra tay cứu nhân độ thế.
Trả lờiXóa