Trang BVB1

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Chim khôn chọn cành mà đậu

* HOÀNG VÂN KHẢI
Trong bài “Sự trộn lẫn khái niệm của ĐCSVN”, đăng trên trang Ba Sàm ngày 16/10/2016, GS Nguyễn Đình Cống nói rất chính xác rằng cần phân biệt 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau là “Suy thoái đạo đức” và “Tự chuyển hóa tư tưởng”. Kẻ suy thoái đạo đức là kẻ xấu. Người biết tự chuyển hóa là người thức thời, thông minh, dứt khoát chia tay với những kẻ xấu không thể thay đổi. Tổ tiên ta chả từng răn dạy “Chim khôn chọn cành mà đậu” đó sao?
Nhận ra được những nọc độc ở học thuyết Mác – Lenin và những tai họa do học thuyết đó gây ra, phủ định học thuyết đó, thay đổi lập trường, tư tưởng Mác-xít để đi theo một con đường khác, nhằm xây dựng một xã hội mang bộ mặt người tử tế, lương thiện, công bằng, thịnh vượng, văn minh chính là làm theo lời của tổ tiên.
Chẳng phải chỉ có người Việt chúng ta mới biết thức thời. Ngay từ trước khi các quốc gia cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào những năm 1989 và 1991, nhiều đảng cộng sản ở các nước này đã “xét lại học thuyết Mác-Lênin” và hướng sang một con đường khác là chủ nghĩa xã hội dân chủ. Xét lại và tự chuyển hóa như họ là khôn, là thức thời, tại sao chúng ta không học hỏi họ. Trong hàng ngũ những người cộng sản Việt Nam, không phải bây giờ mà lúc bấy giờ đã từng có nhiều người xét lại chủ nghĩa Mác -Lênin và thừa nhận sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Những người này đã thức thời, khôn trước chúng ta nhiều.
Sau hơn hai chục năm hô hào chống tham nhũng mà vô vọng, đến nay ông Nguyễn Phú Trọng đã không dám mạnh tay chống tham nhũng. Ông nói phải thông cảm với ông vì đây là ta đánh ta. Ông sợ việc đưa ra công khai trị tội các quan tham và tha hóa của đảng trước pháp luật sẽ làm vỡ bình quý của ông. Như vậy nguy cơ đảng của ông tự sụp đổ là không thể tránh khỏi, Đến lúc này, vấn đề đáng suy nghĩ không còn là “có nên tự chuyển hóa tư tưởng hay không” mà là “Chủ nghĩa xã hội dân chủ và mô hình Bắc Âu có những ưu việt gì mà có sức hấp dẫn như thế, để chúng ta học hỏi họ, để tự chuyển hóa”.
Ngày 02/2/2013, tờ The Economist đăng bài “The Nordic countries: The next super model”, đã được dịch giả Bùi Xuân Bách chuyển sang tiếng Việt với đầu đề “Các nước Bắc Âu: Siêu mô hình sắp tới” và đăng trên tạp chí Nghiên cứu quốc tế ngày 02/01/2015. Theo tác giả trong tờ The Economist thì các chính khách, dù tả hay hữu, đều có thể học từ các nước Bắc Âu.
Bài báo này mở đầu: Trong những năm 1980, nước Anh đã dẫn đầu nhờ “Đường lối Thatcher và tư hữu hóa”. Nước Singapore bé xíu cũng đã từ lâu là một mô hình cho nhiều nhà cải cách tham khảo. Giờ đây các nước Bắc Âu có thể cũng đóng một vai trò như thế. Họ (các nước Bắc Âu: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan) đã tránh được cả 2 căn bệnh hiện đại là bệnh xơ cứng kinh tế của các nước Nam Âu và sự bất bình đẳng cùng cực của nước Mỹ. Họ đã giải quyết tốt khủng hoảng nợ trong những năm 1990, trong khi các nước Phương Tây bị công nợ ngập tận cổ. Họ cải cách được khu vực công, giúp nhà nước của họ hoạt động có hiệu quả và đáp ứng được những thách thức mà họ phải đối mặt. Những người Pháp tả khuynh đang hướng tới mô hình Bắc Âu và những người Mỹ bảo thủ cũng đang sợ Barack Obama ngả theo mô hình Thụy Điển.
Tại sao vậy? Quả thật trong những thập niên 1970 và 1980, Bắc Âu là những nước nổi tiếng là “Đánh thuế và chi tiêu” nhưng nay họ đã thay đổi. Chi tiêu của Chính phủ đã giảm. Thuế cũng đã giảm. Thuế xuất doanh nghiệp của họ hiện nay là 22%, thấp hơn Mỹ. Họ đang tập trung vào quân bình ngân sách. Trong khi Obama và Quốc hội Mỹ đang còn ngập ngừng đối với việc cải cách phúc lợi an sinh xã hội thì Thụy Điển đã cải tạo hệ thống hưu bổng của họ. Thâm hụt ngân sách của họ chỉ chiếm 0,3% GDP, so với Mỹ là 7% GDP. Các nước Bắc Âu còn chứng minh rằng hoàn toàn có thể kết hợp chủ nghĩa tư bản cạnh tranh với guồng máy nhà nước lớn có hiệu quả và họ đã tìm ra được nhiều cách để hạn chế hiệu ứng tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Những thành tựu này không tách khỏi những nhân tố có tính quyết định là chủ nghĩa xã hội dân chủ và vai trò của các đảng xã hội dân chủ Bắc Âu.
* Quốc tế 2 và chủ nghĩa xã hội dân chủ Tây Âu – Bắc Âu ra đời, phủ định những sai lầm của Marx:
Giữa thế kỷ 19, ngày 28/9/1864, Marx và Engels đã thành lập Hội Quốc tế công nhân tại London, thủ đô Vương quốc Anh để lãnh đạo phong trào công nhân thế giới.
Ngay từ thời gian này, trong phong trào đã có ý tưởng “xét lại” những tiền đề mác-xít căn bản của chủ nghĩa Marx. Ý tưởng này dẫn đến quan điểm khẳng định chủ nghĩa xã hội (hướng đến sự công bằng hơn so với chủ nghĩa tư bản) mà Marx nói đến (sau này Lênin gọi là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản) có thể thực hiện thông qua những cải tổ dần dần trong hệ thống tư bản, không cần phải làm cách mạng vô sản bằng bạo lực. Người đầu tiên khởi xướng ý tưởng này là Eduard Bernstein (1850-1932). Ông cho rằng Marx đã sai lầm về dự đoán và về chiến lược. Marx kết hợp chủ nghĩa xã hội với cách mạng là sai lầm vì đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc và về bản chất. Bernstein bác bỏ học thuyết Marx về giá trị lao động và đấu tranh giai cấp. Ông cho rằng tư bản càng tích tụ thì số người giàu tăng lên, các cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản có thể khắc phục được và tiên đoán của Marx về sự sụp đổ đến nơi của chủ nghĩa tư bản là sai lầm.
Phong trào xét lại chủ nghĩa Marx đã đưa đến sự chia rẽ trong phong trào công nhân quốc tế.
– Tại Tây Âu và Bắc Âu, nhánh xét lại chủ nghĩa Marx đã thành lập liên minh quốc tế các Đảng xã hội (sau này còn có các Đảng xã hội dân chủ) tại Paris nước Pháp vào ngày 14/7/1869, tức là Quốc tế 2. Tham gia thành lập Quốc tế 2 có 400 đại biểu của các tổ chức công nhân ở 22 quốc gia Châu Âu và Mỹ.
Quốc tế 2 đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phong trào công nhân thế giới. Nhiều Đảng xã hội và Đảng xã hội dân chủ đã trở thành đảng cầm quyền (ở Pháp, Đức, Thụy Điển, Phần Lan…). Trước khi nổ ra Thế chiến thứ nhất, do bất đồng về chiến lược, Quốc tế 2 tự giải tán vào năm 1876, đến năm 1923 thì phục hồi.
– Tại Nga, Lênin lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng vô sản tháng 10 năm 1917, sau đó thành lập và lãnh đạo Quốc tế cộng sản, gọi là Quốc tế 3, phát động đường lối bạo lực, nhằm cướp chính quyền ở các nước tư bản, thành lập nhà nước chuyên chính vô sản, do đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo và cầm quyền.
* Trào lưu dân chủ xã hội và “Con đường thứ ba” từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh:
Chiến tranh lạnh trên thế giới kết thúc kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Từ đó, xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh, tác động sâu sắc cả mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó đến mọi quốc gia. Chủ nghĩa tự do mới nổi lên chiếm ưu thế ở hầu hết các nước tư bản phát triển.
Chính sách của các đảng xã hội dân chủ theo con đường thứ ba, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế có một số điểm chung:
1- Kiên trì các giá trị cơ bản của trào lưu xã hội dân chủ là “Tự do, Bình đẳng, Dân chủ”. Dân chủ được xem là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội dân chủ.
2- Các đảng xã hội dân chủ phải thích ứng linh hoạt trước những diễn biến của tình hình quốc tế cũng như trong nước, nhằm từng bước thực hiện các giá trị cơ bản này.
3- Thừa nhận tính đặc thù của mỗi quốc gia (Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Pháp, Đức …), tính năng động của mỗi đảng xã hội dân chủ trong việc hoạch định chính sách của mình.
Quá trình toàn cầu hóa diễn ra cùng với xu thế chính của tình hình thế giới sau chiến tranh lạnh là hòa bình và phát triển. Xã hội ở các nước theo chủ nghĩa xã hội dân chủ không phải là xã hội tư bản nhưng cũng không phải là xã hội xã hội chủ nghĩa. Về cơ bản, “Con đường thứ ba” của trào lưu xã hội dân chủ là xã hội tư bản hiện đại được điều chỉnh bởi một số chính sách của các đảng xã hội dân chủ, với các điểm sau:
– Các đảng xã hội dân chủ từ bỏ quan điểm chính trị dựa trên phân tích mâu thuẫn giai cấp, do đội ngũ công nhân thời Marx khảo sát ở thế kỷ 19 nay đã teo lại nhanh chóng, đồng thời “Thế giới 2 cực” (XHCN và TBCN) đã mất dần. Hiện nay sự phân hóa xã hội không do sự phân chia giai cấp mà do sự phân chia các nhóm lợi ích, gắn liền với mức sống và nghề nghiệp của họ. Đây là một yếu tố quy định chính sách của các đảng xã hội dân chủ
Các đảng xã hội dân chủ đả phá quan điểm đối lập 2 cực, không lấy giai cấp làm cơ sở cho các chính sách nhưng nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản, thiết yếu của xã hội, có chính sách bao quát điều kiện sinh sống của mọi thành viên của xã hội.
Các đảng xã hội dân chủ vẫn tiếp tục đường lối dung hòa mâu thuẫn xã hội, thực hiện nguyên tắc dân chủ trong quản lý xã hội, nhưng có điều chỉnh, về cơ bản là chuyển từ dân chủ theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số sang nguyên tắc đồng thuận xã hội.
– Trước đây “công bằng” được hiểu là san đều mức sống giữa các cá nhân thì nay công bằng là phải tạo ra các cơ hội như nhau cho mọi người trong xã hội.
– Các đảng xã hội dân chủ cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Sự hình thành xã hội thông tin, kinh tế trí thức đòi hỏi các đảng xã hội dân chủ phải có nhũng chính sách thích hợp.
– Vai trò nhà nước ở các nước tư bản phát triển đang đứng trước một mâu thuẫn mới: một bên là sự cần thiết của vai trò quản lý quốc gia tập trung, một bên là hoạt động ngày càng mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ NGO (non government organization). Chính sách của các đảng xã hội dân chủ phải thích ứng với bối cảnh này, tạo điều kiện cho công dân làm quen và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội đó.
– Trên lĩnh vực kinh tế- xã hội, con đường thứ ba tập trung giải quyết 2 mục tiêu lớn:
1- Gạt bỏ mọi trở ngại cho kinh tế phát triển.
2- Hạn chế tối đa nạn thất nghiệp.
Để đạt được 2 mục tiêu này, Chính phủ do các Đảng xã hội dân chủ cầm quyền thực hiện:
a)– Cân bằng cán cân thu-chi, cắt giảm phúc lợi xã hội theo kiểu bao cấp.
b)- Khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh bằng cách giảm thuế và hạn chế sự can thiệp của nhà nước.
c)- Chuyển mục tiêu đầu tư phúc lợi từ đầu tư cho sinh hoạt sang đầu tư cho việc làm và đào tạo nguồn nhân lực. Chuyển nguyên tắc của nhà nước phúc lợi (the welfare state) sang nguyên tắc nhà nước đầu tư cho xã hội (the social investment state).
* Đã từng có những người cộng sản Việt Nam thừa nhận sức hấp dẫn của trào lưu xã hội dân chủ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, một số nhà lý luận của ĐCSVN đã nghiên cứu về trào lưu xã hội dân chủ và về Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển, trong đó có Trần Nhâm, Đào Duy Quất, Hồ Châu, Trần Nhu, Lưu Đạt Thuyết, Thái Văn Long, Đặng Công Minh, Nguyễn Hoàng Giáp.
– Trong bản báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài KX 01. 02 năm 1995 của Viện Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, PTS Đào Duy Quất, chủ nhiệm Viện thông tin khoa học của Viện này viết: “Quan điểm khá thịnh hành ở Liên Xô và Đông Âu trước khi sụp đổ, đối với trào lưu xã hội dân chủ là Chủ nghĩa xã hội đích thực và là Chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Ở một đoạn khác, ông viết: “Không phải ngẫu nhiên mà sau cuộc khủng hoảng dữ dội làm sụp đổ một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa xã hội thì nhiều đảng cộng sản ở Liên Xô cũ và Đông Âu đã chuyển sang trào lưu xã hội dân chủ”.
– Trong bài khảo sát “Về Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển” đăng ngày 10/11/2009 trên tạp chí xây dựng đảng, GS TS Nguyễn Hoàng Giáp, Viện trưởng Viện quan hệ quốc tế của Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh đã viết, trích nguyên văn như sau:
“Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển đã có 65 năm cầm quyền và thực sự là kỷ lục độc nhất vô nhị trong nền chính trị đa đảng ở Phương Tây đương đại. Thành công của Đảng XHDC Thụy Điển có nhiều nguyên nhân, trước hết phải kể đến những thành tựu đạt được trong việc phát triển kinh tế -xã hội khi Đảng này cầm quyền. Đảng XHDC Thụy Điển đã có công lớn trong việc đưa Thụy Điển từ một quốc gia lạc hậu ở Châu Âu trở thành một quốc gia phát triển, được ca ngợi là một mô hình thành công của Con đường thứ ba theo chủ nghĩa xã hội dân chủ. Bước sang thế kỷ 21, Thụy Điển đã có GDP tính trên đầu người 22. 000 USD. Thụy Điển về cơ bản đã thanh toán xong sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Mức chênh lệch giữa người giầu và người nghèo ở Thụy Điển không lớn Ở Thụy Điển, 10% số người có thu nhập thấp nhất chiếm 3,7% GDP, trong khi 10% số người có thu nhập cao nhất chiếm 20,1 % GDP. Trong cùng thời gian thì ở Pháp tỉ lệ so sánh này là 2,5% GDP và 24,9% GDP, còn ở Mỹ là 1,5% GDP và 28,5 GDP.
Thành công của Đảng XHDC Thụy Điển còn từ sách lược liên minh với các Đảng khác, tập họp lực lượng một cách mềm dẻo. Đảng XHDC Thụy Điển có nửa triệu đảng viên, chiếm khoảng 6% tổng dân số, có cơ sở đảng ở tất cả 21 tỉnh, thành trong cả nước nhưng bộ máy cơ quan đảng rất gọn nhẹ và hoạt động rất hiệu quả. Cơ quan của trung ương đảng chỉ có khoảng 100 cán bộ, nhân viên. Trong hệ thống chính trị đa nguyên, Đảng XHDC Thụy Điển luôn luôn giữ cho mình hình ảnh giầu mà không xa xỉ, đối xử bình đẳng với quần chúng nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội. Quan chức của Đảng tham gia chính quyền được giám sát chặt chẽ, không thể và không dám tham nhũng”.
Ở cuối bài, GS Giáp viết: “Những kinh nghiệm của Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển trên các lĩnh vực, đặc biệt trong quản lý kinh tế và xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền có giá trị tham khảo rất bổ ích cho Đảng cộng sản Việt Nam”. Tuy nhiên hình như Đảng cộng sản Việt Nam không học được gì từ những cái hay của Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển. Có thể vì lý do nhạy cảm nào đó của bản thân, GS Giáp không cho Đảng biết những điều kiện cần và đủ, để Đảng cộng sản Việt Nam có thể trở thành “tốt” như Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển. Đó là: Từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ bỏ chế độ độc quyền đảng trị của đảng cộng sản, từ bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013, chấp nhận hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng, gia nhập trào lưu chủ nghĩa xã hội dân chủ và đổi tên đảng. Bằng không thì nguy cơ tha hóa quyền lực dẫn đến tự sụp đổ là không thể tránh khỏi.
Hoàng Vân Khải/BS
____
(*) - Tư liệu tham khảo:
1- Toàn cầu hóa là gì? – Tạp chí nghiên cứu quốc tế 09/7/2016
2- Toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau – Tạp chí nghiên cứu quốc tế 12/11/2014
3- Tác động chính trị của toàn cầu hóa – Tạp chí nghiên cứu quốc tế 27/5/2014
4- Cách dung hòa toàn cầu hóa và các giá trị dân chủ – Tạp chí nghiên cứu quốc tế 11/10/2016
5- Thúc đẩy dân chủ trong vai trò một giá trị toàn cầu – Tạp chí nghiên cứu quốc tế 12/01/2014.
---------------

4 nhận xét:

  1. Marx cũng giống như Đàm Vĩnh Hưng - nổi tiếng vì dở!

    Trả lờiXóa
  2. Dân có khôn không thì chưa ai kiểm tra để kết luận,còn lãnh đạo thì rõ ràng không khôn một chút nào !

    Trả lờiXóa
  3. Dân lương thiệnlúc 12:57 20 tháng 10, 2016

    Ban tuyên giáo TW chất vấn Mc Phan Anh vì ghen tỵ khi thấy tiền cứu trợ bà con bị lũ lụt chảy vào tài khoản của anh nhiều quá, anh chỉ cười chưa nỡ nói toạc ra cái vế sau của câu ví von :
    CHIM KHÔN CHỌN CÀNH MÀ ĐẬU.
    TIỀN KHÔN CHỌN TÀI KHOẢN MÀ VÀO

    Trả lờiXóa
  4. chưa thấy ai ngu như tuyên giáo, cứ thấy chỗ nào nước ngập, đường tắc thì cắm bảng đảng cs quang vinh muôn năm như trêu ngươi dân đen

    Trả lờiXóa