Trang BVB1

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Ngẫm về bài viết của ông Trương Tấn Sang trên báo Nhân dân

 Không tin dân, chưa dám tin dân dẫn đến “sợ dân” chính là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Báo Nhân dân điện tử ngày 31/8/2016 đăng bài “Gánh nặng trách nhiệm trước lịch sử và tương lai” của Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Đảng phải “lấy lại niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân” là một trong các ý kiến của ông Trương Tấn Sang trong bài này.
Trong 71 năm tồn tại của nền cộng hòa, gần 40 năm đất nước sống trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hết đánh Pháp đến đánh Mỹ.
Cuộc chiến chống bọn  diệt chủng Pol Pot  và quân  xâm lược Trung Quốc mãi đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước mới tạm chấm dứt.
Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam chỉ thực sự được hưởng hòa bình chưa đầy 30 năm.
Thế nhưng cũng từng ấy năm, tính từ Đại hội Đảng lần thứ 7 (24-27/6/1991) đã xuất hiện các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong đó nổi bật là nguy cơ tham nhũng, sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng miền và các tầng lớp dân cư.
Những đảng viên Cộng sản chân chính lại phải bắt đầu một cuộc chiến mới, không chỉ với các thế lực thù địch luôn nhăm nhe nơi biên giới, hải đảo mà còn với chính đồng chí của mình, một số trường hợp với chính cấp trên của mình.
Nếu tại đại hội 7, “tham nhũng và nhóm lợi ích ” mới là nguy cơ thì đến đại hội 12 nó đã là một thực tế công khai không cần giấu diếm, đã trở nên hùng hậu hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó.
Đã hình thành ngay trong Đảng một “nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị”, nhóm này không chỉ “chi phối” mà còn "thâu tóm, lũng đoạn"  Nhà nước, như ý kiến của nguyên Phó ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:
Gần dân, tin dân, biết dựa vào sức dân để xây dựng đất nước

                                                                                          (Ảnh: dangcongsan.vn).
Trước đây, những bài viết nhân dịp lễ lớn thường điểm lại các thành tích đã đạt, sau đó mới “tuy nhiên còn một vài tồn tại…”.
Bài viết của ông Trương Tấn Sang không theo thông lệ đó không phải vì ông không khen mà chỉ tập trung vào phân tích.
Nói gì thì nói, phần đông người Việt ngày nay không còn phải chứng kiến bữa cơm mà thành phần chính là ngô, khoai, sắn độn gạo. Gia đình nghèo cũng có cái xe máy Tàu, cái tivi màu để xem.
Nhưng như thế đã phải là một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đã là mơ ước ngàn đời của người Việt?
Đúng như ông Trương Tấn Sang nhận định: “một cá nhân, dẫu có là một vị “vua tốt”, có khi cũng chỉ biên soạn được những bản anh hùng ca dang dở”.
Vị “vua tốt” không mấy khi bị hậu thế chê trách, tuy nhiên để lưu danh thiên cổ như một “Minh Quân” thì tốt chưa đủ.
“Tốt” có thể là “tốt” với Vua nhưng chưa đủ “tốt” với Dân.
Chính vì thế, người Việt ngày nay cần một vị “vua tài” trước khi cần vị “vua tốt”, nói theo lời ông Trương Tấn Sang: “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” tiêu chí đầu tiên là “có tài, có liêm sỉ” tiếp đó là “có khát vọng cống hiến”…
Loài người không thể thay đổi lịch sử nhưng cũng chính lịch sử cho thấy, con người luôn tìm cách bẻ cong lịch sử bởi những mưu đồ chính trị của kẻ mạnh, của tầng lớp thống trị.
Những việc làm sai trái, xấu xa luôn được che đậy bởi những mớ lý luận thật giả lẫn lộn.
Các cuộc chiến tranh phi nghĩa diễn ra gần đây luôn được giải thích bằng những lý do “chính đáng” như bảo vệ nhân quyền, chống độc tài, phản kích tự vệ...
Điều cuối cũng vẫn là các quốc gia nhỏ bé như Iraq, Libya, Syria… bị tàn phá vì bom đạn của các nước lớn.
Những “quy trình” được vận dụng để giải thích cho không ít việc làm trái đạo đức, trái pháp luật phần lớn đều dẫn đến kết quả là quan chức đúng, dân sai hoặc dân không sai nhưng quan chức (hầu như) luôn đúng?
Sự kiện lịch sử không thể thay đổi nhưng chính con người, bằng nhãn quan chính trị của mình lại đánh giá nó theo các cách khác nhau, nhiều khi là đối nghịch nhau.
Người Mỹ cho rằng chiến tranh thế giới 2 kết thúc nhờ hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản, người Nga lại cho rằng nhờ Hồng quân Liên Xô giải phóng Berlin và tiêu diệt đạo quân Quan Đông của Nhật.
Thực trạng đất nước hôm nay rồi đây cũng sẽ được hậu thế đánh giá, sẽ không thể không có tiếng khen, lời chê. Điều quan trọng là ngay hôm nay, dân chúng nghĩ gì, cảm nhận thế nào về việc làm của người lãnh đạo?
Không phải chỉ những đảng viên chân chính, người dân cũng thực sự đau lòng với câu hỏi và cũng là nỗi trăn trở của nguyên Chủ tịch nước:
Ông Trương Tấn Sang khi nêu câu hỏi cũng đã đề cập đến vấn đề mấu chốt “ai là những người đủ dũng cảm”?
“Đủ dũng cảm” vẫn là chưa đủ nếu không có lực lượng ủng hộ đủ mạnh, đủ sức trấn áp bè lũ “bán nước, hại dân” đang kết bè, kéo cánh, đang "thâu tóm, lũng đoạn" Nhà nước.
Người viết cho rằng nếu chỉ dựa vào các đảng viên và “ban lãnh đạo” thì việc “gột sạch những vết nhem nhuốc làm vấy bẩn đội ngũ” sẽ vô cùng khó khăn, sẽ lại phải là một cuộc “kháng chiến trường kỳ” chưa biết lúc nào kết thúc.
Để chống lại “nhóm lợi ích” các đảng viên chân chính và “ban lãnh đạo chân chính” cũng phải tập hợp “nhóm lợi ích” của mình, đó là “nhóm lợi ích quốc gia, dân tộc”, hiểu nôm na là “nhóm lợi ích toàn dân”.
Đảng hãy tin Dân như ngày xưa sống trong lòng dân, được dân đùm bọc, che chở. Hãy để Dân giúp Đảng bởi Dân rất rộng lượng, Dân chưa mất niềm tin vào Đảng.
Không tin dân, chưa dám tin dân dẫn đến “sợ dân” chính là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Đại danh nhân Nguyễn Trãi  đã từng dạy: “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Lật thuyền mới biết dân như nước”...
Câu nói dân gian ngày nay: “đừng nghe cán bộ nói, hãy nhìn việc cán bộ làm” phản ánh tâm tư của đa số dân chúng, tại sao lại như vậy?
Hưng Ðạo Đại vương Trần Quốc Tuấn phút lâm chung đã mượn ý người xưa “cái gì dân muốn thì trời cũng phải thuận theo” để căn dặn Ðức vua Trần Anh Tông kế sách trị quốc: “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.
Liệu có sai không khi cho rằng “đừng sợ nhân dân nói, hãy sợ nhân dân làm”?
Điều đơn giản ấy xem ra nhiều người hiểu nhưng tiếc rằng không phải ai cũng “sợ” bởi có người đã phát biểu công khai: “không cần hỏi dân, dân biết gì mà hỏi”.
Không ít người vẫn cho rằng dân chỉ là cỏ, mà đã là cỏ thì khi hai con voi đánh nhau hay khi chúng “yêu” nhau cỏ dưới chân luôn bị dẫm nát?
Chính vào lúc này, những chuyển động trong lời nói và việc làm ở cấp cao là điều người dân có thể nhận thấy, tiếc rằng những gì diễn ra hàng ngày dường như lại chưa được như vậy.
Đã quá thời hạn để báo cáo về vụ Trịnh Xuân Thanh, đã quá lâu để trả lời cho dân bao giờ có thể ăn cá tại vùng biển bị Formosa đầu độc, đã quá lâu để có câu trả lời bao giờ người Việt không còn phải ăn thực phẩm bẩn, và cũng lâu lắm rồi người dân vẫn chờ câu trả lời “bao giờ mới có thể công khai tài sản quan chức”?
Dân chúng rất rộng lượng và kiên nhẫn, thế nhưng có nên để dân phải kiên nhẫn hơn nữa, rộng lượng hơn nữa?
Những điều mà dân muốn “trời cũng phải thuận theo”, vậy nên thuận theo ý dân cũng là thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất.
Ý dân hôm nay chính là điều ông Trương Tấn Sang đã nhắn nhủ: “ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi”.
Suốt mấy chục năm qua, dân chưa thấy ai “tự nguyện trao lại mái chèo” vì đa số cán bộ ai cũng “đảm đương được công việc”. Có người dẫu đã bị Tổng Bí thư chỉ đích danh, đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét nhưng người ta vẫn cố “chờ” kết luận xem may ra có thể “rút kinh nghiệm sâu sắc”?
Chờ đợi để người ta tự “cảm thấy” sẽ chỉ xảy ra khi mà các “Quý vị công bộc” thấm nhuần “văn hóa xấu hổ”, còn nếu sự “xấu hổ” khó tìm thì thôi không chờ đợi nữa, tốt nhất là “Đảng buộc họ phải ra đi”.
Đạo làm quan phải sao cho khi trở lại làm dân có thể ngẩng cao đầu, không phải lầm lũi mà đi, đó là cái phúc của gia đình, dòng tộc và cũng là cái phúc của quốc gia.
Người xưa dạy như thế, ngày nay ông Trương Tấn Sang cũng có lần nói đại ý như thế, còn bao nhiêu người khác nói như người xưa, chắc không ít nhưng chắc cũng không nhiều.
Xuân Dương/(GDVN)
---------------

11 nhận xét:

  1. Dân lương thiệnlúc 06:25 5 tháng 9, 2016

    Ông Trương Tấn Sang vốn là người ăn nói nhẹ nhàng, thái độ thành khẩn và vạch ra nhiều mối hại nguy của loài sâu bọ .
    Nhưng tất cả chỉ có thế.
    Ông cũng là một con sâu và ông không thấy loài sâu tởm lợm ra sao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Loài đỉa chúng tự coi mình là đẹp...

      Xóa
    2. Xin lỗi ông ta là 1 con sâu NÁI,bự hết cỡ.Công khai cái nhà 57m2 tưởng ông liêm khiết nhưng không phải vậy.
      Đại gia Trương mỹ Lan là ai? và tại sao ông Phạm quý Ngọ phải chết.

      Xóa
  2. Nếu được Trung owng củ
    Ông Dũng viết thua gì
    Nhưng ông quỷ dẫn lối
    Ma đưa đường chúng đi

    Trả lờiXóa
  3. Ngẫm làm gi? Không chấp ba cái loại nguyên nguyền nguyễn nguyện nguyến

    Trả lờiXóa
  4. Báo thì báo Nhân Dân
    Nhưng cơ qua của đảng
    Nghĩa là trên đầu mình
    Họ leo ngồi chàng háng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao đến nay mới "phát hiện" ra cái này nhỉ?
      Hay!

      Xóa
  5. Thường thì người ta chỉ nhìn thấy lỗi của người khác...

    Trả lờiXóa
  6. Hỏi Tấn Sang câu nhé
    Con trai giữ chức gì
    Thế là ta đủ biết
    Ông cũng loài bỏ đi

    Trả lờiXóa
  7. Tưởng đâu là ai nói
    Hóa Tư móm năm xưa
    Bác Xuân Dương hớn hở
    Cứ như chưa bị lừa

    Trả lờiXóa
  8. Từ khi cướp được chính quyền 1945 cho đến tận hôm nay , Đảng có bao giờ tin dân ? Hay chỉ lợi dụng dân để phục vụ cho lý tưởng mơ hồ của Đảng .

    Dân có tin Đảng hay không ? Có đấy , nhưng chung quy đa số rốt cục biết rõ mình bị lừa quá nhiều , ăn bánh vẽ quá nhiều . Để rồi cuối cùng các tầng lớp lãnh đạo Đảng tối cao trở thành tầng lớp hưởng thụ và dân trở thành phương tiện phục vụ .

    Muốn dân lại tin Đảng , còn khuya !

    Trả lờiXóa