Trang BVB1

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

NHỮNG CẬP LUỴ CỦA KỲ HỌP CUỐI CÙNG QUỐC HỘI KHOÁ XIII

* NGUYỄN ĐĂNG QUANG
              Trong bài “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần phải tuyên thệ trước Quốc hội”, người viết có đưa ra nhận xét sau đây: “Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII là kỳ họp “lạ thường”, kỳ họp ngắn nhất nhưng lại được lệnh thông qua nhiều vấn đề “đột xuất nhất” từ trước đến nay mà nhiều ý kiến cho rằng có một số việc “vi hiến”.  Sau khi bài viết được công bố, nhiều độc giả đến gặp trực tiếp, gọi điện thoại hoặc gửi emails chia sẻ, trao đổi và muốn người viết nói rõ thêm về những điều “lạ thường” và “vi hiến” của Kỳ họp thứ 11 và cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khoá XIII để bạn đọc gần xa có thêm thông tin và rộng đường dư luận!
Trước yêu cầu trên của độc giả, tôi xin mạn phép có đôi lời. Trước hết, về việc “vi hiến”. Việc này có xảy ra trong Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII hay không?  Trước khi trả lời là câu hỏi này, xin khẳng định điều sau đây: Việc Quốc hội bầu mới hoặc thay đổi các chức danh lãnh đạo Nhà nước, trong đó có Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ vào đầu, giữa hay cuối nhiệm kỳ hay vào bất cứ thời điểm nào mà Quốc hội thấy cần thiết là thẩm quyền của Quốc hội. Điều này được Hiến pháp cũng như Luật Tổ chức Quốc hội cho phép. Do vậy, việc bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ trong kỳ họp chót của Quốc hội Khoá XIII vừa qua là không sai và không trái với quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành!
        Nhưng điều đáng bàn là việc trước đó Quốc hội đưa ra miễn nhiệm 3 chức danh lãnh đạo Nhà nước đối với 3 ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng. Đây là việc hoàn toàn khác, bởi việc miễn nhiệm này không đáp ứng các điều kiện của luật định! Trong bài viết “ Thay đổi 3 chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước trước nhiệm kỳ là trái Hiến pháp” cách đây bốn tuần lễ, tôi có phân tích việc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII đưa ra “miễn nhiệm” 3 vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ trước nhiệm kỳ là trái Hiến pháp!  Điều 87 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước”. Còn Điều 97 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ.”  Do vậy, Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII  tiến hành “miễn nhiệm” 3 vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước khi nhiệm kỳ của họ còn hơn 3 tháng nữa mới kết thúc là trái với quy định của Hiến pháp!  Một câu hỏi được đặt ra, vậy Quốc hội có quyền và có thể thay đổi Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ giữa chừng khi nhiệm kỳ của họ chưa kết thúc không? Câu trả lời là CÓ, vì đây là quyền của Quốc hội được Hiến pháp cho phép! Nhưng việc này phải tuân thủ các điều kiện luật định, như đương sự phải có đơn xin từ nhiệm hoặc đơn xin miễn nhiệm vì lý do sức khoẻ (Điều 10 Luật Tổ chức Quốc hội 2014), hoặc đương sự bị đưa ra “Bỏ phiếu tín nhiệm” mà không vượt qua thủ tục này như quy định tại Điều 13 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014: “Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa số ĐBQH bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì Quốc hội sẽ xem xét và quyết định việc miễn nhiệm”!  Trong các trường hợp như vậy, Quốc hội sẽ phải tiến hành các thủ tục miễn nhiệm theo đúng quy trình. Song rất tiếc, tại Kỳ họp 11 vừa qua, Quốc hội tiến hành thủ tục “miễn nhiệm” 3 vị trên khi Quốc hội không hề nhận được đơn xin từ chức hoặc xin được miễn nhiệm của bất cứ ai trong 3 vị này cả; và ngay cả quy trình “Bỏ phiếu tín nhiệm” trước khi tiến hành “miễn nhiệm” như quy định tại Điều 13 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Quốc hội cũng bỏ qua, không thực hiện đúng theo luật định! Vì vậy, việc “miễn nhiệm” 3 vị lãnh đạo trong kỳ họp chót Quốc hội vừa qua là khác thường và không có cơ sở pháp lý, trái với Điều 87 và 97 Hiến pháp 2013;  đồng thời, nó cũng vi phạm các Điều 10, 11, 12 và 13 của Luật Tổ chức Quốc hội 2014!  Qua đây, một lần nữa ta lại thấy sự cấp thiết phải sớm có Toà án Hiến pháp (Toà Bảo hiến), một định chế có quyền giám sát cũng như đưa ra xét xử mọi hành vi vi phạm Hiến pháp, trong đó có những hành vi như lạm quyền, tiếm quyền, lộng quyền của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào cố tình “ngồi” trên Quốc hội và Hiến pháp!
           Còn về “lạ thường”, xin độc giả đọc qua mẩu tin của Infonet (báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông) sau đây:  Ngày 24/3/2015, khi phóng viên Infonet đặt câu hỏi “ Còn chưa đầy một tuần nữa, Quốc hội sẽ bầu các chức danh lãnh đạo mới mà giờ chưa có (hồ sơ, danh sách) gì trong tay, liệu quá trình chuẩn bị có quá gấp gáp?”  Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, đáp: “Không có gì (gấp gáp) cả, chỉ cần chờ cơ quan Đảng trình sang thôi!”. Như vậy, việc miễn nhiệm và bầu mới các chức danh lãnh đạo Nhà nước rõ ràng không phải xuất phát từ nhu cầu “Sắp xếp nhân sự” của Quốc hội, mà xuất phát từ yêu cầu “Kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước” của bên Đảng đưa sang!?  Điều “lạ thường” chính là ở chỗ này! Trong khi các văn bản chính thức đều khẳng định, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, trên Quốc hội chỉ có thể là Hiến pháp! Nhưng qua việc này người ta thấy, Quốc hội hình như chỉ đơn thuần là cơ quan chấp hành và thực hiện các chỉ thị từ bên Đảng mà thôi! Nhân đây, tôi đề nghị Quốc hội, mà trước hết là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, làm gì cũng phải tuân thủ Hiến pháp và các quy định của pháp luật, nếu “tờ trình” hay “kế hoạch” của ai đó trái với Hiến pháp thì Quốc hội giữ quyền trả lại, không thi hành. Như thế mới có thể nói Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” được!
           Qua đây ta mới thấy thể chế Nhà nước Pháp quyền theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” là quan trọng và thiết thực như thế nào! Ba nhánh quyền lực của Nhà nước pháp quyền ( gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp) hoàn toàn độc lập với nhau, không phụ thuộc lẫn nhau, và đặc biệt không một ai có quyền ra lệnh cho ai, trên họ là Hiến pháp và chỉ có thể là Hiến pháp mà thôi!  Gọi là “Tam quyền phân lập” là vì thế!  Chỉ khi nào nước ta áp dụng mô hình thể chế Nhà nước Pháp quyền theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” có cơ chế Toà án Hiến pháp cùng song hành, lúc đó mới có thể nói nhân dân Việt Nam thực sự là chủ nhân ông của đất nước! Nhưng rất tiếc, đến nay, chúng ta vẫn chưa có được  dù chỉ một trong 2 cơ chế trên!
         Thêm một điều “lạ thường” nữa:  Khi tờ trình “Kiện toàn bộ máy nhân sự lãnh đạo Nhà nước” của bên Đảng đưa sang, người ta không thấy có số dư nào cho 3 chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, tức mỗi chức vụ chỉ có một “ứng viên” độc nhất! Tất cả các chức vụ khác mà Quốc hội bầu lần này cũng vậy, không một chức vụ nào có quá một “ứng viên”!  Để biện bạch cho điều “lạ thường” này, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định “Công tác nhân sự (sắp xếp bộ máy lãnh đạo Nhà nước) là của Đảng”. Vậy là rất rõ, công việc tối quan trọng này không phải là của Quốc hội mà là của ĐCSVN!  Khi các nhà báo hỏi vì sao không có số dư, ông Hạnh Phúc trả lời: “ Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, các ĐBQH đều có quyền ứng cử hoặc đề cử ĐBQH khác vào các chức vụ mà Quốc hội bầu”! Tưởng lời nói này là thành thực, cử tri toàn quốc hy vọng thế nào cũng có một vài ĐBQH dũng cảm sử dụng quyền dân chủ của mình. Nhưng đợi mãi chẳng thấy quý vị ĐBQH nào dám can đảm thực hiện quyền này cả. Gần 500 ĐBQH Khoá XIII - phần lớn là các tinh hoa và những người am tường luật pháp, lại có thuận lợi là không phải qua “cửa ải hiệp thương” vòng 1, vòng 2, vòng 3 như các ứng viên độc lập (ra ứng cử Quốc hội Khoá XIV) vừa rồi trải nghiệm - lại bỏ qua một cơ hội tuyệt vời để chứng minh cho thế giới biết Quốc hội Việt Nam ta, cũng giống như Quốc hội các nước khác, là một Quốc hội dân chủ, và xa hơn nữa, là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”!
         Đây là 3 trong những cập luỵ mà Kỳ họp cuối cùng Quốc hội Khoá XIII để lại. Trong tất cả các kỳ họp của 13 khoá Quốc hội trong suốt 70 năm qua, có lẽ đây là kỳ họp lạ lùng nhất, vì chưa khi nào có hiện tượng lạ thường là trong một kỳ họp lại “miễn nhiệm” cả 3 chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước khi nhiệm kỳ của họ còn đang dang dở! Rồi đây, việc miễn nhiệm “cả gói” này sẽ còn gây tranh cãi và sẽ đi vào lịch sử lập pháp nước nhà như một sự kiện hy hữu!                   
        Tôi có mang những khúc mắc trên ra trao đổi với một vài vị lão thành cách mạng, đảng viên tâm huyết và nguyên là các cán bộ lãnh đạo trung cao cấp. Tất cả đều lắc đầu và nói: Làm gì có ĐBQH nào đủ dũng khí ngày nay! Một khi trong Đảng không có dân chủ thì trên diễn đàn Quốc hội cũng như ở ngoài xã hội làm sao có dân chủ được?! Tất cả là do cái Quyết định 244-QĐ/TƯ mà ra cả!  Anh thừa biết là trên 90% ĐBQH là đảng viên, vậy hỏi anh: Liệu các đảng viên có ai dám liều lĩnh tự mình ghi danh ứng cử hoặc nhận đề cử khi không được Đảng chuẩn thuận không? Khi không đảng viên nào dám làm như thế thì anh đừng đòi hỏi các ĐBQH ít ỏi không phải là đảng viên kia thực hiện các phép thử để tìm ra nghiệm đúng. Tất cả họ đều hiểu rõ thân phận của mình! Tôi định tranh luận thêm cùng các cụ, nhưng thấy các cụ nói quá đúng, nên đành im lặng, không dám bàn gì thêm! Tôi chợt nhớ đến 2 câu nói bất hủ, rất nổi tiếng và tiêu biểu cho não trạng và đỉnh cao trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo xưa nay: “ Nền dân chủ của chúng ta gấp vạn lần các nước khác!” và “ Nước ta dân chủ đến thế là cùng!”  Tôi chẳng nhớ được nguyên văn câu nói của họ, cũng như tên tuổi của 2 tác giả này là ai, già hay trẻ, họ nói khi nào và nói để làm gì, và họ có thấy hết giá trị của mình khi thốt ra câu nói để đời đó không? Nhưng tôi mạn phép được nhắc lại 2 câu nói bất hủ này để vừa làm lời minh hoạ vừa làm lời kết cho bài viết ngắn ngủi này, đồng thời xin trân trọng gửi đến 2 tác giả lời cám ơn chân thành.
Hà Nội, ngày 24/4/2016
. N.Đ.Q.( Tác giả gửi BVB)
----------------                                                                   

19 nhận xét:

  1. Tin cực hài, chỉ có ở Vncs - Đỉnh cao trí tuệ?
    Công trình măng non "Trang sử hồng trường ta" của ngôi trường ở tỉnh Đồng Tháp dùng hình kẻ sát nhân làm ảnh anh hùng "Lê Văn Tám".
    Lê Văn Tấn (SN 1978, ngụ tại ấp Kênh 2A, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Tấn là kẻ giết người, hiếp dâm bé gái 7 tuổi hồi tháng 1/1997 và phải nhận án tử hình.
    Ngoài ra, Phòng Giáo dục huyện Tam Nông cũng đề nghị toàn bộ trường trên địa bàn kiểm tra lại công trình măng non của mình. Kết quả, có thêm 2 trường khác sử dụng ảnh chân dung một thanh thiếu niên làm anh hùng Lê Văn Tám nhưng chưa xác định có hay không phải hình của Tấn?

    Trả lờiXóa
  2. Như vậy, nhân dân VN có cần tới cái đcsVn này không, thưa anh Quang? Đảng mà để cho bọn ngoại bang quậy nát Vũng Áng, chỉ biết ngó lơ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông TBT đi qua Vũng Áng cũng chẳng ghé qua hỏi thăm bà con ngư dân lấy nửa câu, và vụ xả chất độc huỷ diệt ngư trường ông không quan tâm vì "không có gì mới" ?

      Xóa
  3. Đâu có gì là lạ . Tất cả đều được sự sắp xếp của Tàu . Trong giai cấp thời TQ bồi đắp các đảo cạn Trường Sa , một chính quyền nhà nước VN cần phải bị xáo trộn ở thượng tầng là chuyện cần phải làm . Ông Trọng chỉ là người chịu đấm ăn xôi , nín thở qua sông cho hết nhiệm kỳ . Bởi thế từ ngày lên chức TBT , ông đâu có được một tuyên bố nào mang tính thời sự cho ra hồn . Mọi tuyên bố của ông đều phải ngóng về phương Bắc . Ông đến Formosa , cá chết đầy bờ trong một lịch trình vô tình trùng hợp , ông vẫn im lặng là vàng .

    Đơn giản thôi , VN không học theo sách TQ nhưng phải làm theo chỉ thị của TQ . Học theo thì còn có chút quyền biến tư duy tự chủ , khác với nhận chỉ đạo buộc phải thi hành .

    Trước cái chết ngộ độc phóng xạ của ông Nguyễn bá Thanh , một người năng nổ nhưng không thức thời . Muốn ứng dụng chiêu đả hổ bắt ruồi của ông Tập . Bắt hết , nhốt hết ! . Thế này chẳng khác nào phá đám mọi kế hoạch nhan sự mà TQ cố công nuôi dưỡng và cài cắm tại VN . Ông Thanh giống như con kỳ Đà cản mũi TQ tại Đà Nẵng . Rút về trung ương đặt vào Trưởng ban Nội chính để bịt mồm thoa mỡ cho ăn . Chưa ăn thì đã tuyên bố chẳng khác chi phá đám TQ , phá luôn cả cái âm mưu đập chuột sợ vỡ bình của ông Trọng do TQ chỉ đạo . Ông chết do TQ ra tay ở thế một ná bắn ba chim . Gây nghi ngờ lẫn nhau giữa các lãnh đạo Đảng , trấn an những lãnh đạo tay sai TQ , cảnh cáo những lãnh đạo có đầu óc thoát Trung .

    Sau cái chết của ông Thanh xem ra chưa đủ chứng tỏ liệu thuốc khống chế để lãnh đạo VN khiếp phục . TQ đem dấu Phùng quang Thanh rồi tung tin đồn nhảm trước ngày Đại hội Đảng 12 . Cả BCT và Ban chấp Hành Trung ương Đảng đều khiếp vía . Thế là ông Trọng thoải mái ra tay theo chỉ đạo từ TQ .

    Thử nhìn vào món sử trong giáo trình dạy học , ta sẽ thấy ngay có bàn tay lông lá của TQ thò vào từ lâu . Cả đến việc con voi của Hai Bà Trưng chống Tàu vào dịp 30/4/2015 cũng bị TQ chỉ đạo bôi bác hết bốn người khiêng lại đến bốn bánh xe cải tiến , chẳng khác chi voi què . Đến việc chùa chiềng , đền miếu rặc các hình thái mê tín dị đoan hay lè loẹt sơn son thiếp vàng , Tượng vua Hùng thì giống như bà bóng Thái lan thế mà ông Trọng phải đến hương khói với cả triệu người tham dự rầm rộ .

    Có phải chăng mọi sinh hoạt của xã hội VN hiện nay đã loạt vào sách lược ngu dân do Tàu chủ đạo ? Ngu dân để trị trong chiến lược thực dân kiểu mới của Tàu quá rõ nét khi lãnh đạo VN tất cả đề bị khống chế như trường hợp của ba ông Trọng , Dũng , Hùng nộp đơn đồng loạt từ nhiệm , như trường hợp khác các ông bà Ngân , Minh , Nhân , Đam thì đặt đâu ngồi đấy .

    Nói cho cùng , một chút thể diện của dân tộc trước TQ chẳng còn vì một tập thể lãnh đạo tiêu tan khí chất , một sách lược cai trị nhằm mục đích ngu dân khiến 90 triệu người VN từ chối tự do chấp nhận độc tài Đảng trị theo TQ . Thế thì chẳng còn gì để bình phẩm hay bàn cãi cho tương lai của đất nước mình .

    Trả lờiXóa
  4. đòi hỏi dân chủ ở một chế độ độc tài là một điều hoang tưởng khôi hài!

    Trả lờiXóa
  5. Trương Minh Tịnhlúc 07:58 25 tháng 4, 2016

    Cám ơn bác Nguyễn Đăng Quang.
    Nhà cháu còn nhớ thêm một câu bất hũ nữa:Luật là tao.Tao là luật.
    Trong não trạng của mấy ông.Mấy ông vẫn còn coi thường dân lắm.
    Nghĩ mình là cha là mẹ.
    Nhưng là loại cha mẹ rất tệ.Cưỡng chế cướp đất thì đủ ban đủ bệ.Mà cá chết đầy biển,dân hết đường sống,thì trốn chui trốn nhũi như chó cụp đuôi.Thằng nầy xô thằng kia ra phía trước.Cứ lệnh cho nhau.Thằng nào cũng sợ Tàu mắng..... mất ghế.

    Trả lờiXóa
  6. Xin phép vong linh ông Trần Độ nhăc lại những lời tâm huyết mà sinh thời ông đã thẳng thắn neu ra:
    "...Tôi tán thành,ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng,nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị.Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị.Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng: mọi sự độc quyền,độc tôn đều dưa tới thoái hóa,ruỗng nát không những cơ thể xã hội,mà cả cơ thể Đảng nữa.
    Đảng cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng ,toàn trị,khôi phục vai trò vị trí vốn có của Quốc Hội,Chính Phủ.Phải thực hiện đúng Hiến Pháp tức là sửa chữa cácđạo luật chua đúng tinh thần Hiến pháp.Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội,lập Đảng,tự do ngôn luận,luật báo chí,xuất bản,sửa chữa các luật bầu cử,ứng cử tự do,từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng mà thực chât là gò ép..."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất kính phục Ông TRẦN ĐỘ. Một người yêu nước chân chính !!!

      Xóa
  7. Bài viết rỏ ràng , mạch lạc tôi đọc một hơi nghiêm túc nhưng đọc đến đoạn có những câu nói "bất hủ" :“ Nền dân chủ của chúng ta gấp vạn lần các nước khác!” và “ Nước ta dân chủ đến thế là cùng!” bổng tôi phá lên cười ngất...quả đúng là lời những đại HỀ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thay "chủ" bằng "chửi" thì hợp lý.

      Xóa
  8. Thưa bác Quang,muốn có toà án hiến pháp,tam quyền phân lập,quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất,nhân dân thực sự làm chủ đất nước thì trước hết phải tước bỏ "quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối" của đãng.
    Nói cách khác là phải xoá bỏ điều 4 hiến pháp.
    Nó là nguyên nhân của tất cả mọi nguyên nhân.
    Ngày nào đãng còn quyền "lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối" thì những trò như "bầu cử quốc hội"."tam quyền phân lập","dân biết,dân bàn,dân làm,dân kiểm tra"...chỉ là những trò hề khốn nạn,rẻ tiền.
    Tất nhiên là đãng chẳng bao giờ tự nguyện từ bỏ cái quyền béo bở đó.
    Vì thế,có lẽ,cách duy nhất để đãng phải trao lại cái quyền đó cho nhân dân là tất cả mọi người phải đứng dậy để giành lấy nó.
    Mọi lời nói,phân tích,lí lẽ,đúng sai với đãng chỉ là nước đổ đầu vịt.
    Lại nhớ cái câu đại ý : "Người ta lớn chỉ vì mình quỳ xuống"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ... Ác với Dân nhưng Hèn với Giặc !!!

      Xóa
  9. Với Đảng : Đường ta rộng thênh thang tám thước (Tố Hữu)
    Voí Nhân Dân : Đường ta rộng thênh thang ta bước (Trần Đăng Khoa )
    Với Đảng quyền dân chủ có giới hạn chỉ có đảng đẻ ra luật đễ vụ lợi cho đảng -
    giống như không phải một con đường đi đến mục địch nhưng đảng dựng balier chấn lại buộc phải đi vào con đường do đảng thu thuế - nhưng con đường dù đi nhanh hơn cũng không được đi -
    Tệ nạn này là do đảng mà ra đất nước nghèo đói môi trường độc hại đảng vẫn xem bình thường chính ngay trên đất Hà Tỉnh có cái bia ghi thuộc quyền Trung Quốc cấm người VN lai vảng vừa được Tbt Nguyễn Phú Trọng vào khánh thành

    Trả lờiXóa
  10. 50 thằng ra tự ứng cử, 48 thằng rớt không hiểu tại sao, đúng là thằng dân ngu quá lợn nên bọn chúng dễ làm quan

    Trả lờiXóa
  11. Báo đài nước ngoài nhận định Đại hội 12 đảng CSVN là 1 cuộc đảo chính, tôi không có ý kiến gì. Tuy vậy tôi vẫn có thắc mắc là QH khóa 13 của VN bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc Hội và Thủ tướng chính phủ gồm Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, và hơn 20 Bộ trưởng. Đây là các vị lãnh đạo của QH cũ khóa 13 bầu ra. Vậy QH khóa 14 sắp tới có bầu lại các chức danh kia không?
    Nếu không bầu lại các vị trí lãnh đạo của QH Khóa 14 thì có hợp pháp không. Có chính danh khổng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chủ tịch, Tổng thống 1 nước không do dân bầu, đương nhiên là độc tài rồi!
      Có chính biến đấy (chính biến: cuộc rối loạn về đường chính trị)

      Xóa
  12. Tất cả cũng chỉ tại cái phần trăm chiết khấu tỷ lệ của dự án mà ra hết, há miệng mắc quay rồi, mở miệng sao được mà nói...???

    Trả lờiXóa
  13. Đã đứng trên pháp luật ( Hiến pháp ) rồi thì không còn chuyện gì phải bình luận nữa. Đảng Lãnh đạo toàn diện, triệt để, tuyệt đối là như thế ! Trong cuộc họp mãn chiều xế bóng này có nhiều vị được nói cho sướng miệng và có nhiều vị ngồi trơ như tượng mặt dày-nhưng có hề hấn gì chứ ! Độ lì cao quen rồi ./.

    Trả lờiXóa