Trang BVB1

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Chuyện Sói và Cừu

Thảm họa nhân đạo đã và đang diễn ra khắp thế giới khiến loài người hiểu rằng, dẫu có là “sói văn minh” thì chúng vẫn là loài ăn thịt.
Sau thế chiến 2, người đứng đầu ba quốc gia Liên Xô, Mỹ, Anh gặp nhau tại Yalta (phía nam Ukraine) đàm phán về phạm vi ảnh hưởng và phân chia quyền lợi, tại hội nghị này ba vị nguyên thủ cũng thống nhất  thành lập tổ chức quốc tế giữ gìn hòa bình, an ninh thế giới. 
Đến giữa năm 1945 đại diện của 50 quốc gia đã họp tại San Francisco, Hoa Kỳ thông qua Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
         Ngày 24 tháng 10 năm 1945, Liên Hiệp Quốc chính thức được thành lập với  6 cơ quan chính: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo An, Hội đồng kinh tế và xã hội, Ban thư kí, Tòa án Quốc tế vì Công lý, Hội đồng Ủy trị Liên Hiệp Quốc. 
           Trong 6 cơ quan đó, Hội đồng Bảo An với 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) giữ vai trò quyết định. 
Lời tuyên ngôn trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc: "Chúng tôi, những dân tộc của Liên Hợp Quốc, quyết tâm cứu những thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh..." đã khiến không ít người ngây thơ tin rằng nhờ Liên Hiệp Quốc, những cuộc chiến tranh trên thế giới sẽ lùi vào dĩ vãng, nhân loại sẽ sống trong hòa bình hữu nghị.
Từ ngày thành lập, sứ mạng “cứu những thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh” của Liên Hiệp Quốc dường như vẫn chỉ là viễn cảnh quá xa vời.
Bảy mươi năm qua, chiến tranh vẫn tàn phá thế giới, vẫn cướp đi sinh mạng hàng triệu người vô tội, điều trớ trêu là chính năm nước thành viên thường tực Hội đồng Bảo An lại là những nước phát động hoặc tham chiến nhiều nhất bên ngoài lãnh thổ quốc gia. 
Quân đội Mỹ khơi mào hầu hết các cuộc chiến ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi; quân đội Anh, Pháp có mặt trong liên quân đánh phá Nam Tư, Iraq, Libya, Syria; Quân Trung Quốc tham chiến ở Triều Tiên, phát động chiến tranh với Nga, Ấn Độ, Việt Nam; Quân đội Nga tham chiến ở Syria, Gruzia…
Điều tệ hại là trong con mắt không ít chính khách, các quốc gia nhỏ chỉ là “bầy cừu” cho “đàn sói” nước lớn tranh ăn hoặc mài vuốt. Sự nguy hiểm của lũ sói là chúng đi săn theo đàn, chính vì thế đã hình thành một thuật ngữ quân sự là “chiến thuật bầy sói” tức là chiến thuật tấn công cả bầy.
Cho đến tận hôm nay, người dân Serbia, Iraq, Libya,… có thấy hạnh phúc khi “nhờ” các nước lớn mà các nhà độc tài Gaddafi, Saddam Hussein bị giết, Radovan Karadzic bị tù 40 năm? 
Quê hương bị tàn phá, đất nước trở thành chiến trường thử nghiệm vũ khí, xã hội trở nên hỗn loạn và đói khát, đó là nguyên nhân khiến hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, đó cũng chính là những gì mà nhân loại đang chứng  kiến ở Trung Đông, Bắc Phi, và không biết sẽ còn diễn ra ở nơi nào khác trong tương lai?
Thảm họa nhân đạo đã và đang diễn ra khắp thế giới khiến loài người hiểu rằng, dẫu có là “sói văn minh” thì chúng vẫn là loài ăn thịt, và đã là sói thì chẳng bao giờ chúng từ bỏ lối săn mồi theo bầy. 
Cục diện thế giới ngày nay cho thấy “bầy sói” đã trở nên vừa tinh khôn vừa mạnh mẽ, còn “con mồi” thì bị chia năm sẻ bảy, hậu quả là chiến lược phòng vệ đám đông kiểu “bầy cá trích” bị mất tác dụng.
Kể từ khi thành lập năm 1967, dù ASEAN đã phát triển thành một thể chế gồm 11 nước thành viên, chưa bao giờ khối này nhất trí quan điểm đối với Trung Quốc về Biển Đông. 
Sự chia rẽ giữa một số quốc gia thành viên ASEAN khiến cho Trung Quốc có điều kiện lấn tới, hậu quả không chỉ Việt Nam, Philippines gánh chịu mà cả chủ quyền Malaysia, Indonesia cũng bị xâm phạm. 
Phương châm đồng thuận trong các vấn đề đối ngoại mà ASEAN đặt ra giống như trao quyền phủ quyết cho các quốc gia thành viên, hậu quả là chỉ cần một nước - như trường hợp Campuchia tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 – không nhất trí thì cả khối không thể ra tuyên bố chung, đó là lý do vì sao Trung Quốc tin tưởng rằng vẫn có thể chi phối ASEAN dựa vào chiến lược “củ cà rốt”.
Chuyện xảy ra trong quan hệ giữa các quốc gia ASEAN cũng hiện diện trong quan hệ giữa các cơ quan thực thi pháp luật từng nước.
Quan điểm của  Bộ trưởng Ngư nghiệp và Hải sự Indonesia, bà Susi Pudjiastuti rất khác quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao nước này về chuyện tàu cá và tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của họ. 
Chuyện tương tự cũng xảy ra ở Malaysia, trong khi Cơ quan Thực thi Hàng hải nước này cảnh báo Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán tại vùng biển thì quân đội nước này (Hải quân) lại khẳng định không phát hiện các hành động vi phạm của tàu Trung Quốc.
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, trong khi các cơ quan hành pháp – thể hiện qua báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội - cho rằng:
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố và gắn kết chặt chẽ hơn…” thì nhiều Đại biểu Quốc hội lại không nghĩ như vậy. 
Ý kiến của các Đại biểu Lê Văn Lai, Vũ Công Tiến, Trương Trọng Nghĩa, Trần Đình Long, Lê Minh Thông, Võ Thị Dung… đều cho rằng tình hình Biển Đông là rất phức tạp, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm có hệ thống từ nhiều năm nay và đang tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng khi Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông.
Dẫn chứng mà các Đại biểu Quốc hội đưa ra cho thấy ý kiến của họ là hoàn toàn xác đáng và Nhà nước cần có thái độ ứng xử thích hợp. Tuy nhiên, cho đến nay Quốc hội vẫn chưa thể có một tuyên bố chính thức về vấn đề Biển Đông.
Phải chăng Quốc hội Việt Nam cũng như ASEAN, chỉ cần một vài người không nhất trí là nghị quyết không thể soạn thảo?
Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố” thế nào nếu các cơ sở mà người Trung Quốc làm chủ hiện diện ngay sát hàng rào sân bay quân sự Đà Nẵng, tại các địa điểm chiến lược ở Tây Nguyên, biên giới phía Bắc, ven biển miền Trung…? 
Năm 1988 khi không quân chúng ta bay raTrường Sa, tàu Trung Quốc ở Len Đao, Cô Lin bỏ chạy, chúng ta giữ được các đảo ấy, khi đó chỉ cần nổ súng là có thể lấy lại Gạc Ma, thời cơ ấy giờ đây có còn? 
Nay Trung Quốc hút cát xây đảo, xây đường băng, đưa máy bay, tên lửa ra Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao “kịch liệt phản đối”, còn đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung lại cho rằng: “Quốc hội đã làm được nhiều việc, nhưng đáng tiếc là chưa có thêm quyết sách, quyết định công bố trước toàn dân về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, nhất là trong thời điểm nhiều thách thức. Nếu làm được vậy thì nhân dân, cử tri cả nước sẽ hài lòng hơn với Quốc hội".
Quyết sách, quyết định công bố trước toàn dân” mà bà Võ Thị Dung đề nghị có phải là như Philippines, chuẩn bị đưa vấn đề ra tòa án quốc tế?
Bài viết trên Vietnamnet.vn ngày 1/4/2016 [1] nêu ý kiến của một học giả:
“Đưa ra các lập trường chắc chắn sẽ đi kèm rủi ro. Nhưng chỉ đơn thuần nằm sát mặt đất và dùng các lời nói trống rỗng về một vấn đề quan trọng như Biển Đông sẽ làm phương hại quyền tự chủ, đánh mất các lựa chọn và do đó chỉ gây ra các rủi ro lớn hơn mà thôi”.
Nằm sát mặt đất và dùng các lời nói trống rỗng” có thể là cách dùng từ hơi nặng nề, tiếc rằng câu nói lại phản ảnh một thực tế nếu nhìn vào những tuyên bố của cơ quan có trách nhiệm. 
Khi tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc cướp phá, đâm chìm thì chỉ Hội nghề cá là lên tiếng mạnh mẽ còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và những cơ quan chức năng khác chỉ hình như luôn là “Việt Nam  phản đối…”, Hội nghề cá đâu phải là cơ quan Nhà nước? 
Chỉ trong năm 2014 Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện 286 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển phía đông bắc Đà Nẵng (cách bờ khoảng 40-50 hải lý), có trường hợp tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm hải sản cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 18 hải lý? [2].
Tuyên bố nhiều, phản đối nhiều, nhưng càng tuyên bố thì Trung Quốc càng lấn tới, đảo bị mất kéo theo vùng biển, vùng trời cũng bị mất.
Sự mềm mỏng của chúng ta được trả giá bằng sự ngông cuồng của đối tác, vậy chúng ta còn mềm mỏng, hữu nghị đến bao giờ?
Trong khi Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Úc, Philipines… bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam thì chúng ta bắt được bao nhiều tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình? 
Tình hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc luôn được tạo dựng từ hai phía, luôn luôn là bình đẳng và cùng có lợi.  Khi Việt Nam thực hiện phương châm “hãy cho đi cái mà mình muốn nhận từ người khác” thì những người ngồi ở Trung Nam Hải có nghĩ như vậy? Việt Nam trao cho Trung Quốc tình hữu nghị, sự cởi mở chân thành để nhận lại cái gì? 
Một trong những cách thức giới lãnh đạo Trung Quốc ưa dùng là đẩy mâu thuần nội bộ ra ngoài biên giới bằng sức mạnh tổng hợp: quân sự, kinh tế và chủ nghĩa dân túy, còn chúng ta thì dường như lại kéo mâu thuẫn về mình khi lời nói và việc làm khiến nhiều đại biểu của dân phải lên tiếng. Đó có phải là đối sách đúng nếu biết rằng niềm tin của nhân dân đang giảm sút?
Trên đời này những “bữa ăn miễn phí” có thể tìm thấy nơi những tấm lòng hảo tâm, nhưng “tình hữu nghị miễn phí” giữa các quốc gia thì luôn là điều không tưởng.
Thời Hán Sở tranh hùng, Hàn Tín từng bày trận quay lưng vào bờ sông khiến cho quân Hán không có đường lùi, đặt mình vào chỗ chết để tìm sự sống. Thời nay, đặt mình vào chỗ yếu tất sẽ chết, đặt mình vào chỗ chết sẽ không còn nơi hương hỏa, vậy nên run sợ trước bầy sói cũng chẳng khác gì chuẩn bị cho chúng “bữa trưa miễn phí”. 
Sói giả làm người để ăn thịt, người giả làm cừu chỉ có thể ăn cỏ. Mất đất, mất đảo thì cỏ cũng không còn mà ăn, điều này hẳn chẳng người Việt nào quên. Hy vọng đưa con sói đói vào nhà để nó chống lại con sói no ngoài ngõ liệu có quá ngây thơ, khờ khạo?
-------------
** Tài liệu tham khảo:
Xuân Dương/GDVN
--------------

7 nhận xét:

  1. "Cho đến tận hôm nay, người dân Serbia, Iraq, Libya,… có thấy hạnh phúc khi “nhờ” các nước lớn mà các nhà độc tài Gaddafi, Saddam Hussein bị giết, Radovan Karadzic bị tù 40 năm?"

    Đồng ý với tác giả . Độc tài ngồi đâu cứ để cho họ ngồi đó . Hussein mà còn, chắc tác giả trở thành công dân I rắc danh dự!

    “Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố” thế nào nếu các cơ sở mà người Trung Quốc làm chủ hiện diện ngay sát hàng rào sân bay quân sự Đà Nẵng, tại các địa điểm chiến lược ở Tây Nguyên, biên giới phía Bắc, ven biển miền Trung…?

    Tác giả không nhìn ra ? OK, tớ thêm vài chữ “Thế trận quốc phòng toàn dân Xã Hội Chủ Nghĩa (aka, Việt-Trung), an ninh nhân dân Xã Hội Chủ Nghĩa được củng cố”

    Nhìn ra chưa ?

    "Việt Nam trao cho Trung Quốc tình hữu nghị, sự cởi mở chân thành để nhận lại cái gì?"

    Giàn khoan . Không có nó thì hạnh phúc không bền vững đâu nhá . Tiền, người & của trong chiến tranh chống lại dân chủ tư bẩn miền Nam . Sự đùm bọc chở che của Đảng anh đ/v đảng em bé bỏng dễ thương ... Và nhiều thứ "nhạy cảm" khác .

    OK, tớ đề, lộn, kiến nghị -không, sẽ có người bảo tớ chỉ phá là giỏi- 2 đảng nên sáp nhập sơm sớm . Lúc đó không còn ai xâm phạm chủ quyền ai . Ai phiền thì nhắm mắt lại . Chuyện dợ chồng người ta ai kiêu xía dô . Cái đồ dô diên!

    Lúc đó ngư dân VN được hưởng quy chế công dân Xã Hội Chủ Nghĩa chính thức, không còn sợ tư bẩn bắt nạt, cũng không còn sợ bị kỳ thị như bây giờ .

    "Hy vọng đưa con sói đói vào nhà để nó chống lại con sói no ngoài ngõ liệu có quá ngây thơ, khờ khạo?"

    Làm sao tác giả biết được con sói ngoài ngõ no ? No mà "diễn biến hòa bình" làm sụp đổ khối Varsovie? Làm cách mạng màu, rồi mùa xuân này nọ, lật đổ hết chính thể độc tài này đến chính thể độc tài khác làm chính tác giả sôi máu ?

    Thôi thì sói Xã Hội Chủ Nghĩa vẫn tốt hơn í mà!

    Trả lờiXóa
  2. Tất cả các cuộc chiến tranh từ sau Thế chiến 2 đều có nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của Chủ nghĩa cộng sản. sau khi Liên xô sụp đổ Pu tin núp bóng dân chủ tiếp sức cho Ỉraqu, Syry... hồi giáo... gây chiến. Cần tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản thì thế giới mới yên được.

    Trả lờiXóa
  3. "hữu" là bạn bè, "nghị" là bàn bạc; tình "hữu nghị" là bè bạn bàn bạc với nhau. VN luôn đề cao "tình hữu nghị" với tất cả các nước, cho dù là những thằng từng đã tàn sát cả đàn bà trẻ nhỏ nhà mình một cách man rợ, và vẫn từng lâu lâu cho mấy "ông chủ" trên biển đi chầu ...thủy quái. Nhờ vậy mà các "con sói" đều đã ...thân thiện với con cừu VN hết rồi còn gì.
    Vậy thì cái "đường lối" Quốc phòng toàn dân, An ninh nhân dân cùng với việc mua tàu to, súng lớn liệu còn có ích chăng; hay chỉ tổ làm tăng tướng tá cho "ngang tầm", có vũ khí hiện đại để diễu binh (5 năm một lần) cho ...oai?
    Nghe "người phát ngôn" hoài đâm chán; nghe mấy ông nghị mãn nhiệm lại thêm buồn...

    Trả lờiXóa
  4. Không phải lòng tin của nhân dân với Đảng giảm sút ,má la :LÒNG TIN CỦA DÂN VỚI ĐẢNG ĐÃ CẠN KIỆT ,ĐÃ HẾT SẠCH SÀNH SANH RỒI /

    Trả lờiXóa
  5. Tác giả viết Quân đội Nga tham chiến ở Gruzia , Syria nhưng không thấy nói Nga tham chiến ở Ucraina hè ? chắc bao giờ SU35 bị bắn rơi , phi công bị bắn chết trên lãnh thổ Ucraina thì mới công nhận tham chiến , còn bây giờ không có . . . bằng chứng , giống như vụ PANAMA . Tất cả các tổ chức liên kết quốc tế hầu như vô tác dụng mà còn nhiều yếu điểm , chẳng hạn như EU , bỏ chế độ Visa , người các nước đi lại tự do , nhưng khủng bố và tội phạm cũng có quyền tương tự ! Vụ tấn công ở Pháp , sau khi " hoàn thành nhiệm vụ " , khủng bố rửa tay , uống cafe và ung dung đi sang Bỉ chơi ! LHQ ngoài hỗ trợ nhân đạo cũng không làm được gì hơn . LHQ , EU , ASEAN , G7 , G20 và kính thưa tất cả các tổ chức liên kết khác , chỉ tốn tiền và thời gian để các vị lãnh đạo tụ tập , chụp ảnh Selfie . Nếu sống ở một nước thành viên EU thì ta mới thấy tổ chức EU cũng chẳng có gì ghê gớm , kết quả không đáng là bao , chủ yếu là phô trương thanh thế về chính trị . Các nước Đông Âu thực tế không đủ tiêu chí thành viên nhưng vẫn phài kết nạp gấp kiểu cưới vì cô dâu " ăn cơm trước kẻng " , chỉ qua vụ người tị nạn là thấy ngay " tinh thần đoàn kết " của toàn khối .
    Không có bạn , quyền lợi dân tộc trên hết !

    Trả lờiXóa
  6. "nhưng “tình hữu nghị miễn phí” giữa các quốc gia thì luôn là điều không tưởng."?
    Loại tác giả khùng điên này sao vẫn còn đông như quân Nguyên thế nhỉ?
    Ông giải thích sao chuyện Đồng Minh cứu cộng sản Liên Xô trong Thế chiến 2? Mặc dù cs và Tư do là 2 thứ hoàn toàn đối nghịch?

    Trả lờiXóa