Trang BVB1

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Lào: Thay đổi lãnh đạo và tương lai quan hệ với Mỹ

* Murray Hiebert
Những thay đổi trong ban lãnh đạo đã được công bố tại một đại hội mới kết thúc của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cầm quyền và chuyến thăm đã được lên kế hoạch của Tổng thống Barack Obama đến Viêng Chăn vào tháng 9, chuyến thăm Lào đầu tiên của một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm mang lại cho Washington một cơ hội quan trọng để thúc đẩy các mối quan hệ với quốc gia nằm sâu trong đất liền chưa đến 7 triệu dân bên sườn phía Nam Trung Quốc này.
Sự can dự cấp cao đầu tiên của Mỹ với Lào trong năm 2016 đã diễn ra ở Rancho Mirage, California vào ngày 15-16/2, khi ông Obama và Thủ tướng Thongsing Thammavong đồng chủ trì một hội nghị cấp cao đặc biệt giữa những người đứng đầu nhà nước ở khu vực Đông Nam Á và Mỹ. Lào là chủ tịch ASEAN trong năm 2016.
Ngoại trưởng John Kerry đã đến thăm Lào vào ngày 25/1 để tìm ra thể thức và chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao này. Kerry đã đến Viêng Chăn chỉ vài ngày sau khi Đảng Nhân dân Cách mạng Lào kết thúc đại hội của mình (tổ chức 5 năm một lần) để lựa chọn ra ban lãnh đạo của đảng và đặt ra những mục tiêu chính trị và phát triển kinh tế trong 5 năm tới. Định hướng chính sách đối ngoại của đất nước này là một lĩnh vực mà có thể nhận thấy một số thay đổi đáng chú ý nhất trong những năm tháng tới.
Lực lượng Cộng sản Việt Nam đã giúp những người đồng chí Lào giành quyền lực vào năm 1975, và Hà Nội kể từ đó đã duy trì ảnh hưởng đáng kể ở Viêng Chăn. Nhưng trong những năm gần đây, Lào đã xích lại gần hơn với Trung Quốc khi Bắc Kinh tăng cường viện trợ và đầu tư vào Lào. Quyết định của đại hội đảng loại bỏ Choummaly Sayasone khỏi chiếc ghế tổng bí thư và thay thế ông này bằng Phó Chủ tịch hiện nay, Bounnhang Vorachith, được nhìn nhận rộng rãi ở Viêng Chăn là một nỗ lực của các nhà lãnh đạo đảng kéo chính sách đối ngoại của chế độ này trở lại vị trí ở giữa Trung Quốc và Việt Nam, thay vì nghiêng về phía Bắc Kinh. Bounnhang đã được đào tạo quân sự ở Việt Nam và đã học tập tại một trường đào tạo về đảng của nước này.
Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad, người đứng thứ 8 trong Bộ Chính trị và cũng giống như vị tổng bí thư đảng phải ra đi Choummaly, đã “có công” trong việc chấp nhận những nhượng bộ lớn về kinh tế trước các công ty Trung Quốc trong thập kỷ trước, cũng bị loại bỏ. Trong công chúng và các đảng viên, có sự lo lắng dễ nhận thấy rằng các nhà lãnh đạo bị hất cẳng đã làm cho Lào phát triển quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong những năm gần đây. Các công ty Trung Quốc, phần nhiều trong số đó là công ty thuộc sở hữu nhà nước, đã tăng cường đáng kể chỗ đứng kinh tế của họ ở miền Bắc của Lào.
Các công ty Trung Quốc hiện nay có ít nhất 6 dự án bất động sản lớn ở Viêng Chăn, bao gồm các tổ hợp mua sắm và khách sạn chọc trời ở thành phố nhỏ này. Các công ty Trung Quốc cũng nắm giữ một số lượng lớn các dự án khai thác mỏ và nông nghiệp ở phần lớn miền Bắc Lào. Vào tháng 12/2015, hai nước đã bắt đầu làm việc về dự án đường sắt trị giá 6 tỷ USD nối liền miền Nam Trung Quốc với Bangkok đi qua Lào, mà các nhà kinh tế học tin là sẽ mang lại những lợi ích rất nhỏ cho Lào. Chính phủ kẹt tiền này được cho là sẽ tài trợ một phần chi phí bằng một khoản cho vay từ phía Trung Quốc.
Sự bổ nhiệm được mong đợi Phó Thủ tướng Thongloun Sisoulith làm Thủ tướng ngay sau khi Quốc hội Lào lựa chọn được chính phủ mới vào tháng 3 cũng sẽ giúp thúc đẩy những nỗ lực hội nhập khu vực của Viêng Chăn. Ông Thongloun đã phục vụ với tư cách là ngoại trưởng kể từ năm 2006 và được xem là có phần giống người theo chủ nghĩa quốc tế muốn thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn không chỉ với Việt Nam và các nước láng giềng ASEAN của Lào, mà còn với các đối tác bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản. Thonglun – mà vị trí ngoại trưởng của ông được cho là sẽ do Saleumxay Kommasith, cựu đại sứ có năng lực tại Liên hợp quốc, tiếp quản – không chống Trung Quốc; ông chỉ muốn củng cố chính sách đối ngoại Lào bằng các mối quan hệ khu vực và quốc tế rộng hơn.
Thongloun thừa nhận rằng với việc Lào làm chủ tịch ASEAN trong năm 2016, Viêng Chăn sẽ phải đại diện cho những lợi ích của các nước láng giềng ASEAN, một số trong đó, như Philippines và Việt Nam, đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc ở Biển Đông bị tranh chấp. Các quan chức Lào, đáp lại những quan ngại bên trong ASEAN và ở Mỹ, đã phát biểu trong những tháng gần đây rằng họ nhận thấy sự thúc đẩy để không lặp lại những gì đã xảy ra trong nhiệm kỳ chủ tịch của Campuchia trong năm 2012, khi Phnom Penh ngăn cản một tuyên bố đồng thuận của ASEAN về Biển Đông theo chỉ thị rõ ràng của Bắc Kinh.
Ông Kerry đã nói với các nhà báo sau những thảo luận của ông với các quan chức Lào rằng Thủ tướng hiện nay Thongsing Thammavong “bày tỏ rất rõ ràng rằng ông muốn một ASEAN thống nhất và quyền trên biển được bảo vệ, ông muốn tránh quân sự hóa và tránh xung đột”. Một quan chức cấp cao của Lào nói thêm: “Chúng ta sẽ phải chịu áp lực từ phía Bắc và phía Đông”, đề cập đến những nỗ lực của Trung Quốc và Việt Nam gây ảnh hưởng lên việc ra quyết định của Viêng Chăn. Các quan chức Lào sẽ có thể tìm cách hoạt động theo nguyên tắc trung tâm và đồng thuận của ASEAN.
Các mối quan hệ Mỹ-Lào đã nồng ấm hơn trong những năm gần đây như một phần của sự tái cân bằng sang châu Á lớn hơn của Mỹ, sau những thập kỷ nghi ngờ lẫn nhau sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Kerry cho biết Mỹ đang đưa ra chương trình dinh dưỡng trị giá 6 triệu USD để giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em và đã chào mời một dự án “cơ sở hạ tầng thông minh” do Mỹ tài trợ ở Lào theo Sáng kiến hạ lưu sông Mekong nhằm giảm bớt tình trạng nghẽn bùn và tạo thuận lợi cho các loài cá di cư, khi Lào xây dựng các đập trên con sông này để phát điện phục vụ xuất khẩu. Ông Kerry cũng nêu ra các vấn đề nhân quyền đang diễn ra về điều mà Washington quan ngại, bao gồm sự biến mất của nhà nông học nổi tiếng Sombath Somphone 3 năm trước.
Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy mối quan hệ của Mỹ với Lào trong năm then chốt này và trước cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11. Kerry cho rằng Obama có thể tuyên bố tài trợ thêm đáng kể cho khoản tiền 19,5 triệu USD hiện nay trong quỹ của Mỹ giúp rà phá bom mìn còn sót lại khi ông đến thăm Viêng Chăn.
Theo Cơ quan phân tích dữ liệu của tạp chí Economist (EIU), nền kinh tế Lào – đã tăng trưởng với tốc độ 7-8% trong những năm gần đây – được dự đoán tăng lên 7,7% trong năm 2016, khiến Lào trở thành nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai ở châu Á trong năm 2016. Phần lớn sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thủy điện sang Thái Lan, và gần đây hơn là du lịch. Thương mại và đầu tư của Mỹ với Lào vẫn còn ít, mặc dù hãng Coca-Cola đã mở một nhà máy đóng chai lớn ở gần Viêng Chăn vào năm 2015 để phục vụ miền Bắc Thái Lan.
Mặc dù mối quan hệ quân sự của Mỹ với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đã phát triển trong thập kỷ trước, song các mối quan hệ với quân đội Lào gần như không đáng kể ngoại trừ sự hợp tác trong tìm kiếm những phi công Mỹ mất tích khi đang làm nhiệm vụ trong chiến tranh. Quân đội Lào đã đồng ý làm việc với Washington trong một số chương trình đào tạo tiếng Anh cho binh lính nước này, nhưng không chấp nhận đề nghị cử các sĩ quan đến các trường đào tạo sĩ quan của Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã có một chương trình giáo dục ở Lào trong nhiều năm, và Viêng Chăn đã đề nghị Chính quyền Obama rằng nước này rất muốn có một chương trình đào tạo lớn hơn với Washington. Lào phải đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng các nhà kỹ trị am hiểu và lao động lành nghề, một nhân tố cản trở sự phát triển kinh tế của nước này. Washington có thể cân nhắc việc “theo đuổi” Lào bằng một chương trình tương tự như chương trình giảng dạy về kinh tế học Fulbright cho các cán bộ công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước mà nước này đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều thập kỷ.
Lào nằm trong hành trình công du châu Á của nhiều quan chức cấp cao của Mỹ hơn trong những năm gần đây. Nhưng ngoài chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Lào trong năm 2014 và Phó Thủ tướng Thongloun 2 năm trước, hầu như không có quan chức cấp cao nào của Lào được cử đến Mỹ. Một khi chính phủ mới lên cầm quyền ở Viêng Chăn, Chính phủ Mỹ nên mời nhiều hơn quan chức cấp cao của Lào đến Washington để thúc đẩy lòng tin giữa hai nước.
                  (Nghiên cứu Biển Đông)/Nguồn: Murray Hiebert, “Leadership Changes & Upcoming Obama Visit Give U.S. New Opportunities in Laos“, Cogitasia, 05/02/2016./Biên dịch: Anh Thư
---------
** Tác giả Murray Hiebert là nghiên cứu viên cao cấp và phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc CSIS.
--------------

7 nhận xét:

  1. Lào và Cuba đã ngã sang Mỹ, Tàu tức lồng lộn. Nhưng dù sao vẫn có VN ôm chân, Tàu cười khà...khà...

    Trả lờiXóa
  2. Hoan hô thằng em út Lào khôn ngoan & dễ thương,nhanh lên không khéo giặc Tập tiêu diệt em mất đấy ! nhanh lên nhé ! nhanh lên !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không biết ai là Út cưng đấy! Ha ha!

      Xóa
  3. Mong cho các bạn dứt khỏi cái bóng của VN và đi theo hướng tiến bộ
    Mới nghe tưởng như thế sẽ bất lợi cho VN nhưng thực tế là các bạn sẽ vì mình nhưng đồng thời cũng gián tiếp giúp VN thay đổi

    Trả lờiXóa
  4. CPC học theo giáo trình của Úc, Việt Nam! theo giáo trình LX TQ, có ngày CPC sẽ dạy Việt Nam cách dùng luật QT, y khoa tân tiến, hãi

    Trả lờiXóa
  5. Chác chán 100% rồi anh bạn Nặc danh 10:25 ơi,sẽ có ngày(chắc không xa lắm đâu ),các cố vấn người Campuchia sẽ sang Vn giảng dạy cho các Gs.Ts VN đấy,có thể còn sợ rằng các Gs.Ts VN không theo nổi giáo trình giảng dạy của các cố vấn người Campuchia ấy chứ !!!

    Trả lờiXóa
  6. NHân dân VN luôn quí trọng nhân dân Lào anh em và mong mỏi nước Lào luôn hòa bình, trung lập và thịnh vượng. Chỉ cần nhân dân và lãnh đạo Lào nhớ đến tấm gương đẫm máu thời Ponpot "CPC dân chủ" do TQ nuôi dưỡng đánh về là sẽ rút ra bài học cần thiết. Đồng thời cũng tránh được cái thể chế chính trị-kimh tế-xã hội lạc hậu kiều VN hiện nay để phát triển mạnh hơn nữa .

    Trả lờiXóa