Trang BVB1

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Bàn về lộ trình cải biến xã hội

* LANG ANH
Có lẽ mọi triều đại đều có thời của nó. Khi mà sự bất cập và mâu thuẫn lịch sử đã đến đỉnh điểm, tất yếu phải có một sự cải biến xã hội.
Những vấn nạn ở Việt Nam đều đã tới giới hạn của sự chịu đựng. Từ sự đe dọa của Trung Quốc ở biển đông, đến các lòng sông chết khát ở đồng bằng sông Cửu Long; Từ nền kinh tế què quặt vì hàng nhập lậu, đến sự què quặt của toàn xã hội về thực phẩm độc;
Từ thực trạng về tình trạng tham nhũng đến mức không thể chịu đựng nổi cho đến việc các nguồn lực và cơ hội phát triển của đất nước ngày ngày tiêu biến như chui vào lỗ đen. Mọi thứ đều giống như một thùng thuốc súng đang chờ nổ. Tất cả những vấn nạn này vẫn đang ngày một trầm trọng và nguyên nhân chỉ có một thôi: Hệ thống chính trị lỗi và không hợp thời này đã gây ra tất cả.
Trong quá khứ và thậm chí là ngay cả thời hiện đại, sự thay đổi chế độ thường gắn kèm chiến tranh, chết chóc và xáo trộn. Nhiều trường hợp lịch sử của một quốc gia và các giá trị của nó thậm chí còn bị kéo lùi vài thập niên giữa chiến tranh loạn lạc. Người ta nhìn thấy những chuyện này ở Iraq, libya, Syria và thậm chí cả một quốc gia nằm bên rìa châu Âu là Ucraine. Thế nhưng không phải bao giờ sự chuyển tiếp xã hội cũng gắn với chiến tranh. Ở một góc xa xôi hẻo lánh của Đông Nam Á, nơi nền công nghiệp còn hoang sơ, và cuộc sống của người dân còn dưới cả tiêu chuẩn thế giới thứ ba, nhưng Myanmar đã là một ví dụ đắt giá về cách thức mà một quốc gia lạc hậu có thể tiến hành cách mạng xã hội mà không phải dùng bạo lực. Cuộc cách mạng ấy đến từ nền tảng thứ tha, thiện chí và hoà giải. Những người từng là cai ngục bắt tay với chính tù nhân của họ, cả hai phía cùng bỏ quá khứ lại sau lưng, thỏa hiệp để thiết lập một lộ trình phù hợp với hiện tại và tương thích với tương lai của nó.
Cho đến nay phe quân sự độc tài ở Myanmar đã thực hiện một bước chuyển mình lịch sử. Từ chỗ cai trị xã hội bằng bàn tay sắt với thể chế độc tài, họ thả tù chính trị, chấp nhận đa đảng phái và bầu cử tự do. Và đặc biệt là, họ chấp nhận tự do báo chí ngay khi quyết định bước tiến lịch sử của mình. Tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại, phe quân sự giữ lại cho mình 25% số ghế chỉ định trong nghị viện, kèm với đó là quyền phủ quyết hiến pháp. Nếu nhìn một cách cực đoan, thì nhiều người sẽ cho đó là một nền dân chủ không toàn vẹn, ngược lại, những người tích cực chỉ ra rằng, chỉ có bằng cách để những quyền lực cũ giữ lại một phần quyền lực, mới là cách đảm bảo sự chuyển tiếp giữa cũ và mới diễn ra trong hoà bình.
Trong bức tranh về cuộc cách mạng đẹp nhất lịch sử nhân loại ấy, người ta nhắc nhiều đến vai trò lịch sử của bà Aung San Suu Kyi. Người phụ nữ ấy đã đấu tranh không mệt mỏi trong nhiều thập niên, bị cầm tù và giam lỏng trong hàng chục năm, thế nhưng chưa bao giờ phai nhạt lý tưởng của mình. Nhờ có Aung San Suu Kyi, xã hội dân sự Myanmar nhanh chóng trưởng thành khi nó được giải phóng. Đảng NLD của Myanmar ngay lập tức được tái thành lập và phát triển nhanh chóng ngay khi phe quân sự cho phép đa đảng. Sự trưởng thành vượt bậc ấy, đóng góp lớn nhất đến từ ảnh hưởng cá nhân của bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, nếu bà Suu Kyi rất vĩ đại, thì người đã giải thoát cho bà và quyết định nhượng bớt quyền lực khi đang ở đỉnh cao cũng vĩ đại không kém. Đó chính là Tổng thống Theinsein, từng là tổng tư lệnh quân đội Myanmar trước khi nắm quyền tổng thống. Nếu bà Aung San Suu Kyi đại diện cho sức mạnh tương lai của Myanmar, thì ông Theinsein chính là người mở cánh cửa cho tương lai ấy. Đại diện cho cái cũ và cái mới, họ bắt tay nhau để xây đắp đất nước của mình. Câu nói của tổng thống Theinsein khi chuyển giao quyền lực: “Ngày hôm nay là một thắng lợi lịch sử của dân tộc Myanmar. Cuối cùng Myanmar cũng đi vào quỹ đạo văn minh sau khi đứng bên lề nền dân chủ trong 5 thập kỷ”. Phải, đó là một chiến thắng chung dù là của những người bảo thủ hay cấp tiến.
Câu chuyện Myanmar là một niềm cảm hứng lớn cho con đường giải phóng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đến giờ nhiều chính trị gia phương tây vẫn rất ngạc nhiên không hiểu bằng cách nào mà một dân tộc dân trí còn rất thấp, nhiều thập niên qua luôn chìm trong xung đột ly khai, lại thực hiện được một cuộc cách mạng hoà bình đẹp đến thế bằng chính những yếu tố bên trong của nó. Các dân tộc khác cần nhìn vào tấm gương này để rút ra bài học cho mình.
Myanmar là một bức tranh của hoà hợp và hoà giải, nơi những lực lượng chính trị có lý tưởng và quyền lợi khác nhau đã cùng ngồi lại thỏa hiệp với tinh thần hoà giải vì lợi ích quốc gia. Đây chính là điều mà người Việt Nam cần tham khảo, đối chiếu và nhìn sâu vào thực trạng xã hội hiện nay, để tìm lối thoát cho mình.
Có lẽ đây là lúc những công dân tiến bộ người Việt Nam, cần ngồi lại và suy nghĩ để tìm lối thoát cho đất nước này. Nếu các đảng viên đảng cộng sản chưa chịu nghĩ, thì chúng ta có lẽ cần nghĩ thay cho họ. Khi có một phương án chấp nhận được và trước sức ép của lịch sử, cơ hội cho một bước tiến lớn vào tương lai trong hoà bình không phải là điều viển vông.
Trong bài diễn văn đầy cảm hứng của Barack Obama ở Havana có một câu rất hay thế này: “Tôi không ở đây để kêu gọi lật đổ bất cứ cái gì. Tôi ở đây chỉ để kêu gọi các bạn xây dựng một cái gì đó”.
Trong loạt bài viết này (Sẽ là một loạt bài), tôi cũng không kêu gọi lật đổ những người cộng sản hay bất cứ ai. Nhưng tôi sẽ cố gắng phân tích tìm tòi một phương án chấp nhận được cho những quyền lực đại diện cho cái cũ ở Việt Nam và một lộ trình phù hợp cho cái mới. Có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian để khuyến khích hoặc gây sức ép đủ mức để những quyền lực cũ chấp nhận thỏa hiệp cho lợi ích chung. Và chắc chắn cũng sẽ mất không ít thời gian để đoàn kết những lực lượng cấp tiến trong ánh sáng chung của tri thức nhưng với triết lý tha thứ và hoà giải, chứ không phải hung hăng và đạp đổ. Tôi sẽ cố gắng góp phần của mình vào tiến trình đó ở đây.
Nhiều người sẽ nói rằng nhưng những người cộng sản sẽ chẳng thèm nghe ai. Tôi muốn những người đó biết là tôi biết rõ điều đó. Nhiều người khác cũng sẽ nói rằng lực lượng trí thức và những người cấp tiến Việt Nam không ai có tính biểu tượng như bà Aung San Suu Kyi. Một lần nữa, tôi muốn nói rằng tôi biết rất rõ điều này. Tôi biết là ở Việt Nam có nhiều điều rất khác Myanmar, họ có những vận may và lịch sử đã mỉm cười. Tuy nhiên, tôi tin là bài toán ở Việt Nam sẽ có lời giải trong hoà bình.
Trong một lộ trình mà tôi chưa thể đoán biết lúc nào sẽ đến đích này, nếu những ai muốn cùng tham gia và tôi mơ ước sẽ có rất nhiều người cùng tham gia, triết lý xuyên suốt ở đây phải luôn là : “Hãy luôn kiên định cho mục đích cuối cùng và không bao giờ từ bỏ, nhưng phải suy nghĩ trên tinh thần hoà giải và xây dựng”. Chỉ có bằng cách đó, chúng ta mới có thể khép lại lịch sử luôn giải quyết mâu thuẫn bằng chiến tranh ở đất nước này sau lưng và mở cách cửa cho một lộ trình mới hứa hẹn hoà bình thịnh vượng.
P/S Nếu ai đó vào đây với tinh thần xây dựng và hoà giải, hãy ở lại và góp ý cùng với tôi. Còn nếu ai đó đến với sự cực đoan, với lối nghĩ thất bại, thì cánh cửa luôn ở phía ngoài. Nó luôn mở rộng cho cả người đi và người đến.
L.A/ FB Lãng/anhbasam
---------------

5 nhận xét:

  1. Cái chết do bị ám sát của F. Aquino năm 1986, đã khơi mào cho phong trào dân chủ ở Philippines. Quân đội đã quá chán ngán nhà độc tài Marcos, và bắt giam ông ta.
    Ông Aquino nói vào những ngày cuối: "Tôi không thể không làm những việc để cứu đất nước, dù có thể bị giết. Tôi sẽ quay về!"
    Ngày nay, người trẻ ở đó không còn bị gông cùm như cha ông họ.

    Trả lờiXóa
  2. Dân lương thiệnlúc 09:27 27 tháng 3, 2016

    Cái gì đến sẽ phải đến.
    Càng "quẫy" mạnh, càng giở nhiều trò "cứu nguy chế độ" thì ngày sụp đổ của chế độ càng đến nhanh hơn.
    Như một cái áo quá cũ đã bục nát, vá vúi không còn tác dụng nữa, họ kéo chỗ này, họ đắp chỗ kia.... thì cái áo sẽ toạc ra mà thôi.
    Không cứu vãn được đâu ông Tổng ơi.
    Sẽ đến lúc không ai cứu được ông nữa.

    Trả lờiXóa
  3. Tại sao một chế độ đầy tham nhũng như VN hôm nay vẫn còn tồn tại và đầy quyền lực để thống trị nắm vững quyền lãnh đạo ?

    Gần như 100% người Việt từ ông TBT cho đến dân quèn thiếu học đều biết được sự tham nhũng lan tràn ở mọi cấp chính quyền . Nhưng tất cả mọi người vẫn thản nhiên và thụ hưởng những gì sẵn có . Không đề phòng những bất trắc nguy hiểm đang rình rập như chiến tranh Biển Đông đang kề bên , nợ nần nhà nước đang vượt trần có nguy cơ phá sản , nạn ngập mặn tại Đồng bằng Cửu Long , nạn hạn hán tại cao nguyên Miền Trung , nạn đánh bắt hải sản đang bị TQ khủng bố ngăn cản .!

    Tệ hại nhất , những phong trào dân chủ bị đàn áp , những người tham gia chống TQ lại bị chính chính quyền mình khủng bố với nhiều hình thức dã man !

    Vì thế . Muốn nói đến một lộ trình cải biến xã hội không còn cách nào khác hơn phải nhìn nhận cái gốc rễ tạo nên sự nguy hiểm và ý thức hiểm hoạ đang diễn ra , sắp diễn ra trong một ngày rất gần cho VN .

    Cái gốc rễ chính là chế độ Cộng Sản được công nhận trước thời kỳ đánh đuổi thực dân Pháp cho mãi tận hôm nay . Chấp nhận là một thành phần của Cộng Sản Quốc tế , dựa vào sức mạnh của Cộng sản Quốc tế để Giải Phóng đất nước . Tiếp theo là xây dựng một đất nước Cộng Sản XHCN dưới sự chỉ đạo của Liên Xô và TQ . Chính đây là cội rễ của của mọi nguyên nhân nguy hiểm đang diễn ra và tiến đến một kết cuộc thảm hại cho nước Việt không thể hình dung được !

    Ý thức về hiểm hoạ chính là cách nhìn cho tương lai gần cũng như xa cho gia đình và con cháu không được đặt nặng , không được chú trọng . Người Việt hôm nay chỉ chú trọng đến bằng cấp , giàu sang , siêu sao , ăn tiêu phung phí nhằm thụ hưởng , đua đòi se sua . Là hậu quả của những năm tháng bị kìm kẹp của thời kỳ Chuyên chính vô sản , bao cấp , ngăn sông cấm chợ , tố khổ giàu sang , tố khổ trí thức . Khiến mất đi ý thức cảnh giác hiểm hoạ đang rình rập , đạo đức xã hội bị băng hoại bởi Truyền thông nhà nước cố tình che đậy , ru ngủ bằng văn hoá rẻ tiền , lễ hội dị đoan mê tín , loại bỏ hay bẻ cong lịch sử dựng nước & giữ nước , nhằm làm kiệt quệ xói mòn tinh thần tự ái dân tộc , tinh thần yêu tổ quốc .

    Phải làm thế nào cho tất cả mọi người Việt kể cả đảng viên thấy được cội rễ nguy hiểm đã đưa dân tộc đến bờ vực nguy hiểm hôm nay , chính là Chủ nghĩa Cộng Sản XHCN . Phải làm thế nào để người Việt thấy được đang sắp phải đối diện một thời kỳ đen tối .

    Khi đa số người Việt vẫn còn chưa thấy được cội rễ phát thành nguy hiểm , chưa ý thức được điều nguy hiểm . Thử hỏi bàn về lộ trình cải biến có ích gì khi người Việt chưa ý thức để chấp nhận cải biến xã hội !

    Chúng ta chỉ có thể bàn về một lộ trình cải biến xã hội , khi xã hội có biểu tượng của đa số đồng thuận dưới những hình thức như biểu tình , bất hợp tác ....vv . Đa số có nghĩa là tất cả mọi người , mọi đoàn thể , mọi ban nghành kể cả những lực lượng an ninh quân đội .

    Hay nói đúng hơn , mọi người Việt còn nghỉ đến nước Việt , hôm nay chỉ còn cách duy nhất là vận dụng mọi hiểu biết , xử dụng mọi phương tiện , truyền bá những cội nguồn phát sinh ra nguy hiểm và hình ảnh của nguy hiểm đang rình rập người Việt . Tất cả khi được đa số đồng thuận thì từ đấy mới thực hiện bàn đến lộ trình cải biến xã hội như thế nào để giảm đớn đau , tang thương và thù hận .

    Chưa có dấu hiệu đa số đồng thuận thì hãy đẩy mạnh tuyên truyền bởi những sự thật đang xảy ra hàng ngày của chế độ , những cái mà Đảng cố tình nguỵ biện hay che dấu bao biện . Đây chính là việc là hữu ích thiết thật nhất cho tất cả mọi người Việt còn nghỉ đến dân tộc & đất nước . Dầu cho mai này đất nước có lụn bại điêu tàn , thì chúng ta cũng chẳng có gì phải tự trách hay ân hận . Vì chúng ta đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình , còn lại là ý trời !

    Thức tỉnh

    Trả lờiXóa
  4. "nhiều thập niên qua luôn chìm trong xung đột ly khai, lại thực hiện được một cuộc cách mạng hoà bình đẹp đến thế bằng chính những yếu tố bên trong của nó"

    Chính những "xung đột ly khai" là động lực chủ yếu & duy nhất dẫn đến cuộc cách mạng hòa bình .

    Trả lờiXóa
  5. Cải biến xã hội có 2 hướng : Cải biến từ trên xuông và cải biến từ dưới lên .Thực ra 2 cách này thường xẩy ra đồng thời và trong một thời điểm cải biến từ trên xuống đóng vai trò quyết định , đó là thực tế xảy ra ở Myanmar . dân tộc họ thật may mắn , ít phải hy sinh mất mát.
    Với Việt nam sẽ không đươc may mắn như vậy bởi 3

    lẽ sau :
    _ CNCS mang đặc điểm của một tôn giáo trong đó có học thuyết , giáo chủ và các tín đồ . Ở Việt nam ở một phần lớn dân chúng đang được coi là tín đồ của tôn giáo này . Do sự truyền giáo giả dối nên các tín đồ còn có phần tin vào các giáo chủ và học thuyết .
    _ giáo chủ và các giáo sĩ ( đảng cs) đặt lợi ích cá nhân , đảng lên trên lợi ích dân tộc và dùng mọi thủ đoạn để bảo vệ lợi ích đó .
    _ ĐCS Trung Quốc đang còn tồn tại và ĐCS Việt nam dựa vào ĐCS Trung Quốc để tồn tại .
    3 điểm trên là 3 khó khăn lớn cho cải biến xã hội Việt nam
    Các thuận lợi cho cải biế xã hội ở Việt nam :
    _ Học thuyết của đảng đã được loài người chứng minh là sai lầm về mặt lý thuyết và thất bại trong thực hành , đảng đang lúng túng , mất phương hướng , niềm tin .
    _Nội bộ đảng xâu xé nhau , đảng tha hóa ,tham nhũng tràn ngập ,dân mất niềm tin ngiêm trọng với đảng . Cán bộ đảng trình độ nhận thức kém .
    - Do tính vụ lợi , cá nhân , nhận thức kém đi trái quy luật

    nên lãnh đạo kinh tế xã hội kém dẫn đến kinh tế xã hội ngày càng đi xuống .
    - Tầng lớp trí thức , lớp trẻ ngày càng hiểu ra , giác ngộ . phong trào dân chủ ngày càng lớn mạnh , mặt khác bộ mặt thật của chính quyền , đảng ngày càng lộ rõ làm cho dân ngày càng xa đảng . Dân trí ngày càng được nâng lên cũng làm cho dân hiểu ra sự thật và xa đảng .
    - Dòng chảy thời đại của dân chủ ,nhân quyền trên thế giới đang đến là một trào lưu không thế nào cưỡng nổi ( Myanmar là một minh chứng )
    Nếu so sánh thuận lợi và khó khăn thì thuận lợi là cơ bản vì thuận lợi ngày cáng tăng lên còn khó khăn ngày càng thu hẹp .
    Với con đường đi của thuận lợi và khó khăn thì cho dù ĐCS có muốn hay không chuyển đổi xã hội tất yếu sẽ đến vì đó là quy luật , chỉ có vấn đề là đến nhanh hay chậm .

    Trả lờiXóa