Trang BVB1

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Không cẩn thận chúng ta đang “lừa gạt” nhau

* Ts. NGUYỄN ĐÌNH SAN
 Không ít con số mới nghe tưởng tốt đẹp. Nhưng không cẩn thận cả xã hội thành “lừa gạt” nhau. Những người có trách nhiệm công bố các con số thành tích tự lừa mình, và lạc quan tếu. Hiện thực xã hội được khoác lên mình một chiếc áo ảo. Vậy thì đáng mừng hay đáng lo đây?
Vừa rồi, tại lễ tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2015 và triển khai công tác năm 2016, một con số rất “đẹp” được công bố. Đó là năm qua đã có 19/22 triệu gia đình trên toàn quốc đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”(GĐVH). Như vậy là đạt tỷ lệ 85% và tăng 2% so với năm 2014. Một con số khác cũng rất “đẹp”: Cả nước có 71.000 làng, tổ dân phố văn hóa được công nhận (đạt tỷ lệ 69%, tăng 7% so với năm trước).
Những con số đẹp
Đây không phải là lần đầu tiên những con số đẹp về danh hiệu GĐVH xuất hiện. Năm 2012, ngành văn hóa cũng đã công bố có 16/21 triệu gia đình đạt danh hiệu này. Như vậy là trong 03 năm qua, tính trung bình mỗi năm tăng thêm được 01 triệu GĐVH.
Nhưng con số thành tích về GĐVH được công bố chưa khiến dư luận bận tâm. Người ta chỉ bàn tán và không khỏi hồ nghi cách có được những con số trên ở thời điểm này. Vì sao? Vì bên cạnh sự tăng trưởng có thể đáng mừng về các chỉ tiêu phát triển kinh tế, lại là sự xuống cấp đáng báo động về các giá trị văn hóa.
Năm 2015 có nhiều vụ thảm án cực kỳ nghiêm trọng (ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái) với hành vi của hung thủ là triệt hạ nhiều người trong một gia đình một cách quá tàn độc, dã man. Ngoài ra còn nhiều vụ thành viên trong gia đình giết nhau chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ hoặc tranh giành nhau quyền lợi. Nhiều đứa con bất hiếu ngược đãi cha mẹ già yếu. Nhiều clip bạo lực học đường được tung lên mạng. Những vụ tham nhũng lớn tiếp tục được phanh phui.
Mặt khác, để chạy theo đồng tiền, không ít người đã không từ bất cứ thủ đoạn bất lương nào kể cả reo rắc cái chết cho đồng loại. Ấy là nạn thực phẩm bẩn lan tràn ở khắp nơi. Rất nhiều biểu hiện phản văn hóa, đi ngược lại đạo lý truyền thống của ông cha đang phơi bày giữa xã hội hôm nay khiến tại các kỳ họp Quốc hội gần đây, các ĐBQH cũng phải lo lắng. Những tiêu cực nhức nhối đó là từ con người mà con người nào cũng được sinh ra từ những gia đình cụ thể. Rất nhiều hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật nhưng tỷ lệ GĐVH vẫn tiếp tục tăng?
Văn hóa là một khái niệm rộng. Nội hàm của từ này không dễ giải thích trong vài chữ, vài dòng. Nhưng GĐVH thì dễ hiểu và khá cụ thể. Trước hết và tối thiểu nhất, đó phải là những gia đình không có thành viên nào vi phạm pháp luật. Cao hơn, phải là những gia đình luôn ứng xử đẹp, văn minh, yêu thương, tôn trọng nhau trong gia đình mình và lan tỏa ra hàng xóm, cộng đồng. Những tổ ấm được coi là GĐVH phải giữ được nếp nhà chuẩn mực theo truyền thống ông cha. Như vậy, có được danh hiệu GĐVH không dễ. Chắc chắn, số GĐ đạt được danh hiệu này chỉ có thể chiếm tỷ lệ hạn chế nhất định, không thể đại trà như hiện nay.
Lạc quan tếu
Quả là đáng lo ngại hơn là đáng mừng khi trong lĩnh vực nào người ta cũng chỉ vì thành tích. Lúc đầu, chủ trương xây dựng GĐVH là một chủ trương đúng đắn, cần thiết. Nhưng vì chạy theo thành tích mà ngành văn hóa cơ sở đã làm ào ào, bình xét qua loa, chiếu lệ một cách rất hình thức, rồi phát những mảnh giấy chứng nhận rất đại trà khiến chẳng ai thích nhận. Đã rất mỉa mai khi hầu như gia đình nào cũng được cấp giấy chứng nhận mặc dù có gia đình thì luôn cãi cọ, to tiếng với nhau và có người còn đang…ở tù. Thậm chí một quan chức ngành văn hóa còn có phát ngôn ấn tượng, trước những hiện tượng đó lại cho rằng, bình chọn cần có cái nhìn… nhân văn hơn.
Không thiếu những ví dụ cụ thể minh chứng cho việc xét, phong tặng danh hiệu GĐVH rất vô thưởng vô phạt, thậm chí là phản cảm, phản văn hóa. Ông Phan Hồng Giang – một dịch giả quen biết kể, hồi cuối những năm 90 của thế kỷ trước, có lần ông đi khảo sát thực tế ở Cần Thơ được người dân ở đây cho biết “nhà chức trách” đến thu mỗi gia đình 50.000đ để được gắn biển GĐVH chứ họ không thích treo làm gì. Khoản tiền này lúc đó có giá trị hơn bây giờ nhiều. Bà con xì xào, không hiểu ngoài tiền để làm cái biển sắt to bằng cuốn sách, họ có “tát nước theo mưa” không? Ông Giang cũng kể rằng, một lần, khi gia đình ông về nhà thì thấy giấy chứng nhận GĐVH được ném qua khe cổng, nằm lăn lóc dưới đất.
Ngay hình thức phong tặng GĐVH cũng thiếu vẻ nghiêm túc và văn hóa, nên nhiều nhà xã hội học đã lên tiếng đề nghị cần chấm dứt cách làm văn hóa nặng tính phong trào mà không mấy tác dụng này.
Lâu nay, dư luận XH vẫn phàn nàn căn bệnh thành tích rất trầm trọng trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng đâu chỉ có giáo dục mà hầu như căn bệnh này có ở hầu hết mọi ngành, mọi địa phương, mọi lĩnh vực. Vậy nên, không ít con số mới nghe tưởng tốt đẹp. Nhưng không cẩn thận cả xã hội thành “lừa gạt” nhau. Những người có trách nhiệm công bố các con số thành tích tự lừa mình, và lạc quan tếu. Hiện thực xã hội được khoác lên mình một chiếc áo ảo. Vậy thì đáng mừng hay đáng lo đây?  
NĐS/VnN

 
--------------

9 nhận xét:

  1. Dù đại hội đảng sắp thành công tốt ̣đẹp , dù năm mới sắp đến , nhưng nhìn vào bức tranh văn hóa VN ngày nay , xin có lời chia buồn !

    Trả lờiXóa
  2. Nếu nhìn vào tốc độ tẩy xóa tàn dư văn hóa của CNCS ở Đông Âu để làm thước đo cho VN thì sẽ có một nhận xét như sau : Chẳng hạn ngay bây giờ , VN cũng có nền dân chủ như các nước Đông Âu thì khoảng sau 100 năm nữa VN mới có lớp người của nền văn hóa dân chủ , đây là còn so sánh ở tỷ lệ 1:1 , vì chưa trừ đi sự u mê CS của người Châu Âu ít hơn ở người VN . Nói ngay như nước Nga , sau 25 năm nhưng văn hóa CS hầu như nguyên vị ! Tinh thần của nhận xét là hoàn toàn nghiêm túc và lạc quan , còn nếu nhìn vào thực trạng văn hóa XH hiện nay của VN thì ở mức báo động , chỉ có tồi tệ thêm . Chỉ cần nhìn giao thông ở VN là nhìn thấy có văn hóa hay không , chỉ cần nghe mọi người bàn tán mua quà tết để biếu Sếp là biết có văn hóa hay không , chỉ cần chứng kiến cảnh Việt kiều về nước bị CA Hải quan xin đểu là biết văn hóa VN . Đúng như tác giả viết , căn bệnh ở mọi ngành , mọi địa phương , mọi lĩnh vực . Bi quan toàn tập !

    Trả lờiXóa
  3. Ông San cũng như nhiều vị ts khác của đãng rất khoái dùng đại từ "chúng ta".
    Trong khi ông thừa biết những người đưa ra những con số đó,cách tạo ra những con số đó đều là người của đãng hoặc là tay sai của đãng.Làm gì có ông dân nào tham dự vào đó mà tác giả dùng từ "chúng ta","nhau".
    Phải đặt cái tựa đề cho chính xác : đãng phải thôi ngay cái trò mị dân đó đi.
    "bên cạnh sự tăng trưởng có thể đáng mừng về các chỉ tiêu phát triển kinh tế"
    Hề hề,ông San dựa vào đâu mà kết luận hùng hồn như thế?
    Có phải ông lại dựa vào các báo cáo,con số mà đãng đưa ra không?
    Cẩn thận,kẻo ông cũng đang trở thành nạn nhân của trò mị dân mà đãng đã và đang thực hiện suốt mấy chục năm qua.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn tác giả,nhưng chúng tôi đã biết từ lâu lắm rồi sự gian trá mang tính lừa đảo quần chúng của những con số này !-làm XẤU báo cáo LÁO,thống kê BẬY BẠ !

    Trả lờiXóa
  5. Thực tế "sự nghiệp giáo dục" ở VN đang -4 độ C...

    Trả lờiXóa
  6. Nhưng tại sao họ lại dám báo cáo "láo" ,"lừa gạt" : vì không có cơ quan chế tài độc lập , không có tự do báo chí, không có đảng đối lập. Nếu có những lực lượng này , đảm bảo giảm hết cỡ mọi " bệnh".

    Trả lờiXóa
  7. Cai gì xấu xa là do mặt trái của kinh tế thị trường còn bọn ông làm cai gì cũng đúng nhân văn cao cả tốt đẹp của xhcn đúng tinh thần cua đảng dân không được bức xúc nói mãi rồi mặt trái cua kttr của bọn tbcn

    Trả lờiXóa
  8. Văn hóa bia rượu?

    Trả lờiXóa
  9. ĐCS VN LÀ ĐẢNG CỦA GIAI CẤP nên TẤT CẢ mọi sự hoạt động của XH (Kể cả hoạt động của tự nhiên) đều phải mang TÍNH GIAI CẤP - ĐÓ LÀ ĐẶC TRƯNG, LÀ BẢN CHẤT CỦA CHUYÊN CHÍNH VS... Ngày chết của cụ Hồ cũng phải có tính giai cấp cơ mà, huống chi Hiên pháp, Cương lĩnh, báo cáo, tổng kết, sinh đẻ, XD nông thôn mới...Không xếp vào "TRƯỜNG HỢP DẶC BIỆT" để "MIỄN TRỪ" (!!!).

    Trả lờiXóa