Trang BVB1

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Vì sao chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không thay đổi sau Đại hội Đảng?

* Carl Thayer
Đi tìm những huyền thoại và quan niệm sai lầm về cách tiếp cận của Việt Nam đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã sẵn sàng tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 13 trong tháng này. Theo nguồn tin nội bộ, đây sẽ là thời điểm quan trọng để lựa chọn ứng cử viên cho các chức vụ lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam – Tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội.
Một khi toàn ban trung ương kết luận, sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, dự kiến sẽ xảy ra từ ngày 7 – 9 tháng Giêng, sẽ nhanh chóng tiến hành. Có một số lượng lớn chưa từng thấy những cá nhân đang cạnh tranh cho các chức vụ hàng đầu. Mặc dù vẫn chưa biết chắc chắn ai sẽ là lãnh đạo đảng kế tiếp, nguồn tin chính trị nội bộ dự đoán sẽ không có thay đổi quan trọng trong chính sách và quan hệ đối ngoại của Việt Nam đối với các cường quốc lớn.
Hai bài nghiên cứu gần đây đưa ra các quan điểm trái ngược nhau về mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ trong những năm tới. Bài đầu tiên, do Joshua Kurlantzick viết cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, mang tên “Cuộc Xung đột Việt-Trung”. Bài nghiên cứu này được tóm lượctrên báo The Diplomat.
Bản nghiên cứu thứ hai do cựu nhà báo của BBC, Bill Hayton, viết cho Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Quan hệ đối tác An ninh Cận đại của Mỹ trong dự án Đông Nam Á thuộc Đại học Sydney. Bài viết mang tên, “Việt Nam và Hoa Kỳ: Một Quan hệ Đối tác An ninh mới nổi”.

Theo Kurlantzick: Nguy cơ của một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam đang gia tăng … các nguyên nhân va chạm gia tăng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng giữa hai nước trong khoảng 12 – 18 tháng tới, với hậu quả nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ.
Ngược lại, Hayton lưu ý rằng, mặc dù mối quan hệ song phương bị trầy trụa do các tranh chấp ở Biển Đông, các nhà lãnh đạo của cả Việt Nam và Trung Quốc đã “khoanh vùng” các tranh chấp ra khỏi mối quan hệ tổng thể của họ. Hayton kết luận bằng cách ghi nhận rằng vào năm 2015, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam khá bình lặng, với cả hai bên điều chỉnh luồng dư luận. Ngoài ra “thương mại tiếp tục bùng nổ và khách du lịch [Trung Quốc] bị đình trệ trong cuộc khủng hoảng năm 2014, đang quay trở lại”.
Nghiên cứu của Kurlantzick khảo sát ba kịch bản tiềm năng có thể dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam – leo thang căng thẳng ở Biển Đông, một vụ nổ súng dọc biên giới đất liền, và sự tương tác không quân hay hải quân không chủ ý phát sinh từ các cuộc thao diễn quân sự giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược mới.
Trong khi tiềm năng về một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam không thể hoàn toàn bỏ qua, các bằng chứng được Kurlantzick đưa ra không thuyết phục.
Ví dụ, trong kịch bản đầu tiên, Kurlantzick chỉ ra, việc triển khai giàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp, các sự kiện đâm tàu,và việc “bồi đắp đảo” của hai bên là các nguy cơ tiềm ẩn cho cuộc xung đột.

Chỉ có hai sự kiện lớn liên quan đến việc triển khai các giàn khoan dầu, một vào cuối thập niên 1990 và một trong năm 2014. Việt Nam đã điều động tàu quân sự trong vụ đầu tiên nhưng cả hai bên nhanh chóng xoa dịu tình hình. Vụ đối đầu năm 2014 chứng tỏ sự kiềm chế của cả hai bên. Việt Nam công khai cho biết họ sẽ không triển khai tàu quân sự và Trung Quốc cũng giữ tàu hải quân ở đàng sau.
Hayton cho rằng, nếu Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu hoặc cấu trúc bán quân sự trên Bãi cạn Tư Chính (Vanguard Bank), “Việt Nam có thể sẽ bị bắt buộc phải có hành động quyết liệt”. Trái ngược với Kurlantzick, Hayton kết luận rằng kịch bản giả định này “rất khó đưa tới hình thức đối đầu quân sự. Mục tiêu là ép buộc Trung Quốc phải rút lui mà không làm tan vỡ mối quan hệ”.
          Đâm tàu và sử dụng súng nước nhanh chóng trở thành một kiểu đối đầu giúp giữ tình hình trong vòng kiểm soát cho cả hai bên trong năm 2014. Hơn nửa thập niên qua đã có một số báo cáo rằng tàu chấp pháp dân sự của Việt Nam có thể đã đâm tàu đánh cá của Trung Quốc (và ngược lại).
            Báo chí Việt Nam gần đây đã tường thuật về một số sự kiện Trung Quốc sách nhiễu tàu dân sự Việt Nam mang đồ tiếp liệu cho nhân viên ở đảo Trường Sa và đảo Song Tử Tây. Biến cố nghiêm trọng nhất diễn ra vào ngày 13 tháng 11 khi một tàu chiến Trung Quốc mở bao che của súng 37 ly ra và chĩa vào tàu tiếp liệu Việt Nam cùng với mười nhân viên mặc đồng phục giương súng trường nhắm hướng tàu Việt Nam. Tàu tiếp liệu Việt Nam đã phải rút lui.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố rằng “Việt Nam cực lực phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại tàu Việt Nam”. Kurlantzick lập luận rằng loại họp báo này “nên được xem như một dấu hiệu của sự gia tăng căng thẳng giữa hai nước”. Tuy nhiên, những sự kiện này tương đối riêng lẻ và phát biểu của các quan chức Việt Nam nên được xem như là một phản ứng nghi lễ thường lệ.
Kurlantzick khẳng định rằng “Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ” trước việc “bồi đắp đảo” của Trung Quốc bằng cách “bồi đắp đảo” của riêng mình là không chính xác. Theo Mira Rapp-Hooper, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Á Hàng hải, Việt Nam có lẽ đã bắt đầu việc bồi đắp đảo trước khi Trung Quốc bắt đầu các dự án của riêng họ vào năm ngoái. Việc “bồi đắp đảo” của Việt Nam thực sự rất khiêm tốn và không mang dấu hiệu là một phần của chu kỳ hành động và phản ứng.
Kịch bản thứ hai của Kurlantzick cũng có nghi vấn tương tự. Ông cho rằng, “biên giới đất liền Trung – Việt ngày càng trở nên căng thẳng khi các lực lượng an ninh của cả hai bên đã bắn qua lại ít nhất hai lần trong năm 2014 và 2015”. Ông nhanh chóng thừa nhận rằng “lý do của các sự kiện này vẫn chưa rõ ràng”. Đúng thế. Trong suốt vụ đối đầu tháng 5 về việc Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu HD 981 trong vùng biển tranh chấp, hàng dài những khu khuân vác mang vải chín mùa sang các chợ ở bên Trung Quốc hình thành ở biên giới Trung – Việt. Biên giới Trung – Việt hiện đang yên ổn và chưa có dấu hiệu của loại căng thẳng gần đây mà Kurlantzick đề xuất.
Kịch bản thứ ba của Kurlantzick – tương tác ngoài ý muốn liên quan đến các cuộc thao diễn quân sự giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược mới của họ – diễn tả sai tình hình thực tế. Việt Nam chưa từng và không có dấu hiệu tham gia vào các cuộc tập trận quân sự – được định nghĩa như cuộc trao đổi kỹ năng chiến đấu – với các đối tác chiến lược.
Việc sử dụng thuật ngữ “đối tác chiến lược” của Kurlantzick đã làm lệch ý nghĩa ra khỏi những gì Việt Nam và các đối tác chiến lược của họ hiểu về thuật ngữ này.
Kurlantzick cũng gom chung các quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam vào trong bốn chỉ dấu cảnh báo về một cuộc xung đột có khả năng xảy ra. Ví dụ, ông nói rằng thông báo của Việt Nam về một quan hệ đối tác chiến lược với một quốc gia châu Á “nên được xem như một dấu hiệu tiềm năng của sự gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội”.
Quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam không phải là thỏa thuận quốc phòng hay quân sự. Các thỏa thuận này là những tài liệu bao hàm nhiều khía cạnh và toàn diện, bao gồm sự hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, và giữa người dân hai nước. Tất cả đều có một đoạn văn ngắn về hợp tác quốc phòng và an ninh liên quan đến các chuyến thăm cấp cao, trao đổi thông tin, thăm viếng cảng biển, và những loại tương tự.
Cả Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết những thỏa thuận đối tác chiến lược với cùng một số nước. Indonesia là một ví dụ điển hình.
Việt Nam tiến hành các hoạt động hải quân phi quân sự – ngược với thao diễn quân sự – với Hoa Kỳ, chẳng hạn như thực thi Luật tự nguyện về các Cuộc Tiếp cận bất ngờ trên Biển. Việt Nam cũng tiến hành các cuộc thực tập tìm kiếm và cứu hộ ở mức độ thấp với các quốc gia khác. Đồng thời, Việt Nam và Trung Quốc tiến hành tuần tra hải quân chung ở Vịnh Bắc Bộ mỗi 6 tháng. Các cuộc tuần tra này bao gồm các bài tập tìm kiếm và cứu hộ.
Chuyên khảo của Hayton cung cấp một bản tóm lược hữu dụng về quan hệ hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hayton trích dẫn Đại tá Trần Đăng Thanh, một giảng viên tại Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng Việt Nam, khi lập luận rằng cách duy nhất để duy trì hòa bình và ổn định với Trung Quốc “là tránh đối đầu và giữ gìn tình cảm đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc”.
Tóm lại, sự cân bằng về bằng chứng lịch sử cho thấy Trung Quốc và Việt Nam đã từng vô cùng cẩn thận để giảm thiểu nguy cơ đụng độ bất ngờ giữa các lực lượng quân sự. Trung Quốc và Việt Nam đã và sẽ tiếp tục quản lý các điểm nóng có khả năng xảy ra. Thật vậy, để tìm hiểu, nên tham khảo dữ liệu trong chuyên khảo của Bill Hayton, cung cấp chi tiết về 15 cuộc họp và sự trao đổi giữa các quan chức quân đội Trung Quốc và Việt Nam từ cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu năm 2014.
Hayton cũng đề cập đến các vấn đề về quan hệ đối tác chiến lược trong phân tích của ông về quan hệ Mỹ – Việt. Nhưng cũng ở đây, quá nhiều sự hiểu lầm đã len lỏi vào. Ví dụ, Hayton nói rằng “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” là “mức cao nhất trong ngôn ngữ ngoại giao của Việt Nam” và Việt Nam đã chỉ chuẩn thuận trạng thái đó cho Trung Quốc và Nga. Trong thực tế, quan hệ với Trung Quốc được chỉ định là “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” – mức cao nhất trong vốn ngôn ngữ ngoại giao của Việt Nam. Nga vẫn còn là đối tác chiến lược toàn diện.
Hayton cũng lưu ý rằng cả hai nước Úc và Hoa Kỳ đang ở hàng dưới cùng của hệ thống phân cấp các đối tác toàn diện. Trong thực tế, chính Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là người đầu tiên đề xuất một đối tác chiến lược với Việt Nam. Điều này ám chỉ mối quan hệ quốc phòng và quân sự gần gũi hơn là Việt Nam muốn chấp nhận. Vào năm 2013 cả hai bên lui lại không thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược và thay vào đó đồng ý trở thành đối tác toàn diện.
Trước đó, cựu Thủ tướng Kevin Rudd của Úc từ chối đề nghị của Việt Nam về quan hệ đối tác chiến lược với lý do đề nghị chủ yếu mang tính biểu tượng và quan hệ quốc phòng với Việt Nam thiếu sự thân mật của quan hệ quốc phòng của Úc với các “đối tác chiến lược” khác.
Hayton kết luận phân tích của ông với việc khảo sát muộn màng về các đối tác chiến lược khác của Việt Nam – Ấn Độ, Nhật Bản và Nga – và hàm ý rằng chính sách đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam là một sự phát triển gần đây.
Hồi tháng 6 năm 1991, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII của ĐCSVN phê chuẩn một chính sách đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ kinh tế của Việt Nam với tất cả các nước và nói rằng “Việt Nam muốn trở thành bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới… bất kể chế độ chính trị-xã hội khác nhau”. Việt Nam đặt ưu tiên cho quan hệ với Liên Xô, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba và (đáng chú ý là) “những người bạn mới ” – Đông Nam Á, Tây Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Một thập niên sau đó, vào tháng 4 năm 2001, Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 9 của Việt Nam khẳng định rằng: “Việt Nam muốn làm bạn và là đối tác đáng tin cậy với tất cả các nước” bằng cách đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế. Trong một thập niên rưỡi qua Việt Nam đã theo đuổi mục tiêu này như là khung chính sách nền tảng cho chiến lược đối ngoại.
Kurlantzick kết thúc nghiên cứu với 7 đề nghị về làm thế nào Hoa Kỳ có thể giảm thiểu các mối đe dọa xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hayton kết luận bằng cách gợi ý rằng Hoa Kỳ có thể thúc đẩy Việt Nam trở thành đối tác chiến lược năng động hơn bằng cách tôn trọng hệ thống chính trị độc đảng của Việt Nam hơn. Cả hai tác giả đều không nắm bắt được khung cảnh đa phương rộng lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam bao gồm (ngoài Trung Quốc và Hoa Kỳ) Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Âu Châu, và Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
Tóm lại, Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách cân bằng đa cực – quan hệ đa dạng hoá, đa phương hoá – chứ không phải là một chính sách thu hẹp hơn trong cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong những năm sau đại hội đảng lần thứ 12.
(Dịch giả: Trần Văn Minh)
------------

5 nhận xét:

  1. Những cái đầu xơ cứng rồi thì biết thay đổi cái gì? Nhiều bạn đọc nhận xét rất chính xác "Họ chỉ biết nói phét về chủ trương đường lối, chẳng có nghề ngỗng kiến thức cái con khỉ mốc gì!"
    Bên cạnh đó, ông bà ta nói "Không có nghề, chỉ là loài ăn bám!"

    Trả lờiXóa
  2. Người ngoại quốc họ không sâu sát tình hình VN lắm , họ không cảm được tí gì như người VN lo lắng chất độc hại bị tiêm nhểm âm thầm từng ngày vào cơ thể qua hoá chất TQ . Họ không cảm được sự tuyệt vọng vì Ải Nam Quan truyền thống đã mất tiêu , rồi từng nơi quan trọng dần dần rơi vào tay TQ .
    Họ không hề nói đến Hội nghị Thành Đô .
    Họ chỉ biết khi còn theo chế độ CS , thì khi ai lên lãnh đạo vẫn phải đi theo quỹ đạo đã định sẳn và phải một lòng vì Đại Cục của TQ .

    Trả lờiXóa
  3. thay thế nào được?
    đang hưởng lộc thiên triều... trái chất biết liền...

    Trả lờiXóa
  4. Yêu cầu bỏ hẳn lối ngoại giao công sản dã man.

    Trả lờiXóa
  5. "Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nươc
    Chọn một dòng hay để NƯỚC trôi..."

    Trả lờiXóa