Trang BVB1

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Vai trò Việt Nam trong kế hoạch của Mỹ ở Biển Đông

Hải quân VN diễn tập bảo vệ đảo
Mỹ chắc chắn sẽ đưa tàu chiến ra thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông, theo nhận định của 3 chuyên gia gốc Việt từ Mỹ, Úc, và Canada am hiểu về tình hình Biển Đông trong cuộc hội luận với VOA Việt ngữ hôm 25/10.
Giới chuyên môn đánh giá rằng bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ và đe dọa trả đũa từ Bắc Kinh, kế hoạch của Washington sắp cho tàu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các hòn đảo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa ‘có tầm quan trọng rất lớn’ với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.  
Vậy Việt Nam cần tận dụng cơ hội này thế nào để vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia vừa thoát được sự chi phối lâu nay từ Trung Quốc?
Mời quý vị theo dõi phần hội luận tiếp theo với luật sư Lưu Tường Quang tại Úc, từng là một nhà ngoại giao thời Việt Nam Cộng Hòa, cựu Tổng Giám đốc hệ thống truyền thanh đa ngữ SBS Radio của liên bang Úc; luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế; và học giả Ngô Vĩnh Long ở Mỹ chuyên nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ Mỹ-Á, hiện là Giáo sư khoa lịch sử của Đại học Maine.
Giáo sư Long: Mỹ cũng cần sự ủng hộ của một vài nước ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Cho nên, Việt Nam phải lên tiếng rõ ràng. Là nước duyên hải dài nhất ở Biển Đông và có nhiều đảo ở Trường Sa, nếu Việt Nam không lên tiếng thì sẽ bị thiệt hại.

 Thủy thủ tàu SAR 412 chụp hình ảnh 
khi tàu SAR 412 cứu 11 ngư dân trên tàu cá KH 96977 TS 
bị tàu Trung Quốc ngăn cản. (Ảnh Trung tâm II)
VOA: Nếu Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra này, Trung Quốc sẽ thịnh nộ. Vậy Việt Nam ‘lên tiếng rõ ràng’ thì liệu có tránh được cơn thịnh nộ của Trung Quốc?
Giáo sư Long: Việt Nam giờ phải quyết định xem lợi ích và sự sống còn của dân tộc có quan trọng hơn lợi ích của một số người trong đảng hay không. Theo đà chính trị trong những năm qua, kể cả chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, Việt Nam đã quyết định phải bảo vệ quyền lợi của dân tộc. Việt Nam vì sát Trung Quốc nên phải nhân nhượng. ‘Nước xa lửa gần’,  nhưng đến lúc lửa cháy quá thì phải tìm nước dập lửa mà thôi. Bao nhiêu sự thỏa thuận với Việt Nam, Trung Quốc nói tuần trước thì tuần sau đều đi ngược lại. Ông Tập Cận Bình sang Mỹ cũng thỏa thuận nhiều vấn đề, nhưng sau đó lại tiếp tục làm bậy. Mỹ, Việt Nam và các nước phải chứng minh cho Trung Quốc thấy họ không thể nói một đằng làm một nẻo.
Luật sư Quang: Trong trường hợp này, tôi hy vọng Việt Nam sẽ có thái độ dứt khoát hơn. Tới giờ, ASEAN hoàn toàn chia rẽ trong vấn đề Biển Đông. Nếu ASEAN, đặc biệt là 4 nước có tranh chấp như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, có một lập trường chung ủng hộ hành động cụ thể, mạnh mẽ của Mỹ thì Việt Nam dễ dàng có thái độ dứt khoát hơn.
VOA: Các cuộc tuần tra của Mỹ tại khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc, nếu diễn ra, liệu có khả năng dẫn tới những xung đột, va chạm trên biển?
Luật sư Khanh: Tôi nghĩ chắc chắn không có vấn đề nổ súng. Trung Quốc không điên dại gì nổ súng vì không đủ khả năng chống lại lực lượng Hoa Kỳ. Có sự đối đầu, sẽ rất găng, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ.
Tàu chiến Mỹ USS Fort Worth trong một cuộc tuần tra ở Biển Đông
cùng với tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen.

                                                                                          (Ảnh: Joe Bishop/Hải quân Hoa Kỳ)
VOA: Không lên tới mức xung đột nhưng có thể ở mức va chạm?
Luật sư Khanh: Dạ và có thể có một mặt trận ngoại giao rất căng.
Giáo sư Long: Dẫu thế, Trung Quốc sẽ càng ngày càng bị cô lập vì pháp lý hiện nay không về phía Trung Quốc. Họ đã chiếm đảo, giết người, xây dựng các sân bay trên đó v..v..rõ ràng là  có ý đồ quan sự . Các nước bảo ngưng, Trung Quốc hứa nhưng lại tiếp tục xây. Dư luận thế giới đã hiểu vấn đề này. Nếu Trung Quốc có căng thì cũng sẽ càng làm cho thế của họ yếu đi.  
Luật sư Quang: Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội về ngoại giao. Ưu tiên của họ bây giờ là làm sao phát triển kinh tế bắt kịp với Mỹ. Trung Quốc cần nhiều phương tiện, cần thương mại, cần Mỹ hơn Mỹ cần Trung Quốc. Ưu tiên đó sẽ không cho phép Trung Quốc gây ra cuộc chiến lớn với Hoa Kỳ.
VOA: Mỹ có thể làm gì để hạ nhiệt Trung Quốc nếu thật sự các cuộc tuần tra này làm cho Trung Quốc phẫn nộ có hành động đáp trả?
Giáo sư Long: Muốn Trung Quốc hạ nhiệt, Mỹ phải có những hành động rõ ràng. Trung Quốc có thể đụng độ với vài nước nhỏ trên đất liền, trong đó có Việt Nam, hoặc qua các hình thức khác như kinh tế chẳng hạn.
VOA: Trong trường hợp bị o ép như thế, Việt Nam có thể làm gì?
Luật sư Khanh: Với chuyến đi của ông Trọng sang Mỹ tháng 7 vừa qua có thể đã có những thỏa thuận ngầm nào đó về vai trò của Việt Nam trong khu vực. Chúng ta cần quan sát thật kỹ hai chuyến đi trong tháng 11 của ông Tập Cận Bình và của Tổng thống Obama sang Hà Nội. Hai chuyến đi này sẽ cho một số dấu hiệu để thấy Hà Nội chuyển trục thế nào. Đầu năm sau, với đại hội đảng 12, chúng ta sẽ hình dung rõ hơn bức tranh của Việt Nam. Họ bắt buộc phải có một sự chuyển trục rõ ràng.
Giáo sư Long: Tại sao ông Trọng sang Nhật sau khi thăm Mỹ? Bởi Nhật là đồng minh rất quan trọng của Mỹ. Tôi nghĩ Việt Nam đã chọn đường hướng.
Luật sư Quang: Việt Nam đã có ý định đó khi vận động cho ông Trọng được Mỹ mời sang.
VOA: Trong trường hợp họ không ‘chuyển trục’ sẽ có những bất lợi thế nào?
Luật sư Quang: Nếu họ chuyển trục, nếu Hiệp định TPP được Quốc hội Mỹ chuẩn y và có hiệu lực, thì cơ hội  Việt Nam chịu uống thuốc đắng để dã tật, để phần nào bớt lệ thuộc vào Trung Quốc có thể xảy ra. Không những xảy ra về phương diện kinh tế mà cả luôn về mặt chính trị.
VOA: Luật sư Khanh có nhìn thấy những nguy cơ, rủi ro nào với Việt Nam nếu không chịu ‘chuyển trục’?
Luật sư Khanh: Trong bối cảnh hôm nay, đảng cộng sản Việt Nam không còn cách nào khác hơn. Nếu họ không chịu quyết định vận mệnh của họ thì Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ quyết định cho họ. Với bờ biển trên 3 ngàn cây số, đó là mặt tiền của Biển Đông, Việt Nam có quá nhiều quyền lợi ở Biển Đông, không thể không có quyết định sớm. Có thể với sự tham gia TPP trong vài năm tới, Việt Nam sẽ từng bước có những sự nới lỏng, không gian xã hội dân sự được giãn ra, từ từ sẽ có chuyển biến chính trị phù hợp với xu hướng của thế giới.
VOA: Những yếu tố ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’ để thoát Trung đối với Việt Nam như thế nào khi Mỹ quyết định phải hành động chứ không thể dễ dãi với âm mưu bá chủ của Trung Quốc?
Giáo sư Long: Đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam, nhưng để nắm được cơ hội đó, Việt Nam cần phải dứt khoát. Mỹ đã dọn bàn cổ cho Việt Nam, trong đó có TPP. Việt Nam giờ chỉ cần làm sao chuẩn bị để được hưởng những cái lợi đó. Đại hội đảng 12 rất quan trọng. Việt Nam giờ đang muốn mua thời gian để chuẩn bị cho đại hội đó cũng như chuẩn bị nhân sự để thi hành những chính sách mà theo tôi là họ đã đồng ý rồi. Tôi nghĩ Việt Nam bây giờ đã thấy được giữa cái tương lai và sự nguy hiểm cho đất nước như thế nào.
Luật sư Quang: Tôi hy vọng với sự đe dọa rất lớn từ Trung Quốc, đại hội đảng lần thứ 12 năm 2016 sẽ đi tới một quyết định tương tự như đại hội 6 năm 1986. Nếu những điều chúng ta thảo luận trở thành sự thật, đại hội 12 sẽ có tầm vóc chuyển đổi Việt Nam từ chế độ cộng sản độc tài lệ thuộc Trung Quốc thành một nước Việt Nam độc tài nhưng thân Mỹ. Điều đó có lợi cho đất nước chúng ta, theo nghĩa là chúng ta bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
VOA: Như vậy kế hoạch của Mỹ ở Biển Đông lần này xem ra vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Việt Nam xem Việt Nam có dám nhân cơ hội này mà rời xa Trung Quốc hay không?
Giáo sư Long: Vâng, việc làm rõ ràng của Mỹ sẽ khiến Việt Nam tin cậy Mỹ hơn bởi vì Hoa Kỳ đã đi đêm với Trung Quốc rất nhiều lần, đã gây tổn hại cho nước Việt Nam rất lớn. Các nước khác cũng cần Mỹ chứng minh để họ có thể tin tưởng Mỹ.  Bây giờ, những hành động cụ thể của Mỹ sẽ gây tin tưởng cho Việt Nam và các nước trong khu vực.
Luật sư Quang: Để Việt Nam tin tưởng hơn vào Hoa Kỳ, Mỹ có thể tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí sát thương để giúp Việt Nam có được phương tiện quân sự chống trả Trung Quốc trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công bằng đường bộ.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Giáo sư Long, Luật sư Khanh, và Luật sư Quang đã dành thời gian cho cuộc hội luận này.
            Trà Mi thực hiện/VOA/Viet-Studies
----------------

8 nhận xét:

  1. Khách quan mà nói, người lính Mỹ luôn có động lực để chiến đấu - Chiến đấu vì Tự do của Nhân loại. Ít có trường hợp kiểu "B quay".

    Trả lờiXóa
  2. Dân lương thiệnlúc 06:06 26 tháng 10, 2015

    Nói VIỆT NAM CHỊU CHUYỂN TRỤC là nói mấy kẻ chóp bu ĐCSVN, còn dân VN thì coi đó là tất nhiên lâu rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Việt Nam lên tiếng dứt khoát mạnh mẽ. Tỏ rõ thái độ cứng rắn với Trung quốc, chỉ khi nào mấy thằng liếm gót cho TQ như Trọng, Thanh, Vịnh... không còn đứng trong chính trường VN nữa! TT Dũng lên mới hy vọng rõ ràng trong quan hệ Việt - Mỹ.

    Trả lờiXóa
  4. Phải thoát Trung càng nhanh càng tốt , để làm được điều này cần gạt bỏ ngay những kẻ thân Tầu hoặc có tư tưởng thân Tầu. Bất kỳ ai , nếu lãnh đạo đất nước thoát được thằng giặc tham lam độc ác bẩn thỉu ti tiện này...cũng đều nhận được sự ủng hộ của đại bộ phận nhân dân VN , kể cả kiều bào.
    CCB đánh Tầu!

    Trả lờiXóa
  5. Đảng cs VN và '' cuộc bắt cá hai tay''.
    Chiến lược đu dây giữa hai nước lớn : không sai.
    Cái sai ở đây là đu lệch hẳn về phía TQ, mà hậu quả là lệ thuộc toàn diện vào TC và mất dần biển đảo, nếu tình trạng này còn kéo dài, mất Nước là không tránh khỏi.
    Một số lãnh đạo cao cấp của đảngcsVN , đã nhìn thấy sự nguy hiểm đang hiển hiện và họ đã quyết tâm dich chuyển về phía Mỹ và hiện nay đang gần tới sự cân bằng giữa hai nước lớn này.
    Đảng csVN sẽ chọn trạng thái nào ?
    Sẽ chọn trạng thái cân bằng giữa hai nước, không lệch hẳn về một phái nào cả . Đây là lựa chọn khôn khéo của đảng csVN, bởi vì:
    Lệch hẳn về phía TQ thì tương lại là mất Nước, Nước mất thì đảng còn gì để mà lãnh đạo, chỉ còn lại là đàn bù nhìn ngơ ngác dưới bàn tay TC.
    Còn lệch hẳn về phia Mỹ thì được lòng Dân , giữ được Nước , không mất biển đảo , nhưng tương lai đảng cs sẽ hoà tan trong văn minh nhân loại. Nếu đảng csvn theo lựa chọn này thì VN sẽ cất cánh và đảng cũng chuộc được tội. Nhưng , với bản chất cs, đảng csVN sẽ không chọn con đường này.
    Chọn trạng thái cân bằng giữa hai nước lớn thì vẫn giữ được Nước và nuôi hy vọng đảng sẽ tồn tại lâu dài, vì thế , đảng csVN sẽ chọn hình thái này và TC cũng muốn VN như thế. Ở hình thái này thì VN mãi mãi là nước yếu, biển sẽ mất dần vào tay TQ, đảo sẽ bị cô lập. Hiện nay tàu HQ khi ra TS ,nhiều khi phải vòng tránh tàu TQ, đi trong biển của mình mà như thế này là nhục lắm.
    Ai sợ chiến tranh nhất ? TQ là nước sợ chiến tranh nhất , chứ không phải VN, Phi , hay một nước nào đó. Tại sao?
    TQ có thể và chỉ có thể đánh nhau với Vn . Chỉ có thể thôi chứ đánh VN, TQ sẽ sa lầy và sụp đổ. TC biết điều này( lần sau sẽ nói rõ tại sao TC không dám đánh VN )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cần phải nói rõ hơn : cái sai ở đây là đã nghiêng hẳn về TQ , cứ nói "đu dây" nhưng thực chất chỉ níu có 1 tay vào TQ. Đây là trò "đánh lận con đen" của cánh thân Tầu nhằm lừa dư luận.

      Xóa
  6. Thoát Tàu là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người dân Việt Nam yêu nước.

    Trả lờiXóa
  7. Bộ mặt thật của đcstq muốn thôn tính VN từ đất liền đến biển đảo đã là sự thật không còn gì để bàn cãi . Tuy nhiên nhược điểm sợ TQ của ãnh đạo đcsvn vẫn còn được nguỵ biện bởi hình thức sống chung hoà bình tránh chiến tranh .

    Từ nhược điểm này , đcsvn luôn luôn bị TQ lường gạt , khống chế và chỉ huy . Khiến đcsvn càng ngày càng xa rời tinh thần bảo vệ tổ quốc , đi lạc vào con đường nô lệ , vong thân , mất nước .

    Hoàng sa và Truòng sa đang bị TQ xâm chiếm dưới nhiều hình thức tạo nên một khó khăn cho Đại hội Đảng csvn lần thứ 12 . Cũng có thể Đảng csvn sẽ bị tan vỡ khi đề cập đến yêu cầu cấp thiết bảo vệ chủ quyền biển đảo lẫn đối diện với một chính sách kinh tế nhà nước đang trên đà phá sản .

    Một đường lối đối ngoại không được thống nhất , một nền kinh tế đầy nợ nần , một sự tranh chấp quyền lực lựa chọn nhân sự bất tương nhượng cho Đại hội Đảng lần thứ 2 , tất cả xem ra như một quả bom cài sẵn trong lòng Đảng đang trên giờ kích nổ .

    Nhân dân thì chuộng con đường thân Mỹ , hợp tác với Mỹ . Nhưng đa số lãnh đạo Đảng có khuynh hướng ngán Tàu và có nhiều ân nghĩa với Tàu . Từ đây Đảng và dân trở thành hai đối cực , bằng mặt nhưng không bằng lòng .

    Đảng đang ở thế bị triệt buộc , theo Tàu im lặng thì mất nước không thuận lòng dân , theo Mỹ thì sợ Tàu nỗi giận đánh phá và công khai những bí mật của Đảng trong 70 năm phản dân hại nước !



    Muốn thoát ra khỏi thế triệt buộc này , đảng csvn chẳng còn con đường nào khác trước mắt là chấp nhận tranh cử công khai giữa hai nhóm , chọn nhân dân thân Mỹ hay chọn thân Tàu để được bình yên độc tôn lãnh đạo dầu cho mất chủ quyền biển đảo .

    Tóm lại , Biển Đông dậy sóng và Nền Kinh tế thị trường định hướng Xhcn đang tuột dốc phá sản là hai nguyên nhân bắt buộc đcsvn phải chấp nhận đa nguyên đa đảng để giải quyết một thể chế chính trị kế tiếp sau đại hội Đảng lần thứ 12 . Từ sự đồng thuận trước đây duy nhất do thân Tàu áp đảo , Đcsvn giờ đây công khai tách thành hai phe , thân Tàu và thân phương Tây do Mỹ dẫn đầu . Nhưng cả hai phe thân tàu & thân Mỹ muốn được hợp lý hợp pháp khi muốn đưa ra một chính sách nhà nước lại phải dựa vào Quốc Hội đại diện cho nhân dân . Nhưng Quốc hội trong tương lai sẽ không thể do một Đảng chỉ định như xưa mà đòi hỏi phải có sự đề cử và bầu cử công bằng giữa hai phe thân Tàu và thân Mỹ !

    Cái gút cuối cùng từ Quốc hội , những người được đề nghị ra tranh cử dân biểu giữa hai phe thân Tàu hay thân Mỹ trong tương lai . Chính là cái gút bắt buộc ĐẠI HỘI ĐẢNG 12 ngày hôm nay phải tháo gỡ . Muốn tháo gỡ nó hợp lý phải chấp nhận tự do ứng cử và bầu cử đương nhiên là đa nguyên đa đảng .

    Nói một cách khác , những thoả thuận chia chác các ghế lãnh đạo trong việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 12 chỉ có thể diễn ra khi tất cả hai phe thân Tàu hay thân Mỹ phải đồng thuận cho việc lựa chọn Quốc hội trong tương lai kế tiếp theo hình thức Đa nguyên đa đảng .

    Vai trò Việt Nam trong kế hoạch của Mỹ ở Biển Đông chỉ là con rối trước Đại hội Đảng 12 , chịu đấm ăn xôi và nín thở qua sông là hai việc mà ĐCSVN có thể làm được trước Tàu , Mỹ , Thế giới và nhân dân Việt .

    Thức tỉnh

    Trả lờiXóa