Trang BVB1

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Tín dụng tăng nóng: Nguy cơ bùng nổ lạm phát, bong bóng tài sản

 * HÀ MY
Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra lưu ý tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.
“Chúng tôi đề nghị chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa”, báo cáo VEPR viết.
Tín dụng đang tạo sức ép tăng lãi suất
Cầu tín dụng tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2015. Tính đến tháng 9, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7% cùng kỳ năm 2014.
Tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động đã tạo sức ép nên mặt bằng lãi suất huy động. Một số NHTM đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,2 - 0,5% lên sát mức trần 5,5% của quy định tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.


“Chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ sớm gây sức ép lên mặt bằng giá và các mức lãi suất. Nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm năm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ”, báo cáo viết.
Theo chu kỳ hàng năm, tháng 9 là thời điểm mặt bằng giá chịu nhiều áp lực tăng ở nhóm mặt hàng giáo dục do bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, hai nhóm mặt hàng năng lượng và lương thực lại giảm giá, vốn đóng góp tổng trọng số xấp xỉ 17% trong rổ hàng hóa CPI.
Đây là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng bất thường trong năm 2015 với việc chỉ số CPI tăng chậm trong 9 tháng đầu năm, thậm chí giảm tuyệt đối trong tháng 9.


Theo thống kê VEPR đưa ra, tại các thị trường mới nổi, do tác động của giá hàng hóa và năng lượng, lạm phát cũng đang ở mức thấp. Điển hình như: Thái Lan (-1,07%), Trung Quốc (2%), Singapore (-0,8%), Phillipines (0,4%), Malaysia (3,1%).
Giá năng lượng suy giảm tác động mạnh đến mặt bằng giá ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mặt bằng giá trong nước năm 2016 - 2017 được dự báo ổn định.
Thời gian qua, việc Thái Lan mở bán kho gạo dự trữ khiến cho thị trường gạo bị dư cung trên toàn cầu. Giá lương thực trong tháng 9 giảm 2,23% so với đầu năm. Tuy mặt bằng giá có thể chịu áp lực vào thời điểm tết Nguyên đán, nhưng thông qua những yếu tố của phía cung cho thấy xu hướng lạm phát sẽ thấp trong một, hai quý tiếp theo.
Chính sách tỷ giá nên linh hoạt hơn
Báo cáo cũng bình luận về sự kiện liên quan đến biến động tỷ giá trong thời gian qua liên quan đến sự kiện Trung Quốc phá giá đồng CNY. Trong quý III nói riêng và trong suốt 9 tháng đầu năm 2015, thị trường ngoại hối có nhiều biến động.       Đặc biệt, ngày 11/8, Trung Quốc phá giá đồng CNY, châm ngòi cho những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối.


Chung phản ứng với các nước trong khu vực, Việt Nam nhanh chóng điều chỉnh mạnh giá trị đồng nội tệ, tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ giao dịch từ ±1% lên mức ±3%.
Mặc dù đã vượt mức biên độ điều chỉnh 2% cam kết trong năm 2015, giá trị danh nghĩa của đồng nội tệ so với USD vẫn cao hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường. Cầu USD tăng mạnh khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải cung ứng một lượng lớn ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối, đồng thời áp dụng các biện pháp siết chặt việc mua ngoại tệ.
Đầu tháng 10, NHNN tiếp tục ra thông tư 15/2015/TT-NHNN chỉ cho phép các nhà nhập khẩu được mua ngoại tệ giao ngay 2 ngày trước thời điểm thanh toán. Quy định này cùng với việc giảm lãi suất tiền gửi USD đã có tác động nhất định làm giảm một phần đầu cơ ngoại tệ.
Tuy nhiên, VEPR vẫn nhận định rằng cần thiết lập một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt và hiệu quả hơn. Bởi thực tế, sau sự kiện 11/8, việc tiếp tục cam kết cứng không điều chỉnh tỷ giá đến đầu năm 2016 đã không định hướng được những kỳ vọng của thị trường.


“Có thể thấy, triển vọng thắt chặt tiền tệ của FED đã được phản ánh vào giá trị của đồng USD, chỉ số USD index có thể đã lên mức đỉnh vào Quý 2/2015 và sẽ diễn biến theo xu hướng ổn định trong thời gian tới. Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng đã hoàn tất phần lớn quá trình điều chỉnh giá trị đồng CNY và có nhiều động lực giữ ổn định tỷ giá danh nghĩa đồng nội tệ nước này. Chính vì thế, thị trường tài chính quốc tế sẽ ổn định trong 1 hoặc 2 quý tiếp theo”, VEPR dự báo.
Trong khi các thị trường mới nổi trong khu vực đang đối mặt với dòng vốn nóng rút ra, Việt Nam lại nằm ở vị thế trái ngược. Do nền tảng vĩ mô kém, giai đoạn 2010 - 2013, Việt Nam hầu như đã đứng ngoài dòng vốn nóng quy mô lớn chảy vào. Sau giai đoạn khủng hoảng, giá tài sản ở Việt Nam ít tăng.
Chính bởi thế, VEPR cho rằng: “Nguy cơ sau khi đàm phán TPP hoàn tất và nhiều khả năng sẽ được các nước thành viên thông qua chính thức, dòng vốn nóng có thể tăng mạnh vào thị trường nội địa và gây áp lực tăng lên tiền đồng khiến cho sản xuất xuất khẩu trong thời gian tới bị thu hẹp”.
Sau sự kiện 11/8 cho đến hết tháng 9, theo số liệu VEPR đưa ra, khoảng 118 nghìn tỷ VND được đưa ra lưu thông từ lượng tín phiếu NHNN đáo hạn để cung cấp thanh khoản cho thị trường.

Hơn thế, sau khi không thành công với các kỳ hạn dài trên 5 năm, Bộ tài chính đã đẩy mạnh phát hành tín phiếu kho bạc nhà nước, tổng khối lượng phát hành trên 20 nghìn tỷ đồng.
“Đây là diễn biến bất thường không xảy ra trong nhiều năm gần đây, phản ánh sự khó khăn trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài”, VEPR nhận xét.
H.M/Bizlive
-------------

2 nhận xét:

  1. Không sao... Dân VN vốn đã quen chịu khốn khổ rồi... Buồn...

    Trả lờiXóa
  2. Nen kinh te ma nhung ke giau co nho vao manh mung, lua loc va truc loi chinh sach thi vong luan quan cu lap di lap lai mai thoi...Buon...

    Trả lờiXóa