Trang BVB1

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

THƯ NGỎ GỬI QUỐC HỘI

Xin trân trọng kính chào toàn thể Đại biểu Quốc hội
Nhân kỳ họp Quốc hội vào  cuố năm 2015 tôi xin gửi đến quý vị vài ý kiến.
I-Đại biểu Quốc hội
Tôi nhận thấy các kỳ họp của Quốc hội ngày càng có tiến bộ về xu hướng dân chủ, làm cho lòng tin của người dân có phần tăng lên.
Ở ta, để chứng tỏ uy lực điều 4 của Hiến pháp, tại mọi cuộc họp, cuộc lễ của các cơ quan nhà nước đều dựng cờ búa liềm bên cạnh hoặc cao hơn cờ sao vàng. Điều đó thành thông lệ. Thế mà tại hội trường họp Quốc hội lại thấy vắng bóng cờ búa liềm, phải chăng Quốc hội muốn chứng tỏ sự độc lập tương đối của mình. Đó mới chỉ là hình thức, tuy vậy cứ có được hình thức như thế cũng là một bước tiến về phía dân chủ.
Theo dõi  các cuộc họp tôi thấy Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lo lắng  việc có nhiều đại biểu vắng mặt khi thảo luận và biểu quyết, thấy Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân  và Huỳnh Ngọc Sơn phải kết thúc cuộc thảo luận sớm hơn dự định ( đến 2 giờ ) vì không còn ý kiến. Suy nghĩ tại sao có các hiện tượng như vậy tôi đưa ra nhận định : chủ yếu tại chất lượng đại biểu.
Đại biểu Quốc hội cần có nhiều phẩm chất tốt đẹp mà quan trọng là TRÌNH ĐỘ ( năng lực, trí   tuệ ) và TRÁCH NHIỆM. Trong số đại biểu hiện nay chỉ  một phần  có đủ cả 2 phẩm chất ấy, còn lại thường bị thiếu một, thậm chí có một số thiếu cả hai. Tại sao họ vắng họp, vì họ bận việc khác quan trọng, cấp thiết hơn, hoặc cũng có thể họ coi thường . Tại sao họ không có ý kiến, vì họ không biết , không chịu suy nghĩ, không muốn suy nghĩ hoặc  cho rằng họ đã thảo luận và biểu quyết những việc đó ở nơi khác rồi.
So với Quốc hội nhiều nước thì chất lượng Nghị viên của chúng ta tương đối thấp.  Có phải vì dân tộc VN thiếu người có phẩm chất. Không phải, mà chính là vì 3 nguyên nhân sau :
1- Chế độ Đảng cử dân bầu, Mặt trận giới thiệu, dân chủ hình thức và giả hiệu, nhân dân đi bầu dưới áp lực, bầu cho qua chuyện, không chọn được người có phẩm chất cần thiết.
2- Không tách bạch quyền lập pháp và hành pháp. Trong Quốc hội tuy có một số chuyên trách nhưng còn rất nhiều người giữ vị trí chủ chốt trong chính quyền,( họ vừa đá bóng vừa thổi còi ). 3- Quan điểm bầu đại biểu theo cơ cấu, xem nặng cơ cấu hơn phẩm chất.
Để cho Quốc hội thực sự giữ được vai trò “ Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” thì điều kiện tiên quyết cần có hai. Một là Quốc hội phải gồm những người có phẩm chất cao, được chọn từ những công dân ưu tú . Hai là Quốc hội phải hoạt động độc lập với cơ quan hành pháp ( Chính quyền ) và với Đảng cầm quyền.

II-Bầu cử Quốc hội
Trong kỳ họp này có việc bầu ra Hội đồng bầu cử, chuẩn bị cho kỳ bầu Quốc hội khóa mới vào năm 2016. Tôi đề nghị, ngoài việc đó Quốc hội nên thảo luận việc ĐỔI MỚI  bầu cử nhằm chọn được đại biểu có phẩm chất cao. Cụ thể là :
1-Bỏ việc Đảng cử dân bầu, Mặt trận giới thiệu theo cách trước đây. Mở rộng dân chủ và khuyến khích những người tài năng ứng cử, vận động tranh cử. Không hạn chế danh sách đề cử  quá chặt mà để bầu chọn một vị trí nên có từ 2 đến 4 người tranh cử.
2-Hạn chế việc chọn người theo cơ cấu ( nam nữ, trẻ già, dân tộc, tôn giáo, thành phần kinh tế…), đề cao phẩm chất của ứng viên và sự tín nhiệm của cử tri. Bầu theo cơ cấu nhằm tìm người đại diện cho một bộ phận dân cư nào đó, việc này là cần nhưng tìm người đại diện cho năng lực và trí tuệ quan trọng hơn.
3- Ra được quy định một người không đồng thời ở trong Quốc hội ( và Hội đồng nhân dân ) vừa là cán bộ chủ chốt của chính quyền. Nếu chưa làm được như vậy thì tuyên truyền, vận động  cho cử tri thấy rõ sự quan trọng của Tam quyền phân lập để cán bộ chủ chốt chính quyền không nhận ứng cử, cử tri không nên bầu cho họ. Việc một người vừa lãnh đạo Đảng, cán bộ chính quyền, vừa trong Quốc hội ( và Hội đồng ND, để vừa đá bóng vừa thổi còi )  tạo nên một sự lãng phí lớn về trí tuệ và thời gian của xã hội, tạo ra sự thiếu nghiêm chỉnh trong một số cuộc họp Quốc hội .
4-Hạn chế  việc cán bộ ở trung ương về ứng cử tại các địa  phương. Đại biểu của địa phương nào phải thực sự đại diện cho địa phương đó. Nếu thực hiện điều 3 ( 1 người không đồng thời giữ 2 chức )  thì không cần sự ứng cử này, lúc đó nên tìm ra một phương thức mới.
Quốc hội không cần thật đông người mà cần có trí tuệ và lòng dũng cảm.

III-Vai trò của Quốc hội
Theo tiến trình dân chủ hóa thì điều 4 của Hiến pháp cần và sẽ được loại bỏ. Trong lúc nó còn hiệu lực thì phải làm rõ hai khái niệm, phải phân định giữa 2 chức trách : Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và  ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Có ý kiến cho rằng Quốc hội chỉ làm theo những điều đã được thảo luận ở Bộ chính trị. Tôi cho chuyện đó chỉ đúng một phần vì thấy Quốc hội cũng có một số ý kiến và việc làm độc lập. Việc không dựng cờ búa liềm trong phòng họp chỉ là hình thức nhưng cũng có ngụ ý là không muốn khuất phục hoàn toàn. Để thực sự trở thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất Quốc hội cần đặt mình ngang hàng  hoặc cao hơn so với trung ương Đảng. Trong lúc chưa có đảng đối lập đủ mạnh thì Quốc hội nên hoạt động như là một lực lượng độc lập, chứ không hoàn toàn ngoan ngoãn phục tùng TƯĐ, thậm chí nếu cần QH thảo luận và bác bỏ nghị quyết của TƯ Đ, nếu xét thấy NQ đó không phù hợp ( ví như ở một số nước Quốc hội có quyền bác bỏ quyết định của Tổng thống ) . Thí dụ hiện nay, Đảng chuẩn bị ĐH 12, trong đó có dự kiến các cá nhân sẽ giữ 4 chức vụ chủ chốt. Chức vụ Tổng bí thư là của Đảng thì để ĐH bầu chứ không phải do trung ương cũ lựa chọn, nói là ĐH bầu nhưng thực chất chỉ là thông qua một sự áp đặt từ trước, còn các chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng thì đó là việc của Quốc hội, nếu Đảng có ý kiến  thì cũng phải là trung ương mới được ĐH 12 bầu ra đề nghị chứ không phải trung ương cũ đã hết nhiệm kỳ quyết định. Lần họp này Quốc hội nên tỏ thái độ về chuyện này, đừng để trung ương Đảng cũ hết nhiệm kỳ quyết định những vị trí do Quốc hội mới lựa chọn. Nếu Quốc hội chấp nhận như cách làm trước đây thì khó tránh khỏi mang tiếng ‘ bù nhìn’. Cách làm của trung ương Đảng là rất mất dân chủ. Quốc hội không chấp nhận việc đó mới tăng được uy tín và niềm tin đối với nhân dân.

IV-Tổ chức đối thoại
Hiện tại có những nhận định trái ngược nhau về tình hình và đường lối, như là : thực chất của các tệ nạn và nguyên nhân của chúng, có nên kiên trì hay từ bỏ Chủ nghĩa Mác Lênin và con đường  XHCN, việc hòa hợp dân tộc cần làm như thế nào, việc thực thi nhân quyền theo Hiến pháp, việc xử lý oan sai đối với dân, thái độ đối với sự ngang ngược của Trung quốc v.v…Thông tin đại chúng được chia ra “lề Đảng” và “ lề dân”. Chưa  bao giờ mà sự mâu thuẩn về ý kiến và quan điểm, sự chia rẽ về tư tưởng phát triển mạnh như hiện nay. Trong Đảng thì nhận định là xu hướng “ tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trên mạng Internet thì rất nhiều trang Blog, Facebook đủ kích cỡ và tường lửa dựng lên khắp nơi, gần đây lại xuất hiện lực lượng mang danh là “ phản ứng nhanh”nhưng được xã hội gọi là “ lưu manh đỏ” nhằm khủng bố, dằn mặt những người có ý kiến khác. Tình hình đó đòi hỏi phải công khai, minh bạch trao đổi để nếu không thống nhất được thì cũng  làm cho đại đa số nhân dân biết  lý lẽ của mỗi bên . Tôi đề nghị nên tổ chức các cuộc đối thoại hoặc tranh luận công khai, truyền hình trực tiếp, giữa một bên là đại diện cho  phía “ lề Đảng”, một bên đại diện phía “ lề dân”. Tốt nhất là Đảng đứng ra tổ chức các cuộc đối thoại như vậy khi Đảng còn tự tin vào chính nghĩa và bản lĩnh. Trong bài góp ý kiến cho Dự thảo báo cáo của ĐH 12 tôi đã viết  đề nghị này. Khi Đảng không tổ chức hoặc chỉ đạo tổ chức các cuộc như vậy thì Quốc hội nên tổ chức. Quốc hội đại diện cho dân, thành phần ưu tú của dân đang rất cần những đối thoại công khai như thế, phần đông nhân dân đang muốn nghe, muốn biết những trao đổi như thế, Quốc hội làm được sẽ giúp dân tộc thấy rõ sáng tối ở chỗ nào, nâng cao uy tín lên nhiều.

V-Mở cửa hội trường
Đồng thời với các đối thoại như trên Quốc hội nên mở cửa hội trường cho người dân tham gia vào hai hoạt động sau:
1-Dành một số chỗ trong hội trường cho người dân đến tham dự trong những buổi thảo luận hoặc chất vấn công khai.
2-Tổ chức cho một số người dân đến phát biểu, diễn thuyết trước Quốc hội . Mỗi kỳ họp nên dành một, hai buổi chính thức cho việc này, ngoài ra có thể thêm một số buổi không chính thức, vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, như là các buổi hoạt động ngoại khóa.
Quốc hội thông báo công khai các việc trên, người dân ai muốn đến dự hoặc có ý kiến phát biểu, có chuyên đề diễn thuyết thì đăng ký trước với văn phòng để sắp xếp, chỉ cần đăng ký thời gian cần để trình bày mà không cần đăng ký trưóc nội dung. Trong kỳ họp này, nếu Quốc hội thu xếp được tôi xin đăng ký đến diễn thuyết trước các Đại biểu QH một số vấn đề ( trong vòng từ 15 đến 250 phút )  mà nhiều trí thức đang rất quan tâm và chắc rằng nhiều Đại biểu cũng quan tâm, vì nó liên quan đến vận mệnh dân tộc. Những vấn đề như vậy nên được trình bày công khai trên diễn đàn Quốc hội.

Lời cuối thư
Thư này tôi gửi theo đường Email đến Quốc hội theo địa chỉ :  webmaster@qh.gov.vn   Rất mong nhận được thông tin phản hồi và mong được QH cho đăng công khai lên tờ báo Người đại biểu nhân dân ( cơ quan của QH ). Tôi cũng gửi đến 2  địa chỉ sau : bandoc.dcsvn@gmail.comthongtinchinhphu@chinhphu.vn ngoài ra cũng gửi đăng trên một vài trang Web theo hình thức Thư ngỏ.
Xin chân thành cầu mong các Đại biểu sức khỏe, sáng suốt, trách nhiệm. Kinh chúc kỳ họp QH thành công tốt đẹp.
Gs. Nguyễn Đình Cống (Hà Nội) /Cong Nguyen dinh congnd37@yahoo.com.vn
 
-----------                                                                

15 nhận xét:

  1. Nếu "đảng ta" thực hiện những điều bác Cống đề nghị thì không còn chi để ăn cả.
    Không còn chi ăn thì ai mà thèm vô đảng nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu thực sự đảng không ăn, chỉ lo làm việc, tôi vào lại ngay! Thủy ạ.

      Xóa
  2. Bác Cống ơi, Cuốc hội của VN nó có phải là ĐẠI BIỂU CỦA NHÂN DÂN đâu? đảng cử người của đảng ra làm đại biểu cuốc hội, bắt dân phải bầu chứ dân có được tự đề ứng cử đâu? vậy bác thư ngỏ với kiến nghị với đám bù nhìn con rối chính trị ấy làm gì hoài công? Đàn gảy tai trâu à Bác?

    Trả lờiXóa
  3. Thơ gửi Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII

    Sáu tháng Quốc hội một lần

    sửa đổi luật lệ có cần thiết không?

    Luật là kiến thức phổ thông

    Toàn dân phải thuộc để cùng tham gia...

    Việc nước cho chí việc nhà

    Thay đổi liên khúc ai mà nhớ cho

    Đại biểu nhỏ đại biểu to.

    Suy nghĩ thấu đáo sao cho lý, tình...

    Xây dựng bộ luật văn minh

    Giữ nghiêm phép nước yên bình quê hương..

    25/10/2015

    Trả lờiXóa
  4. Không được đâu bác Cống ơi cái CUỐC HỘI nước ta có độc lập đâu chế độ đảng cử dân bầu này làm sao có được người có năng lực ,trình độ như bác mong . Toàn những ông bà nghị gật ,là đại biểu cho nó oai ,hưởng bổng lộc . Đừng hy vọng '' Cái lò sản xuất luật ...'' này khi còn cái Đảng CSVN ngự trị với vai trò lãnh đạo . Cái đảng đã thối nát thì làm sao có được một Cuoc Hội khỏe mạnh được ./

    Trả lờiXóa
  5. Hoan nghênh bác NĐCống đã lạc quan viết thư ngỏ góp ý
    nhưng vì lạc quan nên bác đã quên rằng không thể nào có
    dân chủ THẬT SỰ nếu không có đảng ĐỐI LẬP !
    Đó là chân lý,không thế lực nào có thể cãi phăng đi được !

    Trả lờiXóa
  6. Lá thư rất tâm huyết và cũng là tâm huyết và mong muốn của nhiều người dân lúc này. Kính mong Quốc Hội vì trọng trách và uy tín trước toàn thể quốc dân hãy công bố thư ngỏ này trên báo "Người đại biểu nhân dân" để mọi người cùng đọc.

    Trả lờiXóa
  7. Hồ Thị Mỹ Linhlúc 17:53 26 tháng 10, 2015

    Những ý kiến chân tình, đầy tâm huyết của bác Cống, nếu bác gửi cho nhà nước Campuchia cháu tin rằng sẽ có sự tiếp thu nhưng ở VN nó lại khác hẳn. Bởi vì Đảng cộng sản VN chỉ mang danh là lãnh đạo. Nhưng vai trờ lãnh đạo rất non kém cho nên mắc vào sai lầm mọi lĩnh vực. Vì vậy, nó bảo vệ ghế lãnh đạo bằng cách soạn ra một loạt luật rừng mù mờ để khống chế nhân dân. Nếu theo như ý kiến của bác góp ý, người dân sẽ được nghe, được hỏi, được diễn thuyết thì Đảng cộng sản bị lật tẩy toàn bộ cái sai, cái giả dối và mọi sự bế tắc của mình hay sao? Chắc bác cũng biết, tại sao bộ máy công quyền của VN hiện nay, không thực thi bằng pháp luật mà thực thi bằng cách lén lút, dùng côn đồ giả làm xã hội đen để đàn áp. nhân dân, ,cố tình giữ ghế, ôm chân Tàu. Cháu chỉ tiếc rằng, ở một đất nước sống trong tăm tối như ở VN hiện nay thì làm sao đã nói đến tam quyền phân lập. Cái điều 4 Hiến pháp còn nằm chình ình ra đấy. Vậy những ý kiến vàng ngọc của bác góp ý hôm nay, cháu xem nó còn xa xôi như con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội (và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).

    Trả lờiXóa
  8. Trương Ngọc Uyển Nhilúc 18:18 26 tháng 10, 2015

    Cứ nhìn vào sư hi sinh dũng cảm của các chiến sĩ VN cộng hòa. Năm 1974, giữ đảo Gạt Ma & sự hi sinh của quân đội mang danh nhân dân VN 1998 ở đảo Chữ Thập thì thấy rõ nền giáo dục nào là chính nghĩa và nền giáo dục nào là phi nghĩa. Các chiến sĩ VN cộng hòa chiến đấu vì tổ quốc, vì nhân dân mà hi sinh. Còn các chiến sĩ của quân đội nhân dân VN chịu hi sinh âm thầm, không dám chiến đấu vì lý tưởng của Đảng cộng sản không hề vì dân vì nước. Mọi việc đã rõ như ban ngày, vậy thì chỉ có nền giáo dục của VN cộng hòa đáng được tôn vinh, đào tạo lãnh đạo để xã dựng đất nước này. Còn cộng sản không có lý tưởng đó, chỉ có lý tưởn của Đảng mà thôi.

    Trả lờiXóa
  9. Cảm ơn Bác Cống là những người đại diện cho những trí thức quan tâm và thực sự lo lắng đến vận mệnh đất nước , tôi rất mong có nhiều người như bác- nước chảy đá mòn - nếu nhiều tiếng nói thể hiện như vang vọng như hồn sông núi có lẽ cũng có người cũng phải biết mình là ai, mình đang ăn cái gì và mình sống để làm gì.Những trí thức như bác không ngoảnh mặt đi với sự tha hóa của xã hội sẵn sàng gpos những ý kiến hay nhất cho một đất nước đang đi trong mù lòa.kính bác , chúc bác trường thọ , tiếp tục góp nhiều ý kiến hay hơn nữa cho dân tộc, cho đất nước
    CCB chống Tàu F313-QK2 mặt trận Vị xuyên HG 84-88

    Trả lờiXóa
  10. Tôi thì thấy khoái kiểu cách góp ý kiến của GS NĐC , mặc dù biết đó là Quốc hội bù nhìn của Đảng , với những Đại biểu đảng viên làm nghị gật , nhưng cũng nên nói những điều hay lẽ phải để dân biết .

    Còn hy vọng điều góp ý được quan tâm thì dĩ nhiên không có rồi .
    Điều tối quan trọng , nguy cơ dân tộc bị diệt vong là Mật ước Thành Đô , các nhân sĩ Hà Nội đã đến gõ cửa Quốc Hội để hỏi cho ra lẽ mà Quốc Hội còn không chịu trã lời , huống hồ là những góp ý nhỏ nhặt .
    Quốc hội này họp cái gì , nói điều gì Tàu biết hết , vừa có người bên trong , vừa có thu âm tình báo Hoa Nam nghe trực tiếp luôn . Bởi vậy các đại biểu chỉ nói chuyện chung chung gật đầu theo ý đảng thôi , chứ có ai muốn bàn chuyện quốc gia đại sự .

    Ví như GS có được phát biểu thì xin thêm vài ý :
    Đại biễu Quốc Hội phải là người đại biểu của dân , đem nguyện vọng của dân mà bàn bạc .
    Đại biểu đã ngồi ở phòng Diên Hồng thì nên có truyền thống của những nhân sĩ đất Việt , của Hội nghị Diên Hồng ngày xưa .

    Trả lờiXóa
  11. Mẹ bà nó!
    Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói "Dân tộc VN rất hạnh phúc khi con cái lãnh đạo tiếp tục lên làm lãnh đạo"?! Cái kiểu phát ngôn súc vật đó bao giờ mới chấm dứt?!
    Việc mà con mẹ này "ca ngợi" bống lên là phạm luật, vi hiến tại đa số các nước trên thế giới!
    Thảo nào tuyệt đại đa số Dân tộc Việt Nam cứ ước mơ đi tới các nước TBCN!

    Trả lờiXóa
  12. Bài viết của anh Công rất đi vào lòng dân
    Nhưng như đàn gảy tai trâu , nước đổ đầu vịt CUỘC HỘI nó có chịu nghe dân nói đâu .

    Trả lờiXóa
  13. Bác Cống viết những lời tâm huyết chỉ để cho những người tâm huyết nghe thôi.
    " Tâm huyết thường vẫn cô đơn,
    vì không tâm huyết đông hơn rất nhiều !"

    Trả lờiXóa