Trang BVB1

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Thách thức mới của nước Việt và chuyện người tài bị kiện

Đoàn đàm phán TPP tại Atlanta ngày 5/10 vừa qua. Ảnh: VOV
Nhưng chắc chắn một điều, từ hội nhập TPP của nước Việt đến một hợp đồng dân sự của công dân, đều đòi hỏi sự hiểu biết luật chơi một cách khôn ngoan và chặt chẽ, sự nỗ lực vượt bậc khi chấp nhận cuộc chơi, mới hy vọng… trưởng thành.

Những ngày này, có một sự kiện lớn thu hút sự chú ý, quan tâm của cả XH, nhất là giới doanh nghiệp, bởi liên quan mật thiết đến vận mệnh sống còn của họ. Đó là Việt Nam đàm phán thành công việc gia nhập TPP- Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương- gồm 12 quốc gia thành viên, bao gồm Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, VietNam, Mỹ và Nhật Bản.
Khỏi phải nói trên các trang mạng truyền thông, hàng trăm bài báo nhất loạt bình luận sự kiện này dưới các góc nhìn đa chiều.
“Buôn có bạn bán có phường”
Cho dù là thời hiện đại, thì thành ngữ dân gian từ xa xưa của nước Việtbuôn có bạn bán có phường vẫn luôn nóng hổi tính thời sự.
Dù vậy, đó chưa bao giờ là hành trình bằng phẳng êm ái với nước Việt, bởi trong thế giới này, với mỗi quốc gia khôn ngoan, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc bao giờ cũng phải được đặt lên đầu tiên. Sự hội nhập buôn có bạn chỉ có thể thành công nếu mỗi quốc gia bình đẳng với các quốc gia khác về sức mạnh phát triển, giá trị văn minh, văn hóa, pháp luật thượng tôn. Chính vì thế, với một đất nước như VN, từ tư duy đến phong cách làm việc còn nặng tập quán tiểu nông, môi trường kinh tế và XH còn nhiều bất cập, thì sự buôn có bạn là thách thức rất lớn đòi hỏi sự nỗ lực, bởi phải tuân theo …. luật chơi quốc tế. Nhất là trong “phường TPP”, VN lại là quốc gia vào loại chậm phát triển.
Đi ngược lại thời gian, có thể thấy con đường hội nhập của nước Việt ba chìm bảy nổi, mặc dù lịch sử đàm phán thương mại với các nước Liên Xô (cũ), các nước Đông Âu có bề dầy, nhưng dẫu sao cũng vẫn là của khối XHCN một thời, có sự nhân nhượng, chấp nhận nhau. Còn đây là sự đàm phán của giữa các quốc gia có thể chế chính trị khác biệt, chỉ có một phần “giao thoa” là kinh tế thị trường. Mà thị trường thì thời nào cũng gay gắt như chiến trường, đòi hỏi mỗi quốc gia luôn tỉnh táo, trên luật chơi sòng phẳng.
Còn định mệnh cũng khiến hai quốc gia- VN và Mỹ vẫn luôn có những duyên nợ lịch sử kỳ lạ, từ quá khứ đến hiện tại.
Đó là Hiệp định Thương mại Việt Mỹ- BTA (7/2000), đánh dấu việc bình thường hóa quan hệ kinh tế Việt- Mỹ, khi mà “đồng vốn” hiểu biết  của VN chỉ là “tay không”… mặc cả. Hai năm sau BTA được ký kết, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Từ mốc hội nhập này, VN phải học và chơi theo luật quốc tế. Với hàng loạt bộ luật được ban hành và sửa đổi, xác định rõ quyền tự do kinh doanh của thương nhân.
Đó là năm 2006, VN trở thành thành viên thứ 150 của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), sau 11 năm với hơn 200 cuộc đàm phán đa phương, song phương. Kinh tế VN đã tạo ra một hiệu ứng khá mạnh. Ngay năm 2007, tổng giá trị hàng xuất nhập khẩu tăng 31,3%. Năm 2012, thương mại hàng hóa của VN đạt 228,31 tỷ USD, gấp đôi so với 2007 (theo VietNamNet, ngày 30/1/2014).
Và nay, tháng 10/2015, sau ròng rã 05 năm bàn thảo, VN thành công trong việc đàm phán gia nhập TPP, chỉ còn chờ đón mốc ký kết, với sự chấp thuận của Quốc hội 12 quốc gia, trong đó có Quốc hội VN.
Dưới con mắt các chuyên gia kinh tế kỳ cựu tham gia các cuộc đàm phán, hoặc quan sát các hiệp định, TPP mang lại những kỳ vọng lớn cho nền kinh tế nước nhà, bởi có phạm vi rộng hơn nhiều so với WTO. Theo nghiên cứu của VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp VN), VN có thể có thêm 64 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng 13% nhờ quy mô xuất khẩu sẽ tăng 37% trong TPP. TPP có thể giúp VN đảo ngược tình thế nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc. Đặc biệt, liên quan đến thể chế, TPP tạo áp lực cho khu vực DNNN, vốn bị coi là trì trệ, nhiều yếu kém phải thay đổi và phải cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Mọi sự hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp đối với DNNN đều phải theo quy định trong TPP (VietNamNet, ngày 6/10).
Ai cũng biết, đặc điểm kinh tế thị trường VN cả về lý luận lẫn thực tiễn đều còn lúng túng, và chưa hoàn thiện. Cũng chính vì thế, trong thực tế, môi trường kinh tế VN còn khá nhiều bất cập, kéo theo sự bất bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, với các DN vừa và nhỏ. Mặc dù khu vực này tạo ra giá trị sản phẩm lớn, đóng góp tích cực tới 32% vào GDP (con số này ở DNNN chỉ 20%), thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm, nhưng lại chịu thiệt thòi về chính sách hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn vay, chưa kể trong thực tế, còn bị làm khó dễ bởi những điều kiện kinh doanh, thuế má.
Chính vì thế, hội thảo “Động lực phát triển kinh tế tư nhân” diễn ra chiều 3/10 tại Hà Nội, với mong muốn giúp DN và cộng đồng xã hội hiểu rõ vai trò, vị thế của DN tư nhân đối với nền kinh tế đất nước rất được chú ý- một dấu hiệu củng cố và xác lập vị trí, vai trò của DN tư nhân như một động lực của nền kinh tế trong giai đoạn mới- khi chỉ còn ít thời gian nữa, TPP sẽ được ký kết.
Không phải không có lý, khi tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng động lực kinh tế tư nhân có hai vế: Thứ nhất, kinh tế tư nhân là động lực. Thứ hai, động lực để phát triển cho kinh tế tư nhân.
Ở vế thứ nhất là sự đổi mới tư duy. Ở vế thứ hai là giải pháp. Cả hai vế này đều phải gắn bó chặt chẽ mới làm nên sự biến đổi về chất của kinh tế tư nhân.
Ở vế kinh tế tư nhân là động lực, thực chất chưa diễn ra trong XH ta bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng đã là thực tiễn sinh động ở các quốc gia phát triển và đang phát triển, như Mỹ và Cu ba chẳng hạn. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Cu Ba có dân số 11 triệu dân và t/p New York (Mỹ) chỉ có 08 triệu dân. Nhưng tổng GDP của New York đạt trên 1.000 tỷ USD trong khi tổng GDP của Cu Ba chỉ đạt trên 70 triệu USD. Sự khác biệt của 02 nền kinh tế này nằm ở chỗ Cu Ba gần như không có DN tư nhân, chủ yếu là DNNN, môi trường kinh doanh không bình đẳng. Trong khi đó, t/p New York lại chủ yếu là DN tư nhân, không tồn tại DNNN.
Mặt khác cũng phải thấy, các DN tư nhân ở nước Việt, ngoại trừ một số ăn nên làm ra vững vàng, tạo thương hiệu, số đông vẫn ở trạng thái quy mô nhỏ, làm ăn mang chất đầu cơ, chụp giật, ăn sổi ở thì, chỉ thấy lợi trước mắt, mà chưa phải chiến lược quản trị và đầu tư dài hạn. DN tư nhân vốn ít có kinh nghiệm làm ăn của kinh tế thị trường, trong bối cảnh nhà nước điều hành cũng ít kinh nghiệm nốt. Hai cái ít kinh nghiệm…. gặp nhau, trở thành một bất cập không nhỏ trước ngưỡng cửa TPP.
Chính vì thế, trả lời Một Thế Giới, ngày 6/10, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận xét thẳng thắn: Cái được nhất chính là sức ép buộc phải tự mình thay đổi, nếu không sẽ phải trả giá. Sự thay đổi đó bao gồm cả ở phía DN lẫn phía thể chế quản lý, ứng xử bằng thái độ ngang bằng, chứ không phải ban phát xin- cho của bề trên với kẻ dưới.
Và đây cũng chính là động lực để phát triển kinh tế tư nhân, vế thứ hai mà ông Vũ Tiến Lộc nêu lên tại hội thảo.
Những giải pháp tạo động lực để phát triển kinh tế tư nhân đó là gì, nếu không phải là những cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư, hỗ trợ chính sách đất đai, tài chính…, để DN tư nhân có môi trường kinh doanh lành mạnh, có thể cạnh tranh bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Điều này, liệu có phù hợp với tinh thần của Báo cáo chính trị mới đây: Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển mạnh DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế?
Nếu không nỗ lực vượt lên chính mình, và có “bà đỡ” là thể chế văn minh, là các chính sách nhà nước, cho dù TPP đã ký kết, các DN tư nhân sẽ vẫn chỉ như những chiếc “thuyền nan” mong manh ra … biển lớn.
Bút sa gà… ra tòa?
Có một vụ việc không quá lớn, nhưng vô tình liên quan đến khái niệm về “luật chơi” trong nền kinh tế thị trường, vừa xảy ra ở Đà Nẵng, khiến dư luận chú ý và không ít lời bàn.
Đó là việc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của t/p này đã quyết định khởi kiện hàng loạt học viên thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) do họ vi phạm hợp đồng cam kết trước đó với TT. Vì là nguồn nhân lực chất lượng cao, có bài báo gọi họ là “nhân tài”.
Được biết, Đề án 922 có 625 học viên tham gia, trong đó có 390 học viên đã tốt nghiệp và t/p đã bố trí công tác cho 336 học viên. Nhưng rồi, đến thời điểm này, có 71 học viên vi phạm hợp đồng, hoặc xin ra khỏi đề án. Theo báo Thanh niên (ngày 2/10), trong số 42 học viên tốt nghiệp vi phạm hợp đồng không về phục vụ t/p, hiện TT đã khởi kiện 15 người. Trong 05 vụ học viên hầu tòa từ tháng 6 đến nay, tòa án đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của TT, tuyên buộc 05 học viên bồi thường 10,06 tỉ đồng cho ngân sách t/p. 10 vụ còn lại sẽ đưa ra xét xử trong tháng 10 này.  Học viên phải bồi thường nặng nhất là 03 tỉ đồng (ở phiên sơ thẩm). Bên cạnh đó, một số học viên sau khi trở về chỉ phục vụ t/p thời gian ngắn rồi bỏ việc.
Được biết, cả hai Đề án (922) và đề án khác 393 (đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài) trong 08 năm (từ 2006 - 2014) đã ngốn ngân sách thành phố đến 600 tỉ đồng.
Theo hợp đồng, học viên sau khi kết thúc đào tạo phải công tác tại t/p trong vòng 07 năm, nếu không thực hiện đúng hợp đồng, phải bồi hoàn phí đào tạo gấp 05 lần. Riêng sau năm 2013 bồi hoàn 100% mức đào tạo.
Đà Nẵng là một t/p năng động, có nhiều chính sách táo bạo, mà Đề án 922 cũng nằm trong số đó, nhằm thu hút người tài, người giỏi về t/p.
Nhưng hiện tượng “chạy làng” kiểu ở Đề án 922 cũng chẳng phải là mới mẻ gì. Nó xưa như trái đất. Có điều người tham gia hợp đồng, đã cầm bút ký vào một hợp đồng dân sự, thì phải chấp nhận các điều khoản đã thỏa thuận. Dân gian có câu bút sa gà chết. Ở 15 trường hợp trên bút sa gà… ra tòahành chính, trong đó một số đã bị xử lý.
Mà ra tòa là phải. Hợp đồng dân sự giữa cá nhân với cá nhân nếu bị phá vỡ người ta còn đưa nhau ra tòa nữa đây là hợp đồng dân sự giữa cá nhân với t/p, liên quan đến chuyện bạc tỷ, cũng là tiền thuế của người dân. Nhưng liệu việc đưa… gà ra tòa có phải là mong muốn của Đề án 922, chắc chắn là không? Bởi con số vi phạm chỉ là hàng chục, nhưng nó cũng vẫn là một tổn thất với trung tâm, và là sự tổn thương về danh dự của học viên, dù không ai muốn.
Tuy vậy, công bằng mà nói, ngay khi tham gia đề án, chắc chắn có không ít cách tính toán, dựa vào tiền của trung tâm đi học, rồi sẽ… tính sau.
Cái tính sau đó có thành công hay không, không rõ, nhưng cái thấy trước, là đã phải đứng dưới công đường chịu sự phán xét, xét xử của pháp luật- bậc thang cay đắng đầu tiên của đời một “người tài”.
Chính vì thế, có rất nhiều quan niệm khác nhau xung quanh chủ trương Đề án 922, và vụ việc này.
Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, việc khởi kiện nhân tài như vậy tính nhân văn không cao lắm. Vấn đề thu hút nhân tài phải được "cởi trói", nhân tài nên được tự do học tập, không nên thu hút bằng một đề án đào tạo kiểu này (LĐO- ngày 2/10)
Ở một quan niệm khác, một bài viết trên Tuần Việt Nam ngày 08/10 lại cho rằng, chủ trương này nên được duy trì dù gặp phải một vài vướng mắc như những vụ kiện cáo bất đắc dĩ đã nêu.
Còn người viết bài cho rằng, về lý, những học viên đã chấp nhận hợp đồng, đặt bút ký, cũng đã tức là chấp nhận “luật chơi”, không thể coi sự ứng xử bất đắc dĩ của TT là thiếu nhân văn. Thêm nữa, trước  hoàn cảnh cụ thể của học viên, TT cũng đã điều chỉnh mức đền bù.
Nhưng về tầm, phải nói rằng, thực tiễn sinh động của đời sống rất có thể luôn nảy sinh những tình huống bất ngờ mà đề án chưa tính được hết. Tỷ như những trường hợp học viên do kết quả học tập xuất sắc, họ có cơ hội học tiếp lên cao nữa ở xứ người, thì việc xử lý những vi phạm đặc biệt đó cần có sự xem xét cụ thể, đó mới là cái tình cần thiết. Và thêm nữa, quan niệm sau khi học xong, học viên dứt khoát phải trở về, làm việc trong những cơ quan, công sở nhà nước của t/p có quá cứng nhắc không, khi mà những nơi chen chúc sáng cắp ô đi tối cắp về chưa hẳn đã là “đất dụng võ” tốt nhất cho họ?
Đề án 922 hay hoặc dở, nên tiếp tục hay nên có chính sách thu hút nhân tài thay thế, đòi hỏi sự cân nhắc của t/p, trên cơ sở có điều tra XH học tỷ mỉ cần thiết, để đánh giá được chất lượng, hiệu quả của một Đề án.
Nhưng chắc chắn một điều, từ hội nhập TPP của nước Việt đến một hợp đồng dân sự của công dân, đều đòi hỏi sự hiểu biết luật chơi một cách khôn ngoan và chặt chẽ, sự nỗ lực vượt bậc khi chấp nhận cuộc chơi, mới hy vọng… trưởng thành.
Kỳ Duyên /TuanVN
 
---------------

5 nhận xét:

  1. QH Mỹ tháng 6 năm 2016 mới quyết định có duyệt hay không về TPP. Số Nghị sĩ Mỹ phản đối rất nhiều, thậm chí hơn 50%. Cầm đầu là bà Hilary Cliton, người có khả năng là TT Mỹ kỳ tới.
    Như vậy là chưa có gì.

    Trả lờiXóa
  2. Đào tạo người tài kiểu đếm cua trong lỗ thất thoát lớn là điều hiển nhiên không cần bàn cãi.

    Trả lờiXóa
  3. Nhiều người được đào tạo theo đề đề án tiền thuế của dân về nước không tìm được chỗ thích hợp, họ tìm cách lách làm vài năm rồi ù té đi nước ngoài thế là hòa cả làng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thế là làng trở nên đìu hiu vắng vẻ chứ "hòa" cái gì?

      Xóa
  4. TPP và đề án nhân tài khá là giống nhau, cả hai đều có một sức ép buộc cơ chế phải thay đổi. HOặc là chết trên đất mình, với TPP, hoặc là chịu cảnh bào mòn nhân tài, nhân tài bỏ việc, nhân tài không về.
    Đối với đề án nhân tài, theo góc nhìn của tôi thì đơn giản cả hai bên không tin nhau. Bên nhà nước thì bị buộc phải làm theo hợp đồng, vì tiền ngân sách, học phải làm hết trách nhiệm mà cấp trên hơn của họ cũng chẳng dám quyết vì sợ trách nhiệm. Ngoài ra bên phe nhà nước không tin các nhân tài của họ khi học thêm, cao hơn nữa sẽ trở về. Bản thân họ cũng nghĩ, chắc gì học cao hơn nữa về mà bên này, chính phủ, có chỗ xài?
    Nhìn chung, đây là hậu quả, là tất cả những cái bẫy của mấy thập niên "can trường" không thay đổi mà hình thành nên nếp "suy nghĩ" "làm việc" chẳng giống thiên hạ. Cho nên tới khi thực sự phải sửa đổi, phải thay đổi để tạo nguồn nhân lực tốt hơn, xịn hơn thì bắt đầu gặp phải những loại kinh nghiệm chưa bao giờ gặp phải.
    Hoàn cảnh VN cũng là cái dạng này ở khắp các nơi. Nhân lực ở khu vực nào tốt thì đỡ một chút, nhân lực đứng đầu khu vực nào dốt nát thì khỏi nói, theo từng nhiệm kỳ chỉ để lại hậu quả và tạo ra những thế hệ nhân lực cản trở sửa đổi.
    Nói cho cùng, cũng như trong chiến tranh, bây giờ trong đổi mới, sửa đổi, thì người dân vẫn trắng tay, chịu thiệt thòi. Vì vậy, thưa chính phủ, thưa đảng, nói ít thôi.

    Trả lờiXóa