Trang BVB1

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

'Kính thưa' dây cà dây muống và 'phát biểu chờ cơm'

                   Ảnh minh họa
Việc phát biểu thế nào mới thực sự đáng quan tâm, chưa có quy định nào bắt buộc, cũng chưa có… báo nước ngoài nào lên tiếng; còn chuyện “kính thưa” một người hay “kính thưa chung” chốc lát rồi qua, chỉ là câu “cửa miệng” ban đầu.

"Kính thưa" bỗng dưng nổi tiếng
Câu chuyện đơn giản hóa thủ tục, “kính thưa” người cao nhất, còn lại “kính thưa chung” mở đầu các diễn văn, báo cáo hay phát biểu thực ra đã rộ lên từ khá lâu. Thậm chí, Chính phủ đã có Nghị định về nghi thức nhà nước, số 154/2004/ NĐ-CP, trong đó có cả quy định chi tiết về việc “kính thưa” này.
Ban đầu nhiều nơi thực hiện nghiêm túc theo đúng tinh thần văn bản, nhưng dần dà, vì nhiều lý do, mọi việc trở lại như cũ và không còn ai nhắc nhở, thực hiện. Người trong cuộc, tức những người làm công tác tổ chức hội nghị, hội thảo, các diễn giả, các đại biểu.., sẽ bị chê trách, đánh giá nếu “kính thưa” thiếu hoặc sai tên tuổi, chức danh một ai đó. Kể cả việc không ai nói ra, nhưng việc để thiếu sót cũng sẽ khiến diễn giả lúng túng, khó nghĩ (?) về sau.
Người viết từng chứng kiến buổi làm việc của một vị lãnh đạo khi về công tác địa phương cách đây không lâu. Sau khi theo quy định “kính thưa” người cao nhất của tỉnh và “kính thưa chung” mọi người, bất ngờ phát hiện ra thủ trưởng cũ vô cùng kính mến khiêm tốn ngồi lắng nghe ở một góc hội trường, đồng chí đã “kính thưa” thêm một lần nữa, đồng thời giới thiệu rõ cho mọi người biết, mời thủ trưởng cũ  lên ngồi vị trí trang trọng. Mọi người vỗ tay nhiệt liệt sau tình huống phát sinh được xử lý hợp tình, hợp lý đó.
Gần đây, việc “kính thưa” dài dòng lê thê được dư luận quan tâm trở lại, từ báo chí trong nước lên tiếng, rồi đến báo chí  nước ngoài làm nóng! (Coi chừng, ở ta dạo này hễ cái gì nước ngoài lên tiếng là coi như có chuyện?).
Màn phát biểu, bắt tay, trao quà, chụp ảnh… của ban tổ chức trong trận giao hữu bóng đá quốc tế giữa đội tuyển Việt Nam và CLB Man City, dù đã được truyền thông rộng rãi từ trước đó, nay trước bàn dân thiên hạ lại diễn ra cà kê, sốt ruột.
Diễn giả phát biểu bằng Tiếng Việt, đội khách không được phiên dịch, không hiểu mô tê chi, truyền hình lại “bắt” cận cảnh thủ môn Joe Hars vui vẻ nói chuyện với Công Vinh, nhiều cầu thủ khác đứng không yên như bị… kiến cắn! Tóm lại, người nói cứ nói, khán giả không quan tâm, ai cũng chỉ chờ bóng lăn.
Chuyện “kính thưa” lâu nay ít người để ý bỗng trở nên nổi tiếng là vì thế!
"Phát biểu chờ cơm"
Nói cho cùng, trong cuộc sống và làm việc, vài câu “kính thưa” trong một bài phát biểu không phải là câu chuyện chính yếu được quan tâm nhất. Vấn đề là nội dung bài phát biểu có thực sự đáp ứng, làm thỏa mãn người nghe hay không. Điều này bên trong mỗi người rất khó biết, còn nhìn bề ngoài sẽ biểu hiện ban đầu bằng sự chăm chú lắng nghe, tiếng vỗ tay hoặc rì rào tiếng nói chuyện đây đó, có người ngáp vặt hay buồn ngủ, nhiều người ra ngoài uống nước, hút thuốc…
Cũng lại có câu chuyện...
Đoàn cán bộ đi công tác, tiện thể ghé thăm và giao lưu ở một tỉnh nọ. Gặp gỡ vào cuối giờ làm việc nhưng để đảm bảo sự tôn trọng và hiếu khách, chủ bố trí nội dung rất bài bản và chi tiết. Đầy đủ việc “kính thưa” trưởng đoàn và “kính thưa chung”, kết thúc mỗi câu là một tràng vỗ tay chào mừng, hưởng ứng.
Lại có bài phát biểu văn bản suôn sẻ, chính xác đặc điểm tình hình địa phương, diện tích, dân số, bình quân thu nhập, GDP, truyền thống, hiện tại, các chương trình kinh tế -xã hội, các chỉ tiêu đạt được 6 tháng đầu năm, kế hoạch 6 tháng cuối năm…
Nói chung rất chi là… dài và đói! Nhưng ai cũng buộc phải nở mày nở mặt khen điều nọ, cỗ vũ điều kia, nhất là tấm tắc khen bản báo cáo toàn những con số biết nói càng nghe càng thấm!
Hồi bao cấp, kết thúc hội nghị, đại biểu thường được mời liên hoan. Có những bữa, nội dung đã hết nhưng …giờ cơm thì chưa tới, bèn phải thêm phát biểu, có người nói vui là “phát biểu chờ cơm”. Vụ này rất hợp với những “cây” nói lê thê, dây cà ra dây muống, không chạm vào việc gì cũng chẳng nói đụng tới ai.
Có đại biểu bước lên bục mang theo cặp giấy thì người ở dưới thở phào mà rằng, yên tâm ngắn gọn, về sớm làm việc khác đang chờ.  Nhưng khốn nỗi, thỉnh thoảng diễn giả phải giải thích, chứng minh, bình luận…thì chưa biết đến giờ nào kết thúc để nói lời cuối “xin cảm ơn và chúc sức khỏe, chúc hội nghị thành công tốt đẹp!”.
Dường như diễn giả sợ rằng, mọi người không hiểu sáng kiến, phát kiến của mình, nên cứ phải nói dài, nói thêm, nói bổ sung cho kỳ được. Càng nói càng lan man, càng xa vợi, càng say sưa thể hiện.
Trong những trường hợp này, thiếu đi một người “cầm càng” có kinh nghiệm, thiếu đi một chiếc chuông rung báo hết giờ là nguy cơ độc diễn, tự cho rằng “không ai hiểu, chỉ một mình tôi hiểu” cứ thế nói tiếp, diễn tiếp, vang vang tiếp…
Việc đó mới thực sự đáng quan tâm, không/chưa có quy định nào bắt buộc, cũng chưa có… báo nước ngoài nào lên tiếng; còn chuyện “kính thưa” một người hay “kính thưa chung” chốc lát rồi qua, chỉ là câu “cửa miệng” ban đầu.
Châu Phú/VnN
---------

8 nhận xét:

  1. Trong các hội nghị , hay cuộc họp dùng câu ( kính thưa ) trung như thay cho một lời chào mọi người . Nhưng cấp dưới muốn nịnh cấp trên phải kính thưa và giới thiệu cả chức vụ ông a , bà b , hoặc họ còn treo hẳn một tấm biển lớn chính phòng họp với nội dung là ( nhiệt liệt chào mừng đ/c X , kèm theo chức vụ về thăm và làm việc . . . ) . Nét văn hóa bị lạm dụng , không ngoài mục đích quảng bá , đánh bóng tên , chức vụ của lãnh đạo . Nếu ai muốn chạy trọt công việc hay chức vụ gì thì không bị nhầm cổng .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải nịnh đâu? bọn quan chức rất thích oai, không giới thiệu là chết đấy?

      Xóa
  2. Có thật: có cha còn "Kính thưa đồng chí X, nếu đồng chí có mặt ở đây!"?!

    Trả lờiXóa
  3. Sùng bái cá nhân, nịnh bợ, xun xoe cán bộ, không có dân chủ, những điều đó làm cho xã hội không văn minh, con người không thật thà tử tế
    Những việc đó đã diễn ra quá lâu. cần phải lên án, và thay đổi

    Trả lờiXóa
  4. Tôi chưa biết nội dung NĐ 154 nói gì, nhưng tôi (chả phải chức sắc gì trong...hệ thống), khi phải phát biểu, tôi Kính thưa số đông trước (bà con, hoặc các đại biểu...) rồi mới đến vài vị..."dân bàu, đảng cử". Vì không có Dân thì làm gì có...cán bộ?

    Trả lờiXóa
  5. tôi ngồi xem trận MC với thằng cháu 8 tuổi , khai mạc , cháu bực dọc nói với tôi : Họ nói gì mà nhiều thế hả ông ? Đúng lúc này 1 ông lại lên phát biểu nữa cháu bật dầy 2tay vò đầu gào lên : Lại nói nữa!....

    Trả lờiXóa
  6. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ĐCS VN việc “kính thưa” trở thành trọng tâm các đại hôi, các hội nghị của Đảng nhà nước VN từ xưa đến nay
    Xã hội rất khó chịu và bức xúc về vấn đề này

    Trả lờiXóa
  7. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ĐCS VN việc “kính thưa” trở thành trọng tâm các đại hôi, các hội nghị của Đảng nhà nước VN từ xưa đến nay
    Xã hội rất khó chịu và bức xúc về vấn đề này

    Trả lờiXóa