Trang BVB1

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Tản mạn về bài nói chuyện của ông Tổng Bí Thư ở Mỹ

* NGUYỄN DUY VINH
Bài nói chuyện của ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (xin viết tắt là TBT NPT) tại Trung Tâm Khảo cứu Về Chiến lược và những Vấn đề Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 8 tháng 7 vừa qua [7] rất súc tích và ngắn gọn. Các quan khách ngồi nghe hôm đó chắc không ai phật lòng vì bài nói chuyện có thể gọi là khá tích cực với mục đích đẩy mạnh sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (VN & HK) trong đó phía Việt Nam, qua lời nói của ông TBT, đã bày tỏ rất nhiều lạc quan và tin tưởng về triển vọng tốt đẹp của quan hệ VN & HK trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cái tuy nhiên phải gió, theo tác giả bài viết này, bài nói chuyện của ông TBT NPT vẫn chưa được hoàn toàn thẳng thắn và minh bạch vì còn vài chỗ khá nhập nhèm.
Chuyện nhập nhèm đầu tiên là chuyện ông TBT NPT trách cứ chính phủ Mỹ cho những gì đã xảy ra ở Việt Nam 30 năm sau (1945 – 1975), sau ngày Việt Minh dùng bạo lực dành nắm chính quyền tại Hà Nội năm 1945.
Ngay trong phần nhập đề nói sơ về lịch sử quan hệ Việt Nam (VN) và Hoa Kỳ (HK), ông Trọng đã khẳng định là phải chi ngày đó Mỹ chú ý đến sự thỉnh cầu của Việt Nam và phúc đáp đến nơi đến chốn những thỉnh cầu đó với sự giúp đỡ tận tình của Mỹ thì làm gì có chuyện hai nước Mỹ và Việt Nam đã “phải trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương cho đến khi bình thường hóa quan hệ năm 1995” [7]. Theo ông Trọng, ông Hồ Chí Minh đã viết thư cho cố tổng thống Truman và các nhà lãnh đạo Mỹ không phải một lần mà là… 14 lần! và không lần nào nhận được hồi âm. Tôi không biết văn khố Mỹ (hay văn khố Việt Nam) còn giữ những phóng bản hay bản chính của 14 lá thư này không. Vì nếu có thì đây đúng là chứng cứ hùng hồn bảo đảm cho lời tuyên bố của ông Trọng là… không ngoa. Tuy nhiên ở thế giới truyền tin và thông tin hiện đại ngày hôm nay, chúng ta có thể Gú Gờ và có thể tìm ra một số các tài liệu này khá dễ dàng. Và mặc dù không tìm được đầy đủ 14 lá thư đó, liên kết mạng số [4] dưới đây trong danh sách tham khảo cũng cho chúng tôi thấy khá rõ nội dung của những điện tín và những trao đổi của ông Hồ với ông Truman và một số lãnh đạo Mỹ. Và theo những tài liệu tìm được thì điều ông Trọng nói đúng, Việt Nam ngay từ đầu có cầu cứu Mỹ.
Ông Trọng rất khôn ngoan, ông giáo đầu tuồng bằng cách trách cứ Mỹ vừa đủ nhẹ nhàng để không gây nên sự phẫn nộ của các quan khách có mặt. Đại để ông TBT nhấn mạnh là ông Hồ Chí Minh đã viết cho các ngài lãnh đạo Mỹ đến 14 lần mà các ngài vẫn im ru làm ngơ thì các ngài cũng có lỗi cho những gì xảy ra ngày hôm nay vì chính các ngài đã đẩy chúng tôi vào con đường tranh đấu chống thực dân Pháp với sự giúp đỡ của Tàu và Nga chứ từ nguyên thủy chúng tôi đã nghĩ đến Mỹ trước tiên. Và ông Trọng thừa thắng xông lên, ông dõng dạc tuyên bố là Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh chống phát xít trong suốt thời gian đệ nhị thế chiến (1939-45). Tôi không phải là sử gia nhưng câu tuyên bố chung chung này làm tôi hơi sững sờ. Sững sờ vì tôi thấy lời phát biểu này của ông Trọng hơi có tính cách cường điệu. Thật thế, lịch sử ghi rõ ràng rằng ông Hồ thực ra mãi đến năm 1941 mới về nước và tuy thực sự lúc đó Việt Minh có lén lút giúp đỡ toán quân trinh sát OSS của Mỹ (United States Office of Strategic Services), việc này cũng không kéo dài được bao lâu vì sau đó ông Hồ lại bôn ba sang Tàu và bị quân của Tưởng Giới Thạch bắt và nhốt giam cho đến năm 1943 mới thả. Ông về lại Việt Nam và bị bệnh xuất huyết ruột và ông may mắn được cứu sống bởi các bác sĩ Mỹ thuộc toán quân OSS có mặt ở vùng cao nguyên Việt Bắc lúc bấy giờ.
Hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào giải mã bí ẩn tại sao Mỹ lại im lặng trước những lời kêu gọi của Việt Nam. Sách của bà Céline Marangé [8] cho thấy trong thời buổi nhá nhem đó sau hội nghị Postdam, nước Mỹ đang phải đương đầu với sự bành trướng và xâm chiếm bất thần và ngang ngược của Nga ở Đông Âu và theo những trang sách của Marangé (từ trang 160 trở đi), đã có những sự đi đêm giữa Nga và Pháp và người đọc có thể đoán được là Nga đã hoàn toàn ủng hộ sự trở lại của Pháp ở Đông Dương sau những lần gặp gỡ giữa Molotov (bộ trưởng bộ ngoại giao Liên Xô) và đại sứ Pháp tại Moscow. Và lúc đó Việt Nam bị cô lập nặng nề và phải cầu cứu Tàu. Và lịch sử một lần nữa đã cho thấy sự hiện diện của Tàu Cộng trong suốt quá trình đấu tranh dành độc lập của Việt Nam. Sau khi Trung Quốc tuyên bố độc lập ngày 1 tháng 10 năm 1949 và vẫn theo sách của Marangé, ông Hồ lúc đó tuy đã 60 tuổi nhưng ông vẫn đủ sức lặn lội đi bộ qua biên giới Việt Bắc sang Tàu và cuối cùng được Chu Ân Lai đón tiếp trọng thể vào đầu tháng giêng năm 1950. Mao Trạch Đông, lúc đó đang ở Moscow, đã gửi điện tín về chúc mừng và lên tiếng thừa nhận chính thức chính phủ Việt Minh dưới sự lãnh đạo của ông Hồ. Sự có mặt của Trung Quốc (TQ) trong chính trị và chính trường Việt Nam (cả về tư duy lẫn nhân sự và khí giới) là một sự thật. Và nợ nần với TQ qua sự giúp đỡ súng đạn và kinh tế ngày càng chồng chất bắt đầu từ năm 1950 cho đến trận Điện Biên Phủ (1954) và tiếp tục mãi cho đến khi VNDCCH toàn thắng năm 1975.
Ông TBT NPT có nhắc đến tuyên ngôn độc lập Việt Nam năm 1945 trong phần mở đầu bài nói chuyện của ông. Tôi xin trích dẫn một đoạn của phần nhập đề của ông Trọng ở đây: “Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới năm 1945 được mở đầu bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".”
Ở chỗ này, ông Trọng muốn làm mát lòng thính giả Mỹ nhưng theo tôi câu này có thể có tác dụng ngược. Vì người Mỹ không những có một văn bản hiến pháp ngắn, khúc chiết và rõ rệt nhất trong các văn bản hiến pháp hiện nay, họ còn là những người biết áp dụng triệt để hiến pháp đó và chính sự áp dụng nghiêm túc này đã đưa nước Mỹ lên hàng cường quốc bậc nhất hiện nay trên thế giới. Trong khi đó ở nước ta thì các lãnh đạo luôn tuyên bố rất hay nhưng lời nói ít khi được đi đôi với việc làm. Chính quyền Việt Minh sau năm 1945 đã cho ra đời hiến pháp 1946, cũng là một bản sao của hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng đến năm 1958 thì họ lại bỏ nó đi và thay vào đó bằng một hiến pháp mới với tư duy hoàn toàn cộng sản và mọi quyền lực nằm trong tay một đảng duy nhất.
Như tiến sĩ Hoàng Xuân Phú đã từng viết [2] và chính tác giả bài này cũng đã từng viết về văn bản hiến pháp 1946 [1] [5], hiến pháp 1946 là một hiến pháp tiến hóa và rất tiên tiến vào thời điểm năm 1946 trong đó các quyền tự do căn bản của người dân được tôn trọng vô điều kiện, như điều 10 của hiến pháp 1946 đã ghi rõ [3]:
Điều thứ 10
Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.
Các quyền tự do này đã bị lấy đi, hay nói theo cách nói hóm hỉnh của ông Hoàng Xuân Phú là “đã teo dần”, khi các văn bản hiến pháp 1959, 1980, 1992, và 2013 ra đời (xin đọc bài rất đặc sắc “Teo dần quyền con người trong Hiến Pháp” của Hoàng Xuân Phú theo liên kết [4] dưới đây).
Văn bản hiến pháp đầu tiên của nhà nước VNDCCH (năm 1958) đã đưa chủ nghĩa cộng sản lên ngôi một cách chính thức ở miền Bắc VN lúc bấy giờ. Và hiến pháp gần đây nhất sau khi thống nhất bờ cõi của nhà nước CHXHCNVN (tức là hiến pháp 2013) lại tiếp tục quy định rành mạch một lần nữa sự nắm quyền tuyệt đối của Đảng Cộng Sản Việt Nam qua điều 4 của hiến pháp này. Tự do của người dân là những quyền tự do hoàn toàn tương đối vì tất cả đều phải do pháp luật quy định [5].
Ở đây tôi xin mở một ngoặc đơn để xin dông dài diễn tả thêm về cái cơ chế điều hành của nhà nước CSVN. Tất cả quyền hành tuyệt đối nằm trong tay một nhóm người họp nên một cơ quan lãnh đạo tối cao có tên là Ban Chấp Hành Trung Ương (BCHTW). Cứ mỗi 5 năm, các chi bộ Đảng từ các cấp xã, huyện, phường cho đến tỉnh, đề cử các đại biểu tham dự đại hội Đảng. Đại hội Đảng sắp tới đây sẽ diễn ra vào năm 2016 vì lần chót họp toàn quốc lần thứ XI là vào năm 2011. Năm 2016 việc họp hành làm việc có thể lại theo vết xe cũ, nghĩa là sẽ có khoảng hơn 1000 đại biểu đại diện cho khoảng 3.6 triệu đảng viên về tham dự đại hội. Những đại biểu này sẽ bầu ra BCHTW. Sau đó các ông và các bà của BCHTW sẽ bầu ra Bộ Chính Trị (BCT), Tổng Bí Thư (TBT) và Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương (UBKTTW) và chủ nhiệm UBKTTW từ số các ủy viên trung ương này. Trong vòng từ 3 đến 6 tháng và có khi kéo dài cả năm sau khi đại hội Đảng kết thúc, bầu cử quốc hội mới được tiến hành. Quốc hội từ đó mới lần lượt bỏ phiếu phê chuẩn các vị lãnh đạo then chốt trong chính phủ (mới) từ các thành viên của BCT và BCHTW. Tới đây chúng ta đã biết rõ hơn về cơ chế của guồng máy lãnh đạo của ĐCSVN và chúng ta có thể khẳng định rằng cuộc bầu cử BCHTW vô cùng quan trọng. BCHTW là đầu não. BCHTW là những người có trọng trách về các chính sách kinh tế, chính trị, giáo dục, xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia. Và người đứng đầu trách nhiệm về tư duy và cương lĩnh của Đảng không ai khác hơn là ngài Tổng Bí Thư.
Và ông TBT NPT đã nói rất rõ cho người Mỹ về khát vọng của nhà nước Việt Nam. Ông đã dõng dạc với châm ngôn rất đặc biệt gồm 16 chữ (không vàng thì cũng kim cương) là chúng tôi, dân tộc Việt Nam, dù có thể chế chính trị khác với dân tộc Mỹ, chúng tôi sẵn sàng “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”!
Nghe đến đây thì tôi thấy châm ngôn 16 chữ “kim cương” này quá hay. Nếu làm được thì chắc chắn quan hệ đối tác toàn diện mà ông Trương Tấn Sang đã ký với Mỹ năm 2013 sẽ đem đến rất “nhiều lợi ích và hạnh phúc của nhân dân hai nước”, để trích lời ông Trọng.
Phương châm 16 chữ như thế là điều kiện cần và đủ cho sự thành công của quan hệ VN & HK.
Quá khứ phải gác!
Chúng ta phải nhắc các lãnh đạo VN bớt mồm lại, đừng chửi Mỹ xa xả như trong bài diễn văn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 30 tháng 04 vừa qua. Đừng cứ năm nào cũng ăn mừng rầm rộ chiến thắng 30 tháng 04. Thay vì ăn mừng thì mình cố gắng chuyển biến nó thành ngày đoàn tụ hay ngày sám hối và tìm những cách để làm cho ngày đó thật sự là ngày mà cả hai dân tộc miền Nam và miền Bắc có thể ôm chầm lấy nhau. Hiện nay thì việc này còn xa vời lắm. Phải tiếp tục hoàn tất việc tìm mộ và hài cốt của cựu quân nhân Hoa Kỳ đã bỏ mình ở Việt Nam và phải đi xa hơn thế nữa, nghĩa là phải làm việc này ngay cho những cựu chiến binh VNCH và những người tù cải tạo (xin đọc bài của Giáo Sư Lê Xuân Khoa viết mới đây về vấn đề này [9]). Việc làm này là một việc làm chính đáng, ông Trọng gọi nó là vấn đề nhân đạo. Ông chỉ đúng một phần. Đây không phải là mình rũ chút lòng thương cho người nằm xuống và thân nhân của họ không mà đây là mình biết chứng tỏ tình thương với những người cùng dòng máu, mình biết khôi phục lại nhân phẩm của con người trên căn bản nhân văn dù họ không cùng niềm tin tư duy và chính trị với mình. Đây cũng là chứng tỏ lòng biết ơn, lòng cảm phục và sự tôn trọng với hơn 3 triệu người Mỹ gốc VN đã bỏ nước ra đi tìm tự do và họ đã và đang có những đóng góp rất lớn vào sự thịnh vượng của nước Mỹ hiện nay. Và chính kiều hối của người Việt hải ngoại cũng đã và đang tiếp tục đóng góp rất nhiều vào kinh tế Việt Nam.
Những người lính VNCH đã nằm xuống trong một cuộc chiến không cân xứng (vì bị người Mỹ bỏ rơi) nhưng họ đã nêu gương anh dũng khi đánh đuổi quân Tàu Cộng ở Hoàng Sa, và họ đã nêu gương anh dũng trong suốt hơn 20 năm bảo vệ miền Nam VN trước cuộc xâm lăng của miền Bắc. Gác lại quá khứ thì chúng ta không những phải đủ sức gác bỏ hận thù nhưng chúng ta cũng phải sòng phẳng với lịch sử và phải giải quyết công bằng quá khứ vì quá khứ này cũng đã được dệt bằng những bất công, những sai phạm và những tội ác từ những chính sách cải cách ruộng đất và chính sách tù cải tạo tàn bạo ở Việt Nam.
Vượt qua khác biệt!
Khác biệt ghê gớm nhất hiện nay là khác biệt về thể chế chính trị. Nhưng ông Trọng đã không sai khi nói “thế giới chuyển biến và phải có tư duy mới”. Câu hỏi được đặt ra ở đây là khi nào thì Việt Nam mới đổi mới tư duy. Tư duy cộng sản theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin đã quá cũ và đưa đến sự trì trệ về những phát triển quan trọng ở Việt Nam, từ khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường và an sinh của người dân cho đến việc thực thi pháp quyền, nhất là vấn đề tôn trọng quyền làm người mà ông Trọng cho là “nhạy cảm”. Không thẳng thắn chấp nhận sự tụt hậu gây ra bởi tư duy sai lầm và sự dốt nát (dân trí thấp) thì rất khó vượt qua những khác biệt với tư duy tư bản của Mỹ. Chính tư duy tư bản này, được bảo vệ bởi một hiến pháp nhân bản, bởi lòng yêu nước cao và sự hăng say làm việc của người dân, đã đưa nước Mỹ đến sự thịnh vượng ngày nay.
Phát huy tương đồng!
Tương đồng hiển nhiên và quan trọng nhất là cả hai dân tộc VN và HK đều có cùng một khát vọng: cả hai đều muốn có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Cả hai dân tộc đều mong muốn ổn định kinh tế và đời sống đủ cơm no áo mặc. Được hưởng một môi trường an sinh trong lành ít bị ô nhiễm. Và quan trọng hơn cả đó là cả hai nước cùng có xu hướng hòa bình. Hiện nay vấn đề hòa bình ở Châu Á đang bị đe dọa bởi những vụ xây đảo quy mô trái phép của Trung Quốc tại các đảo ở biển Đông nhất là Trường Sa. Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc về những vụ chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp này tại diễn đàn an ninh có tên là Đối Thoại Shangri-La 2015 gần đây qua những lời tuyên bố đanh thép của ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter. Một phái đoàn Việt Nam hùng hậu dưới sự chỉ huy của Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã có mặt nhưng ông Vịnh đã không nói câu nào trong phần trình bày chính thức của diễn đàn. Tuy nhiên ông có trả lời một số câu hỏi qua các cuộc phỏng vấn bên lề của các phóng viên Reuters và BBC. Một câu trả lời của Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng VN này đã trở thành đề tài tranh cãi trên mạng sau đó, một câu trả lời rất khôn khéo và không mất lòng ai sau đây của ông Vịnh: “Càng căng thẳng thì càng phải độc lập tự chủ. Càng căng thẳng thì càng không bao giờ để kéo vào những liên minh với nước này để chống nước khác”. Có rất nhiều người nghĩ Việt Nam đã đánh mất một cơ hội để phát huy tương đồng với Mỹ về tình hình biển Đông!
Hướng tới tương lai!
Tương lai đây trước hết phải là tương lai quan hệ Mỹ - Việt. Và dĩ nhiên tương lai này có ảnh hưởng đến tương lai, an ninh và hạnh phúc của người dân trong vùng Đông Nam Á – Thái Bình Dương. Quan hệ Mỹ - Việt dĩ nhiên cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự buôn bán của Mỹ trong vùng. Hàng trăm ngàn tàu bè dân sự qua lại mỗi năm trên biển Đông. Những nước trong vùng không thể yên ổn nếu có chiến tranh xảy ra trong vùng biển Đông này. Các nước như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Brunei, Singapore và Úc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trước tiên nếu xung đột xảy ra.
Tương lai quan hệ Mỹ-Việt nằm trong tay ĐCSVN và chính quyền Hoa Kỳ. Mục tiêu thì rất cao quý tức là “đối tác toàn diện để đi đến lợi ích chung” nhưng việc làm thì hình như quả banh nằm trong tay Việt Nam nhiều hơn. Những thách thức về phía Việt Nam rất lớn. Đại hội Đảng thứ XII tới đây sẽ cho chúng ta thấy Việt Nam sẽ ném quả banh trong tay mình như thế nào. Chúng ta chờ xem văn kiện Đại hội Đảng lần này sẽ có những gì đặc sắc hơn trong chiều hướng 16 chữ kim cương của quan hệ Việt - Mỹ.
Ông Joe Biden có thể về học thêm về Kiều và lần tới khi gặp ông TBT NPT ông sẽ không phải thốt lên:
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chằng là chiêm bao
N.D.V/(Yaoundé một chiều mưa)/(Dân Luận)
----------------/
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.danluan.org/tin-tuc/20130506/nguyen-duy-vinh-nhung-bien-dang-cua-cac-van-ban-hien-phap-cua-dang-cong-san-viet
[2]http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=HienPhap2013-SuaNhamHayDoiThiet-20140829
[3]http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=536
[4] http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=TeoDanQuyenConNguoiTrongHienPhap-20130115
[5] http://www.boxitvn.net/bai/21624
[6] http://www.historyisaweapon.com/defcon2/hochiminh/
[7] https://kimdunghn.wordpress.com/2015/07/10/toan-van-bai-noi-chuyen-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-csis/
[8] Le communisme vietnamien (1919-1991) – Céline Marangé – Paris: Presses de Sciences Po, 2012
[9] http://boxitvn.blogspot.ca/2015/07/hoa-giai-voi-nguoi-chet-hay-chuong.html
 
--------------

19 nhận xét:

  1. Nên quan sát thực tế chuyện gì đang xãy ra , phãi nên suy nghĩ ngược lại những gì có vẽ mơ hồ : đó chỉ là thủ đoạn chính trị của Siêu sư phụ Tàu dàn cảnh mà thôi .
    -VN không liên minh .
    VN đàm phán song phương .
    -Thương mại VN, TQ tăng lên 100 tỉ mỗi năm .
    -VN đang nhập xe tải ồ ạt từ TQ .
    Hải Phòng , Hà Tỉnh sắp xây dựng cảng lớn của đường tơ lụa .
    Quá khứ thì đã có quá nhiều chuyện : Cho thuê rừng đầu nguồn không có ai bị trách nhiệm , chủ trương lớn của đảng cho khai thác Tây Nguyên . Làng mạc Tàu có mặt nhiều nơi tại VN . Hầu hết các công trình lớn lọt vào tay Tàu ….
    Đang xây cảng lớn tại Cà Mau cho đường tơ lụa .
    Quyết định cho ngoại kiều mua nhà tại VN ( ai mua ? VK , dân Tây có mấy người ?)
    TQ ký quyết định sẳn sàng đem quân bảo vệ dân của họ ở ngoại quốc ( rất dễ dàng tạo sự xáo trộn tại VN rồi đem quân vào như Nga tại Ukraina ,thiên hạ chỉ la om sòm nhưng chẳng ai can thiệp gì được )
    Ngã theo Mỹ , có hai phe thân Taù phe theo Mỹ chỉ là dàn cảnh .

    Chỉ trong vòng 2 năm nữa thôi thì khu tự trị càng rõ nét hơn , nhưng càng lúc thì dây thòng lọng càng siết chặc không cách chi thoát được . Đám đông cã tỉ người nhưng không có ai lãnh đạo thì chỉ là vô dụng .
    Họ nắm quá chắc nên tự họ tiết lộ công hàm PVĐ , rồi lý lịch cụ Hồ , rồi Thành Đô . Duy đảng ta đề phòng xa hơn không tiết lộ mình là ai .

    Trả lờiXóa
  2. "để làm cho ngày đó thật sự là ngày mà cả hai dân tộc miền Nam và miền Bắc có thể ôm chầm lấy nhau"?
    Người miền Nam và miền Bắc VN là hai "dân tộc" à?

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đang đợi đa nguyên ở VN, hoặc... gặp Diêm Vương, tùy theo yếu tố nào tới trước. Tôi chẳng hy vọng gì vào Chọng Nú và đồng bọn, những kẻ làm VN ngày càng lâm vào tình trạng bi đát, nhưng bản thân chúng phải "vinh thân phì gia", mặc cho nhân dân khốn khó, điêu linh!

    Trả lờiXóa
  4. Ông TBT lơ mơ không biết hay ông giả vờ không biết, rằng phe cánh thân Tàu của ông và uy tín của cá nhân ông đã bị người ta vứt vào sọt rác cả rồi. Nhưng vì lợi ích quốc gia, vì sự ổn định an ninh xã hội trong lúc nước sôi lửa bỏng của họa xâm lăng đến từ phương Bắc, người ta muốn ông giữ bình tĩnh ôn hòa đại diện cho đất nước, trước thế giới và trước muôn triệu lương dân, để VN đứng vững và đi lên từng bước.

    Vai kịch ông đóng trong những ngày thăm Mỹ đã thể hiện rất tốt. Người Mỹ thông minh sắc sảo thừa hiểu rằng ông sẽ chẳng làm nên cơn cháo gì, nhưng ông sẽ không bị bọn thân Tầu lợi dụng nữa và ông cũng sẽ không cam chịu rước voi về quần mả tổ nữa....
    Chỉ có vậy thôi ông Tổng ơi. Hãy hiểu như thế và hãy làm như thế cho đến lúc hạ cánh an toàn.

    Trả lờiXóa
  5. Trung Quốc càng giàu mạnh thì lại càng hung hăng, càng muốn thách thức và thay đổi trật tự thế giới cũ do Mỹ cầm đầu. Việc Trung Quốc gấp rút xây dựng các căn cứ quân sự và đảo nhân tạo tại Biển Đông nhằm kiểm soát toàn bộ vùng biển này là hành động tất yếu, chỉ là vấn đề thời gian. Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông bằng cách lấn dần từng mảng, như chuyện đã rồi, dù thiên hạ có phản đối nhưng chẳng ai làm gì được.
    Nhiều người cho rằng Trung Quốc có tiềm lực kinh tế và quốc phòng rất mạnh (chỉ đứng sau Mỹ) nên có thể làm gì cũng được. Nhưng nếu xét kỹ thì “Gót chân Asin” của Trung Quốc không phải chỉ là vùng xa xôi hẻo lánh khó quản lý như Tây Tạng, Tân Cương, mà ở ngay tại các trung tâm lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến. Thứ nhất, đó là khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình ngày càng tăng của dân chúng, ở thành phố cũng như nông thôn. Số lượng các cuộc biểu tình và bạo động ngày càng tăng, cả về số lượng và quy mô. Bóng ma Thiên An Môn vẫn còn lảng vảng đâu đây, để một ngày nào đó có thể nổi lên bóp cổ chế độ.

    Thứ hai, Trung Quốc tuy giàu, nhưng thị trường tài chính/chứng khoán rất dễ bị tổn thương vì nó liên thông toàn cầu. Chỉ trong 3 tuần tháng 6/2015, Trung Quốc đã mất 3.400 tỷ USD (bằng 44% GDP quốc gia). Không biết sự kiện bán tháo chứng khoán gây náo loạn gần đây có “bàn tay thù địch” nào không, nhưng đó là một lời cảnh báo, chắc còn tiếp diễn. Chiến tranh mạng là con dao hai lưỡi đối với trung Quốc. Đó là cuộc chiến không có tiếng súng, không cần tuyên bố, xảy ra chớp nhoáng, nhưng hậu quả khôn lường. Thị trường chứng khoán có thể là mục tiêu đầu tiên của một cuộc chiến tranh mạng giữa các cường quốc.

    Thứ ba, chưa biết đấu tranh quyền lực tại Trung Quốc do tập Cận Bình phát động dưới danh nghĩa chống tham nhũng (“đả hổ diệt ruồi”) sẽ dẫn tới đâu, nhưng người ta bắt đầu liên tưởng đến hệ quả “cách mạng văn hóa mới” như “quả bom nổ chậm”. Theo các giới nghiên cứu, 64% dân giàu Trung Quốc (vốn trên 1.6 triệu USD) đã và đang di cư ra nước ngoài. Nếu có biến động về chính trị hay tài chính thì cuộc di cư ồ ạt này (như “bỏ phiếu bằng chân”) sẽ làm nền kinh tế Trung Quốc kiệt quệ nhanh chóng. Có lẽ những lý do nội bộ này là động cơ chính thúc đẩy Bắc Kinh triển khai một chính sách đối ngoại hung hăng hơn, mặc dù tự làm cô lập mình, ngược lại với chiến dịch lấy lòng thiên hạ.

    Trung Quốc sẽ tiếp tục chơi nưóc cờ thế. Những dấu hiệu gần đây cho thấy, nếu Việt Nam xích lại gần Mỹ, họ sẽ dùng cái gậy để tiếp tục dọa. Nếu biết ta yếu bóng vía, họ sẽ đe dọa bằng kế sách “bên miệng hố chiến tranh”, gây sức ép từ phía Bắc, phía Đông, hay phía Tây Nam. Nếu biết ta tham, họ sẽ dùng củ cà rốt để tiếp tục mua. Cái gậy hay củ cà rốt đều là “sức mạnh cứng” mà họ có thừa. Nhưng cái họ thiếu là “sức mạnh mềm”.

    Trả lờiXóa
  6. Có một bài học lịch sử đáng nhớ. Tuy những người Pháp thực dân đã để lại một di sản thuộc địa đáng buồn tại Việt Nam, nhưng những người Pháp nhân văn cũng đã để lại những di sản văn hóa đáng quý. Đó là “hệ quả không định trước” cần trân trọng. Những cái tên như Alexandre De Rhodes, Alexandre Yersin, Louis Pasteur, v.v. đã trở thành những “thánh nhân” trong lòng người Việt. Trường Mỹ thuật Đông Dương đã để lại một thế hệ họa sĩ Việt tài năng mà tác phẩm của họ đã trở thành một hiện tượng bất tử, không thể lặp lại. Dù trải qua bao biến động cách mạng, những biệt thự Pháp tại hà Nội vẫn là dấu son của thành phố, và “văn hóa rượu vang” không thể thiếu trong một bữa tiệc.

    Nhìn lại lịch sử giao lưu văn hóa với các cường quốc, không hiểu tại sao chỉ có người Pháp để lại được một số di sản văn hóa có ý nghĩa sâu đậm như vậy. Có lẽ vì vậy mà người Pháp đáng yêu hơn là đáng ghét. Trong khi người Trung Hoa đáng ghét hơn là đáng yêu. Người Nga có nền văn hóa vĩ đại, đã từng là đồng minh chiến lược của Việt Nam, nhưng không hấp dẫn được thế hệ trẻ bằng Vodka và Tolstoy. Người Nhật đến Việt Nam rất sớm, nhưng không ở lâu, chỉ để lại vài hình tượng còn sót lại tại Faifo (Hội An) và “văn hóa Honda” thời hậu chiến. Người Mỹ thời chiến tranh Việt Nam và thời hậu chiến chỉ hấp dẫn người Việt bằng “văn hóa Hollywood và McDonald”. Nhưng sau 20 năm, đã có 16.500 sinh viên Việt Nam đi học Mỹ. Đó là một tài sản quý nối kết hai nước, như là “sức mạnh mềm”. Có lẽ đây là lý do Trung Quốc sợ Việt Nam “diễn biến hòa bình” và xui ta chống Mỹ. Vì vậy, Đại học Fulbright càng có ý nghĩa (nhưng đừng quá muộn).

    Trả lờiXóa
  7. Bài viết quá hay
    Tôi đã Kiều hóa 16 chữ KIM CƯƠNG của TBT Như sau : Chuyện xưa gác lại , tương đồng/Vươt qua khác biệt , biển Đông xanh màu

    Trả lờiXóa
  8. Ông Trọng đang tự sướng với cử tri Hà nội: "Đây là chuyến thăm lịch sử vì chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử việc một lãnh đạo Đảng Cộng sản gặp mặt Tổng thống Mỹ trong Phòng bầu dục, lại là hai nước cựu thù, thế giới rất quan tâm, tò mò",
    "Không phải đến bây giờ mà phía Mỹ đã mời Tổng bí thư sang thăm từ năm 2012, ta cân nhắc nhiều việc đi không, đi lúc nào giữa lúc vẫn còn vấn đề diễn biến hòa bình.
    Còn khi gặp TQ, phía TQ bắn 21 phát đại bác để chào mừng, Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ, ký kết, tuyên bố nhiều điểm quan trọng; Tổng thống Obama dự kiến hội đàm 45 phút mà thành 1giờ 35 phút, Phó Tổng thống Biden lẩy Kiều trong tiệc chiêu đãi có hàng trăm quan khách...
    Ông không biết rằng đằng sau những cử chỉ, động tác ngoại giao thì TQ đã làm thêm 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông. Còn Mỹ mời ông Trọng sang là để xoay trục chống TQ.
    Ông ta vẫn còn mơ màng với sự ve vãn của tụi tàu quá, không xứng đáng là 1 TBT phải biết phân biệt rõ đâu là thực, đâu là giả.
    Ông ta còn ngây ngô nói phía Mỹ mời từ năm 2012 nhưng lúc đó còn sợ diễn biến hòa bình???
    Thế còn bây giờ còn diển biến hòa bình nữa hay không? Nếu là không còn nữa thì hãy thả các tù nhân chính trị, các blogers ra đi. Hay là vẫn còn dè chừng Mỹ vì tụi tư bản không cùng ý thức hệ với CSVN?

    Trả lờiXóa
  9. Vẫn không hiểu nổi, tại sao trước khi đi Mỹ 6 ngày, trong buổi kỷ niệm Nguyễn Văn Linh, ông ta vẫn "kiên định" rằng Mỹ vẫn là một "đế quốc xâm lược".
    Rồi sau khi đi về thì lại chém gió tưng bừng rằng VN và Mỹ sẽ là quan hệ chiến lược toàn diện???

    Trả lờiXóa
  10. Người Việt thích Mĩ và ghét Tàu nhưng lãnh đạo thì ngược lại:

    Tại sao người Việt ghét Tàu? Trong khảo sát xã hội do Trung tâm Nghiên cứu Pew (hay Pew Research Center – PRC) thực hiện năm ngoái, có đến 74% người Việt cho rằng Tàu cộng là mối đe doạ đến an ninh quốc gia. Tỉ lệ người Nhật xem Tàu là mối đe doạ cũng xấp xỉ 70%. Tại sao người Việt thấy Tàu là mối đe doạ? Tại vì 84% người Việt quan tâm đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Tàu (con số này của Nhật là 85%). Như vậy, lí do người Việt và người Nhật không ưa Tàu là vì họ thấy Tàu là một mối đe doạ, đặc biệt vấn đề tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải. Không nên ngạc nhiên về thái độ và cái nhìn của đa số người Việt.

    Kết quả trên rất thú vị nếu chúng ta đặt trong bối cảnh tuyên truyền ở VN. Có thể nói rằng bộ máy tuyên truyền của đảng và Nhà nước ngày đêm ra sức đưa ra những quan điểm và cái nhìn thiếu thiện cảm về Mĩ, và thân Tàu cộng. Chỉ mới vài tháng trước, các lãnh đạo còn đọc những bài diễn văn nặng tính chống Mĩ và khơi dậy hận thù với Mĩ. Phim ảnh của Tàu phủ sóng toàn bộ hệ truyền hình VN từ hơn chục năm qua. Ấy thế mà người dân lại có thiện cảm với Mĩ và ác cảm với Tàu!

    Có thể nói rằng kết quả khảo sát cho thấy một cách rất đẹp rằng bộ máy tuyên truyền đã thất bại. Thất bại trong việc tẩy não người dân. Thất bại trong việc gieo vào công chúng một tinh thần căm thù Mĩ. Thất bại trong việc thuyết phục công chúng rằng Tàu cộng là bạn. Nhà nước Việt Nam tự hào là “vì dân và do dân”, là làm theo ý kiến của dân. Kết quả khảo sát này gửi một thông điệp rõ ràng và nhất quán đến Chính phủ Việt Nam là nên làm bạn với Mĩ, và dẹp ngay những ngụy ngôn “16 chữ vàng và 4 tốt” do Tàu cộng áp đặt.

    Trả lờiXóa
  11. Tổng Bí Thư đang rất hồ hởi phấn khởi sau chuyến đi — chẳng phải vì mừng đi Tây Du lần này không phải nộp tiền hối lộ như Đường Tăng (xem phát biểu của ông Trọng ngày 7/12/2013 trước cử tri Hà Nội).

    Trả lờiXóa
  12. Trong cuộc chạy đua trước Đại Hội Đảng XII, hầu hết các quan chức lớn nay đều không muốn bị dính vào cái nhãn “Thân Tàu”. Đây là hiện tượng khác hẳn đại hội đảng lần trước, khi mà quan chức nào cũng muốn chứng minh mình trung thành với Bắc Kinh hoặc ráng làm ra vẻ mình có tên trong danh sách đã được Bắc Kinh chấp thuận. Ngay cả người từng công khai lo âu giùm cho Bắc Kinh, than phiền sao dân Việt ghét quân xâm lược quá, nay cũng đã bị tống qua Pháp để chữa một căn bệnh vu vơ. Chẳng phe cánh nào còn muốn dính líu đến ông tướng họ Phùng này nữa.

    Trả lờiXóa
  13. Chuyến công du Mỹ của Ô. Nguyễn phú Trọng là một đổi thay có tính chiến lược của đảng CS cầm quyền, quan trọng như khi CSVN chuyển hệ tư duy sang kinh tế thị trường để cứu nguy nền kinh tế tập trung cứng rắn theo chủ nghĩa CS làm cho kinh tế tài chánh VNCS sắp phá sản và dân chúng VN lần đầu tiên trong lịch sử phải ăn độn.

    Chuyến công du của Ông Trọng là kết quả của cả một chuổi cố gắng ngoại giao của đại đa số các thành phần trong Đảng Nhà Nước chủ trương đổi mới kinh tế, xích lại gần Mỹ để hoá giải phần nào hành động đà xâm lấn biển đảo, thao túng kinh tế, chánh trị của TC đối với quốc gia dân tộc VN.


    Chuyến công du của Ô. Trọng là hành động Mỹ lung lay, nhổ gốc TC ở VN, làm yếu tinh thần bảo thủ lệ thuộc TC trong Đảng Nhà Nước CSVN. Đây là một nhận định sau cùng của Đảng Nhà Nước CSVN, yên lòng thấy Mỹ không có tham vọng đất đai và rất hy vọng Mỹ có thể giúp làm lá chắn ngăn chận, be bờ TC xâm lấn biển đảo của các nước Á châu Thái bình dương, trong đó VN là nước bị mất nhiều nhứt.

    Trả lờiXóa
  14. Vòng ngoài, ngoài Biển Đông, Mỹ làm một việc rất êm nhưng rất thấm tận tim gan TC, là TC xếp de. Tin đài VOA tiềng nói chánh thức của Mỹ, cho biết Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ hôm 14/7 cho hai tàu chiến của Mỹ là tàu tác chiến cận duyên USS Fort Worth phối hợp với tàu khu trục có hoả tiễn dẫn đường USS Lassen tuần tra vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Chỉ huy tàu Fort Worth Rich Jarrett, nói trong thông cáo báo chí, để “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương và Á Châu-Thái Bình Dương, đồng thời chứng tỏ khả năng của chúng tôi thực hiện các hoạt động tự do trên biển cả”. Truyền hình CNN của Mỹ thì hôm 14/7 dẫn lời các giới chức Mỹ cho biết là Mỹ đang cân nhắc việc đưa thêm máy bay và tàu để thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại các hòn đảo trên Biển Đông.Thế là TC xuống giọng liền, phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói, trong khi Bắc Kinh ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, Hoa Kỳ phải thận trọng và sử dụng quyền này một cách đúng đắn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỹ đã hành động như đã cam kết về an ninh tự do hàng hải ở biển Đông , giờ đến lượt VN thực hiện những cam kết với Mỹ và TG đi , không thể giở trò lừa như trước nữa rồi , vì đã qua cầu bị rút ván rùi.

      Xóa
  15. Chưa lúc nào thời cơ lại thuận lợi cho Đảng Nhà Nước CSVN hơn lúc này trong việc đi với Mỹ để cứu Biển Đông đang bị TC xâm thực một cách bạo ngược như lúc này. Trong chánh trị không có thù muôn thuở bạn muôn đời, chỉ có quyền lợi quốc gia dân tộc là miên viễn, là trên hết. Không có đảng phái nào cao hơn quốc gia dân tộc. Không có chế độ nào bền vững hơn quốc gia dân tộc. Không có gì phải mặc cảm khi liên minh với nhưng nước có thể giúp mình. Thế giới ngày xưa cũng như ngày nay, một quốc gia dân tộc nhỏ cần liên minh với quốc gia dân tộc lớn hơn để bảo vệ giang sơn gấm vóc bờ cõi nước mình là một việc làm chánh nghĩa, không ai có quyền phê phán. Quyền lợi quốc gia, sinh mạng dân tộc là vấn đề tối thượng. Nếu Đảng Nhà Nước CSVN không làm, là thông đồng với TC để cho TC xâm thực VN, dần dần biến VN thành thuộc địa kiểu mới của TC. Và trong trường họp đó Đảng Nhà Nước CSVN thành tội đồ muôn thuở của lịch sử VN.

    Trả lờiXóa
  16. CSVN cần nhìn lại bài học Hồ Quý Ly, giỏi thế mà không được lòng dân còn mất nước. Cũng may Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn toàn cầu hoá được kết nối với cả nhân loại văn minh và thế giới tiến bộ giám sát tác động, chứ không thì CSVN mất nước lâu rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hàng ngũ CSVN làm gì có ai tài giỏi bằng Hồ Quý Ly được, thế thì họa mất nước càng nguy hiểm hơn nhiều.

      Xóa
  17. Đánh giá chuyến đi và đặc biệt là kết quả khai thông mà TBT Nguyễn Phú Trọng làm được ở Hoa kỳ đầu tháng 7 /2015 này là chuyến đi lịch sử là rất chính xác.Bác Trọng đã thực hiện xuất sắc vai trò tiên phong mở cửa hội nhập vào thế giới văn minh của Đảng CSVN ;điều này xác nhận sự chuyển biến tích cực về tư duy của đảng cầm quyền ở VN.Những bước tiếp theo sẽ do những Đảng viên chân chính vì dân vì nước tiếp tục thực hiện theo mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh.

    Trả lờiXóa