Trang BVB1

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Có niềm tin sẽ đánh bại Mafia

* VIỆT DŨNG
Mới đây, hàng nghìn người Ý đã tham dự cuộc tuần hành thường niên nhằm tố cáo tội ác của mafia, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với sự nghiệp mà cố thẩm phán nổi tiếng Giovanni Falcone và các đồng nghiệp của ông đã theo đuổi.
Giovanni Falcone được coi là một trong những người đầu tiên xác lập được hệ thống thượng tầng của Cosa Nostra - gia đình mafia nổi tiếng lớn mạnh nhất của đảo Sicily (Ý). Vị thẩm phán này nổi tiếng trong phiên tòa Maxi, tham gia tiến hành điều tra và xét xử nhiều vụ án liên quan đến mafia, đưa hàng trăm tên ra trước vành móng ngựa.
Tuy nhiên, ông đã bị mafia dùng 500kg thuốc nổ ám sát khi đang cùng vợ và đội hộ tống từ sân bay về Palermo vào cuối tháng 5/1992. Cái chết của ông, và vụ ám sát sau đó chỉ hai tháng đối với người đồng nghiệp, cũng là bạn thân của ông, thẩm phán Paolo Borsellino, đã làm chấn động cả nước Ý. Sự việc này đã lay động lương tri của hàng triệu con người, từ đó tiếp thêm động lực cho các phong trào tố giác và đấu tranh chống mafia lan rộng trên khắp đất nước.
Khó khăn và hy vọng
Giovanni Falcone (18/5/1939 – 23/5/1992) sinh ra tại Palermo - thành phố lớn nhất ở đảo Sicily, được xem như đất dụng võ và thánh địa của mafia. Giovanni trải qua tuổi niên thiếu đầy biến động trong quận Magione, khu vực bị tàn phá vì máy bay thả bom khi quân đồng minh đổ bộ lên Ý vào giai đoạn thế chiến thứ II năm 1943. Sau khi kết thúc bậc trung học, Giovanni Falcone học trường võ bị hải quân ở Livorno một thời gian ngắn rồi theo ngành luật. 
Ông tốt nghiệp năm 1961, tập sự trong ngành rồi chính thức trở thành luật sư sau ba năm đầy thử thách. Giovanni Falcone quyết tâm theo đuổi ngành luật hình sự, rồi chuyển sang làm thẩm phán sau một thời gian dài thành công trong nghề luật sư. Từ văn phòng trong viện tư pháp ở Palermo, con người này vẫn hàng ngày chăm chú theo dõi tin tức khắp cả nước với hi vọng tìm ra nhiều phương thức “lật đổ” sức mạnh của mafia.
Tháng 5/1980, ông được giao nhiệm vụ trong ban điều tra phòng truy tố tội phạm ở Palermo liên quan tới một đường dây ma túy lớn, do hai tay mafia “cấp chỉ huy” khét tiếng bấy giờ là Rosario Spatola và Salvatore Inzerillo điều khiển. Từ Sicily, số lượng ma túy cực lớn được chuyển đi New York cho Gambino - gia đình mafia lớn mạnh nhất ở Mỹ.
Bất ngờ được trao nhiệm vụ, Giovanni Falcone cảm thấy chới với, không có đủ tài liệu và giấy tờ để phục vụ công tác điều tra. Tháng 5/1982, chính quyền trung ương Ý gửi đến Palermo một vị tướng trong ngành cảnh sát để diệt tận gốc các băng đảng mafia ở Sicily. Tuy nhiên chỉ bốn tháng sau, vị tướng cảnh sát này bị bắn gục trên đường phố. Các vụ mưu sát do mafia tiến hành khiến người dân Sicily phẫn nộ, bộc lộ sự căm phẫn ra ngoài. Họ phản đối, nguyền rủa, đổ lỗi cho chính quyền đã dung túng mafia từ nhiều năm qua.
Nhận nhiệm vụ thẩm phán, đối đầu với mafia là một gánh nặng trên đôi vai, ảnh hưởng đến đời tư của Giovanni Falcone. Khi ông kết hôn với Francesca Morvillo, đám cưới được giữ hoàn toàn trong vòng bí mật để bảo đảm tính mạng cho người vợ. Không một vị người khách nào được mời (kể cả họ hàng hai bên), không chụp ảnh kỷ niệm, tất cả diễn ra lặng lẽ trong tối muộn ngày thứ bảy. Trong bối cảnh căng thẳng này, chính quyền Ý đã bí mật cung cấp cho Giovanni những điều “cần thiết” để làm nhiệm vụ.
Thẩm phán Giovanni Falcone đưa ra một phương thức mới trong việc điều tra, dò theo “đường dây tiền” để thu thập bằng chứng. Ông nhanh chóng bắt giữ được 53 tay chân trong đường dây ma túy Spatola - Inzerillo - Gambino. Sau đó, ông chuyển sang “ban đặc biệt”, phối hợp cùng nhiều thẩm phán chuyên điều tra về tội phạm mafia. Ngoài Giovanni Falcone, trong nhóm có người bạn “nối khố” Paolo Borsellino, và hai thẩm phán nổi tiếng khác. “Ban đặc biệt” vạch ra một chương trình làm việc cho phiên tòa Maxi, nơi xét xử tội phạm mafia ở Sicily
Từ tháng 2/1986, Giovanni Falcone được trao trách nhiệm “nhân vật chính” cho phiên tòa Maxi. Sau gần hai năm tới ngày chấm dứt phiên tòa này vào tháng 12/1987, gần 500 tên mafia bị đưa ra tòa, đối diện với mức án cao nhất là tử hình. 
Một trong những điểm quan trọng nhất của phiên tòa Maxi là lời khai của Tommaso Buscetta - người đầu tiên “dám nằm vùng” trong băng đảng mafia theo sách lược Giovanni Falcone bí mật đưa ra. Ông đứng trước tòa làm nhân chứng kéo dài nhiều tuần, phơi bày những điều bên trong nội bộ mafia nhờ tài khéo léo và câu hỏi trong các phiên xét xử của thẩm phán Giovanni.
Tiếp nối tham vọng “diệt tận gốc” mafia, Giovanni Falcone bắt đầu làm việc với Rudolph Giuliani, lúc đó đang làm thẩm phán trong các quận phía nam thành phố New York (Mỹ) từ năm 1988. Hai vị thẩm phán đưa ra nhiều sách lược nhằm phối hợp “tấn công” hai gia đình mafia rất lớn là Gambino và Inzerillo.
Cuộc chiến chưa dừng lại
Mafia sẽ không bao giờ để yên cho đến khi thanh toán “sòng phẳng” cuộc đời của vị thẩm phán đã kết liễu hàng loạt tay chân của chúng. Lời cảnh báo của nhân viên tình báo Tomaso Buscella trở nên rất rõ ràng. Tháng 6/1989, ông bị đe dọa bằng một túi thể thao chứa chất nổ dẻo ngay tại căn nhà sát bờ biển nơi Giovanni cùng gia đình đang đi nghỉ hè. Sau vụ này, ông nhớ lại những lời cuối của một đồng nghiệp đã bị mafia ám sát: “Cuộc đời tôi đã được “đóng khung”. Rồi có ngày, tôi sẽ “ăn” đạn của mafia. Chỉ có điều, tôi vẫn chưa biết lúc nào”.
Cuối tháng 5/1992, theo lệnh của ông trùm khát máu gia đình mafia Cosa Nostra, một quả bom nửa tấn được đặt trên đường giữa sân bay quốc tế Palermo và thành phố Palermo. Tay chân mafia ẩn nấp trong một tòa nhà gần đó đã sử dụng điều khiển cho nổ tung quả bom. Sức công phá của quả bom quá kinh hoàng, như một cơn địa chấn, đào một hố rộng lớn trên đường, khiến thẩm phán Giovanni Falcone cùng vợ và ba người cận vệ đi cùng trong hành trình trở về Palermo thiệt mạng ngay tức khắc. Lễ tang sau đó dành cho vị thẩm phán xấu số được truyền hình trực tiếp trên đài quốc gia, trong khi cả nước Ý tuyên bố quốc tang để tưởng nhớ Giovanni Falcone. 
Cuộc đời Giovanni Falcone song song với cuộc đời một người bạn rất thân, Paolo Borsellino, cùng sẻ chia tuổi ấu thơ trong khu vực rất nghèo. Dù lớn lên cùng nhiều người bạn đã gia nhập các băng đảng xã hội đen mafia, nhưng Giovanni và Paolo đều quyết tâm làm người tốt, muốn đối diện với bóng tối, và vạch trần tội ác. Cả hai người đều trở thành thẩm phán nổi tiếng ở Palermo, chuyên về tội phạm mafia. Sau khi Giovanni Falcone bị ám sát, người bạn “nối khố” năm xưa Paolo Borcellino lên thay thế, tiếp tục công việc đối đầu với mafia. Thế nhưng, chưa kịp trả thù cho bạn thì ông cũng bị mafia ám sát bằng bom chỉ chưa đầy hai tháng sau cái chết của Giovanni. Sự ra đi đột ngột của hai vị thẩm phán đã gây nên cơn địa chấn, khiến các phong trào đấu tranh chống mafia lan rộng trên toàn quốc. 
Chính quyền Ý trước sức ép từ người dân làm một cú càn quét quyết liệt, bắt giữ được ông trùm Salvatore “Toto” Riina của gia đình mafia Cosa Nostra, kết án tù chung thân vào tháng 1/1993. Để tri ân cho những cống hiến và sự hy sinh trong trận chiến với mafia, hai người bạn thân luôn sát cánh bên nhau Giovanni Falcone và Paolo Borsellino được tặng thưởng huy chương vàng “Phục vụ” trong năm 1992. Ngày 13/11/2003, hai vị thẩm phán quá cố được trao tặng danh hiệu “Anh hùng quốc gia”.
Cho tới ngày nay, người Ý luôn tôn vinh Giovanni Falcone và lấy hình ảnh của ông làm nguồn cảm hứng cho cuộc chiến thoát khỏi ám ảnh của mafia, cho dù hiểu rằng động chạm đến các phi vụ của chúng đồng nghĩa với việc ký tên vào “bản án tử”. Từ năm 2002, quỹ Giovanni Falcone và Francesca Morvillo, mang tên hai vợ chồng thẩm phán quá cố, cùng với Bộ Giáo dục Ý và các nghiệp đoàn công nhân nước này, đã tổ chức các cuộc tuần hành thường niên nhằm tưởng nhớ thẩm phán Giovanni.
Câu chuyện về thẩm phán Giovanni Falcone đã được quay thành nhiều bộ phim, chiếu trên đài truyền hình quốc gia Ý hay các đài địa phương như gửi tới người dân một thông điệp: “Ở đâu có niềm tin, ở đó mafia sẽ bị đánh bại”. Nhiều cảnh sát đặc nhiệm, công tố viên và thẩm phán đã từ bỏ cuộc sống “tự do” của mình, thậm chí dọn đến ở hẳn tại sở cảnh sát vì không muốn khoan nhượng trước mafia. Cùng với những gì Giovanni Falcone để lại, họ chính là niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho nước Ý…
V.D/Antgct
------------

3 nhận xét:

  1. Hình như đã có chứng cứ phiến quân thân Nga bắn rơi máy bay dân sự Maylaysia MH17. Chuẩn bị truy tố!
    Nga đang nhấp nhổm...

    Trả lờiXóa
  2. Thà...phụ người, tốt hơn người phụ mình.

    Trả lờiXóa