Trang BVB1

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Diện 4C cứ 'yên vị' (!?)

Tinh giản biên chế: Phải xóa tư tưởng 
không giảm 'con ông cháu cha'

TS Sử học Trần Văn Miều: Tư tưởng “cá nhân” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo sẽ là rào cản lớn nhất trong việc tinh giản biên chế hiện nay.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Nội dung quan trọng trong Nghị quyết là có các biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc… Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn TS Sử học Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và Phát triển, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương.
Có khắc phục được tâm lý “tư duy nhiệm kỳ”?
- PV: Thưa ông, Bộ Chính trị vừa có Nghị quyết 39 về công tác cán bộ, tinh giản biên chế. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này trong thời điểm hiện nay?
Ts. Trần Văn Miều
- TS Trần Văn Miều: Ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Phải khẳng định, đây là Nghị quyết cực kỳ quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhiều người cho rằng, Nghị quyết 39 ra đời là chậm hơn so với tình hình thực tế đang diễn ra. Tôi cho rằng, dù có chậm, nhưng còn hơn là không có. Mặt khác, chúng ta không nên chỉ quan tâm vào thời điểm ban hành Nghị quyết, mà nên quan tâm xem Bộ Chính trị đã tiếp cận vấn đề như thế nào và những quan điểm, mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu đã được nêu ra trong Nghị quyết ra sao?
Bộ Chính trị đã tiếp cận từ thực tế đang diễn ra để khái quát thành cơ sở lý luận của vấn đề và từ những kinh nghiệm của công tác cán bộ, công chức, viên chức trong những năm đổi mới cũng như nhu cầu công tác cán bộ trong thời gian tới để đề ra quan điểm, mục tiêu, nội dung và chỉ tiêu phấn đấu.
Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu hợp thành. Các khâu có tính thống nhất, có mối quan hệ hữu cơ với nhau, bổ sung cho nhau. Nghị quyết 39 đã đề cập đến hai khâu quan trọng là: tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Tôi cho rằng, đây là hai khâu quan trọng, có tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Có thể nói, đây là hai khâu bức xúc nhất trong công tác cán bộ nhiều năm qua.
- PV: Theo ông, việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ hiện nay khó khăn lớn nhất là gì?
- TS Trần Văn Miều: Việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ là hai khâu quan trọng, có mối quan hệ gắn bó với nhau. Tinh giản biên chế là mục tiêu cần đạt được trong công tác cán bộ. Còn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ là tiền đề, là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tinh giảm biên chế. Cũng cần phải nói rằng, Đảng ta đặt ra mục tiêu “tinh giản biên chế” là rất đúng đắn, là khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Chúng ta cần hiểu cụm từ “tinh giản” – tức là giản bớt để số lượng cán bộ còn lại ở mức thấp nhất, hợp lý nhất, nhưng vẫn đảm bảo các mặt hoạt động của cơ quan, đơn vị tốt nhất. Đây là việc làm khó khăn, vì nó động đến con người.
Theo tôi, việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ gặp rất nhiều khó khăn hoặc những rào cản như: nhận thức của đội ngũ cán bộ; tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ; vấn đề dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng trong cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; chính sách hỗ trợ cho những người phải tinh giản; chống tiêu cực kể cả tham nhũng trong thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ…Có thể nói, khắc phục được những khó khăn, rào cản này cũng chính là thực hiện các giải pháp hữu hiệu để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế.
Tôi cho rằng, những khó khăn hoặc rào cản hoặc giải pháp nên trên đều là quan trọng, không thể nói cái nào khó khăn hơn cái nào, cái nào cản trở nhất và giải pháp này quan trọng hơn giải pháp kia.
Nhưng tôi phải thừa nhận, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Nghị quyết 39 thuộc về cán bộ có chức, có quyền. Liệu số cán bộ này có nhận thức đúng đắn không và có khắc phục được cái tôi, cái thiên vị, cái lợi ích cá nhân không? Mặt nữa, vì Nghị quyết ra đời vào cuối nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XI, vậy liệu đội ngũ cán bộ lãnh đạo có khắc phục được tâm lý “tư duy nhiệm kỳ” không?
Tôi rất tán thành với nhận xét của một tổ chức quốc tế, về ban hành chính sách và pháp luật, Việt Nam đứng hàng đầu trên thế giới. Còn việc thực hiện thì đứng hàng cuối cùng. Chúng ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật và dám thừa nhận nhận xét đó rất đúng trong xây dựng và thực hiện chính sách và pháp luật ở nước ta. Trong tất cả các khâu của quy trình xây dựng chính sách, chúng ta kém nhất là khâu triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá tác động.
Khó khăn lớn nhất trong thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là khâu tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá tác động của Nghị quyết. Những khâu này hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị  ở các cấp.
Giảm 10% cán bộ yếu, sẽ bằng cách nào?
- PV: Trong Nghị quyết có nêu ra chỉ tiêu là từ nay đến năm 2021, giản 10% số cán bộ yếu kém. Theo ông con số này nói lên điều gì, liệu có thực hiện được chỉ tiêu đề ra không?
- TS Trần Văn Miều: Trong Nghị quyết có nêu ra ba chỉ tiêu: đến năm 2021 giảm 10% số cán bộ, chỉ tuyển dụng 50% số chỉ tiêu cần tuyển dụng và 50% số cán bộ bổ sung cho số cán bộ nghỉ hưu.
Tôi chỉ bình luận chỉ tiêu đến năm 2021 phải giảm 10% số cán bộ hiện có. Tức là không chỉ giảm số cán bộ yếu kém, mà giảm cả những người không thuộc diện yếu kém. Theo tôi, chỉ tiêu 10% không cao so với yêu cầu của xã hội, nhưng lại rất cao đối với thực hiện của cán bộ lãnh đạo.
Tôi nhận thức, chỉ tiêu này không có tính bình quân máy móc (các cơ quan, đơn vị đều phải giảm như nhau) hoặc giảm biên chế một cách cơ học. Đây là chỉ tiêu tổng thể - đến năm 2021 phải giảm 10%  số cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước. Như vậy, sẽ có nơi phải giảm, có nơi giảm nhiều và nơi giảm ít; có nơi không phải giảm và có nơi được tăng. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ và chức trách cán bộ mà quyết định giảm, không giảm hoặc tăng biên chế.
Theo tôi, nơi nào được tăng thêm biên chế phải ưu tiên tuyển chọn cán bộ trẻ, trong đó có nữ, có đủ năng lực và phẩm chất. Phải công khai số lượng và tiêu chuẩn tuyển chọn, tổ chức thi tuyển và có hội đồng tuyển chọn.
Vậy, cơ quan nào sẽ quyết định nơi nào sẽ giảm và giảm bao nhiêu, nơi nào không giảm, nơi nào sẽ tăng và tăng bao nhiêu? Trong thực tế, tự cơ quan, đơn vị rất khó xác định việc giảm và số người cần giảm. Do vậy, cần có một “bộ chỉ huy” thống nhất trong cả nước. Bộ chỉ huy này sẽ xác định một cách khách quan, khoa học về số lượng cán bộ phải giảm của các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể… Riêng tôi đề nghị, giảm nhiều ở cơ quan Trung ương và cấp tỉnh, tiếp đến là cấp huyện và không giảm ở cấp cơ sở. Vì cấp cơ sở là cấp trực tiếp với dân, gần dân, sát dân, triển khai tất cả các nghị quyết, quyết định và hoạt động của cấp trên.
Chỉ tiêu đến năm 2021, nghĩa là trong 7 năm phải giảm 10% biên chế vừa dễ, vừa khó, cái khó nhiều hơn cái dễ. Dễ ở chỗ mỗi năm bình quân chỉ phải giảm 1,43% số cán bộ hiện có. Dễ thứ hai là Đảng đã nhận ra vấn đề và quyết tâm giải quyết vấn đề. Dễ thứ ba là nhân dân rất bức xúc và đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tinh giản biên chế. Dễ thứ tư là các đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cảnh báo việc dôi dư và làm việc không hiệu quả theo lối sáng vác ô đi, tối vác về của đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức. Như thế là ý Đảng, lòng dân và ý chí của Quốc hội đã đồng thuận.
Có thể nói, việc tinh giảm biên chế đã có “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Vấn đề còn lại là đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện như thế nào mà thôi. Đội ngũ lãnh đạo trong hệ thống chính trị phải hiểu và thông trước, phải chống tư tưởng: “Giảm đơn vị nào thì giảm, chứ không được giảm đơn vị của tôi”, “Giảm ai cũng được, nhưng không được giảm tôi, con cháu và người thân của tôi”. Tư tưởng cá nhân của cán bộ lãnh đạo sẽ là rào cản lớn nhất trong việc tinh giảm biên chế hiện nay.
Như trên tôi đã nói, trong việc thực hiện giảm 10% biên chế cái khó nhiều hơn cái dễ. Cái khó ở đây chính là khâu triển khai thực hiện của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo giữ vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 39 và nhất là thực hiện tinh giảm 10% số cán bộ không thuộc diện yếu kém ở cơ quan, đơn vị của mình.
Một vấn đề nữa cũng cần nêu lên là số cán bộ, công chức, viên chức phải cắt giảm sẽ đi đâu, làm gì và đời sống của họ sẽ ra sao? Tôi cho rằng, đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho họ, cần có chế độ chính sách hỗ trợ để họ yên tâm rằng “bị giảm biên chế nhưng không thất nghiệp; giảm biên chế nhưng đời sống không khó khăn hơn”.
Có được chính sách hỗ trợ là cái đồng thuận thứ năm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Như thế, điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” sẽ được bổ sung thêm “cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện, tự giác thực hiện”. Có được cả năm yếu tố này là đảm bảo cho sự thành công của Nghị quyết.
Có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ thuộc diện giảm biên chế
- PV: Công tác cán bộ không phải bây giờ mới được đề cập đến, nhưng đây là một việc rất khó. Theo ông, làm thế nào để công tác này thực hiện một cách hiệu quả?
- TS Trần Văn Miều: Để công tác này thực hiện một cách hiệu quả, theo tôi cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, đảng viên và quần chúng hiểu sâu sắc, thông suốt và thực hiện Nghị quyết.
Nhân đây, tôi xin nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tuyên truyền để dân hiểu bản chất vấn đề, chứ không chỉ là để dân biết. Người dạy, “Tuyên truyền là đem việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không làm được việc đó thì tuyên truyền thất bại”. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là chúng ta phải tuyên truyền phổ biến, giáo dục để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu chứ không chỉ biết về một chủ trương quan trọng của Đảng.
Cùng với đó, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng trong việc đánh giá cán bộ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giảm biên chế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết; chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong việc tinh giảm biên chế.
Thành lập Ban chỉ đạo trong hệ thống chính trị các cấp và thành lập Hội đồng do công chức, viên chức bầu ra để thực hiện tinh giảm biên chế ở các cơ quan, đơn vị.
Thực hiện triệt để chế độ khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; chấp nhận cơ chế, trong cùng chức danh và cấp bậc có đơn vị này trả tiền công cho cán bộ cao hơn ở đơn vị kia.
Cuối cùng, cần có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ công chức, viên chức thuộc diện giảm biên chế.
Năm giải pháp nêu trên có mối quan hệ hữu cơ với nhau, thống nhất với nhau và bổ sung cho nhau. Cán bộ lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp nêu trên.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Minh Hòa (thực hiện)/VOV

 
------------

9 nhận xét:

  1. Đừng dễ dãi tin vào những gì được quan chức VN
    NÓI,nhất là VIẾT trên giấy trắng mực đen vì đọc thì
    nghe có vẻ cao xa nhưng sẽ bội thực chữ nghĩa và
    sa vào mê hồn trận những khẩu hiệu !
    Nhưng hãy NHÌN xem những gì xảy ra trong thực tế

    Trả lờiXóa
  2. Đảng là đối tượng cần phải tinh giản đầu tiên

    Trả lờiXóa
  3. Việc tinh giản biên chế theo nghị định 132 cả huyện nọ chỉ được ngót chục người. Trong số người này đều có nhu cầu nghỉ trước để về đi trông cháu!(Trong đó có tôi)

    Trả lờiXóa
  4. Một hình thức để triệt tiêu những người khác chính kiến, và,tham nhũng tiền lẫn tình ( cách đây nhiều năm,tôi có một người bạn nữ góa chồng làm ở một cơ quan nọ,cô này khá đẹp và hãy còn trẻ lắm,anh giám đốc cứ luôn nại lý do "tinh giảm biên chế" đê buộc cô ta ăn ngủ với mình,khi nào cô ta chán ngán và chống đối thì anh ta lại đòi "tinh giảm" !- khốn nạn lắm !!! nói khác hơn ,đây là một cách để hành hạ người khác mà thôi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. He...he...Tham nhũng tình dục, từ "cửa quyền" sang "cửa L..."!!

      Xóa
  5. Tinh gian bon nay de chung bien thanh ' bon phan dong ' thi chet, nen khong co chuyen do dau

    Trả lờiXóa
  6. Một trò đê hèn trá hình thôi !

    Trả lờiXóa
  7. giảm toàn bộ cấp xã phường cho dân nhờ lấy số ngân sách đó chi cho y tế, giáo dục

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh 07:41 / 09.05.2015 nói đúng !

    Trả lờiXóa