Trang BVB1

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long – 40 NĂM NHÌN LẠI - Kỳ 9

* LÊ PHÚ KHẢI
(tiếp theo)
VII - LIÊN KẾT “BỐN NHÀ” – HUỲNH VĂN THÒN VÀ ĐỘI FF
Từ cuối những năm 80, khi cả nước bước vào kinh tế thị trường, để giúp nông dân sản xuất lúa gạo ở đồng bằng có sức cạnh tranh trên thương trường, tỉnh An Giang, tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu đề ra chính sách “4 nhà”. Đó là nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc, hỗ trợ nông dân. Khẩu hiệu “4 nhà” mau chóng được các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long hưởng ứng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu hiểu biết về thị trường, khả năng tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật còn rất hạn chế. Vì thế, nông dân không phát huy được các tiềm năng sẵn có, chi phí cho sản xuất lớn, lợi nhuận thấp, rất lúng túng trước sự bùng phát của các dịch bệnh… Có nông dân lo lắng đến mức “không biết làm gì để sống” nếu không dập tắt được dịch bệnh. Năm 2008, đã có một hội nghị lớn được tổ chức tại Tân An – Long An để đánh giá về việc thực hiện lien kết bốn nhà. Tại hội nghị đó, nhiều nhà khoa học, nhiều nông dân sản xuất giỏi, nhiều doanh nghiệp và chính quyền tỉnh sở tại đã tham dự với nhiều tham luận có giá trị.
“Liên kết 4 nhà” do tỉnh An Giang khởi xướng mà nòng cốt là Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (viết tắt là AGPPS) đã có những hoạt động khuyến nông hết sức hữu hiệu, có ảnh hưởng lớn với cả khu vực đồng bằng. Là một đơn vị được phong anh hùng năm 2000 và Tổng giám đốc công ty Huỳnh Văn Thòn được phong anh hùng lao động năm 2000, với tiềm lực kinh tế doanh thu hàng nghìn tỷ/năm, AGPPS biết “san sẻ lợi nhuận cho nông dân”. Đó là một cách kinh doanh có đạo lý, rất khoa học và bền vững. Nó đi đúng hướng thời đại.
Người viết xin kể một vài câu chuyện khá lí thú về AGPPS và Tổng giám đốc Huỳnh Văn Thòn:
Khi đương chức, Chủ tịch tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị, người đề xuất liên kết “4 nhà”… thấy Công ty AGPPS làm ăn có lời nên khuyên Tổng giám đốc Thòn nên giảm giá thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, Thòn cười nói: “Tôi kinh doanh mà lãnh đạo biểu giảm giá thuốc thì hóa ra thuốc của tôi là… thuốc dỏm à? Lúc nào tôi cũng phải giữ giá thuốc ngang với giá thị trường, luật chơi nó thế! Nhưng tôi sẽ có cách san sẻ lợi nhuận cho nông dân”.
Cái cách “san sẻ lợi nhuận” cho nông dân của Thòn chính là đầu tư chất xám cho ruộng đồng. Đó là cách làm khuyến nông thời hội nhập! Sau này, chính Chủ tịch Nhị thừa nhận: “Khuyên thằng Thòn giảm giá thuốc… thì đúng là mình còn giữ tư duy bao cấp cổ lỗ”. Còn Huỳnh Văn Thòn thì tâm sự: “Bà con nông dân nuôi mình lớn lên thì mình phải biết phân phối lại lợi nhuận cho nông dân. Nông dân mất mùa mình cũng chết. Cho nên khi trở thành Công ty cổ phần, chúng tôi đều đồng lòng nhất trí trích lợi nhuận làm các chương trình chăm sóc lợi ích cho nông dân. Chúng tôi mời các đoàn y tế thường kỳ về khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo ở các vùng xa”.
Cuối năm 2007, làm việc với chi nhánh của AGPPS tại tỉnh Thái Bình, tỉnh trồng lúa đứng đầu miền Bắc, nghe Trưởng chi nhánh Thái Bình báo cáo năm 2007 thất thu(!) Huỳnh Văn Thòn ôn tồn nói: “Có gì mà băn khoăn! Không lẽ mình là người bán hòm lại mong người ta chết nhiều sao?! Không có sâu bệnh, bà con không phải xài thuốc trừ sâu, giảm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập… Mình phải mừng chứ!” Sau này bà con trồng lúa ở Thái Bình biết được ông Tổng giám đốc Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang đã nói thế, khen là người có Đạo! Hôm đó người viết có mặt tại chi nhánh Thái Bình, nghe Tổng giám đốc nói thế, nghĩ trong bụng, bà con ngoài Bắc mình vốn cả nghĩ, nếu biết được chuyện này chắc cảm động lắm. Và nếu Thái Bình các vụ lúa sau này chẳng may có sâu bệnh, nhất thiết phải dùng thuốc bảo vệ thực vật thì không mua thuốc của An Giang còn mua thuốc của ai?!
Điều đáng nói nhất về chủ trương “Đầu tư chất xám cho đồng ruộng” của AGPPS như tổ chức các đội FF, tài trợ cho Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ phát sóng chương trình “Nhịp cầu nhà nông” trong hàng chục năm liền, được nông dân đồng bằng hưởng ứng nhiệt liệt. Tính đến năm thứ 5 phát sóng (2000-2005), kỳ thứ 126, 514 diễn giả là các nhà khoa học, nhà quản lý… được mời tham gia. Có đến 37.000 khán giả là nông dân thực thụ đã giao lưu trực tuyến khi đang phát sóng. Trên khắp đồng bằng rộng lớn này, có hàng trăm “câu lạc bộ nhịp cầu nhà nông”, tức là các hộ nông dân “nghiện” xem chương trình, đã tập hợp nhau lại tại một nhà, cùng xem, cùng bàn bạc trao đổi sau mỗi lần xem. Một ngày đẹp trời, đầu tháng 7 năm 2008, người viết lần đến ấp Phúc Nghĩa, xã Phú Tân, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long để đến nhà anh Đặng Văn Sơn, nơi các nông dân vẫn đến tụ tập xem chương trình “Nhịp cầu nhà nông” để tìm hiểu tác dụng của chương trình truyền hình này. Anh Sơn đã mời cả ông già ruột của mình là bác Đặng Văn Mười 58 tuổi, bác Nguyễn Văn Hoàng 56 tuổi, anh Nguyễn Phước Hậu 44 tuổi, anh La Hồng Anh 33 tuổi, anh Nguyễn Thanh Phương 33 tuổi… cùng đến “tọa đàm” với các nhà báo.
Các bác các anh “tranh nhau” nói về những cái hay, cái lợi thiết thực của “Nhịp cầu nhà nông”. Có khi coi một mình, có khi rủ nhau coi chung, rồi bàn cãi, ngay lúc đó hay trao đổi với nhau dài dài ở cà café… Anh Nguyễn Phước Hậu, người đã được chương trình “Nhịp cầu nhà nông” thưởng 2 lần vì có câu hỏi hay “phát hỏa” đầu tiên: Trước đây thấy sâu bệnh xuất hiện là cả ấp, cả xã cứ nhao nhao lên. Mạnh ai người ấy xịt thuốc, vừa tốn tiền lại vừa độc hại… Từ ngày có thầy Kim hướng dẫn làm “ô ruộng dự báo bệnh đạo ôn”, thì nếu có giặc đạo ôn vẫn bình tĩnh quan sát ô ruộng dự báo… Rồi biết cách xịt, không tốn thuốc mà lại có hiệu quả… Lúc mới vô sân, tôi đã tranh thủ ra coi đàn heo nái 4 con và 40 con heo thịt béo núch ních trong chuồng của vợ chồng chủ nhà… nên hỏi anh Sơn: - “Nhịp cầu nhà nông” đã giúp được gì 8 năm qua! Như trúng khía, anh Sơn cười rất tươi, bộ ria mép rung rung: - Nhiều chớ! Nhờ xem “Nhịp cầu nhà nông” mà tôi biết cách trị bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng, biết cách chăm sóc heo nái khi mang thai. Tôi lại hỏi: - Với heo con thì anh học được gì? – Còn học được nhiều hơn, đặc biệt là trị bệnh tiêu chảy cho heo con. Cũng như các bác các anh có mặt tại đây, anh Sơn luôn nhắc tới người anh hâm mộ là Tiến sỹ Nguyễn Chí Sơn, người đã trả lời các câu hỏi của anh về chăn nuôi  trên “Nhịp cầu nhà nông”. Anh còn trỏ vào tôi nói: Thầy Nguyễn Chí Sơn cũng bằng tuổi chú đó! Các bác, các anh đã nói về các nhà khoa học đã giao lưu trực tuyến với nông dân trên “Nhịp cầu nhà nông” 8 năm qua bằng những lời đầy cảm phục, thân thiết và cả cho các vị những cái tên… nhớ đời: ông Thổ Địa (tức thầy Nguyễn Bảo Vệ, chuyên nói chuyện với bà con về đất đai), cô Ba Màng Phủ (tức cô Trần Thị Thu Ba, chuyên hướng dẫn nông dân trồng màu có sử dụng màng phủ che trên luống màu). Thầy Kim Bảo Vệ (tức Phó Giáo sư Tiến sỹ Phạm Văn Kim, nguyên Chủ nhiệm Khoa bảo vệ thực vật Đại học Cần Thơ)…
…Theo lời các bác nông dân ấp Phú Nghĩa, chúng tôi tìm đến nhà Tiến sĩ Phạm Văn Kim ở thành phố Cần Thơ. Tiến sĩ Kim đã 40 năm gắn bó với giảng đường và đồng ruộng. Ông là người theo “Nhịp cầu nhà nông” ngay từ ngày phát sóng đầu tiên cách đây 8 năm (24-9-2000). Vì chuyên ngành bảo vệ thực vật nên ở cái xứ lúa gạo này, người trồng lúa quan tâm đến ông nhất, cũng hỏi han ông nhiều nhất. Ông than: - Tôi đi chợ với bà xã, cứ lúc lúc lại gặp một nông dân đi bán sản phẩm, quen biết tôi… trên màn hình, giữ lại hỏi han vồ vập vui mừng… Bà xã cứ phải đợi hoài! Tiến sĩ Kim “than” vậy, nhưng vẻ mặt ông vui tươi, hạnh phúc về công việc đã làm và đang làm của mình. Câu chuyện của chúng tôi xoay qua một đề tài khác. Theo Tiến sĩ Kim thì ông thì ông tán thành tích tụ ruộng đất. Với kinh nghiệm 40 năm nghiên cứu khoa học, đã từng tham quan nền nông nghiệp của nhiều quốc gia từ Á Âu, theo ông thì chính sách hạn điền sẽ giới hạn sự phát triển của nông nghiệp. Vẫn theo ông, mỗi cá thể nông dân phải quản lý sâu bệnh, điều khiển nước, điều khiển môi trường mới an toàn có hiệu quả hơn mỗi người chỉ quản lý một vài hecta, thậm chí một vài công đất manh mún…
Câu chuyện của chúng tôi với Tiến sĩ Kim cuối cùng rồi cũng quay về đề tài “Nhịp cầu nhà nông”. Vẫn theo Tiến sĩ Kim thì đối thoại với nông dân có khác lên bục giảng bài cho sinh viên. Ngoài việc phải diễn giải sao cho sinh động, dễ hiểu, thiết thực với nông dân thì ngược lại các giáo sư các nhà Khoa học cũng học hỏi được nhiều những kinh nghiệm thực tế sáng tạo ở nông dân.
Trong lịch sử ngành truyền hình non trẻ của nước ta thì một tiết mục truyền hình được tổ chức phát trực tiếp có nhiều đối tượng tham gia với hai tuần một lần và thời lượng từ 80 - 90 phút mỗi kỳ là một thành công đáng khích lệ. Rõ ràng, sức sống của nó là được quảng đại bạn xem đài hưởng ứng, chủ yếu là nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Người nông dân thích thú, vì mỗi chương trình ngoài trả lời câu hỏi của nhà nông, còn có phóng sự kèm theo, tiểu phẩm kèm theo rất hấp dẫn. Người nông dân cảm động những câu hỏi quá nhiều các nhà khoa học không giải đáp kịp, thì sau đó Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ đã làm việc với các nhà khoa học rồi có thư phúc đáp lại bạn xem đài. Bác nông dân Huỳnh Thanh Lễ, 50 tuổi, người có 4 hecta vườn ở ấp 5A xã Ba Trinh huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng đã cho mọi người xem 89 bức thư phúc đáp của Trung tâm Truyền hình Cần Thơ gửi cho bác, được bác cất giữ cẩn thận, có bức còn nguyên cả phong bì dấu bưu điện mà thời gian đã làm giấy ngả màu. Bác nói với người viết sách này: “Tôi quý nó lắm, lâu lâu lại giở nó ra coi (!)”.
Có khán giả đã đề nghị nhà báo Dương Hồng Kỳ, Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ tăng thời lượng phát sóng hơn nữa… Nhà báo Hồng Kỳ đành phải… khất. Vì đây là chương trình thuộc diện dài nhất của Trung tâm rồi! Cũng dịp này, có bác nông dân lại hỏi Kỹ sư Huỳnh Văn Thòn, Giám đốc Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thực vật An Giang, đơn vị tài trợ cho Trung tâm Truyền hình phát sóng chương trình “Nhịp cầu nhà nông” rằng, nghe nói công ty sắp có cổ phần hóa thì liệu có tài trợ để giữ “Nhịp cầu nhà nông” nữa không? Giám đốc Thòn đã trả lời rằng, chẳng những không ngưng mà còn tiếp tục phát sóng dài dài. Nhưng chương trình sẽ được cải tiến, đi sâu vào từng vấn đề, từng đề tài, tập trung hơn để truyền bá những kiến thức đủ để nông dân nắm bắt kỹ thuật, đủ sức làm ra những nông sản có sức cạnh tranh nay mai khi Việt Nam gia nhập WTO!.
Đó là tham vọng lớn của công ty cổ phần Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang sau này. Nhưng đó là một hướng đi đúng. Một số công ty đã làm theo An Giang. Hiện nay các nước có nền nông nghiệp tiên tiến ở Á, Âu và Mỹ La tinh, công tác khuyến nông chủ yếu do các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân làm. Các công ty này có đối tượng kinh doanh là người sản xuất nông nghiệp sẽ đứng ra quảng bá sản phẩm phục vụ nông nghiệp, hướng dẫn và khuyến cáo các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Họ cạnh tranh với nhau trước sự lựa chọn của nông dân.
Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 đã nhấn mạnh: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải hỗ trợ mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, NÔNG DÂN LÀ CHỦ THỂ của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản, hiện đại hóa nông nghiệp là khâu then chốt”. (SGGP 10-7-2008). Khi người nông dân được xem là “chủ thể của quá trình phát triển” đất nước thì việc sớm bắc và tiếp tục bắc những “Nhịp cầu nhà nông” là cần thiết đúng hướng.
Nói đến những hoạt động khuyến nông của AGPPS còn phải nói đến hoạt động của đội FF. FF là tên viết tắt của tiếng Anh, có nghĩa là: Lực lượng trên đồng.
Vào vụ hè thu năm 2006, cả Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) do rầy nâu nhiễm bệnh lan truyền cho lúa, thiệt hại đến gần 1 triệu tấn lúa, tính ra cả ngàn tỷ đồng. Nhà nước phải đình chỉ xuất khẩu gạo. Hệ thống bảo vệ thực vật của Nhà nước thông qua ngành nông nghiệp quá mỏng và không đủ tiềm năng về tài chính để hỗ trợ nông dân.
Tại ấp 4 xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nơi 2 vụ lúa trước (đông xuân và hè thu 2006) bị dịch VL–LXL phá hoại nặng, đông xuân 2006 – 2007 đang đứng trước nguy cơ phá sản. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, được sự tài trợ của AGPPS, một mô hình 45 hecta phòng chống bệnh VL-LXL cho lúa đông xuân được hình thành. Một tổ cán bộ gồm 3 người do tiến sĩ Nguyễn Như Cường từ Viện Bảo vệ Thực vật Hà Nội vào “cắm trại” ngay bên mô hình 45 hecta này. Nơi đây trở thành tiền đồn của cả Đồng bằng sông Cửu Long chống giặc rầy nâu.
Thành công của mô hình ấp 4 đã đẩy lùi bệnh VL-LXL đem lại năng suất bình quân 8,64 tấn/hecta lúa nếp đã làm nức lòng nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang đứng đầu là Tổng giám đốc Huỳnh Văn Thòn với tiềm lực tài chính của mình đã tổ chức cho nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến tham quan mô hình ấp 4 đồng thời tổ chức Hội thảo khoa học có mời giáo sư của các trường, các vụ viện từ Nam chí Bắc cùng với nông dân tiên tiến tham dự tại các tỉnh, và truyền hình giao lưu trực tiếp với nông dân tại các địa phương đó. Mô hình ấp 4 mau chóng được nhân rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Trà Vinh đã đề nghị AGPPS xây dựng mô hình phòng chống bệnh VL-LXL tại ấp Cầu Tre (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần), một ấp có 99% đồng bào là người Khmer trình độ canh tác thấp, mất mùa liên tiếp vì sâu bệnh. Kết quả ấp Cầu Tre được mùa lớn vụ hè thu, tiếp đó là vụ thu đông 2007. Năng suất lúa hè thu trung bình trên 5 tấn/hecta, nông dân có lời lớn từ cây lúa. Tiếng vang từ ấp Cầu Tre khiến Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh bạn là Tà Keo (Campuchia) – ông Sa Run sang dự ngày hội mừng được mùa ở ấp Cầu Tre tha thiết mời các chuyên gia Việt Nam sang giúp Tà Keo xây dựng mô hình trồng lúa như ở Cầu Tre. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một phiên họp đã chỉ thị cho Chủ tịch tỉnh Trà Vinh là Trần Hoàng Kim phải tìm cách nhân rộng mô hình ấp Cầu Tre.
Chương trình nông dân ra đồng của tỉnh An Giang mà nòng cốt là AGPPS đã ra đời đầu vụ đông xuân 2007-2008 sau những gặt hái được từ các mô hình ở Long An, Bến Tre, Trà Vinh. Với tiềm lực kinh tế của mình AGPPS đã tuyển dụng và đào tạo thêm 41 kỹ sư nông nghiệp, nâng tổng số cán bộ kỹ thuật lên 91 người trực tiếp cùng bà con sản xuất trên đồng ruộng. Nhân viên kỹ thuật của AGPPS gọi tắt là lực lượng FF được trang bị đầy đủ các phương tiện đã triển khai tại 13 tỉnh đồng bằng và miền Đông với 1.000 điểm trình diễn và 11 mô hình trên diện tích 1.800 hecta, có 15.000 nông dân trực tiếp tham gia. Nhân viên của lực lượng FF thực hiện 3 cùng với nông dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm).
…Cuối vụ đồng xuân 2007-2008, người viết sách này tìm đến những nơi có đội quân FF “đồn trú” đang lập mô hình trình diễn cho 40 hecta lúa, tại ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Các lão nông tri điền vây lấy chúng tôi. Lão nông Chín Đức kể: “Vụ đông xuân năm nay đạt kỷ lục bình quân 8,3 tấn/hecta là nhờ đội FF đó. Tôi làm ruộng từ hồi nào có nghe đài thấy các giáo sư khuyên phải “né rầy”, phải “che chắn” cho lúa. Nhưng nghe rồi quên ngay, né thế nào, che chắn thế nào thì không biết cách làm. Nay FF cầm tay chỉ việc nên biết cách rồi! Đề nghị FF ở lại Ấp Bắc vài vụ nữa để bà con xã biết cách làm”. Huỳnh Văn Thòn đùa: “Phải gả con gái cho các chàng trai FF chưa vợ của chúng tôi, khen thôi chưa đủ”, mọi người lại cười rần.
Ở đâu Thòn cũng có cách “tiếp thị” có duyên như thế. Còn đội FF của anh cũng có duyên lắm. Ra đồng thì luôn mặc đồng phục áo ký giả nhiều túi có in logo AGPPS, đội nón “cao bồi” rộng vành trông rất bắt mắt và ấn tượng. Ngày ra quân xuống đồng thì cả trăm xe Honda sơn xanh đồng phục, nón bảo hiểm đồng phục, mặc đồng phục, cắm cờ AGPPS chạy rầm rầm từ thị xã xuống thôn, xã… Dân túa ra coi. Ở Nam bộ, người nông dân thích vừa làm vừa vui nên khoái đội FF.
Trong tương lai sẽ tăng đội ngũ nhân viên FF lên đến một ngàn người. đó là một phương hướng đúng. Đó chính là xã hội công dân đang được hình thành trong cơ chế thị trường lành mạnh. Việc bảo vệ thực vật là của dân. Để dân làm, dân ở đây bao gồm cả nông dân và thương nhân, tức là doanh nghiệp. Chính những nhân viên FF này, chứ không phải ai khác, sẽ là người nắm bắt nhu cầu của nông dân một cách chính xác nhất, là người marketing giỏi nhất. Họ “không cần phải quảng bá thuốc của AGPPS” mà chỉ cần khuyến cáo những thuốc tốt. Nông dân dùng rồi sẽ tin.
Trước những yêu cầu mới, sau khi xác định mục tiêu trở thành “nhà phân phối hàng đầu ở Đông Dương”, AGPPS quyết định phải cấu trúc lại công ty, không chỉ làm theo quán tính cũ. Chiến lược con người được quan tâm hàng đầu trên bước đường hội nhập của AGPPS. Những quy trình, tiêu chuẩn mới được đặt ra. Vẫn theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thòn, tự thân mỗi người lao động phải phấn đấu vì nếu không đạt được sẽ phải nhường chỗ cho người khác. Với các tiêu chuẩn mới, AGPPS đã thay đổi nhân sự gần 80 chức danh. Có người khi điều chỉnh đã tăng 5-6 bậc lương, có người bị hạ xuống. Nhưng ở AGPPS hiện nay, ai cũng tâm phục khẩu phục những thay đổi có tính cách mạng này để AGPPS tiếp tục phục vụ có hiệu quả cho bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Gần đây, AGPPS còn tham gia tiêu thụ lúa gạo – một công việc có ý nghĩa sống còn với người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long – AGPPS đã xây dựng được vùng nguyên liệu 50.000 hecta ổn định, làm được 50.000 tấn gạo xuất khẩu đạt 593 tiêu chuẩn của thị trường khó tính nhất là Nhật Bản. Vì thế đương kim Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long là tiến sĩ Lê Văn Bảnh đã nói một câu đầy ấn tượng: “Tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cần ít nhất 10 ông Thòn trở lên!”...
(còn tiếp)
--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét