Trang BVB1

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

‘Người thua cuộc’ là dân?

Mới đây, nhà báo Huy Đức đã có một bài viết về ‘luân chuyển cán bộ và nhân sự cho Đại hội’ lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2016.
Bài viết được BBC Tiếng Việt đăng với tựa đề ‘Luân chuyển cán bộ, ai thắng cuộc?’ vì trong bài viết của mình tác giả của cuốn ‘Bên thắng cuộc’ đã đề cập đến chuyện ai sẽ là ‘người thắng cuộc’ trong việc luân chuyển cán bộ và chuẩn bị nhân sự trước Đại hội XII.
Đến giờ khó có thể đoán hay biết trước được ai trong 44 cán bộ vừa được luân chuyển hay trong giới lãnh đạo cao cấp hiện hoặc phe nhóm của họ sẽ là ‘người thắng cuộc’ và ai là ‘người thua cuộc’ tại Đại hội XII.
Nhưng có thể nói ‘người thua cuộc’ trong chuyện luân chuyển cán bộ và bầu chọn lãnh đạo trong Đại hội XII hay trong các hội nghị, đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung vẫn là dân.
Dân bị bỏ ‘ngoài cuộc’?
Người dân được coi là ‘người thua cuộc’ vì trong chuyện ‘luân chuyển cán bộ’ này họ chẳng đóng một vai trò quan trọng gì hay thậm chí không có tiếng nói nào. Họ chỉ là những ‘người ngoài cuộc’.
Được biết, quyết định luân chuyển và điều động 44 cán bộ vừa rồi là một quyết định của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản.
Mục đích của quyết định ấy là nhằm đào tạo, thử thách cán bộ được chỉ định để họ có thể nắm giữ các vị trí cao hơn tại Đại hội XII.
Hơn nữa, trong danh sách những người được luân chuyển, điều động có một số người thuộc diện ‘con ông cháu cha’.
Lướt qua như vậy để thấy rằng quyết định luân chuyển, điều động cán bộ ấy chủ yếu vẫn là một quyết định ‘của Đảng’, ‘do Đảng’ và ‘vì Đảng’ – hay một nhóm người trong Đảng Cộng sản – hơn là ‘của Nhân dân’, ‘do Nhân dân’ và ‘vì Nhân dân’.
Người dân tại các tỉnh thành liên hệ không có tiếng nói gì liên quan đến quyết định đó dù cán bộ được điều động tới là người trực tiếp lãnh đạo họ.
Một việc làm như vậy chắc chắn chẳng bao giờ diễn ra tại các nước dân chủ, đa đảng trên thế giới.
Không chỉ thế, nếu dựa vào nhận xét, bình luận của một số người – như của ông Nguyễn Đắc Xuân, một người nghiên cứu về Văn hóa Việt Nam, trong một lần trả lời phỏng vấn của BBC gần đây – các triều đại phong kiến ngày trước có những quy định, cách làm còn tiến bộ hơn chế độ hiện tại trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm quan chức.
Chắc giới lãnh đạo, quan chức Việt Nam và những người ủng hộ họ khó chấp nhận điều này vì họ coi các chế độ phong kiến trước đây là ‘xấu xa, thối nát’.
Họ cũng không thể chấp nhận chuyện chế độ của họ lại thua kém các thể chế tại các nước dân chủ trên thế giới vì như bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Đoan từng quả quyết ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ ở Việt Nam ‘cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản’.
Nhưng dù có chấp nhận hay không, có thể nói không chỉ trong chuyện bổ nhiệm cán bộ, bầu chọn lãnh đạo mà trong toàn bộ hệ thống chính trị ở Việt Nam, người dân thường bị ‘bỏ ngoài cuộc’, bị coi là ‘kẻ bên lề’.
Chẳng hạn, đến giờ, ngoài việc ‘đi bầu’ quốc hội và hội đồng nhân các các cấp, người dân Việt Nam – ở Miền Bắc từ khi Việt Nam giành độc lập năm 1945 và ở Miền Nam sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975 – vẫn chưa một lần được tự do, công khai và trực tiếp bầu người lãnh đạo của mình hay quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước mình.
Việc bổ nhiệm cán bộ hay bầu chọn các vị trí lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam luôn do một mình Đảng Cộng sản quyết định.
Người dân chỉ biết đứng bên ngoài đoán mò, suy đoán khi Đảng họp và buộc phải chấp nhận bất cứ một quyết định nào được ra đưa ra từ những thỏa thuận sau hậu trường hay những cuộc bỏ phiếu kín của họ.
Với một số người, việc ‘sắp xếp, bầu chọn nhân sự’ ấy là chỉ là một cuộc dàn xếp, mặc cả giữa các cá nhân, phe nhóm trong Đảng Cộng sản.
Tệ hơn, trong bài viết của mình, nhà báo Huy Đức còn nhận xét rằng, ‘người thắng cuộc’ trong những cuộc bỏ phiếu như thế ‘không hẳn vì uy tín lớn hơn mà còn có thể là người có nhiều ‘gót chân A-Sin’ để sau khi bầu lên “đàn em” dễ dàng trục lợi’.
Dân là người thua thiệt?
Trong một đất nước mà gần như tất cả mọi chuyện, hầu hết trong tất cả mọi lĩnh vực – từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội – và trong tất cả mọi cơ cấu, tổ chức nhà nước – từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp – đều do Đảng Cộng sản nắm giữ, quyết định chuyện người dân hầu như bị bỏ ‘ngoài cuộc’, buộc phải ‘đứng bên lề’ cũng không có gì là khó hiểu.
Không phải ngẫu nhiên, Economist Intelligence Unit (EIU), bộ phận thông tin kinh doanh, của tạp chí The Economist tại Anh xếp Việt Nam rất thấp trong chỉ số dân chủ.
Chỉ được điểm 2,98 trên 10, Việt Nam bị xếp ở thứ 144 (trên số 167 quốc gia và lãnh thổ) năm 2013.
Trong khi đó một số nước Đông Nam Á khác như Indonesia có số điểm là 6,76 (xếp thứ 53), Thái Lan 6,55 (58), Malaysia 6,41 (64), Philippines 6,30 (69) và Singapore 5,88 (81).
Thậm chí, Việt Nam cũng thua Cambodia – quốc gia gần được ‘điểm trung bình’ (4,96) và được xếp thứ 100.
Cũng nên nhắc rằng Việt Nam ‘bị điểm 0’ trong hạng mục bầu cử và đa nguyên – một trong năm phân loại được EIU dùng để xếp hạng – và nhận điểm 2,78 về mục tham gia chính trị.
Sống dưới một chế độ như thế – đặc biệt khi chế độ đó có ‘cách bầu cử’ không giống ai như nhà báo Huy Đức bình luận trên – người dân chắc chắn phải chịu nhiều thua thiệt.
Vì ‘đứng ngoài cuộc’, tiếng nói của họ không có trọng lượng, nguyện vọng của họ không được lắng nghe và – vì vậy – quyền lợi của họ cũng không được coi trọng và có thể bị đặt dưới hay sau lợi ích của đảng, của các phe nhóm trong đảng.
Chỉ cần đọc các bài viết, thông tin trên báo chí hay các trang mạng, diễn đàn xã hội, ít hay nhiều cũng có thể thấy được người dân vẫn là người thua thiệt, yếu thế trong xã hội Việt Nam.
Chẳng hạn, trong thời gian qua dư luận, báo chí – trong đó các báo chính thống ở Việt Nam – bày tỏ bức xúc về chuyện cô giáo, học sinh ở Điện Biên phải dùng túi nilon qua sông để tới trường hay chuyện công an đánh chết dân chỉ bị án nhẹ.
Một ví dụ khác phần nào phản ánh việc người dân – đặc biệt những ai có tiếng nói, việc làm trái ‘ý đảng’ – bị gạt ‘bên lề’, bị hạn chế và phải chịu nhiều thua thiệt – là trường hợp của Nhã Thuyên hay Đỗ Thị Thoan.
Luận văn văn chương của cô bị chấm lại dù được bảo vệ xuất sắc hơn ba năm trước, sau đó cô bị tước bằng thạc sỹ, bị cắt hợp đồng dạy học – và ngay cả giáo sư hướng dẫn luận văn của cô cũng bị cho về hưu non – chỉ vì cô chọn ‘Mở miệng’ – một nhóm thi ca văn chương không được chính quyền Việt Nam thừa nhận mà cô gọi là ‘kẻ bên lề’ – làm đề tài cho luận văn của mình.
Vì chính quyền chi phối, kiểm soát tất cả – trong đó sáng tác, ngôn luận, báo chí – không có gì ngạc nhiên khi thấy Việt Nam bị tổ chức Phóng viên không biên giới xếp vào gần cuối bảng (172 trên 179) – sau tất cả chín nước ASEAN khác, trong đó có cả Lào, Campuchia và Miến Điện – về tự do báo chí, ngôn luận.
Mãi để dân ‘thua cuộc’?
Không phải chỉ có người dân hay giới quan sát bên ngoài mà có thể các lãnh đạo cấp cao và quan chức Việt Nam đều biết thể chế chính trị ở Việt Nam nói chung và cách thức bầu chọn lãnh đạo, cán bộ của Việt Nam nói riêng có nhiều bất cập, phi lý, phi dân chủ.
Hơn nữa, nếu thực sự thẳng thắn, công tâm chắc họ cũng ít nhiều nhận ra rằng vì những bất cấp, phi lý ấy – hay vì cách làm thiếu minh bạch, không dân chủ đó của họ – người dân vẫn chủ yếu là ‘người ngoài cuộc’ và ‘kẻ thua cuộc’ trong đời sống kinh tế, xã hội và đặc biệt sinh hoạt chính trị.
Nhưng một câu hỏi được đưa ra là liệu có ai trong số họ thực sự muốn, biết và dám đặt quyền lợi của Nhân dân lên trên lợi ích của Đảng – và các phe nhóm trong Đảng, gần Đảng – để có thể tiến hành ‘đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân’ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong trong Thông điệp đầu năm (2014) của ông?
Nếu muốn và dám làm vậy – thay vì chú tâm vào chuyện ‘chuẩn bị nhân sự’ cho Đại hội XII hay chỉ chú trọng vào các cuộc dàn xếp, mặc cả để mình hay người của mình trở thành ‘người thắng cuộc’ trong Đại hội này như một số người phân tích, bình luận gần đây – trong hai năm tới chắc giới lãnh đạo Việt Nam sẽ ưu tiên vạch ra một đường hướng đổi mới hay chuẩn bị một lộ trình cải cách cho Việt Nam – giống như giới tướng lãnh Miến Điện đã từng làm.
Nếu họ làm được điều đó, người dân Việt Nam dần dần sẽ có cơ hội ‘vào cuộc’ và chắc chắn sẽ trở thành ‘người thắng cuộc’.
Không chỉ thế – như chính chương trình đổi mới kinh tế mà họ đã tiến hành cách đây gần 30 năm minh chứng – giới lãnh đạo Việt Nam cũng sẽ trở thành ‘người thắng cuộc’ trong tiến trình cải cách đó.
Trái lại, nếu mọi chuyện vẫn như cũ hay giới lãnh đạo Việt Nam chỉ nói mà không làm, người dân Việt Nam sẽ tiếp tục là ‘kẻ bên lề’, ‘người ngoài cuộc’ và ‘người thua cuộc’.
Hơn nữa, nếu không muốn và dám có những thay đổi căn bản, toàn diện đáp ứng được nguyện vọng của người dân và nhu cầu thời đại có thể cuối cùng ‘kẻ thua cuộc’ cũng là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vì, như trường hợp Liên Xô và các nước cộng sản ở Đông Âu trước đây hay những gì diễn ra tại một số quốc gia Bắc Phi, Ảrập gần đây cho thấy, độc đảng, độc đoán, độc tài không phải là cách tốt nhất để duy trì quyền lực.
TS. Đoàn Xuân Lộc/(lamhong.org)
--------------

17 nhận xét:

  1. Dân muốn được vào cuộc, thắng cuộc thì trước hết phải lên tiếng đấu tranh, muốn lên tiếng đấu tranh thì phải hiểu biết, muốn hiểu biết thì phải đọc nhiều báo tự do, muốn đọc báo thì phải có thời gian, muốn có thời gian thì cuộc sống phải đầy đủ, muốn có cuộc sống đầy đủ thì phải lao động quần quật, mà đã lao động quần quật rồi thì lấy đâu sức khoẻ và thời gian nữa để mà đọc báo, mà không đọc báo thì làm sao mà hiểu biết, không hiểu biết thì làm sao mà lên tiếng đấu tranh mà không đấu tranh thì chỉ có về nhì về ba chứ bao giờ cho thắng cuộc?
    Đó là thực trạng của nhân dân Việt nam nói chung.
    Nước ta chiếm khoảng gần 70% là nông thôn, quanh năm vất vả chỉ đủ ăn nếu đừng bị thiên tai, ngoài giờ lao động chỉ biết có mấy chương trình VTV “một chiều” thì bao giờ mới có hiểu biết?
    Vậy nên các trí thức có lòng thương dân hãy cố gắng nghiên cứu tìm tòi xem giải bài toán hóc búa bằng phương pháp nào;
    Đề bài:
    Muốn dân trí cao mà gia cảnh khốn khó có khó bằng dạy đàn cừu biết nói hay không?
    Mong được chia sẻ từ các bạn.

    Bống Moscow

    Trả lờiXóa
  2. con giun xéo mãi cũng kông chịu nổi chứ đừng nói đế con người .tổ của đảng cộng sản, ,nhân dân toàn thế giới coi là tội ác loài người đã vứt vào sọt giác từ lâu . chỉ còn lại 2-3 nước gữi lại công sản trong đó có Việt Nam . âm mưu của bọn chúng đưa con cái về mọi nơi trên đất nước để thống trị dân , muốn có Độc Lập Tự Do toàn dân đoàn kết vùng lên phá tan âm mưu cài đặt ....luân chuyển của một số tên trong bọn đảng cộng sản hiện nay ./.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cuba năm 2018 cũng từ bỏ CNCS, khi Fidel Castro nói anh em ông ta sẽ rời bỏ chính trường vào năm đó.

      Xóa
    2. Ngài Castro này đúng là con khủng long
      khôn ngoan thượng thừa !
      Khi còn trẻ thì điên cuồng với danh vọng
      và quyền lực nhưng khi về già thấy mình
      không còn hơi sức hưởng thụ nữa thì mới
      nghĩ đến nhân dân và nước Cuba.

      Xóa


  3. Hàng triệu Dân lành chẳng còn gì mất cả ngoài cái xiềng xích đỏ !




    Tuyệt đỉnh sợ hãi chẳng còn hãi sợ !
    Dân sợ công an viện kiểm sát cờ bờ
    Chân không tay không chẳng còn gì mất cả
    Liều lĩnh khó lường bước đường cùng sa cơ
    Bên Tàu dân sợ vì chính quyền Chệt rất tàn bạo
    Bên Việt Dân sẵn sàng liều mạng sống mái chớ vu vơ !
    Dân Tuy Phong, Long An nối bước Tiên Lãng
    Không chịu hít thở bụi than ô nhiễm bọn Tàu ô
    Công nghệ tuyệt chủng luyện thép lò đứng Khựa
    Vũng Áng Cam Ranh Vân Phong đầy gián điệp Mao-Hồ
    Tuyệt đỉnh trên cao sợ hãi chẳng còn hãi sợ !
    Dân chẳng còn gì mất cả ngoài cái xích đỏ cơ !

    TRIỆU LƯƠNG DÂN

    Trả lờiXóa
  4. Cái gì đến sẽ đến, vì dân là gốc.

    Trả lờiXóa
  5. Sức mạnh của nhân dân là kinh khủng! (Chỉ thua vũ khí hạt nhân)

    Trả lờiXóa
  6. "độc đảng, độc đoán, độc tài không phải là cách tốt nhất để duy trì quyền lực"?!
    Mong có "quyền lực" cơ bản chỉ là loài dã thú!
    Các lãnh đạo những nước dân chủ trong đầu luôn tâm niệm "Tôi ngồi đây để ngăn cản bọn muốn có quyền lực!". Nhiều người của Vương Triều Anh không ngại ngần nói chuyện với những người vô gia cư. Ở VN hiện nay, bọn cấp xã là đã quan liêu rồi, còn bọn cấp cao thì núp trong biệt thự, xe hơi máy lạnh, đưa ánh mắt nham hiểm nhìn ra...

    Trả lờiXóa
  7. "Nếu họ làm được điều đó, người dân Việt Nam dần dần sẽ có cơ hội ‘vào cuộc’ và chắc chắn sẽ trở thành ‘người thắng cuộc’."
    Không ! sẽ không bao giờ có điều đó, người dân chúng tôi không còn ảo tưởng và ngây thơ để hy vọng vào điều đó

    Trả lờiXóa
  8. "Nếu họ làm được điều đó, người dân Việt Nam dần dần sẽ có cơ hội ‘vào cuộc’ và chắc chắn sẽ trở thành ‘người thắng cuộc’."
    Không ! sẽ không bao giờ có điều đó, người dân chúng tôi không còn ảo tưởng và ngây thơ để hy vọng vào điều đó

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CNXH là thiên đường của những thằng cầm quyền trong đảng csVn, nhưng nó đang là địa ngục của người dân VN.
      Cách đây hơn 200 năm, sau khi Công xã Paris sụp đổ, Đại văn hào Pháp Victor Huygo đã kết luận: " CS là thiên đường của một vài người, nhưng nó là địa ngục của tất cả những người còn lại" Câu này đâu có sai với tình hình xã hội ở VN hiện nay?
      Khi chưa cướp được quyền cai trị dân tộc,khi chưa nắm được toàn quyền cai trị dân tộc, thì đảng csVN còn che giấu bản chất lưu manh phản động bằng việc mê hoặc, lừa dân (bằng những khẩu hiệu "chống Pháp Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xóa bỏ bất công người bóc lột người, xây dựng xã hội dân chủ-công bằng-văn minh....") rất hấp dẫn, để người dân theo đảng mà bắn giết đối phương, cướp trọn quyền cai trị cho đảng đối với dân tộc này.
      Nhưng khi đã cướp trọn toàn bộ quyền lực cai trị dân tộc rồi, thì chúng ngông nghênh ngang tàng chễm trệ ngồi lên đầu dân tộc này bằng điều 4 hiến pháp, chúng lấy việc tôn thờ ý thức hệ vong bản cs, tôn thờ ngoại bang tàu cộng và làm tay sai cho tàu bằng việc xiềng xích bóc lột và đàn áp dã man và tàn độc với người dân, vơ vét tài nguyên và nhượng bán lãnh thổ lãnh hải... cho tàu cộng, lấy việc chống lưng của tàu cộng với chúng để tồn tại và cai trị người dân, Những đường lối và chính sách cai trị đó là những tội ác cực kỳ nghiêm trọng mà dân tộc này đời đời ghi xương khắc cốt và nguyền rủa

      Xóa
  9. Dung qua dung chi co ke mat tri dan don moi tin bon CS.chu nguoi binh thuong ko ai tin ca . ngat vi chua co dieu kien thu Tieu thoi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ có kẻ mất trí mơi tin cs. Hay và tuyêt đối đúng

      Xóa
  10. VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Dũng ở bộ tư pháp, soay quanh vấn đề ( tội phạm tham nhũng ) trong bộ luật TTHS sửa đổi , tội phạm tham được nộp tiền thay cho án tử , vì theo ông Dũng có hai lý do :
    1- Học tập cách làm chống tham nhũng của Trung Quốc .
    2- Nhà nước thu hồi được kinh tế.
    Nếu như vậy thì chỉ có nhân dân là thiệt , tham nhũng , lợi ích nhóm được nhà nước ( thông qua công cụ pháp luật sửa đổi ) hợp pháp cho các hành vi tham nhũng , cứu mạng sống cho bọn giặc nội xâm . Đúng người thua cuộc lại thuộc về nhân dân.

    Trả lờiXóa
  11. các bác không muốn thua như dân thì các bác làm đơn vào đảng tha hồ mà đè đầu cưỡi cổ

    Trả lờiXóa
  12. Toàn những luận điệu thù hằn cũ ríc.

    Trả lờiXóa