Trang BVB1

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Vì sao Mỹ công khai lo ngại về Cam Ranh?


* LÊ QUỲNH
Lo ngại của Hoa Kỳ về việc Việt Nam đồng ý để Nga tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ từ cảng Cam Ranh được công khai từ bài “độc quyền” của Reuters hôm 11/3.
Một ngày sau, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận Washington không muốn Nga ra vào Vịnh Cam Ranh để có hoạt động “có thể làm tăng căng thẳng trong vùng”. Kể từ đó, truyền thông và chính phủ Nga đã có phản ứng bày tỏ “khó hiểu” và “kỳ lạ”.
Vì sao chính phủ Hoa Kỳ quyết định lên tiếng công khai dù biết Việt Nam sẽ không hài lòng? Câu trả lời có lẽ là Hoa Kỳ ngày càng lo ngại về khả năng khôi phục hiện diện quân sự của Nga ở những vùng ảnh hưởng của Mỹ.
Từ khi Nga chính thức rút khỏi Cam Ranh đầu thập niên 2000, lợi ích an ninh và quốc phòng của Nga chủ yếu xoay quanh châu Âu và những nước từng thuộc Liên Xô cũ.
Nhưng mới đây, điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Tướng John Kelly, Tư lệnh Bộ chỉ huy khu vực Nam Mỹ, nói từ 2008, Nga bắt đầu tìm kiếm ảnh hưởng trở lại ở châu Mỹ Latin.
Nga đang vận động Cuba, Venezuela và Nicaragua “để tiếp cận căn cứ không quân và cảng”, theo lời ông Kelly.
Ngay tại châu Âu, kể từ khủng hoảng Ukraine, Mỹ và Nato cũng cáo buộc Nga tăng cường các hoạt động biểu dương sức mạnh ở châu Âu.
Tháng 11, năm ngoái, Bồ Đào Nha đuổi một tàu Nga ra khỏi vùng biển của họ. Còn đầu năm nay, Anh nói máy bay của Nga đến gần không phận Anh trước khi không quân Anh đưa máy bay ra “hộ tống”.

Trở lại câu chuyện Cam Ranh, Đại tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói Nga “khiêu khích” khi bay quanh cả khu vực lãnh thổ Guam thuộc Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, và được tiếp liệu nhờ máy bay xuất phát từ Cam Ranh.
Ông Collin Koh Swee Lean, từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận định có thể Mỹ buộc phải công khai câu chuyện Cam Ranh để tăng sức ép với Việt Nam.
Chắc chắn giới hoạch định chính sách ở Washington đã lường trước rủi ro khi nói ra, nhưng vẫn làm thế vì tình hình ở Tây Thái Bình Dương gây lo ngại.Collin Koh Swee Lean
“Chắc chắn giới hoạch định chính sách ở Washington đã lường trước rủi ro khi nói ra, nhưng vẫn làm thế vì tình hình ở Tây Thái Bình Dương gây lo ngại.”
Đã phải đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ càng không muốn đối diện khả năng Nga gia tăng đe dọa.
“Nếu hiện diện quân sự của Nga được tăng cường, một phần nhờ được tiếp cận căn cứ của Việt Nam, nó có thể làm phức tạp thêm hoạt động của Washington trong vùng,” ông Collin Koh Swee Lean nói với BBC.
‘Vấn đề của Mỹ và Nga’
Đến giờ Việt Nam chưa có tuyên bố chính thức. Tuy vậy, báo chí Việt Nam đưa tin về buổi gặp với Đại sứ Nga tại Hà Nội hôm 13/3.
Được hỏi về vụ Cam Ranh, Đại sứ Konstantin V. Vnukov tuyên bố quan hệ quân sự giữa Nga và Việt Nam “mang tính chất tự chủ” và không nhằm chống lại nước thứ ba.
Giáo sư người Úc Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, nhận xét có vẻ như Việt Nam “đang ngầm ra chỉ dấu rằng các chuyến bay của chiến đấu cơ Nga là vấn đề giữa Nga và Mỹ”.
Ông cũng nói với BBC rằng trước tranh cãi này, không rõ Việt Nam có được thông báo đầy đủ về tính chất hoạt động của các tàu Nga tại Cam Ranh hỗ trợ chiến đấu cơ của Nga hay không.
Việt Nam luôn khẳng định chủ trương không hợp tác với nước ngoài để sử dụng Cam Ranh vào “mục đích quân sự”. Chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam cũng khẳng định không tham gia liên minh quân sự hay liên kết với nước khác để chống lại nước thứ ba, không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài.
Với chủ trương này, Việt Nam sẽ nói chuyện thế nào với Mỹ và Nga là câu hỏi thú vị. Tuy vậy, một chuyên gia như ông Collin Koh Swee Lean không nghĩ rằng tranh cãi đủ để Việt Nam nói ‘không’ với Nga.
Quan hệ Nga – Việt “sâu sắc và rộng lớn hơn” so với quan hệ với Mỹ, ông chỉ ra.
“Nếu Việt Nam rút lại quyền tiếp cận, nó có thể gửi đi tín hiệu sai lạc cho quốc tế và có thể ảnh hưởng xấu vị trí của Việt Nam trong ASEAN.”
“Về lâu dài, nhượng bộ Washington sẽ tạo ra tiền lệ xấu,” ông nói.
L.Q/BBC
----------------

8 nhận xét:

  1. Khó cho "em" quá hai "anh" ơi! Lịch sử đã cho thấy cái "tấm lụa đào" nhà em chưa "dám" trao cả cho anh nào được! Em đành phải "cò cưa kéo xẻ" với "anh hàng xóm" xấu xí cho tạm ...yên thân thôi, chứ em thì không ưa hắn mà hắn thì cũng chẳng ưa em!
    Mà thân phận của em, gần thì có khác chi mấy nàng Phi, Mã, Thái, Sinh; xa thì như mấy nàng Nam Hàn, Ba Lan, Đông Đức ... mà sao họ sướng từ vừa vừa đến cực sướng thế vậy!

    Trả lờiXóa
  2. Chính phủ Hoa Kỳ lấy cảng Cam Ranh làm liều thuốc thử các nhà lãnh đạo cầm quyền VN . Trọn một trong hai con đường
    1 - Đa nguyên chính trị , dân chủ , tự do đất nước phát triển .
    2- Chế độ đảng trị ( một đảng CS lãnh đạo xã hội ) , CNXH không tưởng, mọi người dan không có tự do , dân chủ . Đất nước nghèo nàn và kém phát triển .

    Trả lờiXóa
  3. Các nước Asean thực chất do Mỹ khuyến khích và một phần chịu sự chi phối của Mỹ .

    Không phủ nhận một điều như Ông Collin Koh Swee Lean nói : “Quan hệ Nga – Việt “sâu sắc và rộng lớn hơn” so với quan hệ với Mỹ .

    Nhưng có thể ông này đang đùa dai khi nói : “Nếu Việt Nam rút lại quyền tiếp cận, nó có thể gửi đi tín hiệu sai lạc cho quốc tế và có thể ảnh hưởng xấu vị trí của Việt Nam trong ASEAN.”

    Và Hình như ông này đang muốn làm rối trí Việt Nam khi phát biểu : “Về lâu dài, nhượng bộ Washington sẽ tạo ra tiền lệ xấu ” . Nếu ở Việt Nam , ông sẽ bị chính quyền quy vào tội “ Phản động “ , vì ông đừng quên rằng Singapore đang là thành viên Asean , và đang có quan hệ mật thiết với Mỹ . Ông nên chứng minh khả năng của mình bằng việc khuyên chính phủ Singapore chấm dứt quan hệ với Mỹ , trước khi khuyên VN phải làm gì . Quan điểm của ông gần giống với Nga và Trung Quốc .

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  4. Ông này muốn năng suất lao động Sing hơn VN 15 lần mãi mãi đấy Gió ới

    Trả lờiXóa
  5. Tàu =>anh tú bà ( chủ nhà chứa ),Nga =>thằng ma cô <=>Chơi sao được,nếu cố gắng mà chơi - thì, trước sau gì cũng chết !,hai đối tượng này vừa gian manh xảo trá,vừa độc ác tàn bạo,và nghèo rớt mồng tơi,chỉ chực hờ ăn cướp mà thôi !

    Trả lờiXóa
  6. Ở phía bắc Côn Đảo có một cái Vịnh tương đối lớn, nên cho Mỹ thuê. Sau 50 năm, Mỹ trả lại, tự nhiên ta có thêm một quân cảng hoành tráng. Trong thời gian đó, thằng Tàu quậy phá ta, có ộng Mỹ đục cho nó một trận. Đúng là "nhất cử lưỡng tiện".

    Trả lờiXóa
  7. Người của TC đầy rẫy ở VN. Người của Mỹ cũng không phải không có... Ai thắng ai?
    (Sáu Lê)

    Trả lờiXóa
  8. Trời đất thiên địa ơi ! Ông Đại sứ của một cường quốc như nước Nga mà lại có câu phát biểu nhão nhoét và rẻ tiền đến thế , nếu quan hệ quân sự mà không dùng để chống nước thứ 3 thì quan hệ làm quái gì cho hao dầu tốn của mất thời gian . Khi Cam Ranh là căn cứ quân sự của các ông , nhưng bọn Tàu nó làm loạn ngoài Biển Đông hồi 88 các ông giúp được gì cho VN khi đó ? như vậy Cam Ranh chỉ là quán nước bên đường , dừng lại nghỉ chân uống nước và phủi đít ra đi . Lần này các ông lại định biến Cam Ranh thành sân khấu để biểu diễn hình thể , khoe mẽ với thiên hạ , nhưng đúng hơn là các ông muốn vớt vát một chút chính trị trong tình cảnh đơn thương độc mã hiện nay . Quan hệ quân sự , mua súng mua đạn là để tăng cường sức mạnh chống lại nguy cơ xâm lược của nước thứ 3 chứ không phải để kéo lê trên quảng trường ngày lễ . Lời phát biểu của ông đã khẳng định quan điểm của nước Nga , vậy VN hy vọng gì khi bị nước khác xâm lược thưa ngài Đại sứ ???

    Trả lờiXóa