Trang BVB1

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

TẢN MẠN CHUYỆN TỪ NƯỚC THÁI

* NGUYỄN THÁI NGUYÊN
Năm 1997, tôi có hai lần đi nghiên cứu khảo sát tình hình kinh tế Thái Lan với hai chuyên đề khác nhau trong một thời gian khá dài.
Tại thời điểm đó, vì đã qua hơn 10 năm đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 9%/năm nên họ tuyên bố “Thái Lan đã trở thành nước công nghiệp mới”. Tuy là thế, nhưng chúng tôi đều thống nhất nhận định rằng nhìn chung Thái Lan chưa hơn Việt nam bao nhiêu, thậm chí các tỉnh vùng Đông Bắc và Nam Thái còn thấp thua so với chúng ta cả về cơ sở hạ tầng cũng như đời sống của cư dân vùng nông thôn.
Vào ngày đầu năm 2015 tôi lại có cơ hội sang Thái, lần này chỉ là đi du lịch. Một phần là do “bệnh nghề nghiệp”, phần may mắn hơn là tôi gặp được một hướng dẫn viên tốt, anh Nguyễn Thanh Phong, tên Thái là Som Pong. Anh ta là người Vĩnh Long (VN), từng du học ở nước ngoài, rồi sang Thái làm cho Công ty Sure Travel Thái và vì thế, khi Công ty du lịch của ANZ bank Việt Nam nối tour với Sure Travel Thái thì Phong trở thành hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi tại Thái. Chính nhờ quá trình học tập và làm việc như thế mà Phong không chỉ có hiểu biết khá rộng về Văn hóa và Lịch sử của Thái mà còn có những kiến thức khá sâu về tình hình Kinh tế - Xã hội của Thái cũng như các chính sách liên quan. Nhờ vậy, tuy chuyến đi ngắn nhưng bản thân tôi lại có được những thu hoạch khá bổ ích. Nhân dịp đầu năm mới, xin góp đôi lời chia xẻ cùng quý anh chị và bạn hữu
Một là, dù đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị trong quá khứ và đến nay, cuộc khủng hoảng chính trị cũng mới chỉ tạm lắng, chưa thể kết thúc thể chế “quân quản” để chuyển sang một giai đoạn mới. Có vẻ như phái quân sự muốn nắm giữ quyền lực lâu dài nên cả phái chống Chính phủ do Suthep Thangsuban (cựu Phó Thủ tướng) đứng đầu, thường gọi nôm na là phái “áo vàng” và phái ủng hộ bà Shinawatra gọi nôm na là “phái áo đỏ” đều đang bị Chính phủ mới quyết tâm loại bỏ. Ông Suthep vốn đã bị tù dưới thời Shinawatra nay có thể tiếp tục bị khởi tố và giam giữ trong khi hầu như toàn bộ tài sản vốn liếng của nhà tỷ phú này đã bay theo cuộc biểu tình kéo quá dài của phe áo vàng do ông chủ xướng và bỏ tiền “trợ cấp” cho người biểu tình. Bà Shinawatra có thể cũng sẽ bị khởi tố về tội tham nhũng mà cái cớ có liên quan đâu từ thời ông Thaksin cùng đợt mua lúa tạm trữ cho dân năm 2012, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Thật ra thì tài sản của nhà tỷ phú Thaksin bị niêm phong tại Thái còn rất lớn chẳng cần tham nhũng làm gì, ngược lại, có những chương trình ông ta còn bỏ tiền của mình ra đầu tư vào những chương trình công ích. Còn mua lúa tạm trữ mà không thất thoát mới lạ, nhưng chính trị là thế.
Dù có nhiều biến động như thế nhưng đến nay, Thái Lan đã phát triển cao hơn chúng ta. Theo tôi, Thái Lan không chỉ hơn ta về quy mô phát triển mà thật sự đã đạt tới một đẳng cấp phát triển cao, xích lại gần hơn một bước với các nước phát triển, kể cả các mô hình phát triển của châu Âu. Sở dĩ tôi nói về “đẳng cấp” mà không nói về quy mô bởi hàng loạt các chỉ số về chất lượng kinh tế-xã hội họ đã đi rất xa, trong khi chúng ta còn loay hoay gỡ rối, nói “chưa biết đi đâu về đâu” cũng không sai. Ngoài sự vượt trội về năng suất lao động, về các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ so với Việt Nam mà báo chí đã nói nhiều, tôi rất ngạc nhiên khi họ nói đa số người dân Thái đều đã thực hiện các giao dịch qua Ngân hàng kể cả mua bán từ những khoản lớn như mua nhà, mua ô tô, bán nông sản, hàng công nghiệp, dịch vụ cho đến những khoản nhỏ như mua xe máy, TV, tử lạnh v.v.. Đây là hoạt động của những nền kinh tế đã ở trình độ phát triển, còn như Thái Lan thì có cơ sở nào để tạo được “định hướng” cho người dân như thế? Dù là một tiến sĩ kinh tế, nhưng vì tôi cũng như tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đã quen sống nhiều chục năm trong môi trường kinh tế chỉ mua bán mọi thứ bằng tiền mặt nên nghe chuyện này đối với Âu Mỹ thì bình thường nhưng đối với Thái thật khó tin. Đối với những người dân bình thường của nước ta hay các quan chức, công chức còn tin vào Ngân hàng thì nhiều lắm cũng chỉ gửi tiền tiết kiệm, ngoài ra không ai quan tâm đến Ngân hàng làm gì (ngoài chuyện nhờ “làm chứng” tiền thật tiền giả và đếm hộ tiền khi mua bán nhà đất lên đến hàng chục tỷ đồng. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến vấn đề này, anh hướng dẫn viên du lịch giải thích: Chú cứ hình dung hầu hết các hộ dân của Thái đã có ít nhất một chiếc ô tô, riêng Bangkok, bình quân 2 người dân có một ô tô. Không phải dân Thái Lan đã giàu đến mức mua ô tô bát ngát như thế được mà tất cả đều trả góp trong 10 năm. Để có thể mua xe trả góp, Ngân hàng phải thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu không giao dịch qua Ngân hàng thì không ai có quyền bán trả góp và cũng không ai dám bán trả góp cả. Thì Việt Nam cũng có cơ chế trả góp khi mua nhà, mua xe đấy thôi. Nhưng ai đã từng dính vô chuyện vay tiền mua hàng tả góp của ngân hàng (như tôi chẳng hạn) thì chỉ một thời gian ngắn là đã muốn tìm cách thoát nợ bằng cách “trả một cục” cho xong bởi đủ thứ phiền phức và thua thiệt. Nhưng có cái hay là đã ký hợp đồng vay có thời hạn rồi, nếu khách hàng trả trước là bị phạt khá nặng dù các cán bộ ngân hàng đó có thiện chí với mình cũng thế thôi. Ngân hàng là lĩnh vực được khen nhiều, kể cả đa số đại biểu Quốc hội, nhưng họ đều là những người không đi vay tiền Ngân hàng bao giờ! “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Nếu nói về khách hàng thì dân ta cũng như dân Thái thôi, nhưng dân ta nghe nói đến vay tiền ngân hàng là ngại lắm, vì thế tín dụng đen mới phát triển, còn người dân Thái lại vui vẻ vay trả góp thì chắc họ đã được nâng đỡ bởi một hệ thống chính sách tiền tệ liên quan đến dân sinh khác với chúng ta.
Khác với Việt Nam, tất cả các thủ tục liên quan đến việc sở hữu chiếc xe ô tô kể cả giấy đăng ký xe, biển số, thuế (với thuế suất rất thấp) chỉ duy nhất được hoàn thành tại một địa chỉ là hãng bán xe mà khách hàng chọn mua. Nếu đủ điều kiện theo thẩm định của ngân hàng thì hầu như khách hàng cứ đến hãng ấy lấy xe đi với một khoản đầu tư ban đầu không lớn vì giá xe ở Thái chỉ bằng phân nửa Việt Nam mà lại trả dần trong 10 năm. Nhà ở cũng theo cách trả góp như thế và điều rất quan trọng là ai bán hàng thì người đó chịu trách nhiệm bảo hành, bảo hiểm đối với tài sản mình bán ra. Mọi hỏng hóc chỉ việc đưa đến xưởng sửa chữa của hãng xe mà mình mua, không liên quan gì đến đám nhân viên các công ty bảo hiểm dễ gây phiền hà như ở VN.
Hai là, tuy Thái Lan nhiều xe như thế nhưng tôi thấy tất cả biển số xe chỉ có 4 con số mà thôi. Việt Nam đã trải qua “tầm nhìn” từ xe đạp, lên xe máy rồi nay tiến lên ô tô nên hầu như nhiều vấn đề trong chính sách quản lý của nhà nước cũng giới hạn trong tầm nhìn như thế, từ đường giao thông cho đến phương thức quản lý của nhà nước đối với các phương tiện giao thông. Không chỉ có biển kiểm soát xe máy, ô tô phải “đi dần” từ 3 con số lên 4 con số rồi nay lại đổi lên 5 con số mà số điện thoại cũng thế, số Chúng minh nhân dân cũng thế. Nếu không phải là do tầm nhìn qúa chật hẹp, kém cỏi thì chỉ còn một cách giải thích là phải làm thế để tạo ra nhiều việc làm cho bộ máy công quyền đã phình ra quá sức nuôi của dân. Với tầm nhìn và cách nhìn như thế mà chúng ta vẽ ra tầm nhìn đến năm 2030 hay 2050 thì liệu có đáng tin, đành rằng đề ra và thực hiện các nhiệm vụ trước mắt mới khó còn vẽ ra những chuyện của 50 năm sau thường “dễ” hơn.
Có bốn chuyện liên quan đến giao thông, đến ô tô xe máy ở Thái rất đáng suy nghĩ. Thứ nhất, cơ quan quản lý ô tô xe máy của Thái hầu như chỉ quan tâm quản lý biển số xe, dù biển số đó do chủ phương tiện tự chọn trên mạng chứ không qua cơ quan cảnh sát nào cả. Khi bán xe cho người khác, không được bán biển số xe ấy mà biển số ấy sẽ gắn liền với chủ phương tiện suốt đời dù người ấy thay đổi bao nhiều lần xe vẫn biển số ấy. Nước ta lại đang có tình trạng nhiều người ở các tỉnh về Hà Nội mua xe ô tô đã đăng ký biển 30 để khi chạy về các tỉnh đỡ bị cảnh sát giao thông sách nhiễu vì đó thường là biển số của các cơ quan Trung ương. Với cách quản lý như ở ta thì tôi không hiểu chủ trương “phạt nguội” của ngành công an sẽ thực hiện ra sao, dù đó là một chế tài tiến bộ. Nếu phạt nguội, tôi e rằng sẽ phạt vào những người đã bán xe từ lâu rồi và như thế cũng có nghĩa là không phạt được ai cả. Thứ hai, đã gần hai chục năm nay Thái Lan vẫn chưa gỡ được chuyện tắc đường. Hễ ra đường là phải chờ đợi một vài tiếng ở đâu đó không phải là chuyện lạ. Từ khách sạn của chúng tôi ở ra sân bay nếu thông đường chỉ mất khoảng 40 phút ô tô, vậy mà chúng tôi phải đi trước 3 tiếng đồng hồ theo nguyên tắc “thà chờ lâu còn hơn lỡ chuyến”. Nhưng chuyện tắc đường ở Thái khác hẳn ở ta. Ở Việt nam tắc đường chủ yếu là do tranh giành, chen lấn, vượt ẩu, không ai nhường ai cả. Có không ít người, nhất là những người điều khiển xe máy ngay tại Thủ đô Hà Nội, dù đã có tín hiệu đèn đỏ vẫn đi “vô tư”, có những bạn trẻ còn vừa vượt đèn đỏ vừa đọc thơ: “Đường ta ta cứ đi”! Với ý thức hay nói chính xác hơn là văn hóa, là đạo đức của những người tham gia giao thông thấp kém như thế thì không biết cần bao nhiêu cảnh sát giao thông cắm chốt mới gọi là đủ? Chúng ta thường nói quá nhiều đến khẩu hiệu “giữ gìn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” một cách mông lung vô định mà không biết bao giờ và bằng cách nào chúng ta có được văn hóa đi đường, văn hóa du lịch, văn hóa khám chữa bệnh, văn hóa giao tiếp, ứng xử cả trong gia đình, nhà nường và nơi công cộng... một cách văn minh tiến bộ. Vì là đi du lịch nên chúng tôi đã được đi rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng từ Bangkok đến Pattaya. Ở các điểm du lịch ấy cũng có bán các hàng lưu niệm nhưng tuyệt nhiên không có lực lượng bán hàng rong đông đảo như Việt Nam. Đã vậy, ở các điểm du lịch nước ta chính lực lượng này không để cho du khách được yên thân mà đeo bám, chèo kéo quyết liệt bằng mọi cách không thể nhếch nhác hơn. Mình là người Việt Nam, đi du lịch ở Việt Nam mà không chịu nổi thì không biết khách du lịch nước ngoài sẽ khó chịu đến nhường nào. Ở Thái, nhìn chung các điểm du lịch rất trật tự, ngoài các quầy hàng lưu niệm, có một số “nhiếp ảnh gia” tự chụp ảnh của khách rồi gắn ảnh ấy vào các khung có di tích lịch sử văn hóa tại điểm du lịch đó, có thể là ảnh ép Plastic, cũng có thể là đĩa nhựa hay cốc sứ... nhưng họ chỉ bày sẵn trên đường ra, ai thích thì bỏ ra 100 baht (70 ngàn đồng VN) để lấy làm kỷ niệm mà ai không thích cũng chẳng bị nài ép gì cả...
Bên Thái, tắc đường là do quá nhiều ô tô, dù đã làm rất nhiều đường. Ở Bangkok đã làm đường đến tầng 3, đã có cả đường ngầm dưới đất và đường sắt trên cao mà vẫn không đáp ứng được. Cứ đèn đỏ là xe phải xếp hàng dài hoặc một xe trong đường nhánh xin vào đường chính thì thường xe chạy trên đường chính dừng lại nhường đường và thế cũng tắc, tuyệt nhiên không thấy tình trạng giành đường, tranh làn vượt ẩu dù có nhiều đường lớn trong nội đô chạy 2 chiều mà không thấy có giải phân cách cứng như Hà Nội. Ý thức tôn trọng pháp luật của người dân Thái đã cao hơn chúng ta nhiều lắm. Thứ ba, dĩ nhiên cũng có những trường hợp va chạm xảy ra, nhưng không tranh cãi hung hăng, không có hành vi bạo lực. Nếu nặng thì đã có cảnh sát giải quyết còn va chạm nhẹ thì xin lỗi nhau rồi đi, nếu xe hỏng hóc thì tự gọi cho xe cứu hộ đến đưa về xưởng của hãng là đường được giải tỏa nhanh, đa phần không cần đến sự can dự của cảnh sát do đó không cần “giữ nguyên hiện trường” để làm gì. Đối với những trường hợp vi phạm luật giao thông thì luật của Thái lại phạt rất nặng. Anh hướng dẫn viên kể rằng ông chủ, giám đốc công ty anh vì vui mà uống rượu với bạn bè rồi lái xe về nhà, cứ nghĩ buổi tối không ai biết. Cảnh sát thấy có chiếc xe chạy “không bình thường” liền yêu cầu dừng xe để kiểm tra và nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Không có chuyện mặc cả nào hết. Xe được để lại có người đưa về nơi quy định còn người thì đành phải chấp nhận bị tạm giữ tại đồn cảnh sát. Điều đầu tiên mà ông ta làm không phải là gọi điện nhờ người quen này, người có quyền thế kia “giúp đỡ” như kiểu ở Việt Nam mà duy nhất, gọi điện về cho vợ, mang 30.000 Baht, tương đương 20 triệu đồng Việt nam đến làm thủ tục nộp tiền bảo lãnh cho chồng được về nhà để chờ tòa án ra phán quyết. Một thời gian sau đó, ông này bị tuyên 3 năm tù treo cọng với 7 ngày lao động công ích trong thời gian đó. Dĩ nhiên trong 3 năm ấy không được phép lái xe, nếu cứ lái xe hay trốn lao động công ích khi có lệnh gọi thì lập tức án treo chuyển thành tù giam nên không ai dại gì không chấp hành nghiêm hình phạt. Nhìn bề ngoài thì rất tự do thoải mái vì không thấy cảnh sát ở đâu cả, nhưng khi cần phải nghiêm minh thì họ nghiêm đến như thế. Về các quy định của luật thì chúng ta không thiếu, nhưng biết bao giờ chúng ta mới thực hiện được như thế? Thứ tư, vì thường xuyên tắc đường hay nói đúng hơn là không thể chạy nhanh được nên thời gian lưu lại trên đường rất lâu, có khi phải 4, 5 tiếng đồng hồ chỉ một quãng đường trên dưới 50 km và có lẽ chưa có cách gì để khắc phục sớm được nên có một chuyện, chắc không có ở đâu trên thế giới: Tất cả cảnh sát giao thông ở các thành phố lớn và tuyến đường chính bắt buộc phải qua một khóa huấn luyện đỡ đẻ chuyên nghiệp và dĩ nhiên họ không chỉ được trang bị súng ngắn, dùi cui mà còn được trang bị cả thuốc men và dụng cụ y tế cần thiết. Một con số không nhỏ các trẻ em Thái đã ra đời ngay trên xe ô tô ở trên các cung đường tắc nghẽn! Một cách nghĩ và việc làm rất nhân văn của các quan chức ngành Giao thông Thái. Họ không có khẩu hiệu “vì nhân dân phục vụ”... mà chỉ đơn giản nói đó là trách nhiệm công vụ và việc phúc đức nên làm.
Ba là, như trên đã nói, mọi chuyện liên quan đến ô tô xe máy đều tập trung vào duy nhất một đầu mối là hãng bán xe, kể cả việc bảo dưỡng và bảo hiểm sau khi họ bán xe. Chính vì thế mà ở Thái lan, nhất là các thành phố lớn, rất hiếm, thậm chí không thấy các “quán” sửa chữa ô tô xe máy mọc lên dày đặc dọc hai bên đường giao thông và hè phố như ở Việt Nam. Bất cứ hỏng hóc gì cũng đưa vào các gara của hãng vì đã mua bảo hiểm thì hãng phải có trách nhiệm sửa chữa miễn phí. Với lý do này, khi trả lời câu hỏi vì sao xe ô tô đỗ cả đêm ngoài đường đã đành mà xe máy cũng đỗ ở đường, ở ngõ mà không đưa vào nhà, không có người bảo vệ trông coi mà không sợ bị mất trộm? Câu trả lời cũng đơn giản đến bất ngờ: Không phải dân Thái Lan không có người tham, nhưng vấn đề ở chỗ ăn cắp rồi đem bán cho ai? Các gara ô tô xe máy không có nhu cầu mua phụ tùng cũ để làm gì, nghĩa là không có thị trường tiêu thụ hay nói cho văn hoa, không còn loại “cầu” như thế! Kinh tế và xã hội gắn bó chặt chẽ với nhau thì ai cũng nói như thế cả, nhưng thể chế kinh tế như thế nào để đóng vai trò loại bỏ từng bước những thói hư tật xấu của con người thì không phải nước nào cũng làm được. Tôi đã nghe câu trả lời đúng như thế này một lần ở nước Đức vào năm 2012 khi tôi sang chơi bên đó. Vấn đề không chỉ giới hạn ở ô tô xe máy mà tại những siêu thị lớn như BigC hay Centre World cũng không thấy có bảo vệ. Mua hàng thanh toán xong là cứ thế ra về chứ không thấy có nhân viên bảo vệ chặn lối ra sau khi đã qua cửa thanh toán để kiểm soát đối chiếu hàng hóa với hóa đơn một lần nữa như ở các siêu thị của Việt Nam. Ít nhiều lòng tự trọng của khách hàng bị xúc phạm, cứ như tất cả mọi người đều có thể là kẻ ăn cắp phải đề phòng! Một xã hội mà bất cứ đâu, bất cứ cái gì cũng có thể bị ăn cắp ăn trộm thì bất cứ thần dân nào trong xã hội ấy có thể bị vạ lây nỗi hỗ thẹn cũng không có gì là lạ cả.
Bốn là về chính trị, chúng ta đều biết Thái Lan vẫn chưa qua khỏi cơn khủng hoảng lần này vốn đã kéo dài từ 11/2013. Những phản ứng thái quá của phe đối lập đối với Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã gây ra cuộc đảo chính  quân sự với nhiều hệ lụy mà báo chí nước ta đã nói nhiều, xin không nhắc lại.
Phải nói rằng trong gần 20 năm cầm quyền của Thaksin, đất nước Thái đã đổi mới và phát triển hết sức nhanh chóng không chỉ về kinh tế mà cả trên nhiều lĩnh vực xã hội, pháp luật cũng như sự hoạt động của hệ thống công quyền. Ngoài sự phát triển kinh tế như đã nói thì Thaksin đã giải quyết được nhiều tệ nạn xã hội ở Pattaya gắn với khu “tam giác vàng”; đã có nhiều chương trình có hiệu quả để hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà ở, có cơ hội khám chữa bệnh và học tập... Nhà nước Thái đã có chính sách miễn phí 15 năm cho học sinh, bao gồm 12 năm phổ thông và 3 năm học nghề. Hệ thống y tế phát triển rộng khắp. Thậm chí ở Thái có cả những tuyến xe bus miễn phí hoàn toàn dành cho người nghèo, người thu nhập thấp (sơn màu đỏ, màu tượng trưng của phe ủng hộ Thaksin). Tôi ngạc nhiên hỏi anh hướng dẫn viên người Thái (được “tăng cường” để hỗ trợ đoàn) rằng nếu miễn phí như thế thì những người khác nhảy đại lên để đi, sức mấy mà chở? Anh ta trả lời bằng một thứ tiếng Việt chưa thật thành thạo: Không được đâu, nếu người quen nhìn thấy mình ngồi trên xe ấy thì xấu hổ lắm! Ra thế. Các giá trị nhân bản đang được đề cao và phát huy khắp các lĩnh vực ở đất nước này. Một ông bạn cùng đi trong đoàn nói với tôi: Họ có được những thứ hiền hòa, vị tha như thế là nhờ đạo Phật đấy. Đành rằng Thái Lan có 95% dân số theo đạo Phật (Hệ phái Nam tông, gần gũi với văn hóa Ấn Độ hơn là Trung Quốc), nhưng Việt Nam cũng có đạo Phật, vậy thì vì sao đạo đức xã hội nước ta lại bị suy đồi, băng hoại ghê gớm như hiện nay? Theo tôi, ngay đạo Phật của nước ta cũng đã khác xa với họ. Không thể có con số chính xác ở Việt Nam có bao nhiêu người theo đạo Phật, nhưng tính số người lên chùa cúng bái, cầu xin đủ thứ cho mình, từ phúc lộc thọ cho đến quyền cao chức trọng thì chắc con số này không nhỏ. Thí chủ muốn cái gì là các sư thầy đều làm lễ để cầu xin cho cái đó, liệu còn có bao nhiêu người đến chùa để cầu xin Đức Phật giải thoát mình khỏi Vô minh, khỏi Tham, Sân, Si? Nhiều nhà chùa không còn là nơi dành riêng cho người tu hành và khách vãn cảnh chùa tìm sự thanh sạch chốn cửa Thiền mà đã trở thành nơi “hối lộ Đức Phật” và các thánh thần theo một niềm tin hoang đường “trần sao thì âm vậy” của những người có chức quyền, có tiền của đang muốn có thêm nhiều nữa. Khuynh hướng xây chùa, tu tạo chùa để kinh doanh là khuynh hướng lớn mà đáng tiếc, số đông các nhà lãnh đạo từ TƯ đến tỉnh huyện đang ủng hộ khuynh hướng mà một số người có trách nhiệm đưa ra khẩu hiệu rất mơ hồ là “Du lịch tâm linh”. Nếu chúng ta để ý sẽ thấy ở các Thiền viện Trúc Lâm theo tông phái của Phật hoàng Trần Nhân Tông không đông phật tử như các chùa khác. Bởi vậy, nói đạo Phật ở Việt nam đã và đang như thế nào là cả một vấn đề hết sức tế nhị và phức tạp, không thể bàn định trong khuôn khổ bài viết này. Dù đạo Phật có ảnh hưởng đến đâu thì chắc rằng họ còn có một hệ thống thể chế kinh tế-chính trị đúng đắn, hiệu quả mà chúng ta, với tư cách là một thành viên trong cộng đồng ASEAN rất cần nghiên cứu và học hỏi.
Ngoài uy tín của nhà Vua thì cho đến bây giờ, người dân Thái vẫn kể nhiều về công lao của Thaksin bởi vì những gì mà Thaksin mang lại cho đất nước Thái và nhân dân Thái, đặc biệt là tầng lớp người nghèo, vùng nghèo là hết sức lớn. Vậy thì vì sao nhà Vua không những không bảo vệ Thaksin mà còn đồng ý để cho phe quân sự tiến hành đảo chính và lật đổ Chính phủ của Yingluk Shinawatra?
Thái là một quốc gia theo thể chế Quân chủ lập hiến. Quyền lực của nhà vua còn rất lớn, tài sản của Hoàng gia cũng rất lớn. Nếu theo “con đường Thaksin” (người Thái cũng gọi là Thaksinomic) thì đương nhiên xu hướng dân chủ và bình đẳng trước pháp luật ngày càng được đề cao. Con đường này không chỉ gây tổn hại cho tầng lớp trung lưu và giàu có ở Thái mà còn chạm vào quyền và lợi ích của nhà vua và Hoàng gia. Thaksin phải ra đi và gia tộc của Thaksin phải gặp nhiều khó khăn là bởi vậy thôi, dù rất đông người dân Thái đến nay vẫn giữ tấm lòng ngưỡng mộ ông. Con đường đi đến tự do dân chủ không bằng phẳng như nhiều người nhầm tưởng. Người xưa đã tổng kết rằng: “Dân trí dụ cao, tắc thần quyền dụ lạc. Tự do dụ phát đạt, tắc mê tín dụ tiêu vong”.
Dân trí mà cao lên thì thần quyền càng mất dần uy thế. Tự do mà phát triển thì tất yếu niềm tin vào những điều nhảm nhí sẽ tiêu vong. Cái mất và cái được đối với cả một dân tộc thật khó bàn định đến như vậy và bởi thế, nước Thái cũng không thể thẳng tiến lên phía trước mà chắc chắn còn phải trải qua nhiều khúc quanh khó lường. Chả lẽ lịch sử cứ phải lặp lại điều trớ trêu: Để có một xã hội thịnh vượng, văn minh, tự do dân chủ thực sự đối với các nước đang phát triển, thì dân tộc đó lại phải nhờ đến bàn tay “dọn dẹp” của một nhà độc tài có bàn tay sắt nhưng có tâm vì nước vì dân, tất nhiên không cần đến sự tàn bạo như  như Hitler nhưng cũng cần một kỷ luật sắt của Lý Quang Diệu hay Park Chung Hee chăng?
N.T.Ng (Tác giả gửi BVB)
-------------

8 nhận xét:

  1. Tiếc thay !!!!!! Những bài viết hay như thế này thường chỉ được đăng trên báo mạng lề trái.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Miễn sao nhiều người đọc được thôi bạn ơi

      Xóa
    2. Đăng trên lề fải có khi số người đọc lại... ít.
      Giờ người ta coi đọc lề fải là việc phải... cân nhắc.

      Xóa
  2. Một bài báo thú vị, được gửi bởi bác Bồng cũng rất thú vị, được viết từ người quan sát, như là 1 sứ giả hòa bình ghi lại những gì mắt thấy tai nghe bên nước Thái láng giềng.
    Không ngạc nhiên trước bước phát triển KTXH của Thái Lan ngày nay, nước Thái, dân tộc Thái có những hàng trăm năm được hưởng hòa bình, không bị ảnh hưởng chiến tranh, ngay như các nước trong khối ASEAN bây giờ từ nửa cuối thế kỷ 19 lần lượt bị các thực dân Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha đô hộ, riêng Thái thì không, một mặt Thái là ranh giới thuộc địa của thực dân Anh với các nước thuộc địa Ấn Độ, Mianma, của thực dân Pháp là 3 nước đông dương, mà Anh và Pháp là 2 nước không ưa gì nhau, mặt khác quan trọng hơn nhiều: người Thái vốn 3 phải, không muốn làm mất lòng bất kỳ 1 sứ giả ngoại quốc nào, lại được các đời quốc vương hết sức chau chuốt bản chất vốn có 3 phải của người Thái, luôn gió chiều nào che chiều ấy có lợi nhất cho dân tộc mình, các chỉ số còn lại người Thái có hơn nhiều người Việt mình đâu?. Không phải lạc quan tếu, từ những năm 60-70 (thế kỷ 20) trở về trước hầu hết nông thôn đồng bằng hay miền núi ở các tỉnh phía bắc, dù đói nghèo cũng không xảy ra nạn trộm cắp vặt tràn lan như hiện nay, mọi nhà đều không phải cửa đóng then cài khi đi làm đồng, đi chợ, hay khám chữa bệnh ở bệnh xá xã, vì đâu lại có tập tính tốt như vậy? là vì mỗi làng xã đều có hương ước riêng trong đó quy định tệ ăn cắp vặt là cái chung mà mỗi làng đều có sử phạt nghiêm có tính giáo dục mọi người trong làng rất cao, cái đó là thành quả chế độ PK đấy, cùng với đình, chùa, đền hợp thành những di sản vật thể và phi vật thể của dân tộc.
    Ông cha ta ngày trước quản lý XH, đất nước có cần thứ ánh sáng nghị quyết đại hội đảng nào đâu?, ngày nay ra đường là gặp nghị định này quyết định khác, ngày xưa chỉ có lệ làng, phép nước thôi !
    Trở lại câu chuyện chuyến đi Thái của bạn Nguyễn Thái Nguyên, bạn có chia sẻ: VN mình cần có những người như Lý Quang Diệu, Park chung Hee để dọn dẹp rác rưởi các nghị định nghị quyết, các cơ chế, quy trình, sợi dây kinh nghiệm, quyết định tập thể nhưng chẳng cá nhân nào chịu trách nhiệm cả, Nguyễn Bá Thanh mới chớm nở ở Đà Nẵng ra Hà Nội hơn 1 năm bị ăn bả ARS, tròn 2 năm đã xanh cỏ rồi, thử hỏi lãnh đạo kiểu thế (Bá Thanh) được mấy người, vực 1 dân tộc đi lên đôi khi chỉ cần 1 lãnh đạo vì dân, dám làm dám chịu trách nhiệm.

    Trả lờiXóa
  3. Không nên so sánh hai thứ không đồng dạng.
    Làm sao đem tiên nữ so sánh với... phù thủy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bạn không thể so sánh khi không cùng hệ quy chiếu.

      Xóa
  4. Nếu đem VN so sánh vơi Thái lan thì không thể , vì VN được sự lãnh đạo của một lực lượng gần như " cuồng tín lãnh đạo " . Nếu không được lãnh đạo ắt đảng sẽ biến thành dạng Alqada hay ISIS .

    Mọi đớn đau cho dân tộc hơn nửa thế kỷ qua phát sinh từ tâm niệm lãnh đạo cuồng tín . Sông có thể cạn , núi có thể mòn , nhưng chân lý ĐẢNG phải lãnh đạo không bao giờ thay đổi .

    Dù cho xóm làng chợ búa tan tác , hoang phế vì chuyên chính vô sản dẫn đến bao cấp tụt hậu , nghèo đói . Hay dù cho hôm nay trên con đường kinh tế đổi thay theo tư bản gần ba mươi năm . Một VN như một xã hội sống bám vào kiều hối , cho thuê đất đai , bán dần sản nghiệp , dẫn đến băng hoại đạo đức xã hội , cận kề phá sản vì định hướng xã hội chủ nghĩa . Tất cả đều do ĐẢNG lãnh đạo trong tinh thần " cuồng tín độc cô bất bại " ...!!!

    Tóm lại . Với Chuyên chín vô sản hay Tư bản định hướng XHCN xảy ra thất bại , mang đến đại hoạ cho dân tộc , thì điều này không ảnh hưởng đến Quyền lãnh đạo của Đảng . Nếu một thành phần nào có hành động chạm đến uy tín , danh dự Lãnh đạo của Đảng , thành phần này sẽ bị kết tội bôi nhọ và chống đối nhà nước cần phải triệt tiêu bằng mọi hình thức .

    Một VN đang kẹt cứng vì " CUỒNG TÍN LÃNH ĐẠO " bởi 200 Uỷ viên trung ương Đảng và 3 triệu đảng viên . Đây chính là cái lực cản nguy hiểm có thể dẫn VN đến nô lệ cho ngoại bang , mất nước , tiêu vong một dân tộc bởi lòng tham vô đáy của những " Thành phần lợi ích nhóm " phát sinh từ ĐẢNG . Mà Chiêm quốc là một bằng chứng sờ sờ trước mắt dân Việt gọi là Hận Đồ Bàn . Một mai biết đâu người Phương Bắc sẽ hát bài Hận Việt Nam , tương tự như người Việt MN Hận Tháng Tư Đen .

    Không lẽ thế kỷ 21 , trong nhân quả luân hồi , người Việt phải trả nợ cho một Hận Đồ Bàn năm xưa ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải chăng đang bị Luật nhân quả? Quả báo?
      Tôi có 1 người bạn dân tộc Bana, hắn ta cứ nửa đùa nửa thật: "Tao sẽ giết mày!"?

      Xóa