Trang BVB1

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Tham nhũng tràn lan, tinh vi, trắng trợn


Nạn tham nhũng ở Việt Nam là nghiêm trọng, với những biểu hiện vừa tinh vi, phức tạp, vừa trắng trợn, lộ liễu, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, có những điểm giống và khác nhau so với tình hình tham nhũng ở các nước khác, nhưng đặc điểm nổi bật là tính phổ biến. Nhiều khi pháp luật bị 'vô hiệu hóa' khi đụng đến tham nhũng!
Trước đây, tham nhũng chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh…
Tham nhũng xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, là những cơ quan cầm cân, nảy mực, đại diện cho công lý và công bằng xã hội, như công an, VKS, Tòa án... Những trường hợp thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tòa án nhận hối lộ đã xuất hiện ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, công chức và người dân coi việc hối lộ cho công chức và việc công chức nhận hối lộ khi giải quyết công việc là chuyện bình thường. Tình trạng tham nhũng “vặt” và tham nhũng “nhỏ, lẻ”, mà nhiều người gọi là “nhũng nhiễu” hay “chi phí không chính thức” tuy thiệt hại không lớn, có khi chỉ vài chục nghìn đồng mỗi vụ, nhưng diễn ra một cách tràn lan ở nhiều nơi, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Số người tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ thấp hoặc không có chức vụ lãnh đạo, quản lý, như nhân viên cảnh sát, thuế vụ, bác sỹ, y tá chiếm tỷ lệ khá cao. Trong khi ở nhiều nước khác, người tham nhũng chủ yếu là các chính khách, các quan chức và doanh nhân. Mấy năm gần đây đã xuất hiện một số vụ tham nhũng liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển. Việc công khai, minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trong quản lý tài chính, tài sản của nhà nước, trong công tác cán bộ... còn nhiều hạn chế.
Tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai, minh bạch còn khá phổ biến. Quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo đảm. Nhiều quy định của Luật phòng chống tham nhũng về công khai, minh bạch chưa được thực hiện đầy đủ như: công khai quy hoạch sử dụng đất, công khai giá đất; công khai dự phòng ngân sách; công khai đầu tư, mua sắm công; công khai công tác cán bộ; công khai hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết luận thanh tra; công khai, minh bạch các quyết định trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ...
Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (lý do cơ bản là chưa công khai kết quả kê khai, Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, việc kiểm tra, xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít); việc trả lương qua tài khoản; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, một số biện pháp phòng chống tham nhũng được nhiều nước trên thế giới thực hiện và đánh giá tốt nhưng vẫn chưa được áp dụng ở Việt Nam (trách nhiệm giải trình, xử lý đơn tố cáo nặc danh, áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt, cách ly đối tượng có dấu hiệu tham nhũng để hạn chế khả năng đối phó, xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp, xử lý trách nhiệm của pháp nhân…).
Tham nhũng ở Việt Nam mang tính phổ biến; xảy ra ở hầu hết các ngành, các cấp, thậm chí xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, nên việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý rất khó khăn. Trong khi đó, người tham nhũng lại là người có chức vụ, quyền hạn, nên thường là những người có nhận thức sâu rộng, am hiểu pháp luật, được tiếp cận nhiều thông tin, có điều kiện kinh tế, có quan hệ rộng; một số người có công lao đóng góp lớn cho xã hội, có uy tín với quần chúng nên khó phát hiện và xử lý...
                   Lê Văn Lân/VnEx
 
----------------

9 nhận xét:

  1. không đa đảng, không có cạnh tranh lãnh đạo, không có tam quyền phân lập thì để làm gì? Nếu không thi đua tham nhũng thì giữ điều 4 hiếp pháp làm cái gì để người dân chửi đảng như chửi lũ cướp, lũ lưu manh ?

    Trả lờiXóa
  2. THAM NHŨNG LÀ MỤC ĐÍCH, LÀ BẢN CHẤT, LÀ THUỘC TÍNH BẤT BIẾN LÀ PHƯƠNG TIỆN TỒN TẠI CỦA MỌI CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ, NHẤT LÀ CHẾ ĐỘ ĐỘC ĐẢNG TOÀN TRỊ NHƯ CSVN.

    Trả lờiXóa
  3. Tham nhũng ở VN không phải là bệnh nan y không có thuốc chữa . Mà do chế độ đảng trị cộng sản ở VN sinh ra , và nuôi dưỡng cho tham nhũng, lợi ích nhóm tồn tại phát triển , trên mọi lĩnh vực đời sống của xã hội VN hiện nay. Vì đối tượng có điều kiện , và thời cơ để tham nhũng là ( cán bộ , đảng viên , công chức , viên chức được tổ chức đảng phân công , giao nhiệm vụ lãnh đạo quản lý điều hành các cơ quan đảng , bộ máy nhà nước) . Chính các đối tượng đó mới có điều kiện, và cơ hội tham nhũng .Cán bộ tay đã nhúng chàm thì chống tham nhũng sao nổi , mọi người dân VN phải chịu hậu họa của chế độ cộng sản đảng trị này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quan tham, tham nhũng ai cũng biết có từ thời thượng cổ, từ khi có nhà nước, con người nắm quyền lực trong tay. Còn bây giờ nạn tham nhũng tràn lan, nghành nào, cấp nào cũng có tham nhũng không phải do độc tài đảng trị mà ra, thời phong kiến, thuộc địa có tham nhũng không?: có; thời kháng chiến có tham nhũng không?: có, các thời ấy có độc tài đảng trị đâu sao vẫn có quan tham?. Tuy nhiên thời nào mà người đứng đầu đất nước mà vì nước vì dân, trừng trị bọn quan tham, đuổi cổ khỏi bộ máy chính quyền, bắt tù đày, xử tử, làm dân đen thì nạn tham nhũng giảm, ít đi. Bây giờ quan cách mạng nhiều vô kể (công chức nhà nước mà), quan đứng đầu ở trung ương vừa tham, vừa ngu thì quốc nạn tràn lan là phải. Ngày xưa dân đen có được bầu vua đâu?, sao vẫn có những năm dài quốc thái dân an, ngày nay dân không bầu các quan cách mạng mà là đảng bầu, đảng chọn!, vậy đảng là ai?, là mấy ông cố vấn, mấy ông lão thành sống lâu nhân danh đảng chọn, vì sao mấy ông ấy lại có quyền như vậy? là vì tập trung dân chủ, phải chuyên chính vô sản để duy trì bảo vệ ghế ngồi, đại hội đảng phải họp trù bị trước để tao vẫn làm. Các ông ấy vì đại cục, vì nhân dân sáng suốt tìm người kế nhiệm xứng đáng thì không có chuyện đó. Ông Bá Thanh làm thay đổi Đà Nẵng cũng 1 phần công của người tiến cử đấy.

      Xóa
  4. Noi ve van de nay thi chan qua roi, bay gio phai lam the nao ?. Bay gio tren mang co phong trao ' Toi khong thich dang CSVN ' ma toi khong dam tham gia. Toi ten la CON LUA xin ra khau hieu : ' TOI YEU DANG CSVN ' . Mong cac bac vao chui rua toi tham te, cang chui toi cang suong

    Trả lờiXóa
  5. Tham nhũng tràn lan, trắng trợn là có, chứ chúng đâu cần tinh vi? Cứ ăn cắp ngang nhiên, thô kệch, chẳng cần giấu giếm, vì cả lũ như nhau, làm gì có ai để trị? (Ngoài sự trừng trị chúng gián tiếp bằng... bệnh tật, tai nạn giao thông)

    Trả lờiXóa
  6. Tôi có một đề nghị nhỏ như thế này với các bạn ( trước tiên là xin phép anh Bồng ) , từ nay về sau chúng ta hãy thay từ THAM NHŨNG bằng cụm từ như thế này cho nó " Việt hóa " và dễ hiểu : quan chức - đảng viên - ăn cắp ! Cái từ tham nhũng có lẽ chỉ để sử dụng trong các văn bản nhà nước hoặc báo chí " lề phải " thôi , cho nó " cong mềm mại " phải không các bạn ? Chỉ có thể gọi lũ sâu mọt khoác áo " đảng viên " như thế mới " thấu tình đạt lý " !

    Trả lờiXóa
  7. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả trước hết phải chống từ trên cao. Yêu cầu ĐCSVN tiến hành điều tra tài sản của các ông: Nguyễn xuân Phúc, Phùng Quang Thanh và Nguyễn Hòa Bình mà Chân dung quyền lực đã cung cấp đầy đủ chứng cứ cụ thể và công khai cho người dân biết. Đừng để tình trạng vừa ăn cướp vừa la làng,

    Trả lờiXóa
  8. Ai cũng biết THAM NHŨNG ngày nay là ĐẠI HỌA của dân tộc VN. Ngay cả một số quan chức cấp cao trong đảng và "nhà nước" cũng thừa nhận! Tiến bộ hơn một tí là họ cũng nhận định bọn sâu mọt chính là GIẶC NỘI XÂM!
    Khi Cách mạng VN thành công, Tổ quốc thống nhất, tôi rất tâm đắc với câu khẩu hiệu: "Đảng Cộng sản VN, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của Cách mạng VN, muôn năm!" Vào thời kỳ đó, quả đúng như vậy.
    Bây giờ câu khẩu hiêu vẫn còn đó, nhưng đất nước đang đứng trước mối nguy thực sự, do bọn giặc nội xâm câu kết với bọn giặc ngoài gây ra. Nhân dân kêu rát cả cổ, nhưng lạ thay, không thấy đảng có động tĩnh gì (với tư cách là người "lãnh đạo"), ngoài mấy cái "nghị quyết" cũ rích, chung chung, vô bổ! Rồi khi vì quá lộ liễu, một số "con sâu" bị lòi mặt nạ, đảng đã vội vàng "phê bình, rút kinh nghiệm" cho mấy con sâu khác trốn tránh an toàn hơn!!! Điều lạ nhất là tại sao trước nguy cơ nghiêm trọng như vậy của cả nước mà đảng ngày nay lại không đứng ra "lãnh đạo" nhân dân làm cuộc kháng chiến chống giặc nội xâm, mà ngược lại, đảng lại dùng vai trò "lãnh đạo" để đàn áp, ngăn cấm nhân dân làm việc đó (Nguyễn Bá Thanh là một trong những bằng chứng hùng hồn nhất).
    Xin mọi người suy nghĩ và giải đáp giùm những thắc mắc của tôi!

    Trả lờiXóa