Trang BVB1

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Nguy cơ kinh tế 2015

* NAM NGUYÊN
Thời sự kinh tế tài chính tuần qua khá sôi nổi với hai sự kiện, thứ nhất Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng (VNCB) với giá 0đ và được cho là một hình thức quốc hữu hóa; thứ hai một gói kích cầu bất động sản 50.000 tỷ đồng sắp được tung ra. Cùng lúc báo chí nhà nước đặt nhiều dấu hỏi về tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế tài chính, thì lại nổi bật sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2015 đạt 6,2%.
Khả năng phục hồi mong manh
Trò chuyện với Nam Nguyên trước thềm năm mới Ất Mùi, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từ Hà Nội nhận định rằng, với tình trạng lạm phát ở mức 3%-4% và một chính sách tiền tệ tương đối mở rộng hơn một chút thì có cơ sở để nền kinh tế phần nào phục hồi, nhưng khả năng rất là mong manh, hiện nay nền kinh tế Việt Nam không có mảng nào có thể gọi là có sức để bùng lên. Các lĩnh vực đầu tư nước ngoài như may mặc hay là điện thoại … thì đó là đầu tư nước ngoài là chính, chứ còn đầu tư trong nước chưa thấy triển vọng phục hồi, trong khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, vì không đủ vốn tự có, đi vay với lãi suất 10% trở lên thì doanh nghiệp cũng không thể nào phát triển được. Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: “Tình hình kinh tế Việt Nam chưa ra khỏi tình trạng bế tắc cho nên việc nói sẽ là tăng 6,2% GDP thì những cái đó từ đâu đến. Các chuyên gia nhìn khắp mọi nơi chưa thật sự rõ những nguồn ấy là như thế nào. Nguy hiểm hơn nữa sẽ có những hiệp định thương mại tự do được ký kết, được áp dụng có nghĩa hàng rào thuế quan sẽ bị xóa bỏ. có nghĩa hàng Việt Nam sẽ được xâm nhập trên thị trường thế giới và hàng hóa thế giới sẽ xâm nhập thị trường Việt Nam một cách mạnh hơn. Nhưng mà khổ một nỗi là Việt nam không có hàng để bán cho thế giới, còn thế giới thì ào ạt hàng hóa đủ thứ với chất lượng tốt với giá tốt đi vào Việt Nam như sóng thần. Thế thì doanh nghiệp trong nước có cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu hay không. Doanh nghiệp trong nước có gì để bán ra nước ngoài, tình hình kinh tế Việt Nam rất khó khăn ở chỗ, mình mở cửa cho người ta vào trùng trùng điệp điệp, trong khi người ta mở cửa thị trường cho mình thì mình chẳng có gì để bán.
“Tình hình đó là một vấn đề rất nguy hiểm, nguy cơ Việt Nam sẽ bị hàng hóa nước ngoài, cũng như tài chánh nước ngoài vào Việt Nam đầu tư và phát triển có thể nói là khống chế, hay có thể nói là một cách xâm lược kinh tế đối với Việt Nam. Nguy cơ rõ ràng ở trước mắt.”
Trên Saigon Times Online, ngày 1/2/2015 chuyên gia TS Trần Du Lịch nhận định rằng, nền kinh tế Việt Nam trong năm qua giống như con người ở trong tình trạng ốm không ra ốm mà khỏe không ra khỏe, vẫn cứ ở trong trạng thái mà ông gọi là dầm dừ. Điều TS Trần Du Lịch bày tỏ sự e ngại nhiều nhất là thị trường nội địa, trong bối cảnh quản lý chưa tốt, cách kinh doanh của doanh nghiệp chưa sòng phẳng với nạn hàng gian hàng giả, hàng nhái gia tăng.
Vẫn theo TS Trần Du Lịch và Saigon Times Online, tình trạng hàng lậu qua biên giới, thật giả lẫn lộn đang làm cho doanh nghiệp chân chính trong nước gặp nhiều khó khăn. Vị chuyên gia nêu thí dụ hàng Trung Quốc giả nhãn hiệu Việt Nam có thể tiêu thụ được ngay chính ở thị trường trong nước đang gia tăng ngày càng cao. TS Trần Du Lịch cho rằng đây là trách nhiệm của nhà nước và nếu không giải quyết được vấn đề này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm chết.
Quốc hữu hóa ngân hàng thương mại để ổn định?
Ngày 5/2/2015 báo điện tử Dân Trí đưa tin, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây Dựng với giá 0 đồng. Một ngày trước hôm 4/2/2015, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh nhìn nhận với báo Đầu tư Chứng khoán, việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây Dựng trở thành 100% vốn nhà nước có thể hiểu là trường hợp quốc hữu hóa đầu tiên với một ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Phó Thống Đốc nhấn mạnh là câu chuyện quốc hữu hóa ngân hàng cũng đã được triển khai ở các quốc gia khác trên thế giới.
Nhận định về sự kiện Ngân hàng Xây dựng đã mất hết vốn sở hữu được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, chuyên gia Tài chánh Bùi Kiến Thành phát biểu: Theo tôi, chính sách của nhà nước muốn tránh việc phá sản ngân hàng, muốn tránh sự đổ vỡ dây chuyền xảy ra nếu những người chủ tài khoản ở những ngân hàng yếu kém khác lo sợ. Trong luật của Việt Nam bảo hiểm tiền gởi chỉ có 50 triệu đồng thôi, tức là nếu một ngân hàng phá sản thì tất cả những người chủ tài khoản chỉ được đền bù mỗi người 50 triệu đồng, còn lại có thể nói là mất tất cả, những ai gởi 1 tỷ, 5 tỷ hay 7 tỷ cũng đều bị mất hết. Không hiểu với trường hợp quốc hữu hóa như thế này thì Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm với các chủ tài khoản như thế nào. Nếu không phải là phá sản mà Ngân hàng Nhà nước là sở hữu chủ của ngân hàng ấy thì theo tôi ngân hàng ấy vẫn còn tồn tại trên pháp lý.
Ông Bùi Kiến Thành nói rằng, với tư cách một người quan sát ông chưa thấy sự rõ ràng về khung pháp lý, xử lý rốt ráo về vấn đề này. Ngân hàng Nhà nước là ông chủ mới, nhưng những người chủ cũ có còn trách nhiệm gì không đối với những việc đã qua, thí dụ các khoản nợ xấu chẳng hạn. Và cần chờ xem những quyết định mới từ Ngân hàng Nhà nước về vụ này.
Theo Dân Trí Online, Phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh giải thích là việc quốc hữu hóa VNCB không phải là mục tiêu kinh doanh mà là ổn định chính trị, xã hội. Để ổn định chính trị, xã hội thì phải có tiền trả cho người gửi tiền. VNCB đang ngập trong nợ chưa thể cho sáp nhập vào ngân hàng khác, khi tình hình ổn định Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai việc sáp nhập vào một ngân hàng khác và không loại trừ việc bán VNCB cho một ngân hàng khác để thu hồi vốn nhà nước về. Phó Thống đốc nhấn mạnh, sẽ có những ngân hàng phải phá sản, nhưng trong bối cảnh hiện tại chính phủ chưa muốn một ngân hàng nào phá sản cả.
Một trong những diễn biến tài chính khác diễn ra trước thềm năm mới Ất Mùi, ngày 1/2/2015 Đất Việt Online đưa tin Ngân hàng Nhà nước đang chờ Chính phủ phê duyệt gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ phân khúc nhà ở thương mại. Theo đó lãi suất cho vay sẽ là 7%/ năm kéo dài trong 10 năm, sau đó người vay sẽ chịu lãi suất điều chỉnh theo lãi suất ngân hàng thương mại.
Điểm đáng nói là đề xuất gói 50.000 tỷ được đưa ra trong khi đã có gói 30.000 tỷ kích cầu nhà ở xã hội hết hiệu lực vào 1/6/ 2016. Các chuyên gia cho là gói 30.000 tỷ đã thất bại vì chỉ giải ngân được 1/3 gói, trong đó chỉ có 12.000 hộ gia đình được vay tồng cộng 6.000 tỷ; các công ty bất động sản vay được 4.000 tỷ.
           Nhận định về gói 50.000 tỷ nhằm hỗ trợ nhà ở thương mại, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói rằng gói này kỳ vọng giúp các nhà đầu tư hoàn tất các dự án tạm gọi là phân khúc nhà ở cao cấp và người mua nhà có phương tiện tài chánh. Ông nhấn mạnh: “Như vậy cũng chỉ giải quyết được một phần nào của phân khúc bất động sản đương đóng băng thôi. Chứ không giải quyết được vấn đề bất động sản một cách cơ bản, là mình có sản xuất ra cái mà thị trường cần hay không và sản xuất ra rồi thì thị trường đấy có nguồn tài chính để mua hay không. Ai mua ai có tiền mua, điều này chưa có lời giải, hiện giờ bất động sản chất lượng cao tồn kho rất là lớn, 50.000 tỷ đồng chưa giải quyết được vấn đề gì cho bất động sản cao cấp cả. Có thể nó trở thành những món nợ xấu nữa, tại vì những người sau này đi vay 50.000 tỷ ấy người ta có khả năng hoàn trả nợ hay không. Điều kiện cho vay thời hạn tương đối ngắn lãi suất hơi cao ai có mức thu nhập đủ khả năng vay và hoàn trả vốn; hay là lại có tầng lớp đầu cơ mua đi bán lại khi bán không được thì có khả năng tạo ra nợ xấu nữa. Đây là vấn đề nghiêm trọng Nhà nước cần suy nghĩ tính toán chu đáo.”
Tình hình kinh tế tài chánh của Việt Nam đầu năm 2015 vẫn còn nhiều vướng mắc tồn tại, liệu những người cầm trịch có đủ khả năng gỡ cuộn chỉ rối để ổn định tình hình và thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,2% như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra hay không. Theo các chuyên gia tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế vừa chậm vừa không thực chất, cho nên năm mới Ất Mùi, guồng máy Nhà nước sẽ vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.
N.Ng/Đa chiều
-------------

6 nhận xét:

  1. Trong một báo cáo hồi cuối tháng 1/2015, WB (Ngân Hàng Thế Giới) cho biết Việt Nam xếp thứ nhì trong danh sách đối tác vay vốn của ngân hàng này về tham nhũng. Với 189 khiếu nại về tham nhũng, Việt Nam chỉ xếp sau Ấn Độ, với 306 khiếu nại. Số vốn liên quan tới các khiếu nại này tại Việt Nam lên đến 11,3 tỷ đôla, theo WB.
    Các lĩnh vực có khiếu nại bao gồm giao thông vận tải, thông tin truyền thông, nông nghiệp, cấp nước, năng lượng.

    Trả lờiXóa
  2. Kinh tế Việt Nam ngoài gia công ra thì có cái gì mà lo.
    Cây kim,sợi chỉ,trứng gà,trứng cút,hạt lúa,hạt gạo mà giá trị của nó có hơn nửa là nhập khẩu....thử tính kĩ chút đi,có đúng như mình đưa ra đây ?
    Xưa mấy thầy chính ủy nói,không được tham ô đến cây kim sợi chỉ của DÂN,nó sẽ ảnh hưởng cả phong trào cách mạng thế giới...nghe vô lí,nhưng ngẫm lại có lí quá.
    Do vậy nói nguy cơ kinh tế VN năm nay là nói trạng,hơn trăm năm qua nó vẫn cứ như thế,hơn mười năm qua dù đổi đủ kiếu mới và tư duy...nhưng nó cứ vừa đủ ăn qua bữa.Làm bất chết mà có dư xu nào đâu,năm nào tháng nào cũng hụt,nói là mất cân đối thu chi.Hổng biết ai bày,nó mua búa xua làm giá USD,vàng tăng vù vù,nhập về toàn thứ bỏ vào kho,xịt thuốc bảo quản rồi vài năm lại đem chôn hoặc đốt,gọi là tiêu hủy,đứa nào gian thì nó cho xăng vào rồi rình đốt,chữa kiểu gì cho kịp...
    Đất trống,người chơi không,nước thì không thiếu lắm,hạt giống mua là có....nhưng nhập tất tần tật từ bông,ngô,bắp,sợi thuốc lá,thịt bò úc,đường,dầu ăn....đến cái võ chai bao bì....
    Do vậy sống như hiện nay là còn quá tốt,không thể tốt hơn,điều hành chỉ huy của các ngành là quá giỏi...nguy cơ là chuyện thường thường,sau khi chết sẽ tính đến phát triển.
    Xứ người giàu sụ,mà nay nó trả công cho ai vay để đầu tư sản xuất,không thì chết.
    Còn cái xứ cựa là trấn là lột bao nhiêu cũng tốt,đủ tiền đi chợ cũng xong....sợ gì nguy cơ,suy thoái.
    Cứ ngoại tình,đẻ toàn con rơi,nó sợ gì mà không vứt của,nay không quốc doanh hả,bố mẹ tha cho à...Cả làng đòi tống cổ một thằng vừa chủ tịch vừa tổng giám đốc cái sàn cờ bạc đỏ xanh vàng,nhưng không tống được vì lưởi câu nó móc sâu quá,ai chết kệ thât,nguy cơ chả là gì hại chúng.
    Thôi tạm biệt,đề tài nóng,nhưng nói sao hết.
    Em Hà,An Giang.

    Trả lờiXóa
  3. Cha muon noi ve cai nen kinh te nay nua, Chet thi khong chet quach di, cu dat deo mai cung voi su nhan nai va cam chiu duong nhu vo han cua nguoi dan VN

    Trả lờiXóa
  4. Cái vụ " tăng trưởng " kiểu VN này ở nhiều nước cũng có , ngay cả các nước thành viên EU cũng có , chính phủ thông báo rằng tất cả mọi vấn đề liên quan đến kinh tế của đất nước đều + ( dương ) ! Vậy mà vẫn đi vay vài tỷ E để vá vào lỗ hổng ngân sách . Cái khoản 6,2% này chắc cũng thuộc diện " vác rá " của chính phủ để báo cáo , đơn giản là họ muốn gửi thông điệp đến người dân rằng dưới sự lãnh đạo của chúng tôi , kinh tế đất nước vẫn " ổn định " và tăng trưởng !

    Trả lờiXóa
  5. Sức lao động của người dân và tài nguyên VN bị lãnh đạo Đảng nhà nước bán đổ bán tháo với giá rất rẻ mạt; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng; nơ nước ngoài và nợ xấu quá lớn...
    Nên xét đầy đủ về tính tòan diện thì " tăng trưởng " kiểu VN thưc chất là tăng trưởng âm
    Tư cao tư đại, tự mãn, tư sướng, lòng tham, đôc tài là bênh trầm kha bất biến của Đảng

    Trả lờiXóa
  6. Việt nam khi bàn đến chuyện kinh tế thì có gì mà nói, theo tôi cái kinh tế mà không có nền gọi là nền kinh tế thì làm cái nổi gì, năm nào cũng tuyên bố đủ thứ, nhưng cuối cùng thì cũng chẳng có cái gì , tình trạng thất nghiệp trầm trọng vì có sản xuất đâu, chỉ toàn là nhập và nhâp siêu.Nói tóm lại cái nền không có thì làm gì có cái nhà

    Trả lờiXóa