Trang BVB1

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Mỹ-Ấn liên kết đối Trung

Tháng 11-2014, tổng thống Mỹ đánh tiếng: Hoa Kỳ  "ước vọng Ấn Độ đóng vai trò quan trọng hơn tại Châu Á Thái Bình dương". Chuyến viếng thăm New Dehli ngày 26 và 27-01 vừa qua của Barack Obama được xem là một bước tiến cụ thể trong chiến lược "chuyển trục" mà ông đã trình bày vào năm 2010. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ thăm Ấn Độ đến hai lần trong nhiệm kỳ và làm khách mời danh dự Ngày lễ kỷ niệm khai sinh nền Cộng hòa.

Theo giới phân tích quốc tế, Hoa Kỳ đã nhiều năm bỏ rơi mối quan hệ Washington-New Delhi. Trong hàng chục năm, Mỹ tập trung đầu tư kinh tế, chính trị vun bồi quan hệ với Trung Quốc. Giờ đây, Tổng thống Obama tìm cách lấy lại thời gian đã mất sau khi nhận thức Trung Quốc là mối nguy còn Ấn Độ mới là một trụ cột trong chiến lược bảo vệ hòa bình tại Châu Á Thái Bình dương.
Chiến lược này nhằm đối đầu với nguy cơ xâm lấn của chế độ cộng sản Trung Quốc : Trên biển lấn áp Nhật Bản ở Hoa đông và nhiều nước Đông Nam Á ở biển Đông; trên bộ đe dọa biên giới tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của Ấn Độ.
Đón tiếp lãnh đạo hành pháp Mỹ ngày Chủ nhật 25.01 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không tiếc lời khen ngợi khách mời danh dự : Quan hệ hai nước chúng ta được nâng lên một vị trí mới. Tình thân hữu không những kết nối Washington-NewDelhi mà còn thắt chặt quan hệ nhân dân hai nước.
Chuyên gia địa chiến lược Nam Á, Alyssa Ayres, của Council Foreign Relation, nguyên là cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định " Thủ tướng Ấn đã sẵn sàn lật qua trang sử phi liên kết… không sợ phải xác định lập trường thân với Mỹ ".
Hai cường quốc dân chủ lớn nhất thế giới có cùng quyền lợi chung là ngăn chận thế mạnh của Trung Quốc tại châu Á. Bà Tanvi Madan , thuộc viện nghiên cứu Brookings, cho biết, Ấn độ rất ngại để hình thành một trục « G2 », trục Mỹ -Trung Quốc vì kinh tế hai cường quốc này lệ thuộc chặt chẽ vào nhau. New Delhi cũng lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc mỗi ngày mỗi lan rộng trong 5 năm gần đây tiến sát nách Ấn Độ, đặc biệt là ở Sri Lanka.
Bắc Kinh và Matxcơva tố cáo Mỹ lôi kéo Ấn Độ vào liên minh bao vây Trung Quốc và cô lập Nga. Bắc Kinh, qua Hoàn Cầu Thời Báo, kêu gọi Ấn Độ đừng rơi vào bẫy của Mỹ. Đầu năm 2015, khi thấy Washington tiến gần với New Delhi, đài Tiếng nói nước Nga nhận định nỗ lực của Mỹ phát huy ảnh hưởng tại Ấn Độ " sẽ bị thất bại ".
Câu hỏi đặt ra là Mỹ -Ấn có thật sự  " đồng cảm "  trước chính sách bành trướng của Trung Quốc hay không ? Trung Quốc đã đụng chạm đến quyền lợi cốt lõi của Ấn Độ như thế nào ? Tại sao Ấn Độ phải ngã theo Hoa Kỳ và để được gì ?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Virginia, Hoa Kỳ sẽ phân tích trong phần phỏng vấn sau đây :
RFI : Thưa giáo sư Ngô Vĩnh Long, tổng kết chuyến đi của tổng thống Mỹ Obama nếu có một sự kiện biểu tượng nào cho phép dự báo Trung Quốc là trọng tâm của chiến lược hợp tác an ninh Mỹ-Ấn ?
GS Ngô Vĩnh Long : Tờ The New York Times ngày 26 tháng Giêng có một bài chi tiết tổng kết chuyến đi của Tổng Thống Obama. Đoạn đầu của bài này cho biết rằng mặc dầu trong 3 ngày viếng thăm Ấn Độ Tổng thống Obama có đem theo một danh sách dài các vấn đề cần trao đổi với Thủ Tướng Narenda Modi, khi hai lãnh tụ nầy ngồi xuống để nói chuyện thì 45 phút đầu hoàn toàn tập trung vào vấn đề Trung Quốc.
RFI: Ấn độ của Narendra Modi theo đuổi chính sách ngoại giao và quốc phòng như thế nào, có phù hợp với tính toán của Mỹ ?
GS Ngô Vĩnh Long: Cũng theo bài trong tờ New York Times tôi vừa mới trích, Tổng thống Obama và các trợ lý của ông rất ngạc nhiên là các phân tích và đánh giá của Thủ tướng Modi về sự trỗi dậy của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với các vấn đề chiến lược lớn ở Đông Á đều rất phù hợp với các phân tích và đánh giá của Mỹ.
Để ngăn ngừa các hoạt động của Trung Quốc trong việc phát triển ảnh hưởng trên toàn khu vực, Thủ tướng Modi đã đồng ý với hàng loạt các hoạt động chung với Mỹ. Trong đó có việc ký một bản tuyên bố chung về sự quan trọng của việc bảo vệ an ninh trên biển cả và tự do hàng hải và hàng không trong toàn khu vực, đặc biệt là trong khu vực Biển Đông. Tức là hai bên chỉ trích Trung Quốc đã gây hấn trên biển cả và trên không ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ngoài ra ông Modi còn đề nghị việc tái thiết lập mạng lưới an ninh gồm có Mỹ, Ấn độ, Nhật, và Úc cũng như việc Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương để Ấn Độ có thể giúp cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực nầy.
Theo các nhà phân tích, trong quá khứ Ấn độ đã cố gắng đeo đuổi một chính sách ngoại giao và quốc phòng trung lập và không muốn quá gần gũi với Mỹ gì sợ làm cho Trung Quốc nổi giận. Nhưng Thủ tướng Modi đã đi đến kết luận là càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng làm tới. Do đó ông đã tìm cách nâng quan hệ với Mỹ từ một đối tác chiến lược trong khu vực thành một đối tác chiến lược toàn diện trên thế giới.
RFI: Có phải Modi đã tác động đến bầu cử tổng thống Sri Lanka ngày 8/01 vừa qua giúp đối lập đánh bại đương kim Tổng thống Rajapakse thân Trung Quốc ?
GS Ngô Vĩnh Long: Theo một bài của hãng thông tấn Reuters ngày 18 tháng Giêng năm 2015 và một bài tường thuật trong tờ Chủ nhật Thời báo (Sunday Times) của Sri Lanka ngày 28 tháng 12 năm 2014 thì một điệp viên của Ấn độ đã bị trục xuất khỏi Colombo vì bị vì tố cáo là đã giúp phe đối lập. Điệp viên này bị tố cáo là đã liên hệ với các nhóm đối lập để xúi dục họ đồng ý ủng hộ một ứng cử viên đối lập chung là ông Maithripala Sirisena sau khi đã thuyết phục ông này từ chức bộ trưởng trong nội các của Tổng Thống Mahinda Rajapaksa.
Nhưng sau khi bị thất cử ngày 8 tháng Giêng năm 2015 thì chính ông Rajapaksa đã trả lời Reuters là ông ta không biết sự thật về việc nầy như thế nào cho nên không dám nghi ngờ ai vì chưa có đầy đủ thông tin. Nếu điệp viên nầy thật sự có những hành động như bị tố cáo đi nữa thì người ta cũng khó có thể quả quyết là chính Thủ tướng Modi đã tác động đến bầu cử tổng thống của Sri Lanka.
Có một đều rõ ràng là Ấn độ đã ngạc nhiên và giận dữ sau khi tàu ngầm của Trung Quốc đã hai lần cặp bến ở cảng Colombo mà chính quyền Rajapaksa không thông báo cho Ấn độ theo qui định của hiệp ước về biển giữa hai nước. Do đó, chính Thủ tướng Modi đã cảnh giác Rajapaksa về việc nầy khi hai người gặp nhau ở New York sau đó vì Modi cho là Rajapaksa đã đi quá mức trong quan hệ với Trung Quốc.
Từ khi Rajapaksa lên làm tổng thống năm 2005 ông ta đã sang thăm Trung Quốc 7 lần. Từ năm 2005-2012 Trung Quốc viện trợ cho Sri Lanka 4,8 tỷ Mỹ kim, trong đó 98% phần trăm là cho vay nhẹ lãi và 2% là viện trợ không hoàn lại. Ngược lại, 1/3 của 1,6 tỷ Mỹ kim viện trợ của Ấn Độ cho Sri Lanka trong cùng thời gian là không hoàn lại.
Trong thập kỷ vừa qua Ấn độ từ chối không viện trợ vũ khí cho Sri Lanka. Ngược lại, từ năm 2005 Trung Quốc đã cung cấp vũ khí ồ ạt cho quân đội của Sri Lanka. Theo các ước tính bảo thủ thì hơn 60% của tất cả các vũ khí của không quân và bộ binh của Sri Lanka là do Trung Quốc cung cấp.
Trong hai năm 2012-2014 Trung Quốc đã viện trợ cho Sri Lanka hơn 2,2 tỷ Mỹ kim dưới hình thức cho vay dài hạn để xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có sân bay và cảng. Việc nầy làm nhiều người Sri Lanka sợ rằng nếu chính quyền của họ không trả những khoản nợ to lớn như thế được thì Trung Quốc có thể thực thụ trở thành chủ các công trình rất quan trọng trên đất nước của họ.
Một ví dụ mà các đối thủ của Rajapaksa thường đề cập đến là đề án phát triển cảng ở thành phố miền nam tên là Hambantota mà Trung Quốc đã cho vay hơn 1,1 tỷ Mỹ kim. Vấn đề quan trọng ở đây là khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Sri Lanka vào tháng 9 năm 2014 ông ta đã ký một hợp đồng gọi là “cung cấp-điều hành-chuyển nhượng” (supply-operate-transfer agreement) trong đó có hợp đồng cho một công ty Trung Quốc thuê trong thời gian 35 năm 4 trong 7 bến đậu tàu chở containers ở cảng Hambantota. Cảng nầy chỉ cách một trong những đường chuyên chở trên biển bận rộn nhất trên thế giới vài hải lý. Chỉ tính riêng tàu chở dầu thì mỗi năm có hơn 4000 chiếc qua khu vực nầy.
Trong năm 2014 cảng Hambantota là nơi một tàu ngầm và một chiến hạm của Trung Quốc đã cập bến vì chính quyền Colombo đã chính thức ủng hộ cái gọi là “Con đường Tơ Lụa Thế kỷ thứ 21” của Trung Quốc bằng cách phát triển các cảng ở Colombo và Hambantota để kết nối.
Tháng 9 năm 2014 Bắc Kinh và Colombo đã công bố việc thiết lập một “ Ủy ban Hợp tác Song phương dọc biển và trên biển ” (Joint Committee on Coastal and Marine Cooperation) mà các hoạt động được đề cập đến trong các lãnh vực đã rõ ràng làm cho Ấn Độ lo ngại.
Sự lo ngại của Ấn độ và của cử tri Sri Lanka có thể có trùng hợp. Và Ấn Độ chắc đã thở phào khi Sirisensa được bầu làm tổng thống. Nhưng ta khó có thể biết Modi đã có tác động gì trong việc giúp các phe đối lập đánh bại Rajapaksa. Trong khi đó thì với Sri Lanka nợ Trung Quốc rất lớn như đã đề cập, việc thay đổi tổng thống cũng chưa chắc có thể sẽ giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc một cách khả quan.
RFI: Báo đảng ở Trung Quốc cho rằng Mỹ " dụ " Ấn Độ. Hư thực ra sao ? Theo giáo sư, tại sao Ấn phải theo Mỹ, nếu có, để được lợi gì. Ngược lại sẽ bị thiệt gì ?
GS Ngô Vĩnh Long: Ấn Độ là nước có nền dân chủ lớn nhất thế giới; và Mỹ là nước dân chủ lớn thứ hai. Hai nước có nhiều điểm rất giống nhau. Đáng lẽ tương đồng thì phải tương thân.
Nhưng từ sau Đệ nhị Thế chiến Mỹ đã lơ là đối với Ấn độ, một phần vì Ấn độ cố gắng giữ địa vị một nước trung lập và không liên kết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó Mỹ đã lần lượt đầu tư rất lớn để giúp các nước ở Châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc phát triển. Sự phát triển của Trung Quốc, thay vì giúp củng cố an ninh ở Châu Á đã làm cho Trung Quốc muốn thành bá chủ ở đây - hay ít nhất là thách đố Mỹ và đe dọa các nước láng giềng.
Các cuộc gây hấn của Trung Quốc dọc biên giới Ấn-Trung cũng như trên vùng biển Đông Hải (Điếu Ngư là một ví dụ) và Nam Hải (Biển Đông) đã làm cho Mỹ và nhiều nước trong khu vực - trong đó có Việt Nam, Philippines, Nhật và Ấn Độ - lo ngại là không những khu vực mất an ninh mà một cuộc chiến lớn có thể xảy ra.
Do đó, Mỹ đã đưa ra một chính sách gọi là “ hòa tấu của các nền dân chủ ” (concert of democracies) để “ dụ ” các nước dân chủ trong khu vực Châu Á tập hợp lại để phòng ngừa - nhưng chưa có thể nói là ngăn ngừa - những bất ổn định mà Trung Quốc gây ra.
Chính sách nầy từ năm 2012 được gọi là “ xoay trục ” (pivot) và sau đó được đổi tên lại là “ tái cân bằng ” (rebalance) trở về Á Châu. Chính sách nầy cũng có nhiều điểm tương đồng với chính sách “ Hành động ở phía Đông ” (Act East) của Ấn Độ và do đó thật ra hai nước đã xích lại ngày càng gần trong những năm qua.
Nhưng việc Trung Quốc tăng cường hoạt động trong năm 2014 trên các vùng biên giới với Ấn Độ và đặc biệt là các cuộc tuần tra với những tàu ngầm nguyên tử trong eo biển Bengal mà Ấn Độ cho đó là khu vực chiến lược trong sân sau (strategic backyard) của Ấn Độ là làm cho Ấn Độ quyết định thắt chặt mối quan hệ với Mỹ. Đối với Ấn Độ sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á giúp tạo ổn định, giải quyết các tranh chấp bằng đường lối hòa bình, cũng như phát triển thương mại.
Trong khi đang thăm Ấn độ Tổng thống Obama đề cập đến việc tăng cường thương mại song phương. Ông nói là hiện nay Mỹ có mậu dịch khoảng 100 tỷ Mỹ kim với Ấn Độ, trong khi Trung Quốc có mậu dịch khoảng 560 tỷ Mỹ kim với Ấn Độ. Obama nói rằng chính phủ của ông đã quyết định tăng mậu dịch với Ấn Độ đến 500 tỷ Mỹ kim mỗi năm, trong đó có việc Mỹ sẽ bán thêm vũ khí cho Ấn Độ.
Từ sau khi Tổng thống Bush thăm Ấn độ năm 2005 Mỹ đã bán khoảng 10 tỷ Mỹ kim vũ khí cho Ấn Độ, với thêm khoảng 7 tỷ Mỹ kim đang được cung cấp. Đến năm 2013 Mỹ đã vượt Nga để trở thành nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn độ.
Với việc nâng cấp quan hệ song phương trong chuyến thăm của Tổng thống Obama, hợp tác quốc phòng giữa hai nước có thể cũng sẽ ngày càng được củng cố và phát triển. Việc nầy chỉ có thể có lợi hơn cho Ấn Độ, một là vì Ấn Độ tự mình không có khả năng phát triển kỷ nghệ quốc phòng để đương đầu với Trung Quốc và hai là vì quan hệ với Mỹ cũng có thể làm cho Trung Quốc phần nào phải e dè trong việc đe dọa Ấn độ.
RFI: Thủ tướng Modi không dấu lòng khâm phục Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe cũng có chiến lược " kim cương " phối hợp các nền dân chủ trong vùng gồm Mỹ-Nhật-Úc -Ấn. Ngã theo chiến lược " chuyển trục " của Mỹ , liệu New Delhi sẽ bị trói tay hay ngược lại sẽ có thêm cơ hội, thêm đồng minh, đối tác trong khu vực ?
GS Ngô Vĩnh Long: Phát triển quan hệ với Mỹ cũng giúp Ấn Độ phát triển quan hệ với các đồng minh của Mỹ như Nhật. Theo các báo của Ấn độ ngày 29 tháng Giêng năm 2015 thì vừa qua Ấn Độ đã đề nghị Nhật đóng 6 chiếc tàu ngầm với một xưởng đóng tàu của Ấn Độ. Sáu chiếc tàu ngầm nầy là loại Soryu chế tạo bởi Mitsubishi và công ty đóng tàu Kawasaki với giá thành khoảng trên 8 tỷ Mỹ kim và sẽ mang nhãn hiệu “ Made in India” . Không biết đề nghị nầy rốt cuộc có thành tựu hay không, nhưng nó cho biết kết quả của chuyến Modi đi thăm Thủ tướng Nhật Shinzo Abe năm 2014 và sự hợp tác ngày càng gần gủi giữa Ấn Độ và Nhật.
Hơn 70% của tất cả các cung cấp năng lượng chất lỏng của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương. Do đó vùng nầy rất quan trọng đối với an ninh của Ấn Độ. Nhật là một đối tác -có thể nói là một đồng minh -của Ấn Độ và Nhật đang thiết lập một tiền đồn thường trực chống cướp biển ở Djibuoti (Dibouti).
Nhật cũng là nước chuyên chở những khối lượng khí đốt và dầu thô khổng lồ từ miền Trung Đông qua Ấn Độ Dương về đến Nhật. Do đó, an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương đến Biển Á-rập và Eo Biển Bengal là việc tối quan trọng đối với Nhật cũng như các đồng minh của Nhật. Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Nhật cũng như của Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nước khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, Mỹ có trách nhiệm bảo vệ các đồng minh nầy cũng như bảo vệ quyền lợi của chính mình và an ninh chung của thế giới trên biển.
RFI: Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc kêu gọi New Delhi đừng rơi vào bẩy của Mỹ. Đài " Tiếng nói nước Nga " dự báo trước là " âm mưu của Mỹ  " kéo Ấn Độ vào chiến lược " bao vây Trung Quốc , cô lập Nga " sẽ thất bại. Ý kiến của giáo sư như thế nào ?
GS Ngô Vĩnh Long: Không phải Mỹ đang bẫy Ấn Độ, mà như tôi đã trình bày phía trên, Ấn Độ đã thấy không có cách nào khác để đương đầu với sự đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc nếu không có sự trợ giúp của Mỹ.
Thật ra Ấn Độ muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc và chính Modi, sau khi được bầu làm thủ tướng, có ý định sang thăm Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ thấy là càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn nên Ấn Độ quyết định tăng cường quan hệ với Mỹ để bảo vệ an ninh của chính mình.
Mỹ là nước có quan hệ cộng sinh với Trung Quốc và cũng muốn có an ninh cho toàn khu vực để có thể cùng phát triển. Chính Trung Quốc đã gây hấn với hầu hết các nước láng giềng và thách thức Mỹ để có thể trở thành bá chủ trong khu vực. Do đó chính Trung Quốc tự cô lập mình chứ không phải Mỹ có chiến lược bao vây Trung Quốc.
Chính sách “ xoay trục ” hay “ tái cân bằng ” của Mỹ, như đã đề cập, chỉ là để phòng ngừa chiến tranh có thể xảy ra vì các hành động quá khích và quá lố của Trung Quốc -chứ chưa phải ngăn ngừa Trung Quốc. Một ví dụ của sự quá khích của Trung Quốc là ngày 5 tháng 2 năm 2015 phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Đại tá Yang Yujun, tuyên bố rằng các cuộc tập trận trong năm nay là để “ phát triển các khả năng đánh thắng các chiến tranh khu vực ”  theo sự chỉ đạo của Tập Cận Bình.

Còn Nga kéo phe với Trung Quốc, sau những hành động gây mất an ninh ở khu vực Ukraine, thì chính Nga cũng đã tự cô lập mình.
---------------

3 nhận xét:

  1. Phùng xôi thịt : "Không biết tuyên truyền thế nào mà cả Mỹ và Ấn Độ đều ghét Trung Cộng,điều này thật nguy hiểm.Đề nghị đảng và nhà nước tuyên truyền cho Mỹ,Ấn hiểu,không được đi chệch hướng"

    Trả lờiXóa
  2. Về việc công dân nước ngoài nhập cư vào Mỹ.
    Câu hỏi số 10 trên mẫu đơn N-400 xin gia nhập quốc tịch (Form N-400 – Petition for naturalization) là câu hỏi nhạy cảm với nhiều người đến từ Việt Nam hay Trung Quốc: “Quý vị có bao giờ từng là thành viên hay có bất kỳ mối liên hệ (trực tiếp hay gián tiếp) với a) đảng cộng sản, b) Bất kỳ đảng độc tài nào khác, và c) Một tổ chức khủng bố?”
    Mẫu đơn nhập tịch khiến cho cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ tin rằng có một luật bất thành văn trong thủ tục nhập quốc tịch Mỹ, đó là đảng viên đảng cộng sản hay những ai có một mối liên hệ với đảng cộng sản sẽ không được cho phép trở thành công dân Mỹ. Một số đảng viên và con cái của đảng viên đảng cộng sản VN sang Mỹ sinh sống và định cư đang làm dư lận quan tâm.
    Việc một người đã từng là đảng viên của đảng cộng sản hay có một sự liên hệ (gián tiếp hoặc trực tiếp) với nó đều có thể bị xem là không gắn kết được với các nguyên tắc giá trị của Hiến pháp Mỹ nếu họ xin gia nhập quốc tịch Mỹ.
    Ngoài ra, việc một người là đảng viên đảng cộng sản hay những đảng phái độc tài khác, hay tham gia những tổ chức khủng bố cũng có thể là cơ sở để nghi ngờ tư cách đạo đức, động cơ họ xin lưu trú tại nước Mỹ, và cũng là có thể đủ để chính phủ Mỹ tiến hành thủ tục trục xuất đối với họ.
    Theo Bộ An ninh Nội địa và Cơ Quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (U.S. Immigration and Naturalization Service – Department of Homeland Security) một người nếu là đảng viên đảng cộng sản hay có liên hệ với đảng cộng sản trong vòng 10 năm trước ngày nộp đơn và cho đến ngày tuyên thệ gia nhập quốc tịch thì sẽ không được nhập quốc tịch Mỹ.

    Tuy nhiên điều luật này có thể được miễn trừ nếu người xin nhập quốc tịch chứng minh được, bao gồm những điều sau đây nhưng không phải nhất thiết là tất cả: (1) việc họ tham gia đảng cộng sản hay mối liên hệ với nó là việc không tự nguyện, (2) khi tham gia họ không có sự nhận thức về mục đích của tổ chức của đảng cộng sản và khi có nhận thức về điều đó họ đã chấm dứt quan hệ với tổ chức, (3) họ đã chấm dứt quan hệ với đảng cộng sản trước năm 16 tuổi, (4) họ tham gia đảng cộng sản vì đó là sự bắt buộc phải chấp hành theo quy trình pháp luật, (5) họ tham gia đảng cộng sản vì những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như để có được việc làm, được phân phối thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác, và (6) họ đã không còn là đảng viên đảng cộng sản trên 10 năm.
    Nhưng đã là công dân Hoa Kỳ lại có quyền gia nhập Đảng Cộng Sản Mỹ, đảng đang được phép hoạt động tự do, hiện đang có trên dưới 1.000 đảng viên. Vì đảng này hoàn toàn bác bỏ các luận điệu sai lầm cùa Marx - CNTB đã tạo điều kiện cho giai cấp vô sản trước đây nay cũng có thể "vươn lên tầm cao mới" là làm ông chủ tư bản. Bên cạnh đó, Đảng Cộng Sản Mỹ đánh giá cao các đảng khác (Dân Chủ, Cộng Hoà), cũng như chấp nhận "đảng ta" (ĐCS Mỹ) có vai trò bổ sung thế chế tự do Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
    (Xin lưu ý, đừng viết nhầm Hiệp Chủng Quốc).

    Trả lờiXóa
  3. Mỹ và Trung Quốc đều là sư phụ quấy phá các quốc gia.
    Bụng dạ thì nước nào cũng căm phẩn ,nhưng chả dại đụng đến chúng.
    Hổng bắt tay ôm hôn thắm thiết thì ném mùi đại bác như chơi,cứ bắt tay tránh hoạn nạn thì tốt chứ sao.
    Hiệp chúng quốc của các bạn rất tốt vì bạn chưa nếm mùi,còn các vị đã ném mùi thì phần lớn lên thiên đàng,người xuống cõi âm,người thì vất vưởng khóc than "sầu viễn xứ", hay " một mình " cho qua ngày tháng.
    Xưa nay chơi với " CỌP " mấy ai sống sót.Ai sống sót vì họ biết xa một đoạn an toàn ,chạy cho kịp .
    Khi các loài " CỌP " đấu nhau giành mồi,thì phải lạng lách mà tránh thôi,xấu hỗ gì đâu.
    Cộng sản quá tệ,tệ đến nỗi không ai chịu làm nô lệ cả,sống hơi bị phây phây,nông dân thì đùng phát thành chủ .Còn Tư bản thì quá tốt, nghèo thì ở ống cống cho mát,vào siêu thị xin ăn theo chương trình miễn phí,nước nào không nghe thì ông đưa đại bác xe tăng qua giải phóng nhân quyền.
    Cac Marx hơi sai lầm khi viết tư bản luận,do vậy khiến ai cũng khâm phục,cả nhà tư bản to hiện nay cũng gối đầu giường để vẫn mãi là tư bản đấy.
    Giá trị thăng dư và làm sao để giá trị thặng dư tăng đều đều...vẫn là bài học mà MARX để lại đời sau.Ai hổng biết thì đói ráng chịu,nước mạt dần thì đổ và chịu khó làm gia công cho các nhà tư bản thôi.
    Phong kiến và tư bản nó tồn tại thì ráng chịu chứ nói nó tốt thì chưa có.
    Công Sơn

    Trả lờiXóa